Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Hồ Ngọc Đại - người hiểu trẻ em và cảm nhận trẻ em

Hồ Ngọc Đại - người hiểu trẻ em và cảm nhận trẻ em
Trong tất cả các nhà giáo dục Việt Nam đương thời, những người đang tìm tòi tiến hành một cuộc cải cách giáo dục thực sự, chỉ có một người đủ sức LÀM được những điều thể hiện sức HIỂU và sức CẢM NHẬN trẻ em, đó là Hồ Ngọc Đại.


Hồ Ngọc Đại đưa ra được một CÁCH LÀM GIÁO DỤC MỚI để ngay cả người ít chuyên nghiệp nhất cũng thấy rõ thế nào là một cuộc cải cách giáo dục đích thực.

Theo ông, đó là nơi trẻ em tự tìm đến với trí tuệ người, trẻ em tự làm ra sản phẩm của giáo dục ngay trong trí tuệ và tâm hồn mình, trẻ em sống hạnh phúc ngay ngày hôm nay chứ không sống bằng những lời hứa hẹn "vì một tương lai tươi sáng" xa vời.

Nhìn thấy ở từng em một thực thể phát triển

GS Hồ Ngọc Đại

Trong tất cả các nhà tâm lý học Việt Nam đương thời, trong đó có nhiều người được đào tạo kỹ lưỡng, chỉ duy nhất Hồ Ngọc Đại VIẾT RA những điều am tường trẻ em để dựa vào đó mà tiến hành những VIỆC LÀM cùng với trẻ em thực hiện “cuộc cải cách giáo dục”.

Cuộc cải cách giáo dục dĩ nhiên là công cuộc để trẻ em được hưởng lợi, nhưng cải cách giáo dục cũng phải là nơi trẻ em Việt Nam đương thời cùng tham gia vào.

Hồ Ngọc Đại giải thích đó là do sứ mệnh trẻ em phải đồng hành cùng dân tộc chứ trẻ em không thể nào chỉ là cái miệng phễu hoặc cái "bị hành khất" để rót các thành tựu hiện đại hóa đất nước.

Trên ý nghĩa đó, Hồ Ngọc Đại nhiều lần chỉ ra rằng trẻ em thực sự là cứu tinh của dân tộc, trẻ em đích thực là nhân vật anh hùng của thời đại. Chính cái chủ trương nhà trường không cho điểm, nhà trường không "nêu gương sáng" là xuất phát từ cách nhìn trẻ em như trên.

Trẻ em học mà không cần được cho điểm đánh giá bởi người khác, trẻ em không cần ganh đua hơn kém nhau một phần tư điểm mà chỉ cần từng em thi đua với chính bản thân mình, từng em vượt lên những khả năng của chính bản thân mình. Và muốn có được cuộc "thi đua" thực sự lành mạnh đó, người lớn (nhà sư phạm) phải hiểu biết trẻ em.

Điều đầu tiên người lớn cần hiểu biết về trẻ em, ấy là nhìn thấy ở các em không phải là những người lớn thu nhỏ mà là nhìn thấy ở từng em một thực thể phát triển.

Hồ Ngọc Đại lý giải khái niệm phát triển một cách thật giản dị. Khái niệm trưởng thành chỉ diễn ra với con vật. Khi con vật tới giai đoạn trưởng thành ấy là lúc nó phát dục, khi đó con người lợi dụng khả năng sinh sản ấy để hoặc là nhân đàn mới hoặc là vỗ béo để đem giết thịt.

Trái lại, chỉ có ở con người, và ở cái mầm sống của con người là trẻ em, ta mới bắt gặp khái niệm phát triển- cái khả năng khiến từng con người luôn luôn đứng trước sự thay đổi vô hạn độ của bản thân mình- một sự thay đổi không diễn ra ở bề ngoài, mà là thay đổi bên trong tâm lý, bên trong tinh thần của mỗi con người.

Sách chuyên khảo về GD của GS Hồ Ngọc Đại:

 - Tâm lý học dạy học
 - Bài học là gì?
 - Kính gưỉ các bậc cha mẹ
 - Giải pháp GD
 - Công nghệ GD (2 tập)
 - Cái và Cách 
 - Nghiệp vụ sư phạm
 - Giải pháp phát triển GD
 - GD tiểu học đầu thế kỷ 21

Vậy thì, theo Hồ Ngọc Đại, việc cải cách giáo dục phải bắt đầu từ công cuộc thỏa mãn cái con người như một thực thể tinh thần đó, chứ không từ sự thỏa mãn phần "cân hơi" hoặc phần "cân móc hàm" kia.

Tại đây, nhiều nhà giáo dục, thậm chí nhiều nhà CCGD cũng đã mang máng nhận ra cái ý nghĩa của việc phục vụ sự phát triển phần con người tinh thần trong mỗi trẻ em, nhưng họ lúng túng trong cách thực hiện nguyện vọng tốt đẹp đó; họ lúng túng không đưa ra được những giải pháp thuần nghiệp vụ sư phạm.

Chứng cớ là ở Việt Nam, chúng ta chưa khi nào được chứng kiến những công trình giáo dục thực nghiệm dài hơi như Hồ Ngọc Đại đã làm.

Tất cả các viện nọ cùng những trung tâm kia, những địa chỉ chịu toàn bộ trách nhiệm hoặc từng phần trách nhiệm làm công cuộc cải cách giáo dục đều tuyệt đối không có một liên hệ với bất kỳ công việc giáo dục thực nghiệm dài hơi nào.

Hồ Ngọc Đại thì khác. Ông từng tiến hành thực nghiệm dạy Toán cho trẻ em Nga, tìm ra cách thức giúp các thực thể tinh thần đó chiếm lĩnh khái niệm a T b = c , và đó là nội dung luận án tiến sĩ khoa học của ông.

Đánh giá Hồ Ngọc Đại cần trình độ và trái tim

Tại hệ thống trường thực nghiệm này, GS Hồ Ngọc Đại đưa ra được một cách làm giáo dục mới

Ở Việt Nam, kể từ năm học 1978-1979, một ngôi trường thực nghiệm tại Giảng Võ (Hà Nội) đã trở thành nổi tiếng vì đã thực nghiệm ròng rã nhiều chục năm cả một hệ thống giáo dục mới.

Đó vừa là nơi phô bầy lý thuyết mới, vừa là nơi khiêm tốn điều chỉnh những việc làm sao cho gần nhất với những thực thể tinh thần Việt Nam đang mỗi lúc mỗi đổi thay, thay đổi từ con người bao cấp sang con người tự lập trong cơ chế mới tiến sang giai đoạn của hội nhập.

Chính tại ngôi trường thực nghiệm đó mà Hồ Ngọc Đại không cần phải "nói không với tiêu cực", tổng quát nhất là việc đem cách tồn tại của nền giáo dục cho năm phần trăm dân cư "cải cách" thành nền giáo dục cho trăm phần trăm dân cư.

Tại hệ thống trường thực nghiệm này, Hồ Ngọc Đại đưa ra được một CÁCH LÀM GIÁO DỤC MỚI để ngay cả người ít chuyên nghiệp nhất (trong số phụ huynh học sinh chẳng hạn) cũng thấy rõ thế nào là một cuộc cải cách giáo dục đích thực.

Đó là nơi trẻ em tự tìm đến với trí tuệ người, trẻ em tự làm ra sản phẩm của giáo dục ngay trong trí tuệ và tâm hồn mình, trẻ em sống hạnh phúc ngay ngày hôm nay chứ không sống bằng những lời hứa hẹn "vì một tương lai tươi sáng" xa vời.

Chú trọng đến cái hạnh phúc của trẻ em ngay ngày hôm nay sẽ khiến giáo viên gần gụi được học sinh, vì không còn đất cho sự hứa hẹn suông, dẫn tới nói dối, hoặc dẫn tới ban ơn. Mặt khác của cung cách này ấy là trẻ em trở nên tự lập. Và không khí nhà trường sẽ có điều kiện để trở nên cởi mở, dân chủ.

Thầy và trò là bạn và là bạn thực thụ ấy! Bây giờ đây, cái "Hội ái hữu cựu học sinh thực nghiệm" vẫn liên hệ với các thầy như với những người bạn cũ. Vì ngay từ những năm đầu của Trường thực nghiệm Giảng Võ, Hồ Ngọc Đại đã từng thách thức các giáo viên của ông: Hễ ai cãi nhau được với học sinh và thắng được các em mà không cần đến quyền uy áp đặt từ bên ngoài thì tôi sẽ có phần thưởng cho bạn đó…

… Công trình và sự nghiệp một đời người như Hồ Ngọc Đại thật khó mà lý giải được bằng một vài "nguyên nhân" nào đó.

Nhà văn Pháp Saint-Exupery trong cuốn Hoàng Tử bé viết rằng, “muốn nhìn đúng phải nhìn bằng trái tim- mắt thường làm sao thấy được những điều vô hình”.

Công trình và sự nghiệp Hồ Ngọc Đại là hữu hình và vô hình. Đánh giá Hồ Ngọc Đại cần một trình độ ngang tầm với ông về trí tuệ và ngoài ra cũng phải đánh giá bằng trái tim, một trái tim ít ra cũng ngang tầm tấm lòng ông đã hiểu, cảm nhận trẻ em và dân tộc.

  • Phạm Toàn 

Nguồn: http://tuanvietnam.net/vn/nhanvattrongngay/7909/index.aspx

12 nhận xét:

  1. Trong đời đi học, xe đạp nhớ nhất hai người, một thầy giáo dạy toán, là thương binh. Thầy có câu nói khi XDDH học lớp 8 : Thầy giáo chỉ là người nhìn thấy mặt trời trước học sinh, vậy thầy có cơ may để tiếp nhận kiến thức trước học sinh, điều đó không có nghĩa là thầy giỏi hơn học sinh. Học sinh vẫn có khả năng biết những điều mà thầy giáo chưa biết, hoặc có cách giải quyết vấn đề tốt hơn thầy giáo (đối với vấn đề cả hai cùng biết). Nhưng thầy giáo luôn muốn truyền lại kiến thức cho học sinh. Vì vậy, khi học sinh có giỏi hơn thầy trong vấn đề nào đó thì cũng đừng lấy đấy làm kiêu, nên tự hào về bản thân, nhưng cũng phải biết tôn trọng thầy giáo.

    Khi học sinh giải được bài toán khó mà chính thầy bí, thầy cũng không tỏ ra đố kị. Trong khi một vài thầy giáo khác học sinh sợ nói ra giải pháp khi thầy đang bí ! Vì chúng đồn đại là thầy sẽ trù dập ! Thầy thẳng thắn, là giáo viên giỏi huyện, các thầy cô khác trong trường đều nể (họ tâm sự thẳng với học trò là nể thầy giáo ấy) nhưng nhiều năm sau khi XĐ tốt nghiệp đại học, thầy vẫn chưa làm được hiệu phó !

    Người thứ hai là một cô giáo dạy văn, cô không áp đặt cách cảm nhận tác phẩm văn lên học trò, nhưng với mỗi cách cảm nhận tiêu cực thì cô can thiệp nhẹ nhàng, phân tích ... cô thường dùng các giờ dạy văn thành các giờ hội thảo : lớp chia thành 4 tổ, mỗi tổ tự thu thập thông tin về tác giả, quan điểm sáng tác, rồi phân tích tiếp thu và trình bày lại trước lớp, cô ngồi nghe và can thiệp nhẹ nhàng khi cảm thấy cần thiết, và cuối cùng là bổ sung những ý có trong giáo án mà học sinh không hát hiện (nhưng không phủ nhận những ý của học sinh mà trong giáo án chưa có, trái lại cô còn ghi chép vào giáo án).

    Trả lờiXóa
  2. xedapdiahinh gặp may và chắc không ít người trong chúng ta gặp được những thầy cô như thế..:)

    Trả lờiXóa
  3. Thế mà XDDH cứ tưởng mình may lắm ...

    Phương pháp gì thì phương pháp - ngày xưa đi học, các thầy cô, nhất là khối ngoại ngữ cứ từ từ bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, nhiều năm học không có giáo viên ngoại ngữ đến nỗi thi tốt nghiệp sở giáo dục (hay bộ? ) phải cho tự chọn : thi ngoại ngữ theo ý muốn học sinh, hoặc thi môn khác thay thế!

    Giờ gặp lại các thầy cô này, có người làm giám đốc, có người làm phó giám đốc các công ty nước ngoài, lương hơn nghìn USD ... sức lôi cuốn của ảnh bác Hồ treo trong các lớp học rõ ràng không mạnh bằng ảnh của các nhà chính trị, khoa học của nước Mỹ dán trong các đồng USD ...
    ----------------------
    Nhà văn Phạm Toàn khen GS Hồ Ngọc Đại, nhưng không đề cập nhiều lắm đến phương pháp của Hồ Ngọc Đai.

    Trả lờiXóa
  4. Sẽ mua các sách được giới thiệu về nghiên cứu, có lẽ bài viết của nhà văn Phạm Toàn ngắn, không thể nói vắn tắt phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại.

    Trả lờiXóa
  5. Tìm cuốn "Chuyện ấy" đọc thử xem.Xuất bản 1992 hay1993 gì đấy. Đọc hay..:)

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn Kichbu ... Những sách hay blog Kichbu giới thiệu đọc hay.

    Trả lờiXóa
  7. Không biết gì về khoa học giáo dục nên chỉ đọc để biết thêm thôi... Mà bài viết có vẻ hơi tâng ông HNĐ, trong khi không thật sự cụ thể về cách làm GD của ông (có thể vì chỉ là một bài báo ngắn).

    Trả lờiXóa
  8. Muốn biết tư duy của ông HNĐ về giáo dục, chắc phải tìm đọc các tác phẩm của ông :

    " - Tâm lý học dạy học
    - Bài học là gì?
    - Kính gưỉ các bậc cha mẹ
    - Giải pháp GD
    - Công nghệ GD (2 tập)
    - Cái và Cách
    - Nghiệp vụ sư phạm
    - Giải pháp phát triển GD
    - GD tiểu học đầu thế kỷ "

    Tổng cộng 10 quyển (một tác phẩm có hai tập).

    Trả lờiXóa
  9. Chủ trương ông này đưa ra thì hay, nhưng tiếc là người ta lại thực hiện nửa chừng, nên ko rõ hiệu quả thế nào.

    Trả lờiXóa
  10. Thanks xedap nhưng chắc bao giờ thành bộ trưởng GD mình mới dám đọc 10 cuốn này :))

    Trả lờiXóa
  11. Giai thoại.
    Bà Nguyễn Thị Bình hỏi HNĐ, nếu anh là bộ trưởng bộ GD, thì việc đầu tiên anh làm gì.
    - Treo cổ hàng loạt.
    - Kể cả tôi nữa ah?
    - Riêng chị thì không. Vì chị là người của lịch sử..

    Trả lờiXóa
  12. Kichbu cũng không, vì Kichbu trăn trở với giáo dục !

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter