"Tư duy định hình đất nước hiên ngang hay khom lưng"
Trong lịch sử, tư duy "quyết chiến" để bảo vệ tổ quốc đã giúp Việt Nam không phải khom lưng quỳ gối trước kẻ thù thì ngày nay, chỉ có tư duy "quyết phát triển": phát triển để ổn định, phát triển để sánh vai các cường quốc năm châu mới có thể đưa Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn, tụt hậu và "bẫy thu nhập trung bình".
LTS: Nhân loạt bài Định vị Việt Nam trong thế giới của Nguyễn Trung và diễn đàn Chat với Việt Long: Dựng chân dung dân tộc Việt trong thập kỷ mới, TS Giáp Văn Dương (ĐH Liverpool, Anh) gửi tới Tuần Việt Nam bài viết chia sẻ góc nhìn riêng: Tư duy định hình và định vị một đất nước trên trường quốc tế. Muốn Việt Nam có một diện mạo mới, thế đứng và vị trí mới trong thập kỉ mới - thập kỉ bản lề này, thì trước hết là tư duy của lãnh đạo và sau đó là tư duy của người dân Việt Nam cần phải thay đổi.
Mời độc giả cùng tranh luận.
Dựng chân dung Việt Nam mới bằng đức tin và hành động
Người ta thường tìm cách định hình đất nước bằng một hình ảnh cụ thể thông qua hình dạng biên giới của nước đó. Ví dụ, Việt Nam hình chữ S, nước Ý hình chiếc ủng, nước Anh hình con thỏ. Nhưng ít ai để ý rằng, cái thực sự định hình một đất nước chính là tư duy của đất nước đó.
Người ta cũng thường định vị một đất nước bằng tọa độ địa lý của nước đó. Nhưng cũng ít ai để ý, trên trường quốc tế, cái định vị một đất nước cũng chính là tư duy của đất nước đó.
Còn nhớ hơn 700 năm trước, khi sơn hà nguy biến trước họa xâm lăng của quân Nguyên Mông đế từ phương Bắc, tư duy quyết chiến để bảo vệ đất nước của tiền nhân - hội tụ trong tinh thần Hội nghị Diên Hồng - và lãnh đạo đất nước - kết tinh trong câu nói nổi tiếng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: "Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước" đã giúp cho nước Việt ta tránh họa giày xéo bởi vó ngựa Nguyên Mông. Không những đất đai của tổ tông được bảo toàn, mà nòi giống cũng không bị đồng hóa.
Thế mới biết, một đất nước có hình dáng hiên ngang hay khom lưng quỳ gối là do chính tư duy của đất nước đó quyết định.
Lịch sử vệ quốc đã chứng kiến nhiều lần Việt Nam phải đương đầu với những kẻ thù to lớn và mạnh hơn mình gấp bội. Nhưng kết cục, chính họ mới là kẻ thất bại trước tư duy "quyết chiến", "thà chết chứ không chịu làm nô lệ" của người Việt.
Thế mới biết, một đất nước mạnh hay yếu cũng do tư duy của đất nước đó quyết định.
Trên thế giới, có những nước được ưu đãi tài nguyên phong phú, khí hậu ấm áp, nhưng vẫn sa vào cảnh đói kém, lạc hậu, nội chiến triền miên, đẩy đất nước đến bờ suy vong. Nguyên nhân chính cũng là do tư duy vơ vét, xâu xé lẫn nhau của chính người dân và những người tự xưng là lãnh đạo.
Lại có những nước tuy đã độc lập, nhưng dân chúng phải làm thuê ngay trên đất nước của mình, hoặc coi việc lang thang làm thuê kiếm sống xứ người là một điều vinh hạnh. Không ai khác, chính tư duy làm thuê đã biến họ thành những kẻ làm thuê.
Thế mới biết, vị trí của một đất nước trong cuộc đua tranh phát triển và trên trường quốc tế do chính tư duy của đất nước đó quyết định.
Một đất nước hiên ngang khi có một tư duy hiên ngang khí khái dẫn dắt. Một đất nước mạnh mẽ khi có một tư duy mạnh mẽ, sáng tạo dẫn dắt. Muốn thế, tư duy của đất nước về bản thân mình, về con đường phát triển, về thế giới bên ngoài phải được bồi đắp và đổi mới không ngừng.
Tư duy dẫn dắt đôi chân, thúc đẩy đôi chân bước tới tương lai. Những cũng chính tư duy kéo ta lùi về quá khứ, ngủ quên trong quá khứ, dù là quá khứ huy hoàng.
Tư duy mới sẽ mở ra những con đường mới. Tư duy lớn sẽ mở ra những con đường lớn - những đại lộ cho đất nước tiến lên.
Nói cách khác, phải có một hạ tầng tưu duy vững chắc làm nền tảng nâng đỡ và dẫn dắt phát triển. Tư duy của mọi cá nhân, nhất là của tầng lớp trí thức, chuyên gia, phải được giải phóng triệt để, tạo nền cho công cuộc phát triển của đất nước.
Bước sang một thập kỉ mới, Việt Nam đang có trong tay thế và lực mới, mạnh mẽ hơn so với những gì đã có trong quá khứ. Nhưng Việt Nam cũng phải đương đầu với những thách thức mới cả từ bên trong lẫn bên ngoài, mà nhiều trong số đó có thể dẫn đến sự an nguy của đất nước. Bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể chỉ ra hai trong số các nguy cơ đó: nội xâm - tham nhũng và ngoại xâm - tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Việt Nam cũng đang tiến dần thành nước có thu nhập trung bình, đây là điều đáng khích lệ. Nhưng Việt Nam có thoát được cái "bẫy thu nhập trung bình" để trở thành một nước phát triển, dân chủ, công bằng, văn minh hay không là do chính tư duy của người dân và lãnh đạo Việt Nam quyết định.
Trong lịch sử, tư duy "quyết chiến" để bảo vệ tổ quốc đã giúp Việt Nam không phải khom lưng quỳ gối trước kẻ thù thì ngày nay, chỉ có tư duy "quyết phát triển": phát triển để ổn định, phát triển để sánh vai các cường quốc năm châu mới có thể đưa Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn, tụt hậu và "bẫy thu nhập trung bình".
Sang thập kỉ mới, thập kỉ có tầm quan trọng sống còn trong việc quyết định Việt Nam có vượt qua được "bẫy phát triển" hay không, xã hội có giữ được sự bền vững thực sự hay không, độc lập chủ quyền có được bảo toàn hay không, phụ thuộc chủ yếu vào việc tư duy quản lý và điều hành đất nước có được thay đổi một cách thích hợp hay không.
Muốn Việt Nam có một diện mạo mới, thế đứng và vị trí mới trong thập kỉ mới - thập kỉ bản lề này, thì trước hết là tư duy của lãnh đạo và sau đó là tư duy của người dân Việt Nam cần phải thay đổi.
Vì một lẽ đơn giản: tư duy định hình và định vị đất nước.
Nguồn:http://www.tuanvietnam.net/2010-01-04-tu-duy-dinh-hinh-dat-nuoc-hien-ngang-hay-khom-lung-
Đọc thêm:
> Việt Nam: Một Năm nhìn lại-KINH TẾ
> Việt Nam: Một năm nhìn lại-CHÍNH TRỊ
> Việt Nam: Một năm nhìn lại-XÃ HỘI
TRUNG QUỐC VÀ PHẢN QUỐC
Trả lờiXóahttp://dongathi.multiply.com/journal/item/994/994
... trước hết là tư duy của lãnh đạo và sau đó là tư duy của người dân Việt Nam cần phải thay đổi.
Trả lờiXóaVì một lẽ đơn giản: tư duy định hình và định vị đất nước.
Thay đổi thế nào mới là quan trọng, kẻo từ cực này sang cực kia thì loạn.
Trả lờiXóa