Thứ Hai, 16 tháng 5, 2016

Nga ủng hộ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông

 
Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov:

Nga ủng hộ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông


Kichbu theo laodong

Trả lời phỏng vấn Lao Động trước chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Liên bang Nga (16 – 18.5) và dự Hội nghị Thượng đỉnh Nga – ASEAN tại Sochi (19 – 20.5), Đại sứ Nga tiết lộ, tuyên bố Sochi sẽ đưa ra quan điểm thống nhất giữa Nga và ASEAN về an ninh khu vực, kể cả về Biển Đông. 

* Thưa đại sứ, chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra nước ngoài là tới Liên bang Nga. Ông chờ đợi gì về việc ban lãnh đạo mới của Việt Nam đóng góp vào quan hệ hai nước?

- Chúng tôi đánh giá rất cao và coi trọng việc bầu ban lãnh đạo mới của Việt Nam. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev đã có điện mừng các nhà lãnh đạo mới  đúng vào ngày họ được bầu. Chúng tôi hoan nghênh lãnh đạo mới của Việt Nam mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hai nước, mà ví dụ là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trước đó Bộ trưởng Quốc phòng mới của Việt Nam có chuyến thăm đầu tiên ra nước ngoài là Nga. Hai bên cũng đã chuẩn bị chuyến thăm chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Công an, tiếp đó là Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch sẽ sẽ thăm chính thức Liên bang Nga và dự khai mạc những ngày văn hóa VN tại LB Nga. Tôi cũng rất coi trọng việc Chủ tịch Nước Trần Đại Quang sau khi được bầu đã tiếp đại sứ nước ngoài đầu tiên chính là tôi.

Tôi rất vui khi thấy mức độ tin cậy giữa hai bên rất cao. Nga là một trong những nước Việt Nam có quan hệ chiến lược toàn diện. Nhưng đồng thời tôi nghĩ rằng có điều chưa tương xứng, chính là lĩnh vực thương mại và đầu tư. Tôi hy vọng chuyến thăm chính thức của Thủ tướng sẽ đóng vai trò thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.

* Theo ông hai bên cần làm gì để thúc đẩy được thương mại song phương?


- Kết quả phát triển thương mại đầu tư 2015 có thể nói là tốt. Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác hàng đầu trong ASEAN của Nga. Theo tổng kết năm 2015 kim ngạch thương mại Nga với nhiều nước trên thế giới đã cho thấy xu hướng giảm vì khủng hoảng kinh tế, tuy nhiên với Việt Nam tăng 4%, song khối lượng giao dịch thương mại gần 4 tỉ USD là không nhiều. Kết quả quan trọng nhất của năm ngoái và năm nay là ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế  Á – Âu. Hiện Nga, Kazakhstan đã phê chuẩn Hiệp định, Belarus sẽ phê chuẩn Hiệp định này trong thời gian sắp tới còn Armenia và Kirgizstan chủ định kết thúc việc phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực vào nửa cuối năm nay, mở ra thị trường lớn 180 triệu người tiêu dùng với Việt Nam, và với Nga là thị trường 90 triệu người Việt. Tôi hy vọng sau khi dỡ bỏ các rào cản về hải quan, kim ngạch thương mại hai nước có thể tăng lên 10 tỉ USD.

Nga cũng mong muốn bắt đầu từ năm nay phát triển các dự án lớn giữa hai nước, ví dụ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân bị chậm song Nga sẵn sàng xúc tiến việc thực hiện nó một cách mạnh mẽ. Có 2 điều kiện thuận lợi: Chính phủ Nga cung cấp tín dụng nhà nước với điều kiện rất tốt cho Việt Nam. Về công nghệ năng lượng điện hạt nhân, trên thế giới chỉ có Nga có thể cung cấp công nghệ từ đầu đến cuối, đảm bảo hoàn toàn an ninh trong lĩnh vực này. Nhu cầu  Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho các nước trên thế giới rất cao, hiện có 20 dự án Nga đang thực hiện trên khắp thế giới.

Hai bên cũng đã ký nghị định thư về lắp ráp xe ô tô trên lãnh thổ Việt Nam. Sẽ rất thú vị khi nhìn thấy xe ô tô Nga, kể cả xe tải và xe con trên đường phố Việt Nam,  tạo ra chỗ làm việc mới cho công dân Việt Nam và chuyển giao công nghệ mới cho Việt Nam.

Còn nhiều lĩnh vực hai nước có thể phối hợp tăng cường và hy vọng trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên sẽ bàn bạc nhiều hơn nữa.

* Đại sứ có thể đưa ra bức tranh tổng thể về lĩnh vực hợp tác quân sự quốc phòng giữa hai nước?

- Hợp tác quốc phòng  và kỹ thuật quân sự chính là biểu hiện sự tin cậy giữa hai bên. Đây là lĩnh vực hợp tác rộng lớn nhất. Năm 2015 Nga và Việt Nam đã kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao tuy nhiên sự hợp tác giữa hai nước ta trong lĩnh vực quân sự đã bắt đầu sớm hơn nhiều. Trong đó, việc đào tạo cán bộ cho quân đội và ngành quốc phòng Việt Nam là lĩnh vực ưu tiên. Có thể nói các sĩ quan hàng đầu Việt Nam trước đây đều học ở Liên Xô. Bây giờ chúng tôi cũng rất quan tâm đến đào tạo cán bộ. Khi tôi tiếp xúc với nhiều sĩ quan Việt Nam thì tôi không cần người phiên dịch vì họ nói tiếng Nga rất giỏi. Chúng tôi cũng rất quan tâm đến tăng cường lĩnh vực quốc phòng của Việt Nam.  Ví dụ lực lượng tàu ngầm của hải quân Việt Nam hoàn toàn do Nga hỗ trợ thành lập. Năm nay Nga sẽ chuyển cho Việt Nam tàu ngầm thứ sáu, và dĩ nhiên chúng tôi đào tạo cả sĩ quan hải quân  làm việc trên tàu ngầm.

Đội máy bay của Việt Nam phần lớn được hình thành từ các máy bay do Liên Xô và Liên bang Nga sản xuất. Bộ Quốc phòng Việt Nam, cũng như Bộ Quốc phòng  nước khác rất quan tâm đến chiến dịch của Nga ở Syria, và quan tâm đến máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Nga ở Syria, gồm cả Su35,  cũng như quan tâm việc mua các máy bay này. Đây là một đề tài đàm phán mà Nga sẵn sàng thảo luận.

Đồng thời chúng tôi cũng cung cấp cho Việt Nam máy bay tiêm kích và máy bay ném bom và vũ khí cho hải quan. Chúng tôi quan tâm đến việc cùng sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam một số thể loại thiết bị kỹ thuật quân sự như tàu tuần tiễu. Nếu hỏi Bộ Quốc phòng  thì họ rất hài lòng về thiết bị của Nga và lĩnh vực hợp tác này với Nga.
Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sang Nga cuối tháng Tư, hai bên đã trao đổi tăng cường lĩnh vực này.

* Không gian văn hóa Nga ở Việt Nam đã không còn được sự ảnh hưởng mạnh mẽ như trước đây. Liệu Nga sẽ làm gì để khôi phục điều đó?

- Tôi không thể nói là tình hình đáng bi quan. Song tôi rất mong tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước trong văn hóa và giáo dục. Hiện ở Nga có 7000 sinh viên Việt Nam học tập trong nhiều ngành khác nhau. Hàng năm chính phủ Nga cung cấp cho sinh viên Việt Nam 850 học bổng sang học tại Nga và năm 2017 muốn tăng lên 1000. Có thể nói đây là vốn đầu tư tốt nhất vào quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Những người này sau khi tốt nghiệp họ rất quan tâm và yêu quý nước Nga, biết cuộc sống hiện đại của Liên bang Nga và văn hóa, ngôn ngữ Nga. Trong năm đầu tiên nhiệm kỳ của tôi ở Việt Nam vừa qua, tôi mong  muốn tăng cường quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa. Tôi vừa từ Festival Huế trở về, một trong những đoàn dân ca nổi tiếng nhất của Nga đã tham dự Liên hoan này, khán giả Việt Nam đón nhận họ rất ấm áp cả ở Huế và Hà Nội. Tháng 6 tại LB Nga sẽ diễn ra ngày văn hóa Việt Nam tại Nga ở Moskva và Volgagrad.
Trên Facebook của Đại sứ quán mọi người có thể đọc các sự kiện về quan hệ song phương, nhiều tài liệu quan trọng về quan hệ hai nước bằng cả tiếng Nga, tiếng Việt và tiếng Anh.

* Nhiều người Việt Nam băn khoăn về tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Lavrov liên quan đến Biển Đông gần đây. Ông có thể giải thích rõ hơn về quan điểm của Nga?

- Một số báo ở Việt Nam đã đưa tin không đúng về quan điểm của Ngoại trưởng Lavrov. 

Lập trường của Nga về Biển Đông không thay đổi: Thứ nhất, Nga mong muốn các nước liên quan đến tranh chấp tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực;  tìm kiếm giải pháp về ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Tôi nhấn mạnh ông Lavrov muốn nói về tất cả các bên,  không chỉ Việt Nam hay Philippines  mà cả Trung Quốc. Một số tờ báo nói Nga ủng hộ lập trường 1 nước là không đúng. Nga không ủng hộ lập trường của riêng nước nào.

Thứ hai, Nga hoàn toàn ủng hộ và hỗ trợ các nước liên quan đàm phán dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông DOC 2002 và hướng dẫn thực hiện Tuyên bố năm 2011.
Đây là 2 bình luận đầu tiên và tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn không có vấn đề gì với hai bình luận này.

Và bình luận thứ ba của ông Lavrov rất quan trọng: Ngăn chặn sự can thiệp của bất kỳ một nước bên ngoài vào tranh chấp này và không quốc tế hóa tranh chấp, vì như vậy là phản tác dụng. Chúng tôi nói vậy vì đã  có kinh nghiệm riêng về giải quyết biên giới. Chúng tôi đã đàm phán giải quyết biên giới với láng giềng trên cơ sở song phương, không có các nước thứ ba.

Tôi chưa hiểu các bạn Việt Nam băn khoăn lập trường của Nga về lĩnh vực nào. Nhưng để làm rõ hơn tôi muốn bổ sung:
Thứ nhất, Nga  kêu gọi các bên tranh  chấp, kể cả Trung Quốc, không sử dụng vũ lực để giải quyết.
Thứ hai, Nga mong muốn hai đối tác chiến lược chính của Nga là Trung Quốc và Việt Nam  duy trì mối quan hệ thân thiện và ổn định.
Thứ ba, Nga quan tâm đến việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, vì đây là nơi tàu của Nga đi lại, máy bay Nga bay, và hàng hóa của chúng tôi lưu chuyển.
Thứ tư, đụng độ quân sự và quân sự hóa khu vực sẽ gây nguy hiểm cho lợi ích các công ty dầu khí của Nga làm việc trên thềm lục địa của Việt Nam, như  Rosneft, Zarubeznev, Gazprom và liên doanh  Vietsopetro hoạt động đã 35 năm qua.

Tôi hy vọng độc giả hiểu chúng tôi không ủng hộ bên nào trong tranh chấp này, và rất ủng hộ việc  giải quyết vấn đề bằng đàm phán càng nhanh chóng càng tốt , vì tiền bạc của chúng tôi cũng phụ thuộc vào việc giải quyết vấn đề này.

Năm nay Nga và ASEAN kỷ niêm 20 năm đối thoại, nên chúng tôi rất mong muốn quan hệ Nga – ASEAN được nâng lên mức chiến lược, chúng tôi vô cùng quan tâm đến khu vực ASEAN ổn định và không có tranh chấp nào cả.

Chúng tôi rất quan tâm đến bảo đảm tự do hàng hải. Ví dụ hôm qua tôi tiếp một đại sứ nước ngoài nhận nhiệm kỳ ở Việt Nam. Ông ấy kể về việc chuyển khí hóa lỏng từ Sakhalin đến nước ông ấy trên Biển Đông. Vì thế chúng tôi rất quan tâm đến tự do hàng hải trên Biển Đông. Hơn nữa, Nga là thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển nên lập trường của chúng tôi không bao giờ thay đổi. Nhưng còn một số nước luôn nói về tự do hàng hải trên Biển Đông nhưng chưa phê chuẩn công ước này.

* Trước Hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN tại Sochi tuần tới, ông nhận xét thế nào về vai trò trung tâm của ASEAN đối với an ninh khu vực?

- Tôi toàn đồng ý vai trò trung tâm của ASEAN về an ninh và hoàn toàn ủng hộ vai trò này. Tại Sochi, 11 nguyên thủ gồm Tổng thống Putin và 10 lãnh đạo ASEAN sẽ thông qua tuyên bố về kết quả của hội nghị thượng đỉnh. Một trong những câu trong tuyên bố  là ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong an ninh khu vực. Nga và các nước ASEAN làm việc rất tích cực trên vấn đề này. Quan hệ Nga – ASEAN dựa trên việc Nga chấp thuận vai trò trung tâm của ASEAN trong an ninh khu vực. Ví dụ, cuối tháng Tư vừa qua, bộ trưởng quốc phòng Nga đã mời bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN đến cuộc gặp không chính thức ở Moskva, cuộc gặp rất hiệu quả. Tôi biết  Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và ông ấy rất hài lòng về kết quả cuộc gặp này. Chúng tôi cũng quan tâm rất nhiều đến tham gia các cuộc gặp và hội nghị an ninh khu vực ASEAN, kể cả diễn tập quân sự. Đầu tháng Năm vừa qua tại Brunei đã diễn ra diễn tập trên biển và 3 tàu Hạm đội Thái Bình Dương Nga tham gia cuộc diễn tập này. Có rất nhiều phương hướng hợp tác Nga và ASEAN trong hợp tác an ninh khu vực. Tôi đề nghị chờ đến tuyên bố Sochi, vì trong tuyên bố này có nhiều câu liên quan đến an ninh khu vực, kể cả Biển Đông. Nga và ASEAN sẽ có lập trường thống nhất và được ghi trong tuyên bố.

* Sự cạnh tranh ảnh hưởng  giữa các nước lớn đang diễn ra rất gay gắt. Theo ông điều đó có ảnh hưởng tới quan hệ Việt – Nga hay không?
- Chắc chắn sự cạnh tranh đó hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến quan hệ Nga và Việt Nam. Vì quan hệ giữa hai nước có từ  lâu đời, tin cậy và ủng hộ lẫn nhau từ nhiều năm, một quan hệ rất đặc biệt và độc đáo. Và khi chúng ta phát triển quan hệ như vậy, chúng ta chỉ quan tâm đến lợi ích của hai nước chúng ta. Nhân dân hai nước không muốn nghe các nước khác dạy chúng ta phải làm gì. Cả lịch sử hai nước đều chứng kiến nhân dân hai nước tự lập, tự xây dựng và quyết định số phận của mình, lịch sử của mình.  Nga và Việt Nam có mối quan hệ rất tốt đẹp và không gì có thể đe dọa một quan hệ như vậy.

* Trân trọng cảm ơn Đại sứ.

-----

1 nhận xét:

  1. Nga cũng như TQ, là nước có quy mô diện tích, dân số, kinh tế, quân sự áp đảo láng giềng. Vì vậy, họ cũng như TQ muốn đàm phán song phương về biên giới là chuyện bình thường, để lấy những lợi thế ấy mà lấn át trong đàm phán, tuy nhiên đối tác đàm phán lại bị thua thiệt. Biên giới trên đất liền thì VN và TQ cũng đàm phán song phương. Song trên biển thì bối cảnh rất khác. Tranh chấp chủ quyền không chỉ 2 bên Việt và Trung mà có chỗ còn có Philippine, Malaysia, Brunei, Đài Loan. Không chỉ tranh chấp chủ quyền mà còn ảnh hưởng tự do hàng hải, hàng không của các nước không tranh chấp chủ quyền. Vì vậy, cứ áp dụng song phương là không phù hợp thực tế.

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter