Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

'Phải có Hiến pháp dân chủ'


'Bác Hồ, hiến pháp, dân chủ

Nguyễn Đăng Tấn


Kichbu posted on 19.05.2013

Trở lại bản Hiến pháp đầu tiên 1946 càng thấy những chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ đối với việc soạn thảo nội dung cốt lõi của hiến pháp.

Hiện nay chúng ta đang lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho Bản Dự thảo Hiến pháp 1992. Có thể nói đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để mọi công dân thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với sự phát triển của đất nước.

Trở lại bản Hiến pháp đầu tiên 1946 càng thấy những chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ đối với việc soạn thảo nội dung cốt lõi của hiến pháp.

Dân là chủ

Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số người dân.

Ngay từ khi ra đi  tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc đến nhiệm vụ xây dựng một bản hiến pháp cho một nước độc lập.

Khoảng năm 1012-1913 khi ở Mỹ, được tiếp xúc với bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 1776, tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của bản Tuyên ngôn đã gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ đối với Người.

Thời kỳ ở Pháp những tư tưởng trên lại một lần nữa được Người tiếp thu qua  "Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền" của cách mạng Pháp (1791).

 Bác Hồ, hiến pháp, dân chủ

Bác Hồ bỏ lá phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960. Ảnh tư liệu.

Trong Tuyên ngôn độc lập Người đã thay mặt chính phủ long trọng tuyên bố với thế giới tại Quảng trường Ba Đình: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Người đã dẫn chứng lại bản Tuyên ngôn của nước Mỹ cũng như Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp.

Từ những vấn đề trên Người rút ra kết luận khoa học rằng: "Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".

Ở đây biện chứng của mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội đã được Người chỉ ra: Tự do của xã hội là tiền đề cho mỗi cá nhân và ngược lại.

Những tư tưởng trên sau này là nền móng cho Hiến pháp năm 1946. Trong cuộc họp chính phủ chỉ sau một ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, Người đã vạch ra nhiệm vụ cấp bách là xây đựng một bản Hiến pháp. Đó chính là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách mà Hồ Chủ tịch đưa ra trong phiên họp đầu tiên ấy: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ".

Tư tưởng "Tất cả mọi quyền lợi đều thuộc về nhân dân" là quan điểm xuyên suốt trong xây dựng một bản Hiến pháp đồng thời cũng là tư tưởng và hành động của Người trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Chính phủ. Quyền con người theo Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là quyền của cá nhân con người mà còn là quyền độc lập, quyền tự quyết của một dân tộc.

"Hiến pháp dân chủ" trong tư tưởng của Hồ Chí Minh là sự thể hiện rõ tính nhất quán, tính biện chứng giữa tự do cá nhân và xã hội. Có lần Người nhấn mạnh độc lập dân tộc phải gắn liền với tự do của nhân dân. Người chỉ rõ: "Nước độc lập mà dân không được tự do thì độc lập ấy chẳng có nghĩa lý gì".

Quan niệm dân chủ của Bác rất giản dị, dân là chủ và dân làm chủ. Theo Người, nếu vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền thì vấn đề cơ bản của một chính quyền là ở chỗ nó thuộc về ai, phục vụ cho quyền lợi của ai. Đấy chính là cơ chế để thực hành dân chủ.

Thực hiện những tư tưởng trên, trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta,  Điều 1 đã khẳng định: "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo". Điều 32 của Hiến pháp 1946 cũng quy định: "Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phán quyết". Thực chất đó là chế độ trưng cầu dân ý, một hình thức dân chủ trực tiếp được đề ra khá sớm ở nước ta.

Có thể nói xuyên suốt trong Hiến pháp 1946 là xây dựng một cơ chế dân chủ để thực thi và bảo đảm quyền con người của một đất nước độc lập. Sau này tùy theo điều kiện cụ thể, Người nhấn mạnh đến dân chủ ở những góc độ khác nhau. Ở Bác mục tiêu của cách mạng là giành chính quyền về tay nhân dân và khi đã có chính quyền thì nhiệm vụ của chính quyền là đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân: Ai cũng có cơm ăn áo mặc ai cũng được học hành.

Nhà nước là công cụ để dân thực hành quyền dân chủ

Tư tưởng Nhà nước là phục vụ dân chứ không phải nhà nước đứng trên dân thể hiện rất rõ trong tư tưởng của Bác và trong bản Hiến pháp đầu tiên.

Nét nổi bật nhất xuyên suốt nội dung của 7 chương 70 điều của Hiến pháp năm 1946 là tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân với một chính thể dân chủ rộng rãi, một bộ máy nhà nước mạnh mẽ và sáng suốt đề cao và tôn trọng quyền con người, quyền công dân.

Theo quan niệm của Người: "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo".

Người chỉ ra rằng: "Tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân". Đánh giá về vai trò của quần chúng, Bác viết: "Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại". Và "Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết". Bởi vì: So với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên.

Có thể nói quyền con người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong suy nghĩ và hành động của Người cũng như trong tư tưởng chỉ đạo để hình thành bản Hiến pháp năm 1946. Chính phủ sinh ra là để để phục vụ dân, cán bộ phải là "người đầy tớ, là công bộc của dân" chứ không phải là nơi để "làm quan phát tài".

Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân và vì dân là nhà nước công bộc của dân, gánh vác công việc chung của dân chứ không phải để đè đầu cưỡi cổ dân. Người dạy, để thực sự là "đầy tớ của dân", các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở phải thực sự gần dân, biết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, làm việc gì cũng bàn bạc kỹ và học hỏi kinh nghiệm của nhân dân, thực sự yêu dân, kính dân, tin cậy và trọng dân, ăn ở công bằng với dân.

Người phê bình một số cán bộ thường ngộ nhận cho là dân dốt nên không thèm học hỏi dân, hoặc khi làm được một số việc thành công đã vội cho mình là tài giỏi, và cảnh báo: "Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng".

Theo Người, "Lực lượng bao nhiêu là nhờ dân hết" nhà nước muốn điều hành quản lý xã hội có hiệu quả thì phải dựa vào dân, Người nói phải "đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân". Cho nên, Đảng ta luôn chủ trương dựa vào dân, tạo điều kiện để nhân dân phát huy cao nhất quyền làm chủ, tham gia tích cực vào việc quản lý nhà nước.

Tư tưởng về một "Hiến pháp dân chủ" được thể hiện xuyên suốt trong tư tưởng của Người và được thể hiện rất rõ trong toàn bộ Hiến pháp năm 1946. Nó thể hiện tính biện chứng nhất quán giữa chủ thể là người dân và cơ chế để thực hành dân chủ của dân.

-----


2 nhận xét:

  1. Kicbu có bị suy thoái không? Nghe nói trong Hội nghị TW7 các đồng chí suy thoái chiếm phần lớn trong 175 vị, nên không ban hành được nghị quyết sửa đổi HP. Bản HP 46 này suy thoái nghiêm trọng. Haizz...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói nhỏ thôi kẻo Bác Hồ nghe được...Bác buồn!

      Xóa

Steps


Flag Counter