Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Nhân ngày sinh lần thứ 120 Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Nhân ngày sinh lần thứ 120 Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thôi đi, 16 chữ xoa đầu
Đăng bởi bvnpost on 19/05/2010
Thái Hữu Tình
Bác V. là cán bộ văn phòng Tỉnh ủy, về hưu đã mấy năm nay. Được con cháu hướng dẫn sử dụng máy vi tính, bác mê lắm. Mỗi ngày bác dành vài giờ đồng hồ đọc các báo mạng, trao đổi thư từ. Nhờ trời, chịu học, bác cũng đọc được tiếng Anh tàm tạm.
Một hôm, theo một đường link bác tóm được một bức tranh “cực kỳ”! Đó là kiệt tác "Famous People Painting “Discussing the Divine Comedy with Dante” (Nháy chuột vào dòng chữ tiếng Anh để xem hình lớn-Kichbu). Bức tranh phải nói là đẹp và hoành tráng. Ánh sáng, màu sắc lung linh, sang trọng, pha chút huyền bí, thiêng liêng. Hơn trăm con người trong tranh nổi lên như thật, người nào cũng sinh động. Mà giá trị nhất ở chỗ đây toàn là những nhân vật nổi tiếng nhất của nhân loại, từ cổ chí kim, tốt có, xấu có, tụ hội về đây như một “đại hội đại biểu” của toàn thể nhân quần vậy.
clip_image002
Thoáng nhìn dễ nhận ra ngay bác Mao ngồi ở bàn giữa tươi cười với tẩu thuốc trên tay, gần đấy là Lincoln, Các Mác, là Stalin với bộ tóc bộ râu không lẫn vào đâu được. Trên cao, góc trái là Lênin đang giơ tay chỉ lối, gần đấy là Hitler với cái mũi khoằm và mái tóc vạt chéo trước trán, nhưng lại có ai như Quan Công cầm thanh long đao, ai như vua bóng đá Pê lê nữa này… Phi đen, Chê-ghê-va-ra, Yasser Arafat thì trộn vào đâu cho lẫn?
Tất nhiên rất nhiều nhân vật bác chỉ thấy quen quen, nhiều nhân vật còn lạ với bác. Nhưng may quá, khi online, di con chuột đến đâu là tên nhân vật hiện ra đến đấy, bấm chuột một cái là hiện ra một trang tiểu sử của nhân vật. Cứ thế bác khám phá tiếp từng nhân vật trong tranh.
Chợt bác sực tỉnh, phải tìm Bác Hồ, xem Bác nhà mình đang ở chỗ nào? Chắc ngồi cạnh bác Mao? Không. Tìm quanh Mác, Lênin, Stalin, không thấy. Tìm trên cao, không thấy. Tìm hàng dưới cùng, nơi Putin ngồi bệt cạnh Pê lê, cũng không thấy.
Vô lý! Bác V. rà soát lại một lượt, thật kỹ, từ đầu đến cuối đủ 103 nhân vật, vẫn không thấy Bác Hồ của chúng ta đâu cả!
Sao lại bỏ sót được? Họ vẽ cả những nhân vật cỡ “tàng tàng” như Lôi Phong, như nhà đấm bốc Tyson, như mẹ Teresa, như ca sĩ Elvis Presley… Có cả những tội nhân xấu xa của nhân loại như Hitler, Saddam Hussein, thậm chí có cả con cừu Doli…, mà sao họ quên Bác nhà mình được hè?
Với một chút mất bình tĩnh, bác truy tìm tác giả bức tranh, chắc tác giả là những “thằng Tây” bên Âu Mỹ xa xôi nên coi nhẹ vùng Á Đông? Chắc họ vẽ vội vàng nên bỏ sót chăng?
Theo chỉ dẫn, bác tìm ngay ra tác giả bức tranh chẳng mấy khó khăn. Đó là 3 nghệ nhân, ba họa sĩ, ba cán bộ của Trung Quốc: một Dai Dudu – Viện phó Viện Nghệ thuật Liêu Ninh; rồi một họa sĩ sơn dầu Li Tiezi; và một Zhang Anjun – họa sĩ sơn dầu kiêm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ trẻ. Lạ hè? Ba nghệ sĩ Trung Quốc, loại có tầm cỡ sao lại không biết Bác Hồ hè? Mà vẽ trong 10 tháng , thừa thời gian để soát đi soát lại chứ vội vã gì đâu? Ba nhân vât nho nhỏ đứng ở góc bên phải phía trên chính là chân dung ba tác giả ấy tự họa.
*
Từ đấy nhiều đêm bác V, không ngủ, cố giải thích cho ra điều ẩn khuất trong bức tranh rất đẹp kia. Bác Hồ chẳng những là anh hùng cứu quốc của dân Việt Nam mà còn là “danh nhân văn hóa kiệt xuất” của cả nhân loại này mà họ quên được à? Mà xa xôi gì, Việt Nam “núi liền núi sông liền sông, chung một biển Đông, mối tình hữu nghị sáng như rạng đông”? Bác nhà mình đã từng làm rể Trung Quốc, đã khởi nghiệp Cách mạng và lui tới Trung Quốc như người nhà, Bác mình đã được Bác Mao ca ngợi bằng câu đối có một không hai (Chí khí tráng sơn hà, Nam Bắc anh hùng duy hữu nhất * / Minh tinh thùy vũ trụ, Á Âu hào kiệt thị vô song). Bác Hồ có khác gì Bác Mao (Bác Mao nào ở đâu xa / Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao). Bác Mao đang ngồi ngay chính giữa đây, Bác Hồ ở nơi nao?
Thôi được, những chuyện cũ xa xôi cứ cho là quên đi, nhưng16 chữ vàng mới toanh sờ sờ ra đó : Lân cư hữu nghị , Toàn diện hợp tác , Trường kỳ ổn định , Tiến nhi vị lai (鄰居有誼 , 全面合作 , 長期穩定 , 进而未來). Rồi quan hệ Tứ hảo nữa “láng giềng tốt, bạn bè tốt, chiến hữu tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”!
Thử hỏi có nước nào trên thế giới thân thiết được với Trung Quốc hơn thế nữa không? Các họa sĩ Trung Quốc nhớ đến tất cả thế giới, nhớ cả kẻ thù, sao chỉ quên mỗi người láng giềng thân thiết như môi với răng? (Làm sao răng lại quên môi?), Bác Hồ thì cả thế giới còn phải nhớ, sao “thằng bạn láng giềng 4 tốt” lại quên Bác được?
Rồi bác liên hệ với những sự kiện đang vang vang trên báo chí, về thái độ bành trướng, kẻ cả, tranh chấp của Trung Quốc với ta trên biển đảo, trên biên giới, về đường lưỡi bò liếm trọn biển Đông, về mưu đồ khai thác tài nguyên và thuê đất rừng đầu nguồn, húc chìm tàu của ta, cho báo chí đưa tin sẽ dùng vũ lực đối với Việt Nam, đè bẹp Việt Nam sau 31 ngày… Thảo nào, báo chí đã kết luận “16 chữ” chỉ là sự tử tế ngoài miệng. Ngôn ngữ ngoại giao bịp bợm để hành động bành trướng ngày một sâu.
Vậy 16 chữ ấy đâu phải chữ “vàng”? Chỉ là vàng giả, vàng mạ, vàng mã, vàng ma… Mỗi lời ngọt ngào là một đợt xâm lấn, chèn ép. Vậy họ nói mặc họ, sao tự mình lại xưng tụng mấy chữ khốn ấy làm gì? Thôi đi, 16 chữ… vàng ma!
Trở lại nỗi ấm ức về bức tranh, bác yên tâm rằng vì họ ghét mình nên họ không vẽ Bác Hồ. Không vẽ Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, không vẽ danh tướng Võ Nguyên Giáp… cũng vì các anh hùng của ta chống Tàu hay không phục Tàu thôi. Tóm lại, nguyên do vì hai nước đang mâu thuẫn nhau nên họ ghét. Nhưng thói đời thế cũng là thường, mình không thèm nói theo nữa là được!
Nhưng thói quen suy nghĩ đã không cho bác yên tâm với cách giải thích ấy. Họ không vẽ một danh nhân nào của Việt Nam vì các danh nhân các anh hùng của ta đều chống Tàu ư ? Giải thích ấy đúng với Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… nhưng không đúng với Bác Hồ. Trái lại, Bác chính là biểu tượng hữu nghị thân thiết Việt-Trung kia mà? Thế thì vì sao? Đây là tác phẩm nghệ thuật của ba nghệ sĩ trưng ra với thế giới nghệ thuật, đầu phải một hành vi chính trị nhằm vào Việt Nam mà gán cho họ âm mưu? Họ vẽ theo nhận thức tự nhiên của họ, vì thế mà đáng tin.
Bác V. trằn trọc, không giải thích được. Bỗng hôm nay, đọc bài dịch của Gs Vũ Cao Đàm về một bài báo của người Trung Quốc, thấy họ gọi Việt Nam là bọn oắt tì , nước lỏi con , một nước vô liêm sỉ , tiểu nhân bỉ ổi không biết xấu hổ…”, bác như chợt ngộ ra điều gì. Những chữ ấy không biểu hiện sự GHÉT, mà biểu hiện sự KHINH mới đúng ! Đúng rồi, họ GHÉT thì ít mà KHINH thì nhiều. Bác V. nhớ lại một số bài báo đã vạch rõ thâm tâm của Tàu chỉ coi Việt Nam như một QUẬN HUYỆN của họ, một thứ quận huyện mọi rợ, kém phát triển, hèn nhát, vô liêm sỉ. Một đàn bị khinh thì con đầu đàn có gì đáng trọng?
Việc họ ban 16 chữ rất kêu cho một “bọn oắt tì”, một “nước lỏi con” thì đấy là gì nếu không phải là cái xoa đầu của người lớn đối với một đứa trẻ con dại dột nhưng ưa phỉnh? Nếu ta không biết phản đối 16 chữ xoa đầu láo xược, coi dân tộc ta như con nít như thế, mà còn khúm núm nâng bàn tay của kẻ xoa đầu ta [bằng hai tay mình như ông HTH – BVN], còn tôn đây là lời “vàng” thì dân tộc không để đâu hết nhục! Bảo đây là đấu pháp “mềm” , thì mềm với vô sỉ còn khác nhau ở chỗ nào? Khổ thế, cứ như vậy bác V. tự dằn vặt mình, không sao ngủ được. Cứ như cá nhân mình bị sỉ nhục. Vì trong huyết quản của bác vẫn còn một dư lượng hóa chất chống ngủ: Tự trọng !
Cổ nhân có câu : Ta tự trọng thì người sẽ trọng ta, ta tự khinh thì người sẽ khinh ta! Thà bị người GHÉT, chứ không chịu để người KHINH. Bác V. lẩm nhẩm một mình: Hãy cảm ơn kẻ đã khinh ta, lời khinh chưa chắc đã đúng, nhưng họ cho ta một dịp đo lại tầm vóc thật của mình.
THT (ghi chép)
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
.

2 nhận xét:

Steps


Flag Counter