2009 – Chiều cuối năm nhìn lại
Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện
Năm 2009 đã khép lại. Chiều cuối năm, lắng lòng suy ngẫm về một năm qua về những được mất, thăng trầm, những may rủi, vui buồn của cá nhân mình, và xung quanh mình. Trong không gian yên tĩnh của một buổi chiều cuối năm, hồi tưởng lại năm qua, mà tưởng như nghe bốn bề ba động. Tự mình điểm lại những chuyện, những việc diễn ra trên đất nước mình một năm qua đã được ghi vào trí nhớ của mình, vội ghi mấy hàng để nhớ về năm hai lẻ chín của thiên niên kỷ này.
1.Thứ nhất phải kể đến việc nêu ý kiến phản biện các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Từ việc chỉ có 135 nhà trí thức tinh hoa ký tên. Bức kiến nghị đã nhanh chóng được lan truyền trên mạng internet, và được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trong cả nước kiều bào ở nước ngoài.
Chưa có bao giờ một tâm tư nghĩ suy của một nhóm người đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ đến như vậy. Những nhà trí thức và nhà văn hóa đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để phân tích những hơn thua của dự án và gióng lên những cảnh báo về vấn đề này, trên nhiều phương diện: kinh tế, kỹ thuật công nghệ, an ninh, quốc phòng, văn hóa, xã hội…Lời nào cũng là lời gan ruột được viết ra bằng cả lý trí lẫn tình cảm, mỗi lời đều là những góp ý chân thành, tha thiết, xây dựng. Thật mừng vì đất nước ta có một đội ngũ trí thức nhiệt tâm và luôn sát cánh với những vấn đề lớn của quốc gia như vậy!
Trang thông tin Bauxite Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn đã có tới 17,5 triệu lượt truy cập là minh chứng cho thấy người dân Việt Nam con Lạc cháu Hồng trăn trở, tha thiết với đất nước như thế nào. Mỗi khi trang này trục trặc kỹ thuật là lại một lần xôn xao trong giới trí thức và giới trẻ, cứ như nó là một phong vũ biểu của một mảng đời sống tinh thần Việt Nam.
2.Sự tham gia của trí thức vào các công việc nước nhà còn thể hiện bằng những bài báo về các vấn đề lớn của đất nước. Từ những chuyên gia hàng đầu của đất nước về kinh tế như Nguyễn Trung, Phạm Chi Lan, Nguyễn Quang A đến những chuyên gia về giáo dục như Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Hãn, Nguyễn Lân Dũng rồi các chuyên gia về văn hóa như Nguyên Ngọc, Phan Cẩm Thượng. Từ những vị tướng đầu bạc như Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Cương, Nguyễn Trọng Vĩnh, Đồng Sỹ Nguyên, đến những nhà trí thức trẻ như Vũ Minh Khương, Hoàng Thúc Hào, Giáp Văn Dương…
Nhưng đông đảo nhất vẫn là những nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nghệ sỹ. Thông qua các trang blog cá nhân, họ công bố tác phẩm, và bình luận về thời sự, góp ý đến những người có trách nhiệm. Nhiều trang tin nhanh, nhạy và có tiếng nói phản biện sắc sảo, xây dựng.
Bảy bức thư của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã vẽ lên bức tranh nông thôn Việt Nam với nhiều điều làm chúng ta phải trăn trở suy nghĩ khi sự thật được phơi bày và những dự báo đang trở thành sự thật.
3. Năm 2009, vấn đề Biển Đông đặc biệt được con dân đất Việt quan tâm, bất kể là người trong nước hay đồng bào ta đang ở nước ngoài. Biển Đông diễn biến càng ngày càng phức tạp. Biển Đông – một nửa cơ ngơi của tổ tiên ta để lại cho con cháu, bằng cả máu xương và tâm huyết. Đáng kể nhất phải kể đến những cố gắng của Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao Việt Nam) đã tổ chức được một hội thảo quốc gia, một hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông. Kết quả là, tại hội thảo quốc tế về Biển Đông đã thu hút sự tham gia của đông đảo học giả quốc tế đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đường lưỡi bò do Trung Quốc đưa ra được chỉ ra chỉ là một sự vẽ vời vô căn cứ cả về pháp lý lẫn lịch sử.
Hội thảo quốc gia Biển Đông đã đưa ra được những khuyến nghị có giá trị, trong đó đặc biệt nhất là đề xuất việc lập hồ sơ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đưa ra pháp đình quốc tế; đề xuất 4 hóa đối với vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa là: quốc tế hóa, công khai hóa, xã hội hóa và phi nhạy cảm hóa.
Trung Quốc càng ngày càng tỏ rõ ý chí quyết biến Biển Đông thành ao nhà. Họ không từ một thủ đoạn nào! Hơn 85 tàu cùng hơn 1.062 ngư dân của các làng chài huyện đảo Lý Sơn đã bị Trung Quốc bắt giữ, cướp tài sản, đánh đập khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam từ năm 2002 đến nay. Ngoài bắt giữ người, thu tàu, cướp tài sản, đánh đập ngư dân, phía Trung Quốc còn bắt ngư dân nộp phạt hơn 2,5 tỷ đồng và đã bắn bị thương 1 người…Đó là con số thống kê chưa đầy đủ của Văn phòng UBND huyện đảo Lý Sơn.
Liên tiếp từ tháng 4 đến nay, dòng họ Đặng ở Lý Sơn hay nhà nghiên cứu Phan Thuận An ở Huế đã hiến tặng cho Nhà nước những tài liệu đặc biệt quý giá góp phần khẳng định chủ quyền của VN ở biển Đông nói chung và Hoàng Sa – Trường Sa nói riêng. Điều đó thể hiện ý thức trách nhiệm của người dân với đất nước, tổ tiên, làm nức lòng đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Những văn bản quý giá đó thể hiện ý chí của tổ tiên chúng ta về chủ quyền biển đảo. Còn hậu thế thì phải làm gì đây?
4.Về văn hóa nghệ thuật, phải kể đến tình hình đạo văn, đạo nhạc, đạo công trình nghiên cứu ngày càng trở nên phổ biến của những người muốn trục lợi, cầu danh trên những tâm huyết của những nhà nghệ sỹ, trí thức chân chính. Điều đáng buồn hơn là không thấy cơ quan hữu trách nào có được các chế tài đủ mạnh để dẹp được căn bệnh trầm kha này, khiến cho chúng ta không thể yên lòng được, khi học phong và giới trí thức – được coi là tinh hoa của xã hội đang sa sút nghiêm trọng.
Nếu Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Bộ Thông tin truyền thông, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và hai Đại học quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không quyết tâm lập lại trật tự thì đây là một điều đáng xấu hổ cho văn hóa và khoa học nước nhà. Rất mong ông Tô Huy Rứa, 2 ông Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn, Lê Doãn Hợp, ông Đỗ Hoài Nam và 2 ông Giám đốc hai đại học quốc gia ở hai đầu đất nước quan tâm đến vấn đề này.
Giải pháp cho vấn đề này là tác phẩm, công trình đạo văn sẽ bị đưa ra khỏi các thư viện, không phát sóng; nếu là giáo trình thì không được dùng giảng dạy; nếu nhờ nó mà người nào được phong học hàm học vị thì tước bằng, tước học vị; quan chức đạo văn thì cách chức ngay lập tức. Bên cạnh đó, đối với luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ cần được đưa công khai toàn văn lên mạng internet (đây cũng là 1 đề tài khoa học cấp Bộ ở Viện KHXH Việt Nam đề cương đã được bảo vệ qua nhiều hội đồng ngành, nhưng cuối cùng không hiểu vì sao chính Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam đã bác bỏ).
5. Năm 2009 cũng đã xảy ra nhiều chuyện liên quan đến các cơ quan báo chí và văn hóa. Đó là trang báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đăng những tin tức của báo Trung Quốc nhằm khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc. Kết quả là TBT. Đào Duy Quát phải nộp phạt 30 triệu đồng. Sau đó, số báo chào mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, báo Phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh đã đăng bài Những chú lính trên sân ga của nhà văn Dạ Ngân bằng minh họa hải quân Trung Quốc khiến cho dư luận vô cùng bức xúc.
Liên quan đến vấn đề này, sự phẫn nộ của cộng đồng mạng lên đến đỉnh điểm khi phát hiện trang web của Bộ Công thương đã để cho trang mạng của mình thành nơi người Trung Quốc tuyên truyền chủ quyền của họ đối với Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Gần đây nhất, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam xuất hiện pano hình ảnh lính Trung Quốc đi dưới lá cờ Việt Nam. Sau đó, TS. Nguyễn Thành Rum GĐ Sở Văn hóa Thể thao & du lịch Tp. Hồ Chí Minh đã trả lời PV của RFA bằng những lời lẽ ngây thơ và thiếu trách nhiệm, khiến cho cộng đồng mạng rất phẫn nộ.
Bên cạnh đó, việc để quá nhiều phim Trung Quốc chiếm sóng trên khắp các đài truyền hình từ trung ương đến địa phương cũng làm những người yêu nước chạnh lòng. Cuốn Ma Chiến hữu – một tác phẩm hạng xoàng của Mạc Ngôn được lưu hành với đề từ và cách P.R thiếu hiểu biết và non kém về cả văn học lẫn chính trị của nhà xuất bản Văn học cũng khiến dư luận xôn xao. Và rồi hôm qua, lại một sai sót kinh hoàng vừa được phát hiện trong một cuốn Từ Điển cũng do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2008. Thật không thể hiểu làm sao nữa!
Điều đáng buồn là những vụ việc tày trời nêu trên đều được phát hiện bởi các blogger và cộng đồng mạng. Họ không ăn lương của ai, việc làm của họ là nhằm thể hiện lòng yêu nước.
Cũng năm 2009, chưa có bao giờ các báo điện tử lại phải gỡ bài nhiều như thế! Có những bài vừa đưa lên vài giờ đã phải gỡ xuống. Có báo một ngày phải gỡ bỏ 2 bài.
6.Năm 2009 với các dự án, công trình Kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội luôn nằm trong sự quan tâm của cán bộ và nhân dân thủ đô, nhân dân cả nước. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều việc còn dở dang và không thể hoàn thành đúng tiến độ.
Dự án làm phim Lý Công Uẩn đành gác lại vì nhiều lý do, nay chuyển sang làm phim Trần Thủ Độ. Việc chọn làm phim Trần Thủ Độ như một lễ vật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thật sự là một tối kiến của các nhà làm phim, và chủ đầu tư dự án. Vì ai cũng biết lễ kỷ niệm 1000 năm có điểm nhấn là vương triều Lý. Trớ trêu thay, theo chính sử thì chính Trần Thủ Độ đã chủ trương tận diệt nhà Lý bằng một việc làm không thể nói là có đạo đức. Hà Nội đem phim Trần Thủ Độ làm lễ vật mừng Thăng Long ngàn tuổi chẳng khác Huế đem diễn hoạt cảnh cành đào báo tiệp Ngọc Hân mừng Quang Trung hoàng đế ngay trước Ngọ Môn Huế tại Festival vừa rồi.
Cũng trong năm 2009, hàng loạt báo chí đã phản ánh các khía cạnh khác nhau về con đường gốm sứ – một con đường từng được giới nghệ sĩ và nhân dân nức lòng, được sự ủng hộ nhanh chóng của chính quyền các cấp và nhân dân thành phố, đã đi lạc đường.
Thủ đô nhếch nhác bụi bặm, ngập lụt sau mỗi trận mưa, giao thông ách tắc, nhà siêu mỏng mọc lên ở nhiều nơi, chặt phá cây xanh (kể cả cây gỗ sưa), bao nhiêu lệnh cấm thành ra đánh trống bỏ dùi khiến người nào tự tin cũng không dám tin đô thị Hà Nội năm 2010 sẽ khuôn mặt mới khả ái. Hà Nội vẫn tự hào là đất thanh lịch, nhưng sự kiện phố hoa của giới trẻ đã khiến cho cả nước phải nghĩ lại. Ngày mai, 31.12 là lễ hội hoa Hà Nội, sẽ ra sao đây? Thực sự, vẻ đẹp thanh lịch của người Hà Nội gốc đang cần được tìm lại, vun đắp.
Cuộc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội một cách vội vàng (từ đề xuất đến tiến hành chưa đầy 5 tháng) đã khiến cho khuôn mặt văn hóa của Hà Nội xô lệch. Nhiều người đã từng lo lắng mấy năm nữa, cả Hà Nội rộng lớn sẽ lanh tanh bành mà việc sửa chữa nó sẽ phải mất nhiều chục năm sau nữa. Ngay như việc chọn trung tâm hành chính của thủ đô ở đâu, thì hiện nay cũng đang “rối như canh hẹ”(trong 3 tháng mà chủ tịch thành phố đưa ra 3 địa điểm khác nhau). Ngay như việc Thủ tướng đã quyết định chọn Mỹ Đình làm trung tâm hành chính, thì cũng cần xem xét cân nhắc thêm, vì theo tính toán của KTS Trần Thanh Vân, Mỹ Đình chính là một cái rốn nước (muốn xây dựng ở đây, cần phải có một hệ thống hồ 1000 héc-ta thì mới không lo “Hồ Tây tràn ra Mỹ Đình”, trong khi những hồ xunh quanh đã bị lấp đi đi đến 70%), hơn nữa Mỹ Đình không “gối núi trông sông” theo quan niệm phong thủy.
7. Phát biểu của các quan chức được đưa vào mục “Phát ngôn ấn tượng” được điểm mỗi thứ Sáu hàng tuần của báo điện tử VietnamNet.
Những người có phát ngôn ấn tượng được điểm mặt kể tên thuộc đủ mọi ngành, ở rất nhiều chức vụ cao thấp khác nhau, trở thành nỗi lo lắng và sự đàm tiếu của dư luận. Không hiểu các trường đào tạo về hành chính cho cán bộ có dạy kỹ năng và cách xuất hiện, phát biểu trước công chúng?
Phát ngôn của quan chức nhiều khi bộc lộ nhiều vấn đề mà người dân chưa biết; lại cũng nhiều khi bộc lộ trình độ cũng như sự vô cảm của quan chức đối với các vấn đề xã hội. Có những phát ngôn ấn tượng được dư luận đem ra đàm tiếu, buồn cười đến không ngờ được! Vậy mà không thấy những người phát ngôn đó nói lại, chứng tỏ báo chí đã tường thuật đúng!
8.Báo động về sự xuống cấp của đạo đức con người. Qua báo chí, chưa bao giờ người ta được xem các vụ tường thuật nhiều vụ giết người như năm 2009. Từ các vụ giết tình nhân (vụ giết người trên chiếc xe Luxes sang trọng) đến vụ con giết cha rồi chặt khúc vứt xuống sông hồ. Từ việc người vợ dùng chiếc kim khâu lốp dài gần 10cm đem từ Đông Anh lên Thái Nguyên để đâm vào giữa đỉnh đầu đứa con riêng của chồng vừa được 40 ngày tuổi đến các vụ giết người đốt xác rùng rợn.
Các vụ giết người càng ngày càng man rợ. Tuổi của các hung phạm ngày càng trẻ. Điều này cho thấy cần phải xem lại về cách chúng ta giáo dục con người trong nhà trường, gia đình và trong xã hội.
Chúng ta cần phải xem lại rằng con em chúng ta đã được giáo dục về đạo đức, về lòng yêu thiên nhiên và loài vật, yêu gia đình và bè bạn như thế nào trong các trường học. Môn giáo dục công dân đã được dạy như thế nào? Hay nó chỉ là những bài học thuộc lòng như vẹt?
9.Năm 2009, ghi nhận nhiều sự kiện về Di sản văn hóa Việt Nam. Có 3 di sản của Việt Nam được UNESCO ghi nhận là Di sản thế giới: Quan họ – Ca trù – Mộc bản triều Nguyễn. Trong đó, ca trù được ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Nhưng năm qua lại cũng rộ lên chuyện đua nhau làm hồ sơ di sản UNESCO. Các tỉnh đua nhau họa ra một cái hồ sơ để đưa đi xin danh hiệu. Nào hang nào động, nào hát nào ca. Hồ sơ đề cử Hoàng thành Thăng Long của Hà Nội đã được thế chỗ bởi Hội Gióng.
Năm qua, việc tu bổ trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cũng được báo chí đưa tin rầm rộ. Bức tử đền Và (Sơn Tây), khai tử Suối Giải Oan (Yên Tử), tu sửa đền Bà Tấm, chùa Trấn Quốc, đình Kim Liên…là những vụ được dư luận quan tâm nhiều.
Chúng ta có yêu văn hóa của ông cha thật không? Hay là chỉ yêu các dự án đó? Lập các dự án về văn hóa có bao nhiêu phần trăm vì văn hóa thật sự, hay là vì sự chấm mút? Ngay như Huế, đồn rằng biết giữ lắm, vậy mà hình như chỗ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế của ông Phùng Phu, ông Phan Thanh Hải cũng chỉ chăm chú thu tiền thôi! Đoàn làm phim truyện đến quay bối cảnh là lăng Đồng Khánh, em cứ xin bác 20 triệu một ngày, quay bao lâu thì quay, cứ thế trả tiền. Đoàn cán bộ Viện Hán Nôm có công văn đề nghị in rập văn bia để lưu trữ và nghiên cứu, mà họ khăng khăng không cho rập để bảo vệ văn bia, mặc dù đã nhờ đến Phó Chủ tịch tỉnh, kêu đến Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng, rồi ông Chủ tịch UB quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Sanh Châu. Thế mới biết ông Phu ông Hải chả khác gì ông vua con! Ấy vậy mà bia đá Thơ ngự chế của vua Thiệu Trị thì sắp lộn cổ xuống Ngã Ba Tuần, còn phế tích Võ Miếu (Võ Thánh) thì chỉ còn năm tấm bia đá trơ gan cùng tuế nguyệt “đã không kẻ đoái người hoài”, “lại không cho cắm một vài nén nhang”! Văn Miếu Huế cũng vậy, những cọc bê tông giơ sợi sắt nghều ngào như cào vào trời chiều Hương Giang ứa lệ. Nghệ nhân nghệ sỹ Huế lão thành đang thoi thóp xếp hàng đi xuống ga Hoàng Tuyền, mà cũng chẳng ai đoái tưởng. Huế có yêu Huế thật lòng chăng?
Liên quan đến di sản văn hóa, có lẽ cũng phải kể đến hai “kiệt tác” văn hóa mới ở hai đầu đất nước là Chùa Bái Đính và Đại Nam quốc tự. Mỗi nơi mỗi vẻ, không giống nhau và không giống ai, nhưng vì thế mà được từ quan chí dân nô nức kéo về chiêm ngưỡng. Liên quan đến di sản, chúng ta còn quá coi thường di sản văn hóa, khi cứ đem sân khấu hóa hoặc làm lệch lạc các lễ hội truyền thống (Liên hoan Cồng chiêng, Lễ hội đền Lảnh Giang, lễ hội Tịch điền cùng hàng trăm lễ hội tốn kém khác).
10. Năm 2009 cũng là năm có nhiều chuyện về các mạng xã hội. Cuối cùng sau nhiều lần “chết hụt”, Yahoo! 360 chính thức vĩnh biệt cộng đồng blogger vào ngày 13/7. “Cái chết” này đã được dự báo trước từ lâu nhưng nó vẫn thực sự gây sốc cho cộng đồng mạng. Các cuộc chuyển nhà, nhận họ hàng, bè bạn và người thân trong thế giới mạng diễn ra sôi động.
Khi Facebook được nhiều người chọn vì tính tương tác của nó trong cộng đồng thì cũng là lúc nó bị trục trặc một cách bí hiểm vào đầu quý IV năm 2009. Một tâm lý bất an đã và vẫn đang thường trực trong cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
*
Xuân Canh Dần đang sắp sửa! Bao nhiêu việc đang bày trước mắt. Ngổn ngang trăm mối bên lòng!
Ta là một “bạch diện thư sinh” suốt ngày quẩn quanh với thư tịch cổ, tự thẹn với mình không làm được điều gì cho đời, văn chương chữ nghĩa viết ra cũng chỉ để vui bạn vui bầu chứ tuyệt nhiên không có dòng nào có hơi hướm gì đáng gọi là kinh bang tế thế. Thôi thì, việc mình mình biết, lòng và chí chỉ biết tâm niệm câu này:
Thương nước, khơi sâu nguồn sử nước
Yêu đời mở rộng mạch văn đời.
Khơi đỉnh hương trầm. Nối thêm ngọn sáp. Ngào ngạt ngọn khói hương dâng. Nao nao mối sầu thiên cổ!
Sáng nay, mưa phùn đã dắt nhau xuống phố. Ngày mai Hà Nội mở lễ hội hoa. Khắp non sông trời đất giao mùa! Xuân bất tận đang về trên đất Việt!
Kichbu Copy and Paste
Nguồn: anhbasam.com