Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Thảm họa môi trường khủng khiếp năm 2010

Thảm họa môi trường khủng khiếp năm 2010

Nguồn: tamnhin.net

Kichbu post on thứ ba 21.12.2010

 

Tạp chí National Geographic (Mỹ) nhận định trong năm 2010, thế giới đã trải qua những biến đổi lớn về thủy văn, từ lũ lụt ở Pakistan cho tới hạn hán ở Trung Quốc và cả hố sụt khổng lồ xuất hiện tại Guatemala khi cơn bão nhiệt đới Agatha đi qua.

Dưới đây là top 10 sự kiện môi trường đáng chú ý mà tạp chí này bình chọn:
 
1. Hố tử thần ở Guatemala



Hố sụt khủng lồ ở Guatemala City

Một hố sụt khổng lồ có bề rộng khoảng 18m, sâu 100m xuất hiện vào cuối tháng 5-2010 tại thủ đô Guatemala City, Cộng hòa Guatemala, Trung Mỹ sau khi cơn bão nhiệt đới Agatha quét qua nước này. Hố sụt đã nuốt chửng một tòa nhà 3 tầng.

Các nhà khoa học cho biết do hệ thống cống ngầm ở Guatemala xuống cấp, đất ở khu vực này bị khô cứng do hạn hán kéo dài, đột nhiên xảy ra mưa như trút nước khi bão Agatha kéo đến làm khoang cống ngập nước, đất bị bão hoà nước (thay vì không khí) làm đất lở, xảy ra hố sụt trên.

 2. Lũ lụt ở Pakistan



Bức ảnh về trận lụt tại Pakistan đã gây sốc toàn thế giới

Đây được xem là trận lụt tồi tệ nhất xảy ra tại Pakistan trong thập kỷ qua làm ít nhất 1.500 người chết, hàng chục triệu người mất nhà cửa và hàng triệu ha đất nông nghiệp bị phát hủy.

Theo thông tin từ Liên Hợp Quốc, nếu tính toán của chính phủ Pakistan là chính xác, qui mô của đợt lũ lần này có thể tồi tệ hơn cả ba thiên tai lớn gần đây cộng lại: trận động đất hồi tháng 1 ở Haiti, sóng thần năm 2004 và động đất năm 2005 ở Pakistan.

3. Hạn hán ở các nhánh sông Amazon



Mực nước sông Negro xuống thấp kỷ lục do hạn hán

Do ảnh hưởng nặng bởi hạn hán kéo dài nhiều tháng, mực nước sông Negro - một nhánh sông lớn đổ vào sông Amazon tại thành phố Manaus, Brazil đã xuống thấp kỷ lục, còn khoảng 14m, mức thấp nhất kể từ năm 1902 đến nay.

Hậu quả - theo hãng tin Reuters (Anh) là có khoảng 60.000 người sống phụ thuộc vào sông Amazon rơi vào tình trạng thiếu lương thực (do lòng sông các chi lưu khô cạn nên không thể vận chuyển hàng hóa vào khu vực). Ngoài ra, hàng triệu con cá chết đã làm ô nhiễm nước sông, gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu nước sạch cho người dân tại lưu vực sông Amazon.

4. Lũ bùn đỏ kinh hoàng ở Hungary



Lũ bùn đỏ nhấn chìm nhà dân ở Hungary

 Đầu tháng 10-2010, sự cố bể chứa chất thải của Nhà máy sản xuất nhôm Ajka Timfoldgyar ở thị trấn Ajka - cách thủ đô Budapest (Hungary) 160km về phía tây nam - đã gây nên một tai nạn tràn hóa chất thảm khốc - bùn đỏ trong lịch sử nước này.

Lũ bùn bỏ độc hại - chất thải của quá trình tinh luyện bôxit thành nhôm, chứa nhiều kim loại nặng - đã tàn phá 7 thị trấn của Hungary, làm nguồn nước bị ô nhiễm, phá hoại hệ sinh thái khu vực và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Ngoài ra, lũ bùn đỏ này cũng đã chảy đến sông Danube, đe dọa hệ sinh thái của 1 trong 2 con sông quan trọng nhất châu Âu.
 
Chính quyền Hungary cho biết có ít nhất 4 người thiệt mạng trong tai nạn tràn khoảng 1 triệu m3 bùn đỏ nêu trên, ngoài ra còn có hàng trăm người bị thương hoặc buộc phải sơ tán.
 
5. Ô nhiễm phân rã thủy lực ở Mỹ


Quy trình công nghệ phân rã thủy lực - bơm một lượng lớn chất lỏng với áp suất cao vào trong đá phiến sét làm giãn rộng các vết nứt - để thu khí đốt tự nhiên thoát ra đang được quan tâm tại một số tiểu bang, từ Wyoming tới Pennsylvania (Mỹ) nhưng công nghệ này cũng gây ra những lo ngại về môi trường, làm ô nhiễm nước ngầm và nước bề mặt.
 
National Geographic cho biết vào cuối tháng 11-2010, công ty sản xuất khí đốt tự nhiên XTO Energy thuộc Exxon Mobil (tập đoàn dầu khí đa quốc gia lớn nhất của Mỹ) trong quá trình bơm chất lỏng để phân rã đá tại các tầng đá phiến ở Pennsylvania đã làm 49.200 lít dung dịch khoan - có khả năng bị ô nhiễm kim loại nặng chưa qua xử lý - trào lên và tràn vào một con suối gần đó và gây ô nhiễm nguồn nước khu vực.
 
6. Hồ chứa nước Lake Mead, Mỹ xuống thấp ở mức nguy hiểm



Nằm trên sông Colorado, phía đông thành phố Las Vegas (bang Nevada) và phía tây của Hẻm núi lớn (bang Arizona), Lake Mead - hồ chứa nước lớn nhất của Mỹ, sản xuất một lượng lớn điện thông qua đập Hoover, cung cấp nguồn nước tưới cho đất nông nghiệp và nguồn nước uống cho hàng triệu người ở các bang thuộc miền tây nam nước này.
 
Theo Đài Quan sát Trái đất (EO) của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), trong tháng 8-2010, sau nhiều thập kỷ tăng trưởng dân số ở khu vực tây nam nước Mỹ cùng với việc hạn hán kéo dài dai dẳng trong 12 năm qua đã làm mực nước hồ Lake Mead giảm xuống ở mức thấp nhất - còn 331m (trong tháng 8-1985 đo được là 370m), ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều phối nước cho khu vực.
 
Theo National Geographic, nếu mực nước hồ tiếp tục giảm xuống còn khoảng 320m thì đập thủy điện Hoover - có khả năng cung cấp đủ điện cho 1,3 triệu người ở bang Nevada, Arizona và California - trở nên vô dụng.
 
7. Lũ lụt ở Trung Quốc



Mưa nặng hạt trong mùa hè vừa qua kèm theo đó là lở đất ở miền tây Trung Quốc làm cho nhiều con đường bị hư hỏng, ách tắc, và nhiều làng mạc bị cô lập. Mực nước của các con sông lớn đã dâng cao lên mức báo động. Tám hồ chứa nước nhỏ đã bị vỡ và hơn 1.000 hồ chứa khác có nguy cơ vỡ. Thống kê cho biết mưa lớn trên diện rộng ở 28 tỉnh của nước này đã làm hơn 1.000 người chết.
 
8. Hạn hán ở Trung Quốc



Một dân làng Trung Quốc đang lấy nước từ một giếng nước cuối cùng ở thành phố Khúc Tĩnh, tỉnh Vân Nam hôm 28-3-2010
 
Trước khi lũ lụt và lũ bùn nhấn chìm phần phía tây nam Trung Quốc, khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận hạn hán được cho là tồi tệ nhất trong 50 năm qua. Kể từ mùa thu năm ngoái vùng tây nam Trung Quốc - trong đó có tỉnh Vân Nam, tỉnh Tứ Xuyên, tỉnh Quý Châu, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và thành phố Trùng Khánh - chỉ nhận được một nửa lượng mưa hàng năm. Các nguồn chứa nước rơi vào tình trạng cạn kiệt.
 
Theo Los Angeles Times (Mỹ), có khoảng 16.000 ha đất nông nghiệp của hơn 4 tỉnh ở Trung Quốc bị khô hạn, nứt nẻ và khoảng 20 triệu người không có nước uống.
 
9. Hạn hán và cháy rừng ở Nga



Cách thủ đô Moscow (Nga) khoảng 180km về phía đông nam, người dân địa phương đang cố dập tắt một đám cháy rừng gần làng Dolginino trong mùa hè vừa qua tại Nga. Các báo cáo cho biết nhân viên cứu hỏa tập trung lực lượng chiến đấu, dập tắt khoảng 500 đám cháy rừng với diện tích khoảng 1.740km2.


 
Ngọn lửa đã bùng lên mạnh tàn phá rừng do hạn hán và thời tiết nóng kỷ lục. Xung quanh thủ đô Moscow, người dân thành phố nghẹt thở với khói mịt mù, nhiệt độ của khu vực này ở mức khoảng 380C diễn ra trong nhiều tuần.

Tháng 7/2010, nước Nga hứng chịu một trận nóng lịch sử dẫn đến nhiều vụ hỏa hoạn kéo dài. Tưởng như đến giữa tháng 8 sức nóng đã tạm lắng xuống nhưng thực tế tại Nga, hỏa hoạn tiếp tục xảy ra và mở rộng gây ảnh hưởng đến nhiều phần của nước này. 

10. Băng tan trên đỉnh Himalaya



“Tháp nước” của châu Á (sông băng và tuyết trên dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng) rất quan trọng trong việc duy trì nguồn cung cấp nước theo mùa cho các con sông lớn nhất thế giới quanh khu vực này như sông Ấn, Hằng, Brahmaputra, Dương Tử và sông Hoàng Hà, khu vực sinh sống của gần 1,5 tỉ người (chiếm 1/5 dân số thế giới).
 
Các chuyên gia về khí hậu cho biết hầu hết các sông băng này bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu, chúng tan chảy nhanh, dòng chảy ngày càng thu hẹp dần ảnh hưởng đến việc thiếu nguồn nước và an ninh lương thực cho khu vực.
 
Các dữ liệu mới nhất của Viện tài nguyên và năng lượng tại New Delhi, Ấn Độ cho biết trong 4 thập kỷ qua, sông băng Kolahoi thuộc vùng Kashmir (Ấn Độ) cung cấp nước cho hàng triệu người dân ở Ấn Độ và Pakistan, mất khoảng 15-18% tổng khối lượng nước của nó, sông băng này ước tính bị thu hẹp 3m/năm.

Thu Nguyên (tổng hợp)

6 nhận xét:

Steps


Flag Counter