Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

Từ biển khơi, những nghi ngại cùng những điều xác tín

Từ biển khơi, những nghi ngại cùng những điều xác tín

Đăng bởi bvnpost on 10/05/2010

Xin kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bài viết này với tất cả tình cảm quý trọng và lời chúc trường thọ, nhân kỷ niệm 56 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.

André Menras Hồ Cương Quyết

Buồn và giận lẫn lộn, đan xen nhau, tôi thường tự nói với mình: nếu như sự tàn bạo ấy [sự tàn bạo của Hải quân Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam] được dùng để đối xử với chỉ một người thuyền chài của Pháp, của Châu Âu hay của Bắc Mỹ bởi một bọn Hải quân lạ nào thì cả dân tộc của người bị ngược đãi ấy sẽ nổi dậy vì căm giận, tất cả báo chí quốc gia và quốc tế sẽ sục sôi. Người ta sẽ nói đến Khủng bố, đến sự Tàn bạo, đến Nhân quyền…

Và một loạt câu hỏi dồn dập trong óc tôi:

Lẽ nào nhân dân Pháp yêu nước hơn, đoàn kết hơn, nhạy cảm hơn nhân dân Việt Nam? Tôi không tin và lịch sử cũng đã chứng minh rằng không phải như vậy. Vậy thì, người Việt Nam lẽ nào để cho người ta dẫm đạp lên mình như vậy? Sao người ta có thể chịu đựng điều đó được khi mà từ trong da thịt của mình đã ngấm đậm những tàn ác của nhà tù chính trị của Chủ nghĩa tư bản, hoặc khi mình chính là con, là cháu của những người tù ấy? Sao có thể để cho mỗi ngày trong tai của ta cứ phải nghe những lời phản đối trong khi việc làm thực tế thì lại là hợp tác? Sao có thể chờ đợi một giải pháp đến từ một trọng tài quốc tế? Lẽ nào nỗi lo sợ và sự xấu hổ trong lòng của một đất nước vốn giàu truyền thống lại mạnh đến nỗi làm tê liệt tất cả những phản ứng cứng rắn và chân chính của những công dân đường phố? Lẽ nào nước Việt Nam là một nước mà nhân dân bị cấm phát biểu công khai quyền công dân của mình?

Hay là 35 năm của chế độ “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã đánh mê lương tâm của nhân dân, đã ém nhẹm tất cả các thông tin, ngược đãi và cô lập những ai còn biết ngẩng cao đầu, xuyên tạc lịch sử, nịnh bợ “những giá trị” làm giàu cá nhân bằng mọi thủ đoạn, sự ích kỷ cá nhân và gia đình đến mức mà một bộ phận lớn của giới trẻ hiện nay không còn biết họ là ai, họ từ đâu đến và họ đi về tương lai mà không hề biết họ sẽ đến chân trời hạnh phúc nào? Lẽ nào sự phát triển của Việt Nam phải trả giá đắt như vậy, và trong điều kiện này, có thể nào nói đến phát triển hay không?

André Menras Hồ Cương Quyết

Tôi viết những dòng này trong tâm trạng vô cùng bức xúc sau khi đã đọc qua các trang tin tức hàng ngày trên báo Việt Nam.

Hôm nay là kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng có một tin khác trên báo Tuổi trẻ: “Chiều 7-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi đã ký văn bản gửi Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Ngoại giao phản đối việc Trung Quốc vi phạm các điều ước quốc tế và những ứng xử trên biển Đông”.

Đồng thời yêu cầu Trung Quốc thả vô điều kiện phương tiện và ngư dân Quảng Ngãi bị giam giữ từ trước tới nay, đặc biệt đối với tàu đánh cá QNg-50281-TS của ông Đặng Tằm (37 tuổi) ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cùng 11 ngư dân đang đánh bắt hải sản ở quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc bắt giam giữ ngày 5-5… »

23 dân chài vừa được thả sau hơn một tháng bị giam giữ thì những người khác lại bị bắt giữ. Và cũng như những lần trước, một sự im lặng về phía nhà cầm quyền. Trừ 15 dòng trên báo Tuổi trẻ và 10 dòng trên báo Người lao động, tôi không tìm thấy gì trên các tờ báo khác (hoặc có thể do tôi chưa biết). Sự sống còn của 11 người đánh cá thật không quan trọng bằng giá vàng và thị trường bất động sản…

Cùng ngày 07/ 05/2010, tôi tìm đọc báo Quân đội nhân dân, hy vọng tìm thấy một phản ứng tích cực. Bài đầu trang là tấm ảnh đẹp của một chiếc tàu chiến Việt Nam, các chiến sĩ hải quân đang đứng nghiêm trong bộ quân phục trắng muốt: Tàu Hải quân Việt Nam lên đường tuần tra liên hợp với Hải quân Trung Quốc “Tàu HQ 261 và HQ 263 của Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã rời quân cảng Đà Nẵng lúc 4 giờ 30 phút chiều 7-5, để thực hiện chuyến tuần tra liên hợp lần thứ 9 trên vùng biển vịnh Bắc Bộ với Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc».

Tôi đã gửi đến ý kiến của mình trên mục “ý kiến bạn đọc” như sau:

“Các bạn của tôi đang đi về hướng Vịnh Bắc Bộ. Các bạn chắc hẳn sẽ đi gần Hoàng Sa, lãnh thổ của chúng ta, nơi mà có lẽ đội chiến thuyền của những binh sĩ TQ đang ở lậu tại Hoàng Sa và đợi các bạn. Xin các bạn chớ quên tranh thủ bỏ neo trên đảo Phú Lâm để đón những đồng bào thuyền chài của chúng ta đang bị những “anh lạ” giam giữ một cách “thân tình” và đưa họ trở về với gia đình của họ. Tôi hy vọng rằng chuyến trở về của họ sẽ không mất tiền và các bạn cũng sẽ mang những chiếc thuyền đánh cá của họ cũng như những chiếc thuyền mà các bạn TQ thân mến của chúng ta vẫn đang còn chiếm giữ. Thật đáng xấu hổ!”

Tôi đang tưởng tượng hình ảnh của những người thuyền chài bị giam giữ chật chội trong một căn phòng tồi tệ, bị ngược đãi bởi những kẻ giam giữ họ, bỏ đói và luôn bị xúc phạm tinh thần. Tôi đang tự hỏi họ sẽ nghĩ gì khi họ biết rằng, trong khi họ bị ngược đãi, giam cầm thì hải quân của họ đang thực thi một nhiệm vụ chung với Hải quân TQ chỉ cách đó vài cây số. Ắt họ sẽ nghĩ rằng: “Chúng ta đang là nạn nhân của một trò đùa thảm hại gì vậy?”. Tôi tưởng tượng đến suy nghĩ của những gia đình đang sống trong nỗi day dứt của các thuyền nhân bị bắt giữ, của bạn bè của họ, của số đông nhân dân đang nghèo nhưng vẫn rất tự hào về Đất Nước Việt Nam của họ: “Trong khi người ta tưởng niệm đến những liệt sĩ chết ở Trường Sa, người ta đang quên những người vẫn đang còn sống ở Hoàng Sa”. Thật lạ!

Bởi vì đúng là chúng ta đang nói về cuộc sống. Trong các bộ phận được thông tin rõ ràng của quân đội, của công an, của các ngành ngoại giao, của Đảng và của các cấp cao nhất của Chính quyền, người ta biết rất rõ số phận của những người bị bắt. Hôm Chủ nhật, ngày 02/05/2010, báo VietnamNet có đăng một cách rất chuyên nghiệp các phỏng vấn của 23 đồng bào của chúng ta vừa được thả. Xin trích dẫn ở đây:

Mấy ngày đầu bị bắt giữ đưa về giam trên đảo Phú Lâm trong một căn phòng được canh giữ cẩn mật với 3 hàng rào bảo vệ. Mỗi ngày được cho ăn hai bữa cơm với đu đủ ướp muối. Có hôm may mắn được mấy bộ xương và đầu cá ăn thừa. Nói chung là họ cho chúng tôi ăn giống như heo. Nhưng cũng còn đỡ vì có đủ cơm ăn no những ngày đầu”.

… tổng cộng 23 người chung phòng thì cơm không đủ ăn. Nhiều hôm bị bỏ đói, cũng may nhờ một số người xây dựng trên đảo Phú Lâm thấy thương tình nên cho ít cơm và muối. Nhưng cũng rất ít, và thỉnh thoảng họ thấy đói quá nên mới cho".

… Cứ trông đến bữa là ăn nhưng cơm không đủ, lại ăn với đu đủ sống muối nên đa số anh em đều bị kiết và đau bụng".

… Khi vừa đặt chân xuống tàu thì bị đánh tới tấp hơn 1 giờ đồng hồ. Cả 3 người trên tàu cứ thế đấm đá vào mặt, vào đầu đến khi tui ngất xỉu họ mới đưa về lại phòng giam chẳng nói một lời", Thuyền trưởng Tiêu Viết Là kinh hoàng nhớ lại”.

Những điều kiện giam giữ được tả trên gợi cho tôi nhớ những kỹ niệm buồn, những kỷ niệm của chiến tranh, của các “Trung tâm Cải huấn” của chính quyền Sài Gòn. Những cư xử giành cho những người thuyền chài bị bắt giữ không khác gì với những ngón đòn tra tấn mà những người “trật tự” của khám Chí Hòa đã dùng với tôi 40 năm trước. Tôi chắc chắn rằng những lời chứng đó đã làm rung động lòng và làm chảy nhiều nước mắt ở hàng vạn người tù chính trị của chế độ Mỹ – Sài Gòn hiện đang còn sống tại miền Nam Việt Nam. Họ hẳn đã thấy lại trong những lời chứng ấy và trong những khoảng im lặng ấy cái không khí khủng khiếp của nhà tù thời bấy giờ. Buồn và giận lẫn lộn, đan xen nhau, tôi thường tự nói với mình: nếu như sự tàn bạo ấy được dùng để đối xử với chỉ một người thuyền chài của Pháp, của Châu Âu hay của Bắc Mỹ bởi một loại hải quân lạ nào thì cả dân tộc của người bị ngược đãi ấy sẽ nổi dậy vì căm giận, tất cả báo chí quốc gia và quốc tế sẽ sục sôi. Người ta sẽ nói đến Khủng bố, đến sự Tàn bạo, đến Nhân quyền…

Và một loạt câu hỏi dồn dập trong óc tôi:

Lẽ nào nhân dân Pháp yêu nước hơn, đoàn kết hơn, nhạy cảm hơn nhân dân Việt Nam? Tôi không tin và lịch sử cũng đã chứng minh rằng không phải như vậy. Vậy thì, người Việt Nam lẽ nào để cho người ta dẫm đạp lên mình như vậy? Sao người ta có thể chịu đựng điều đó được khi mà từ trong da thịt của mình đã ngấm đậm những tàn ác của nhà tù chính trị của Chủ nghĩa tư bản, hoặc khi mình chính là con, là cháu của những người tù ấy? Sao có thể để cho mỗi ngày trong tai của ta cứ phải nghe những lời phản đối trong khi việc làm thực tế thì lại là hợp tác? Sao có thể chờ đợi một giải pháp đến từ một trọng tài quốc tế? Lẽ nào nỗi lo sợ và sự xấu hổ trong lòng của một đất nước vốn giàu truyền thống lại mạnh đến nỗi làm tê liệt tất cả những phản ứng cứng rắn và chân chính của những công dân đường phố? Lẽ nào nước Việt Nam là một nước mà nhân dân bị cấm phát biểu công khai quyền công dân của mình?

Hay là 35 năm của chế độ “định hướng xã hội chủ nghĩa” đã đánh mê lương tâm của nhân dân, đã ém nhẹm tất cả các thông tin, ngược đãi và cô lập những ai còn biết ngẩng cao đầu, xuyên tạc lịch sử, nịnh bợ “những giá trị” làm giàu cá nhân bằng mọi thủ đoạn, sự ích kỷ cá nhân và gia đình đến mức mà một bộ phận lớn của giới trẻ hiện nay không còn biết họ là ai, họ từ đâu đến và họ đi về tương lai mà không hề biết họ sẽ đến chân trời hạnh phúc nào? Lẽ nào sự phát triển của Việt Nam phải trả giá đắt như vậy, và trong điều kiện này, có thể nào nói đến phát triển hay không?

Thực chất của vấn đề thực thi chủ quyền lãnh thổ và hải phận phải chăng đã trở nên chủ yếu là vấn đề dân chủ chính trị nội bộ? Phải chăng tôi đang chứng kiến một cuộc đánh cướp tất cả những gì là hy sinh, là hy vọng lớn lao của thế hệ của tôi tại Việt Nam và trên toàn thế giới?

Tôi có phải là một người phản động khi đặt ra cho mình những câu hỏi này không? Tôi, một người chỉ sống bằng đồng lương hưu khiêm tốn của một anh giáo làng, không nhận của ai một đồng nào, không thuộc bất cứ một đảng nào, kể cả ở Pháp lẫn ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nơi nào khác ? Tôi, một người đã dùng cả đời mình để chống lại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa tư bản dù nó tồn tại và đến từ bất cứ nước nào? Ai sẽ dám gán cho tôi cái tội danh phản động trong khi tôi có gan nói đến những sự kiện thực tế đang diễn ra hàng ngày, đang hàng ngày làm cho mình đau lòng, phẫn nộ? Đâu rồi, những kẻ phản động hôm nay, những kẻ miệng thì nói dân chủ mà lại đang bóp nghẹt dân chủ, những kẻ làm cho dân chúng tê liệt để dễ dàng trói chân tay họ hoặc để làm cho họ bị chặt mất những tài sản thiêng liêng của họ ?

Lẽ nào giấc mơ đẹp của năm tôi 20 tuổi đang trở thành ác mộng khi tôi 60? Nước mắt tôi tuôn trào khi tôi viết những dòng, những chữ đầy ắp tâm tình này. Nhưng đây là những dòng nước mắt chiến đấu. Tôi khóc như tôi đã từng thỉnh thoảng khóc khi còn ở trong nhà tù của chính quyền Saigon: tôi khóc mà răng nghiến chặt và nắm tay mạnh hơn!

Người ta cám ơn tôi thật tình về những gì tôi đã làm trong quá khứ. Tôi rất trân trọng và tin họ đã chân thành. Nhưng khi thời điểm đó qua đi, tôi không muốn bị nhốt trong quá khứ vinh quang dưới một lớp bụi của bảo tàng.

Món quà chính thức duy nhất mà tôi nhận được, chân tình và quý giá biết bao, là danh hiệu Công dân Việt Nam. Tôi xem quốc tịch Việt Nam mà Chủ tịch nước đã trao cho tôi là một món quà nặng nghĩa tình, ẩn chứa những cuộc chiến đấu trong suốt cuộc đời còn lại, và những hiểm nguy phải đối đầu để bảo vệ danh dự, tự hào và tình bạn cao cả. Nhưng nếu cứ điềm nhiên giữ những danh hiệu cao quý đó bằng cách “ngậm miệng, nhắm mắt, bịt tai” mình lại? Nhất định là không, vì như vậy nó sẽ mất hết ý nghĩa, hoặc nếu còn, thì đó chỉ là sự phản bội lại Tổ Quốc thứ 2 của tôi.

Trong khi vừa viết xong bài này ngay đúng ngày 7.5, chưa kịp gửi đi, tôi lại đọc tiếp 2 bài được dịch đăng trên 2 trang viet-studiesBauxite Việt Nam, nội dung chỉ rõ lập trường hiếu chiến và đe dọa được đăng trên các báo chính thống của Trung Quốc. Một lần nữa, tôi khẳng định: Việt Nam không có gì tốt hơn để mong chờ từ thái độ cầu thị của giới cầm quyền Trung Quốc.

A.D. HCQ

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Nguồn: http://boxitvn.wordpress.com/2010/05/10/

 

1 nhận xét:

Steps


Flag Counter