Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Những lý lẽ biện hộ vụng về


TS Nguyễn Lan Anh

Kichbu theo qdnd.vn

QĐND - Nhà xuất bản Vũ Hán đã xuất bản bản đồ Trung Quốc khổ dọc. Nằm ở trung tâm bản đồ này là "đường lưỡi bò" bao trọn phần lớn Biển Đông và được gia tăng số đoạn từ 9 lên 10.

Để biện minh cho bản đồ mới này, Wang Junming, giáo sư về luật quốc tế và hàng hải tại Trường Đảng của Trung Quốc đã đưa ra những lập luận thiếu lô-gích, đi ngược lại các quy định của luật quốc tế trong đó có Luật Biển quốc tế hiện hành, để bảo vệ cho cái gọi là “quyền chủ quyền và quyền đánh cá truyền thống” của Trung Quốc tại Biển Đông.

Trong lập luận đầu tiên, giáo sư Wang cho rằng, Trung Quốc có quyền nhóm toàn bộ các thực thể tại Hoàng Sa của Việt Nam lại để vẽ đường cơ sở thẳng cho cả quần đảo, và từ đường cơ sở phi lý này, Trung Quốc có quyền yêu sách các vùng biển cho Hoàng Sa. Lập luận của ông Wang có nhiều điểm thiếu cơ sở pháp lý. Thứ nhất, Việt Nam có đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa. Vào năm 1956, Trung Quốc đã lợi dụng bối cảnh Pháp rút khỏi Đông Dương để chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Vào năm 1974, Trung Quốc một lần nữa sử dụng vũ lực để chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và duy trì sự chiếm đóng bất hợp pháp từ đó cho tới nay. Thứ hai, nếu không tính đến vấn đề chủ quyền, đường cơ sở hiện nay Trung Quốc áp dụng tại Hoàng Sa cũng không phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế. Theo quy định của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982), chỉ các quốc gia quần đảo, tức là các quốc gia có lãnh thổ tạo thành chỉ bởi quần đảo, mới có quyền xác định đường cơ sở quần đảo từ việc nối các thực thể nhô ra xa nhất của các quần đảo.

Cả Trung Quốc và Việt Nam đều là các quốc gia lục địa, vì vậy, không thể áp dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo đối với Hoàng Sa. Trung Quốc trên thực tế đang áp dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo tại Hoàng Sa nhưng giáo sư Wang đã cố tình hay vô ý tạo ra sự “nhầm lẫn” về khái niệm khi lập luận về đường cơ sở thẳng để biện minh cho việc áp dụng đường cơ sở phi pháp của Trung Quốc tại Hoàng Sa.

Là một quốc gia thành viên của UNCLOS 1982, Trung Quốc cần tuân thủ triệt để các nghĩa vụ điều ước của mình và không thể dẫn chiếu các quy định của nội luật (từ Luật về vùng Lãnh hải và Tiếp giáp lãnh hải của Trung Quốc năm 1992) hay tài liệu mà nước này sử dụng để trình bày ý kiến của mình trước Ủy ban Đáy đại dương của Liên hợp quốc từ năm 1973 (trong khi quan điểm này đã bị phản đối tại Hội nghị Luật Biển lần thứ ba của Liên hợp quốc) để biện minh cho việc vi phạm các quy định của UNCLOS 1982. Do đường cơ sở của Hoàng Sa do Trung Quốc vạch ra trái với các quy định của UNCLOS 1982, các vùng biển mà Trung Quốc xác định từ đường cơ sở phi pháp này cũng không có cơ sở pháp lý.

Lập luận thứ hai, giáo sư Wang một lần nữa áp dụng tùy tiện quy định về quyền đánh cá truyền thống, quy định mà UNCLOS 1982 chỉ áp dụng rất hạn chế cho vùng nước quần đảo, nhằm đòi hỏi quyền đánh cá truyền thống cho Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển trên Biển Đông. Đây là sự lạm dụng các quy định pháp luật vì UNCLOS 1982 không hề thừa nhận quyền đánh cá truyền thống cho một quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác.

Quyền đánh cá truyền thống theo quy định của UNCLOS 1982 chỉ áp dụng đối với quốc gia quần đảo. Khi trao cho các quốc gia quần đảo một quy chế đặc biệt với quyền xác định đường cơ sở quần đảo và chủ quyền đối với vùng nước quần đảo nằm bên trong đường cơ sở đó, Công ước đồng thời áp đặt nghĩa vụ cho các quốc gia quần đảo phải tôn trọng quyền đánh cá truyền thống hoặc các quyền hợp pháp khác của các quốc gia láng giềng trong vùng nước quần đảo nếu các quyền này đã tồn tại dựa trên các thỏa thuận từ trước khi Công ước có hiệu lực.

Như vậy, nếu Trung Quốc cho rằng mình có quyền đánh cá truyền thống, theo quy định của UNCLOS 1982, Trung Quốc chỉ có thể yêu sách quyền này trong vùng nước quần đảo của hai quốc gia quần đảo “láng giềng” là Phi-líp-pin và cùng lắm là In-đô-nê-xi-a. Trung Quốc không thể tùy tiện yêu sách quyền đánh cá truyền thống tại bất kỳ vùng biển nào tại Biển Đông nếu vùng biển đó thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển, bởi vì đơn giản là theo UNCLOS 1982, quyền đánh cá truyền thống không tồn tại trong vùng đặc quyền kinh tế.

Trong vụ việc Vịnh Main, khi Mỹ yêu sách quyền đánh cá truyền thống trong vùng đặc quyền kinh tế của Ca-na-đa, Tòa Công lý quốc tế đã phán quyết rằng “bất kể sự ưu tiên nào mà Mỹ có thể được hưởng trước đó không thể tạo ra cơ sở hợp pháp cho Mỹ yêu sách các vùng biển mà theo quy định của pháp luật đã trở thành một phần của vùng đặc quyền kinh tế của Ca-na-đa”.

Cũng cần phải nói thêm rằng, mặc dù UNCLOS 1982 công nhận quyền đánh cá truyền thống với một điều kiện hạn chế và phạm vi áp dụng cụ thể là vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo, Công ước không công nhận “quyền truyền thống” này với bất kỳ tài nguyên nào khác. Trung Quốc đang nỗ lực để đưa ra yêu sách phi pháp về quyền đánh cá trên toàn bộ Biển Đông và mở rộng cả sang quyền đối với các tài nguyên khác như dầu mỏ và khí đốt tại đáy biển là sự vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Biển quốc tế.

Cố tình áp dụng những khái niệm và quy định không có liên quan của UNCLOS 1982 cũng không thể tạo ra cơ sở pháp lý để biện minh cho "đường lưỡi bò". Việc xuất bản bản đồ mới trong đó thể hiện "đường lưỡi bò" ở vị trí trung tâm với ký hiệu như biên giới quốc gia và đưa ra những lý lẽ biện hộ một cách vụng về chỉ càng làm cho thế giới nhận rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng mọi giá nhằm hiện thực hóa Chiến lược trở thành cường quốc biển vào thế kỷ thứ 21 của Trung Quốc. Động thái mới này cũng cho thấy, Trung Quốc đã sẵn sàng bất chấp và xuyên tạc luật pháp quốc tế để hiện thực hóa giấc mộng của mình.

Xem thêm:


------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter