Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Chế độ chuyên chế phương Đông

Chế độ chuyên chế phương Đông

Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế

Lịch sử có những đặc thù kỳ lạ mà có lẽ, dẫu đi hết cả cuộc đời ngắn ngủi của mình, các nhà nghiên cứu hết thế hệ này đến thế hệ khác vẫn không thể nào hiểu hết được. Trong những đặc thù/đặc điểm/đặc trưng ấy, nhà nước chuyên chế là cái nổi bật nhất, tai hoạ nhất và khó “xử lý’ nhất. Xin giới hạn là bài viết này chỉ bàn về nhà nước chuyên chế/chế độ chuyên chế (Authorinianism) của phương Đông tính đến khi Phổ Nghi, vị vua cuối cùng của Trung Hoa thoái vị (12.2.1912); hoặc muộn hơn, khi vua Bảo Đại ở Việt Nam thoái vị (8.1945).

1. Ra đời bên các dòng sông lớn, như Ai Cập cổ đại với sông Nil; Lưỡng Hà với Euphrates và Tigris; Trung Quốc với Hoàng Hà và Dương Tử (Trường Giang); Ấn Độ với Indus và Ganges, Việt Nam với sông Hồng, sông Mã, sông Lam… Các nhà nước phương Đông cổ đại đã bị “đẻ non” vì đòi hỏi trị thủy – đắp đê, đào kênh, đo lại ruộng đất sau lũ lụt. Tác hại của việc bị đẻ non là vô cùng lớn vì các nhà nước phương Đông cứ ốm đau, quặt quẹo mãi cho đến tận… bây giờ! Nếu so sánh với Hy Lạp và La Mã – những nhà nước ra đời muộn hơn hàng ngàn năm (thế kỷ VI tr.CN) thì phải giật mình về sự hoàn hảo của chúng. Nhà nước ở phương Tây sinh đúng ngày, ra đúng tháng nên nó đa dạng và dân chủ đến mức khó có thể hình dung nổi. Chẳng hạn, từ hơn 2.000 năm trước đây, ở La Mã đã có sénato – Viện nguyên lão, mà, bây giờ trong tiếng Anh, senate là Thượng nghị viện ở Hoa Kỳ. Kỳ diệu hơn nữa là trong các nhà nước của phương Tây cổ đại, có khi có 2 vua (Rex) và lúc đất nước có chiến tranh thì một vua sẽ được bầu làm độc tài (dictato). Để phân biệt, Rex – dictato đi đâu có đội quân Fascio, mà sau này A. Hitler nói rằng ông ta thích “bạo lực khẩn cấp trong tình trạng chiến tranh” nên mới đề cao “chủ nghĩa fascio” (lâu nay quen gọi là ‘chủ nghĩa phát xít). Trong các nhà nước của phương Tây có 3 nhân vật quan trọng nhất được phản ánh rất rõ trong bộ bài tú lơ khơ là già (King – K), đầm (Queen – Q), bồi (Jury-J) – vua, hoàng hậu và “bồi thẩm đoàn”. Bồi thẩm là một phát minh vĩ đại vì nó vừa là cố vấn cho vua, vừa tham gia giám sát việc xét xử ở tòa án. Đoàn bồi thẩm nếu phủ quyết (nay) thì mọi bản án đều không có giá trị; ngược lại, nếu bỏ phiếu đồng ý (yea) thì bản án mới hợp lệ. Nên nhớ rằng tham gia Jiu ơ ri (Jury), chỉ là dân, loại trừ bất kỳ ai là quan chức của chính quyền.

Quy định này đem đến nền dân chủ tối đa vì người dân được quyền giám sát quan tòa nên ngăn ngừa được sự khuất tất hoặc kém khả năng của các vị điều hành công lý. Mô hình trên đã trở thành các chuẩn mực vẫn tiếp tục được duy trì suốt hàng ngàn năm… Đến đây, chúng ta đã tạm hiểu vì sao văn minh phương Tây dẫu ra đời muộn hơn phương Đông hàng ngàn năm nhưng lại tiến nhanh, tiến vững chắc đến sức mạnh và từ cuối thế kỷ XV, bắt đầu chinh phục cả phương Đông chuyên chế, trì trệ, bảo thủ và thối nát (tính đến thời điểm Christos Columbus tìm ra châu Mỹ vào ngày 12.10.1492)!

2. Tại sao suốt 5.000 năm, ở phương Đông chỉ có một mô hình nhà nước duy nhất là chế độ chuyên chế? Tại sao nó kìm hãm xã hội, nó tạo ra vô số những điều chướng tai gai mắt mà người dân vẫn nhẫn nhục chịu đựng? Bài học của phương Tây thật rõ ràng với các nhà nước cổ đại thật sự dân chủ (cho dù là dân chủ chủ nô đi nữa) cũng không có cảnh hàng vạn người quỳ sụp xuống để tôn vinh sự ngu dốt, không biết gì (trước mặt “Thánh thượng anh minh” 2 tuổi chẳng hạn)? Trung quân – thường là ngu trung, tức là lòng ái quốc đã bị lạm dụng đến mức tối đa. Các vua chúa mặc sức thao túng và tham nhũng hết đời này sang đời khác bởi một lẽ giản đơn: Nền văn minh nông nghiệp lúa nước nhỏ lẻ và manh mún đã triệt tiêu mọi sức đề kháng. Chấp nhận thực tại đắng cay trở thành nguyên tắc của tồn tại. “Đèn nhà ai nhà nấy rạng” là thực tế; còn “tối lửa tắt đèn” có nhau chỉ là những giấc mơ!

Chế độ chuyên chế đã sinh ra, đẻ ra cấu trúc “quyền lực kép” kỳ lạ. “Phép vua thua lệ làng” là nguyên tắc để chính quyền trung ương thao túng tầng vĩ mô (có san sẻ quyền hành, ngầm định), còn “đất có lề quê có thói” là để địa phương tự tung, tự tác (luật bất thành văn). Chính quyền trung ương chỉ cần ở địa phương 3 điều: trung thành, nộp thuế đủ và cung cấp nhân lực khi cần phu phen, binh lính. Còn lại, địa phương mặc sức thao túng. Chính vì thế nên quan mới ra là phụ mẫu chi dân. Các quan địa phương tha hồ quan liêu, tha hồ hành dân miễn là dân chưa kêu nhiều lắm là vẫn còn tốt. Mỗi địa phương là một khoảng trời riêng và đây là tác nhân quan trọng nhất để cho địa phương tuyệt đối trung thành.

3. Lòng trung thành của địa phương được đảm bảo bằng vàng theo đúng nghĩa đen của từ này là tha hồ tham nhũng. Làm sao không trung thành với một nhà nước mà nhà nước đó giống như con gà đẻ trứng vàng, cứ cho mình quyền lượm vàng từ túi của nhân dân? Miễn rằng, đừng ăn dày quá thể, đừng không biết chùi mép, đừng quên chia đều phần bổng lộc cho các quan trên. “Ăn cho đều, kêu cho sọi (sõi)” là câu cách ngôn thấm đậm chất tiền! Vì tham nhũng là đứa con song sinh của chế độ chuyên chế phương Đông nên thời nào, chế độ nào trong lịch sử cũng đầy dẫy sự kiện để chứng minh. Hòa Thân (Hòa Khôn) trong thời của Càn Long (1736 – 1795, sinh 1711, chết 1799) là một dẫn chứng điển hình. Hòa Thân cứ tha hồ tham nhũng (ông là Hoàng đế tham nhũng vô tiền khoáng hậu) vì tài sản của ông ta tương đương GDP 10 năm của Trung Quốc thời đó, kiểm kê 3 năm mới xong. Thế nhưng, Càn Long “tuyệt hảo” vì cứ nuôi Hòa Thân thật béo, lúc nào béo hết cỡ thì làm thịt để tài sản ấy chuyển thành tài sản riêng của con Càn Long. Đọc lịch sử ai cũng biết sau khi Càn Long chết, Hòa Thân bị “làm thịt” ngay tức thì và tịch thu tài sản cho Thanh Nhân Tông Ái Tân Giác La Ngung Diễm – Gia Khánh, hưởng. Xem thế mới biết, nạn tham nhũng trong chế độ chuyên chế chỉ chấm dứt khi vua muốn; còn không, chỉ là tiếng dê kêu rú bụi, truông ngàn. Muốn chấm dứt tham nhũng ư? Nếu thế, lấy ai để trung thành với vua? Làm sao nuôi cả một bộ máy mà đủ thì không đủ, thiếu thường xuyên nhưng vẫn cứ thừa (ai cũng kêu lương không đủ nhưng trong nhà quan chức có đủ thứ)? Chế độ chuyên chế phương Đông mà điển hình nhất là Trung Hoa là “đỉnh cao” của cái nỗi “lạt mềm buộc chặt” (từ của Cố GS Trần Quốc Vượng). Dùng Nho gia để lý tưởng hóa những bậc “quân tử” ăn trên ngồi trốc với những mỹ từ không thể nào đẹp hơn như “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ (do dân, vì dân); dùng Pháp gia để đe dọa, trấn áp (mọi điều khen ngày xưa là ám chỉ chê ngày nay xấu, do vậy, phải chém ngang lưng – Tần Thuỷ Hoàng); dùng Phật gia để ru ngủ (cam chịu để “sau này…” sướng hơn); dùng Danh gia để mua chuộc, dụ dỗ (các loại phiếu “bé ngoan” từ nhỏ cho đến khi chết); dùng Đạo gia để thần thánh hóa vương quyền (vua là thần, là thánh) – tất cả, tạo nên cái “lồng vô hình” nhốt chặt, nhốt dài lâu mọi thần dân trong bụi bặm u mê và nhẫn nhục của lịch sử!

Chế độ chuyên chế sợ cái mới bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến địa vị, quyền thế; không dám thay đổi vì như một vị phù thủy tồi, không thể biết liệu rằng có điều khiển nổi âm binh; e sợ trí thức vì như Lão Tử nói, dân dễ cai trị là loại dân rỗng cái tâm, thiếu cái trí, no cái bụng, ít ỏi cái chí… Tóm lại, chế độ chuyên chế phương Đông trong lịch sử chỉ là chủ nghĩa ích kỷ tối đa, bỏ mặc mọi giá trị xã hội, coi thường vận mệnh đất nước. Giang sơn, xã tắc; thực chất chỉ là quyền lợi của một nhóm nhỏ thiển cận và tàn bạo được giả ngụy thành lý thuyết, đạo đức cao siêu. Quần chúng nhân dân thiếu hiểu biết, đói cái ăn, cái mặc đã sẵn sàng đánh đổi nhu cầu sống tối thiểu bằng sự im lặng, vẫn còn hơn chẳng có gì! Cái đau đớn của những xã hội phương Đông chuyên chế là ở chỗ: Tầng lớp trí thức còn ích kỷ hơn cả vua – họ ngậm miệng để tung hô cái đảm bảo cuộc sống cho mình; bởi dân ngu khu đen có khổ cũng là chuyện của muôn đời!?

Huế, 7.11.2009

Nguồn: http://bauxitevietnam.info/c/16880.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter