Như là cổ tích
Nguồn: icouple.sg/blog
Kichbu post on
Đã 20 năm có lẻ kể từ khi đất nước chuyển mình, đánh dấu giai đoạn Đổi mới và phát triển, dần dà thoát thai khỏi những thiếu thốn khó khăn thời hậu chiến. Cuộc sống đã có phần dư dật khấm khá hơn xưa, nỗi lo cơm áo gạo tiền tuy chưa phải biến mất, nhưng cũng không còn quá thường trực đe dọa hàng ngày như trước – thời mà người ta còn nhắc đến như một giấc mơ, như là cổ tích của thế kỷ XX này – những năm tháng trì trệ, khổ sở, thiếu thốn và đầy rẫy cam go mà chắc không người Việt Nam nào có thể quên được. Chúng ta vẫn hay gọi thời kỳ đó là “thời bao cấp“, quãng thời gian sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng cho đến năm 1986 trước thềm đại hội Đảng VI thiết lập tiền đề cho thời kỳ đổi mới và cơ chế thông thoáng trong đời sống xã hội và sản xuất. Những năm tháng đó không chỉ đánh dấu sự khan hiếm vật chất, người người vật lộn với miếng cơm manh áo, mà còn ghi lại sự kìm kẹp về cuộc sống tinh thần, tù túng về đời sống văn hóa. Tuy nhiên, chính trong sự khó khăn ấy, người ta lại nhận ra rằng chưa bao giờ cuộc sống lại ăm ắp tình thương, tình nghĩa láng giềng, tinh thần đoàn kết như thế, để cùng nhau vượt qua tình cảnh gian khó chung của đất nước, của mỗi người.
Khi viết tập bài này, người viết gặp phải khó khăn vì chưa biết dự liệu bao nhiêu là đủ, phân đoạn bao nhiêu là vừa, thôi thì cứ tùy nghi mà viết, mong bạn đọc lấy cái tình ngòi bút mà lượng thứ cho, nhất là bậc cao niên nếu có ghé thăm.
Bài viết gồm ba phần:
- Chuyện thời bao cấp
- Điểm nhấn văn hóa văn nghệ thời bao cấp
- Bao cấp và Tôi – Vì sao tôi viết bài này
Phần 1. Chuyện thời bao cấp
Thập kỷ Bao cấp nói cho chính xác thì bắt đầu từ trước năm 1975 ở miền Bắc, và sau đó là toàn miền Nam từ ngày thống nhất đất nước, kéo dài cho đến năm 1986. Thời kỳ đó mọi nhu yếu phẩm của cuộc sống đều được phân phối theo dạng tem phiếu, bao tiêu dạng đầu người, hoạch định và cấp phát bởi nhà nước, buôn bán cá nhân hay kinh doanh cá thể bị hạn chế. Vì thế phát sinh những thiếu thốn vật chất, nảy sinh tiêu cực, kèm theo đó là muôn vàn khó khăn thời hậu chiến mà không thể một sớm một chiều giải quyết được, lại càng không thể giải quyết bằng cơ chế bao cấp kìm kẹp và đường lối thiếu đúng đắn.
Việt Nam sau năm 75 hừng hực khí thế dời non lấp biển, hào quang của chiến thắng đế quốc cộng với cảm xúc lâng lâng của ngày độc lập như tiếp thêm sức mạnh cho giấc mơ tái thiết đất nước, xây dựng viễn cảnh dân giàu nước mạnh, cuộc sống ấm no trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên thực tế chồng chất khó khăn! Viện trợ nước ngoài giảm mạnh, vết thương chiến tranh hằn dấu trong lao động sản xuất, nợ nước ngoài đến kỳ không có khả năng thanh toán, nguy cơ kẻ thù và chiến tranh biên giới vẫn rập rình, bao vây cấm vận xiết chặt, nhưng cấp bách nhất là những nhu cầu thường nhật về lương thực thực phẩm, điện nước và nhu yếu phẩm cho đồng bào khắp ba miền. Trong điều kiện đó, chúng ta lại có những chủ quan nôn nóng, chưa đánh giá đúng tình hình thực tế, thực hiện bao cấp với một loạt những bước đi sai lầm về giá, lương, tiền; lại thêm những ấu trĩ quan liêu trong cải cách hành chính dẫn đến khủng hoảng kinh tế xã hội thêm trầm trọng. Đứng trước nguy cơ sụp đổ nền kinh tế, đất nước đã có những điều chỉnh thích hợp, “phá rào” kinh tế để tự cứu lấy mình, đổi mới toàn diện từ đại hội Đảng VI (1986) để xóa bỏ hoàn toàn cơ chế quan liêu bao cấp, cộng với nỗ lực của toàn dân tộc đưa đất nước phát triển vượt bậc. Giờ đây, khi những thành tựu kinh tế đã khẳng định sự đúng đắn của chính sách mới, chúng ta mới có dịp nhìn lại và tự đánh giá mình, cũng là ôn cố tri tân về thời kỳ không thể lãng quên mà với nhiều người chỉ như thể ngày hôm qua thôi.
Kể chuyện về thời bao cấp có lẽ chẳng bao giờ là đủ. Người ta thậm chí ồ à thích thú, đôi khi chiêm nghiệm những gì đã qua. Hồi đó mọi thứ gạo củi mắm muối đều được phân phối theo công tác, chức danh; trên mỗi cuốn sổ gạo hay tem phiếu đều có ghi loại và tiêu chuẩn khác nhau: bìa đặc biệt A1 là của cán bộ cao cấp từ Ủy viên Bộ chính trị và phó Thủ tướng trở lên, bìa A là cho cấp Bộ trưởng và Ủy viên trung ương, rồi bìa B của cán bộ cao cấp, C cho cán bộ trung cấp …; cuối cùng mới là bìa N dành cho nhân dân. Nhưng khổ nỗi hàng hóa khan hiếm, có sổ đấy mà cũng phải xếp hàng đợi mậu dịch viên phân phát cho. Cán bộ cao cấp thì có cửa hàng phục vụ riêng ở phố Tôn Đản, trung cấp thì tại phố Nhà Thờ, Vân Hồ, Đặng Dung và Kim Liên, còn cán bộ công nhân viên chức và nhân dân thì mua ở các cửa hàng nhỏ trong thành phố. Vì thế mà dân gian mới làm không biết bao nhiêu ca dao chung quanh những nơi này, cái này thì của “vua quan”, cái này thì của “trung gian nịnh thần”, thứ rồi mới đến “thương nhân”, cuối cùng là của “nhân dân anh hùng”
Vì cuộc sống thiếu thốn nên ước mơ thời đó cũng giản dị và thiết thực hơn bao giờ hết, những người lớn tuổi mường tượng lại ký ức bao cấp khi đó, chỉ mong sao xếp được hàng mua gạo mà không phải gạo mốc, được ăn bữa cơm ngon không độn, đi xe đạp Trung Quốc, tắm xà phòng thơm, trong nhà có cái quạt tai voi để chống lại mùa hè oi ả hay có Tivi đen trắng để xem cùng cả khu tập thể. Có lúc cả Hà Nội phải ăn độn bo bo, người ta truyền nhau hát Một yêu anh có may-ô, Hai yêu anh có cá khô ăn dần, Ba yêu rửa mặt bằng khăn, Bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa. Nhiều năm sau khi đời sống bớt chật vật hơn thì Một yêu anh có Sen-kô, Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng, Ba yêu nhà cửa đàng hoàng, Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng Thủ đô. Chắc là khó khăn lắm để giờ đây người ta hiểu được câu chuyện như “đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ” (xe Lơ là xe Pơ-giô), rồi thì “mặt rỗ đi Lơ không bằng lưng gù đi Cúp“, “Lưng gù đi Cúp không bằng cóc ngồi sập gụ“. Đó là những tiêu chuẩn sang giàu, những đỉnh cao mơ ước của người Hà Nội một thời bao cấp!
Nhìn lại cuộc sống bao cấp mà hiện thực hơn là qua triển lãm “Hà Nội thời bao cấp“, nhiều người đã nhớ lại cuộc sống gian khó tìm mọi kế sinh nhai của gia đình mình. Người nông dân thì làm ra thóc gạo phải đem nộp hoặc đem bán cho Hợp tác với giá chỉ bằng 1/10 giá chợ đen rồi lại khổ sở đi mua gạo mậu dịch theo chế độ tem phiếu, tạo nên cảnh Mua như cướp – Bán như cho dở khóc dở cười. Có chuyện người dân giấu gạo cất đi, đến khi mở ra thì chuột đã ăn mất quá nửa, hay người nhà nước đến đo bồ thóc để bắt bán ngay thóc thừa hay phạt vì không chịu nộp đủ. Người ta uể oải tham gia vào Hợp tác xã vì có làm ra nhiều thóc lúa cũng không được hường, vì thế năng suất lao động sụt giảm, ruộng đồng hoang phế. Trong lúc đó lại có cải cách đưa trí thức về nông thôn lao động, vứt bút nghiên thay tay cày cuốc, nông dân thừa đất sẵn sàng cho mượn, nhưng do thiếu kinh nghiệm và nông cụ nên sản xuất đình trệ, mùa màng càng thêm thất bát. Hướng đi sai lầm này sau đó được cải chính, mô hình tập trung hóa và quốc hữu hoá sản xuất cũng bị đánh sập, mở đường cho mô hình kinh tế mới đưa sản xuất đi lên.
Vật lộn với cuộc sống khó khăn, con người càng thêm sáng tạo như lộn cổ áo, đổi ống quần trước ra sau, cuốn xăm cao su vào lốp xe, lộn xích xe đạp … Mỗi gia đình đều tăng gia sản xuất bằng cách nuôi lợn, nuôi gà, nuôi chim cút, làm bia nấu rượu, may vá hay bơm mực bút bi. Thời đó nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn, công nhân cũng nuôi lợn mà giáo sư cũng nuôi lợn, tầng trệt nuôi lợn mà tầng cao cũng nuôi lợn. Trong những khu tập thể vỏn vẹn 28m2 như Kim Liên hay Trung Tự, đã có những gia đình 2-3 thế hệ chung sống và chia sẻ không gian chật hẹp để có thể cộng sinh với vật nuôi; đời sống cam go đến mức chồng con có ốm thì uống thuốc còn khỏi chứ “thủ trưởng” lợn mà ốm thì thiệt hại kinh tế không biết đằng nào mà lần! Có vị giáo sư nuôi lợn trên nhà tập thể cao tầng thì nói “Chính lợn nuôi tôi!” – phản ánh thực trạng xã hội khi đó. Ngày ngày người dân xếp hàng mua gạo và thực phẩm thành hàng dài, phải dùng nón lá hay lấy viên gạch viết số sổ lên rồi đặt để xếp hàng thay, sợ nhất đến phiên mình thì hết gạo hay mua được rồi mà gạo lại có mùi ẩm mốc. Nhưng hãi hùng hơn cả chắc là việc mất sổ gạo – mặt buồn như mất sổ gạo là thế, mất rồi chỉ có nước đi vay gạo hàng xóm để đợi hết tháng cấp sổ mới. Lúc đó nhà nào có xe đạp Thống Nhất hay đi xuất khẩu lao động về sắm được xe máy thì thôi rồi là oai! người ta phải chờ đợi để có giấy phép xe đạp, đi lại cẩn trọng kẻo xước sơn thì xót ruột vô cùng! Những cái tên như tivi Nevtuyn, tủ lạnh Saratop, thuốc bổ Philatop … chắc sẽ là chứng nhân hùng hồn cho một thời bao cấp cần kiệm và khan hiếm.
Những nghề sáng giá thời đó phải kể đến nghề con phe (phe tem phiếu). Vì mọi thứ đều phân phối qua kênh mậu dịch thông qua tem phiếu khẩu phần, nên tất yếu xuất hiện việc mua bán tem phiếu, người ta phải mua của con phe để có tem phiếu cho vải vóc, dầu mỡ, lương thực, thậm chỉ nhỏ như cây kim sợi chỉ cũng buộc phải ra cửa hàng nhà nước để mua. Nghề mậu dịch viên nghiễm nhiên lên ngôi vua khi đó, nhà có cô mậu dịch viên thì cả họ được nhờ, hàng xóm thân tình cũng được lộc lây. Có chuyện kể vui tay viết tem phiếu tặng nhau để có thể mua được lạng thịt ngon hay mấy cục xà phòng. Hay nhà nào có người làm thợ điện cũng được trọng vọng bởi chỉ có bác thợ điện giúp thì mới có đường điện tốt mà sinh hoạt. Thời đó nghề giáo viên khốn khó vô cùng, đứng lớp không đủ nên phải làm việc kiếm thêm mà đời sống vẫn bí bách, nhiều người đã phải bỏ nghề, nên mới có câu Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm. Người ta còn truyền miệng câu chuyện cười ra nước mắt, có bà mẹ vợ than với hàng xóm rằng: “Cứ tưởng nó lấy anh lái xe, ai ngờ nó lấy ông tiến sĩ. Thế có khổ không cơ chứ!”.
Đời sống trong nước là thế, còn những người đi du học hay xuất khẩu lao động trong thời kỳ này cũng phải đối mặt với những khó khăn không kể hết thành lời. Sinh viên đi học hay người đi lao động hợp tác, nhất nhất đều có chung một mối quan tâm là làm sao để lùng kiếm mua được những mặt hàng thiết yếu gửi về cho người nhà: nồi hàm, bàn là, dây maixo, dao cạo râu, phích lưỡng dụng, chậu nhôm, đồ da dụng … hay lớn hơn là tivi, tủ lạnh, máy thu thanh, xe đạp, xe máy … bởi khi đó sở hữu xe đạp Eska của Tiệp Khắc, xe máy Babeta hay Mukich của Đức, tủ lạnh Saratop của Nga là cả một niềm tự hào hãnh diện. Tuy có gian truân vất vả nhưng phần lớn cộng đồng Việt Nam khi đó nhận được sự giúp đỡ của bạn bè XHCN ở Đông Âu, với họ cuộc chiến tranh Vệ Quốc chống phát xít chỉ kéo dài vài năm mà vết thương chiến tranh phải chục năm sau mới khép miệng nên thế hệ người lớn tuổi của họ hiểu và cảm thông hơn với một Việt Nam non trẻ mới giành được độc lập và còn đang thiếu thốn trầm trọng. Viết về cuộc sống những người Việt ở trời Tây giai đoạn này có lẽ xuất sắc nhất là tiểu thuyết Người đưa đường thọt chân của nhà văn Bùi Việt Sỹ (NXB Lao động 2009). Câu chuyện là lời tự sự của anh Thắng, du học sinh Liên Xô thời kỳ đó, về cuộc mưu sinh vật lộn trên xứ người. Truyện lấy ý từ tích dân gian của người bản xứ: có một bộ tộc kia lạc trong sa mạc không tìm được đường ra, mọi người đều nhất trí là ai đưa được bộ tộc thoát khỏi sa mạc sẽ được tôn làm tộc trưởng và có một kẻ láu cá đã tình nguyện dẫn đường. Người ta đi theo hắn nhưng ròng rã nhiều ngày cuối cùng lại quay về chỗ cũ. Khi đó họ mới nhận ra rằng hắn ta là kẻ thọt chân, và như một chiếc compa, hắn đã đưa cả bộ tộc đi 1 vòng sa mạc, nhưng lúc đó thì đã muộn bởi tất cả đều kiệt sức. Còn Thắng sau nhiều lần hụt chuyến đi xuất ngoại vì những lý do không đâu cuối cùng cũng được lựa chọn: một là đi du học 5 năm, hai là ở lại và được phân một căn hộ; Thắng đã lựa chọn được đi với ước mong đổi đời. Ở Liên Xô, thay vì chuyên tâm học hành, hàng ngày anh lăn xả đi lùng kiếm hàng hóa, mua bán đồ cũ kiếm lời – người ta gọi đùa là đi hoạt động cách mạng. Bằng bản lĩnh và tính lỳ lợm can trường, sau nhiều năm Thắng đã tích góp được vốn liếng và hàng hóa để đợi ngày về nước. Trớ trêu thay khi đó Hải quan nước bạn lại thay đổi luật và mỗi người không được mang quá cơ số hàng nhất định. Anh lại bươn chải để quy đổi những thùng hàng của mình thành các đơn hàng với số lượng ít hơn nhưng giá trị cao hơn, nhưng phút chót vẫn không qua được sự xét duyệt của bà đại tái Hải quan mới được bổ nhiệm nên những dương cầm, xe máy, tủ lạnh cỡ lớn buộc phải nộp cho nhà nước Nga. Vậy là sau nhiều năm đi du học, Thắng trở về với vốn liếng dành dụm được đủ mua đúng một căn hộ – quay lại đúng lựa chọn ban đầu, như giai thoại của một kẻ đưa đường thọt chân. Câu chuyện mở ra những cái nhìn gai góc hơn về cơ chế sai lầm thời bao cấp, thay vì cải tiến thì lại cải lùi, đánh tụt sự phát triển của xã hội, lặp lại những khó khăn thiếu thốn của thời trước giải phóng, những tưởng độc lập rồi thì mọi thứ sẽ tươi sáng hơn nhưng một mặt nào đó thì đời sống lại xuống cấp hơn so với trước thời chiến. Tiểu thuyết “Người đưa đường thọt chân” là một tác phẩm độc đáo như thế mà bạn đọc không nên bỏ qua.
Có thể nói, nhắc đến thời bao cấp tuy chỉ cách đây có vài thập niên thôi nhưng chắc người ta không thể mường tượng ra những khó khăn nhường ấy và chắc không ai mong muốn quay lại thời kỳ đó. Nhưng hơn hết, chắc không ai ruồng rẫy quay lưng với quá khứ, thay vào đó là những tiếng nói cảm thông, những tiếng lòng rưng rưng nước mắt. Thời bao cấp là một tất yếu lịch sử – một giai đoạn mà cả dân tộc phải trải qua thời hậu chiến, tuy cam go vất vả nhưng vẫn chứa chan niềm vui làm công dân của một nước độc lập, thiếu thốn trăm bề đấy nhưng là thiếu thốn chung của xã hội, phân hóa giàu nghèo không tồn tại, tình cảm xóm giềng cũng khăng khít bền chặt hơn. Nhắc lại hình ảnh cuộc sống bao cấp như được xem lại những thước phim ký ức thời gian, những người lớn tuổi thời nay thường bùi ngùi, thương cảm nhưng tựu chung lại là cảm giác hạnh phúc nhớ lại một thời họ đã sống hồn nhiên và gắn bó chung tay vượt qua gian khó, vượt qua một cung trầm trong vòng xoay của bánh xe thời gian một cách thần kỳ, như là cổ tích!
---
Trong dòng chảy không ngừng của thời gian, bên cạnh những biến đổi vật chất có thể nhận diện từng ngày từng giờ còn có những giá trị tinh thần, những dấu ấn văn hóa nghệ thuật độc đáo, có tính xuyên suốt, và quan trọng hơn mang trong mình hơi thở thời đại nó sinh ra. Bài viết này không có ý định thâu tóm và chắc cũng chưa đủ khả năng tạo ra cái nhìn vĩ mô về đời sống tinh thần của thời đại bao cấp mà chỉ muốn xin điểm qua một vài tác giả tác phẩm, những người đã sống thời kỳ đó, đã tạo ra những điểm nhấn bởi tính nghệ thuật và chân thực trong sáng tạo nghệ thuật của họ, hay ít ra đã từng thỏa mãn cơn ‘đói’ tinh thần cho một thế hệ độc giả Việt Nam hơn hai thập kỷ trước.
Phần 2. Điểm nhấn văn hóa văn nghệ thời bao cấp
Trong hồi ức về văn nghệ thời bao cấp, có lẽ đầu tiên người ta phải nhắc đến tiếng vang và kể cả những câu chuyện “kỳ lạ” xoay quanh số phận của 1 tác phẩm tuyệt vời – bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy, nhưng trước hết chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nội dung của bộ phim này. Người viết có thể tự tin khẳng định đây là một bộ phim tài liệu hay nói đúng hơn là một cuốn truyện ghi chép về Hà Nội hay nhất, chân thực nhất, và sống động nhất. Bộ phim là cái nhìn am hiểu về lịch sử, danh thắng, và con người Hà Nội; là sự kết hợp tinh tế giữa những thước phim Hà Nội cũ đậm dấu thời gian với giọng đọc truyền cảm có thể nói là có một không hai; tin rằng bất cứ ai đam mê lịch sử và muốn tìm hiểu về thủ đô sẽ không thể bỏ qua bộ phim này.
“Hà Nội trong mắt ai” mở đầu bằng tiếng đàn sâu lắng của một người nghệ sĩ mù bên khung cửa sổ; “Hà Nội nhiều người quen biết Văn Vượng ở phố Hàng Giấy, hình như tiếng đàn của anh thường thiên về tả cảnh vật, nhưng có điều bất hạnh: anh chưa một lần được thấy cảnh trí quanh mình!“. Nhưng điều đó không ngăn trở người nghệ sĩ cảm nhận cái đẹp của cuộc sống quanh mình, lắng nghe những âm thanh của tiếng còi tàu vào ga, của tiếng chim gù bên cửa sổ, của tiếng võng đưa bên nhà hàng xóm … Bộ phim đưa người xem đến với điều hay xưa, vẻ đẹp cũ của cha ông qua cảnh trí nơi kinh sư muôn đời. Này là Tháp Bút – biểu tượng triết học xa xưa của kẻ sĩ Bắc Hà; kia là Hồ Gươm – chiếc lẵng hoa giữa lòng thành phố; là phố cũ hòa quyện trong tâm hồn nghệ sĩ Bùi Xuân Phái; hay Tây Hồ mù sương trong thơ bà Đoàn Thị Điểm – Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt, Khói cam tuyền mờ mịt thước mây; xa hơn là Cổ Nguyệt Đường của bà Hồ Xuân Hương xưa gọi là xóm Kháng Xuân; rồi chùa Trấn Võ với tượng đồng kỳ vĩ của phường đúc đồng Ngũ Xã; kế là ngôi chùa cổ nhất Hà Nội: chùa Trấn Quốc qua bao hưng phế của thời gian – Trấn Quốc hành cung bỏ dãi dầu, Khách đi qua đó chạnh lòng đau (bà huyện Thanh Quan); thêm nữa là hình ảnh làng Nghi Tàm với chùa Kim Liên dựng trên nền cũ của cung Từ Hoa thời Lý Thần Tông, vì công chúa Từ Hoa ra đây trồng dâu nuôi tằm nên gọi là trại Tầm Tang, sau đổi thành làng Nghi Tàm …
Không chỉ dừng lại ở những cái đẹp nơi cảnh quan, bộ phim còn đi xa hơn thế, đưa người xem đến với những giá trị tinh thần, những biểu trưng cần thiết cho đời nay, cho việc trị nước yên dân vốn là đích đến của muôn đời. Đạo diễn Trần Văn Thủy đưa vào phim những câu chuyện hay trong sử sách nước nhà: truyện cha ông ta dựng tượng ông Trùm Trọng – người đã đúc tượng đồng Trấn Võ – bên trong chùa, thờ nghệ nhân ngay bên cạnh tác phẩm! nghĩa cử đẹp đã khích lệ bao người tài thưở trước; truyện tấm gương Chu Văn An xưa hành xử theo chữ tâm, phú quý không gian tà, nghèo đói không đổi dạ, uy vũ không khuất phục, với ngòi bút “Tả thanh thiên” đã viết sớ thất trảm dâng lên Trần Dụ Tông mong trừ hại cho dân; hay tích Tổng đốc Hoàng Diệu đặt văn bia ở Ô Quan Chưởng cấm các chức quan sách nhiễu dân lành; câu chuyện vua hiền Lê Thánh Tông dựng đình Quản Văn (vườn hoa cửa Nam bây giờ) trong đình có đặt trống Đăng Văn cho dân chúng ai có điều gì oan khuất hết nơi bày tỏ thì đến đánh lên 3 hồi sẽ có quan ra nhận đơn – bộ phim liên tưởng “Giá vào thời Hậu Trần hoặc Lê mạt mà đặt trống Đăng Văn ở đây thì dân chúng quanh vùng chắc sẽ phải đinh tai nhức óc“. Rồi câu chuyện về tấm gương kiên trung bất khuất của Ngô Thì Nhậm – người con của làng Tả Thanh Oai – lúc nào cũng tâm niệm “Ta về nói cùng các bạn, may mắn thay chúng ta được sinh ra ở nước Nam“. Chuyện kể lúc ông Nhậm bị Đặng Trần Thường bắt giữ, Thường thử lòng ông đã ra vế đối “Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai”, ông thanh thản mà rằng “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”; biết không khuất phục được tiết tháo của ông, Thường cho người đánh ông đến chết trên sân Văn Miếu – hy vọng lịch sử sẽ không lặp lại những sai lầm như thế! Người xem tiếp tục bị cuốn hút vào câu chuyện về Bắc Bình Vương sau khi diệt Trịnh đã đến thăm vua Lê Cảnh Hưng – ông vua già mất quyền đã lâu, khi vào điện vị tướng Tây Sơn vẫn đeo kiếm khiến quần thần nhà Lê xanh mặt sợ, chỉ riêng Phương Đình Pháp lễ phép nhưng dõng dạc bước ra nói “Phép nước lên điện không được đeo vũ khí, xin tướng quân cởi kiếm!“. Nguyễn Huệ trừng mắt nhìn Phương Đình Pháp nhưng viên quan vẫn điềm nhiên, cuối cùng người anh hùng áo vải đã tháo kiếm rồi mới bước lên điện, bởi “trong mắt Quang Trung lúc bấy giờ, quốc gia chỉ có thể trường tồn và hưng thịnh khi kẻ dưới dám nói với bề trên điều ngay thẳng, và người có quyền uy phải biết nghe kẻ dưới mình điều phải trái“. Nhớ ơn Quang Trung, tự hào về người con rể của thành Thăng Long, con cháu nước Nam đã dựng tượng thờ trên chiến trường cũ – tức Chùa Bộc – tôn thờ người anh hùng áo vải mà tấm lòng bao dung quảng đại. “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng”, tức là đúng vào cái năm Gia Long thù hận truy diệt nhà Tây Sơn thì dân chúng Thăng Long vẫn dựng tượng Quang Trung, trên đầu bức tượng thờ chữ Tâm chứ không phải chữ Dũng hay chữ Vũ!. Không dừng lại ở đó, bộ phim nhắc đến cuộc đời và cống hiến của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Ông gốc người làng Nhị Khê (Hà Tây) nhưng sinh thành ở Hà Nội, suốt đời mang nặng tâm huyết cho sự tồn vinh của đất nước và với thân phận của người dân: “Chăn lạnh vắt vai đêm chẳng ngủ, Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân”. Ông cùng Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Sào “nếm mật năm gai” suốt 10 năm trời phò Lê Lợi, nhưng khi lên ngôi vị vua này đã nghi kỵ công thần, phế truất tôi trung. Khi đã tống giam Nguyễn Trãi vào ngục, Lê Lợi còn hỏi ông nên viết quốc nhạc như thế nào? Nguyễn Trãi bình thản mà rằng: “Nguyện xin bệ hạ thương yêu nuôi dưỡng lấy dân chúng khiến cho trong xóm ngoài làng không có tiếng oán hận sầu than. Đó là cái gốc của quốc nhạc vậy! Thương yêu lấy dân chúng, đừng vì ơn riêng mà thưởng bậy, đừng vì giận ai mà phạt bừa, có thể quốc gia mới trường tồn hưng thịnh được” bởi ông hiểu hơn ai hết người chở thuyền cũng là dân, mà người lật thuyền cũng là dân, cái lẽ thành bại hưng vong của quốc gia liên quan mật thiết đến nỗi vui buồn của người dân. Cứ như thế, bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” đưa người đọc từ khám phá này đến khám phá khác về điều hay chuyện lạ của danh nhân văn hóa lịch sử Thăng Long xưa, thấy thêm nhiều điều đáng tự hào trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Trong thời đại của chúng ta, Hà Nội lại đến với người xem qua những hình ảnh về chiến thắng đế quốc, hình ảnh thủ đô hân hoan ngày giải phóng, hình ảnh của Lễ quốc khánh và lời tuyên ngôn Độc Lập của Hồ Chủ Tịch giữa quảng trường Ba Đình năm nào. Lịch sử hiện đại đã ghi lại những tấm gương kiệt xuất như đồng chí Trần Phú – tổng bí thư đầu tiên của Đảng khi mới 26 tuổi, giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng – người đã có những ca mổ chấn động thế giới lúc bấy giờ, hay nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn – người châu Á đầu tiên đoạt giải nhất trong cuộc thi Sô-panh vào năm 80 của thế kỷ XX này …, người xem như thấy một điều đáng quý là hậu thế đã hiểu được và đang làm nhiều hơn nữa để xứng đáng với cha ông thưở trước.
Nói về nội dung và giá trị nghệ thuật của phim thì như thế, nhưng số phận của bộ phim sẽ còn làm người ta suy ngẫm nhiều hơn. Hồi đó khi bộ phim mới được chiếu, dư luận cảm phục và ngưỡng mộ, xôn xao về tính khám phá lịch sử và yêu mến tính chân thực của bộ phim. Thế nhưng sau khi công chiếu được vài tháng, bộ phim bị “cấm” lưu hành vì nó “có vấn đề”! Bộ phim được đưa ra toạ đàm nhiều chiều, có cả Uỷ ban Khoa học xã hội với các đại biểu của Viện Sử học, Viện Triết học, Viện Hán Nôm cùng tham gia nhưng không ai tìm ra được sai sót lịch sử hay có gì hư cấu trong phim. Vậy mà nó vẫn bị cấm chiếu, bởi lúc đó có người cho rằng bộ phim này đã mượn xưa để nói nay, ám chỉ người nọ người kia, không giải quyết những khó khăn hiện tại mà nuối tiếc quá khứ phong kiến và gieo rắc vào quần chúng những bi quan, hoài nghi và tiêu cực! Trong phim có những lời bình và liên tưởng hoàn toàn lịch sử, nhưng ngẫu nhiên sao lại giống đời nay đến vậy. Và như thế, “Hà Nội trong mắt ai” được đưa vào danh sách cấm chiếu với lý do là chờ sửa chữa. Đến giai đoạn năm 1983, bộ phim được “cứu”! Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi xem phim đã nhận định đây thực sự là một tác phẩm nghệ thuật, cần phải “tổ chức chiếu công khai bộ phim này cho nhân dân xem, chiếu càng rộng càng tốt, càng nhiều càng tốt. Chiếu ngay lập tức! Nếu phát hiện ra cái gì sai thì chỉnh sửa!“. Thế là từ đó bộ phim được công chiếu rộng rãi hơn, nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của đông đảo khán giả trong cả nước, trở thành bộ phim tài liệu ăn khách nhất của Xưởng phim Tài liệu khoa học Trung ương lúc đó, đồng thời là phim duy nhất nhận giải Bông sen vàng năm 1988 cho thể loại phim tài liệu, ngoài ra còn được giải biên kịch hay nhất, đạo diễn hay nhất, quay phim hay nhất. Đạo diễn Trần Văn Thủy sau được Nhà nước phong tặng danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”, đó là phần thưởng xứng đáng cho ông với tác phẩm có tính giá trị nghệ thuật cao như “Hà Nội trong mắt ai”.
Nhưng không phải tác phẩm nào cũng có được kết thúc có hậu như thế! Cùng với “Hà Nội trong mắt ai”, khi nói về thời bao cấp, người ta còn nhắc đến bộ phim “Khoảng khắc yên lặng của chiến tranh” của cố đạo diễn Vũ Phạm Từ, người đã ghi tên mình vào lịch sử điện ảnh Việt Nam với những bộ phim trước đó như “Kim Đồng”, “Hải Phòng sống mãi”, “Người cộng sản trẻ tuổi” … Bộ phim này là đứa con tinh thần của ông, nói lên bằng hình ảnh những đau thương mất mát của chiến tranh với tấm lòng trân trọng và cao hơn cả là ước mơ hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn không tiếng súng. Chỉ tiếc rằng chỉ vì những lý do rất mơ hồ nhiều nhạy cảm của một thời mà bộ phim sau khi hoàn thành đã bị cắt xén, thay đổi kết cục và không được chiếu rộng rãi. Không khí ngột ngạt trong sáng tác, sự suy diễn máy móc áp đặt trong công tác quản lý thời quan liêu bao cấp đã hạn chế sức sáng tạo của văn nghệ sĩ cũng như điều kiện thưởng thức văn hóa nghệ thuật của quần chúng nhân dân.
Còn về những câu chuyện thơ văn, người ta chắc hẳn vẫn nhớ việc nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bị buộc thôi học ở đại học Nguyễn Du rồi cũng bị “rầy rà” một thời gian mà căn nguyên cũng từ bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” đăng trên báo Văn Nghệ khi đó. Bài thơ kể lại một “thời xa vắng” đầy gian khó khi đó “Gió thầm thào như chẳng thể nguôi yên, Gạo thịt cửa hàng nhiều khi không đủ bán, Con phe sục khắp ga tàu bến cảng, Giá chợ đen ngoảnh mặt với đồng lương“. Điều đó làm cho bao người khắc khoải “Có bao người ước cuộc sống bình thường, Như một thuở xa xôi mình đã có, Thuở miếng ăn không phải bàn đến nữa, Thuở chiến tranh chưa chạm ngõ nhà mình“. Vào những năm 80, ít ai có sáng tác mạnh mẽ và công khai như thế về bức tranh hiện thực của đất nước cần nhiều nghĩ suy. Cũng vì thế bài thơ được đưa vào danh sách “đen” và bị thu hồi sau khi in “Tản mạn thời tôi sống” kết thúc chân thành với những dự cảm tốt đẹp hơn về tương lai đổi mới:
Rồi thời gian qua đi rồi tuổi trẻ qua đi
Ai sau tôi ở vào thời sắp đến
Thời không còn khổ đau thời không còn nghèo túng
Đọc thơ tôi xin bạn chớ chau mày. Bạn hãy quên đi vất vả những hàng ngày
Bao lo lắng đời thường từng làm tuổi xanh ta bạc tóc
Chỉ Hy vọng và Niềm tin giúp ta thêm sức lực
Câu thơ này xin bạn nhớ giùm cho:
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa! …
Trong triển lãm Hà Nội thời bao cấp, người xem còn tìm thấy trong gian trưng bày bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” của nhà thơ Phạm Thị Xuân Khải đăng trên báo Tiền Phong năm 1986 – một dấu ấn nghệ thuật nữa thời kỳ bao cấp, một câu chuyện xúc động khác về những người cầm bút đã phải trả giá cả cuộc đời mình cho những tác phẩm dám nói lên sự thật. Bài thơ này có gì đặc biệt, và đã có những kỳ tích gì xoay quanh nó, xin cùng bạn đọc tìm hiểu.
Nhà thơ Xuân Khải, lúc đó là nữ sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, kể lại hoàn cảnh ra đời của bài “Mùa xuân nhớ Bác” xuân Bính Dần năm 1986, thời điểm ngay trước đại hội Đảng khóa VI. Cái “thời xa vắng” gian khó đã qua hơn 20 năm, lúc mà ta ca hát quá nhiều về tiềm lực mà tiềm lực đang còn ngủ yên, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn đến mức nâng con lợn lên tầm thời đại, trong muôn vàn thiếu thốn vật chất và tình cảnh ngặt nghèo chung của đất nước lại có một bộ phận cán bộ tha hóa biến chất … Đau đáu với thế sự nước nhà, Xuân Khải đã thức đến sáng viết bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” gửi đồng chí Lê Đức Thọ – ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng lúc đó. Bài thơ được in trang trọng trên số báo đặc biệt ngày 25/3/1986 kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3. Ngay sau đó, số báo ấy được bạn đọc cả nước “săn lùng” để mua cho bằng được, để đọc cho bằng được, người ta còn lùng kiếm, sao chép, gửi cho bạn bè ở nước ngoài, kể cả những lãnh đạo cao cấp như đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Nguyễn Văn Linh – Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt – Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội họp cũng tìm đọc. Bài thơ tạo được tiếng vang lớn bởi những sự thật mà nó nhắc đến, dám đánh mạnh vào bức tường bảo thủ trì trệ đang kìm hãm đất nước đi lên, cũng là một tiếng lòng sáng tác gửi đến những người đứng đầu đất nước trong đêm trước đổi mới khi đại hội Đảng 1986 sắp diễn ra.
Toàn văn bài “Mùa Xuân nhớ Bác”:
Kính tặng đồng chí Lê Đức Thọ, tác giả bài thơ “Lẽ sống” và đồng chí Hồ Thiện Ngôn, tác giả bài thơ “Đọc thơ anh”. Mùa xuân về nhớ Bác khôn nguôi
Tiếng pháo giao thừa nhớ ngày xuân Bác còn chúc Tết
Vần thơ thân thiết
Ấm áp lòng người
Bác đã đi xa rồi
Để lại chúng con bao nỗi nhớ
Người cha đã đi xa.
Các anh ơi, Mùa xuân về đọc thơ xuân các anh trên báo Đảng
Lòng càng nhớ Bác nhiều hơn
Làm sao có thể quên
Mỗi lần gặp Bác
Bác bắt nhịp bài ca đoàn kết
Người thường nhắc nhở:
Yêu nước, thương dân
Dẫu thân mình có phải hy sinh
Cũng chỉ vì trường xuân cho đất Việt.
Mùa xuân về đọc thơ xuân các anh
Tuổi trẻ chúng tôi thấy lòng mình day dứt
Day dứt vì mình chưa làm được
Những điều hằng ước mơ
Những điều chúng tôi thề
Dưới cờ Đoàn trong giờ kết nạp,
Tuổi trẻ chúng tôi tha thiết
Được Đảng chăm lo
Được cống hiến cho quê hương nhiều nhất
Nhưng tuổi trẻ chúng tôi
Không ít người đang lỡ thì, mai một.
Theo năm tháng cuộc đời
Ngoảnh lại nhìn, mình chưa làm được bao nhiêu
Bởi một lẽ chịu hẹp hòi, ích kỷ
Thanh niên chúng tôi thường nghĩ:
Bỏ công gieo cấy, ai quên gặt mùa màng
Mỗi vụ gieo trồng
Có phải đâu là lép cả?
Tuổi trẻ chúng tôi vẫn tự hào
Những trang sử vẻ vang dân tộc
Chúng tôi được học
Được thử thách nhiều trong chiến tranh
Chúng tôi nghĩ: Nguyễn Huệ – Quang Trung
Lứa tuổi hai mươi lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt
Có học hành, lại phải sống cầu an
Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”
Bởi lẽ đấu tranh – tránh đâu cho được?
Đồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp
Có ai thấu chăng
Và ai phải sửa?
Mỗi xuân về con càng thêm nhớ Bác
Lòng vẫn thầm mơ ước
Bác Hồ được sống đến hôm nay
Làm nắng mặt trời xua tan hết mây
Trừ những thói đời làm dân oán trách
Có mắt giả mù, có tai giả điếc
Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung
Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ
Cùng chí hướng sao bầy mưu chia rẽ?
Tham quyền cố vị
Sợ trẻ hơn già
Quên mất lời người xưa:
“Con hơn cha là nhà có phúc”
Thời buổi này,
Không thiếu người xông pha thuở trước
Nay say sưa trong cảnh giàu sang
Thoái hóa, bê tha khi dân nước gian nan?
Mùa xuân đất nước
Nhớ mãi Bác Hồ
Ta vẫn hằng mong lý tưởng của Người
Cho đất nước khải hoàn, mùa xuân mãi mãi.
Khi bài thơ ra đời, Xuân Khải nhận được sự ái mộ của dư luận khắp cả nước mọi lứa tuổi hay ngành nghề, người ta gửi đến cho cô nghìn lá thứ với hàng triệu tấm lòng, có người còn lặn lội từ xa đến chỉ mong được gặp cô để bày tỏ sự cảm ơn bởi cô đã thay họ viết lên những điều trăn trở suy nghĩ trước bối cảnh đất nước lúc khó khăn. Nếu cho rằng bài thơ “Mùa Xuân nhớ Bác” đã thay đổi cục diện đất nước thì hoàn toàn không phải, nói cho đúng hơn rằng nó là một chấn động trong sáng tác thời kỳ đó, châm ngòi cho những sáng tác mang tính thời sự đột phá khác để góp phần phá vỡ cái bảo thủ trì trệ, thêm một tiền đề cho công cuộc Đổi mới do nhân dân và Đảng khởi xướng. Tuy nhiên không phải ai cũng chia sẻ quan điểm tiến bộ đó, vẫn có những người công tác trong ngành văn hóa hay cơ quan lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình (quê của nhà thơ) khi đó phê phán bài thơ, phê phán ban lãnh đạo Báo Tiền Phong vĩ đã cho đăng; họ cho rằng nội dung bài thơ là phản động, thiếu tính xây dựng, ám chỉ và gây mất đoàn kết! Có những giai đoạn căng thẳng khi tác giả bài thơ có thể bị bắt, sau khi tốt nghiệp Xuân Khải không thể về quê Bình Định mà ở lại thành phố sống “du mục”, chịu đựng khó khăn và tìm con đường phù hợp cho mình. Ra trường bị cắt học bổng, không việc, không nhà, chị nhọc nhằn với nỗi mưu sinh ở Hà Nội hơn 10 năm trời, chưa kể đến việc phải cưu mang gia đình và các cháu làm cuộc đời chị thêm phần lận đận …
Năm 2006, NXB Thông tấn ấn hành cuốn “Mùa xuân nhớ Bác – tự sự của tác giả”, cung cấp thêm thông tin giúp bạn đọc hiểu hơn về bối cảnh ra đời bài thơ và tâm tư, suy nghĩ của một thế hệ thanh niên trong giai đoạn đầy khó khăn của đất nước, với nhiều tư liệu liên quan đến bài thơ lần đầu tiên được công khai đến bạn đọc. Song song với sự kiện đó, báo Tiền Phong đã cho đăng một loạt bài xung quanh tác giả tác phẩm “Mùa Xuân nhớ Bác”, đồng thời gặp gỡ lại nhà thơ Xuân Khải, giờ đã đến tuổi ngũ tuần, con cái bà đã trưởng thành và thành đạt trong sự nghiệp, để được bà trực tiếp chia sẻ những kỷ niệm về “trái bom” thơ đó. Được biết trong dịp này, nhà thơ Xuân Khải đã có cuộc gặp mặt với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, hiểu được những điều còn bất cập của cơ chế cũ, nguyên Tổng Bí thư chia sẻ với nhà thơ: “Nhìn lại mười năm trước đổi mới, cả một dân tộc đang khí thế hừng hực lại lâm vào khủng hoảng. Lỗi này không thể nói là của dân được mà phần quan trọng là ở sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước. Sau đó, nhờ tổng kết thực tiễn đúng đắn đã thấy không đổi mới là nguy hiểm và công cuộc đổi mới đã đem lại sự vươn mình lớn lao cho dân tộc …“.
Bà còn được gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp đón tiếp thân tình tại nhà riêng; nhớ lại thời kỳ đó, đại tướng nói: “… đó là thời kỳ của tư tưởng bảo thủ, tả khuynh, thời kỳ ngăn sông cấm chợ. Tư tưởng đổi mới ra đời thực sự khó khăn. Đấu tranh khi gay gắt …
Đổi mới của ta thành công rất lớn, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của nhà thơ, nhà văn. Nhưng tôi mong có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Cả thế giới công nhận Việt Nam là đất nước anh hùng và người ta tôn trọng điều đó
.” Có thể nói, giá trị của một tác phẩm ngoài tính nghệ thuật còn luôn cần có tính thời sự, phải đại diện cho một cách nhìn một lối nghĩ xuyên suốt, không chỉ đơn giản là ca tụng hay chê bai mà còn cần phải gợi mở cho những gì hiện thực hơn, hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn. Trong thời bao cấp, bất chấp những khó khăn về đời sống vật chất và bất cập cơ chế đã kìm hãm sáng tác, vẫn và đã có những tác phẩm như thế ra đời. Hoàn toàn khách quan và tôn trọng lịch sử, người đọc thông qua những tác phẩm đó sẽ có điều kiện gần gũi hơn với cuộc sống tinh thần của lớp người đi trước, hiểu hơn về những năm tháng trì trệ trong công tác quản lý văn hóa văn nghệ, hiểu hơn về những cuộc đấu tranh âm thầm của ngòi bút và sáng tạo nghệ thuật, càng thấm thía hơn câu nói của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Đại hội Điện ảnh toàn quốc lần thứ II về cách thức quản lý lãnh đạo văn nghệ: “Đừng bắt anh em văn nghệ sĩ phải chui qua một cái lỗ kim, theo một khuôn mẫu có sẵn!”. Hơn 20 đã qua, thời kỳ mà “tiền lẻ hơn thẻ thương binh“, thời kỳ của một cơn mê sảng tập thể (Nguyễn Khải) đã lùi xa vào dĩ vãng, những tác phẩm giá trị của một thời và kể cả những kỳ tích xoay quanh chúng sẽ giúp thế hệ hôm nay ý thức được thông điệp cuộc sống mà cha anh đã để lại, để thấy tự hào, trân trọng và giữ gìn những thành quả Đổi mới được đánh đổi bằng công lao của hàng triệu con tim khối óc, càng không ngừng nỗ lực phấn đấu học tập, lao động, và xây dựng đất nước giàu mạnh hơn, xứng đáng với thế hệ đi trước.
————
(Bài viết sử dụng tư liệu phim ‘Hà Nội trong mắt ai’, thơ ‘Tản mạn thời tôi sống’, thơ ‘Mùa xuân nhớ Bác’, báo Tiền Phong online, báo Tuổi trẻ, và sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau)
Phần 3: Bao cấp và Tôi. Vì sao tôi viết bài này.
Nguồn: http://www.icouple.sg/blog/reading-stuff/2924