Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

Khai thác chung Biển Đông và những nguyên tắc công bằng

Khai thác chung Biển Đông và những nguyên tắc công bằng

Gác tranh chấp, cùng khai thác chỉ là một giải pháp tạm thời. Người Anh có tục ngữ, "Rào giậu tốt tạo ra láng giềng tốt". Giải pháp cơ bản, lâu dài cho tranh chấp lãnh thổ là phân định chủ quyền một cách công bằng, phù hợp với luật quốc tế.

LTS: Gần đây, chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" được Trung Quốc nhấn mạnh nhiều lần như một sáng kiến mang tính xây dựng trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông vẫn đang căng thẳng.

Trong phần 1 bài viết, tác giả Dương Danh Huy đã phân tích chủ trương "gác tranh chấp, cùng khai thác" của phía Trung Quốc, chỉ rõ nếu theo những quan điểm của Trung Quốc trước mắt sẽ bất công cho Việt Nam còn về lâu dài sẽ nguy hại tới chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Trong phần 2 này, tác giả tập trung chỉ rõ các nguyên tắc công bằng để "gác tranh chấp, cùng khai thác".

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Mời bạn đọc cùng tranh luận.

Phần trước: "Gác tranh chấp, cùng khai thác" kiểu Trung Quốc

Xác định khu vực tranh chấp một cách hợp lý

Trước khi có thể gác tranh chấp, cùng khai thác, trước hết phải xác định khu vực tranh chấp một cách hợp lý. Lý lẽ của một bên để tranh chấp một vùng lãnh thổ phải hợp lý hơn một mức tối thiểu nào đó. Không thể có chuyện hễ một nước tranh chấp vùng lãnh thổ nào thì nước kia nên gác tranh chấp, cùng khai thác vùng lãnh thổ đó với nước thứ nhất.

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa

Đối với tranh chấp Biển Đông, quan điểm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền là quan điểm hợp lý[12]. Nếu các nước trong tranh chấp lựa chọn gác tranh chấp, cùng khai thác thì có thể áp dụng cho những vùng lãnh thổ này.

Quan điểm của Trung Quốc rằng quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc, không phải lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp, và, vì vậy không khai thác chung, là quan điểm vô lý. Nếu Việt Nam chấp nhận Trung Quốc khai thác chung quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc không chấp nhận Việt Nam khai thác chung quần đảo Hoàng Sa thì có nghĩa Việt Nam bị thiệt thòi bởi quan điểm vô lý của Trung Quốc.

Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là một yêu sách vô lý[13]. Nếu các nước bị yêu sách này đe doạ gác tranh chấp với Trung Quốc, cùng với Trung Quốc khai thác trên cơ sở yêu sách đường 9 đoạn này thì trước mắt sẽ bị thiệt thòi bởi yêu sách vô lý của Trung Quốc, và về lâu về dài sẽ bị thiệt hại vì việc khai thác chung sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện ranh giới đường 9 đoạn đó.

Vì vậy, để việc gác tranh chấp, cùng khai thác có thể công bằng, trước nhất Trung Quốc phải từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn và phải chấp nhận rằng việc gác tranh chấp, cùng khai thác phải bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa[14].

Vùng biển thuộc Hoàng Sa và Trường Sa

Tất nhiên nếu công nhận rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền thì những vùng biển thuộc hai quần đảo này cũng trong tình trạng tranh chấp chủ quyền. Các nước liên quan phải xác định vùng biển thuộc Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa một cách hợp lý và rõ ràng. Các nước này nên xác định vùng biển thuộc Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa[15] một cách khách quan, khoa học, thí dụ như:

  • Đàm phán đa phương để xác định vùng biển thuộc Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa dựa trên luật quốc tế và tập quán quốc tế,

  • Yêu cầu Toà án Công lý Quốc tế ban một Ý kiến Tư vấn xác định vùng biển thuộc Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Những tuyên bố đơn phương, mập mờ, có tính toán của Trung Quốc, thí dụ như "vùng biển lân cận và vùng biển liên quan" không hợp lý, không có cơ sở trong luật quốc tế và đi ngược với tinh thần gác tranh chấp, cùng khai thác một cách công bằng.

Các vùng biển khác

Nếu vùng biển thuộc một nước được xác định một cách tương đối hợp lý nằm chồng lấn lên vùng biển thuộc một nước khác, cũng được xác định một cách tương đối công bằng, hoặc nằm chồng lấn lên vùng biển thuộc Hoàng Sa, Trường Sa, thì vùng chồng lấn nằm trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, và trên nguyên tắc có thể áp dụng khái niệm gác tranh chấp, cùng khai thác.

Thí dụ, giữa Mũi Cà Mau và bán đảo Mã Lai, tồn tại một vùng chồng lấn do Việt Nam dùng Hòn Khoai trong việc vẽ ranh giới và Mã Lai không chấp nhận việc Việt Nam dùng Hòn Khoai trong việc vẽ ranh giới. Có thể nói rằng Việt Nam và Mã Lai đang gác tranh chấp, khai thác chung vùng chồng lấn.

Gác tranh chấp thế nào?

Theo quan điểm của Trung Quốc, gác tranh chấp là có thể ngưng đàm phán phân định chủ quyền, trong khi Trung Quốc tăng cường những hành động đơn phương cương và nhu để chiếm đoạt chủ quyền và tạo điều kiện cho việc chiếm đoạt chủ quyền.

Thí dụ, việc Trung Quốc cấm đánh cá phía Bắc vĩ độ 12 hàng năm từ năm 1999, việc Trung Quốc xâm phạm ngư dân Việt Nam năm nay, việc Trung Quốc tăng cường "tuần tra" Biển Đông bằng những tàu ngư chính, việc Trung Quốc tuyên bố dự án khải sát và khai thác Biển Đông, việc Trung Quốc gây láp lực với BP và Exxon-Mobil, việc Trung Quốc ký hợp đồng khảo sát trong vùng Tư Chính-Vũng Mây, không phải là gác tranh chấp. Đó chính là những hành động tranh chấp chủ quyền. Không những thế, một số hành động đó là leo thang tranh chấp ngay cả trong những khu vực mà Trung Quốc không có lý lẽ hợp lý để tranh chấp chủ quyền.

Để việc gác tranh chấp có thể là sự thật, các nước trong tranh chấp phải ngưng hay hạn chế những hành động cương và nhu để chiếm đoạt chủ quyền và tạo điều kiện cho việc chiếm đoạt chủ quyền. Thêm vào đó, các nước liên quan phải ký kết rằng sẽ không dùng những gì mình làm trong thời gian gác tranh chấp như chứng cớ cho lý lẽ chủ quyền.

Cùng khai thác ở đâu?

Để việc cùng khai thác có thể công bằng, điều căn bản là vùng khai thác chung phải hợp lý. Thí dụ:

  • Vùng khai thác chung Việt Nam-Mã Lai là hợp lý.

  • Nếu Việt Nam và Mã Lai khai thác chung vùng thềm lục địa mà Việt Nam và Mã Lai đã nộp báo cáo chung cho LHQ thì có thể hợp lý.

  • Nếu Việt Nam và Trung Quốc khai thác chung vùng biển lân cận và vắt ngang đường trung tuyến ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ thì có thể hợp lý.

  • Nếu Việt Nam và trung Quốc khai thác chung vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, và vùng biển này được xác định một cách công bằng thì có thể hợp lý.

  • Ngược lại, khai thác chung vùng Tư Chính-Vũng Mây, như GS Ji Guoxing đề nghị, sẽ không hợp lý và sẽ thiệt thòi cho Việt Nam. Nếu Trung Quốc được khai thác chung vùng Tư Chính-Vũng Mây thì sẽ công bằng nếu Việt Nam được khai thác chung vùng biển Đài Loan.

  • Nếu Trung Quốc được khai thác chung vùng biển thuộc Trường Sa nhưng Việt Nam không được khai thác chung vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, như Trung Quốc muốn, thì sẽ sẽ không hợp lý và sẽ thiệt thòi cho Việt Nam.

Bản đồ 3: Đường trung tuyến Việt Nam-Trung Quốc nếu không tính Hoàng Sa, Trường Sa. Những khu vực nằm vắt ngang đường trung tuyến này một cách cân bằng có thể là đối tượng của sự khai khác chung công bằng
Ngay cả nếu vùng khai thác chung hợp lý, việc chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi cũng phải hợp lý và công bằng. Để công bằng, tỷ lệ trách nhiệm và quyền lợi cho mỗi nước phải tương đương với tỷ lệ diện tích của vùng khai thác chung thuộc về mỗi nước.

Có thể minh hoạ như sau: nếu A và B khái thác chung 3 mẫu ruộng, trong đó 2 mẫu là của A và 1 mẫu là của B, thì A có 2 phần trách nhiệm và quyền lợi, B có 1 phần.

Khó khăn cho khái niệm "gác tranh chấp, cùng khai thác" là các nước sẽ khai thác chung trước khi phân định chủ quyền, tức là trong khi chưa biết tỷ lệ diện tích của vùng khai thác chung thuộc về mỗi nước. Vì không biết tỷ lệ cho việc chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi, các nước liên quan có thể tạm chia sẻ đồng đều.

Vì vậy, chỉ nên cùng khai thác trong những vùng đã được phân định chủ quyền, hoặc những vùng mà chúng ta có mức tin tưởng cao rằng chia sẻ đồng đều là chia sẻ công bằng, hoặc những vùng có diện tích nhỏ (để nếu việc chia sẻ đồng đều không công bằng thì sự không công bằng cũng nhỏ).

Nếu khai thác chung dọc ranh giới 9 đoạn của Trung Quốc thì chắc chắn sẽ không hợp lý, không công bằng, và sự thiệt thòi cho Việt Nam sẽ rất lớn.

Một số trường hợp khai thác chung

Đông Nam Á

Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã có những thoả thuận về hợp tác hay khai thác chung đối với các vùng biển trong vùng tranh chấp như sau:

1. Bản ghi nhớ khai thác chung Thái Lan-Mã Lai 1979.

2. Thoả thuận sử dụng chung vùng nước lịch sử Việt Nam-Campuchia 1982.

3. Thoả thuận khai thác chung Việt Nam-Mã Lai cho vùng chồng lấn trong Vịnh Thái Lan và ngoài cửa Vịnh Thái Lan 1992.

4. Thoả thuận trên nguyên tắc khai thác chung Việt Nam-Thái Lan-Mã Lai trong vùng chồng lấn 3 nước trong Vịnh Thái Lan 1999.

5. Việt Nam và Mã Lai nộp báo cáo chung cho LHQ về ranh giới ngoài của thềm lục địa.

Bản đồ 4: Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia - những ranh giới hợp lý, những yêu sách đối kháng không quá ngang ngược, những vùng tranh chấp và khai thác chung tương đối hợp lý
Trong những trường hợp trên tất cả các vùng khai thác chung đều lân cận các đường yêu sách tương đối hợp lý. Thí dụ:
  • Thái Lan đòi hỏi dùng đảo Ko Losin để vẽ đường trung tuyến với Mã Lai; Mã Lai không chấp nhận việc dùng đảo Ko Losin.

  • Campuchia đòi hỏi rằng ranh giới biển với Việt Nam là đường Brevié là ranh giới biển với Việt Nam; Việt Nam cho rằng đường Brevié là đường phân chia các đảo, ranh giới biển phải là đường trung tuyến.

  • Việt Nam đòi hỏi dùng Hòn Khoai để vẽ đường trung tuyến với các đảo ven bờ bán đảo Mã Lai; Mã Lai không chấp nhận việc dùng đảo Hòn Khoai.

Trong tất cả những trường hợp trên, các yêu sách đối kháng không tạo ra vùng chồng lấn nào vô lý như các vùng chồng lấn tạo ra bởi đường 9 đoạn của Trung Quốc. Thêm vào đó, các nước liên quan không có những hành đông cương và nhu nhằm chiếm đoạt chủ quyền hay tạo điều kiện cho việc chiếm đoạt chủ quyền đối với các vùng tranh chấp.

Những trường hợp hợp tác này cho thấy

  • việc gác tranh chấp một cách thật sự là gác tranh chấp, với tính chất thật sự là xây dựng,

  • việc hợp tác, khai thác chung một cách thật sự công bằng, tôn trọng lẫn nhau, không phải là một ý kiến mới đối với Việt Nam và Mã Lai.

Không những thế, việc Việt Nam và Mã Lai nộp báo cáo chung cho LHQ về thềm lục địa cho thấy Việt Nam và Mã Lai có thể gác ngay cả tranh chấp Trường Sa để hợp tác trong việc tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển. Việc Trung Quốc phản đối các báo cáo thềm lục địa của Việt Nam và Mã Lai cho thấy Trung Quốc cần rút kinh nghiệm từ Việt Nam và Mã Lai trong việc thật sự gác tranh chấp, hợp tác và tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển.

Biển Đông Trung Hoa

Tại Biển Đông Trung Hoa (East China Sea), ngoài tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Shenkaku/Điếu Ngư Đài, Trung Quốc và Nhật còn tranh chấp ranh giới của các vùng biển.

Trung Quốc đòi hỏi ranh giới thềm lục địa dựa trên địa lý đáy biển[16]. Nguyên tắc của yêu sách này cho Trung Quốc một ranh giới có thể ra tới Rãnh Okinanwa. Mặc dù ngày 11/5/2009 Trung Quốc đã nộp báo cáo sơ khởi cho LHQ về ranh giới ngoài của thềm lục địa, toạ độ của yêu sách của Trung Quốc về thềm lục địa cũng như vùng đặc quyền kinh tế chưa được công bố.

Nhật đòi hỏi rằng vùng đặc quyền kinh tế của Nhật ra tới đường trung tuyến giữa lãnh thổ Nhật (cụ thể là chuỗi đảo Ryuku/Lưu Cầu) và Trung Quốc[17], không phụ thuộc vào địa lý đáy biển.

Hai yêu sách đối kháng này gây ra một vùng chồng lấn của thềm lục địa (và có thể cả vùng đặc quyền kinh tế) mà Trung Quốc đòi hỏi và vùng đặc quyền kinh tế mà Nhật đòi hỏi.

Bản đồ 5: Vùng khai thác chung Nhật-Trung trong thoả thuận 2008 phản ảnh yêu sách của Nhật hơn yêu sách của Trung Quốc[18]. Ngoài ra, Trung Quốc không đạt được đề xuất khai thác chung vùng biển lân cận Shenkaku/Điếu Ngư Đài
Ngày 18/6/2008, Trung Quốc và Nhật thoả thuận về một vùng khai thác chung[19]. Vùng khai thác chung này không dựa trên đường yêu sách của Trung Quốc mà nằm lân cận đường trung tuyến Nhật-Trung, tức là nằm lân cận đường yêu sách của Nhật. Có thể nói rằng vùng khai thác chung này có nhiều phản ảnh từ lập trường của Nhật hơn phản ảnh từ lập trường của Trung Quốc.

Bài học cho tranh chấp Biển Đông là mặc dù tại Biển Đông Trung Hoa, Trung Quốc đòi hỏi ranh giới thềm lục địa tới sát lãnh thổ không bị tranh chấp của Nhật, gần tương đương với việc Trung Quốc đòi hỏi ranh giới đường 9 đoạn tới sát lãnh thổ không bị tranh chấp của Việt Nam, Indonesia, Mã Lai, Brunei và Philippines, vùng khai thác chung Nhật-Trung 2008 đã không dựa trên yêu sách của Trung Quốc. Nếu Biển Đông bị khai thác chung dựa trên yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc thì có lẽ lý do là Việt Nam, Indonesia, Mã Lai, Brunei và Philippines yếu thế hơn Nhật trong đàm phán với Trung Quốc.

Có một điều ngoài phạm vi của bài này nhưng đáng đề cập tới. Đó là:

  • Tại Biển Đông Trung Hoa, Trung Quốc đòi hỏi rằng phạm vi thềm lục địa của họ được tính dựa trên địa lý đáy biển,

  • Và Trung Quốc cho rằng cách tính dựa trên địa lý đáy biển được ưu tiên hơn việc Nhật đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo thuộc nhóm Ryuku/Lưu Cầu,

  • Nhưng tại Biển Đông thì Trung Quốc lại phản đối việc Việt Nam và Malaysia báo cáo với LHQ về phạm vi thềm lục địa dựa trên địa lý đáy biển,

  • Và Trung Quốc cho rằng những vùng biển mà Trung Quốc gọi một cách mập mờ là "lân cận" và "liên quan" tới quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (mà Trung Quốc đòi hỏi) được ưu tiên hơn phạm vi thềm lục địa dựa trên địa lý đáy biển (mà Việt Nam và Mã Lai đòi hỏi).

Điều này nói lên một sự tự mâu thuẫn trong lập trường của Trung Quốc[20].

Kết luận

Trên nguyên tắc, khái niệm "gác tranh chấp, cùng khai thác" nói chung là một khái niệm có thể chấp nhận được. Trên thực tế, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á không xa lạ với thật sự gác tranh chấp và khai thác chung một cách công bằng, tôn trọng lẫn nhau.

Tuy vậy quan niệm của Trung Quốc đằng sau khái niệm "gác tranh chấp, cùng khai thác" có một số vấn đề cơ bản.

Để việc gác tranh chấp, cùng khai thác thật sự có tính xây dựng, có thể công bằng và bảo đảm an ninh cho các nước trong tranh chấp, cần có một số điều kiện chính:

  • Việc gác tranh chấp phải là sự thật, tức là các nước trong tranh chấp phải ngưng những hành động cương hay nhu nhằm chiếm đoạt chủ quyền, hay củng cố cái mình gọi là chủ quyền.

  • Vùng tranh chấp, tức là vùng khai thác chung trong văn cảnh này, phải được xác định một cách công bằng. Trung Quốc phải từ bỏ yêu sách đường 9 đoạn. Trung Quốc phải công nhận rằng Hoàng Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền và có thể là đối tượng của việc khai thác chung.

Cuối cùng, chúng ta cũng nên nhớ rằng gác tranh chấp, cùng khai thác chỉ là một giải pháp tạm thời. Người Anh có tục ngữ, "Rào giậu tốt tạo ra láng giềng tốt". Giải pháp cơ bản, lâu dài cho tranh chấp lãnh thổ là phân định chủ quyền một cách công bằng, phù hợp với luật quốc tế. Không những thế, phân định chủ quyền một cách công bằng tạo điều kiện tốt cho việc hợp tác, cùng khai thác, cùng phát triển. Vì vậy, các nước trong tranh chấp Biển Đông cần luôn luôn hướng tới việc phân định chủ quyền một cách công bằng.


[12] Bài viết này không phân tích bãi cạn Scarborough, đối tượng của tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.

[13] Phương Loan. Học giả quốc tế phê phán đường lưỡi bò của TQ. Vietnamnet, 30/11/2009. Trên mạng: http://www.tuanvietnam.net/2009-11-29-hoc-gia-quoc-te-phe-phan-duong-luoi-bo-cua-tq

[14] Lưu ý rằng tác giả không nói rằng nếu Trung Quốc chấp nhận như thế thì Việt Nam nên hay không nên chấp nhận gác tranh chấp, khai thác chung đối với quần đảo Trường Sa.

[15] Xác định này không phải là xác định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về nước nào, hay vùng biển thuộc các quần đảo này thuộc về nước nào.

[16] Mark J. Valencia. The East China Sea Dispute: Context, Claims, Issues, and Possible Solutions. Asian Perspective, Vol. 31, No. 1, 2007, trang 127-167

[17] Keun-Gwan Lee. Continental Shelf Delimitation in the East China Sea. Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson cho các Học giả. Trên mạng: http://www.wilsoncenter.org/topics/docs/Keun-Gwan_Lee_1_.pdf

[18] Đường yêu sách của Nhật và Trung Quốc dựa trên:

Valencia, đã dẫn.

James Manicom. China's Claims to an Extended Continental Shelf in the East China Sea: Meaning and Implications. The Jamestown Foundation. China Brief Volume: 9 Issue: 14 9/2009

Reiji Yoshida, Sichini Terada. Japan, China strike deal on gas fields. Japan Times Online, 19/6/2008. Trên mạng: http://search.japantimes.co.jp/cgi-bin/nn20080619a1.html

[19] Bộ Ngoại giao Trung Quốc. China and Japan Reach Principled Consensus on the East China Sea Issue. 18/06/2008. Trên mạng: http://www.fmprc.gov.cn/eng/xwfw/s2510/t466632.htm

[20] Đó là chưa kể Hoàng Sa, Trường Sa không phải là của Trung Quốc, và các đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhỏ hơn các đảo Ruyky/Lưu Cầu rất nhiều.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter