Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

Thông điệp mở đầu năm hữu nghị Việt - Trung: Những gáo nước lạnh ngổ ngáo!

Thông điệp mở đầu năm hữu nghị Việt-Trung:

Những gáo nước lạnh ngổ ngáo!


Hồng Lê Thọ

Đọc thêm:

- "Ẩn ý" sau "3 thông điệp" của đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường

-  Đại sứ Trung Quốc và cách ứng xử "xút phát từ đại cục"

Như lãnh đạo hai nước Việt-Trung xác định, năm 2010 sẽ là năm có nhiều kỉ niệm ngày lễ lớn trong quan hệ giữa hai nước, vì thế, có thể nói 2010 là năm đánh dấu bước phát triển trên tầm cao chiến lược của quan hệ Việt-Trung. Nhưng vào cuối tháng 11/2009 bản tin của Tân Hoa Xã cho biết TQ đã cử tàu Ngư Chính 311 và Ngư Chính 303  đến vùng “Tây Sa và Nam Sa”. Bản tin này cũng nói rằng Trung Quốc có nhu cầu tuần tra vì “có hiện tượng nước ngoài lợi dụng việc tránh bão để vi phạm lãnh hải” của họ. Đây là gáo nước lạnh thứ nhất.

Tiếp đến, ngay từ những ngày đầu năm mới, chưa kịp mừng vui thì người VN chúng ta liên tiếp nhận gáo nước lạnh thứ hai từ Trung Quốc tát vào mặt: ngày 31/12/2009, Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố “Một số ý kiến về việc đẩy mạnh phát triển xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam” chính thức cho phép mở tuyến du lịch vào quần đảo Hoàng Sa từ năm 2010 như Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, ông Vệ Lưu Thành, nói với các nhà báo “Chúng tôi sẽ phát triển du lịch, kinh tế và xã hội trên vùng đất và đại dương thuộc chủ quyền của TQ. Tôi không nghĩ phát triển kinh tế tại đảo Hải Nam sẽ ảnh hưởng đến nước khác” (1), xem quần đảo nầy là “ao nhà”  TQ “muốn làm gì thì làm”, là quần đảo thuộc lãnh thổ của TQ, không thể tranh cãi được !(2).

Gáo nước lạnh thứ ba là nội dung trả lời phỏng vấn đầu năm của Đại sứ TQ tại VN. Vào ngày 6/1/2010, Đại sứ Tôn Quốc Cường nói một cách hùng hồn rằng” Kinh nghiệm quý báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung – Việt đó là “hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại”, một lời khuyên của người đồng chí với 16 chữ vàng của Chủ tịch Giang Trạch Dân(đương quyền) hồi đó đã gửi gắm hay đây là một thái độ trịch thượng, hàm ý VN không nên đấu tranh chống lại TQ trong những vấn đề song phương, trong đó có vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ? ”Thất bại” ở đây có nghĩa gì ? Lại là “một bài học” như TQ đã xua quân sang “trừng phạt” nước ta vào năm 1979 ? Ông hẳn là một nhà ngoại giao “ngô nghê” thực thà, hay một viên quan chức quốc phòng của PLA quen thói dọa nạt ? ĐS Tôn Quốc Cường còn lớn tiếng kêu gọi VN nên “Tạm gác lại tranh chấp”; “ Nếu điều kiện chưa chín muồi” rằng” Để giải quyết tranh chấp, hai bên cần xuất phát từ đại cục, toàn cục và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tạm gác lại tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, thuận lợi của quan hệ hai nước”(3) trong khi TQ vẫn tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền, lấn chiêm trên biển Đông ngày càng trắng trợn, ra sức tăng cường sự hiện diện của các loại tàu đánh cá có vũ trang trá hình, tàu tuần tra ngư nghiệp, tàu chiến cở lớn quần thảo để xua đuổi, ức hiếp và đe dọa ngư dân VN trên vùng biển của nước ta nhưng theo ngài Đại sứ thì “báo chí Trung Quốc ít đưa tin về tranh chấp trên biển, tranh chấp về nghề cá và chúng tôi luôn xuất phát từ đại cục, tuy rằng chúng tôi có lý”(!?)(4). Đại cục” mà ngài Đại sứ muốn nói ở đây phải chăng là chiến lược vươn ra giành quyền bá chủ trên biển Đông bằng lực lượng hải-không quân hùng mạnh và hiện đại trong những năm đầu thế kỷ 21.

Từ lâu,TQ đã đưa ra chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác” tài nguyên trên biển Đông trên cở sở các nước tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phải thừa nhận chủ quyền đơn phương của TQ theo đường “lưỡi bò” ham hố  ! Nay Đại sứ TQ nhắc lại cũng không ra ngoài chủ trương nầy chứ nào phải TQ thừa nhận chủ quyền của VN trên quần đảo HS mà họ đã chiếm đóng bất hợp pháp bằng vũ lực vào năm 1974. Chiến lược hải quân của TQ đã vạch ra một tuyên phòng thủ đi theo đường lưỡi bò nầy biến Hoàng Sa và các đảo đã chiếm trong quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự vững chắc, những chiếc tàu sân bay cố định trên biển như tướng Trương Lê, nguyên phó tổng tham mưu trưởng PLA tuyên bố với báo chí ngày 26/9/2009(5).Hơn thế nữa,ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng, còn nói rằng Trung Quốc không nên là đại cường duy nhất trên thế giới mà không có tàu sân bay. Đồng thời, có thông tin rằng Trung Quốc muốn triển khai hai hạm đội hàng không mẫu hạm trước năm 2015. Có bằng chứng để thế giới tin rằng Trung Quốc rất nghiêm túc trong cố gắng củng cố Vạn lý Trường thành trên biển. (6)

TQ đang nổ lực dồn sức hình thành một hạm đội gồm cả hải-lục-không quân phối hợp có thể tác chiến tầm trung vươn đến eo biển Malacca. Vì vậy trong khi chờ đợi hải quân thực hiện xong việc bố trí trận địa bằng trang thiết bị, khí tài chiến tranh hiện đại thì “tạm gác tranh chấp” chăng.

Trong khi việc thương thảo tranh chấp chủ quyền song phương hay đa phương trên biển Đông chưa triển khai thì hàng loạt hành động như trên có phải là điềm lành cho quan hệ viêt-Trung hay ngược lại gây rối rắm, căng thẳng không cần thiết. Vế thứ hai “điều kiện chưa chín mùi” mà ngài ĐS muốn nói là gì, phải chăng là quan hệ Mỹ-Trung còn nhiều vướng mắc, quan hệ với các nước ASEAN chưa lọt vào quĩ đạo mà TQ đang vạch ra, âm mưu lôi kéo và chia rẽ khối ASEAN chưa xong và nền kinh tế VN vẫn còn nằm ngoài tầm kiểm soát của TQ mặc dù kim ngạch nhập siêu trong quan hệ thương mại Việt-Trung năm nay vẫn ở mức cao.

Một nhân tố quan trọng tạo ra “điều kiện chín mùi” để chiếm đoạt toàn bộ quần đảo Trường Sa  phải chăng là lúc VN rơi vào khủng hoảng kinh tế, bị cô lập, cấm vận như giai đoạn khi quan hệ Mỹ-Việt, với các nước tây phương và ASEAN chưa bình thường hóa xưa kia(7).

Tình hình quốc tế, quan hệ song phương và đa phương của VN ngày nay đã hoàn toàn khác, nay đã là thành viên của nhiều tổ chức, cơ quan quốc tế với vị trí và quan hệ mang tầm chiến lược với nhiều nước chủ yêu trên thế giới cũng như trong khu vực. Vì vậy, với những nổ lực ngoại giao, xây dựng quan hệ hợp tác nhiều mặt, đa phương hiện nay của nhà nước VN thành công bao nhiêu thì điều kiện ngăn chận bá quyền phương bắc hiệu quả bấy nhiêu, có khả năng làm suy yếu tham vọng độc chiếm biển Đông theo chủ nghĩa dân tộc Đại Hán.Trước những gáo nước lạnh mà nhà đương cuộc TQ tạt vào nước ta có thể còn tiếp diễn bằng những chiêu thức thâm độc hơn  khi khát  vọng về năng lượng dầu mỏ lên cao, chủ nghĩa phiêu lưu gây hấn bằng vũ lực của nhóm cực hữu trong chính quyền, quân đội PLA khuynh loát, có thể tạo ra xung đột bằng quân sự bất chấp “điều kiện” chưa chín mùi, vì vậy đây cũng là những lời cảnh báo, giúp chúng ta hiểu rõ hơn tâm địa của người bạn láng giềng để nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền ,độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ kể cả biển đảo khơi xa(8).

Mong rằng năm hữu nghị Việt-Trung 2010 sẽ phải là năm TQ có thái độ và chính sách hiếu hòa, hợp tác cùng vun đắp quan hệ cộng tồn công bằng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của hai dân tộc chứ không phải vừa cầm roi dọa nạt vừa hô khẩu hiệu “16 chữ vàng 4 tốt” sáo rỗng ! Miệng cười tay bắt xưng hô“đồng chí” anh em nhưng trong bụng là một “bồ” dao găm sẵn sàng “làm thịt” chúng ta .



Chú thích:

(1) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100106_china_hainan_development.shtml

(2) Tourism plan for disputed islands – South China Morning 6/1/2010

(3) http://vietbao.vn/Chinh-Tri/Cho-dieu-kien-chin-muoi-giai-quyet-tranh-chap-bien-Dong/20888092/96/

(4) Như trên

(5) Báo Sankei(Tokyo) ngày 27/6/2009

(6)http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/01/100105_china_aircraft_carriers.shtml

(7)”Những vấn đề đảm bảo an ninh cho Sea Lane vào Nhật Bản thế kỷ 21

(8) “Cần làm gì trước hành động hăn he khủng bố của  TQ” Hồng Lê Thọ (bauvinal)

Nguồn: anhbasam.com

1 nhận xét:

  1. Mong rằng năm hữu nghị Việt-Trung 2010 sẽ phải là năm TQ có ....Huhuhuhu...

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter