Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

Quốc gia "tự nâng mình" theo chuẩn mực thế giới

Quốc gia "tự nâng mình" theo chuẩn mực thế giới

Thoát Á không phải là quay lưng với những giá trị châu Á mà là học tập có chọn lọc mô thức phát triển tiến bộ có tính phổ quát của nhân loại là xây dựng nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường lành mạnh và xã hội công dân trên cơ sở phát huy các giá trị và năng lực nội tại.

Phương thức châu Á và quyền lực làm chủ

Trong những bài viết sớm nhất của mình  và trong thư từ trao đổi với F. Enghel, K.Marx có nhắc tới " phương thức sản xuất kiểu Châu Á". Đây là một dạng hình thái có nhiều đặc điểm riêng biệt nên đã không được trình bày trong sơ đồ Đại lộ của sự phát triển xã hội loài người (đó là các hình thái : cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, CNTB, CNCS với giai đoạn đầu là CNXH) bởi vì nó không có tư hữu, không phân chia giai cấp rõ rệt nên sự đối kháng của các giai cấp và sự bóc lột người với người không được thể hiện rõ nét. Tuy nhiên hình thái này đã từng hiện hữu trên phần lớn lãnh thổ của hành tinh này, nó trải dài từ Mỹ Latinh (Inca, Aztec, Maya), Bắc Phi (Algerie, Ai Cập), Trung cận Đông, Trung Á, Ấn Độ , Trung Hoa và các quốc gia cận kề. (1).

Hình thái này có những đặc điểm sau :

1. Dạng sở hữu đặc biệt: không có tư  hữu mà chỉ có sở hữu công cộng. Sự  thay đổi chính quyền đồng nghĩa với sự thay đổi sở hữu.

2. Phương thức bóc lột đặc biệt: khác với chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ nông nô, đây là chế độ nô lệ toàn dân. Dân chúng bị bắt buộc lao động nặng nhọc để xây dựng những công trình công cộng quy mô lớn ( í dụ như thủy lợi, khai khẩn, xây dựng Vạn lý trường thành v.v...) Một hệ thống tự quản được thiết lập chặt chẽ, đó là chế độ bạo hành của chính quyền được củng cố bởi quân đội, mật vụ và bộ máy hành chính cồng kềnh.

3. Vai trò đặc biệt của nhà nước: khai thác sức lao động của dân chúng.

K.Marx phát hiện ra nguyên nhân xuất hiện phương thức sản xuất kiểu châu Á nằm trong sự bảo toàn sở hữu kiểu công xã hay tập thể , dạng này luôn tìm thấy ở nước Nga và nhiều nước châu Á v.v... trước đây. Sở hữu này không trở thành tư hữu, mà cuối cùng chuyển biến sang sở hữu nhà nước với đại diện là bạo chúa điều hành bằng bộ máy quyền lực. Dân chúng hoàn toàn lệ thuộc vào nhà nước với tư cách là chủ sở hữu tối cao về đất đai và đồng thời cũng là thể chế có chủ quyền (1).

Vì lẽ đó phương thức sản xuất kiểu châu Á còn có tên gọi  là "phương thức sản xuất nhà nước" với đặc trưng của nó là: quyền lực chi phối xã hội chứ không phải là tư liệu sản xuất như trong xã hội phương Tây.

Trong phương thức sản xuất này quyền lực đã biến những ai gắn liền với nó, từ cấp thấp cho đến cấp cao thành những chủ nhân ông đích thực đối với toàn bộ khối của cải xã hội. (2)

Có lẽ đó cũng là lý do tại sao trong các xã hội chịu ảnh hưởng Nho giáo, trong đó có Việt Nam tư tưởng "học để làm quan" lại phổ biến đến như vậy.

Tập đoàn lợi ích bắt chính sách quốc gia làm con tin

Lịch sử xã hội loài người có xu hướng đi theo quỹ đạo dạng vòng xoáy trôn ốc khởi đầu từ thấp rồi dần dần lên cao (chứ hiếm khi đi theo đường thẳng). Đó là một thực tế đã được kiểm chứng. "Phương thức sản xuất nhà nước" cũng nằm trong xu thế vận động chung này khi nó đã thích ứng, tự điều chỉnh và sản sinh ra những "biến thể khôn ngoan" để tiếp tục tồn tại, phát triển. Mặc dù về bản chất phương thức này không còn mấy hấp dẫn đối với nhân loại tiến bộ, văn minh vì nó liên hệ máu thịt với những chế độ toàn trị, chuyên chế, phi dân chủ.

Ngay tại Trung Quốc, một đất nước thành công trong công cuộc mở cửa, hiện đại hóa và vận hành nền kinh tế thị trường, nạn tham nhũng dựa vào quyền lực chính trị của các vị quan tham ở địa phương đã trở thành một căn bệnh trầm kha  tầm cỡ quốc gia.

Theo tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc cho hay trong thời gian 30 năm tiến hành cải cách kinh tế, đã phát hiện khoảng 4000 quan chức Trung Quốc tẩu tán tới 50 tỷ đôla Mỹ ra nước ngoài.

Một ví dụ khác là xu hướng hình thành các tập đoàn lợi ích (chẳng hạn như thủy điện, bất động sản, sinh đẻ có kế hoạch,v.v...). Các tập đoàn này không cần vận tác trên tài nguyên kinh tế mà quan trọng hơn là dựa vào sự bảo hộ về chính trị.

Các tập đoàn lợi ích này đã và đang bắt chính sách quốc gia làm con tin, và sau khi đã bắt cóc chính sách công, đầu lớn của lợi ích bọn họ ôm lấy còn đầu lớn của cái giá phải trả thì chủ yếu do những người dân bình thường gánh chịu.

Ở Liên Xô trước đây việc các tập đoàn đặc biệt sản xuất vũ khí là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Liên Xô sụp đổ (3).

Với những dẫn chứng lịch sử như vậy chủ trương "thoát Á" hay thoát ra khỏi phương thức sản xuất dựa trên quyền lực làm cho thị trường bị méo mó dù bất kỳ ở dạng thô sơ hay hiện đại, tinh vi đến đâu, ngày nay vẫn mang ý nghĩa thời sự. Các nước đi sau trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa có "thoát Á" thì thể chế thị trường tự do, quyền công dân mới có cơ sở vững chắc để phát triển thực sự (chứ không phải trên các văn bản pháp qui hay những lời tuyên ngôn to tát!).

Thoát Á không phải là quay lưng với châu Á

Ngày nay "thoát Á" đã mang một ý nghĩa nội hàm rộng hơn nhiều so với cái thời mà nhà cải cách Fukuzawa Yukichi viết lên những lời tuyên ngôn đầy lòng yêu nước 125 năm trước thể hiện ý chí vươn lên mãnh liệt của dân tộc Nhật và một tinh thần như Tôn Tử đã dạy là phải" biết người, biết ta thì trăm trận trăm thắng".

Mặc nhiên, đó không phải là quay lưng với những giá trị châu Á mà là học tập có chọn lọc mô thức phát triển tiến bộ có tính phổ quát của nhân loại là xây dựng nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường lành mạnh và xã hội công dân trên cơ sở phát huy các giá trị và năng lực nội tại.

Nhật bản đã "thoát Á" thành công khi biết phát huy tinh thần quả cảm dám xả thân của các Võ sĩ đạo, biết giữ lấy những giá  trị đạo đức thuần túy "Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín" của Khổng giáo trong khi loại bỏ đi phần chính trị và các thiết chế bắt nguồn từ đó, đặc biệt là hệ thống thi cử từ chương đã đè nặng lên Trung Quốc, CHDCND Triều Triên hay Việt Nam (4)

Rõ ràng để "thoát Á" thành công mỗi dân tộc rất cần dựa vào những đặc điểm tích cực trong nền văn hóa của mình và phải đạt được sự đoàn kết, quyết tâm tới mức "máu lửa" để thành công.

"Thoát Á" cũng chính là thoát khỏi căn bệnh phát triển dựa trên sự đàn áp, bất công và giã từ với một mô thức phát triển đã lỗi thời mặc dù ngày nay ở đâu đó,  đôi khi sự thịnh vượng vẫn có thể xuất hiện một thời gian dài trong các xã hội toàn trị, chuyên quyền, tuy rằng nó sẽ không thể kéo dài lâu. (5)

Các nền kinh tế đi sau có xuất phát điểm thấp về năng suất lao động và trình độ dân chủ, thiết nghĩ nên tiêm vắc xin phòng ngừa tác hại của căn bệnh này. Việc làm đó không bao giờ muộn vì ở những giai đoạn sau, nền kinh tế có thể tiến nhanh và bền vững hơn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Lấy ví dụ, Nhật đã "thoát Á" sớm vào nửa sau thế kỷ XIX để bắt tay vào cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ 2 là chế tạo xe lửa, động cơ hơi nước, công cụ máy và đường thủy.

Hàn Quốc đã "thoát Á" một thế kỷ sau và đã tham gia thành công vào làn sóng công nghiệp hóa thế hệ 3 và 4 là sản xuất điện, thép, thiết bị điện và công nghiệp nặng, ôtô, hóa dầu, tự động hóa, điện tử.

Những quốc gia đi sau để không bị lạc hậu, rơi vào cảnh "trâu chậm uống nước đục" chắc chắn phải chuẩn bị tiềm lực và có định hướng cũng như quyết tâm cao đi vào những lĩnh vực mang hàm lượng chất xám cao và sử dụng năng lượng sạch v.v...

Với những nội hàm như vậy, ngày nay "thoát Á" chính là con đường giúp các quốc gia đang phát triển tự nâng mình lên một tầm cao mới để ra nhập xa lộ phát triển văn minh chung của nhân loại mang đặc điểm đa sắc tộc và có tính nhân văn cao. Chỉ có điều xã hội là một hệ thống đa phần tử, đa mục tiêu với những mối tương tác vô cùng đa dạng và phức tạp chủ yếu mang tính phi tuyến (non-linear), đa vòng (các yếu tố nhân- quả thường xuyên đổi chỗ cho nhau) và bất định (6).

Mong ước tạo sự thay đổi về chất theo lối "thoát thân theo chiều thẳng đứng" là có thể hiệu được, nhưng làm như thế đồng nghĩa với một sự phát triển kiểu tuyến tính, rất dễ dẫn đến những quyết định duy ý chí, nôn nóng, phiến diện, có thể kéo theo nhiều hậu quả xã hội nghiêm trọng và lâu dài. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa chúng ta được quyền chậm trễ và bắt toàn xã hội phải chờ đợi và sống chung quá lâu với phương thức cũ đã lỗi thời.

---

(1). Kovaliev. I.N Lịch sử kinh tế và các học thuyết kinh tế. NXB Fenix Rostov on Don. Russia .2008

(2).Vasiliev L.C. Cuộc cách mạng thứ 2. Tạp chí "Thời mới". Moscow 1990

(3).Đinh Học Lương. Tạp chí Quan sát . Hồng Kông. Trung Quốc 10/2008 . Dương Danh Dy lược dịch.

(4). Phạm Quỳnh. Tiểu luận Essais 1922-1932.NXB Tri Thức 2007.

(5). Fukuyama. "Chống chủ nghĩa bi quan về văn minh".Tạp chí Die Welt, 2.11.2009

(6). Tư duy hệ thống. NXB Tri thức 2006.

----------

Nguồn:http://tuanvietnam.net/2010-01-15-quoc-gia-tu-nang-minh-theo-chuan-muc-the-gioi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter