Nguồn: nuocngangaynay.net
Kichbu
posted on 13.04.2013
5N xin giới thiệu bài viết của Tiến Sĩ. Nguyễn Như Mẫn hiện đang là nghiên cứu sinh tại Học viện Hàng không quốc gia Moskva (MAI) về việc người Mỹ đã từng đặt chân lên mặt trăng hay là chưa cùng những vấn đề đồn thổi xung quanh câu chuyện này. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, xin cám ơn TS Mẫn đã cho phép 5N đăng lại bài viết này.
Vietnamnet vừa tung một loạt bài về chuyện NASA đã đưa người lên mặt trăng hay chưa của Tuấn Hà dịch theo các bài viết trên KM.ru. Với những kết luận hết sức chủ quan, phiến diện của những người không làm khoa học, loạt bài này khiến những ai không có điều kiện đọc và tìm hiểu sẽ dễ dàng tin ngay rằng NASA đã dàn dựng nên 1 vụ lừa thế kỷ. Câu chuyện về người Mỹ từng lên mặt trăng hay chưa đã được thảo luận từ lâu, kể từ 1 chuyện không đâu vào đâu [1] và được phát tán bởi những kẻ săn tin tức, rồi lan rộng dần qua các nhà văn, các nhà báo, nhiếp ảnh gia, và cả một vài nhà khoa học [2]. Một sự thực đáng buồn là mọi thứ xuất phát từ chính nước Mỹ, và hiện nay có đến hơn 20% người Mỹ và hơn 40% người Nga tin vào điều đó.
Một hậu quả ghê gớm bởi chính những bài báo vô trách nhiệm như của KM.ru và Vietnamnet! Có một điều hết sức buồn cười, là những người ủng hộ giả thuyết về sự lừa đảo của NASA chủ yếu là nhà báo, nhà văn, nhiếp ảnh gia v.v.., còn các chuyên gia hàng không vũ trụ, các nhà du hành vũ trụ thì hầu như không hề nghi ngờ về điều đó. Về mặt logic, đó là một bằng chứng khó bác bỏ được rằng những nghi ngờ đó chỉ mang tính vặt vãnh, ngờ nghệch và bị lợi dụng để kiếm tiền [3].
Đa phần các câu hỏi của những người nghi ngờ đều liên quan đến các ảnh chụp! Việc phân tích một vấn đề khoa học to lớn như vậy (chương trình Apollo có gần 40000 người tham gia và tiêu tốn hơn 25 tỷ USD thời đó) thông qua những bức hình chụp là một trong những điều phi lý và buồn cười nhất, nhưng có hàng trăm triệu người tin vào điều đấy. Vấn đề không phải người ta ngu dốt, mà do quá thiếu hụt thông tin. Gần như các câu hỏi nghi ngờ được các nhà báo, nhà văn kết luận ngay là không thể trả lời, không thể giải thích, trong khi người ta đã giải thích hết rồi.
Họ đã không cung cấp nhưng lời giải thích đó cho người đọc, và lờ đi những chi tiết quan trọng chỉ để đạt được một mục tiêu: câu khách, nổi tiếng và kiếm tiền. Có những câu hỏi ngây ngô vô cùng nhưng vẫn được những người nghi ngờ xem như là một bằng chứng không thể chối cãi cho việc NASA chưa hề đưa người lên mặt trăng. Ví như tại sao sau chừng ấy năm người Mỹ vẫn chưa lên mặt trăng lại, mà phải đợi đến khoảng năm 2020 theo dự kiến? Đối với họ, chỉ có 1 câu trả lời duy nhất: làm gì có khả năng lên mặt trăng, cho nên phải chờ đến 2020. Những suy luận như vậy rất phổ biến.
Trong khi đó, hoàn toàn có thể kể ra những lý do như sau: - Không ai bỏ một số tiền khổng lồ chỉ để lên mặt trăng rồi về. Những năm chiến tranh lạnh, việc đó được thực hiện chủ yếu cho mục tiêu chính trị, nhưng không phải là vô nghĩa về mặt khoa học. - Việc đảm bảo an toàn tối đa cho con người ngày càng được xem là quan trọng nhất. Trong thời chiến tranh lạnh, nó không được xem xét. Những chuyến bay của Gagarin hay Leonov có xác xuất sống – chết 50-50 vẫn phải thực hiện, nhưng bây giờ điều đó là không thể! - Các chuyến bay tiếp theo lên mặt trăng không còn ý nghĩa chạy đua xem ai là người đầu tiên nữa, mà để phục vụ cho các chuyến bay xa hơn đến sao Hỏa. Vì thế chỉ khi nào kế hoạch cho các chuyến bay xa hơn được vạch ra, và khả năng thực hiện đã đến, thì người ta mới tiến hành lên mặt trăng, xây dựng các cơ sở để làm bước đệm.
Có hàng chục câu hỏi liên quan đã được giải đáp [4], ở đây xin trích dẫn lời của những người có uy tín trong ngành hàng không vũ trụ, những người mà lời của họ có thể xem như bằng chứng đáng tin cậy hơn rất nhiều những chuyên gia phân tích hình ảnh!
Aleksey Leonov – kỹ sư-phi công, nhà du hành vũ trụ, tham gia vào chương trình khám phá mặt trăng của Liên Xô, người đầu tiên đi bộ ngoài không gian. “Nói một cách nghiêm túc, tin vào chuyện người Mỹ chưa hề lên mặt trăng chỉ có thể là những người thiếu hiểu biết!” (Всерьез верить в то, что американцы не были на Луне, могут только абсолютно невежественные люд) “Chúng ta có đặt một căn cứ quân sự 32103 trên đại lộ Komsomolskyi để đảm bảo việc truyền tải thông tin trong vũ trụ, vì lúc đó trung tâm điều khiển (SUP) chưa có. Chúng tôi nhìn thấy (không như những người còn lại của Liên Xô không được thấy) Amstrong, Oldrin hạ cánh xuống mặt trăng - hình ảnh vốn được truyền từ Mỹ đi khắp nơi…. Khi Amstrong bước xuống bề mặt mặt trăng, tất cà trên đấ Mỹ đã vỗ tay, còn chúng tôi ở đây, trên đất Liên Xô, những nhà du hành Xô Viết, cũng giơ tay chúc mừng, và chân thành chúc họ thành công!” [5]
Georgyi Grechko –Tiến sỹ khoa học, nhà du hành vũ trụ, anh hùng Xô Viết. “Chúng ta đã chạy đua với người Mỹ. Đầu tiên, việc chuẩn bị chinh phục mặt trăng của chúng ta diễn ra nhanh hơn, nhưng sau đó thì chậm lại, nguyên nhân chính là vấn đề điện tử (hậu quả của việc quy chụp thời đó, rằng điều khiển học là “con điếm của chủ nghĩa tư bản”). Khi đó chúng tôi từng đùa rằng máy tính mini của mình to nhất thế giới. Vì thế chúng ta đã thua trong cuộc đua. Nhưng trong quá trình đó chúng tôi (LX va Mỹ) đã rất cẩn thận theo dõi tiến triển của nhau, gồm việc thử nghiệm động cơ, hệ thống điều khiển, các chuyến bay thử. Dĩ nhiên, với tư cách nhà du hành vũ trụ, tôi có thể nói rằng chúng ta chưa hề lên mặt trăng, và người Mỹ cũng vậy. Nhưng nói dối để làm gì? Chúng tôi biết rõ về điều đó. Có những chuyện có thể bạn tin hoặc không tin. Nhưng chuyện người Mỹ đã lên mặt trăng thì chúng tôi hoàn toàn biết chính xác. Khi chúng tôi nhận được các tín hiệu từ mặt trăng, chúng tôi nhận chúng từ mặt trăng, chứ không phải từ Hollywood! …….. Chúng tôi có khả năng để đánh giá lẫn nhau một cách chuyên nghiệp…. ……..Không nên tin vào những lời đồn nhảm, nên tin vào những người am hiếu!" [6]
Nhà du hành vũ trụ và đồng thời là nhà thiết kế tàu vũ trụ K.P. Feoktistov. “ Và khi Amstrong, Oldrin và Collinz đến mặt trăng, các thiết bị thu nhận của chúng tôi nhận được những tín hiệu từ boong tàu Apollo 11, những cuộc nói chuyện và những hình ảnh TV về việc bước ra bề mặt mặt trăng. Tạo dựng 1 sự lừa bịp như vậy có lẽ không dễ hơn 1 cuộc du hành thật là bao nhiêu. Để làm điều đó cần phải thả xuống bề mặt mặt trăng bộ truyền phát truyền hình và kiểm tra khả năng làm việc của chúng bằng các tín hiệu điều khiển từ trái đất. Sau đó đến ngày làm giả chuyến bay thì phải gửi đến mặt trăng bộ truyền tín hiệu để giả lập các liên lạc vô tuyến giữa Apollo và trái đất trong suốt hành trình. Quy mô công việc trong dự án Apollo người ta ko giấu diếm. Và những gì người ta đưa cho tôi xem ở Houston năm 1969 (trung tâm điều khiển, các phòng thí nghiệm), những nhà máy ở LA để chế tạo Apoll và những thiết bị đã phóng đi và quay về trái đất, theo logic trên thì cũng đều là giả lập hết sao? Quá khó và quá buồn cười!” [7]
Viện sỹ Mikhail Marov – một trong những người tham gia chương trình mặt trăng của Liên Xô không nghi ngờ gì về việc người Mỹ từng lên mặt trăng là có thật, và tất cả những bằng chứng nghi ngờ được đưa ra theo ông “hoàn toàn chỉ có ý đố đầu cơ, lợi dụng” (để nổi tiếng, để kiếm tiền). [8] (ở link này có giải thích về việc NASA mất tài liệu)
Juri Markov – kỹ sư - thử nghiệm viên trong lĩnh vực kỹ thuật tên lửa vũ trụ ở sân bay vũ trụ Baikonur. “Thứ nhất, mỗi cuộc phóng tên lửa đều bị theo dõi liên tục bởi nước đối đầu (Mỹ-LX). Và do đó bất cứ một sự lừa dối nào đều sẽ bị phanh phui ngay lập tức. Thứ hai là vào năm 1969 LX đã có 1 phân hạm các tàu biển đặc biệt. Chúng tôi đã nhận tín hiệu radio từ mặt trăng. Hơn nữa, chúng tôi có thể xác định được cụ thể những tìn hiệu đó xuất phát từ điểm nào trên mặt trăng. Không hề có nghi ngờ gì về việc tín hiệu đó là giả lập. Thêm một điều nữa, đặc trưng cho thời kỳ khốc liệt đó (nghĩa là kiểm tra theo dõi ngặt nghèo lẫn nhau-ND): ngày 3 tháng 2 năm 1966, tàu Luna-9 của LX đã thực hiện cú hạ cánh nhẹ nhàng xuống mặt trăng và truyền về hình ảnh TV. Sang ngày hôm sau trên báo chí thế giới đã phát tán hình ảnh đó khắp nơi. Trong khi chúng tôi còn đang xử lý, quan trắc thì đài quan trắc Jodrel Benk của Anh đã nhận được các tín hiệu đó và đưa cho báo chí!”[9]
Cuối cùng, những bằng chứng rõ ràng nhất mà những nhà báo trên KM.ru “quên” không update kịp thời là những hình ảnh được chụp từ các tàu vũ trụ mới của NASA (LROC) và Nhật Bản (JAXA) hay Ấn Độ (Chandrayaan) [10]. Tuy nhiên, chưa chắc những bức ảnh đó đã thuyết phục được những người nghi ngờ. Ví dụ như có 2 người tự xưng là chuyên gia về quang học cầm 1 bức ảnh chụp trái đất từ mặt trăng và phán rằng, không thể nào chụp được hình ảnh rõ nét như vậy từ vũ trụ, trong khi đó chính là những bức ảnh do chính Aleksey Leonov và cộng sự chụp từ một tàu vũ trụ không người lái trang bị camera được chế tạo bởi 1 phòng lab quang học ở Moskva!(đọc thêm ở [5]) Dĩ nhiên, những người nghi ngờ có quyền nghi ngờ luôn cả Nhật và Ấn Độ, nghi ngờ NASA đã mua họ, và cả đời họ không bao giờ tin, trừ khi chính họ đi đến mặt trăng. Bởi vì đối với họ, mọi thứ đều có thể làm giả. Một trong những giả thuyết được đưa ra, giải thích cho một sự thật phũ phàng với họ, là tại sao các chuyên gia LX, với trình độ kỹ thuật đầy đủ để phanh phui sự thật, lại không hề phủ nhận nó, và tại sao LX, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, lại không vạch mặt Mỹ để hạ gục đối thủ. Họ cho rằng các chuyên gia LX đã biết điều đó, biết NASA lừa dối, nhưng vì các thỏa thuận giữa LX và Mỹ, vì giữ bí mật cho nhau nên LX im lặng. Những người nghi ngờ mang tinh thần chính trị quá lớn, đến nỗi họ nghĩ rằng đó là công việc của những tổng thống và tổng bí thư. Họ quên rằng, trong giới khoa học, tổng thống hay tổng bí thư cũng chỉ tầm thường như bao người khác (thậm chí còn tầm thường hơn người bình thường). Galileo thà chịu chết chứ không thừa nhận trái đất không quay. Không lẽ không một nhà khoa học nào của Nga và Mỹ đủ dũng cảm để làm như vậy, trong thời đại mà chắc chắn điều đó chỉ có thể làm họ nổi tiếng hơn và kiếm tiền nhiều hơn, chứ không bị đóng đinh như Galileo?
[1]- Sự việc bắt đầu từ ngày kỉ niệm 80 năm ngày sinh đạo diễn Stenly Cubric (film odyssey 2001), vài phóng viên gặp vợ của ông và hỏi về công việc của ông ở studio Hollywood. Bà thực lòng trả lời rằng trên trái đất có 2 lunnar module, 1 ở viện bảo tàng (ko cho chụp), 1 ở Hollywood để phát họa lại quá trình từ đầu đến cuối – Leonov Aleksey
[2]- Những người ủng hộ giả thuyết về sự lừa đảo này hay trích dẫn lời của những nhân vật sau: - Bill Kaysing, làm ở công ty Rocketdyne chuyên làm động cơ tên lửa cho chương trình Apollo: những lý lẽ của ông này chả dính dáng gì đến các vấn đề khoa học về động cơ hay hàng không. Đặc biệt, ông ấy bị sa thải từ năm 1963, trước khi công ty Rocket tham gia vào dự án Apollo, và trước đó thì ông ấy làm ở bộ phận thông tin kỹ thuật, một chức vụ yêu cầu các kỹ năng văn phòng, thư viện, không phải là kỹ sư! - Leonid Valentinovich Batsur, lead engineer (ведущий инженнер) nhà máy Khimmash, chuyên gia động cơ tên lửa với 33 năm kinh nghiệm, người tính toán rằng nếu các thông tin tính toán người Mỹ công bố là đúng thì Apollo không thể hạ cánh và cất cánh từ mặt trăng là không thể. Vấn đề là hoặc ông ấy không muốn đi sâu vào vấn đề chuyên môn kỹ thuật, hoặc toàn soạn báo quên chuẩn bị tư liệu, bởi vì sau đó chẳng có tài liệu thông số tính toán nào của ông ấy được công bố cả. Ông ấy chỉ dựa vào các tấm ảnh để đưa ra phân tích: các phi hành gia Apollo trong chuyến bay không nhìn thấy và cũng không hề chụp hình trái đất. Và thêm điều nữa, không nên dựa vào cái tên “lead engineer 33 năm kinh nghiệm”, chức vụ đó cũng bình thường. - Aleksandr Ivanovich Popop – Dc.Sc, nhà vật lý Xô Viết. Những quan điểm của ông về vấn đề này không ít lần bị chỉ trích, và vì không phải là chuyên gia hàng không vũ trụ, ông đã để lọt một số lượng lớn những sai sót trong những bài viết của mình.
[1] Link
[3] Link
[4] Летали ли американцы на Луну?
[5] Tiếng Nga -Tiếng Anh:
[6] Link
[7] Link
[8] Link
[9] – Loạt phóng sự 4 bài của báo Komsomol’skaya Pravda:
1.
Bài
1
2.
Bài
2
[10]- Link
Trong toàn bài, ngoài những thông tin thuộc lĩnh vực chuyên môn, Kichbu thích nhất câu dưới đây:
Trả lờiXóa"Họ quên rằng, trong giới khoa học, tổng thống hay tổng bí thư cũng chỉ tầm thường như bao người khác (thậm chí còn tầm thường hơn người bình thường). Galileo thà chịu chết chứ không thừa nhận trái đất không quay."