Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2009

Hành trình 60 năm của đất nước 1, 3 tỷ dân

Hành trình 60 năm của đất nước 1,3 tỷ dân

Nguyễn Trung

Ngày 1-10-1949 nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời. Từ ngày ấy quốc gia này bước lên con đường lấy lại vị thế Trung Hoa của mình do nền văn minh của chính nó đã tạo dựng lên cho đến cách đây năm thế kỷ.


Tính đến ngày 1-10-2009, chặng đường đi được vừa tròn 60 năm: Từ một nước Trung Quốc với khoảng trên 500 triệu dân, ngày nay là 1,3 tỷ người; từ mức thu nhập theo đầu người hồi ấy (1-10-1949) là 60 USD, ngày nay là trên 2000 USD, từ một nước Trung Hoa lạc hậu và quanh năm thiếu đói, bây giờ trở thành công xưởng của thế giới khi bước vào thế kỷ 21.

Ngày nay, với nguồn nguyên liệu dồi dào từ khắp nơi trên trái đất này, Trung Quốc đứng đầu thế giới trong sản xuất xi-măng, sắt thép, nhôm và nhiều kim loại khác, là nước thứ hai xuất khẩu ô-tô sau Mỹ. Và theo tính toán của World Bank: có lẽ chỉ trong vòng vài năm tới Trung Quốc sẽ đẩy nền kinh tế Nhật xuống hàng thứ ba trên thế giới về quy mô GDP.

Bản thân Trung Quốc cũng đang ra sức thực hiện mục tiêu trở thành siêu cường vào năm 2050.

Trung Quốc đang ra sức thực hiện mục tiêu trở thành siêu cường
vào năm 2050. Ảnh: cafeF.
 

Nói gì về điều chưa xảy ra, thì sẽ tùy chất lượng tư duy mà điều nói ra ấy sẽ có thể là một dự báo tốt, hoặc có khi chỉ là một lời đoán mò. Tuy nhiên, nếu thấy Trung Quốc là nước rút ra nhanh nhất khỏi cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới hiện nay; thậm chí với tư cách là chủ nợ lớn nhất thế giới Trung Quốc là nước đang có lợi nhất trong cuộc khủng hoảng này, lại với tốc độ tăng trưởng rất cao và liên tục qua các năm. Hơn thế nữa, từ đầu thế kỷ này Trung Quốc đã trở thành cái “công xưởng thế giới”, hàng hóa rẻ của nó chẳng những “bắn thủng” (nói theo “Tuyên ngôn Cộng sản”) nhiều dinh lũy sản phẩm truyền thống của các nước tư bản phương Tây, mà còn chiếm cứ mảng lớn thị phần tại các quốc gia này và tại hầu hết các nước khác... Với cái đà này rất có thể Trung Quốc sẽ trở thành một siêu cường mới - nhất là trong tình hình Mỹ “đang xuống dốc”.

Con đường 60 năm vừa qua của Trung Quốc với những chiến tích làm cả thế giới kinh ngạc ấy bắt đầu từ cách mạng văn hóa, kinh qua bao nhiêu khúc quanh co như Thiên An Môn, Tây Tạng, Tân Cương.., với biết bao nhiêu cái giá phải trả khác chỉ có nhân dân Trung Quốc mới đánh giá hết được. Nếu ước mơ siêu cường của Trung Quốc trở thành hiện thực vào năm 2050, điều đó sẽ có nghĩa Trung Quốc đi con đường 200 năm của nước Mỹ trong vòng 100 năm! Một số sách báo tại các trung tâm nghiên cứu trên thế giới nói thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Quốc, siêu cường Trung Quốc đang trở thành vấn đề của thế giới...

Giáo sư Thôi Lý Nhũ, chủ tịch Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại (CICIR – Bắc Kinh), một viện nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc tầm cỡ quốc tế, đầu năm nay phát biểu trước giới học giả nước ngoài: “Mười năm qua Trung Quốc đã phát triển từ một vị thế tương đối thấp lên một vị thế tương đối mạnh, vì vậy những xung đột giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài không đặc biệt quyết liệt lắm (not particularly vehement). Tuy nhiên, trong vòng mười năm tới, Trung Quốc sẽ đi tiếp từ vị thế tương đối mạnh hiện nay lên một vị thế còn mạnh hơn nữa. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới sẽ còn lớn hơn nữa – và nỗi lo của thế giới về Trung Quốc cũng sẽ tăng theo...”[1]

Trong chuyến đi thăm Trung Quốc của đô đốc Mỹ Timothy Keating đầu năm nay, phía Trung Quốc đã trực tiếp nêu với phía Mỹ chia đôi Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ quản lý phần Thái Bình Dương từ đảo Hawaii về phía Tây, phía Mỹ từ Hawaii về phía Đông. Keating cho biết đã trả lời: “No, Thanks!”[2]

Bình luận trên báo Quân Giải phóng nhân (Trung Quốc) ngày 12-03-2009, Hoàng Thôn Luận viết: “...Quyền lợi quốc gia của Trung Quốc vượt xa ra ngoài biên cương lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Trung Quốc, bao gồm cả các vùng đại dương bao la nơi các tầu chở dầu của Trung Quốc qua lại, cũng như không gian vũ trụ... ... ...Quyền lợi quốc gia Trung Quốc mở rộng đến đâu, sứ mệnh lịch sử của lực lượng vũ trang của chúng ta (Trung Quốc) được mở rộng đến đấy!.. Đứng trước nhiệm vụ lịch sử mới, lực lượng vũ trang của chúng ta (Trung Quốc) không chỉ bảo vệ biên giới lãnh thổ, mà còn phải bảo vệ biên giới quyền lợi quốc gia của chúng ta.”[3]

Ngày 21-09-2009 Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tuyên bố nước này có hầu hết mọi hệ thống vũ khí hiện đại của các nước phương Tây...

Kết nối các điều vừa trình bầy thành một bức tranh tổng hợp, có thể kết luận: Ý kiến của giáo sư Thôi Lý Nhũ như đã nêu với học giả nước ngoài là thẳng thắn, mối lo của thế giới ngày nay đối với Trung Quốc thực sự đang gia tăng.

Trên thế giới ngày nay không ai có lý do gì để đối đầu với Trung Quốc, kể cả Mỹ. Cũng không một đầu óc tỉnh táo nào lại suy nghĩ là có thể chặn đứng con đường đi lên của Trung Quốc. Có thể khẳng định, xuất phát từ xu thế chung của thời đại, dư luận chủ đạo trên thế giới ngày nay mong muốn: Càng phát triển, Trung Quốc càng cần phải đảm đương phần trách nhiệm ngày càng lớn hơn của mình đối với hòa bình và an ninh của thế giới cũng như đối với tiến bộ và sự thịnh vượng chung của nhân loại. Thiện chí rộng rãi trên thế giới mong muốn đời sống ấm no hạnh phúc cùng với các quyền tự do dân chủ của nhân dân Trung Quốc cũng sẽ tăng theo cùng một nhịp với sự phát triển đầy ấn tượng của quốc gia đông dân nhất hành tinh này. Sẽ có một siêu cường Trung Quốc như vậy vào giữa thế kỷ này - hay ngược lại là một siêu cường đem lại nhiều nỗi lo hơn nữa cho cả thế giới?

*

...Việt Nam Trung Hoa... núi liền núi... sông liền sông... Có lẽ trên quả đất này không có một quốc gia nào như Việt Nam mong muốn đòi hỏi của dư luận chủ đạo cũng như thiện chí của thế giới đối với Trung Quốc như đã trình bày trong phần trên sẽ trở thành hiện thực!

Phải, còn ai mong muốn điều này hơn Việt Nam? Bởi lẽ, đứng sát cái “công xưởng thế giới” này Việt Nam đã đủ rát mặt vì “hơi nóng” của nó phả ra chung quanh – đến mức vào bất kể một cửa hàng tạp hóa ở hang cùng ngõ hẻm nào trên đất Việt Nam cũng đầy rẫy các sản phẩm Trung Quốc – có chất lượng hoặc kém chất lượng, kể từ cái cuốc, cái xẻng trở đi, đến thuốc diệt chuột... Khắp nông thôn và thành thị Việt Nam đầy rẫyy sắt thép, ô-tô, máy cày, máy kéo nhãn hiệu Trung Quốc... Rồi còn bao nhiêu chuyện khác nữa. Đấy là chưa nói Việt Nam rất cần quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác cho an ninh và sự phát triển của chính mình.

Quan hệ giữa Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam - Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Hoa kể từ ngày thiết lập cũng trải qua biết bao nhiêu thời kỳ thăng trầm,
từ những khi “môi hở răng lạnh”, cho đến những đụng độ, chiến tranh đẫm máu.
 Ảnh: vietnamnet.

Quan hệ giữa Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa kể từ ngày thiết lập cũng trải qua biết bao nhiêu thời kỳ thăng trầm, từ những khi “môi hở răng lạnh”, cho đến những đụng độ, chiến tranh đẫm máu. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên ơn những giúp đỡ hào phóng, chí tình của nhân dân Trung Quốc dành cho Việt Nam trên con đường giải phóng thống nhất đất nước, song cũng bao phen mất ăn mất ngủ vì biết bao nhiêu sự kiện trái chiều phía Trung Quốc gây ra trong quan hệ hai nước.

Có thể nói tóm tắt, mối quan hệ “cùng chiến hào” của hai nước đột ngột đổi chiều kể từ năm 1972 – vì quyền lợi quốc gia của hai nước đi theo hai đường khác chiều nhau: Hồi ấy Trung Quốc vì lợi ích của mình cần bình thường hóa quan hệ và hợp tác với Mỹ, còn Việt Nam thời ấy lại đang phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mãi tới 1989 quan hệ hai nước mới bắt đầu bình thường hóa trở lại. Thời kỳ 1972 – 1989 là thời kỳ quan hệ hai nước căng thẳng và đẫm máu nhất, với biết bao nhiêu sự kiện đã đi vào kí ức mọi người.

Phải nói quan hệ hai nước bình thường hóa trở lại như ngày nay và có những bước phát triển mới quan trọng, đó là nhờ sự nỗ lực rất to lớn của hai nước. Mong rằng đấy sẽ là xu hướng chủ đạo, xu hướng tiếp tục thắng thế của quan hệ hai nước trong tương lai. Việt Nam tôn trọng và đánh giá cao 16 chữ lãnh đạo Trung Quốc đã chủ động đưa ra như một tiêu chí cho xây dựng mối quan hệ Việt – Trung: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".

16 chữ này cũng là mong muốn của phía Việt Nam, và có thể khẳng định phía Việt Nam đã kiên định làm hết mình và tự kiềm chế hết mình để xây dựng quan hệ hai nước theo tinh thần như thế. Trong tương lai cũng sẽ như vậy.

Có thể nói, kết quả đạt được cho đến nay trong xây dựng mối quan hệ giữa hai nước vì hòa bình, hợp tác hữu nghị, và cùng phát triển là rất to lớn và quan trọng. Song cho đến nay, phía Trung Quốc vẫn liên tiếp gây ra quá nhiều sự việc đi ngược với tinh thần 16 chữ - nóng bỏng nhất trong quan hệ hai nước hiện nay là những vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Đạo lý thông thường ở đời, nhân dịp kỷ niệm “sinh nhật” của người bạn láng giềng 1-10 này – nhất là trong trường hợp này là người bạn láng giềng khổng lồ, có nhiều mối quan hệ truyền thống văn hóa và lịch sử, không ai lại thô thiển đến mức đem những chuyện đau đầu ra trách móc nhau làm gì. Còn hơn thế, Việt Nam muốn nhân dịp này nói lên nguyện vọng sâu xa của mình là 16 chữ phải thực sự là mục tiêu mãi mãi, là thước đo cho quan hệ hai nước. Nói dối, hay vuốt ve nhau vào dịp này chỉ đầu độc quan hệ hai nước hoặc phản bội lại 16 chữ. Sự thật là còn nhiều vấn đề trọng đại do lịch sử để lại đang tác động sâu sắc đến quan hệ hai nước. Cũng là sự thật có sức thuyết phục không kém: sự tôn trọng lẫn nhau, lý trí và lẽ phải là những yếu tố quyết định trong nỗ lực của hai nước đã xây dựng nên những bước tiến bộ vừa qua trong quan hệ hai nước.

Nhân ngày 1-10, nhất là vào dịp 60 năm, nhân dân Việt nam mong muốn cả hai nước tiếp tục làm hết mình để cho sự tôn trọng lẫn nhau, lý trí và lẽ phải sẽ mang lại những nỗ lực mới, tăng thêm nghị lực sáng tạo mới trong việc giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại trong quan hệ hai nước, thực hiện thành công 16 chữ nền tảng của quan hệ Việt – Trung. Một Trung Hoa theo tinh thần như thế, chắc chắn sẽ là một Trung Hoa vĩ đại lan tỏa ảnh hưởng xây dựng của mình đối với hòa bình, phát triển và phồn vinh của cả thế giới.

Tại phiên họp toàn thể lần 64 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 23 tháng 9 năm 2009, Chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào tuyên bố:

“Tương lai của Trung Quốc gắn kết ngày càng chặt chẽ với tương lai của thế giới. Càng phát triển, Trung Quốc sẽ càng đóng góp lớn hơn cho thế giới và càng mang lại cho thế giới nhiều cơ hội. Chúng tôi cam kết lựa chọn con đường phát triển hòa bình và rộng mở với chiến lược thắng – thắng. Chúng tôi sẽ phát triển các mối quan hệ hữu nghị và sự hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở của năm nguyên tắc chung sống hòa bình. Trung Quốc sẽ luôn luôn là và tiếp tục là lực lượng tích cực của hòa bình và sự phát triển chung.”[4]

Là một công dân Việt Nam, nhân dịp ngày 1-10 này, tôi xin chúc nhân dân Trung Quốc sẽ xây dựng thành công một Trung Hoa vỹ đại và thế giới sẽ có một Trung Hoa như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã cam kết trong diễn văn nói trên.

Người Việt Nam chúng ta cũng phải tự nhắc nhở nhau: Muốn được bạn tôn trọng, trước hết chúng ta phải tự trọng, khiêm tốn và nỗ lực hết mình vươn ra khỏi tình trạng lạc hậu hiện nay. Không tự trọng, lực mỏng chí mềm, thì chẳng bao giờ được ai tôn trọng cả - lẽ sống trên đời khắc nghiệt là vậy.

Đọc thêm

> Chuyện ít người biết về quan hệ Việt Trung - Dương Danh Hy

http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/8075/index.aspx

4 nhận xét:

  1. Quyền lợi quốc gia Trung Quốc mở rộng đến đâu, sứ mệnh lịch sử của lực lượng vũ trang của Trung Quốc được mở rộng đến đấy!

    ---> Đã thấy !!!

    Trả lờiXóa
  2. Trên thế giới ngày nay không ai có lý do gì để đối đầu với Trung Quốc, kể cả Mỹ. Cũng không một đầu óc tỉnh táo nào lại suy nghĩ là có thể chặn đứng con đường đi lên của Trung Quốc.

    ---> Em có lý do, mặc dù đầu óc em không được tỉnh táo cho lắm.

    Trả lờiXóa
  3. @ Pix: Việt Nam - Trung Quốc mà ví như răng với môi thì buồn cười nhở. Ai răng, ai môi?

    Trả lờiXóa
  4. Kết luận: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter