Nguồn: sgtt.vn
Kichbu
posted on 30.04.2013
35 năm hoạt động, trên vai áo ông từng đeo quân hàm
không quân hai bên là đối thủ của nhau. 22.000 giờ bay với nhiều loại phi cơ
chiến đấu và dân dụng hiện đại nhất từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu. Những nếm
trải cuộc đời, dường như Nguyễn Thành Trung chẳng thiếu thứ nào. Người ta
thường nói vinh quang đi cùng cay đắng. Còn ông, sống chết, tù tội chẳng màng,
nhưng những giây phút cô đơn trong cuộc sống hoà bình, ngay trong lòng đồng đội
thì thật dài và khó quên. Tháng tư đến rồi lại đi cùng ký ức…
Chặng đường lịch sử dài 38 năm có quá
nhiều biến cố, sự kiện ném bom dinh Độc Lập ngày 8.4.1975 đối với ông có ý
nghĩa gì? Bây giờ nghĩ về giây phút ấy ông cảm thấy thế nào?
Đối
với cá nhân tôi, ngày 8.4.1975 là một bước ngoặt lịch sử quan trọng nhất trong
cuộc đời. Lái chiếc máy bay F-5E ném hai trái bom xuống dinh Độc Lập, sau đó
quay lại dùng súng phóng lựu vào kho xăng Nhà Bè, là hành động mà tôi ấp ủ
trong một quá trình dài, ngay từ thời trai trẻ.
Đối
với tôi, chấm dứt chiến tranh để người Việt Nam không còn đổ máu là một việc
lớn phải làm. Đó không phải là cảm hứng nhất thời, hay bất chợt, liều lĩnh. Sự
nỗ lực cá nhân suốt bao nhiêu năm ở khoa toán – lý đại học Khoa học Sài Gòn,
trong vỏ bọc sĩ quan không lực Việt Nam Cộng hoà, hay tại các trung tâm học lái
máy bay chiến đấu ở Hoa Kỳ từ năm 1969 – 1972 tôi vẫn chuyên chú cho hành động
ấy. Tôi âm thầm luyện tập hạ cánh ở cự ly gần 1.000 mét (trong khi máy bay F-5E
phải đáp trên đường băng dài tối thiểu 3.000 mét) đến độ hư hai máy bay và phải
chịu kỷ luật hạ lương, giáng chức, suýt nữa là bị lộ tại sân bay Biên Hoà. Nhờ
vậy mà ngày 8.4 năm ấy tôi đã hành động chính xác, đáp xuống an toàn tại sân
bay dã chiến Phước Long vừa giải phóng. Có thể gọi đó là sự chính xác của lý
trí và khoa học. Bước ngoặt 180 độ đó cho tôi được chính danh là tôi – Nguyễn
Thành Trung như ngày hôm nay.
Nhưng báo chí cả hai phía lúc đó chạy
những dòng tít lớn gọi ông là “phi công phản chiến”?
Đúng
vậy, cấp trên nói với tôi là cần tuyên truyền như vậy để kêu gọi những người
trong lực lượng không quân Sài Gòn tiếp tục phản chiến. Tôi nghĩ nói sao cũng
được, vấn đề là tôi có làm được nhiệm vụ không? Có còn sống để trở về không? Từ
năm 1969, tôi đã là đảng viên.
Còn các đồng nghiệp của ông nói gì về
hành động của ông?
Ngay
lúc đó thì tôi không biết họ nói gì, nhưng sau này nhiều người cho là tôi hành
động hơi dại dột, bởi trước mắt tôi là một hợp đồng với phía Mỹ, sẵn sàng bảo
lãnh vợ con tôi sang sống ở Mỹ với điều kiện tốt nhất. Nhưng đó không là lựa
chọn của tôi.
Vậy lựa chọn của ông bắt nguồn như thế
nào, truyền thống cách mạng của gia đình hay sự tự giác của cá nhân ông?
Ba tôi
là một người yêu nước, chống thực dân và hy sinh tại quê nhà. Các anh tôi cũng
đi theo con đường yêu nước của ba tôi. Cái chết của ba tôi, càng làm cho tôi ý
thức rõ ràng hơn là phải góp phần làm cho chiến tranh sớm chấm dứt, quê hương
và dân tộc mình phải được sống trong cảnh thanh bình. Tôi là người biết rõ mình
là ai, mình cần phải làm gì. Những việc quan trọng cần làm tôi luôn dự liệu
trước hàng chục năm.
Thời khắc đó ông có nghĩ đến sự an toàn
của vợ và hai con còn quá nhỏ đang sống ở thành phố Biên Hoà? Có khi nào ông
cảm thấy khổ tâm hay hối hận về hành động của mình mang lại nỗi vất vả cho vợ
con?
Trước
khi ném bom dinh Độc Lập ngày 8.4.1975, lãnh đạo đề nghị đưa vợ con tôi ra vùng
giải phóng để tôi yên tâm làm nhiệm vụ. Nhưng lúc đó, tôi bị nghi kỵ nhiều,
nguy cơ bị lộ rất cao nên chuyện đó là không thể. An ninh quân đội theo sát gia
đình tôi từng giờ, nếu vợ con tôi vắng nhà không rõ lý do thì tôi sẽ bị bắt
ngay tức khắc. Cũng có thể trên đường ra vùng giải phóng, vợ con tôi cũng sẽ bị
bắt, tình thế đó sẽ nghiêm trọng hơn. Rất lo lắng cho tính mạng vợ con, nhưng
việc mà tôi đã tính trước 10 năm đến thời điểm này là không thể dừng. Mặt khác,
thời gian sống trong đội ngũ không lực Sài Gòn cho tôi một niềm tin rằng vợ
tôi, một người phụ nữ không liên quan gì đến công việc của tôi, con tôi còn quá
nhỏ (đứa lớn mới 5 tuổi, đứa nhỏ chưa tròn năm) sẽ không bị đối xử một cách tàn
nhẫn.
Thực
tế diễn ra đúng như tôi dự đoán. Cánh an ninh không quân đưa xe đến nhà bắt vợ
con tôi. Vợ tôi phản đối vì mình không biết gì về công việc của chồng. Họ từ
tốn: “Thưa bà, chúng tôi không bắt bà (nếu bắt chúng tôi đã dùng còng số 8,
trói bà chẳng hạn), chúng tôi tới đây mời bà vào phòng an ninh sư đoàn, với
trách nhiệm bảo vệ sự an toàn tính mạng của bà và các con bà. Nếu bà có tài sản
quý giá nào thì bà cứ mang theo”. Một tuần sau vợ và con tôi bị đưa từ Biên Hoà
về số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Sài Gòn cho đến ngày 30.4.1975. Đương nhiên, họ vẫn
điều tra vợ tôi về những gì liên quan đến tôi, nhưng không bị đối xử vô nhân
đạo. Có thể đó là những người có học và biết cách ứng xử một cách văn hoá với
người thân của kẻ thù. Trong thời gian vợ tôi bị giam ở số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm,
trung tướng không quân Trần Văn Minh đến thăm với tư cách người chỉ huy có một
người lính phản chiến. Ông ấy hỏi vợ tôi có cần bạn bè, người thân đến chuyện
trò gì không hay cần mua sắm gì thì ông sẽ giúp đỡ.
Vậy
đó, ngày 2.5.1975, tôi lái máy bay từ Phan Rang về sân bay Biên Hoà. Vợ con tôi
cũng vừa được giải thoát khỏi số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi gặp lại nhau
trong ngôi nhà nhỏ của mình.
Sau ngày thống nhất đất nước, đối diện
với bao khó khăn của cuộc sống thường ngày do nền kinh tế bao cấp áp đặt, những
lúc ngột ngạt, mệt mỏi ông nghĩ gì?
Tôi là
người được học hành tử tế trong những ngôi trường khá lý tưởng của Sài Gòn và
tiếp cận nhiều nguồn tài liệu khác nhau, tôi biết rõ những sai lầm trong chính
sách kinh tế của miền Bắc nước ta. Bi kịch cải cách ruộng đất còn nguyên đó,
công nghiệp chẳng có gì. Khu gang thép Thái Nguyên còn thô sơ lắm, Dệt Nam Định, Sứ
Hải Dương chỉ sản xuất được những mặt hàng tiêu dùng cấp thấp, đặc biệt là hạn chế
về trình độ của cán bộ quản lý. Sự khác biệt về ý thức hệ giữa hai miền, nhất
là do đặc thù của nền kinh tế tự cung tự cấp, cho tôi nhìn rõ sau khi Việt Nam
thống nhất, kinh tế sẽ cực kỳ khó khăn ít nhất là mười năm. Tôi chuẩn bị tinh
thần đối phó với những khó khăn chung, và cả những khó khăn về mặt cá nhân,
nghi ngờ, hay có những phân biệt đối xử này nọ... Tôi chấp nhận đối diện thực
tế đó và nghĩ điều quan trọng nhất mình có được là dân tộc Việt được sống trong
hoà bình.
Thực tế mười năm khó khăn như ông nói
cũng đã được tháo gỡ bởi bước chuyển đổi mới. Nhưng tới bây giờ, người ta lại
tiếp tục đưa ra dự báo mình lại đang hụt hơi, tụt đà. Ông nghĩ thế nào?
Thực
ra đổi mới một phần vì khi mình tiếp xúc với thế giới mới ngộ ra một điều là
đang bị co trong vòng luẩn quẩn, không tìm ra lối thoát trong khi thế giới ào
ào tiến lên. Từ ảnh hưởng đó đồng thời tác động mạnh của cuộc khủng hoảng Đông
Âu tới mình và cả Trung Quốc, bắt buộc phải một phần nào đó chấp nhận cách làm
ăn mới, có sự tư hữu. Tư hữu của thế giới mình không chấp nhận, nhưng con người
có quyền tư hữu từ hàng ngàn năm về trước. Mình luẩn quẩn trong khi thế giới
đang tiến lên bởi mình không chấp nhận dân làm giàu. Cho nên bắt buộc mình phải
công nhận, phải chấp nhận tư hữu ở một mức độ nào đó để dân thở được. Khi đó
dân bắt đầu làm ăn được. Cải cách vì vậy là do dân. Cuộc cách mạng này do dân
và do lịch sử thế giới tác động. Nếu muốn không tụt đà thì phải nương vào sức
dân, dân giàu thì nước mới mạnh.
Sau ngày 30.4, ông có thường gặp lại
đồng nghiệp trong những phi đội cũ? Tình cảnh và và tâm thế lúc gặp lại như thế
nào?
Bẵng
mười năm sau giải phóng, tôi không gặp lại ai trong nhóm những đồng nghiệp cũ.
Sau đổi mới, từ năm 1986 trở về sau này, các đồng nghiệp cũ của tôi lần lượt về
mới có dịp gặp lại. Lớp tôi có 23 đứa, chết hết bốn, 18 đứa qua Mỹ, chỉ còn
mình tôi ở lại. Những lần gặp cũng dễ nói chuyện vì họ đã hiểu rõ mọi chuyện.
Tôi cũng hoàn toàn hiểu và tôn trọng họ. Đa phần những đồng nghiệp của tôi đều
ở Mỹ. Lúc mới về, tâm lý chung mấy người bạn đều ngại gặp tôi. Tôi thì chả ngại
gì, tôi vẫn xem họ là những người bạn. Khi gặp cũng tâm sự nhiều, cũng so sánh
chuyện cũ, chuyện bây giờ. Ai cũng công nhận việc tôi làm là góp phần chấm dứt
cuộc chiến tranh, chấm dứt cảnh chết chóc, đổ máu. Nhưng điều họ chia sẻ là họ
không dám có những quyết định như vậy.
Những
người bạn lựa chọn khác tôi lúc qua Mỹ còn trẻ nên ai hội nhập được, sống khá
giả. Năm nào mấy ổng cũng ngồi lại với nhau, chuyện nói nhiều nhất là về tôi.
Nhiều anh em bảo quyết định của tôi hơi dại dột, vì sau giải phóng sống kiểu gì
cũng bị nghi ngờ, đói khổ… Tôi trả lời đó không phải là quyết định bậy bởi tôi
ý thức được việc cần làm. Cái gì cũng vậy, làm thì phải trả giá nhưng tôi chấp
nhận việc đó. Nhưng qua những thăng trầm của đất nước, nhiều kinh nghiệm cuộc đời
đúc kết lại, tôi thấy việc tôi làm càng ngày càng đúng. Còn hỏi tôi có lăn tăn
hay không, tôi trả lời thật là thánh mới không lăn tăn, nhưng những cái lớn
nhất át những lăn tăn nhỏ đi, nên hàng đêm tôi ngủ yên vì biết tôi đang ngủ trên
đất nước mình, chứ qua Mỹ sướng thật nhưng ngủ không yên bởi lúc nào cũng đau
đáu một quê hương chỉ còn trong ký ức. Nhiều đứa bạn nói thẳng: “Đến bây giờ
mới nghe được một người nói điều đó là mày”. Chúng tôi gặp nhau trao đổi thẳng
thắn, không giấu giếm điều gì, nói đến tận cùng suy nghĩ của mỗi người.
Với ông, quê hương là thế nào?
Tôi có
tới hai quê hương. Một Bến Tre nơi tôi sinh ra, nơi đó là dòng tộc máu mủ, nơi
đó cha mẹ tôi đã nằm xuống cho chúng tôi trưởng thành. Vốn là xứ học, địa linh
nhân kiệt, nhiều tên tuổi trí thức lớn Việt Nam xuất phát từ đây. Những Phan
Thanh Giản, Võ Trường Toản, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Đình Chiểu… là những tấm
gương của nhân – nghĩa – lễ – trí – tín mà tôi từng học được.
Còn
một quê hương khác, Sài Gòn đối với tôi là máu thịt, là tình yêu, là gì đó
không thể lay chuyển được dù cho năm tháng trôi qua, nhìn góc phố thay đổi,
cũng nhiều lúc buồn vui hờn giận, tiếc nuối…
Ông từng thổ lộ về một người bạn rất
thân, giữa ông với người đó hình như có một món nợ ân tình đến nay vẫn còn đau
đáu?
Người
bạn ấy đến giờ sau 38 năm vẫn chưa gặp lại mặc dù tôi nghe tin ảnh có quay về.
Ảnh cùng ở phi đoàn phản lực không quân Sài Gòn với tôi nhưng không phải cùng
lớp. Anh ấy là một người đặc biệt. Khi đó, lãnh đạo báo cho tôi biết có một cán
bộ nội tuyến trong lực lượng pháo binh bị bắt khai có một phi công quê Bến Tre
là nội tuyến của Việt cộng. Tôi nhẩm tính trong không quân có độ chục người gốc
gác Bến Tre, riêng phi đoàn phản lực thì có tôi và người bạn mà tôi kể ở trên, người
cùng xã, cùng học trường tiểu học nhưng trên tôi hai lớp. Khi thông tin bị lộ
như thế thì tất cả những người gốc Bến Tre đều bị triệu tập điều tra. Anh bạn
tôi bị ngưng bay, an ninh không quân gọi lên làm việc liên tục. Anh ấy không
biết có chuyện gì, nhưng tôi thì biết rõ nguyên nhân. Tuy lý lịch anh ấy không
có vấn đề gì nhưng anh có người chị học đại học sư phạm từng tham gia biểu tình
chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Lúc đó, tôi cũng như ngồi trên lửa, nhiều
chuyện không thể tâm sự, chia sẻ với ai được. Khoảng một tuần sau, tôi gặp ảnh
và tôi nghĩ ảnh biết rõ về tôi, từ gia đình đến công việc của tôi. Ảnh nói:
“Riêng mày thì tao “ba không”, ai hỏi tao về mày tao cũng không biết, không nghe,
không thấy”. Khi nghe câu đó, tôi nhập tâm đến giờ, tới chết tôi sẽ mang theo
lời nói và hình ảnh của anh ấy.
Tôi
ngẫm nghĩ ở đời có nhiều người cực xấu nhưng cũng có nhiều người cực tốt. Cái
tốt - xấu đó mong manh lắm, nhưng người ta không cần xác nhận. Là bạn thân nên
anh ấy bảo vệ chứ không phải vì tôi là Việt cộng hay cán bộ mà anh ấy ứng xử
như vậy. Trong thâm tâm tôi nhiều lần muốn gặp lại anh ấy, nhưng để làm gì, nói
một lời cảm ơn liệu có ý nghĩa gì? Tôi động viên mình có lẽ trong tình cảnh ấy
đến giờ chỉ cần hai tâm hồn bạn bè hiểu nhau là đủ. Tôi nguyện cho tới chết tôi
sẽ mang điều ấy theo.
Ông đã bước ra khỏi vỏ bọc của một điệp
viên, lái máy bay trên bầu trời hoà bình, và làm công việc đào tạo, hết lòng
với một thế hệ phi công trẻ Việt Nam. Điều đọng lại trong ông sau thời gian dài
gắn bó với công việc đào tạo, huấn luyện ấy là gì?
Giã
từ cuộc chiến, tôi thấy mình làm khá nhiều việc mà những việc đó chắc không
phải ai cũng làm được. Hồi còn sống, anh Hai Trung (tướng tình báo Phạm Xuân
Ẩn) nói nửa đùa nửa thật: “Việc ông ném bom dinh Độc Lập, Nhà nước phong ông
anh hùng thì tôi không nói làm gì, còn công việc ông làm sau này nếu được, tôi
phong ông hai lần anh hùng nữa”. Anh Hai Trung hiểu về công việc đặc thù của
tôi. Khi giải phóng, cả một bề thế không quân chế độ cũ bỏ lại, tôi là người
làm sống lại phi đội A37 sau này tham gia đánh Tân Sơn Nhất vào ngày 28.4 trong
chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. F5 là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Sài
Gòn lúc bấy giờ mà Mỹ bỏ lại mấy phi đoàn nhưng không có người bay. Giá trị vậy
nhưng bỏ lại quá lâu bị hư hại nhiều, có chiếc bị bắn phá thủng lỗ chỗ. Nhiều
chiếc còn bị bộ đội tiếp quản tháo đi những tiện nghi nội thất hay linh kiện
quan trọng… Sau khi thành lập bộ phận tiếp quản, tôi nhận nhiệm vụ làm sống lại
những chiếc máy bay này. Khi sửa xong, tôi là người bay thử. Phi công bay thử
của người ta điều kiện bảo hiểm ngặt nghèo lắm, còn tôi thì như con thiêu thân.
Gần 50 lần bay như thế, tôi luôn sẵn sàng tình huống nhảy dù khẩn cấp bởi máy
bay có thể hư bất cứ lúc nào. Mỗi lần bay, nhiên liệu chỉ cung cấp đủ phân nửa
cơ số. Vốn là người nhạy cảm trong cuộc sống, con ruồi bay qua tôi phân biệt
ruồi đực hay ruồi cái, huống chi chuyện nhiên liệu chỉ đủ bay một vòng trong
bán kính hẹp. Điều lăn tăn mà tôi kể trên là như vậy đó.
Tháng
8.1975 sau khi hồi phục xong rồi, tôi huấn luyện cả một phi đội, bay thành thục
F5 để thành lập trung đoàn không quân 935, sau này trở thành trung đoàn anh
hùng.
Đã quá cái tuổi lục thập nhi nhĩ thuận,
còn điều gì ông thấy hối tiếc, hoặc món nợ nào ông chưa trả được?
Đến
giờ này tôi vẫn ân hận, tiếc là không được chết vì Hoàng Sa. Ngày 18.1.1974,
hải quân Trung Quốc đổ bộ lên chiếm đảo Hoàng Sa, phía Việt Nam Cộng hoà khi đó
có một đại đội địa phương quân chốt trên đảo Phú Lâm. Hai bên đánh nhau, cùng
có thương vong về con người nhưng quân số Trung Quốc đông quá, 51 lính địa
phương quân của ta bị bắt đưa về Trung Quốc. Việt Nam Cộng hoà lên tiếng phản
đối việc Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để chiếm đảo của Việt Nam một cách
phi pháp. Đây là sự kiện lớn, dư luận thế giới cũng phản đối việc đó.
Lúc
này hải quân của Việt Nam Cộng hoà không thể đổ bộ chiếm lại đảo được. Ngày
19.1.1974, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu điều năm phi đoàn F5, bốn ở sân bay Biên
Hoà, một ở sân bay Đà Nẵng, mỗi phi đoàn có 24 máy bay và 120 phi công ra Đà
Nẵng chuẩn bị đánh lấy lại Hoàng Sa. Mọi người rất phấn khởi, tụi tôi đi ra với
tư thế là đi lấy lại một phần lãnh thổ đất nước. Sĩ quan cấp tá ở các phi đoàn
520 – Nguyễn Văn Dũng, 536 – Đàm Thượng Vũ, 540 – Nguyễn Văn Thanh, 544 – Đặng Văn
Quang, 538 – Nguyễn Văn Giàu đều đã lên kế hoạch tác chiến kỹ lưỡng.
150
phi công thuộc sáu phi đoàn F5 của không lực Việt Nam Cộng hoà khi đó đều ký
tên chung vào một lá đơn tình nguyện “Xin được chết vì Hoàng Sa”.
Hàng
ngày, máy bay RF5 có nhiệm vụ bay và chụp ảnh các toạ độ từ nhỏ nhất ở Hoàng
Sa, xem có thay đổi gì, tàu chiến Trung Quốc di chuyển ra sao, bố trí các cụm
phòng thủ thế nào… đưa về chiếu ra cho tất cả phi công theo dõi. Tụi tôi đếm
từng tàu một, thậm chí đếm được cả số ghi trên tàu, chia bản đồ ra làm bốn, mỗi
góc tư giao cho một phi đoàn, phi đoàn thứ năm bay bảo vệ trên không. Họ có 43
tàu tất cả và quyết tâm của tụi tôi là đánh chìm tất cả 43 tàu đó trong vài
giờ.
Về
không quân, vào thời điểm đó chúng tôi có nhiều lợi thế hơn Trung Quốc. Bay từ
Đà Nẵng ra Hoàng Sa bằng cự ly từ đảo Hải Nam ra. Ưu thế của phi đội tụi tôi
là máy bay bay ra, đánh nửa tiếng vẫn thừa dầu bay về còn Trung Quốc chỉ có Mig
21, bay ra đến Hoàng Sa thì không đủ dầu bay về. Khí thế phi công lúc đó hừng
hực, mấy anh chỉ huy trưởng từ đại tá trở xuống đòi đi đánh trước. Tất cả háo
hức chờ đến giờ G là xuất kích. Nhưng giờ G ấy đã không đến. Hạm đội 7 của Mỹ
trên biển không cứu các hạm đội của đồng minh Việt Nam Cộng hoà bị bắn chìm và
bị thương trên đảo. Dường như vì lợi ích của mình, các quốc gia lớn có quyền
mặc cả và thương lượng bất chấp sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác.
Một
mảnh đất dù nhỏ cũng là tổ quốc mình, cha ông ta đã đắp xây nên bờ cõi, là con
dân của đất nước ai cũng có nghĩa vụ thiêng liêng gìn giữ lấy. Tụi tôi háo hức
sẵn sàng tất cả nhưng cuối cùng không được chết cho Hoàng Sa. Tới bây giờ tôi
vẫn ân hận. Sau này bạn bè tôi gặp lại nhau cũng cùng một tâm trạng: đáng lẽ
tụi mình chết cho Hoàng Sa thì vinh dự hơn!
Là người đi nhiều nơi, có điều kiện tiếp
cận với chuyện làm ăn, ông thấy phẩm chất, tư cách của người Việt Nam có đứng được
ở những thị trường minh bạch?
Cũng
tuỳ người. Thí dụ như thị trường Lào, nhiều nhà đầu tư của mình không dám qua
đó nữa bởi vì làm kiểu nói dóc, hứa nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu. Họ nói
thẳng là mấy ổng đó qua họ không tiếp. Cách làm ăn của người Việt mình cũng có
nhiều cái người ta không chấp nhận, chỉ chụp giật, bốc hốt ở đây thôi chứ ra
ngoài người ta không chấp nhận.
Hiện nay ông có bằng lòng với cuộc sống
của mình?
Thời
nào tôi cũng bằng lòng với hiện tại. Thời khó khăn nhất cũng như khi đất nước
đổi mới đến nay, tôi bằng lòng với những cái mình hiện có. Đó là hạnh phúc tự
tạo. Nếu để làm giàu tôi sẽ đi đường khác và tôi biết cách làm giàu, nhưng tôi
đã không lựa chọn như vậy. Tôi vẫn nghĩ “tri túc tiện túc hà thời túc”, mình
biết đủ thì lúc nào cũng đủ, còn ham muốn, lúc nào cũng thấy thiếu thì không
bao giờ đủ cả. Tôi bằng lòng với cuộc sống con cái học hành đàng hoàng, lễ phép
với cha mẹ. Hiện tôi vẫn chưa nhàn được, tôi vẫn đi làm thuê, nhưng làm để vui,
chứ làm để buồn thì tôi không bao giờ làm.
Để giải toả những mệt mỏi trong công
việc, ông có chơi thú giải trí gì khác?
Tôi
cũng thích nhiều nhưng tự thấy mình không có điều kiện, chẳng hạn như đánh golf
, làm sao đủ sức, đủ tiền mà vác cái gậy mấy chục ngàn đô. Đối với tôi bây giờ
sức khoẻ là trên hết, liệu sức để làm việc thôi. Tôi sống trên không nhiều quá
rồi, giờ ngồi dưới đất thú thực là thấy tay chân tù túng, bay một tí cho vui
nên đến nay tôi vẫn bay đều.
Cảm ơn về cuộc trò chuyện chân tình và
thẳng thắn của ông.
Anh
hùng Nguyễn Thành Trung tên thật Đinh Khắc Chung, sinh ngày 9.10.1947 tại xã
An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Năm 1965, ông được ban Binh vận T2
(khu 8) đưa lên Sài Gòn với một bản lý lịch thay đổi bằng tên mới là Nguyễn
Thành Trung. Năm 1969, sau khi được kết nạp Đảng, ông được bố trí vào cơ sở
nội tuyến trong lực lượng không quân Sài Gòn. Được sự chỉ đạo trực tiếp bí
mật của cơ sở nội tuyến, ông có nhiệm vụ phải ẩn mình chờ giờ G ném bom dinh
Độc Lập.
Ông
hiện là đại tá không quân Việt Nam, được phong tặng danh hiệu
Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 20.12.1994.
|
------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét