Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Vài câu hỏi về vụ Đoàn Văn Vươn

Vài câu hỏi về vụ Đoàn Văn Vươn 

 

 

Nguyễn Quang A 

Nguồn: anhbasam.wordpress.com

Kichbu post on thứ hai, 16.01.2012

Đọc thêm:

> Tướng Thước: “Vụ Tiên Lãng là một tổn thất chính trị lớn”

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-01-16-tuong-thuoc-vu-tien-lang-la-mot-ton-that-chinh-tri-lon-

 

Năm 2012 mở đầu bằng một vụ cưỡng chế thu hồi đất tai họa. Tại cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, bốn công an và hai bộ đội tham gia thi hành cưỡng chế thu hồi đất ngày 5-1-2012 đã bị mìn tự tạo và súng săn của những người bị thu hồi đất làm trọng thương. Ngày 7-1-2012 Cơ quan cảnh sát điều tra Hải Phòng đã khởi tố vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ”.

Đây là một vụ hết sức nghiêm trọng, sẽ đi vào lịch sử tư pháp Việt Nam và chắc chắn sẽ gây nhiều tranh cãi và tác động sâu sắc đến luật đất đai sắp tới.

Bài này chỉ  nêu ra vài câu hỏi dựa trên những thông tin do báo chí  cung cấp để góp phần vào cuộc tranh luận đó nhằm tránh những sự cố đáng tiếc như vụ cưỡng chế thu hồi đất này.

Trước khi nêu ra các câu hỏi đó, cần tóm tắt các sự kiện do báo chí đưa cho đến 13-1-2012.

Theo đó, anh Đoàn Văn Vươn, một người lính, một kỹ sư nông lâm, khi ra quân năm 1986, đã trở về địa phương lấn biển, trồng cây, đắp đê để tạo thành hồ nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều năm trời, Đoàn Văn Vươn cùng anh em họ hàng đã vật lộn với biển, bão tố và quần quật lao động đưa hơn 20.000 m3 đất, đá về để lấn, cải tạo biển thành đầm nuôi tôm. Anh đã mất đứa con gái yêu 8 tuổi chính tại nơi đây.

Trong cuộc họp báo ngày 12-1-2012 của Ủy Ban Nhân Dân thành phố  Hải Phòng, ông Lê Văn Hiền chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết: năm 1993, huyện chỉ giao 21 ha đất bãi bồi ven biển cho ông Vươn, sau đó ông Vươn lấn ra biển thêm 19,3 ha phía ngoài, rồi đề nghị hợp thức hóa, được huyện ra quyết định giao đất bổ sung.

Như thế  tổng cộng huyện đã giao cho anh Vươn 40,3 ha.

Theo ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở TN&MT TP Hải Phòng, huyện Tiên Lãng giao 21ha đất bãi bồi cho ông Vươn vào ngày 4-10-1993 trước khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực (15-10-1993) và theo ông là căn cứ vào Luật Đất đai năm 1987. Còn khu đầm 19,3 ha của ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định giao đất vào năm 1997. 

Theo Người Lao Động, hết thời hạn, UBND huyện ra quyết định thu hồi khu đầm này. Sau đó, các hộ dân đã khởi kiện ra TAND huyện Tiên Lãng yêu cầu hủy quyết định thu hồi diện tích đầm trên. Tháng 11-2009, TAND huyện mở phiên sơ thẩm, bác đơn khởi kiện của các hộ dân.

Các hộ  dân này đã kháng cáo lên TAND TP Hải Phòng. Trong quá  trình thụ lý vụ  án, ngày 9-4-2010, thẩm phán Ngô  Văn Anh đã lập “biên bản tạo  điều kiện cho các đương sự  tự thỏa thuận với nhau về  việc giải quyết vụ án”  có đóng dấu của TAND TP Hải Phòng. Theo biên bản này, ông Đoàn Văn Vươn sẽ rút  đơn kiện, còn UBND huyện Tiên Lãng đồng ý cho ông Vươn và  các hộ dân tiếp tục thuê  lại đầm. Tuy nhiên, vừa qua, UBND ra quyết  định thu hồi đất của  ông Vươn và tổ chức cưỡng chế  vào ngày 5-1.” 

Ông chủ tịch huyện Tiên Lãng thừa nhận “ngôi nhà bị phá sập nằm trong phần diện tích đầm chưa bị cưỡng chế nhưng là nơi chủ đầm tấn công lực lượng cưỡng chế”. Nói cách khác các lực lượng cưỡng chế đã tiến vào khu vực không bị cưỡng chế, và việc nổ mìn, bắn súng đã xảy ra trên phần đất đó, chứ hoàn toàn không phải trên phần đất của anh Vươn mà chính quyền muốn cưỡng chế.

Vấn  đề mấu chốt ở đây là phải rạch ròi giữa  đất công (do nhà nước hay một cộng đồng sở  hữu) và đất tư (do các cá nhân hay các tổ  chức của họ sở hữu).

Theo luật tự nhiên, đất hoang được ai khai phá là đất của người ấy. Người dân có thể sở hữu  đất bằng cách khai khẩn đất vô chủ, mua hay nhận chuyển nhượng đất đã có chủ (từ  các chủ trước mà có thể nhà nước, cộng đồng hay các cá nhân khác). Theo luật tự nhiên, đầm do người dân lấn biển để nuôi trồng thủy sản ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng phải thuộc sở hữu của họ.

Nói như  thế không có nghĩa là các cá nhân có  thể xâm phạm đất đã có chủ (dù  là của nhà nước hay của các chủ khác); khi họ khai khẩn đất được cho là đất hoang (nếu không có chủ sở hữu nào khác chứng minh đất đó thuộc sở hữu của mình) thì nhà nước phải thừa nhận đất hoang được họ khai khẩn là đất của họ. Đất do nhà nước sở hữu cũng phải có hồ sơ quyền sở hữu như của cá nhân và cộng đồng, thí dụ đất của phủ chủ tịch cũng phải có hồ sơ (sổ đỏ) giao cho một cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước nhất định (Văn phòng chủ tịch nước chẳng hạn) và phải được lưu trữ trong hồ sơ của cơ quan quản lý đất đai giống như đất thuộc sở hữu khác.

Đáng tiếc từ các năm 1980 đến nay nhà nước Việt Nam quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý” ngược với luật tự nhiên mà luật pháp của hầu hết các nước (kể cả Việt Nam trước kia) đều chấp nhận (tức là thừa nhận sở hữu tư nhân về đất và có sự phân định rạch ròi giữa đất công và đất tư). Đấy là điểm mấu chốt (bên cạnh việc nới rộng hạn điền để khuyến khích tích tụ ruộng đất) mà luật đất đai (sửa đổi hay mới) phải nên đưa vào.

Dưới đây, chúng ta bám theo các luật đất đai hiện hành, bất chấp sự thiếu sót nghiêm trọng nêu trên mà luật đất đai mới phải sửa đổi, để nêu ra vài câu hỏi.

1.     Rành rành chủ tịch huyện Tiên Lãng đã vi phạm các luật đất đai hiện hành: huyện không được phép giao diện tích đất lớn như vậy theo bất cứ luật đất đai hiện hành nào. Hạn mức đất nêu trong các luật đó quá nhỏ không phù hợp với và cản trở sự phát triển của sản xuất và hiện đại hóa. Luật đã lạc hậu và tất cả các cơ quan nhà nước đều đã ngầm cho phép vượt rào về hạn mức. Và sự vi phạm này của các cơ quan nhà nước lại đáng hoan nghênh và lỗi hoàn toàn thuộc về Quốc Hội do đã chần chừ trong việc bãi bỏ hay nới rộng hạn mức.

2.     Rành rành chủ tịch huyện Tiên Lãng đã vi phạm quy định về thời hạn giao đất: theo Điều 20 Luật Đất Đai 1993 và Điều 67 của Luật Đất Đai 2003, thời hạn giao đất để nuôi trồng thủy sản là 20 năm, chứ không hơn, không kém.

3.     Và theo quy định của luật thì thời hạn của 21 ha phải đến 2014 mới hết 20 năm (không thể vin vào lý do giao đất 11 ngày trước khi Luật 1993 có hiệu lực vì khi đó chủ tịch huyện còn phạm tội cố ý lách luật do Luật này được ban hành ngày 14-7-1993 và có hiệu lực vào ngày 15-10-1993 và 11 ngày sau cũng phải hiệu chỉnh thời hạn); và thời hạn của 19,3 ha đất được giao năm 1997 phải đến 2018 mới hết hạn. Đó là chưa nói đến diện tích hồ do người dân lấn biển tạo ra mà thực chất phải thuộc quyền sở hữu của người khai phá có được coi là đất hay không, có thuộc phạm vi quy định của các luật đất đai hay không. Hơn nữa, chỉ được thu hồi đất theo Điều 26 và 27 của Luật đó (hay Điều 39 của Luật Đất Đai 2003) mà rõ ràng theo các điều này thì không thể thu hồi như quyết định của chủ tịch huyện Tiên Lãng.

Dựa vào thông tin diễn biến và 3 điểm nêu trên có thể  nêu ra vài cấu hỏi như sau:

4.     Tại sao không xử lý chủ tịch huyện Tiên Lãng về những sự vi phạm pháp luật rành rành nêu ở điểm 2 và 3 kể trên trong suốt thời gian rất dài? Tại sao những kẻ lộng hành và thiếu hiểu biết về pháp luật lại được đưa vào các chức vụ quan trọng như vậy? Các nhà chức trách của thành phố Hải Phòng và trung ương tại sao đã không xử lý?

5.     Tại sao chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng lại muốn thu hồi hơn 40 ha của anh Vươn để chia nhỏ rồi giao cho những người khác? Vì việc chia nhỏ không phù hợp với sự phát triển của kinh doanh nuôi trồng, phá hoại sản xuất. Và những người khác này là ai? Liệu có sự cấu kết giữa ông anh chủ tịch UBND huyện và ông em chủ tịch UBND xã? Việc thu hồi không đền bù là sự cướp đoạt tài sản một cách trắng trợn và trái luật và ông chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng có phạm tội lạm quyền?

6.     Liệu quyết định thu hồi đất của chủ tịch huyện Tiên Lãng là trái luật? (Theo các thông tin nêu ở các điểm 2 đến 3 kể trên, thì quyết định thu hồi đất là hoàn toàn trái luật và việc người dân kiện chính quyền và việc tòa yêu cầu 2 bên hòa giải là minh chứng rõ ràng về sự vi phạm luật đó của chính quyền; chúng ta không bàn ở đây về chuyện “hòa giải” và biên bản hòa giải của tòa án, cũng như hành xử của chính quyền sau đó).

7.     Nếu quyết định thu hồi đất là trái luật, thì việc cưỡng chế thu hồi đất là trái luật và trong trường hợp đó những người tham gia cưỡng chế có thể được coi là “những người thi hành công vụ” hay không? Việc lực lượng cưỡng chế tiến vào đất không bị cưỡng chế đã minh chứng rõ ràng về việc làm sai trái của họ và như thế khó có thể gọi họ là những người “thi hành công vụ” mà phải gọi là “những kẻ lạm hành công vụ”. Và nếu như vậy thì quyết định khởi tố vụ án “chống người thi hành công vụ” liệu có trái luật hay là sự lạm quyền?

8.     Tại sao bộ đội lại tham gia? Nếu bộ đội công binh được huy động để gỡ mìn chỉ sau khi mìn đã nổ thì còn có thể hiểu được. Nếu bộ đội được huy động để tham gia cưỡng chế từ đầu, thì không thể chấp nhận được; quân đội không được phép làm việc đó; sứ mạng của quân đội là chống ngoại xâm chứ không được tham gia giải quyết tranh chấp dân sự; trong trường hợp này phải đưa người đã lệnh cho bộ đội tham gia cưỡng chế ra trước tòa án binh. Bộ Quốc phòng phải làm rõ các vấn đề này để nhân dân được biết và nếu sai (tức là bộ đội được huy động từ đầu) thì phải xử lý nghiêm những kẻ vi phạm để bảo vệ uy tín của quân đội.

9.     Tại sao những người cưỡng chế lại mang vũ khí tiến vào khu nhà 2 tầng của anh Đào Văn Quý mà khu vực đó không phải là khu vực bị chính quyền thu hồi? Hành động đó có vi phạm chủ quyền của chủ nhà và các quyền công dân khác? Theo tôi là có, và vì thế họ không được coi là những người thi hành công vụ và hành động chống trả phải được xem là phòng vệ chính đáng.

Theo tôi, nguyên nhân chính của vụ đáng tiếc xảy ra ngày 5-1-2012 tại cống Rộc, Quang Vinh, Tiên Lãng, Hải Phòng là những sự vi phạm luật liên tiếp của chủ tịch huyện Tiên Lãng như nêu ở trên và trong các câu hỏi ở các điểm 4-7 và điểm 9 ở trên, cũng như sự vi phạm luật của chính quyền trong việc ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế. Những người lộng hành và vi phạm luật như ông chủ tịch huyện phải bị trừng trị. Chính sự lộng quyền, sự vi phạm pháp luật trắng trợn của người đứng đầu huyện Tiên Lãng đã đẩy gia đình anh Vươn vào bước đường cùng.

Và khi xem xét hành động đáng tiếc của anh Đào Văn Quý (người đã bắn) phải lưu ý đến bối cảnh ấy.

10. Theo điểm 7 và 9 nêu trên, liệu hành động chống trả của anh Đào Văn Quý có phải là hành vi “phòng vệ chính đáng” hoặc hành vi “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” theo Điều 15 của Bộ Luật Hình sự?

11. Tại sao Hội Nông Dân và Hội cựu chiến binh không can thiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên của mình trong suốt thời gian tranh chấp cũng như sau khi vụ việc đã xảy ra? Hay tổ chức xã hội dân sự nào có thể giúp những người cựu chiến binh và nông dân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước sự lộng hành của các quan chức địa phương?

Để trả lời cho các câu hỏi trên không thể giao cho chính quyền Hải Phòng xem xét, như việc Bộ Tài nguyên môi trường giao cho sở Tài nguyên môi trường làm rõ, mà các cơ quan trung ương phải nhanh chóng vào cuộc.

Và có  thể còn phải đặt ra nhiều câu hỏi khác, thí  dụ vai trò và trách nhiệm của Quốc Hội  đến đâu?

 

Vụ đáng tiếc ở Tiên Lãng ngày 5-1-2012 là vụ hết sức nghiêm trọng. Chúng ta chờ xem Quốc Hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp hành xử ra sao. Nếu dung túng các quan chức địa phương, không nghiêm trị các hành vi phạm pháp luật của họ, nếu xử không công bằng đối với những người vừa bị bắt, thì hậu quả có thể rất khó lường.

N.Q.A

11 nhận xét:

  1. Đừng chậm trể và đừng để "quả bom Đoàn Văn Vươn" lại nổ!
    http://kichbu.multiply.com/notes/item/148

    Trả lờiXóa
  2. Vụ Vươn cho thấy công an Việt Nam rất kém còn dân VN rất lém

    Trả lờiXóa
  3. Còn các bạn bình luận cái này coi: Trả lời phóng viên về việc này, ông Ngô Ngọc Khánh Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn UBND huyện Tiên Lãng thừa nhận, ngôi nhà ông Quý không nằm trong diện tích bị cưỡng chế vào ngày 05/1, nhưng do ngôi nhà nằm trên đường lực lượng cưỡng chế đi qua và do phát hiện có đối tượng chống đối ẩn nấp nên cán bộ làm nhiệm vụ đã phá hỏng.



    Tại cuộc họp báo chính thức do UBND TP.Hải Phòng chủ trì chiều tối 12.1, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền đã thừa nhận: “Ngôi nhà nằm trong diện tích đất chưa bị cưỡng chế. Nhưng vì đây là nơi các đối tượng cố thủ và tấn công các lực lượng cưỡng chế, nên áp dụng biện pháp phá ngôi nhà”.




    Phó chủ tịch UBND Hải Phòng Đỗ Trung Thoại: " Sau vụ nổ súng, chống người thi hành công vụ, lực lượng công an phải rà phá và tìm được vũ khí, vật liệu nổ trong nhà. Các đồng chí báo cáo không ra lệnh san phẳng nhà, nhưng do... nhân dân bất bình nên vào phá. Chứ còn lực lượng cưỡng chế của huyện, lực lượng công an không san phẳng nhà này"

    Trả lờiXóa
  4. XIN CÁI CÒM CỦA DINHPHDC NHÉ. HAY QUÁ!

    Trả lờiXóa
  5. Nở còn lém hơn nhiều í chứ..:)

    Trả lờiXóa
  6. Theo PCT UBND Hải Phòng là do dân phá.
    Cuối cùng tất cả vì dân..!

    Trả lờiXóa
  7. Theo cu Vinh dẫn lời kể của vợ ông Vươn thì đầm tôm đã được giao lại cho 3 hộ là bà con chủ tịch xã, cũng là bà con chủ tịch huyện, đây cũng chính là những vị đã vừa thu hoạch hết thành quả lao động nhà ông Vươn (là "quần chúng căm phẫn dưới sự bảo vệ của chính quyền"!!!) và đe dọa báo chí hôm trước.

    Còn nhớ ông Ca, Giám đốc CA HP có nói đại loại gia đình ông Vươn chây ý ngoan cố không chịu trả đầm vì ông ta nghe hơi nồi chõ là khu này rơi vào dự án sân bay nên cố giữ để lấy đền bù, lọ mọ thế nào lần được cái giá đất nông nghiệp của HP năm 2012, nhẩm nhẩm tính nếu đất được công nhận quyền sử dụng thì được đền bù những 75 tỷ cho 40ha.

    Nhìn con số kia thì đã hiểu ra tại sao người ta cố dồn ép gia đình ông Vươn phải trả đầm bằng được, bây giờ thì sinh nghi rằng liệu có cờ giả nào tham mưu cho anh em nhà ông Vươn vụ bắn hoa cải tóe loe kia không?

    Chết cha, chẳng may mà có người chết thì anh em nhà ông Vươn không những mất tất mà còn mất mạng!!!

    Đầm đã được thu hồi, và những ai tiếp quản thì bên trên nói rồi, 75 tỷ kia sẽ vào tay ai, rõ quá nhể!

    Cụ Tiên Điền quả tài đến thế là cùng!

    Trả lờiXóa
  8. Điều này thì tôi cũng có tính ra như vậy,

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter