Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

Đông Nam Á: Cạnh tranh vũ khí hay chạy đua vũ trang?

Đông Nam Á: Cạnh tranh vũ khí hay chạy đua vũ trang?

Richard A. Bitzinger

>> Phần 1

Rõ ràng Đông Nam Á đang trải qua một giai đoạn nở rộ mạnh mẽ các đơn đặt hàng mua vũ khí thông thường tân tiến. Điều này có nghĩa là gì? Một trong các cách giải thích dễ dãi nhất cho rằng hiện tượng này là mầm mống của một cuộc chạy đua vũ trang (CĐVT). Một cách giải thích khác: đây đơn giản là một phần của một quá trình tái vũ trang bình thường. Cách giải thích thứ ba và đúng hơn, là khu vực này đang trong thời điểm "năng động vũ khí", tức là một cuộc cạnh tranh về vũ khí, chưa phải là CĐVT, song nhiều hơn việc hiện đại hóa quân đội thông thường.

Mầm mống của chạy đua vũ trang?

Sẽ là quá đơn giản khi kết luận rằng quá trình mua vũ khí hiện nay ở Đông Nam Á là một "cuộc chạy đua vũ trang". Khái niệm CĐVT có những nét nghĩa của riêng nó: đó là một phần của chu kỳ "hành động - hành động đáp trả" của việc mua vũ khí. Nước A mua một phần mềm quân sự đặc biệt, nước B cũng mua nó, và cứ thế. Bên cạnh đó, các cuộc CĐVT tạo cho những nước tham gia một cái cớ khéo léo để biện hộ hành động của mình. Đơn giản là họ chạy theo một cái vòng luẩn quẩn không có lối thoát nào không làm tổn hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, nếu gọi tiến trình mua sắm vũ khí hiện nay ở Đông Nam Á là một cuộc CĐVT mà không định nghĩa thế nào là CĐVT thì sẽ là một sự lừa gạt. Trên thực tế, nếu mô tả đơn giản chu kỳ hành động - hành động đáp lại trong mua sắm vũ khí là CĐVT thì quá ngây thơ, chẳng khác nào nói hai hoặc nhiều nước đang CĐVT vì họ đều mua vũ khí. Rõ ràng, để quá trình mua sắm này tạo thành một cuộc CĐVT, cần có nhiều yếu tố khác.

Theo Colin Grey, một cuộc CĐVT cần có bốn đặc điểm: một là sự tồn tại của từ hai bên trở lên, ý thức về sự đối đầu nhau; hai là các bên chủ ý cấu trúc lực lượng quân đội với một sự "ý thức đầy đủ" về các hành động chính trị và quân sự của bên kia; ba là, cuộc cạnh tranh giữa họ phải liên quan đến cả số lượng và chất lượng mua sắm vũ trang; và cuối cùng là mỗi bên phải tăng cường hoặc nâng cấp kho vũ khí của mình với một tốc độ "nhanh chóng". Gray nhấn mạnh cả bốn yếu tố này phải được thể hiện đầy đủ mới có thể khẳng định một quan hệ nào đó là cuộc CĐVT.

Đông Nam Á đang trải qua một giai đoạn nở rộ mạnh mẽ các đơn đặt hàng mua vũ khí thông thường tân tiến.Ảnh minh họa: vietinfo
Grant Hammond còn chính xác hơn Gray. Đối với Hammond, một cuộc CĐVT xảy ra khi (1) có một quan hệ song phương (2) trong đó mỗi bên xác định rõ rằng bên kia là địch thủ, (3) giữa hai bên có sự thù hận công khai và ở mức cao, (4) việc hoạch định về chính trị/quân sự của mỗi bên trực tiếp dựa trên khả năng và ý định của bên kia, (5) dẫn đến việc "gia tăng một cách bất thường và liên tục" trong chi tiêu quốc phòng và mua sắm vũ khí, (6) nhằm tìm cách chế ngự đối thủ của mình bằng sự hăm dọa. Một cuộc CĐVT như vậy sẽ làm rối loạn nghiêm trọng hoặc gây hại cho sự cân bằng về quân sự song phương cũng như trong khu vực, dẫn tới sự bất ổn và mất an ninh trong khu vực. Xét theo góc độ này, việc mua sắm các loại vũ khí thông thường tối tân có thể có một tác động không thuận đối với môi trường an ninh khu vực, nơi căng thẳng vốn đã cao. Nếu nhìn việc mua sắm vũ khí hiện nay ở Đông Nam Á theo cách hiểu này, thì chắc chắn đây không phải là một cuộc CĐVT. Trong khi các quốc gia trong khu vực đương nhiên có những mối thù lịch sử hoặc nghi ngại lẫn nhau, chúng lại không được thể hiện ra trong một tuyên bố về "sự đối đầu công khai ở mức cao", mà chỉ là sự đối đầu như giữa Thái Lan và Campuchia xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear. Nói cách khác, Đông Nam Á chưa bao giờ ổn định hơn hiện nay. Không hề có các cuộc xung đột lãnh thổ lớn, mà chỉ là các cuộc tranh chấp về các vùng chồng lấn EEZ và quần đảo Trường Sa.

Trên thực tế, cách giải thích hợp lý hơn, đó là các quốc gia Đông Nam Á đang tái vũ trang chống lại các cường quốc ngoài khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Hơn nữa, các nước này luôn tuyên bố quan hệ láng giềng thân thiện và mong muốn ứng xử quan hệ khu vực trên cơ sở không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Tuyên ngôn này nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng cũng không có bằng chứng nào để khẳng định rằng các nước trong khu vực đang "công khai và trực tiếp" quyết định mua sắm vũ khí dựa trên hành động hay ý định nào đó của các nước láng giềng, và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy một nước Đông Nam Á nào đó đang có ý định tìm cách "chế ngự" nước khác thông qua "sự hăm dọa". Cuối cùng, quá trình mua sắm vũ khí hiện nay trong khu vực chỉ nên được mô tả là đang diễn ra "nhanh chóng" hoặc "rộng rãi": một số nước, như Malaysia, đã phải mất nhiều năm để kết thúc các thỏa thuận vũ khí, trong khi các nước khác, như Thái Lan và Indonesia, thường xuyên phải hoãn hoặc hủy các đơn đặt hàng vũ khí của mình vì eo hẹp tài chính hoặc tranh cãi hợp đồng.

Về số lượng cũng vậy, hầu hết các nước Đông Nam Á ít khi mua vũ khí để tích trữ. Ngoài Singapore, hầu hết các nước khác trong khu vực đang mua các vũ khí tân tiến hơn để thay thế cái đã lỗi thời; Thái Lan chẳng hạn, chỉ mua 12 chiến đấu cơ Gripen mới, Malaysia chỉ mua 18 chiếc Su-30MKM Flankers và Indonesia chỉ có 10 chiếc Sukhoi - hoàn toàn không phải là kiểu mua sắm ồ ạt. Hơn nữa, nhiều nước trong khu vực thậm chí không tham gia cái gọi là CĐVT này.

Brunei, Campuchia, Lào, Philippines và Đông Timor gần đây hầu như không mua một loại vũ khí mới nào. Các nước này chi tiêu cho quốc phòng rất hạn chế. Xét tổng thể, dù gần đây có sự gia tăng ngân sách quốc phòng của một số nước đơn lẻ, nhưng Đông Nam Á vẫn là khu vực chi rất ít cho lĩnh vực này. Năm 2008, ngân sách quốc phòng của toàn Đông Nam Á (600 triệu dân) còn ít hơn của riêng Hàn Quốc (49 triệu dân), với mức tương ứng là 18 tỷ USD và 24 tỷ.

Quá trình tái vũ trang thông thường?

Có thể lập luận rằng, khác với một cuộc CĐVT, các quốc gia Đông Nam Á đơn giản đang tham gia vào một quá trình bình thường và mang tính chu kỳ của việc thay mới thải cũ các trang thiết bị trong kho vũ khí của mình. Các hệ thống vũ khí lâu năm cần được thay thế khi chúng trở nên lỗi thời hoặc khi việc sử dụng chúng gây ra nguy hiểm cho người sử dụng. Hơn nữa, nếu việc tái vũ trang "mạnh" đến mức có vẻ như một cuộc CĐVT, thì đó chỉ là vì các nước này đang thực hiện các hợp đồng mua sắm vũ khí mà họ đã phải hoãn lại từ nhiều năm qua.

Hơn nữa, khu vực này cũng là một trong những thị trường thực sự mở và cạnh tranh đối với các nhà buôn bán vũ khí (không giống như Trung Quốc hoặc Ấn Độ hầu như chỉ mua vũ khí của Nga, hay Nhật Bản và Hàn Quốc hầu như trở thành thị trường "ruột" của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ). Kết quả là các nhà cung cấp đã sẵn sàng bán mọi loại hệ thống vũ khí thông thường mà khu vực này cần, cộng với việc sẵn sàng chuyển giao công nghệ để thực hiện các hợp đồng bán vũ khí. Các hợp đồng "ngọt ngào" như vậy có thể tác động tới loại vũ khí mà quân đội các nước Đông Nam Á chọn mua, chứ không tùy thuộc vào các mối đe dọa hay đòi hỏi quân sự nào.

Sự năng động vũ khí?

Trở ngại lớn nhất đối với việc khái niệm hóa CĐVT là rất khó đưa ra định nghĩa chính xác: ít tình huống hội tụ đủ các tiêu chí để gọi là CĐVT. Tuy nhiên, gọi cuộc "đại hội mua sắm" vũ khí hiện nay ở Đông Nam Á là quá trình tái vũ trang thông thường cũng chưa làm hài lòng tất cả mọi người. Nó đã bỏ qua thực tế là các quốc gia này đang tham gia cái gì đó vượt xa hơn quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Thực vậy, trong thập kỷ vừa qua, họ đã mở rộng khả năng của quân đội nước mình hơn nhiều trước đây, bao gồm các cuộc tấn công chính xác từ xa, tấn công dưới biển và trên không tầm xa, và trên tất cả là các khả năng mới liên quan đến các mạng lưới điều hành, kiểm soát, thông tin, vi tính, tình báo, giám sát và trinh thám. Ít nhất, các loại vũ trang mới hứa hẹn nâng cấp và hiện đại hóa đáng kể phạm vi chiến tranh trong khu vực. Chắc chắn, các lực lượng vũ trang Đông Nam Á đang mua các loại vũ khí chính xác và gây sát thương cao hơn, nâng cao hiểu biết chiến trường và điều hành cũng như kiểm soát, và tăng cường sự mau lẹ cũng như khả năng tác chiến của quân đội. Các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư (4G), những xe tăng chiến đấu hiện đại, hệ thống phóng rocket đa năng và vũ khí điều khiển từ xa (PGM), hay hệ thống tên lửa không đối không điều khiển từ xa... đã làm gia tăng đáng kể hỏa lực và hiệu quả chiến đấu. Việc mua mới các tàu ngầm (trang bị AIP) và các tàu chiến hiện đại, tàu đổ bộ, máy bay chiến đấu tiếp nhiên liệu trên không và máy bay vận tải... cũng đã mở rộng quy mô về lý thuyết của các hoạt động quân sự.

Như vậy, cuộc xung đột trong khu vực, nếu xảy ra, sẽ mang tính công nghệ cao hơn, nhanh hơn và với khoảng cách xa hơn, chính xác hơn và có thể mang tính hủy diệt hơn. Hơn nữa, một số lực lượng quân đội trong khu vực - nhất là Singapore và có thể Malaysia hay Indonesia -  đang mua các loại vũ vũ khí mà nếu được sử dụng đồng thời có thể làm thay đổi cơ bản khái niệm và cách thức tiến hành chiến Xem ra, các nước trong khu vực đang sở hữu ngày càng nhiều những cái đòi hỏi phải "biến đổi" lực lượng vũ trang của mình. Trong khi các lý thuyết về CĐVT có xu hướng thổi phồng bản chất vốn đã bất ổn của việc mua sắm vũ khí kiểu anh có tôi cũng có, thì lập luận cho rằng đây là cuộc hiện đại hóa vũ trang lại không nói được tác động của việc đưa các khả năng mới vào bầu không khí địa chính trị. Việc mua sắm vũ khí như vậy không hoàn toàn trung tính, và nó cũng có thể ảnh hưởng tới an ninh khu vực. Nó có vẻ gần hơn với cách hiểu của Buzan và Herring về "sự năng động vũ khí".

Dù không phải là một cuộc CĐVT, nhưng cuộc cạnh tranh vũ khí này vẫn có thể dẫn tới một môi trường an ninh không đảm bảo trong khu vực. Ảnh minh họa: Vietinfo
Theo hai tác giả này, năng động vũ khí là trường hợp việc mua sắm vũ khí của hai nước không phải nhằm vượt trội hơn đối thủ mà chủ yếu để "duy trì nguyên trạng". Như vậy, việc mua sắm vũ khí hiểu trong năng động vũ khí, dù giống với một cuộc CĐVT, nhưng thực tế là một quá trình "không hề thay đổi" mà duy trì sự cân bằng về quân sự trong khu vực. Để phân biệt hiện tượng này với một cuộc CĐVT, có thể gọi đây là một "cuộc cạnh tranh vũ khí".

Việc mua sắm vũ khí hiện nay của Đông Nam Á dường như phù hợp nhất với khái niệm một cuộc cạnh tranh vũ khí hay năng động vũ khí. Trong khi nhiều nước mua các vũ khí rất tinh vi, số vũ khí mua được lại không đủ lớn để ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự cân bằng quân sự trong khu vực (dù trường hợp Singapore có thể là ngoại lệ). Nhiều nước mua vũ khí chỉ để bảo vệ, như mua tàu để tuần tra vùng nước và đảm bảo quyền ở EEZ. Cuối cùng, phải ghi nhận rằng nhiều nước trong khu vực sở hữu ít vũ khí có thể có nguy cơ gây chiến tranh (ví dụ họ mua máy bay chiến đấu mới nhưng lại không trang bị cho nó vũ khí mới hoặc không trang bị các hệ thống điều hành/giám sát hiện đại).

Tuy nhiên, việc đưa các loại vũ khí mới vào quân đội và nâng cao khả năng của quân đội chưa từng thấy như hiện nay trong khu vực có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Dù không phải là một cuộc CĐVT, nhưng cuộc cạnh tranh vũ khí này vẫn có thể dẫn tới một môi trường an ninh không đảm bảo trong khu vực. Đặc biệt, việc mua sắm liên tục các loại vũ khí tân tiến có thể tạo ra một "thế tiến thoái lưỡng nan trong an ninh" truyền thống - tình huống trong đó các hành động mà một quốc gia làm có thể ảnh hưởng đến an ninh và ổn định của chính họ. Trong trường hợp này, việc mua sắm vũ khí của một nước, dù không có ý định đe dọa láng giềng của mình, cũng có thể khiến các nước gần đó lo ngại và cảm thấy bất an. Hành động đáp lại của các nước láng giềng nhằm "lấy lại" an ninh bằng cách cũng mua vũ khí tân tiến, chỉ làm gia tăng căng thẳng khu vực.

Hơn nữa, dù việc mua vũ khí chỉ nhằm bảo vệ nhưng cũng có thể bị coi là một mối đe dọa bởi chúng có thể được sử dụng trong các chiến dịch khi có xung đột. Cuối cùng, ngay cả khi việc đua nhau mua vũ khí không dẫn tới xung đột, chúng cũng có thể làm gia tăng sự bất an và nghi ngại giữa các quốc gia, và rốt cục gây tác động xấu tới an ninh toàn khu vực.

Tuy nhiên, dù không nhất thiết dẫn tới CĐVT, cuộc cạnh tranh vũ khí mới này có thể vẫn rất đắt đỏ và thậm chí bất cẩn. Tất nhiên, việc mua sắm vũ khí như vậy cần được xem là sự chuyển hướng ngân sách nhà nước vốn eo hẹp ra khỏi các nhu cầu xã hội khẩn cấp hơn như giáo dục, y tế và phát triển kinh tế. Song, cũng có lý khi đặt câu hỏi liệu một số trong những nước này có "cần" đến những vũ khí ngày càng tinh vi hơn như vậy không, nhất là khi ngân sách quốc phòng của họ rất hạn chế và lại cần rất nhiều tiền mới thực hiện được việc này.

Cuối cùng, một vấn đề tất yếu là liệu các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài có bán các loại vũ khí nào đó - như tàu ngầm hiện đại hay tên lửa AMRAAM - cho các nước trong khu vực hay không khi việc bán các hệ thống vũ khí đó có thể được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực an ninh khu vực. Tất nhiên, các nhà cung cấp khó kiềm chế khi nghĩ đến sự phụ thuộc cao độ của các nước sản xuất vũ khí vào việc xuất khẩu vũ khí - nhất là với bán vũ khí cho châu Á- Thái Bình Dương. Hơn nữa, buôn bán vũ khí là ví dụ điển hình cho tình thế "tiến thoái lưỡng nan của người bị phụ thuộc": liệu Mỹ có quyết định không bán vũ khí cho Đông Nam Á hay không khi các nước khác như Pháp, Nga hay Trung Quốc sẵn lòng lấp vào chỗ trống này. Khách quan mà nói, hoàn toàn có thể lập luận rằng việc mua bán vũ khí như vậy giúp tăng cường an ninh và ổn định bằng cách củng cố liên minh quân sự và giúp đỡ lẫn nhau (như trường hợp phối hợp với các lực lượng của Mỹ trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình hay trong các chiến dịch chống hải tặc).

Kết luận

Nếu Đông Nam Á đang ở trong một sự năng động vũ khí, hiện tượng này có thể vẫn tác động xấu đến an ninh khu vực. Những khoản tiền khá lớn được chi cho mua sắm vũ khí, có thể vô hại trong tình hình quân sự hiện nay trong khu vực. Song việc huy động các vũ khí như vậy không phải không có nguy cơ gây lo ngại đối với an ninh khu vực, nhất là khi có sự kiện nào đó đẩy khu vực vào một cuộc xung đột. Mặt khác, cho rằng khu vực đang ở trong sự năng động vũ khí chứ không phải là một cuộc CĐVT đồng nghĩa với việc cho rằng tình hình không thể thay đổi và vấn đề phổ biến vũ khí trong khu vực là có thể giải quyết được. Nhưng ngược lại, một cuộc CĐVT có thể xuất hiện và trở thành một cái vòng luẩn quẩn không thể thoát ra, một sự năng động vũ khí không còn là cách duy trì nguyên trạng sự cân bằng quân sự, và như vậy nó có thể dễ dàng vượt quá giới hạn. Cái vòng luẩn quẩn này có thể bị phá vỡ hoặc giảm nhẹ, và chắc chắn chỉ các cường quốc trong khu vực mới có thể làm như vậy nếu họ muốn thế.

Quốc Thái (theo FP)

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-05-25-dong-nam-a-dang-chay-dua-vu-trang-phan-ii-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter