Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

Trình độ học vấn bộ trưởng...

Trình độ học vấn bộ trưởng...

 
Tin liên quan:
 

Học vấn bộ trưởng

Một trong những đặc điểm đáng chú ý trong giới quản lý nước ta là họ thường có bằng cấp khá cao. Thật vậy, chỉ nhìn qua những danh thiếp của cấp thứ trưởng, vụ trưởng, hay thỉnh thoảng đọc báo về chức danh của các bộ trưởng, thấy họ thường là tiến sĩ hay thạc sĩ. Ngược lại, đối với giới quan chức nước ngoài, ấn tượng của tôi qua các danh thiếp của họ, là trình độ học vấn trung bình, thường thường là bậc cử nhân, hiếm thấy bộ trưởng các nước phương Tây có bằng tiến sĩ.

Nhưng đó chỉ là ấn tượng, chứ chưa có bằng chứng nào để so sánh cụ thể. Theo tôi biết, cho đến nay, vẫn chưa có ai làm thống kê để biết trình độ học vấn của giới quan chức các nước như thế nào. Có được những thông tin này tôi thiết nghĩ cũng thú vị, vì nó cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về trình độ của các quan chức ở các quốc gia khác nhau.

Tôi chọn các quan chức cấp bộ trưởng, vì thông tin về các bộ trưởng tương đối đầy đủ hơn. Các thông tin về chức vụ, năm sinh, trình độ học vấn của các bộ trưởng (hay quan chức tương đương cấp bộ trưởng) ở Việt Nam, Mỹ, và Úc được thu thập cho từng cá nhân. Riêng trường hợp Việt Nam, tôi còn thu thập thêm thông tin về quê quán để xem sự phân phối giữa 3 miền ra sao. Kết quả cho thấy ở ta, có 26 thành viên, ít hơn Úc (28 người), nhưng đông hơn Mĩ (23 người). Tuy nhiên, có sự mất cân đối nghiêm trọng về phân bố giới tính. Trong số 26 thành viên bộ trưởng của chúng ta, chỉ có 1 nữ duy nhất - đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong khi đó, nội các Chính phủ Mỹ có đến 7 người là nữ, và con số này chiếm gần 1/3, nhiều hơn cả Chính phủ Úc với 4/28 thành viên (hay 14%) là nữ giới.

Về tuổi tác, các bộ trưởng Việt Nam tương đối cao tuổi hơn so với đồng nghiệp của họ ở Mỹ và Úc. Tuổi trung bình của các bộ trưởng Việt Nam là 59, kế đến là Mỹ (tuổi trung bình 56) và Úc (50 tuổi). Người trẻ nhất là ông Hoàng Trung Hải (50 tuổi), nhưng người trẻ tuổi nhất trong Chính phủ Úc chỉ 33 tuổi (Kate Ellis, bộ trưởng thể thao). Còn bộ trưởng trẻ nhất của Mỹ cũng chỉ 42 tuổi (ông Peter R. Orszag, Giám đốc Ngân sách quốc gia, với bằng tiến sĩ từ London School of Economics).

Về trình độ học vấn, các quan chức Chính phủ Việt Nam có văn bằng khá cao, nếu so với Mỹ và Úc. Trong số 26 thành viên trong Chính phủ Việt Nam, có đến 50% (13 người) có bằng tiến sĩ, 10 người có bằng cử nhân, và 3 người có bằng thạc sĩ. Phân tích kĩ hơn, tôi thấy trong số 13 tiến sĩ bộ trưởng Việt Nam, phần lớn là tiến sĩ về kinh tế (7 người), phần còn lại là xã hội học, luyện kim, điều khiển học, luật, kiến trúc và toán lí.

Ở Úc, trong số 28 thành viên Chính phủ, chỉ có 1 người duy nhất có bằng tiến sĩ (ông Craig Emerson), 5 người có bằng thạc sĩ, và đa số (22 người ) có bằng cử nhân. Nội các Chính phủ Obama có trình độ học vấn cao hơn Úc một chút, trong số 23 thành viên, 7 người có bằng tiến sĩ, 8 người có bằng thạc sĩ, và 8 người có bằng cử nhân.

Nếu tạm tính PhD là 10 năm theo học đại học, thạc sĩ 6 năm, và cử nhân 4 năm, thì tính trung bình mỗi bộ trưởng hay thành viên trong nội các Chính phủ VN có 7.2 năm học đại học, kế đến là Mỹ (6.5 năm), và thấp nhất trong nhóm là Úc (4.6 năm).

Phân tích theo vùng. Tình hình phân bố các thành viên và trình độ học vấn các thành viên bộ trưởng ở ta không đồng đều giữa 3 vùng. Trong số 26 thành viên, đa số là từ miền Bắc (12 người, chiếm 46%), miền Trung và miền Nam mỗi miền có 7 người. Điều thú vị ở đây là trong số 12 thành viên từ miền Bắc, có đến 8/12 người (67%) có bằng tiến sĩ. Số thành viên có bằng tiến sĩ từ miền Trung là 3/7 (43%), và miền Nam là 2/7 (28%).

Vẫn tồn tại một nghịch lý

Trong loạt bài về những bất cập trong việc đào tạo tiến sĩ trên báo Sài Gòn Giải Phóng, người viết bài này có viết: "Nhà khoa học, nhà quản lý các nước cũng sẽ rất ngạc nhiên khi biết được trong đội ngũ cán bộ của ta hiện nay, tỷ lệ TS rất cao! [...] Trên các nước, TS nếu có trong bộ máy quản lý nhà nước thì cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất ít." Những phân tích trong bài này phù hợp với nhận xét đó.

Phân nửa các bộ trưởng (hay quan chức tương đương bộ trưởng) Việt Nam có bằng tiến sĩ, và con số này cao hơn so với Mỹ và Úc, hai nước mà trình độ dân trí cao hơn Việt Nam.

Ở Việt Nam đang tồn tại một nghịch lí lạ lùng: Muốn đề bạt chức vụ nào đó thì phải có bằng cấp tương xứng. Chẳng hạn như điều kiện tiên quyết cho chức vụ giám đốc sở phải là bằng cử nhân hay thạc sĩ, trưởng khoa một bộ môn trong bệnh viện thì cần phải có bằng tiến sĩ (và dĩ nhiên còn phải là đảng viên). Do đó, người ta đổ xô nhau đi "làm" tiến sĩ, tìm mọi cách và mọi giá để có một cái bằng tiến sĩ đáp ứng yêu cầu tiêu chí, hơn là phục vụ cho khoa học.

Tuy nhiên, qui định bằng cấp và chức vụ đó là ở cấp địa phương và cơ sở, còn đối với các cấp bộ trưởng hay tương đương thì tôi nghĩ không có qui định bằng cấp càng cao mới được bổ nhiệm chức cao, vì ở cấp này, vị thế và sự cống hiến, quá trình công tác đóng vai trò quan trọng hơn là bằng cấp. Nhưng trước đó, các vị cũng đã trải qua các chức vụ thấp hơn, nên nhu cầu bằng cấp lúc đó ắt phải có.

Tiến sĩ là học vị cao nhất trong hệ thống bằng cấp đại học. Thông thường, con số người có bằng tiến sĩ thấp hơn con số thạc sĩ, và số người có bằng thạc sĩ ít hơn số người có bằng cử nhân. Đó là xu hướng mà chúng ta thấy ở Mỹ và Úc. Ở Úc, chỉ có 1 bộ trưởng duy nhất có bằng tiến sĩ. Nhưng ở ta, thì ngược lại: Số người có bằng tiến sĩ nhiều hơn số người có bằng cử nhân và thạc sĩ.

Một trong những đặc điểm đáng chú ý trong giới quản lý nước ta là họ thường có bằng cấp khá cao.

Đó là một sự phân bố bất bình thường. Sự bất bình thường đó đặt ra câu hỏi có phải bằng tiến sĩ ở Việt Nam quá dễ "lấy"? Tôi không có câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng những bất cập về cách đào tạo tiến sĩ ở trong nước mà báo chí phản ảnh trong thời gian qua dễ làm cho xã hội đánh một dấu hỏi lớn.

Thật ra, nhìn một cách tích cực hơn, quan chức, cán bộ lãnh đạo có trình độ học vấn cao là một tín hiệu tốt. Con số 50% bộ trưởng có bằng tiến sĩ, mà phần lớn các tiến sĩ bộ trưởng học về kinh tế, thì điều đó nói lên rằng chúng ta có thể tin tưởng rằng kinh tế VN sẽ phát triển vượt bậc nay mai.

Ở các nước tiên tiến, phần lớn tiến sĩ làm việc trong các đại học và trung tâm nghiên cứu, với một thiểu số nhỏ làm việc trong ngành quản lí. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại: Phần lớn tiến sĩ làm trong ngành quản lí hành chính, rất ít người giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học.

Chỉ có khoảng gần 20% giảng viên trong các đại học lớn ở VN có văn bằng tiến sĩ. Trong khi đó, 50% bộ trưởng VN có bằng tiến sĩ. Với hiện trạng nước ta hiện nay, đó vẫn là một nghịch lý. Một câu hỏi khác cần đặt ra là, cán bộ làm quản lý có cần nhiều người là tiến sĩ như thế hay không, trong khi các trường đại học rất thiếu giảng viên ở trình độ tiến sĩ?

---

Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-08-08-trinh-do-hoc-van-bo-truong-

6 nhận xét:

  1. Bổ sung thêm cho Nguyễn Văn Tuấn (Úc) là muốn được đề bạt lên chức vụ cao cỡ trưởng phòng cấp Sở trở lên còn phải có bằng "Cử nhân Chính trị" hay là "Chính trị cao cấp" gì đó..

    Trả lờiXóa
  2. Chính trị cao cấp hay cử nhân chính trị bây giờ như là "phổ cập" ấy mà, lo gì chứ ?

    Trả lờiXóa
  3. Không đùa đâu chương trình đại học cho cử nhân kinh tế phải pass hay đủ điễm qua môn: Lịch sử Đảng+lý luận chính trị. Môn này đới với các đồng chí trước khi được kết nạp vào Đảng đã được cho đi học ở Trường Đảng và tốt nghiệp lớp Chính trị Cao cấp rồi, do đó khi đi học bằng cử nhân chuyên tu, tại chức các đồng chí ấy được miễn phải học và thi tín chỉ môn này (claim credit)

    Trả lờiXóa
  4. Là bằng "cao cấp lý luận chính trị", qua nhà tớ mà "xem mặt" cái bằng ấy. Học ở cái trường mà ông Trần Mạnh Hảo mới chửi te tua đó.

    Trả lờiXóa
  5. Ặc ặc! Còn trình độ học vấn có cao bằng bằng cấp hay ngược lại thì đợi kết quả thanh tra, xem xét.

    Trả lờiXóa
  6. Ngày xưa đi học, mấy thầy cô thường xuyên nói : "càng học càng thấy mình ngu". Lúc đó không hiểu các thầy cô nói vậy là nghĩa làm sao.

    Bây giờ xem bảng so sánh Việt Nam - Úc - Mỹ thì đã hiểu.

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter