Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2010

Luật bảo vệ hải đảo Nước CHND Trung Hoa

Luật bảo vệ hải đảo nước CHND Trung Hoa

 26/12/2009

(Toàn văn)

    Hội nghị lần thứ 12 Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 11 ngày 26 – 12 - 2009 đã thông qua.

    Mục lục:

    Chương 1: Quy tắc chung

    Chương 2: Quy hoạch bảo vệ hải đảo

    Chương 3: Bảo vệ hải đảo

    Tiết thứ nhất: Những quy định chung

    Tiết thứ hai: Bảo vệ hệ thống sinh thái hải  đảo có cư dân sinh sống

    Tiết thứ ba: Bảo vệ hải đảo không có cư dân sinh sống

    Tiết thứ tư: Bảo vệ hải đảo được sử  dụng với mục đích đặc biệt

    Chương 4: Kiểm tra giám sát

    Chương 5: Trách nhiệm pháp luật

    Chương 6: Điều khoản bổ sung 

 

    CHƯƠNG 1

     QUY TẮC CHUNG

    Điều 1: Nhằm bảo vệ hệ thống sinh thái các đảo và vùng biển xung quanh các đảo, tranh thủ khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các đảo, duy trì, bảo vệ quyền lợi biển của đất nước, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển bền vững, vì vậy ban hành luật này.

    Điều 2: Thực hiện các hoạt động bảo vệ, khai thác sử dụng và quản lý liên quan đến các đảo của nước CHND Trung Hoa phải phù hợp với luật này.

    Các hải đảo mà Luật này gọi là chỉ vùng đất được hình thành một cách tự nhiên với xung quanh là nước biển và cao hơn mức nước khi thủy triều lên, bao gồm các đảo có cư dân và  các đảo không có cư dân sinh sống.

    Bảo vệ các đảo mà Luật này gọi là chỉ  bảo vệ hệ thống sinh thái các đảo và vùng biển xung quanh các đảo; bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên các đảo không có cư dân sinh sống và bảo vệ các đảo được sử dụng cho mục đích đặc biệt.

    Điều 3: Nhà nước thực hiện nguyên tắc quy hoạch khoa học, ưu tiên bảo vệ, khai thác hợp lý, sử dụng tiếp tục vĩnh viễn đối với các đảo.

    Quốc Vụ viện và chính quyền nhân dân các cấp  địa phương ven biển cần đưa việc bảo vệ và  khai thác, sử dụng hợp lý các đảo vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc dân, áp dụng những biện pháp có hiệu quả, đẩy mạnh việc bảo vệ và quản lý các đảo, ngăn chặn các hòn đảo và hệ thống sinh thái khu vực xung quanh bị phá hoại.

    Điều 4: Các đảo không có cư dân sinh sống thuộc quyền sở hữu Nhà nước. Quốc Vụ viện (Chính phủ) thay mặt Nhà nước thực hiện quyền sở hữu đối với các đảo không có cư dân sinh sống.

    Điều 5: Các ngành chủ quản về biển và các Bộ ngành có liên quan khác của Quốc Vụ viện căn cứ vào phân công trách nhiệm mà pháp luật và Quốc Vụ viện quy định, để phụ trách công tác bảo vệ môi trường sinh thái tại các đảo có cư dân sinh sống và vùng nước xung quanh các đảo này trong phạm vi toàn Trung Quốc. Các ngành chủ quản về biển và những ngành có liên quan khác của chính quyền nhân dân địa phương cấp huyện trở lên ở vùng duyên hải căn cứ vào chức trách của mình, có trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái tại các đảo có cư dân sinh sống và vùng biển xung quanh trong khu vực hành chính của mình.

    Các Bộ ngành chủ quản về biển của Quốc Vụ  viện chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng các đảo không có cư dân sinh sống trên phạm vi toàn Trung Quốc. Các ngành chủ quản về biển của chính quyền nhân dân địa phương cấp huyện trở lên ở vùng duyên hải phụ trách những công việc có liên quan, bảo vệ và quản lý khai thác, sử dụng các đảo không có cư dân sinh sống trong khu vực hành chính của mình.

    Điều 6: Tên gọi của các đảo do cơ quan quản lý địa danh Quốc gia và ngành chủ quản về biển thuộc Quốc Vụ viện căn cứ vào các quy định có liên quan của Quốc Vụ viện để xác định và ban hành.

    Khi các đảo cần bố trí các biểu tượng tên gọi (cột mốc) trên đảo thì chính quyền nhân dân địa phương ven biển từ cấp huyện trở lên cần căn cứ vào các quy định của Nhà nước bố trí các biểu tượng tên gọi (cột mốc) cho các đảo.

    Nghiêm cấm làm tổn hại hay tự ý di chuyển các mốc ghi tên các đảo.

    

 Điều 7: Quốc Vụ viện và chính quyền nhân dân các cấp địa phương ven biển cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bảo vệ hải đảo, tăng cường ý thức bảo vệ hải đảo của công dân, tuyên dương những đơn vị, cá nhân có thành tích nổi bật trong việc bảo vệ hải đảo và các công tác nghiên cứu khoa học có liên quan.

    Bất cứ đơn vị và cá nhân nào cũng đều có nghĩa vụ tuân thủ luật bảo vệ hải  đảo và có quyền thông báo cho các ban ngành chủ  quản về biển hoặc những ban ngành liên quan khác về  những hành vi vi phạm luật bảo vệ hải đảo, phá hoại môi trường sinh thái hải đảo.

    CHƯƠNG 2

      QUY HOẠCH BẢO VỆ HẢI  ĐẢO

    Điều 8: Nhà nước thực hiện chế độ quy hoạch bảo vệ hải đảo. Quy hoạch bảo vệ hải đảo là căn cứ cho các hoạt động thực hiện bảo vệ, sử dụng hải đảo.

    Việc  định ra quy hoạch bảo vệ hải đảo cần tuân thủ những nguyên tắc có lợi cho bảo vệ, cải thiện hệ thống môi trường sinh thái của đảo và vùng biển xung quanh, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế xã hội hải đảo.

    Những quy hoạch bảo vệ hải đảo trước khi được đưa ra thẩm tra phê chuẩn, cần trưng cầu ý kiến của các chuyên gia và công chúng, sau khi được phê chuẩn cần nhanh chóng công bố ra ngoài xã hội. Nhưng, trừ những bí mật liên quan đến Nhà nước.

    Điều 9: Ngành chủ quản về biển của Quốc Vụ viện sẽ cùng với các ngành liên quan của chính quyền nhân dân cùng cấp, cơ quan quân sự, căn cứ vào các quy hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc dân, phân chia chức năng biển trong cả nước để ban hành quy hoạch bảo vệ hải đảo, báo cáo để Quốc Vụ viện thẩm tra phê chuẩn.

    Quy hoạch bảo vệ các đảo trong cả nước cần căn cứ vào các thuộc tính tự nhiên như vị trí, nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường và tình trạng bảo vệ, sử dụng của các đảo để xác định rõ nguyên tắc phân loại bảo vệ đảo và các đảo không có cư dân sinh sống có thể sử dụng cũng như các đảo cần được chú trọng sửa sang, khôi phục v.v…

    Việc quy hoạch, bảo vệ các đảo trong cả nước cần tranh thủ liên kết với quy hoạch hệ thống của thành thị, nông thôn và quy hoạch tổng thể  sử dụng đất đai của cả nước.

    Điều 10: Các ngành chủ quản về biển thuộc chính quyền nhân dân cấp tỉnh, khu tự trị ven biển sẽ cùng với các ngành có liên quan, cơ quan quân sự cùng cấp, căn cứ vào quy hoạch bảo vệ các đảo trong cả nước, quy hoạch hệ thống thành thị và nông thôn, quy hoạch tổng thể đất đai của tỉnh, khu tự trị để tổ chức, ban hành quy hoạch bảo vệ các đảo trong khu vực của tỉnh, báo cáo để chính quyền nhân dân tỉnh, khu tự trị thẩm tra phê chuẩn và đưa lên Quốc Vụ viện lưu giữ.

    Quy hoạch tổng thể các thành phố mà chính quyền nhân dân các thành phố trực thuộc TƯ ven biển tổ chức phát hành, cần bao gồm quy hoạch chuyên mục bảo vệ các đảo bên trong khu vực hành chính này.

    Quy hoạch bảo vệ các đảo thuộc khu vực tỉnh và  quy hoạch chuyên mục bảo vệ các đảo thuộc các thành phố trực thuộc TƯ cần quy định những biện pháp cụ thể phân loại bảo vệ hải đảo

    

  Điều 11: Chính quyền nhân dân cấp tỉnh, khu tự trị căn cứ vào tình hình thực tế, có thể yêu cầu chính quyền nhân dân các thành phố, huyện, thị trấn ven biển trực thuộc tỉnh trong khu vực hành chính của mình tổ chức ban hành các quy hoạch chuyên mục bảo vệ hải đảo và đưa vào trong quy hoạch tổng thể của thành phố, thị trấn; Có thể yêu cầu chính quyền nhân dân cấp huyện ven biển tổ chức ban hành những quy hoạch bảo vệ hải đảo khu vực huyện.

    Các quy hoạch chuyên mục bảo vệ đảo của các thành phố, thị trấn và quy hoạch bảo vệ đảo của các huyện ven biển cần phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc và quy hoạch bảo vệ hải đảo khu vực cấp tỉnh.

    Việc  định ra những quy hoạch chuyên mục bảo vệ hải đảo các thành phố, thị trấn ven biển cần trưng cầu ý kiến của các ban ngành quản lý biển thuộc chính quyền nhân dân cấp quản lý trực tiếp.

    Quy hoạch bảo vệ hải đảo cấp huyện phải báo cáo để chính quyền nhân dân cấp tỉnh, khu tự  trị thẩm tra phê chuẩn và báo cáo cho ngành chủ quản về biển của Quốc vụ viện lưu giữ.

    Điều 12: Chính quyền nhân dân cấp huyện ven biển có thể ban hành quy hoạch bảo vệ và sử dụng các đảo không có cư dân sinh sống do quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc xác định.

    Điều 13: Sửa đổi quy hoạch bảo vệ hải đảo cần căn cứ vào quy trình thẩm tra phê chuẩn của điều thứ 9, 10, 11 của Luật này để báo cáo phê chuẩn.

    Điều 14: Nhà nước xây dựng, hoàn thiện chế độ điều tra, thống kê hải đảo. Các ban ngành chủ quản hải dương của Quốc Vụ viện sẽ cùng với các ngành có liên quan dự thảo ra kế hoạch điều tra thống kê tổng hợp hải đảo, sau khi được pháp luật phê chuẩn sẽ tổ chức thực hiện và ban hành công báo điều tra, thống kê hải đảo.

    Điều 15: Nhà nước xây dựng hệ thống quản lý thông tin hải đảo, triển khai điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên thiên nhiên của đảo, thực hiện giám sát đối với tình trạng bảo vệ và sử dụng các đảo.

    CHƯƠNG 3

     BẢO VỆ CÁC ĐẢO

    TIẾT 1: CÁC QUY ĐỊNH THÔNG THƯỜNG

    Điều 16: Quốc Vụ viện và chính quyền nhân dân các cấp địa phương ven biển cần áp dụng các biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử, nhân văn tại các đảo.

    Nghiêm cấm thay đổi tuyến ven biển của các đảo trong khu bảo vệ thiên nhiên. Nghiêm cấm đào, khai thác, phá hoại san hô và các bãi san hô. Nghiêm cấm chặt phá rừng đước tại vùng biển quanh các đảo.

    Điều 17: Nhà nước bảo vệ thảm thực vật của các đảo, thúc đẩy bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngọt ở các đảo, ủng hộ xây dựng cơ sở các công trình dự trữ nước ngọt, làm ngọt hóa nước biển và lấy nguồn nước ngọt từ ngoài đảo đối với các đảo có cư dân.

    Điều 18: Nhà nước ủng hộ sử dụng các đảo để triển khai các họat động nghiên cứu khoa học. Khi thực hiện các họat động nghiên cứu khoa học ở đảo không được phá hoại hệ thống môi trường sinh thái của các đảo và vùng biển xung quanh.

    Điều 19: Nhà nước triển khai đăng ký các mẫu sinh học của đảo, căn cứ vào luật để bảo vệ và quản lý mẫu vật sinh vật hải đảo.

    Điều 20: Nhà nước ủng hộ xây dựng các cơ sở thực nghiệm có thể lợi dụng để khai thác tài nguyên tái sinh, xây dựng sinh thái tại các đảo.

    Điều 21: Nhà nước bố trí nguồn vốn dành riêng cho bảo vệ hải đảo, sử dụng cho các họat động bảo vệ, sửa đổi môi trường sinh thái và nghiên cứu khoa học các đảo.

    Điều 22: Nhà nước bảo vệ các thiết bị quân sự được bố trí trên đảo, nghiêm cấm các hành vi phá hoại, làm nguy hại đến các thiết bị quân sự.

    Nhà  nước bảo vệ, căn cứ vào luật pháp để bố  trí các thiết bị công ích như trợ giúp, hướng dẫn hàng hải, đo đạc, quan sát khí tượng, giám sát hải dương và giám sát địa chấn v.v…, nghiêm cấm những hành vi phá hoại hoặc tự ý di dời, ngăn cản những thiết bị này sử dụng bình thường.

    TIẾT 2: BẢO VỆ HỆ THỐNG SINH THÁI TẠI CÁC ĐẢO CÓ CƯ DÂN SINH SỐNG

    Điều 23: Việc khai thác, xây dựng tại các đảo có cư dân sinh sống cần tuân thủ các quy định của pháp luật, pháp quy liên quan đến quy hoạch của thành thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, quản lý sử dụng vùng biển, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và rừng v.v… để bảo vệ hệ thống sinh thái hải đảo và các vùng biển xung quanh.

    Điều 24: Việc khai thác, xây dựng tại các đảo có cư dân sinh sống cần được tiến hành điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai, nguồn tài nguyên nước và tình trạng năng lượng của các đảo, căn cứ vào luật pháp để đánh giá ảnh hưởng môi trường. Việc khai thác, xây dựng hải đảo không được vượt quá dung lượng môi trường của đảo. Những công trình xây dựng mới, sửa chữa, mở rộng cần phải phù hợp với những yêu cầu về các chỉ tiêu khống chế lượng thoát nước thải, đất sử dụng và lượng nước sử dụng.

    Việc khai thác, xây dựng tại các đảo có cư dân sinh sống cần ưu tiên áp dụng kỹ thuật có thể tái sinh nguồn năng lượng như năng lượng gió, năng lượng biển, năng lượng mặt trời v.v…và tích lũy nước mưa, làm ngọt hóa nước biển, tái sinh nước thải v.v…

    Các  đảo có cư dân sinh sống và vùng biển xung quanh cần hoạch định các khu ngăn cấm khai thác, hạn chế khai thác và áp dụng biện pháp bảo vệ khu vực, bảo tồn sinh vật trên đảo, ngăn chặn sự suy thoái của thảm thực vật trên đảo và sự giảm sút tính đa dạng của sinh vật.

    Điều 25: Việc tiến hành xây dựng các công trình tại những đảo có cư dân sinh sống cần kiên trì nguyên tắc quy hoạch trước, xây dựng sau, ưu tiên xây dựng các thiết bị bảo vệ môi trường sinh thái hoặc cùng tiến hành xây dựng đồng bộ các công trình.

    Khi tiến hành xây dựng các công trình mà gây ra sự phá vỡ môi trường sinh thái cần phải chịu trách nhiệm sửa chữa; không có khả năng sửa chữa thì chính quyền nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm ra lệnh đình chỉ xây dựng và có thể chỉ định những ban ngành liên quan tổ chức sửa chữa, chi phí sửa chữa do đơn vị, cá nhân phá vỡ môi trường sinh thái chi trả.

    Điều 26: Nghiêm khắc hạn chế xây dựng các công trình kiến trúc hoặc các thiết bị tại các bãi cát của các đảo có cư dân; Nếu cần xây dựng, phải chấp hành các quy định của pháp luật, pháp quy như quy hoạch thành thị, nông thôn có liên quan, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường v.v… Nếu như chưa được pháp luật phê chuẩn mà xây dựng các công trình kiến trúc hoặc thiết bị tại các bãi biển của các đảo có người cư trú gây ra sự tổn hại nghiêm trọng tới hệ thống sinh thái của đảo và vùng biển xung quanh sẽ bị dỡ bỏ theo quy định của pháp luật.

    Nghiêm khắc hạn chế đào cát biển tại bãi cát của những đảo có cư dân; Nếu muốn đào, cần phải chấp hành đúng những quy định của pháp luật, pháp quy có liên quan đến quản lý sử dụng vùng biển, tài nguyên khoáng sản.

    Điều 27: Ngăn cấm hạn chế những hành vi làm thay đổi bờ biển các đảo có cư dân sinh sống như bồi đất lấn biển, rào vây biển v.v…,nghiêm khắc hạn chế việc xây dựng các công trình bồi đất lấn biển nối các đảo lại với nhau. Nếu cần bồi đất lấn biển, rào vây biển làm thay đổi bờ biển các đảo hoặc đổ đất nối liền các đảo, thì người xin thực hiện công trình cần nộp các văn bản xin phép như báo cáo luận chứng công trình, báo cáo đánh giá ảnh hưởng môi trường đã được phê chuẩn, căn cứ báo cáo quy định của Luật Quản lý sử dụng vùng biển của nước CHND Trung Hoa đã được phê chuẩn.

    Trước khi thực hiện luật này, các công trình xây dựng bồi  đất liên kết các đảo có cư dân phá  vỡ nghiêm trọng hệ thống sinh thái các đảo và vùng biển xung quanh sẽ do các ngành chủ quản về biển của chính quyền nhân dân thuộc tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc TƯ cùng với các ngành có liên quan của chính quyền cùng cấp đưa ra phương án sửa chữa sinh thái môi trường, sau khi báo cáo chính quyền nhân dân cùng cấp tổ chức thực hiện.

    TIẾT 3: BẢO VỆ CÁC ĐẢO KHÔNG CÓ CƯ DÂN SINH SỐNG

    Điều 28: Các đảo không có cư dân sinh sống nếu chưa được phê chuẩn mà sử dụng cần phải duy trì nguyên trạng; nghiêm cấm các hoạt động đào đá, lấy cát biển, chặt cây và sản xuất, xây dựng, du lịch v.v..

    Điều 29: Nghiêm khắc hạn chế khai thác các mẫu vật sinh vật và phi sinh vật tại các đảo không cư dân; Vì lý do dạy học, nghiên cứu khoa học cần khai thác thì cần phải báo cáo và được sự phê chuẩn của ngành chủ quản hải dương thuộc chính quyền nhân dân địa phương cấp huyện trở lên.

    Điều 30: Thực hiện các hoạt động khai thác sử dụng các đảo không có cư dân mà quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc xác định cần tuân thủ quy hoạch bảo vệ và sử dụng các đảo không có, áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái nghiêm ngặt, tránh làm tổn hại đến hệ thống sinh thái của hải đảo và khu vực ven biển.

    Các  đảo không có cư dân có thể được khai thác, sử dụng mà những điều khoản ở  trên đã quy định, cần xin phép ban ngành chủ quản về biển của chính quyền nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc TƯ, đồng thời nộp những giấy tờ như báo cáo luận chứng các công trình, các phương án khai thác sử dụng cụ thể, được các bộ ngành chủ quản về biển, các ngành hữu quan và các chuyên gia thẩm tra, đưa ra ý kiến thẩm tra, chính quyền nhân dân của tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc phê duyệt.

    Việc khai thác sử dụng các đảo không có cư  dân có liên quan đến lợi dụng các đảo vào mục  đích đặc biệt, hoặc cần bồi đất lấn biển, nối đảo với nhau và làm thay đổi nghiêm trọng về địa hình, địa mạo tự nhiên của biển đảo, thì phải do quốc vụ viện phê chuẩn.

    Các phương pháp cụ thể để thẩm tra, phê chuẩn khai thác, sử dụng đảo không có cư dân  đã được thẩm tra phê chuẩn, do Quốc Vụ viện quy định.

    Điều 31: Các đảo không có cư dân được phê chuẩn khai thác sử dụng, cần nộp tiền theo luật pháp. Trừ những công trình công ích như quốc phòng, công vụ, dạy học, phòng chống và giảm thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng chung mang tính chất phi kinh doanh, đo đạc vẽ bản đồ, quan trắc khí tượng.

    Phương án quản lý sử dụng tiền thu từ sử  dụng các đảo không có cư dân, do Bộ  Tài chính cùng với Bộ ngành chủ quản về  biển thuộc Quốc Vụ Viện quy định.

    Điều 32: Việc xây dựng các công trình kiến trúc hoặc các thiết bị được phê chuẩn tại các đảo không có cư dân có thể sử dụng cần căn cứ vào quy hoạch bảo vệ và sử dụng tại những đảo không có cư dân để hạn chế tổng khối lượng xây dựng, độ cao và cự ly tuyến bờ biển của công trình kiến trúc, thiết bị, tạo nên sự hài hòa giữa công trình với thảm thực vật và cảnh quan xung quanh.

    Điều 33: Nước thải được tạo ra trong quá trình sử dụng đảo không có cư dân, cần được xử lý và thoát nước theo quy định.

    Những phế thải rắn tạo ra trong quá trình sử dụng tại các đảo không có cư dân cần được xử lý, căn cứ theo quy định tiến hành bố trí xử lý thành các chất không gây hại, cấm đổ các phế thải xuống hải đảo và xung quanh khu vực biển đảo không có cư dân.

    Điều 34: Các đảo không có cư dân được sử dụng mang tính tạm thời, không được xây dựng các công trình kiến trúc mang tính vĩnh cửu.

    Điều 35: Dựa theo luật pháp để xác định có thể sử dụng các đảo không có cư dân và khu vực biển lân cận triển khai các hoạt động du dịch, nhưng không được xây dựng những công trình định cư cho cư dân, không được tổ chức các hoạt động chăn nuôi mang tính sản xuất; Nếu đã tồn tại những hoạt động chăn nuôi mang tính sản xuất, cần xác định các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường tương ứng trong quy hoạch bảo vệ và tận dụng các đảo không  có cư dân sinh sống nếu có thể tận dụng được.

    TIẾT 4: BẢO VỆ CÁC HẢI ĐẢO DÙNG CHO MỤC ĐÍCH ĐẶC BIỆT

    Điều 36: Nhà nước tiến hành bảo vệ đặc biệt đối với những hải đảo vốn có thể sử dụng với mục  đích đặc biệt hoặc có giá trị cần được bảo vệ đặc biệt như: đảo ở những vùng biển điểm cơ sở lãnh hải, đảo dùng cho mục đích quốc phòng, đảo trong khu bảo vệ thiên nhiên biển.

    Điều 37: Những hải đảo ở tại khu vực điểm cơ sở lãnh hải do chính quyền nhân dân tỉnh, thành phố khu tự trị, thành phố trực thuộc TƯ quy định phạm vi bảo vệ, báo cho những bộ ngành chủ quản hải dương Quốc Vụ Viện lưu trữ. Vùng điểm cơ sở lãnh hải và những vùng lân cận thuộc phạm vi bảo vệ cần được bố trí những biểu tượng rõ ràng.

    Cấm  được xây dựng công trình và các hoạt động khác có thể làm thay đổi đến địa hình, địa mạo của khu vực này trong phạm vi bảo vệ những vùng điểm cơ sở lãnh hải. Nếu cần tiến hành xây dựng những công trình tại những vùng lãnh hải có điểm cơ sở, cần được thông qua bằng các luận chứng khoa học, sau khi báo cáo, các bộ ngành chủ quản về biển của Quốc Vụ viện đồng ý, sẽ căn cứ vào luật pháp để tiến hành thủ tục thẩm tra phê duyệt.

    Cấm làm tổn hại hay tự ý thay đổi những biểu tượng của những điểm cơ sở lãnh hải.

    Những ban ngành chủ quản biển của chính quyền nhân dân cấp huyện trở lên cần tuân theo những quy định của nhà nước, cần thực thi giám sát hệ thống sinh thái đối với các đảo tại điểm cơ sở lãnh hải và khu vực xung quanh các đảo này.

    Bất kỳ đơn vị hay cá nhân nào đều có  nghĩa vụ bảo vệ điểm cơ sở lãnh hải hải đảo. Phát hiện điểm cơ sở lãnh hải và điạ hình, địa mạo trong phạm vi bảo vệ của điểm cơ sở lãnh hải bị phá hoại cần kịp thời báo cáo cho những ban ngành chủ quản về biển và chính quyền nhân dân nơi đó biết.

    Điều 38: Nghiêm cấm phá hoại những địa hình, địa mạo tự nhiên của những hải đảo không có người dân sinh sống dùng cho mục đích quốc phòng và những địa hình, địa mạo của những khu vực hải đảo có người dân sinh sống dùng cho mục đích quốc phòng và những vùng lân cận.

       Cấm sử dụng những hải đảo không có cư dân sinh sống được dùng cho mục đích quốc phòng vào những mục đích khác. Khi kết thúc sử dụng cho mục đích quốc phòng, sau khi được các cơ quan quân sự phê chuẩn, cần chuyển giao đảo và những tài liệu bảo vệ môi trường sinh thái liên quan với các đảo này cho chính quyền nhân dân tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc TƯ. 

    Điều 39: Quốc Vụ Viện, những bộ ngành hữu quan của Quốc Vụ viện và chính quyền nhân dân tỉnh, khu tự trị, và thành phố trực thuộc TƯ, căn cứ vào yêu cầu về tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên và nhu cầu bảo vệ lịch sử, di sản nhân văn các đảo, căn cứ vào luật pháp để thiết lập những khu bảo vệ biển tự nhiên và những khu vực bảo vệ biển đặc biệt đối với những hải đảo và những vùng biển lân cận có giá trị bảo vệ đặc biệt.

    CHƯƠNG 4

    ĐÔN ĐỐC GIÁM SÁT

    Điều 40: Những bộ ngành hữu quan thuộc chính quyền nhân dân cấp huyện trở lên cần dựa theo pháp luật để đôn đốc và giám sát đối với việc bảo vệ, khai thác, xây dựng những hải đảo có cư dân sinh sống.

    Điều 41: Các bộ ngành chủ quản biển cần dựa theo luật pháp để đôn đốc giám sát tình hình bảo vệ và tận dụng hợp lý những hải đảo không có cư dân sinh sống.

     Các bộ ngành chủ quản biển và cơ cấu giám sát biển dựa vào luật pháp để tiến hành đôn đốc giám sát tình hình bảo vệ hệ thống sinh thái của những vùng biển lân cận các đảo.

       Điều 42: Các bộ ngành chủ quản hải dương cần dựa vào luật pháp để có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, có quyền yêu cầu đơn vị, cá nhân bị kiểm tra giải thích những vấn đề liên quan đến tận dụng hải đảo, cung cấp những tư liệu và văn kiện có liên quan về tận dụng hải đảo, có quyền kiểm tra tại chỗ các đơn vị và cá nhân sử dụng hải đảo. Khi nhân viên kiểm tra thực hiện chức trách kiểm tra cần đưa ra những giấy tờ hợp pháp có hiệu lực. Các đơn vị và cá nhân cần phối hợp công tác kiểm tra, tình hình được phản ánh đúng, cung cấp những tài liệu và tư liệu liên quan, không được cự tuyệt hay gây trở ngại cho công tác kiểm tra.

       Điều 43: Nhân viên kiểm tra nhất định phải trung thành với nhiệm vụ, chí công vô tư, liêm khiết, văn minh, đồng thời chịu sự giám sát của pháp luật. Khi căn cứ vào pháp luật, phát hiện ra những hành vi vi phạm những quy định ghi trong Luật này, phát hiện nhân viên công tác tại các cơ quan nhà nước có hành vi trái pháp luật cần được xử lý, cần đề xuất kiến nghị xử lý tới những cơ quan có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc các cơ quan giám sát các đối tượng này.

    CHƯƠNG 5

    TRÁCH NHIỆM PHÁP LUẬT

    Điều 44: Những bộ ngành chủ quản về biển và những bộ ngành khác có chức trách quản lý, đôn đốc, giám sát có trách nhiệm bảo vệ hải đảo, sau khi phát hiện những hành vi trái pháp luật hoặc nhận được báo cáo về hành vi vi phạm pháp luật mà không căn cứ theo luật pháp để xử lý, hoặc có những hành vi khác không căn cứ vào những quy định của Luật này để thực hiện trách nhiệm thì chính quyền nhân dân hay những bộ ngành chủ quản chính quyền nhân dân cấp trên có trách nhiệm ra lệnh xử lý sửa đổi, đối với nhân viên chủ quản và những nhân viên phụ trách trực tiếp khác sẽ xử lý theo pháp luật.

    Điều 45: Vi phạm những quy định Luật này, làm thay đổi tuyến bờ biển hải đảo trong khu vực bảo vệ tự nhiên, lấn biển, rào lấn làm thay đổi tuyến bờ biển của đảo hoặc tiến hành đổ đất nối các đảo lại với nhau, thì căn cứ vào các quy định của “Luật quản lý sử dụng vùng biển của nước CHND Trung Hoa” để xử phạt.

    Điều 46: Vi phạm quy định của Luật này, đào bới, phá hoại san hô, rặng san hô, hay chặt phá những rừng đước thuộc khu vực biển quanh đảo, thì căn cứ vào quy định của “Luật bảo vệ môi trường biển của nước CHND Trung Hoa” để xử lý.

       Điều 47: Vi phạm những quy định trong Luật này, khai thác đá, đào bới cát, chặt phá cây rừng hay thu thập những tiêu bản sinh vật, phi sinh vật tại những đảo không có cư dân, thì các ban ngành chủ quản về biển thuộc chính quyền nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm ra lệnh ngăn cấm những hành vi vi phạm pháp luật, tịch thu đồ vi phạm, có thể xử phạt dưới 20.000 NDT.

       Vi phạm những quy định của Luật này, mà tiến hành những hoạt động sản xuất, xây dựng hoặc tổ chức triển khai những hoạt động du lịch tại các đảo không có người, thì các ban ngành chủ quản về biển thuộc chính quyền nhân dân cấp huyện trở nên có trách nhiệm ra lệnh dừng những hành vi vi phạm, tịch thu đồ vi phạm, xử phạt với mức từ 20.000 đến 200.000 NDT.

    

  Điều 48: Vi phạm những quy định của luật này, tiến hành các họat động làm thay đổi nghiêm trọng địa hình, diện mạo tự nhiên của các hòn đảo không có cư dân thì ngành chủ quản biển thuộc chính quyền nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm ra lệnh đình chỉ những hành vi vi phạm, xử phạt từ 50.000 NDT đến 500.000 NDT.

    Điều 49: Vi phạm xả nước thải tại các hòn đảo và vùng biển xung quanh, thì căn cứ vào các quy định của luật bảo vệ môi trường có liên quan để xử phạt.

    Điều 50: Vi phạm những quy định của luật này, tiến hành xây dựng các công trình trong phạm vi bảo vệ các vùng trọng điểm thuộc lãnh hải hoặc các hoạt động khác làm thay đổi địa hình, địa mạo khu vực, xây dựng công trình kiến trúc hoặc lắp đặt các thiết bị mang tính vĩnh cửu tại những đảo không có cư dân được sử dụng tạm thời hoặc xây dựng những điểm định cư cho cư dân tại những đảo không có cư dân để có thể tranh thủ triển khai các hoạt động du lịch căn cứ vào luật pháp xác định, thì các ngành chủ quản biển thuộc chính quyền nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm ra lệnh dừng những hành vi vi phạm này, xử phạt từ 20.000 đến 200.000 NDT.

 

    Điều 51: Làm hỏng hay tự mình di chuyển các mốc trọng điểm thuộc lãnh hải thì căn cứ vào luật quản lý trị an để xử phạt.

    Điều 52: Phá hỏng, làm nguy hại tới các công trình, thiết bị quân sự được bố trí tại đảo, hoặc làm hỏng, tự ý di chuyển những tài sản công như máy móc trợ giúp hàng hải, hướng dẫn hàng hải, đo đạc, quan trắc khí tượng, giám sát biển và giám sát địa chấn được lắp đặt trên đảo thì căn cứ vào những quy định luật pháp, pháp lệnh hành chính liên quan để xử phạt.

    Điều 53: Nếu không có quyền phê chuẩn khai thác các đảo không có cư dân sinh sống mà lại phê chuẩn, vượt quyền hạn để phê chuẩn khai thác sử dụng các đảo không cư dân hoặc làm trái quy hoạch bảo vệ các đảo để phê chuẩn khai thác sử dụng các đảo không có cư dân, thì văn kiện được phê chuẩn sẽ không có giá trị; căn cứ vào pháp luật để xử phạt những cán bộ chủ quản và những người chịu trách nhiệm trực tiếp.

    Điều 54: Làm trái những quy định của luật này, từ chối sự giám sát, kiểm tra của các ngành chủ quản biển, có những hành vi dối trá khi bị giám sát, kiểm tra hoặc không cung cấp các văn kiện và tài liệu liên quan thì cơ quan chủ quản biển của chính phủ (chính quyền) nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm ra lệnh sửa đổi, có thể xử phạt dưới 20.000 NDT.

    Điều 55: Làm trái những quy định của luật này, cấu thành phạm tội, thì căn cứ vào pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự. Phá hoại hệ thống môi trường sinh thái các đảo và vùng biển xung quanh thì căn cứ vào luật để chịu trách nhiệm dân sự.

    CHƯƠNG 6

    ĐIỀU KHOẢN BỔ SUNG

    Điều 56: Các hoạt động bảo vệ và quản lý liên quan vùng đất thủy triều thấp thì căn cứ vào các quy định có liên quan của luật này để chấp hành.

    Điều 57: Hàm nghĩa từ ngữ chuyên dùng trong luật này:

    (1) Hệ thống môi trường sinh thái hải đảo và  khu vực biển xung quanh là chỉ quần thể sinh vật và thực thể phức hợp hữu cơ trong môi trường phi sinh vật như đảo, đường ven biển, bãi biển, thảm thực vật, nước ngọt và vùng biển xung quanh.

    (2) Các đảo không có cư dân là chỉ các đảo không có đăng ký chỗ ở quản lý hộ tịch của cư dân.

    (3) Vùng đất thủy triều thấp: là chỉ vùng đất hình thành một cách tự nhiên khi mà thuỷ triều thấp thì nước biển bao quanh, nhưng khi thuỷ triều lên thì bị ngập trong nước.

    (4) Lấp biển nối các đảo với nhau là chỉ hành vi dùng các phương thức như thông qua lấp biển để liên kết các đảo với đất liền hoặc liên kết đảo với đảo.

    (5) Sử dụng mang tính tạm thời các đảo không có cư dân sinh sống là chỉ những hành vi do nhu cầu như công vụ, giảng dạy, điều tra khoa học, cứu nạn, tránh rủi ro.v.v.. mà lên đảo, lưu lại trên các đảo này trong thời gian ngắn.

 

    Điều 58: Luật này được thực hiện từ ngày 1 tháng 3 năm 2010./.

  

(Nguồn: http://www.npc.gov.cn/huiyi/cwh/1112/2009-12/26/content_1533219.htm)

    Ghi chú: Bản dịch không chính thức để tham khảo.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter