Cần làm gì trước hành động hăm he khủng bố của Trung Quốc |
> Xem "Avatar" nhớ..."Nỏ thần" |
Tình trạng bắt bớ, cướp bóc, trừng phạt ngư dân Việt nam của các lực lượng vũ trang TQ trên biển Đông, đặc biệt ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày càng được đẩy mạnh từ hơn nửa năm nay. Nhiều dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền phía TQ không tuân thủ những gì đã cam kết song phương, mới đây nhất là trong cuộc gặp gỡ giữa thủ tướng hai nước Việt-Trung tại Thành đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên vào tháng tháng 10/2009 vừa qua. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khẳng định với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rằng “Việt Nam là láng giềng hữu nghị và là đối tác quan trọng của Trung Quốc. Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam”….Trên tinh thần nầy “hai thủ tướng bày tỏ tin tưởng vấn đề trên biển sẽ từng bước được giải quyết phù hợp với quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật biển 1982 và tinh thần DOC, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực”(1) theo lời tường thuật của TTXVN.
Hai thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ôn Gia Bảo
Thế nhưng từ đó đến nay, hành động dọa nạt của TQ trên biển Đông ngày càng gay gắt hơn bao giờ ! Liệu chúng ta có thể yên tâm mong ngóng, “chờ đợi” một giải pháp nào đó “thấu tình đạt lý” từ phía họ, hay vào một ngày không xa, những hòn đảo nhỏ còn lại ở Trường Sa cũng sẽ bị TQ cướp đoạt như quần đảo Hoàng Sa trước đây mà những cuộc đàn áp, uy hiếp và khủng bố ngư dân Việt nam vừa qua là bước triển khai ?
Tìm một giải pháp hợp lý cho cả hai phía là một vấn đề không hề dễ dàng nhưng chúng ta không thể tin vào chiếc lưỡi không xương tham lam và cố chấp của tư tưởng Đại Hán từng đe dọa đến sự tồn vong của dân tộc Việt nam không biết bao lần ! Việc vạch ra phương hướng, sách lược và chiến thuật đối phó là những vấn đề không cho phép chúng ta chủ quan hay tắt trách.
Đòi lại chủ quyền và trao trả quần đảo Hoàng Sa khác với cuộc tranh chấp đa phương về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa
Quần đảo Hoàng Sa
Cuộc tấn công của quân đội TQ vào tháng 1/ 1974 đã cưỡng đoạt và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Việt nam Cộng Hòa ở thời điểm sụp đổ của chính quyền nầy đến gần, sau khi Mao Trạch Đông thỏa hiệp với Tổng thống Hoa Kỳ Nixon về việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung vào năm 1972 cho thấy ý đồ sâu xa của những nhà lãnh đạo Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền ở biển Đông. Từ đó đến nay mặc dù VN đã nhiều lần nhắc lại “Hoàng Sa là của VN” với những bằng chứng lịch sử cụ thể nhưng phía TQ phớt lờ, vẫn kiên trì chủ trương tiếp tục “thu hồi” quần đảo còn lại trên biển Đông, từng bước chiếm đoạt một số hòn đảo thuộc Trường Sa vào năm 1995 và 1998, liên tục xây dựng căn cứ quân sự tại đây hòng mở rộng “chủ quyền” phi lý theo đường “lưỡi bò” bất chấp Luật biển của LHQ năm 1982 (UNCLOS) lẫn “Những qui tắc ứng xử trên biển Đông”(DOC) mà họ đã thỏa thuận với các nước ASEAN vào năm 2002(1).
Quân đồn trú Pháp - Việt c
hào cờ trên đảo Hoàng SaDựa vào thực tế chiếm cứ của quân đội TQ ở Hoàng Sa là một “sự thật” đã rồi, để từ đó ngoan cố cho rằng chủ quyền của Trung Quốc là “không thể tranh cãi” mặc dù quần đảo Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của nước ta.(2)
Vì vậy, cuộc thương thảo đòi lại chủ quyền và trao trả quần đảo Hoàng Sa cho VN là một việc làm vô cùng cấp bách tương tự việc Nhật bản kiên trì yêu cầu Mỹ trả lại quần đảo Okinawa đã bị quân đội Mỹ chiếm đóng và xây dựng căn cứ quân sự từ năm 1945, cuối cùng chính phủ Hoa Kỳ chính thức trao trả cho Nhật bản vào năm 1972 là một thí dụ cụ thể, nhằm:
1/Trước mắt, bảo đảm cho ngư dân VN các tỉnh miền trung tiếp tục đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền VN. Có ngân sách ứng vốn, hỗ trợ việc đầu tư trang thiết bị hàng hải và đánh bắt hiện đại. Đề nghị phía Trung Quốc tiến hành đàm phán khẩn cấp, tôn trọng quyền khai thác các nguồn lợi hải sản, đi lại trên vùng biển của ngư dân thuộc chủ quyền của nước ta , chấm dứt việc tàu chiến TQ hoành hành ở quần đảo nầy như “ao nhà” của họ theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt (3).
Gặp nạn ở vùng biển Cù Lao Chàm
2/Ra nghị quyết khẩn cấp của Quốc Hội khẳng định VN chưa bao giờ công nhận việc chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa và xác nhận việc áp đặt “chủ quyền” của TQ lên quần đảo Hoàng Sa là một hành động sai trái của nhà cầm quyền TQ, khẳng định quyền làm chủ của Việt nam trước công luận thế giới. Đồng thời chính thức đặt lại vấn đề nầy với đối tác TQ trong những cuộc thương thảo song phương về phân định biên giới trên biển thuộc vịnh Bắc bộ và khu vực quần đảo Hoàng Sa, hoàn toàn tách rời với vấn đề tranh cãi đa phương về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Đây là những cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng cho việc đàm phán song phương và đa phương sau nầy, cần phải được tái xác lập và đưa vào lộ trình ưu tiên về đối ngoại càng sớm càng tốt.
3/Có chủ trương hợp tác phát triển nghề cá và khai thác dầu khí trên vùng biển quần đảo Trường Sa trên cơ sở TQ tôn trọng chủ quyền của VN ở quần đảo nầy, xem công ty dầu khí TQ là một đối tác ưu đãi nhưng bình đẳng như những đối tác nước ngoài khác. Tiền đề của việc hợp tác “cùng có lợi”, ăn chia tương đương với tỷ lệ vốn của mỗi bên trong tổ hợp quốc tế với nhiều thành phần cùng đầu tư chứ không phải đi theo phương châm “gác tranh cãi, cùng khai thác” với TQ trên tiền đề xem Hoàng Sa thuộc của họ như quan điểm của phía TQ.
Tàu tuần tra TQ vây bắt ngư dân VN
4/Thực hiện việc tuần tra, kiểm soát chặt chẽ vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Tăng cường khả năng quân sự để can thiệp kịp thời những động thái sai trái của phía TQ song song với những biện pháp ngoại giao song phương và đa phương cần thiết.
5/Việc mở ra các cuộc hội thảo khoa học mang tầm khu vực và giao lưu quốc tế về vấn đề biển Đông là một chủ trương có ý nghĩa sâu sắc, tạo ra một luồng dư luận phản kháng và đồng thuận trước như hành động và chủ trương sai trái đi ngược với những gì TQ hô hào hợp tác trong khu vực lẫn song phương với các nước có tranh chấp về vấn đề chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Biến đối đầu quân sự thành hợp tác ngoại giao đa phương nhằm đoàn kết chặt chẽ các nước trong khu vực trước hiểm họa xâm lấn của TQ trên biển Đông.
6/Lập hồ sơ hoàn chỉnh về chủ quyền của nước ta trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa để trình bày trước công luận quốc tế, cơ quan của LHQ về Biển cũng như chuẩn bị đưa ra tòa án quốc tế xét xử khi điều kiện cho phép-- mặc dù TQ xưa nay vẫn phản kháng-- nhằm ngăn chận mọi động thái phiêu lưu về quân sự có thể bùng nổ trên biển Đông.
7/Với phương châm “trực diện” trước những khiêu khích của TQ bằng những biện pháp ngoại giao kịp thời và thích hợp nhất để tránh “đối kháng” bằng vũ lực trong mối quan hệ Việt-Trung, VN cần phải huy động mọi khả năng thích ứng với tình hình mới về mặt đối nội cũng như đối ngoại, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia một cách ôn hòa nhưng không nhu nhược, sẵn sàng có biện pháp hữu hiệu ngăn chận và trả đủa sự xâm thực của TQ trong kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng.
Một đảo lớn trong quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã ngang nhiên xây sân bay trên đảo
Kết
Xác định với các nước trong khu vực và những quốc gia liên quan trong tổ chức Châu Á-Thái Bình Dương(APEC) rằng việc củng cố quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Nga…là cần thiết, trong đó VN nhận lãnh vai trò điều phối, góp phần tích cực vào việc duy trì an ninh tuyến đường biển và tự do hàng hải ở biển Đông cũng không nằm ngoài mục tiêu gìn giữ hòa bình cho khu vực. Nêu rõ việc tăng cường khả năng quân sự tuần tra trên biển Đông của nước ta không nhằm để đối phó với TQ mà phát xuất từ lợi ích chiến lược chung của các nước nói trên. Đây là một thử thách đòi hỏi nỗ lực rất lớn nhưng vô cùng hữu hiệu trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta trong nhiều thập kỷ tới cho dù cán cân quân sự Mỹ-Trung trong khu vực nầy có thể thay đổi.
Thành công của hội thảo quốc tế về biển Đông được tổ chức vào tháng 11/2009 tại Hà Nội vừa qua đã cho thấy việc mở ra các cuộc trao đổi, bàn luận về các vấn đề trên biển Đông giữa VN và các nước có tranh chấp chủ quyền trong khu vực song phương hay đa phương là vô cùng cần thiết, tạo ra một sự đồng thuận trước sức ép về chính trị lẫn quân sự của TQ. Tăng cường an ninh tổng hợp bằng những sáng kiến cụ thể mở ra những khả năng hợp tác đa phương chặt chẽ hơn như tổ chức lực lượng tuần tra hỗn hợp, ủy ban quốc tế điều phối tranh chấp trên biển Đông, Quỹ hợp tác nghiên cứu biển Đông để cùng với các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu chiến lược biển, liên kết với các viện, đại học trên thế giới...tạo ra mối quan tâm ngày càng mạnh mẽ, tăng khả năng kiềm chế những động thái “quá đà” của các nước quanh vùng biển nầy..v..v…
Với phương châm chiến lược nêu trên, VN tái xác nhận nội dung của “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt” trong quan hệ Việt Trung, đồng thời kêu gọi lãnh đạo các nước phải tuân thủ những gì đã cam kết nhằm củng cố tình láng giềng hữu nghị và hợp tác chiến lược toàn diện, tôn trọng cùng phát triển và bảo vệ một nền hòa bình dài lâu để triển khai những dự án chiến lược kinh tế đem lại lợi ích và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau. Tư duy “cộng tồn” trong hòa bình và hợp tác xây dựng với tất cả các nước, trong đó TQ là người bạn đồng hành tin cậy nhất sẽ phải được triển khai toàn diện, hay nói như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, rằng
“Phải cùng với các nước trên thế giới thúc đẩy xây dựng một thế giới hài hòa, cố gắng tôn trọng lẫn nhau, tăng thêm nhận thức chung và cùng chung sống hài hòa với các nước trên thế giới, ra sức đi sâu hợp tác, cùng phát triển và đôi bên cùng có lợi với các nước trên thế giới, tích cực đề xướng chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế và giao lưu văn hóa quốc tế, thực hiện mục tiêu cùng phồn vinh”(4). Điều nầy chỉ đúng mỗi khi TQ tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước khác trước tiên là các nước láng giềng chứ không thể “chung sống hài hòa với các nước trên thế giới” mà lại đi xâm thực, lấn át và cướp đoạt biển đảo, xâm lấn đất đai của các nước chung quanh. Ý nghĩa của 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt với VN như chủ trương của các nhà lãnh đạo TQ phải được thể hiện bằng hành động thực tế, không thể “tốt” khi cho tàu chiến, lực lượng vũ trang quần thảo hành hạ ngư dân VN trên biển Đông, càng không thể tung hàng chục nghìn dân lao động ở các tỉnh nghèo khó sang VN núp bóng những công trình “hữu nghị”, “hợp tác khai thác” mà thực chất là di dân (5).Những dấu hiệu chạy đua vũ trang ở các nước trong khu vực ASEAN, Đông Á…ngày càng lộ rõ qua việc mua sắm vũ khí, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và khí tài quân sự tuy nhiên động thái nầy lại được lý giải như là hành động để đối phó với TQ của một số học giả phương tây là một nhận định sai lầm, kích thích sự đối đầu không cần thiết và làm sâu hơn mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước ASEAN (6) trong khi Trung Tướng
Từ Quang Vũ (Xu Guangyu 徐光宇) nhà nghiên cứu chiến lược quân sự của TQ đánh giá động thái nầy " không bất ngờ và cũng chẳng phải đe dọa cho Trung Quốc" tuy nhiên vẫn khẳng định "Hải quân Trung Quốc đang được hiện đại hóa nhanh chóng. Các nước láng giềng không đe dọa được chúng tôi"(7).Hồng Lê Thọ
12/2009
Chú thích:
(1) http://vietnamnet.vn/chinhtri/200910/Giai-quyet-van-de-tren-bien-tren-co-so-luat-quoc-te-874038/ (2) "Đời con, cháu phải tiếp tục khẳng định chủ quyền Hoàng Sa"Trung tướng Nguyễn Văn Hiến (Ủy viên TƯ Đảng, Phó đô đốc,,
Tư lệnh quân chủng hải quân nhân dân Việt Nam) phát biểu:
“Bảo vệ ngư dân ở những vùng biển của ta thì phải bảo vệ vững chắc, để ngư dân hoạt động một cách an toàn. Còn vùng biển đang có tranh chấp, phía ta yêu cầu chủ quyền, phía nước ngoài cũng yêu cầu chủ quyền thì chúng ta nên hoạt động, tôn trọng Tuyên bố chung về ứng xử biển Đông (DOC)”.
http://tuanvietnam.net/2009-10-28-doi-con-chau-phai-tiep-tuc-khang-dinh-chu-quyen-hoang-sa/(3) Phương châm 16 chữ vàng là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" do chính lãnh đạo Trung Quốc, chủ tịch Giang Trạch Dân đưa ra vào tháng đầu năm1999 và được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước xác định trong Tuyên bố chung, từ tháng 2/1999. Tinh thần 4 tốt:"Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt...".
Năm 2000, trong Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai nước đã xác định, cùng với phương châm 16 chữ, hai nước sẽ phấn đấu thúc đẩy quan hệ song phương trên tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt". Đây là định hướng chỉ đạo cho hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương ở thế kỷ XXI…. muốn xây dựng và củng cố lòng tin lẫn nhau, việc giải quyết các vấn đề còn tranh chấp giữa hai nước một cách hòa bình, hữu nghị chính là giải pháp hiệu quả nhất và là biểu hiện cụ thể nhất của quá trình này. Nỗ lực hoàn thành phân giới cắm mốc trên bộ, thảo luận về Vịnh Bắc Bộ, về biển Đông... chính là những bước đi cụ thể nhất của quá trình xây dựng lòng tin. Sự hợp tác, nỗ lực của hai nước trong khuôn khổ các tổ chức đa phương quốc tế và khu vực cũng là biểu hiện củng cố lòng tin lẫn nhau.“Xây dựng 'bốn tốt': Lòng tin là cốt lõi” 18/05/2007
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2007/05/696413/
(4)Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào: Kiên trì lý luận Đặng Tiểu Bình và thuyết “3 đại diện” trong đường lối đối ngoại | 07/08/2009 http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/Preview/PrintPreview.aspx?co_id=30671&cn_id=354360# (5)Cao Huy Thuần “Di Dân”” http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai17/200917_CaoHuyThuan.htm (6)Đương đầu với thách thức từ Trung Quốc http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091217_russia_armsdeal_analysis.shtml http://www.worldaffairsboard.com/international-defense-topics/53796-vietnam-defense-whitepaper.html Vietnam buys submarines to counter Chinaa South China Morning PostDecember 17, 2009 Thursday http://www.viet-studies.info/kinhte/vietnam_buys_submarines_SCMP.htm (7)”Đương đầu với thách thức từ Trung Quốc”” http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091217_russia_armsdeal_analysis.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét