Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Ngụ ngôn hiện đại "chàng buôn gỗ' và 'tiến sĩ 200 triệu'

Tiến sĩ, 200 triệu, mua bằng
Nguyễn Công Thảo

Kichbu theo vietnamnet.vn

Tôi có niềm tin rằng "anh chàng buôn gỗ" nọ hẳn không phải là người đầu tiên "gõ cửa trái tim" vị PGS già. Tôi tin có nhiều "con buôn" khác đã, đang và sẽ đổ chừng ấy tiền, thậm chí là hơn để có bằng TS.

Tiến sĩ có ý nghĩa gì?

Đây là học vị cao nhất trong tất cả các bậc học hiện nay ở hầu hết các quốc gia. Bằng tiến sĩ do một cơ sở đào tạo có uy tín, được cơ quan chức năng thừa nhận. Ở ta, các cơ sở đào tạo này phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép.

Một cách hiểu chung, người có học vị tiến sĩ được thừa nhận đã trải qua các khóa học lí thuyết, các trải nghiệm thực tế cần thiết khác để trở thành một nhà khoa học độc lập, có đủ năng lực giảng dạy, nghiên cứu, chủ trì những nghiên cứu mang tính phức tạp. Họ chủ yếu làm việc tại các cơ sở khoa học như trường đại học, viện nghiên cứu...

Tiến sĩ vì thế chỉ là một học vị khoa học, có ý nghĩa trong lĩnh vực cụ thể. Điều đó không có nghĩa đã là tiến sĩ, tức là biết tất cả. Sở hữu tấm bằng tiến sĩ cũng không có nghĩa nhà khoa học không cần tiếp tục nghiên cứu, học hỏi. Trái lại, nó mới chỉ mở ra một giai đoạn nghiên cứu khác, ở bậc cao hơn, chuyên sâu hơn. Tấm bằng này sẽ chả có ý nghĩa gì về mặt khoa học nếu sau khi có nó trong tay, người ta cất vào tủ, làm công việc hoàn toàn khác, như đi "buôn gỗ" chẳng hạn.

Ấy vậy mà vị PGS kia đã "thật thà" mà thú nhận rằng mình bị "lay động" bởi "Anh ấy nói mình đi buôn gỗ nhưng muốn học tử tế cho rạng rỡ dòng họ". Và rồi ông cho mình cái niềm tin anh ta dù đi buôn gỗ cũng hoàn toàn có thể trở thành tiến sĩ chỉ vì "Anh này thì đủ điều kiện, mặt mày sáng láng, ăn nói hoạt bát". Hãy cứ cho là "anh này" đã có bằng cử nhân, rồi bằng thạc sĩ, không lẽ vị PGS này không hiểu rằng nền tảng kinh nghiệm, đề cương nghiên cứu, kế hoạch học tập, mục tiêu học tập mới là những yếu tố quan trọng?

Hỡi ôi, một tờ giấy vô tri cũng có thể làm danh giá cho một dòng họ hay sao? 

Cái "giá" để  thành tiến sĩ

Gần đây, chuyện "làm" tiến sĩ đã được báo chí nhắc đến nhiều, với đủ cả cung bậc, màu sắc. Thôi thì đủ cả hỉ, nộ, ái, ố. Nhưng có lẽ phải đợi đến sự kiện "200 triệu lấy được bằng tiến sĩ y khoa" như một số báo mới phản ánh mấy ngày vừa qua, "giá" thực của việc có tấm bằng tiến sĩ mới được hé mở cho công luận rộng đường suy tính. Bài phỏng vấn của báo Tiền Phong mới đây với vị PGS nọ cũng giúp củng cố thêm cho việc đưa ra những tính toán "khoa học" về chi phí cần thiết để có được tấm bằng cao quý này[1].

Báo chí đã ước tính chỉ cần 200 triệu là có thể làm tiến sĩ. Bài phỏng vấn cho thấy đây là ước tính quá lầm. Đừng có mà "rẻ rúng" cái bằng tiến sĩ như thế, mấy chục tấn gạo, vài chục con trâu đã là cái "đinh" gì mà đòi mơ tưởng thành "tiến sĩ". Đó mới chỉ là chi phí cho hội đồng xét tuyển đầu vào thôi. Còn bao nhiêu là khoản khác cho mấy năm dài đằng đẵng phía trước. Vị PGS kia hoàn toàn đúng khi cho rằng "Anh nhà báo này hiểu việc ra được TS đơn giản quá"!

Yêu cầu 2 bài nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành là yêu cầu đầu vào bắt buộc với hầu hết những ai muốn học tiến sĩ. Ấy thế mà vị PGS này cho đó chỉ là thủ tục, chả có gì ghê gớm cả. Bất cứ ai trong giới khoa học đều hiểu rằng, để viết một bài nghiên cứu khoa học có chất lượng, cần không chỉ tiền bạc mà rất nhiều thời gian, tâm huyết, trí lực, có khi mất cả vài năm trời. Ngay tác giả bài viết này, phải mất vài năm trời, hợp tác cùng 2 tiến sĩ khác, một trong nước, một đang giảng dạy tại Hà Lan, kế thừa kết quả nghiên cứu của một dự án quy mô rồi mới có thể cho ra một bài viết, mới dám nộp cho tạp chí ở nước ngoài. Rồi thì chờ đợi phản biện, chỉnh sửa. Bao nhiêu là công đoạn mới nhìn thấy nỗ lực của mình được công bố.

Ấy vậy mà vị PGS này chả cho việc công bố 2 bài tạp chí ấy là ghê gớm. Nếu bận đi buôn gỗ, ừ thì cứ đi đi. Cứ đưa tiền đây rồi sẽ có người làm hộ. Nghe vừa hài hước vừa chua xót, cứ như đi xây hộ cái chuồng gà, mua hộ ít mồi về làm đồ nhậu.

Trường Đại học Y- Dược Thái Nguyên có lẽ phải khen thưởng vị này bởi mong mỏi của "ông" thật "trong sáng" khi "ông" đặt "tư lợi" sau "trường lợi" với việc nói rằng "chỉ muốn làm sao cho khoa có học viên. Nếu có thêm trò thì tôi được dạy và được nhà trường trả thù lao, chứ không phải cầu mong được cho tiền hay mua bán".

Bài học từ phía sau

Với đa phần công nhân viên chức, người lao động ở các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, đây sẽ là chừng 7 năm lương.

Nghĩa là nhịn đói đi làm, không ăn, không uống, không tiêu gì cả sau chừng ấy thời gian, họ mới có được 200 triệu. Với người nông dân, con số này có nghĩa chừng 50 tấn lúa và nếu nhìn vào diện tích canh tác bình quân, năng suất trung bình ở vùng đồng bằng sông Hồng, một nông dân phải mất cả đời người "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trên đồng ruộng, chỉ uống nước giếng cầm hơi, làm ra bao nhiêu thóc bán bấy nhiêu, may ra mới được con số này. Một cách cụ thể hơn, số tiền trên đủ để nuôi tất cả học sinh tiểu học của một huyện miền núi với những bữa cơm có thịt trong nhiều tháng trời. Đó là số tiền không hề nhỏ đối với người lao động ở bất cứ quốc gia nào, nhất là Việt Nam.

Nói như thế để thấy rằng, đối với hầu hết người dân, không dễ gì một lúc có chừng ấy tiền mặt trong nhà và càng không có chuyện người ta sẵn sang bỏ ra con số đó nếu như ấy là một việc không thực sự cần thiết.

Câu chuyện về 200 triệu và tấm bằng tiến sĩ lại thêm một ví dụ sống cho việc đào tạo tiến sĩ ở nước ta. Tôi có niềm tin rằng "anh chàng buôn gỗ" nọ hẳn không phải là người đầu tiên "gõ cửa trái tim" vị PGS già. Tôi tin có nhiều "con buôn" khác đã, đang và sẽ đổ chừng ấy tiền, thậm chí là hơn để có bằng TS mà không chỉ nhằm mục đích "vẻ vang dòng họ". Tôi tin không chỉ có một "tấm lòng đáng kính" như vị PGS này ở các cơ sở đào tạo sau đại học ở xứ ta.

Gần đây, bị ảnh hưởng từ đâu đó, câu cửa miệng của nhiều người Việt giờ đã là "cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng nhiều tiền". Ngẫm đúng mà đau!

*



Xem thêm:


-----

1 nhận xét:

Steps


Flag Counter