Xây chế độ chính trị đồng nghĩa với Tổ quốc
LTS: Trong phần trước, Nguyễn Trung bàn về những khuyết tật của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, dẫn tới nguy cơ Việt Nam trở thành đất nước làm thuê và cho thuê. Từ đó, ông kết luận: Chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu là mệnh lệnh sống còn bởi vì mọi yếu tố cho phát triển theo chiều rộng đã tới giới hạn chịu đựng cuối cùng.
Ở phần này, Nguyễn Trung đưa ra những khuyến nghị về chuyển đổi mô hình phát triển theo chiều sâu. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, trong đó có những vấn đề cần được tranh luận, làm sáng tỏ thêm. Mời độc giả cùng tranh luận.
Phần trước:Định vị Việt Nam trong thế giới của thập kỉ mới
Việt Nam nên đóng vai trò nào trong thế giới mới?
"Lời nguyền tài nguyên" và nguy cơ của một nước làm thuê
Không phải là con người công cụ!
Với tất cả những yếu tố đã phân tích trong phần trước, việc chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu là đòi hỏi tất yếu. Việc chuyển giai đoạn phát triển một cách có ý thức như vậy là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và gian khổ. Hơn lúc nào hết phải huy động trí tuệ cả nước, kinh nghiệm của thế giới, sự quyết tâm một lòng một dạ của toàn dân, và sự tận tụy, trung thành tuyệt đối của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đối với lợi ích quốc gia để có thể thực hiện thành công nhiệm vụ sinh tử này với cái giá phải trả thấp nhất.
Dưới đây chỉ nêu lên một vài gợi ý ban đầu và rất sơ lược.
Một là, nói chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu, trước hết là nói đến phát triển chủ yếu dựa trên cơ sở phát huy lợi thế và nguồn lực lớn nhất của đất nước là con người, là phát triển rất chú trọng đến chất lượng.
Đặt vấn đề như vậy, có nghĩa là thay đổi căn bản quan điểm hiện có về chiến lược phát triển.
Con người được nói tới ở đây vừa là chủ của chính bản thân mình, là chủ của đất nước, vừa chính mình trực tiếp là lực lượng sản xuất quyết định nhất. Câu hỏi đặt ra ngay tức khắc là thể chế luật pháp nào, hệ thống giáo dục nào, khung khổ xã hội nào, và những chính sách phát triển kinh tế - chính trị - xã hội nào cần phải có để có thể tạo ra được và tiếp tục phát triển được con người như thế.
Bao trùm lên tất cả là phải duy dưỡng và xây dựng những giá trị nào làm nền tảng đạo đức, tinh thần và tâm hồn của con người với tính cách như thế - con người của hành động theo tư duy của tự do và sáng tạo, chứ không phải là con người công cụ.
Câu trả lời nếu tìm được, trước hết sẽ có nghĩa phải sẵn sàng và chấp nhận triệt để nhiều thay đổi căn bản trong thể chế chính trị và trong hệ thống quản lý đất nước, cũng như trong tìm tòi và thiết kế các chính sách phát triển đất nước.
Câu trả lời nếu tìm được, thì những công việc phải làm do nó đề ra không thể là những công việc một sớm một chiều, mà phải là một quá trình cải cách và phát triển liên tục, lâu dài, có các bước trước - sau và đồng bộ.
Cho đến nay, có không ít các nghị quyết của Đảng nói về phát triển con người, đề ra được rất nhiều vấn đề quan trọng không thể thiếu được, song hình như vẫn chưa đụng tới được cái gốc: con người vừa là chủ bản thân và là chủ của đất nước, vừa là lực lượng sản xuất quyết định nhất, là con người hành động theo tư duy của tự do và sáng tạo, không phải là con người công cụ.
Phải chăng chính vì lẽ này các nghị quyết như thế không thực thi được bao nhiêu?
Nói bao nhiêu cũng không xuể về chủ đề con người này, song nhất thiết cần nhấn mạnh chế độ chính trị của đất nước phải như thế nào để người dân gắn kết sống chết với nó bằng tất cả nhiệt huyết yêu nước của mình.
Xây dựng một chế độ chính trị đồng nghĩa với tổ quốc là điều nhất thiết phải hướng tới. Không có điều kiện này, ước mơ sẽ trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại đủ sức ganh đua với thiên hạ mãi mãi sẽ chỉ là ước mơ.
Khoa học và chân lý phải có tiếng nói quyết định
Đặt vấn đề như nêu trên là khởi điểm và đồng thời cũng là nền tảng để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ của thời đại ngày nay trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Quan điểm này không mới, chiếm vị trí quan trọng trong rất nhiều nghị quyết và chính sách của Đảng và Nhà nước. Suốt 25 năm qua công sức và ngân sách bỏ ra cho mục tiêu này không ít. Song kết quả cuối là chỉ đạt được hàm lượng khoa học và công nghệ thấp trong sản phẩm làm ra, trong chất lượng các chủ trương chính sách, trong luật pháp, trong quy hoạch phát triển, trong các quyết định chiến lược, quyết sách.., cũng như trong bộ máy làm việc của toàn bộ hệ thống chính trị nói chung và của hệ thống nhà nước nói riêng...
Kết quả cuối cùng còn là sự lãng phí rất to lớn về tiền của, công sức và thời gian. Tham nhũng trong đầu tư cho khoa học và công nghệ không thể nói là nhỏ, càng không nhỏ đối với một nước nghèo như nước ta.
Nhiều phê bình trong nước và từ nước ngoài nói khâu "R&D" ("nghiên cứu & triển khai) của nước ta rất kém. Nhận xét này đúng nhưng không đầy đủ, bởi vì nhận xét này không nói lên được nguyên nhân chính của tình trạng này là chưa có con người và thể chế phải có; thậm chí nhận xét này còn bị hiểu thiên lệch là ta làm "R&D" chưa giỏi và vì ta nghèo!
Tình trạng "hàm lượng thấp" như vừa nêu trên còn do một nguyên nhân chính trị rất quan trọng: ý chí chính trị chứ không phải khoa học và chân lý có tiếng nói quyết định.
Cải cách giáo dục và đào tạo cần bắt đầu từ chỗ không nói dối
Chuyển sang giai đoạn phát triển mới nhất thiết phải cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo.
Đòi hỏi phải cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo hầu như được sự nhất trí rộng rãi trong cả nước. Vấn đề còn đang tranh cãi là cải cách theo hướng nào, tiêu chí nào. Đề nghị trực tiếp tham khảo ý kiến các bên hữu quan để có sự đánh giá riêng của mỗi người và cùng nhau tranh luận cho sự lựa chọn phương án tối ưu nhất cho đất nước.
Phương án cải cách định lựa chọn nhất thiết phải tuân thủ mục tiêu đào tạo, hình thành và phát huy con người hành động theo tư duy của tự do và sáng tạo, không phải là con người công cụ.
Sự nghiệp cải cách này cũng phải tiến hành từng bước và liên tục với một kế hoạch được thiết kế sao cho có thể vừa đáp ứng ngay những đòi hỏi bức xúc của phát triển và vừa phục vụ cho sự phát triển lâu dài và bền vững của đất nước. Cải cách như thế sẽ là sự nghiệp của cả thập kỷ 2020 và sau nữa, phải rất triệt để, nhưng cũng không thể nóng vội được.
Chỉ xin lưu ý, nhiệm vụ này là của cả nước chứ không thể chỉ là của riêng ngành giáo dục và đào tạo, bởi vì tính chất cải cách giáo dục và đào tạo bao gồm và liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực khác của toàn bộ đời sống đất nước. Nói một ví dụ đơn giản là không thể tiến hành cải cách này trong tình hình còn đầy rãy những hiện tượng bằng thật không ăn nhằm gì và có quá nhiều trường hợp là bị thải loại và thua bằng giả.
Thực tế tại các quốc gia cũng cho thấy không thể tiến hành cải cách này một cách đích thực nếu thể chế chính trị và xã hội của quốc gia ấy chịu khuất phục những giá trị ngược lại với những mục tiêu một nền giáo dục và đào tạo tiên tiến phải theo đuổi.
Điều xin đặc biệt nhấn mạnh là cải cách giáo dục và đào tạo thành công trong thập kỷ 2020, sẽ quyết định tương lai của đất nước trong thế kỷ 21, chứ không phải sự nghiệp công nghiệp hóa như đang làm. Thậm chí có thể nói sự nghiệp cải cách giáo dục và đào tạo cần bắt đầu từ chỗ không nói dối!
Đổi mục tiêu và cơ cấu kinh tế
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đây là một quá trình đau đớn, gian khổ, nhưng tất yếu phải làm.
Những vấn đề nêu trong các điểm bên trên đã nêu ra được một số nguyên nhân, nhưng chắc chắn chưa đủ. Cần nghiên cứu công phu để tìm ra giải pháp.
Trước mắt nên bỏ cách tư duy "kinh tế GDP" tỉnh, tạm thời đặt sang một bên vấn đề tỷ trọng các khu vực kinh tế trong phạm vi tỉnh để đánh giá tỉnh đó tiến bộ hay thụt lùi, mà nên đo lường bằng kết quả thu nhập của người dân, chất lượng cuộc sống của họ, khả năng cạnh tranh đích thực của các sản phẩm của tỉnh, kết quả cạnh tranh đạt được, chuyển đổi cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung vào các sản phẩm tỉnh có lợi thế nhất, chuẩn bị cho những sản phẩm mới tỉnh có lợi thế lớn; ở cấp quốc gia cũng phải làm như vậy.
Quan điểm và khái niệm về công nghiệp hóa như đang có cũng phải xem lại, trong đó nông nghiệp cần được hiểu và phải hướng tới là một nền nông nghiệp của tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại - đặc biệt là công nghệ sinh học và bảo tồn sinh thái; một nền nông nghiệp như thế phải chiếm một vai trò quan trọng (chứ không phải các tỷ lệ số học) trong chiến lược công nghiệp hóa như đã được xới lên ở trên.
Hoàn thiện thị trường để tăng chất lượng các tín hiệu thu được cần thiết cho các quyết sách; đồng thời cần tạo ra những hậu thuẫn (chứ không phải bao cấp) có thể cung cấp từ phía nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp cho việc làm ra một sản phẩm mới cũng như cho việc thải loại một sản phẩm dứt khoát phải chia tay, nhất là những hậu thuẫn cho việc thu hẹp kinh tế thượng nguồn.
Hàm lượng công nghệ được đưa vào, khả năng hướng tới nền kinh tế carbon thấp, khả năng cạnh tranh, khả năng chiếm lĩnh các thị trường "ngách", khả năng chiếm lĩnh chỗ đứng trong các chuỗi cung - ứng trên thị trường thế giới, khả năng hướng tới kinh tế trí thức... đó là các tiêu chí và cơ sở cho việc đề ra các chính sách và biện pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tất cả cần luôn luôn chú ý đến cái lợi và bất lợi của nước đi sau (khai thác lợi thế nước đi sau), tất cả luôn luôn nhằm vào cái đích dần dần tạo ra một nền kinh tế chủ yếu dựa vào phát huy lợi thế và nguồn lực lớn nhất của đất nước là con người.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải ưu tiên nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm chiếm lĩnh và mở rộng thị trường nội địa còn rất rộng lớn của nước ta cho sản phẩm của ta, đảo ngược hẳn tình hình thị trường nội địa nước ta hiện đang bị sản phẩm nước ngoài nắm giữ phần lớn. Đòi hỏi này hoàn toàn không có gì liên quan đến tư duy "tự cung tự cấp" hoặc "thay thế nhập khẩu", bởi lẽ nước ta đã hội nhập kinh tế thế giới và thị trường nước ta là thị trường mở.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải đặc biệt chú ý tạo ra khả năng mở rộng thị phần và chiếm thêm các "thị trường ngách" của các nước trên thế giới trong tình hình các nước đều phải tiến hành điều chỉnh kinh tế của họ theo hướng phải quan tâm nhiều hơn nữa đến thị trường nội địa của họ. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của nước ta hiện nay vẫn đang có nhiều lợi thế lớn, song phải nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng và dịch vụ mới có thể phát huy được trong tình hình mới.
Thậm chí nếu cần thiết, tạm thời chấp nhận chỉ số tăng trưởng có thể thấp trong một số năm nhất định, nếu quá trình chuyển dịch cơ cấu đem lại chất lượng tăng trưởng tốt hơn và mở đường cho sự phát triển năng động hơn tiếp theo.
Có lẽ không nên bám lấy mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020 với bất cứ giá nào, vì điều này vừa không hiện thực, vừa trở nên không quan trọng nữa, thậm chí nếu năm 2020 trở thành cường quốc xi-măng và thép thì rất nguy hiểm. Mục tiêu chiến lược nên chọn là vào năm 2020 sẽ hoàn thành việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ta theo nội dung đã trình bầy trên, để kinh tế nước ta từ 2020 sẽ bước hẳn vào thời kỳ phát triển theo chiều sâu.
Ngay khi cả nước đã thống nhất được ý chí, có quyết tâm lớn, hoạch định được các bước đi cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tinh thần như vậy, công việc phải làm cho 10 năm tới rất nhiều và diễn ra trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước, sẽ đầy khó khăn gian khổ, không có trí tuệ và nỗ lực cao nhất sẽ không hoàn thành nổi! Chắc chắn sẽ có những vấp ngã mới - nhưng đấy sẽ là những vấp ngã trên đường đi lên.
Nếu từ nay đến năm 2020 mà thực hiện được mục tiêu chuyển dịch này, thì cần phải coi đó là một thành tựu kì diệu có tính bước ngoặt như đổi mới năm 1986 - vì nó mở ra cho đất nước một giai đoạn phát triển mới.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới như thế rõ ràng là một quá trình chuyển dịch tổng thể kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước để đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn.
---
Trọng trách trên vai Đảng
Nhìn lại, yếu tố nổi bật nhất của 25 năm đổi mới là dân chủ. Có thể nói thừa nhận đổi mới là kết quả của thừa nhận dân chủ; rồi đến thành tựu đạt được của đổi mới trước hết là nhờ dân chủ: trí tuệ và nguồn lực được cởi trói, được phát huy - từ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường.
Cũng là một sự thật, thành tựu bậc nhất ấy của đổi mới còn bị xem là một nguy cơ của diễn biến hòa bình, vì thế 25 năm qua có không ít khó khăn, đôi khi bị kìm hãm. Đi vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, phải thẳn thắn đối mặt với sự thật này.
Tập đoàn kinh tế nhà nước yếu kém, nền "kinh tế GDP tỉnh" và "tư tưởng nhiệm kỳ" - đấy là 3 nhân tố quyện lại với nhau lũng đoạn nghiêm trọng nhất kinh tế đất nước, hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước. Đồng thời 3 yếu tố này và tác động cộng hưởng của chúng cũng là những tác nhân trực tiếp băng hoại nhiều nhất những giá trị cần gìn giữ, là mảnh đất mầu mỡ của mọi tha hóa. Giai đoạn phát triển mới của đất nước đòi hỏi phải khắc phục được những yếu kém này.
Đất nước bước vào thập kỷ 2011 - 2020 với Đại hội XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đảng cầm quyền và lãnh đạo đất nước. Tình hình, nhiệm vụ, thách thức đất nước sẽ đối mặt trong thập kỷ 20 này chắc chắn sẽ đặt lên vai Đảng trọng trách rất lớn và sự thử thách quyết liệt.
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2009-12-27-xay-che-do-chinh-tri-dong-nghia-voi-to-quoc-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét