Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

Quyền con người ( Phần II )

THỨ TƯ, NGÀY 28 THÁNG BẢY NĂM 2010

QUYỀN CON NGƯỜI (PHẦN II)

Phần tiếp theo trong tiểu luận của Ayn Rand, “Quyền con người”- “Man’s Rights”. Ngôn từ triết học có nhiều chỗ dài dòng và khó hiểu, độc giả có thể đọc kỹ, đọc lướt, hoặc bỏ qua không đọc tiểu luận này. Với cá nhân tôi, những câu sau đây là đáng chú ý nhất:

Tự do ngôn luận của công dân bao gồm cả quyền không đồng ý, không nghe…”,

Mỗi chính quyền đều có khả năng trở thành mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với quyền con người: nó giữ địa vị độc quyền hợp pháp trong việc sử dụng vũ lực nhằm vào các nạn nhân không hề được vũ trang, theo quy định của pháp luật. Khi không chịu giới hạn và hạn chế nào bởi các quyền cá nhân, chính quyền là kẻ thù nguy hiểm số một của con người. Tuyên ngôn Nhân quyền được viết ra không phải là để bảo vệ người ta trước các hành động của tư nhân, mà là để chống các hành động của chính phủ”.


* * *

QUYỀN CON NGƯỜI (phần 2)

- Ayn Rand -

Hãy quan sát thực trạng kỳ lạ, là chưa bao giờ trên khắp thế giới bùng nổ đến thế hai hiện tượng trái ngược nhau: các “quyền” mới được tạo thêm ra và các trại cưỡng bức lao động.

“Chiêu bài” ở đây là hoán đổi khái niệm quyền từ địa hạt chính trị sang địa hạt kinh tế.

Cương lĩnh năm 1960 của Đảng Dân chủ Mỹ tóm tắt quá trình hoán đổi này một cách thẳng thừng và rõ ràng. Cương lĩnh tuyên bố rằng chính quyền thuộc Đảng Dân chủ “sẽ tái khẳng định đạo luật về quyền kinh tế mà Franklin Roosevelt từng ghi vào lương tâm quốc gia của chúng ta 16 năm về trước”.

Hãy nắm thật vững ý nghĩa của khái niệm “quyền” khi bạn đọc danh sách các quyền mà cương lĩnh đó đưa ra:

“1. Quyền làm một công việc hữu ích và được trả công, trong các ngành sản xuất hay thương mại, trên nông trang hay trong hầm mỏ của quốc gia.

2. Quyền tìm kiếm thu nhập để cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm, quần áo và phương tiện giải trí.

3. Quyền của mọi nông dân nuôi trồng và bán sản phẩm của mình để có doanh thu chu cấp cho mình và gia đình.

4. Quyền của mọi doanh nhân lớn và nhỏ được tự do kinh doanh, không bị cạnh tranh không lành mạnh, không phải chịu sự khống chế của các nhà độc quyền trong nước và nước ngoài.

5. Quyền của mọi gia đình được có nhà ở tử tế.

6. Quyền được chăm sóc y tế thích đáng, cơ hội được thụ hưởng chăm sóc sức khỏe tốt.

7. Quyền được bảo vệ một cách phù hợp khỏi những vấn đề về tuổi già, ốm đau, tai nạn và thất nghiệp.

8. Quyền hưởng một nền giáo dục tốt”.

Đặt thêm một câu hỏi vào sau mỗi trong số 8 mệnh đề trên, ta sẽ thấy rõ vấn đề: … với cái giá do ai trả?

Công việc, lương thực thực phẩm, quần áo, phương tiện giải trí (!), nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục, v.v. không tự nhiên mọc ra. Chúng là những giá trị nhân tạo - hàng hóa và dịch vụ do con người sản xuất. Ai cung cấp chúng?

Nếu một số người được trao quyền đối với sản phẩm do những người khác làm ra, thì có nghĩa là những người khác kia bị tước mất quyền và bị cưỡng bức lao động.

Bất kỳ “quyền” được viện dẫn nào của một cá nhân, mà đưa đến sự vi phạm quyền của cá nhân khác, đều không phải là và không thể là một quyền.

Không ai có quyền áp đặt một nghĩa vụ không lựa chọn, một nhiệm vụ không được trả công lên người khác, hay ép người khác phải quy phục. Không có cái gọi là “quyền nô dịch”.

Quyền của một người không liên quan đến hành động của những người khác thực thi quyền đó; nó chỉ liên quan đến việc chủ thể được tự do thực thi quyền bằng nỗ lực riêng mình.

Vì vậy, hãy nhìn nhận sự sáng suốt của các vị Tổ khai quốc: họ nói về quyền mưu cầu hạnh phúc – chứ không phải về quyền hạnh phúc. Như thế nghĩa là một cá nhân có quyền làm những gì cá nhân đó coi là cần thiết để đạt được hạnh phúc; chứ không có nghĩa là những người khác phải làm cho cá nhân đó hạnh phúc.

Quyền sống nghĩa là cá nhân có quyền nuôi sống mình bằng công việc của chính mình (ở bất cứ trình độ kinh tế nào, ở mức khả năng cá nhân cho phép); chứ không có nghĩa là những người khác phải cung cấp cho cá nhân đó các thứ cần để sống.

Quyền sở hữu nghĩa là cá nhân có quyền tiến hành các hoạt động kinh tế cần thiết để tìm kiếm, sử dụng và định đoạt tài sản; không có nghĩa là những người khác phải mang tài sản đến cho cá nhân đó.

Quyền tự do ngôn luận nghĩa là cá nhân có quyền thể hiện/ trình bày ý kiến mà không có nguy cơ bị đàn áp, can thiệp hay phải chịu sự trừng phạt của chính phủ. Quyền này không có nghĩa là những người khác phải cung cấp cho cá nhân khán phòng, đài phát thanh hay tòa báo để thông qua đó thể hiện/ trình bày ý kiến của cá nhân đó.

Bất kỳ công việc nào liên quan tới nhiều hơn một người đều đòi hỏi sự đồng ý tự nguyện của tất cả các bên tham gia. Mỗi người trong số họ có quyền ra quyết định riêng, nhưng không ai có quyền áp đặt quyết định của mình lên người khác.

Không có cái gọi là “quyền làm một công việc” – chỉ có quyền tự do trao đổi, tức là: quyền của cá nhân có một công việc nếu được người khác chọn thuê. Không có “quyền có nhà ở”, chỉ có quyền tự do trao đổi: quyền xây một căn nhà hoặc mua nhà. Không có “quyền được trả lương, trả giá công bằng” nếu không ai muốn trả, muốn thuê mướn một cá nhân hay mua sản phẩm của cá nhân đó. Không có “quyền của người tiêu dùng” mua sữa, giày, phim ảnh hay rượu sân banh nếu không nhà sản xuất nào lựa chọn sản xuất những mặt hàng đó (chỉ có quyền sản xuất của nhà sản xuất thôi). Không có “quyền” của những nhóm đặc biệt, không có “quyền của nông dân, công nhân, doanh nhân, người lao động, người già, người trẻ, những đứa trẻ chưa ra đời”.

Chỉ có Quyền Con Người – là các quyền được sở hữu bởi mọi cá nhân và bởi tất cả mọi người như những cá nhân.

Quyền về tài sản và quyền tự do trao đổi là “quyền kinh tế” duy nhất của con người (thật ra, chúng là quyền chính trị) – và không thể có cái gì như là “một đạo luật về quyền kinh tế”. Vậy mà, hãy quan sát những người cổ súy cho cái đạo luật này, họ ban hành đủ thứ và họ phá hoại quyền kinh tế.

Hãy nhớ rằng quyền là những nguyên tắc đạo đức xác định và bảo vệ tự do hành động của con người, nhưng không áp đặt nghĩa vụ nào lên người khác. Các công dân đều không phải là mối đe dọa đối với quyền hay tự do của người khác. Công dân nào sử dụng vũ lực và vi phạm quyền của người khác thì là tội phạm – và mọi người được pháp luật bảo vệ chống lại hắn.

Tội phạm là thiểu số nhỏ trong bất kỳ thời đại hay đất nước nào. Và mối nguy hại mà bọn họ tạo ra đối với nhân loại là nhỏ bé vô cùng so với nỗi kinh hoàng – đổ máu, chiến tranh, khủng bố, sung công, nạn đói, chế độ nô lệ, hủy diệt hàng loạt – do các nhà nước từng hiện diện trong lịch sử nhân loại tạo ra. Mỗi chính quyền đều có khả năng trở thành mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với quyền con người: nó giữ địa vị độc quyền hợp pháp trong việc sử dụng vũ lực nhằm vào các nạn nhân không hề được vũ trang, theo quy định của pháp luật. Khi không chịu giới hạn và hạn chế nào bởi các quyền cá nhân, chính quyền là kẻ thù nguy hiểm số một của con người. Tuyên ngôn Nhân quyền được viết ra không phải là để bảo vệ người ta trước các hành động của tư nhân, mà là để chống các hành động của chính phủ.

Bây giờ hãy quan sát cái quá trình trong đó sức mạnh bảo vệ ấy bị tiêu diệt.

Quá trình ấy đổ cho các công dân tội vi phạm những điều mà theo hiến pháp, chính chính quyền mới bị cấm vi phạm (tức là những điều mà các công dân không đủ quyền lực để thực hiện), và nhờ thế giải phóng cho chính quyền khỏi mọi ràng buộc. Hành động đổ tội đó đang tăng lên ngày một rõ ràng hơn trong lĩnh vực tự do ngôn luận. Suốt nhiều năm trời, những người theo chủ nghĩa tập thể đã tuyên truyền cho cái quan điểm nói rằng tư nhân từ chối tài trợ tức là vi phạm quyền tự do ngôn luận và là “kiểm duyệt”.

Như thế là “kiểm duyệt”, họ tuyên bố, khi một tờ báo từ chối đặt hay đăng tải bài viết của những tác giả có chủ kiến đối lập hoàn toàn với chủ trương của tờ báo.

Như thế là “kiểm duyệt”, họ tuyên bố, khi một nhà tài trợ phản đối chi tiết xúc phạm nào đó trên chương trình truyền hình mà ông ta bỏ tiền tài trợ - như trường hợp Alger Hiss được mời lên truyền hình để lăng mạ Phó Tổng thống Nixon.

Về sau, ông Newton N. Minow (*) tuyên bố: “Có kiểm duyệt thông qua xếp hàng, có kiểm duyệt bởi nhà quảng cáo, bởi truyền hình, bởi các chi nhánh sẽ bác bỏ lịch phát sóng phủ tới địa bàn của họ”. Cũng chính ông Minow ấy đe dọa rút giấy phép bất kỳ đài nào không tuân thủ chủ trương phát sóng của ông – và ai nói đó không phải là kiểm duyệt.

Hãy suy nghĩ về hàm ý sâu xa trong một khuynh hướng như thế.

“Kiểm duyệt” là chuyện chỉ gắn với nhà nước. Không có kiểm duyệt của tư nhân. Không một công dân hay công ty tư nhân nào có thể khiến ai đó phải im lặng hay tịch thu một ấn bản; chỉ nhà nước có thể làm điều đó. Tự do ngôn luận của công dân bao gồm cả quyền không đồng ý, không nghe và không tài trợ cho người đối địch với mình.

Nhưng theo các học thuyết như “đạo luật kinh tế về quyền cá nhân” kia, cá nhân không có quyền khai thác các phương tiện vật chất của mình theo sự hướng dẫn của lý trí, và phải bỏ tiền cho bất kỳ diễn giả hay nhà tuyên truyền nào có “quyền” đối với tài sản của anh ta.

Như vậy có nghĩa là việc cung cấp công cụ để thể hiện ý kiến đã tước đoạt của con người cái quyền được nêu ý kiến. Nó có nghĩa là nhà làm sách phải xuất bản những cuốn sách ông ta coi là vô giá trị, sai lệch hay xấu xa, nhà tài trợ truyền hình phải chi tiền cho các bình luận viên lăng mạ quan niệm của ông ta, chủ bút một tờ báo phải nộp những trang báo của ông ta cho một gã lưu manh trẻ ranh hò hét đòi nô dịch báo chí. Nghĩa là một nhóm người giành được “quyền” có giấy phép vô hạn trong khi nhóm khác bị vô hiệu hóa tới bất lực.

Nhưng rõ ràng là bất khả thi nếu phải cấp cho mỗi người có yêu sách một công việc, một chiếc micro hay một chuyên mục trên tờ báo, thế nên ai sẽ quyết định việc “phân phối” các “quyền kinh tế” đó và chỉ định người nhận, trong khi người chủ sở hữu đã mất quyền được lựa chọn? À, về điểm này ông Minow đã chỉ ra khá rõ.

Và nếu bạn nghĩ một cách sai lầm rằng điều trên chỉ đúng với người nào sở hữu những tài sản lớn, bạn nên nhận thấy rằng lý thuyết về “các quyền kinh tế” đề cập cả đến “quyền” của tất cả những người mà trong tương lai sẽ trở thành nhà biên kịch, nhà thơ cách tân, nhà soạn nhạc ồn ào và tất cả các nghệ sĩ phi vật thể (những người có sức thu hút về chính trị) - quyền của họ đối với sự ủng hộ về tài chính mà bạn đã không trao cho họ nếu không tham gia show diễn của họ. Việc sử dụng tiền thuế của bạn vào tài trợ cho nghệ thuật còn có ý nghĩa nào khác đâu?

Và trong khi người ta làm ầm ĩ về “các quyền kinh tế” thì khái niệm quyền chính trị lu mờ dần. Người ta đã quên rằng tự do ngôn luận tức là tự do cổ súy cho quan điểm của ai đó và chấp nhận các kết quả có thể đến, gồm sự bất đồng với những người khác, sự phản đối từ những người khác, không được ưa thích, mất đi sự ủng hộ. Chức năng chính trị của “quyền tự do ngôn luận” là bảo vệ những người không quy phục và những thiểu số không được ưa chuộng khỏi sự áp chế bằng sức mạnh – chứ không phải là bảo đảm mang đến cho họ sự ủng hộ, lợi thế hay mối thiện cảm mà họ đã không có được.

Tuyên ngôn Nhân quyền viết: “Quốc hội sẽ không ra luật nào… tước đi tự do ngôn luận, hay tự do báo chí…”. Tuyên ngôn không yêu cầu các công dân phải trao micro cho kẻ muốn hủy hoại họ, trao cái chìa khóa vạn năng cho tên trộm muốn lấy tiền của họ, hay trao con dao cho tên sát nhân muốn cắt cổ họ.

Một trong các vấn đề cốt yếu nhất của ngày hôm nay là vậy: các quyền chính trị chống “các quyền kinh tế”. Đây là vấn đề hoặc cái này hoặc cái kia, cái này tiêu diệt cái kia. Nhưng trong thực tế, không có “quyền kinh tế”, không có “quyền tập thể”, không có “lợi ích công” nào cả. “Quyền cá nhân” là một cụm từ thừa thãi: chẳng có quyền nào khác và cũng chẳng còn đối tượng nào khác có quyền ấy.

Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do là lực lượng duy nhất cổ súy cho quyền con người.


HẾT

(*) Newton N. Minow: sinh năm 1926, là một luật sư, chính khách người Mỹ, cựu chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Commnunications Commission) của Mỹ. Trong một bài diễn văn tại hội nghị của Hiệp hội Quốc gia các nhà truyền thông (9/5/1961), ông phê phán gay gắt truyền hình vì đã không làm nhiều hơn để phục vụ lợi ích công, chỉ phát sóng những nội dung phù phiếm hoặc nặng về sex. Nhiều người hoan nghênh ông nhưng cũng nhiều người cho rằng ý kiến của ông là biểu hiện của sự can thiệp từ phía  chính quyền lên doanh nghiệp tư nhân. (lược dịch từ Wikipedia)

Nguồn:http://trangridiculous.blogspot.com/2010/07/quyen-con-nguoi-phan-2.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter