Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Đã làm quan là phải đàng hoàng

Đã làm quan là phải đàng hoàng

.

.

Nguồn: sgtt.vn

Kichbu post on 14.02.2012

.

Đọc thêm:

.

- Vụ Tiên Lãng - Kỳ 10: Sót một thằng

- Tiên Lãng: Lọt tội một quan đội lốt hiếp dân

 

SGTT.VN - Tự nhận là người… thiếu văn hoá nhất Hội An, nói to nhất Hội An, con người bén nhọn, nhạy cảm đến quyết liệt ấy suốt 30 năm qua đã sống chết với Hội An, để gìn giữ cho được một không gian sống vừa xưa cũ, vừa hiện đại. Giữa không gian liêu trai của ngày Hội An ở Sài Gòn (10 – 12.2), ông đọc cho tôi nghe bài thơ của Chế Lan Viên: Yêu ở đâu thì yêu / Về Hội An xin chớ / Hôn một lần ở đó / Cả đời vang thuỷ triều…

 

.

- Theo ông, điều gì làm nên sự quyến rũ kỳ lạ của vùng đất Hội An? Những biến động lịch sử có làm cho sức mạnh ấy bị vùi lấp, mai một?

.

Văn hoá là một khái niệm mở, bảo tồn nằm trong sự phát triển, không đóng khung, đóng cửa, vì thế nó luôn luôn động, phù hợp với đương đại nhưng vẫn giữ được những gì tốt đẹp của quá khứ. Trong một quá trình dài của lịch sử, Hội An vẫn giữ được sự giao lưu, giao thương, đó là một bản lĩnh rất kỳ lạ. Thế kỷ thứ 16 – 17, Hội An là thương cảng sầm uất bậc nhất của Đàng trong, nơi mở cửa đầu tiên của đất nước giao thương với thế giới, từ đó hội nhập với các nền văn hoá khác. Trải qua một thời kỳ dài trọng nông ức thương, Hội An vẫn giữ được tinh thần mở cửa, coi buôn bán là chuyện bình thường, giữ được con đường tơ lụa. Như trong kiến trúc, những ngôi nhà phố hình ống chẳng có mặt tiền, mặt hậu, sẵn sàng mở cửa đón mọi người. Những ngôi nhà của người Hoa, người Nhật đều do bàn tay tài hoa của thợ mộc Kim Bồng, thợ ngói Thanh Hà tạo dựng, vẫn mang diện mạo rất đặc trưng của Hội An…

.

- Mỗi năm Hội An đón nhận đến 1,5 triệu du khách, với dân số khoảng 90.000 người, tính trung bình mỗi người dân đón 150 du khách/năm, làm thế nào để họ vẫn là mình?

.

Lấy cái tĩnh, vừa vừa, nhỏ nhỏ, bé bé để phát triển, đó là bí quyết của Hội An.

.

Bản lĩnh của người Hội An chính là sự đón nhận văn hoá các nước một cách bình tĩnh, đĩnh đạc, không ngần ngại, không sợ sệt, không vồ vập… tạo nên một văn hoá đa quốc gia, đa vùng miền, nhưng lại rất Hội An. Chiều sâu tận cùng của văn hoá, của kiến trúc chính là con người. Hội An là một di tích hoàn toàn sống, không bị đứt gãy nhờ những con người nhiều thế hệ sống trong các khu phố cổ. Điều lạ nữa là dân Hội An nghèo, nhưng chẳng ai phá nhà cổ làm nhà mới. Thời bao cấp mỗi nhà chỉ sống bằng vài ba khung dệt, nhưng vẫn giữ nguyên nếp nhà như một sự tri ân với cha ông của họ. Họ giữ lại những gì đẹp đẽ của quá khứ, đâu biết ngày mai sẽ thành di sản. Thời đổi mới, nhà nhà làm du lịch, có người giàu lên nhưng cũng chẳng ai đập nhà làm khách sạn. Ngoài quy định của chính quyền, chính người dân ý thức được chuyện đó. Phố cũng không cần cửa đóng then cài. Dân phố không soi mói, nhưng biết quan tâm đến nhau. Điều gì không phải, trái với đạo lý khó sống được ở đây. Dù lịch sử đầy biến động, người Hội An vẫn giữ được chiều sâu cốt cách, tâm hồn mình. Nhỏ bé, thân thuộc, không vội vã, không có những con đường rộn ràng, chẳng ai chạy xe quá nhanh. Khi con người sống có trật tự thì trong tâm thức, suy nghĩ cũng chậm lại, nhập thân, nhìn lại mình nhiều hơn. Những con người ấy đã biết tự làm mới mình hàng ngày, tạo ra hồn của phố, sự thân thuộc bình yên và một chút chân quê khiến ai đã một lần tới là nhớ mãi, giống như được trở về nhà.

.

- Để sự quyến rũ chân thực ấy giữ chân du khách lâu hơn, có quyết sách nào không thưa ông?

.

Quyết sách của tôi là giúp người dân có thu nhập một cách văn hoá. Lâu nay chúng ta thường dựng làng nghề theo kiểu biểu diễn. Muốn hấp dẫn du khách, làng nghề phải thực sự sống được bằng nghề. Bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng Kim Bồng góp phần tạo ra dáng hình đất nước, tâm hồn của người dân Trà Quế tạo nên mùi hương sâu đậm của rau húng, rau thơm. Muốn phục hồi làng nghề phải có đội ngũ làm nghề ngay tại làng. Hội An kiên trì đào tạo lớp trẻ sống chết với nghề, cha truyền con nối. Người dân không chỉ sống được nhờ trồng rau, mà còn khá lên nhờ những dịch vụ du lịch từ nghề rau. Suốt chín năm kiên trì thuyết phục bà con cùng với các quyết sách như giao thêm đất, hỗ trợ tiền trồng rau, làm gốm… đến nay chúng tôi đã phục hồi được làng rau Trà Quế, gốm Thanh Hà. Du khách được trồng, thu hoạch rau, chăn trâu, tắm trâu, nuôi trâu đi cày, sống, ăn ở trong nhà dân có khi cả tháng trời, và trả tiền một cách thích thú. Mỗi người nông dân Hội An đang trở thành một sứ giả văn hoá thông qua con đường kinh tế du lịch, họ biết giữ cho môi trường sạch hơn, yêu động vật hơn, và cũng văn minh hơn.

.

- Hội An lên cấp thành phố, ông có lo văn hoá thị sẽ lấn át văn hoá làng?

.

Đó chỉ là một danh xưng, sự phát triển đòi hỏi văn minh, dù thị xã hay thành phố, Hội An vẫn giữ được tinh thần của nó. Văn hoá làng và văn hoá thị bổ sung, kìm giữ nhau, trì kéo nhau, tạo nên thế cân bằng hơn. Trong tốc độ đô thị hoá chóng mặt hiện nay, giữ gìn vẻ đẹp của một ốc đảo như Hội An là nỗi lo chung của mọi người. Nhưng chính vì nó quá mong manh, dễ vỡ nên mọi người đều phải cùng nâng niu, giữ gìn. Hội An lúc nào cũng có vấn đề, lúc nào cũng có sự bền vững dù luôn thay đổi. Suốt thời gian tôi làm chủ tịch Hội An, chưa thấy ai bị tha hoá, các tệ nạn vào Hội An đều được dân báo ngay. Hội An nói không với bia ôm, ngoài đường cũng không có công an, người dân có thể gặp người làm chính quyền mọi lúc, mọi nơi. Không có khoảng cách giữa chính quyền và người dân. Ai vào nhà bí thư cũng được.

.

- Còn quyết sách để giải bài toán đất đai ở Hội An, khi nơi đây luôn là điểm nóng hấp dẫn các nhà đầu tư? Làm thế nào để hài hoà lợi ích giữa người dân, chính quyền và nhà đầu tư?

.

Người ta có thể biến ruộng lúa thành đô thị chỉ với một chủ trương, nhưng trong lịch sử, chưa ai biến đô thị thành ruộng lúa. Cái gì người ta không thể thì mình hãy giữ lấy. Tôi là người nông dân, tôi hiểu hơn ai hết đất của dân phải để cho dân làm. Như vùng biển Cửa Đại, tôi không chủ trương lấy đất đầu tư, mà đầu tư tại chỗ và những người dân định cư tại chỗ, không dời dân. Với nhà đầu tư, Hội An quy định rất rõ ràng: không xây quá ba tầng, mật độ xây dựng không quá 30%, không được mở massage, không được xây tường rào che chắn, không đi cửa sau, không mua đi bán lại… Chính vì thế những nhà đầu tư giả, dỏm rất khó chịu, sẽ bật khỏi liền.

.

- Để gầy dựng một chính quyền vì dân ở Hội An, ông có gặp khó khăn nhiều không?

.

Hơn 30 năm, trải qua nhiều đời lãnh đạo, Hội An tự hào vì một đội ngũ lãnh đạo trong sạch. Chưa có một đồng chí nào lợi dụng chức quyền lấy một tấc đất của dân, bộ máy chính quyền hoạt động trơn tru nhờ không ai lợi dụng việc công sách nhiễu, tước đoạt của dân. Bên cạnh những biện pháp cứng rắn để giữ kỷ cương, muốn đội ngũ của mình có ý thức, chính người lãnh đạo phải làm gương. Không thể nói anh em đừng tham ô mà mình vẫn nhận tiền vào túi. Ai có công mình thưởng xứng đáng, nhưng khi anh em gặp khó khăn mình phải chia sẻ, giúp đỡ, có trách nhiệm với cả gia đình mỗi người. Con người không chỉ sống bằng đồng lương, mà còn bằng cái nghĩa. Khơi gợi chữ nghĩa trong đội ngũ làm nên phẩm cách của cán bộ mình. Kiểm tra đến nơi đến chốn công việc được giao, những nơi nguy hiểm nhất mình phải xông vào đầu tiên. Mình không xả thân thì đừng nói anh em xả thân. Khi mình sử dụng quyền lực để làm những việc có ích cho mọi người, đứng đầu sóng ngọn gió, biết tiếp thu ý kiến, biết chịu trách nhiệm trước mỗi quyết định của mình, sẽ quy tụ được anh em. Tôi cảm thấy ấm lòng vì được anh em thương, quý, chia sẻ, nhờ thế mình không cảm thấy cô đơn.

.

Tôi không thích từ quan “thanh liêm”, đã làm quan là phải đàng hoàng, không thể nhận những gì không phải của mình. Làm chủ tịch, lương 5 triệu đồng/tháng, khi đã chấp nhận mức lương đó, phải làm tốt phần việc của mình. Đừng đổ thừa đồng lương đạm bạc mà tham ô, bởi có ai buộc anh làm đâu? Tôi là người không mưu mô, không thủ đoạn, mọi thứ đều đặt hết lên bàn, nên có thể đập bàn nếu thấy bất bình, khuất tất.

.

- Suốt một thời gian dài làm chủ tịch, nhiều người nói ông “giả chết” vì vẫn ở căn nhà tranh dột nát, ông có buồn nhiều không?

.

Rất đau, nhưng không thể bụm miệng người đời, vì dân có quyền nghi ngờ. Người dân sẵn sàng nghĩ mình ngồi chỗ đó chắc hốt bạc. Nhà đầu tư nào đến cũng đưa phong bì đầu tiên, dù chưa làm gì cả. Chứng tỏ trong suy nghĩ của họ phải có phong bì công việc mới chạy… Nhưng tôi không bao giờ chấp nhận như thế.

.

Căn nhà tranh giờ đã được sửa lại thành nhà trệt cấp bốn, đất ấy là do ông bà tôi để lại. Lương hai vợ chồng tôi cộng lại 13 triệu đồng, làm gì cho hết (cười sảng khoái). Biết bao nhiêu là đủ, tri túc là được. Tôi không thấy khổ, vì mình khổ quá rồi, chịu khổ là chuyện bình thường. Điều tôi buồn nhất là không làm được nhiều cho Hội An. Người dân quê tôi dù được hưởng lợi từ du lịch bớt cơ cực đi, nhưng chưa được giàu có…

.

- Là người khá cực đoan, có bao giờ ông phải xin lỗi dân vì một quyết định sai? Anh có sợ những quyết sách quá táo bạo, luôn đi trước của mình sẽ ảnh hưởng đến đường hoạn lộ?

Có đấy. Một lần tôi đã ra quyết định trồng hoa sữa dọc phố. Nhưng đâu ngờ đến mùa hoa nở, cả con phố nồng nặc mùi hoa rất khó chịu. Tôi phải đứng ra xin lỗi dân và đốn đi trồng cây mới.

.

Tôi nhớ mãi cơn bão năm 2007, sau cuộc họp chiều, chúng tôi thông báo toàn thị xã sáng mai mới dời dân. Nhưng khi bưng bát cơm tối lên ăn, tự nhiên một linh cảm ập đến khiến tôi giật mình. Nhiều anh em phản đối dữ dội nhưng tôi vẫn buộc phải dời dân trước 12 giờ đêm. Quả nhiên 1 giờ sáng bão tràn vào ngập hết nhà. Sống ở Hội An là sống chung với lũ, người lãnh đạo phải biết rõ bão đi theo hướng nào, chỗ nào là thiệt hại nặng nhất để giúp dân tránh gió, di dời. Phải nghe lượng mưa trên nguồn, và tìm ra cái gì có lợi trong lũ. Sắp tới tôi sẽ tổ chức cho khách đi ghe chụp ảnh những con đường nước ngập, tuyệt vời lắm đó.

.

Quyết định tắt đèn, đi bộ đêm rằm đến với tôi vào một tối mất điện năm 1998, tự dưng thấy phố đẹp lạ lùng. Sáng hôm sau quyết định làm liền. Những ngày đầu người dân phản đối quyết liệt khiến anh em nản lắm, nhưng mình cương quyết giữ, cố gắng điều chỉnh cho phù hợp hơn. Đến tháng thứ tư thì thành công, và trở thành sản phẩm độc đáo. Có những quyết định phải trả giá dữ lắm, nhưng tôi chấp nhận, kể cả việc mất chức. Nếu so đo tính toán vị trí của mình thì chẳng làm được gì. Ngay từ ngày nhậm chức tôi đã chuẩn bị cho mình nếu có mất chức thì cũng thấy bình thường, có chăng chỉ mất tiếng vâng tiếng dạ. Làm sao để anh em có một chỗ dựa, có lòng tin vào mình là khó nhất.

.

- Cơn bão lớn nhất mà ông đã vượt qua?

.

Thời điểm tôi mới làm chủ tịch, quyết định cấm để xe trên lòng lề đường đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của bà con. Vợ ở nhà mỗi lần ra chợ nghe dân tiếng bấc tiếng chì suốt một năm trời, giờ thì thành hình mẫu, cả nước học tập Hội An. Khi nhà cổ xuống cấp, dân xin sửa nhà tôi đồng ý cho sửa theo nguyên gốc. Tự biết đó là quyết định vô trách nhiệm, tôi cảm thấy mình vô cùng có lỗi, vì dân lấy tiền đâu ra mà sửa theo nguyên gốc, nếu lỡ nhà sập thì vô cùng nguy hiểm. Tôi chủ trương bán vé di sản để lấy tiền giúp dân sửa nhà. Quyết định này cũng gặp phải áp lực từ mọi phía, đang đi ngoài đường tôi bị dân chận lại chất vấn, phải đứng giữa đường giải thích cho dân nghe. Từ 50 triệu đồng/năm, doanh thu đã tăng 8 tỉ, giờ là 40 tỉ đồng/năm. Khi người dân có đủ dũng khí chửi mình trong lúc bình tĩnh nhất, chứng tỏ họ còn tin mình. Khi đúng sai dân không lên tiếng nữa, mới là bi kịch.

.

Bài học đắt giá nhất mà tôi nghiệm ra từ trong gian khó là bài học về lòng dân. Tôi không nói giáo điều đâu. Muốn thành công phải được lòng dân, lo cho cuộc sống của dân. Rất nhiều lần tôi nghe lời dân hơn là cấp trên, đó là cá tính của tôi. Nhiều văn bản nhà nước không sát với thực tế, nếu cứ theo nguyên tắc thì làm khó dân dữ lắm, phải chấp nhận trả giá thôi. Tôi không biết nịnh, cũng rất ghét người ta nịnh mình. Người nịnh đã hèn, mà người ưa nịnh còn tệ hơn.

.

- Điều gì khiến ông phải đau lòng nhất?

.

Có một bộ phận cán bộ nhà nước thoái hoá, biến chất, tham nhũng, làm giàu bất chính đến mức xấu hổ, khiến cho người dân không còn tin vào những người đại diện chính quyền, đó là điều làm tôi chua xót nhất. Nỗi đau này không chỉ của riêng tôi, mà còn là nỗi đau của biết bao cán bộ chân chính nhưng đã bị bôi đen bởi một số không nhỏ đang làm giàu trên mồ hôi nuớc mắt của nhân dân. Sức dân chỉ thực sự huy động được khi lòng dân an ổn. Làm mất niềm tin của dân là tổn thất vô cùng lớn.

.

- Ông đã học được gì của người xưa, để vượt qua mọi bão tố cuộc đời?

.

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ cha tôi đều là nông dân làm thuê cuốc mướn. Ba mẹ cơ cực mò cua mót lúa nuôi tôi ăn học nên người. Khi mình có tiền mua được cho mẹ bộ đồ đẹp thì bà đã mất. Điều tôi học được lớn nhất từ mẹ là làm sao biết sống đùm bọc lẫn nhau, như hàng xóm đã từng đùm bọc gia đình tôi. Cái nghĩa trong tôi lớn lắm. Nhìn mấy cụ già lọm cọm là tôi lại nhớ mẹ vô cùng, tự hứa với lòng phải sống sao cho thật tốt, nếu không làm lợi cho ai đó thì đừng nên làm hại ai đó. Con người ai cũng cần niềm tin. Niềm tin chính đạo giúp người ta sống thiện hơn. Ở Hội An, giữa phố có chùa Cầu, chùa là đạo, cầu là đời, đạo và đời không có khoảng cách. Khi bánh xe công nghiệp đang nghiến nát nhiều giá trị sống đích thực, tôi tin đời cha ăn mặn chưa xong đã khát nước rồi, chẳng cần đợi đến đời con. Biết thế để sống đàng hoàng, lương thiện hơn. Phật tự tâm, ma cũng tự tâm. Quyền lực trong tay mình, trị dễ lắm, tha mới khó. Phải tìm trong cái lỗi của người ta có cái lý mà tha. Tôi luôn tập điều đó. Mỗi người có một sứ mệnh riêng, số mệnh của tôi gắn với Hội An. Và tôi tin tương lai Hội An sẽ là nơi hội nhân, hội thương, hội tụ văn hoá, hội tụ sự an bình.

.

Thực hiệnKim Yến

7 nhận xét:

  1. Chả biết các bố quan chức có thời gian mà đọc bài này không!?

    Trả lờiXóa
  2. Trăm ngàn thằng có nhõn mỗi ông này!

    Trả lờiXóa
  3. Thế mà Xe cứ tưởng : Đã làm quan là phải thủ đoạn.

    Trả lờiXóa
  4. Có một ông Sự như thế mới có Hội An mà Kichbu đã yêu..:)

    Trả lờiXóa
  5. BÌNH VƯƠN ĐẠI CÁO

    Từng nghe:

    Làm chính phủ trước phải đe dân

    Ai phản kháng phải trừ cho bạo.

    Như nước Đại Vệ ta từ trước

    Vốn xây nền cộng sản từ lâu

    Chức tước, ngôi bậc đã phong

    Lợi lộc, quyền uy mặc tình chia chác

    Từ bao năm trước, mượn sức dân xây nền độc lập

    Trải bao năm sau, độc tài hùng cứ một phương

    Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

    Đàn áp dân thời nào cũng có.



    Cho nên:

    Văn Vươn chí thú làm ăn nên thất bại

    Cường hào ác bá cướp đất làm ngang lại nên công

    Huyện Tiên Lãng bắt sống Văn Vươn

    Xã Vinh Quang đánh người cô phụ

    Việc nay xem xét

    Chứng cứ còn ghi.



    Mới đây:

    Anh em họ Đoàn, ngăn biển lấp đất

    Mồ hôi chan mặt, máu đổ xuống đầm

    Trải mười mấy năm đội đá vá trời

    Nơi Cống Rộc mới tạo thành cơ nghiệp

    Người người ngợi khen, báo chí ca tụng

    “Kỳ tài đất Tiên Lãng” đã thành danh



    Than ôi!

    Cũng do thấy tiền tài hoa mắt

    Bởi nghe điều lợi lộc ù tai

    Bọn cường hào ác bá phủ huyện bàn nhau

    Đem điều lợi nhử quan đầu tỉnh



    Bởi thế:

    Đại ca Ca huy động công an, bộ đội

    Trang bị tận răng, hơn trăm quân số

    Thủy bộ hai đường, “trực diện, nghi binh“

    “Hợp đồng tác chiến cực kỳ hay”

    Tài cả mưu sâu, “có thể viết thành sách“

    Cao kế ấy, Gia Cát Lượng phải chào thua

    Binh lược này, tướng Churchill đành bái phục

    Thế trận xuất kỳ, lấy mạnh chống yếu

    Dùng quân mai phục, lấy thịt đè người.



    Ngờ đâu:

    Tức nước vỡ bờ, già néo đứt dây

    Bom tự tạo nổ tung, khiếp hồn quân hung bạo

    Đạn hoa cải bay vèo, bạt vía lũ cường quyền

    Mất hồn hết vía, kéo nhau lui

    Động phách kinh tâm, tìm chỗ nấp

    Thấy đã yên yên, tràn quân tới

    Kéo ập vào nhà , chỗ bỏ không.

    Giận đã cành hông, mất mày mất mặt

    Bắt chó, đuổi gà, phá nhà thành bình địa mới đã nư

    Vợ dại, con thơ chúng cũng chẳng từ

    Bụng mang dạ chửa, dùi cui thúc vào bụng

    Lợi dụng câu “vợ chồng nghĩa trọng”, “chị em tình thâm”

    Ép Văn Quý, Văn Vươn, Phạm Thái ra đầu thú



    Thương ôi:

    Trong một phút đất bằng dậy sóng

    Cửa nhà cơ nghiệp bỗng tiêu tan

    Gia đình, vợ con xẻ nghé tan đàn

    Nỗi oan ấy vì ai mà nên nỗi?

    Dân chúng gần xa ai tường nông nỗi

    Cũng thở dài đấm ngực mà than:

    Thượng bất chánh, hạ tắc loạn mới lắm dân oan

    Chính sách bậy, lãnh đạo sai mới sinh phản kháng

    Một đồn mười, mười đồn trăm, dư luận râm ran

    Báo đài dù nhiều, ra rả một giọng cũng khó lòng ém nhẹm.



    Thế nên:

    Tể tướng ngự ngôi cao mà làm thinh hoài cũng ngượng

    Đóng cửa họp bàn một tháng sắc chỉ mới ban ra

    Truyền cho bay, lũ phủ huyện quan nha

    Truy trách nhiệm, điều tra, trình ta rõ.



    Đến một hôm:

    Cờ mở, trống dục, uy nghi tể tướng đăng đường nghị án

    Phóng viên, báo chí, lăng xăng tốc ký ghi âm lời vàng ban.



    Xét rằng:

    Lệnh giao đất là sai, lệnh lấy đất càng sai

    Lệnh cưỡng chế cũng sai tuốt luốt



    Nhưng thương vì:

    Các quan nha vì Đảng tận trung

    Lo lót nhiều lại “nhân thân tốt”

    Đã chấp nhận điều tra, thành tâm tự kiểm

    Tạm đình chỉ công tác mười lăm hôm gọi là cảnh cáo

    Đợi chuyện êm êm, một hai tháng để dư luận nguôi nguôi

    Ai về ghế nấy, “Vũ Như Cẩn” vẫn giữ tên

    Quyền chức phục hồi, “Nguyễn Y Vân” không đổi họ.



    Còn về:

    Văn Vươn cùng đồng bọn

    Tội âm mưu chống người thi hành công vụ đã quá rõ ràng

    Tội cố ý giết người, đả thương sai nha khó lòng chối cãi

    Khẩn trương xét xử, tức khắc thi hành

    Xử một răn trăm, để dân oan từ nay hết hòng nhúc nhích!



    Thế mới biết:

    Tể tướng trí sâu tợ biển

    Công chính chẳng khác Bao Công

    Tôi tớ theo hầu, mặc lòng làm bậy đều được che chở

    Lừng danh chưa từng trị tội, nhân ái như thể cha hiền.

    Còn lũ dân oan, trí thức phản biện

    Cứ trông gương Hà Vũ, họ Đoàn đấy mà lo.



    Hoan hô!

    Một vở tuồng hạ màn quá đã!

    Công đức này oanh liệt ngàn năm

    Bốn phương biển cả thanh bình

    Ban chiếu ra oai khắp chốn

    Xa gần bá cáo

    Ai nấy đều hay

    .

    TRE XANH

    Nguồn: http://nguyentuongthuy.wordpress.com/2012/02/15/binh-v%C6%B0%C6%A1n-d%E1%BA%A1i-cao/#comment-1787

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter