Cuộc đời và sự nghiệp nhóm “hạt giống đỏ”
Tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của họ, tôi cứ bâng khuâng nghĩ ngợi mãi. Họ đúng là những con người “vừa hồng, vừa chuyên” theo những tiêu chuẩn mà Bác Hồ mong muốn. Họ cũng chính là những người được gửi đến Liên Xô - lúc đó rất mạnh mẽ và “khỏe khoắn” để sống, học tập từ khi còn là những đứa trẻ. Họ đã có những đóng góp quan trọng cho đất nước, nhưng đáng ra, họ còn có thể làm được nhiều hơn thế.
Ngôi nhà số 28 phố Kachalov - nơi ở của "hạt giống đỏ" màu đông 1954
Những "hạt giống đỏ" giữa bạn bè quốc tế
Tại sao họ được gọi là “hạt giống đỏ”?
Bởi vì họ chỉ có 100 người được lựa chọn kỹ càng trong số hàng ngàn con em của những chiến sỹ cách mạng đã từng được lựa chọn để đưa sang Trung Quốc học tập từ những năm trước đó. Cụ thể, rõ ràng là thế này: Ngày 10/9/1954, có một đoàn tàu chở 30 thiếu nhi Việt Nam, xuất phát từ Nam Ninh, qua Quế Lâm đón 70 em nữa, rồi chạy thẳng đến Bắc Kinh, sau đấy đến Moskva.
Cũng xin nói rõ thêm một chi tiết: trong số này có hai người Lào mang tên Việt. Người thứ nhất là Nguyễn Văn Quang, con Hoàng thân Xuvanuvong, sau này là Chủ tịch nước Lào. (Nguyễn Văn Quang đã hy sinh tại Sầm Nưa năm 1967, khi đang giữ cương vị Bí thư Trung ương Đoàn cách mạng Lào). Người thứ hai là Lê Văn Lợi, con một chiến sỹ cách mạng Lào, (sau khi tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về, đã trải qua nhiều công việc. Năm 1990, là Vụ trưởng Vụ Ngân sách Quốc hội Lào; nay vẫn giữ chức vụ quan trọng ở đó). Như vậy là chỉ có 98 người Việt, nhưng năm 1958, 2 người Việt nữa được bổ sung, như vậy vẫn chẵn 100 người Việt (62 nam, 38 nữ) thuộc nhóm “hạt giống đỏ”!
100 người này là những thiếu niên ưu tú của Việt Nam . Họ là con của những người cộng sản đầu tiên, con của những chiến sỹ cách mạng và chỉ huy quân đội đã hy sinh, con của những nhà chỉ huy quân sự, những lãnh đạo đang nắm vận mệnh đất nước lúc bấy giờ và sau này như Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Đặng Việt Châu,Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Trần Huy Liệu, Nguyễn Xiển, Trần Duy Hưng, Lê Khắc… Điều quan trọng nhất ở đây: họ không chỉ là con của những người cách mạng, mà phải có những phẩm chất tốt về trí tuệ và nhân cách. Vào thời điểm đó, tuy là đất nước còn bộn bề sau chiến tranh, nhưng Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã chỉ đạo trực tiếp sự lựa chọn này.
Trước đó, Bác Hồ đã đặt vấn đề với Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô về việc đào tạo cán bộ lãnh đạo tương lai cho Việt Nam . Sau khi trao đổi kỹ lưỡng, Liên Xô đã dành một tòa biệt thự ngay trung tâm Moskva, số nhà 28, phố Kachalov để làm chỗ ăn (học ở chỗ khác, cùng với con em Liên Xô) ở cho 100 thiếu nhi Việt Nam. Nhìn bề ngoài, ngôi biệt thự này khá giản dị, nhưng nó có tầng ngầm và khuôn viên rộng tới 4000 m2 (trước đây là chỗ ở của Beria – nhân vật đầy quyền uy một thời ở Liên Xô) . Trong những năm sống và học ở đây, 100 người này được hưởng chế độ tạm gọi là “chủ nghĩa cộng sản”. Tuy không được giữ tiền, tiêu tiền nhưng hầu như họ muốn gì được nấy. 50 người Liên Xô phục vụ 100 trẻ em Việt Nam ăn ở, sinh hoạt, từ nấu nướng đến giặt giũ quần áo. Chi phí cho mỗi em một tháng là 100 rúp (trong khi lương tối thiểu của cán bộ, công nhân Liên Xô lúc đó chỉ 30 rúp/tháng).
Bù lại, những thiếu niên này đã học tập, rèn luyện với tinh thần cao nhất, vượt qua khó khăn xa nhà, xa Tổ quốc, học tiếng Nga không có từ điển. Trên thực tế, họ đã phát huy hết mọi khả năng của mình, từ những đứa trẻ từ 9 đến 14 tuổi, họ đã trở thành những thanh niên, hiểu biết nhiều thứ, làm được nhiều việc, yêu thương nhau như con một nhà.
Bác Hồ giữa "vòng vây" của "hạt giống đỏ" và bạn bè quốc tế
Những đóng góp quan trọng cho đất nước.
Đại học Tổng hợp Lomonosov - nơi rất nhiều "hạt giống đỏ" học đại học và NCS
Tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người trong số họ. Khi hỏi, được đào tạo bài bản như vậy, vừa “hồng”, lại vừa “chuyên”, có bao nhiêu người thành đạt trên con đường quan lộ? Họ có vẻ lúng túng và chỉ đưa ra được vài cái tên như : Hoàng Đức Nghi, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề dân tộc; Hồ Anh Dũng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam .
Còn khi được hỏi về những đóng góp cho văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật thì họ có thể đưa ra một danh sách dài. Thật vậy, họ chỉ có 100 người, nhưng hầu như đều có những đại diện ưu tú của mình trong nhiều lĩnh vực.Trong âm nhạc: Cao Việt Bách, Đỗ Dũng; kiến trúc: Hoàng Đạo Kính, Đặng Việt Nga; văn học: Phạm Vĩnh Cư; toán học: Vương Quốc Cường, Phạm Phu; vật lý:Võ Hồng Anh, Ngô Quốc Bưu; hóa học: Lê Đông Hải, Nguyễn Quang Huỳnh; địa lý- địa chất: Phạm Khoản; sinh học – y học: Lê Thị Muội, Tạ Thúy Lan; tin học: Trịnh Đông A; kinh tế: Đỗ Trọng Thiều… Có thể kể nhiều thêm nữa vì trong số 100 người, có tới 38 người trở thành tiến sỹ, công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đều thuộc loại cán bộ khoa học đầu ngành.
Họ còn có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực quân sự nữa. Tuy họ là “những hạt giống đỏ”, “lá ngọc, cành vàng” nhưng không ai ngại gian khổ hy sinh. Vào thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, gần hai mươi người trong số họ gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu và có những đóng góp quan trọng. Được biết, trong số họ có người tham gia vào việc cải tiến tên lửa SAM của Liên Xô để bắn máy bay B.52 của Mỹ. Trong nhóm những người đưa ra sáng kiến tháo rời xe tăng T.54 ra từng bộ phận, đưa vào mặt trận trận rồi mới lắp lại để tạo sự bất ngờ, cũng có sự đóng góp của người thuộc nhóm “hạt giống đỏ”. Có ba “hạt giống đỏ” gia nhập binh chủng hải quân ngay sau “sự kiện vịnh Bắc bộ”. Sau đó có Phạm Quang Đẩu tham gia vào Đoàn tàu không số, tạo nên “Đường mòn Hồ Chí Minh” trên biển.
Trong số họ có người được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về “cụm vũ khí đặc biệt trong chiến tranh chống Mỹ”. Ngày ấy vì bí mật quân sự nên không nói cụ thể, còn bây giờ, có thể nói rõ hơn. Đó là chị Trịnh Tô Hợp (con ông Trịnh Đình Cửu, 1 trong 7 người cộng sản đầu tiên), nghiên cứu tên lửa, có cấp bậc Đại tá, trưởng phòng tại phân viện tên lửa.
Nhưng theo Tiến sỹ Phạm Phu, cái mà nhóm “hạt giống đỏ” để lại cho đất nước là hàng trăm công trình khoa học, đã, đang và sẽ phát huy hiệu quả.
Họ không là những nhà lãnh đạo, quản lý – Tại sao?
Họ đấy, sau khi gần như hoàn thành "sư mệnh" của mình
Đến nay đã có hơn chục người trong số họ đã đi xa vĩnh viễn, số còn lại đã nghỉ hưu. Họ hài lòng với cuộc sống hiện tại, không kêu ca, không trách móc; với họ, mọi thứ dường như đã an bài. Nhưng tôi nghĩ, cuộc đời và sự nghiệp của họ đáng để chúng ta suy ngẫm và rút ra những bài học có giá trị cho hôm nay và ngày mai.
Tài năng, đức độ, sức khỏe của những người trong nhóm “hạt giống đỏ” không có gì phải bàn cãi nữa. Chỉ có câu hỏi: Tại sao họ không trở thành những nhà quản lý, lãnh đạo có tầm ảnh hưởng rộng lớn, nắm giữ những chức vụ quan trọng?
Nếu chúng ta trả lời thỏa đáng được câu hỏi này, sẽ có những bài học có ý nghĩa cho ngành giáo dục – đào tạo (mà hiện nay chúng ta đang loay hoay tìm phương hướng), cũng như công tác tổ chức cán bộ - lĩnh vực có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Có thể có ý kiến cho rằng, họ chỉ giỏi chuyên môn đơn thuần…
Không phải vậy. Họ có khả năng quản lý, lãnh đạo; thậm chí một số người trong họ có thiên hướng về chính trị, đã có sự chuẩn bị cho việc này. Theo như nhận xét của nhiều người, trong số họ có một số người như Trần Tam Ngạn (con ông Trần Văn Cung), Vương Minh Tường (con Trung tướng Vương Thừa Vũ), Hoàng Đạo Kính (con ông Hoàng Đạo Thúy), Nguyễn Bích Hà (con Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên), Trần Nguyệt Hồng (con Nhà sử học Trần Huy Liệu), Võ Hồng Anh (con Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và nhiều người khác đã tỏ ra có tư chất làm lãnh đạo ngay từ thời còn đi học. Họ đã được chuẩn bị khá kỹ càng, sẵn sàng đảm trách cương vị lớn, nhiệm vụ quan trọng. Nhưng trên thực tế, họ đã không được làm như vậy. Ví dụ, Trần Tam Ngạn chỉ làm Thư ký cho Giáo sư – Viện sỹ Trần Đại Nghĩa, và nghỉ hưu vào năm 1995, khi mới 51 tuổi.
Trong lĩnh vực quân sự, chúng ta có thể thấy rõ hơn. Trong số những ông bố của 100 này có 4 đại tướng (Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn), 2 thượng tướng, 4 trung tướng… Nhưng tất cả những “hạt giống đỏ” công tác trong quân đội, cấp bậc cao nhất chỉ là đại tá. Có những trường hợp đáng tiếc và hơi khó hiểu. Văn Tiến Tình (con Đại tướng Văn Tiến Dũng), học tên lửa ở Liên Xô, chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, giữ cương vị tham mưu trưởng trung đoàn khi còn rất trẻ, nhưng năm 1990 đã về hưu với quân hàm đại tá khi mới 47 tuổi. Lê Đông Hải (con Đại tướng Lê Trọng Tấn) là Giáo sư – Tiến sỹ, được nhiều huân chương, trong đó có Huân chương Chiến công hạng nhất, giải thưởng quốc gia, phục vụ trong quân đội cho đến khi về hưu, nhưng cũng chỉ là đại tá. Rõ ràng, “con đã thua cha”. Thậm chí, cố GS-TS Võ Hồng Anh còn cho rằng, họ không làm nên “trò trống gì” theo cách hiểu chung của xã hội hiện thời.
Thử tìm cách lý giải
Có một loại ý kiến cho rằng, khi họ trưởng thành, có học vị và tri thức thì Bác Hồ - Người chủ trương gửi họ đi và có kế hoạch sử dụng họ, đã không còn nữa. Do vậy, họ không còn được quan tâm đúng mực nữa, họ không là trung tâm của sự chú ý nữa.
Quan điểm này ít có sức thuyết phục, vì tuy Bác Hồ không còn nữa, nhưng những cộng sự của Bác, những học trò xuất sắc của Bác vẫn tiếp tục sự nghiệp của Người. Mà họ lại là những người cha ruột của những “hạt giống đỏ”. Đó là các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Văn Huyên, Trần Duy Hưng… Uy tín và quyền lực của những con người này sau năm 1975 là rất lớn. Và hơn ai hết, họ hiểu năng lực của các con mình. Vậy tại sao họ không đưa ra kế hoạch bố trí những người ruột thịt, tin cậy, xứng đáng cả về đức và tài vào những vị trí quan trọng của đất nước?
Trả lời câu hỏi này, chỉ có thể đoán rằng, cụm từ “con ông, cháu cha” được xã hội chủ yếu tiếp nhận nó với nghĩa tiêu cực đã phần nào tác động đến họ. Người ta ghét cái câu “con vua nối nghiệp làm vua”, vì vậy, vào thời điểm đó những ông bố có chức, có quyền, nhưng luôn luôn chí công, vô tư, không muốn, và cũng có thể là không dám dùng ảnh hưởng của mình để buộc tập thể, tổ chức sắp xếp có lợi cho con của mình. Thậm chí họ còn hy sinh quyền lợi của con để bảo vệ uy tín của mình. Điều này cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa mới kết luận được, nhưng rõ ràng một phần tư thế kỷ về trước, con cái của những cán bộ chủ chốt hầu như không được nối nghiệp cha. Có thể đây là điều thiệt thòi cho đất nước.
Nhưng thực ra, điều quyết định để những người của nhóm “hạt giống đỏ” không thể trở thành những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn nằm ngay trong chính con người họ, quá trình học được giáo dục, đào tạo. Có người nhận xét, họ gần như được đào tạo và giáo dục trong “môi trường chân không” - ở đó không có cái xấu, không có sự dối lừa, không có cách sống “hai mặt”, không có “cửa sau”. Chính GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính nói: Cha mẹ cho chúng ta cuộc đời. Tổ quốc cho chúng ta mảnh đất để yêu, để thương, để phấn đấu và chịu đựng. Nước Nga cho chúng ta sự sung túc của tâm hồn, cái cơ bản để làm người, để ta thực thi bổn phận của con người.
Nói tóm lại, họ tốt quá, trung thực quá, trong sáng quá và cũng …ngờ nghệch quá! Họ là những con người tốt, nhưng thiếu phẩm chất gì đó…Họ không thể trở thành người lãnh đạo, quản lý vì khái niệm “chạy chức, chạy quyền” với họ hoàn toàn xa lạ. Thậm chí, họ tỏ ra khó chịu, nếu ai đó tự quảng bá về mình. (Họ được đào tạo khá toàn diện, nhưng chắc là họ chưa biết đến bộ môn khoa học tương đối mới là Publish Relation, mà nay người Việt thường nói tắt là PR!?)
Như vậy, quá trình đào tạo và tự đào tạo của họ cũng có những chỗ xa rời thực tế, không đáp ứng được sự thay đổi của cuộc sống. Có thể, họ là những người hơi cứng nhắc và bảo thủ. Hoặc là xã hội ta có một điều gì đấy không phù hợp với họ? Họ đã lý tưởng hóa một xã hội còn lâu mới đạt đến mức lý tưởng.
Cuộc đời, sự nghiệp và số phận của 100 “hạt giống đỏ” là một phần trong lịch của nước Việt Nam hiện đại. Ở đây có nhiều điều để nêu gương, để học hỏi, để làm theo, để suy ngẫm. Sau khi suy ngẫm kỹ càng mới có thể rút ra bài học kinh nghiệm. Tôi chỉ mới tạm nêu những suy nghĩ của mình.
HBK
Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com
Và
http://vn.myblog.yahoo.com/batkhuatho/article?mid=917