Thứ Tư, 4 tháng 11, 2009

Sự hoang tưởng của một số phần tử cự đoan ở Campuchia

SỰ HOANG TƯỞNG VỀ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ

CỦA MỘT SỐ PHẦN TỬ DÂN TỘC CỰC ĐOAN

Ở CAMPUCHIA HIỆN NAY

Đinh Kim Phúc

---------------------

Bài liên quan:

> Lãnh tụ đối lập Cam Bốt Rainsy kích động tinh thần bài Việt

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/118/article_5520.asp

> Lãnh đạo đối lập Campuchia bác bỏ cáo buộc

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/11/091102_samrainsy_vietnam.shtml

> Cam kết hòa bình

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/11/091103_tonnensson_inv.shtml

-----------------

Lời nói đầu:

Ngày 30/10/2009, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga thông báo, việc ông Sam Rainsy, Chủ tịch đảng Sam Rainsy (SRP) của Campuchia nhổ 6 cọc dấu tạm thời xác định vị trí mốc 185 ở biên giới là ngang ngược, phá hoại tài sản chung, vi phạm pháp luật của cả Campuchia và Việt Nam.

Bà Nga nhấn mạnh, hành động này cũng vi phạm các Hiệp ước, Hiệp định và thoả thuận giữa hai nước, ngăn cản và phá hoại tiến trình phân giới cắm mốc. Các phát biểu vu cáo Việt Nam “chiếm đất của Campuchia thông qua việc phân giới cắm mốc” của Sam Rainsy là thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm, nhằm mục đích kích động hận thù, phá hoại mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia.

Vậy sự thật là gì?

Gần đây dư luận chính trị ở Campuchia tố cáo chính phủ Phnôm-Pênh thỏa hiệp với Việt Nam trong vấn đề biên giới lãnh thổ. Những dư luận này nổi lên trong thời gian từ cuối tháng 9/2005 cho đến chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun-Sen (10/10/2005) khi Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới giữa hai nước vào năm 1985.

Đến nay, một lần nữa, Sam Rainsy, Chủ tịch đảng chính trị Sam Rainsy (SRP) đối lập tại Campuchia “đã tới khu vực đang phân giới cắm mốc giữa tỉnh Long An và tỉnh Svay Rieng, nhổ sáu cọc dấu tạm thời mang về Phnom Penh” và đã có nhiều “phát biểu vu cáo Việt Nam chiếm đất của Campuchia thông qua việc phân giới cắm mốc”.

Nhìn lại lịch sử, Sean Pengse, một người Khmer quốc tịch Pháp, kỹ sư nghiên cứu tài nguyên trong lòng đất và dưới biển, cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp dưới thời Cộng đồng Xã hội bình dân (SangKum Reats Niyum – 05/1955), hiện nay đang đảm nhận chức vụ cái gọi là Chủ tịch Ủy ban biên giới Campuchia ở hải ngoại, đã viết trong một bài báo về biên giới, trong đó nói rằng vào thời Pháp thuộc, đảo Phú Quốc thuộc lãnh thổ Campuchia và theo quan điểm của Brévié về việc phân định địa giới hành chánh giữa Campuchia và vùng Cohinchine thuộc Pháp thì đảo Phú Quốc vẫn nằm trong lãnh thổ ở Campuchia.

Chúng ta biết rằng trong quan hệ với Việt nam, Campuchia là một nước láng giềng có đường biên giới chung trên 1.000km, có vùng biển chung chưa được hoạch định và có dòng sông Mekong nối liền hai nước đi ra biển.

Quan hệ giữa hai nước về cơ bản có những yếu tố thuận lợi. Trên bước đường phát triển của mình, cả hai nước đều có những trở lực giống nhau đó là thường xuyên phải đối phó với sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân, cùng đấu tranh để chống đói nghèo, lạc hậu. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề tồn tại do lịch sử để lại về biên giới, lãnh hải.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, có tư tưởng chống Việt Nam vẫn lợi dụng những vấn đề này nhằm phục vụ ý đồ chính trị của mình gây ra nhiều phức tạp cho sự phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn làm sáng tỏ một số vấn đề mà các dư luận chính trị ở Campuchia đặt ra.

Nếu nói như Sean Pengse, thời thuộc Pháp đảo Phú quốc (Campuchia gọi là Koh Trai) vẫn nằm trong lãnh thổ của Campuchia thì Việt Nam có đầy đủ cơ sở để phản bác lại.

Những nhóm Khmer trên thường viện dẫn những lý do lịch sử và văn hóa để chứng minh chủ quyền của người Khmer trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Sự tiếp cận tuy hợp lý nhưng không đúng. Người Khmer chưa hề làm chủ vùng đất nầy. Đế quốc Angkor trong thời cực thịnh nhất, từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII, cũng chưa bao giờ làm chủ vùng đất này vì một lý do đơn giản: người Khmer không có mặt trên đồng bằng sông Cửu Long. Cho đến nay các nhà khảo cổ học không tìm thấy đền đài nào của thời Angkor trên đồng bằng sông Cửu Long. Cũng nên biết nền văn minh chói sáng của các thời đại Angkor thể hiện qua các công trình kiến trúc bằng đá, tất cả đều tập trung quanh khu vực Siem Reap và Battambang.

Trong suốt thời kỳ hưng thịnh nhất của đế quốc Angkor, trung tâm chính trị và văn hoá được thiết lập phía Bắc hồ Tonlé Sap, quanh Battamang và Siem Reap. Gần như tất cả dân cư sinh sống quanh trung tâm này đều bị bắt về làm nô lệ để xây dựng đền đài. Khi đế quốc Angkor bị người Siam (Thái Lan) tiêu diệt vào giữa thế kỷ XV, không người Khmer nào dám phiêu lưu xuống đồng bằng sông Cửu Long lánh nạn hay lập nghiệp vì sợ rừng thiêng nước độc. Gần như tất cả dân cư Khmer đều tập cư quanh nơi tiếp giáp Biển Hồ và sông Mekong, tức thủ đô Pnom Penh ngày nay. Về sau, để tránh cảnh lụt lội, một số di dân phiêu lưu xuống những gò đất cao (giồng) tại Đồng Tháp và Châu Đốc định cư.

Thời kỳ sau đó, từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ XVII, lãnh thổ của vương quốc Chân Lạp chỉ quanh quẩn từ khu vực phía Nam hồ Tonlé Sap đến khu Mỏ Vẹt phía Đông, và từ Stung Treng phía Bắc đến Tàkeo về phía Nam, mỗi khu vực do một tiểu vương chiếm giữ và đánh phá lẫn nhau. Những danh xưng như Moat Chruk (Châu Đốc), Phsar Dek (Sa Đéc), Toek Khmau (Cà Mau), … chỉ xuất hiện sau này khi người Khmer theo chân người Việt và người Minh Hương đến khai phá đồng bằng sông Cửu Long, từ giữa thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX. Di tích xưa nhất của người Khmer: các chùa chiền có cùng niên đại với sự xuất hiện của người Hoa và người Việt, nghĩa là cách đây khoảng 300 năm.

Bản đồ các Vương quốc ở Đông Nam Á thời kỳ Trung đại

ban doQuyển “Gia Định thành thông chí” do Trịnh Hoài Đức biên soạn trong đời Gia Long và năm Minh Mạng thứ nhất (1820) đã được công bố. Trong đó, địa danh Phú Quốc và việc xác lập đơn vị hành chánh ở Phú Quốc thuộc triều Nguyễn đã được nhắc lại ở 6 mục.

Trịnh Hoài Đức đã miêu tả đảo Phú quốc như sau: “Đảo Phú Quốc ở trong biển, phía Tây Nam trấn thự, đi một ngày đêm đến nơi; núi cao ngất trời, các ngọn nhỏ chầu về Bắc, Đông Tây cách nhau 200 dặm, Nam Bắc cách nhau 100 dặm, không có hổ báo, nhiều lợn rừng, trâu rừng, hươu nai, yến sào, mây, gỗ tốt, đồi mồi, hải sâm, quế hương, đất trồng được [83b] lúa nương, các thứ đỗ, ngô, quả dưa, mà lúa nếp rất ít…

Lúc Thế tổ Cao hoàng đế bị phong trần xe rồng đến đấy, nhân dân xứ này ra sức trung thành, thám báo tình hình giặc, cung ứng vật dụng. Cho nên sau khi bình định, [84a] gia ơn miễn thuế thân và dao dịch cho xứ ấy, dù thuyền đánh cá, thuyền đi buôn đều không đánh thuế. Chỉ vì là nơi biển xa hẻo lánh, phải phòng bị giặc biển Chà Và nhân sơ hở đến ăn cướp, cho nên đặt quan thủ ngự, lấy dân làm lính, đều đủ khí giới cùng nhau giữ gìn để giữ bản cảnh mà thôi.

Hòn Thổ Châu ở phía Đông trấn thự, chu vi hơn 100 dặm, làm án xa cho Long Xuyên và Kiên Giang, cây cối rậm rạp, hang núi im vắng, chim hải yến làm tổ ở đấy; đồi mồi, vích, hải sâm sản xuất ở vực; trên cù lao có dân cư, đều làm nghề biển.”(1)

Khi nói về vấn đề quyền “phát hiện, khai thác liên tục có hiệu quả”, Gia Định thành thông chí đã viết:

“Trấn Hà Tiên là đất cũ của nước Chân Lạp, tục gọi là Mường Khảm, người Kinh gọi là Phương Thành. Buổi đầu, người xã Lê Quách huyện Hải Khang phủ Lôi Châu tỉnh Quảng Đông nước Đại Minh là Mạc Cửu, năm Thanh Khang Hy thứ 19 (1680)…, nhà Minh mất, không phục chính sách buổi đầu của nhà Đại Thanh, để tóc sang phương Nam, ở tại phủ Nam Vang nước Cao Mên, thấy phủ Sài Mạt ở nước ấy, người Kinh, người Trung Quốc, người Cao Mên, người Chà Và, các nước tụ tập, mới mở sòng đánh bạc mà đánh thuế gọi là hoa chi, rồi trưng mua thuế ấy, lại được bạc chôn, trở nên giàu bốc, chiêu mộ dân lưu tán người nước Việt Nam, lập nên bẩy xã thôn ở các xứ Phú Quốc, Lũng Kè, Cần Bột, Vụng Thơm, Rạch Giá, Cà Mau. Vì chỗ ở có truyền thuyết rằng thường có người tiên hiện ở trên sông, nên gọi là Hà Tiên, bèn ủy thuộc hạ là Trương Cầu, Lý Xá Kính mang tờ biểu trần tình, đến kinh đô Phú Xuân xin làm người đứng đầu xứ ấy. Kính gặp năm Giáp Ngọ Hiển Tông Hiếu minh hoàng đế năm thứ 24 (1714) (Lê Dụ Tông Vĩnh Thịnh năm thứ 10, Thanh Khang Hy năm thứ 53), mùa thu, tháng 8, sắc cho Mạc Cửu làm [57a] Tổng binh trấn Hà Tiên, tước Cửu ngọc hầu, bèn lập nên doanh ngũ, đóng ở địa phận Phương Thành, dân ngày càng về nhiều.

Tân Mão năm thứ 21 (1711) (Lê Dụ Tông Vĩnh Thịnh năm thứ 7 Thanh Khang Hy năm thứ 50), mùa hạ, tháng 4, Tổng binh trấn Hà Tiên là Cửu ngọc hầu Mạc Cửu đến cửa khuyết tạ ơn.”(2)

Việc xác lập đơn vị hành chánh ở Phú quốc, sách đã viết:

“Dưới đây 12 thôn, thuộc, nguyên ở đảo Phú Quốc, từ trước vẫn lộ vào quản hạt đạo Long Xuyên, năm Gia Long thứ 18 (1819), tháng 11, đem về lệ vào trấn Hà Tiên để cho cận tiện :

[83a] Thôn An Hòa, thôn Vĩnh Thịnh, … Thuộc người Trung Quốc ở đảo Phú Quốc, (từ trước vẫn thuộc quản hạt đạo Long Xuyên, năm Gia Long thứ 18 (1819), tháng 11, lấy về lệ trấn Hà Tiên). Người Cao Miên 26 sóc: Sóc Lộc Trĩ, Sóc Cổ Cần Lộ, … Người Chà Và 1 đội: Đội Trà Và(3)

Năm 1835, Đại Nam thống nhất toàn đồ đã được triều đình Nguyễn công bố, đây là một bản đồ có thể nói là hoàn chỉnh nhất đối với chủ quyền quốc gia Việt Nam so với lúc bất giờ mà đảo Phú quốc là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể chia cắt.

Đại Nam Nhất Thống Toàn đồ Do Quốc Sử Quán triền Nguyễn ấn hành, thế kỷ thứ XIX

DNTNTDTất cả những điều kể trên chứng tỏ rằng Phú Quốc đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858) và xâm lược Campuchia (1884).

Nhìn lại mối quan hệ Việt Nam và Campuchia từ xa xưa, chúng ta phải thừa nhận rằng trong lịch sử của các triều đại phong kiến trước đây, Việt Nam và Thái Lan đều có truyền thống tranh giành ảnh hưởng ở Campuchia. Khi mà Vương quốc Angkor chia rẽ, tranh đoạt quyền bính. Người thì chạy sang Bangkok cầu viện, kẻ ra tận Huế xin trợ giúp, do đó mới có việc Trương Minh Giảng, Thoại Ngọc Hầu chinh Tây. Đó là một thực tế của quá khứ.

Bước vào thời kỳ hiện đại, từ trước năm 1964, với nỗi ám ảnh về những vùng đất đai rộng lớn của thời kỳ đế quốc Angkor, quan điểm cơ bản của phía Campuchia về biên giới lãnh thổ giữa hai nước là đòi Việt Nam trả lại cho Campuchia 6 tỉnh Nam kỳ và đảo Phú Quốc.

Nhưng từ năm 1964 trở về sau, dưới sự leo thang của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chính phủ Vương quốc Campuchia do Quốc trưởng Norodom Sihanouk đứng đầu đã chính thức đề nghị Việt Nam công nhận Campuchia trong đường biên giới hiện tại, cụ thể là đường biên giới trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 với 9 điểm sửa đổi, tổng diện tích khoảng 100km2. Trên biển, phía Campuchia đề nghị các đảo phía Bắc đường do Toàn quyền Brévié vạch năm 1939 là thuộc Campuchia, cộng thêm quần đảo Thổ Chu và nhóm phía Nam quần đảo Hải Tặc.

Ngày 20/06/1964, Quốc trưởng Norodom Sihanouk đã gửi thư cho Chủ tịch UBTWMTDTGPMNVN Nguyễn Hữu Thọ đề nghị gặp Chủ tịch để trao đổi ý kiến về vấn đề biên giới. Sihanouk đã nói rõ lập trường của Campuchia về vấn đề biên giới: “Chúng tôi rút lui mọi tuyên bố đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của mình để đổi lấy một sự công nhận dứt khoát rõ ràng đối với những đường biên giới đang tồn tại và chủ quyền của chúng tôi đối với những hòn đảo ven biển mà chính quyền Sài gòn đã đòi một cách phi pháp …”(4)

Ngày 18/08/1964, Quốc trưởng Norodom Sihanouk lại gửi thư cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: “về phần mình, Campuchia chỉ đòi hỏi sự công nhận đường biên giới hiện tại trên đất liền của mình như đã được vẽ trên các bản đồ thông dụng năm 1954, và sự công nhận chủ quyền của Campuchia đối với các đảo ven biển mà chế độ Sài gòn đã đòi mà không có một chút lý lẽ gì để biện hộ được”.(5)

Tháng 08/1966 Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam ra tuyên bố: “Công nhận chủ quyền, độc lập, và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong giới hạn hiện tại ở đường biên giới của mình”.

Quan điểm của MTDTGPMNVN đã trở thành  một công  thức quyết định của Sihanouk. Ngày 9 tháng 5 năm 1967, Chính phủ Vương quốc Campuchia công bố một văn kiện chính thức kêu gọi tất cả các nước mong muốn thiết lập quan hệ bình thường và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia “công nhận độc lập ,chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Campuchia trong giới hạn những đường biên giới đã định trong các bản đồ sử dụng trong năm 1954”.

Ba tuần sau, MTDTGPMNVN đưa ra câu trả lời đầu tiên đối với tuyên bố này của Sihanouk:

“1. Khẳng định lại lập trường trước sau như một là công nhận và cam kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong khuôn khổ những đường biên giới hiện tại.

2. Công nhận và cam kết tôn trọng những đường biên giới hiện tại giữa Việt Nam và Campuchia”.

Một tuần lễ sau nữa, chính phủ VNDCCH cũng tuyên bố một văn kiện tương tự (công hàm của Việt Nam không nói tới vấn đề chủ quyền các đảo trên biển và 9 điểm mà Campuchia đề nghị sửa đổi về đường biên giới trên bộ).

Công thức của Sihanouk đã được chính phủ De Gaull tán thành trong bài diễn văn nổi tiếng của De Gaull tại Phnôm Pênh ngày 01/09/1966 và Hoa Kỳ cũng phải dẹp tính tự ái của mình sang một bên mà tán thành công thức này vào tháng 6/1969.

Ngoài những lời cam kết “tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong khuôn khổ những đường biên giới hiện tại” do VNDCCH và Chính phủ CMLTCHMNVN đưa ra tại hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương đầu tháng 04/1970, vấn đề biên giới vẫn bị bỏ lửng cho tới tận khi Khmer đỏ tiếp quản Phnôm-Pênh (04/1975).

Sau khi tiêu diệt chế độ diệt chủng và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia ra đời (07/01/1979), ngày 27/12/1985 Việt Nam và Cộng hoà nhân dân Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia trên cơ sở thỏa thuận năm 1967. Thi hành Hiệp ước, hai bên đã tiến hành phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới từ tháng 4/1986 đến tháng 12/1988 được 207km / 1137km, tháng 1/1989 theo đề nghị của phía Campuchia, hai bên tạm dừng việc phân giới cắm mốc.

Trên biển, ngày 7/7/1982 hai Chính phủ ký Hiệp định thiết lập vùng nước lịch sử chung giữa hai nước và thỏa thuận: sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp để hoạch định đường biên giới trên biển, lấy đường gọi là đường Brévié được vạch ra năm 1939 với tính chất là đường hành chính và cảnh sát làm đường phân chia đảo giữa hai nước.

Với Chính phủ Campuchia thành lập sau khi ký Hiệp ước hoà bình về Campuchia năm 1993 , năm 1994, 1995 Thủ tướng Chính phủ hai nước đã thỏa thuận thành lập một nhóm làm việc cấp chuyên viên để thảo luận và giải quyết vấn đề phân giới giữa hai nước và thảo luận những biện pháp cần thiết để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực biên giới nhằm xây dựng một đường biên giới hoà bình, hữu nghị lâu dài giữa hai nước. Hai bên thỏa thuận trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về biên giới thì duy trì sự quản lý hiện nay.

Với sự kiên trì và khách quan,hai nước đã thống nhất đồng ý ký kết Hiệp ước bổ sung Hiệp ước họach định biên giới năm 1985 vào ngày 10-10-2005.

Qua trao đổi về đường biên giới biển, phía Campuchia kiên trì quan điểm muốn lấy đường do Toàn quyền Brévié vạch ra tháng 1/1939 làm đường biên giới biển của hai nước.

Việt Nam không thể chấp nhận đường Brévié làm đường biên giới biển giữa hai nước bởi các lý do sau đây:

1. Đường Brévié không phải là 1 văn bản pháp quy, chỉ là một bức thư (lettre) gửi cho Thống đốc Nam Kỳ đồng gửi cho Khâm sứ Pháp ở Campuchia. Văn bản đó chỉ có mục đích giải quyết vấn đề phân định quyền hành chính và cảnh sát đối với các đảo, không giải quyết vấn đề quy thuộc lãnh thổ.

2. Cả hai bên không có bản đồ đính kèm theo văn bản Brévié vì vậy hiện nay ít nhất lưu hành 4 cách thể hiện đường Brévié khác nhau: Đường của Pôn Pốt, đường của Chính quyền miền Nam Việt Nam, đường của ông Sarin Chhak trong luận án tiến sỹ  bảo vệ ở Paris sau đó được  xuất bản với lời  tựa của Quốc  trưởng Norodom Sihanouk, đường của các học giả Hoa Kỳ.

3. Nếu chuyển đường Brévié thành đường biên giới biển thì không phù hợp với luật pháp quốc tế, thực tiễn quốc tế, quá bất lợi cho Việt Nam và nên lưu ý là vào năm 1939 theo luật pháp quốc tế lãnh hải chỉ là 3 hải lý, chưa có quy định về vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa thì đường Brévié làm sao có thể giải quyết vấn đề phân định lãnh hải theo quan điểm hiện nay và phân định vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

Phía Việt Nam đã đề nghị hai bên thỏa thuận: áp dụng luật biển quốc tế, tham khảo thực tiển quốc tế, tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trên vùng biển hai nước để đi đến một giải pháp công bằng trong việc phân định vùng nước lịch sử, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của hai nước.

Nếu như lập luận của Sean Pengse thừa nhận rằng Campuchia có quyền về mặt tinh thần với “những lãnh thổ đã bị mất” bao gồm vựa lúa giàu có nhất và thành phố hiện đại nhất của Việt Nam. Rõ ràng nếu thừa nhận sự đúng đắn về đạo lý của các yêu sách đó thì sẽ đặt cơ sở cho yêu sách pháp lý tiếp theo tuy có những tuyên bố từ bỏ vấn đề này (của Vương quốc Campuchia và Campuchia Dân chủ trước đây).

Các thế lực ở Campuchia rêu rao rằng Việt Nam sở hữu hạ tầng sông Mekong ngày nay là bất công vì theo họ việc sở hữu đó đã đạt bằng cuộc xâm lược quân sự chống lại đế chế Khmer xưa kia. Nếu được thừa nhận, thì lập luận này sẽ làm cho người Campuchia có thể đưa thêm những đòi hỏi về lãnh thổ nữa cho người Thái, người Lào và thậm chí người Myanmar. Vô số những yêu sách ngược lại sẽ có thể được đưa ra nhân danh các đế chế hoặc các thành phố độc lập (mà phần lớn cũng đã bị mai một như đế chế Angkor) mà đã từng bị thất bại quân sự về tay người Khmer vào lúc này hay lúc khác trong quá khứ. Nếu dựa vào những lý lẽ “lịch sử” theo kiểu như vậy, tuy có phần hấp dẫn đối với lòng tự hào dân tộc nhưng rõ ràng sẽ mở ra một hộp Pandoras của những xung đột không thể nào giải quyết được.(6)

Một sách giáo khoa về luật pháp quốc tế của Michael Akehurst khái quát vấn đề chung đó như sau : “Đất đai chinh phục được ngày nay, hoặc ít ra đất đai do một kẻ xâm lược chinh phục, thì không thể được thừa nhận quyền sở hữu. Trong quá khứ thì được. Nhưng quyền sở hữu trước kia dựa vào sự chinh phục bây giờ có trở nên mất giá trị không? Nếu trở nên mất giá trị, thì kết quả sẽ rất là sửng sốt; nếu rút ra kết luận logic của việc đó, thì có nghĩa là bắt Mỹ sẽ trả lại cho người Idian da đỏ, và người Anh sẽ phải trả lại nước Anh cho người xứ Welsh”.(7)

Những ví dụ như vậy có thể nhân lên không bao giờ hết. Kết luận mà phần đông các nhà cầm quyền đạt được là những khái niệm về luật pháp quốc tế không thể áp dụng lui trở lại cho các cuộc xung đột trong quá khứ để làm mất giá trị pháp lý của những biên giới ngày nay được.

Những vấn đề đó đặc biệt gay gắt trong các thuộc địa cũ của các cường quốc thực dân Châu Âu. Akehurst nhận xét : “Những biên giới thuộc địa, được vạch ra bằng vũ lực trong các thế kỷ trước, ngày nay phần lớn đã trở thành những biên giới của những nước mới độc lập, mà không nước nào muốn thấy biên giới của họ bị đưa ra đặt vấn đề lại. Các nước Mỹ la tinh và Á-Phi, với một cái ngoại lệ (như Trung Quốc chẳng hạn) đã đồng ý rằng các biên giới thuộc địa phải được tiếp tục sử dụng, theo luật pháp quốc tế, như những biên giới sau độc lập. Ở Mỹ la tinh, điều đó được hiểu là nguyên tắc Utipossidetis, nghĩa là :Như bạn đã sở hữu, bạn sẽ tiếp tục sở hữu(8). Các biên giới thuộc địa, nhất là ở Châu Phi thường không theo thiên nhiên, không tính đến sự phân chia của bộ tộc và cắt qua các khu vực thuộc cùng một đơn vị kinh tế, nhưng vì các quốc gia mới được độc lập không thể đồng ý vạch lại một cách triệt để các biên giới nên khôn khéo hơn cả là duy trì các biên giới hiện có để tránh tình hình mất ổn định và xung đột. Do đó lập trường của Việt Nam đối với biên giới Việt Nam – Campuchia là phù hợp với luật quốc tế đã được chấp nhận chung.

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Trong đó lãnh thổ và biên giới quốc gia lại là hai yếu tố gắn bó với nhau như hình với bóng do đó pháp luật quốc tế hiện đại và tập quán quốc tế đều thừa nhận tính bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia và biên giới quốc gia. Cho đến đầu thế kỷ XX, pháp luật quốc tế vẫn còn thừa nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một nước là hợp pháp. Nhưng ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, Hiến chương Liên Hợp Quốc được thông qua năm 1945 có điều 2, khoản 4 cấm sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ và quyết liệt của các dân tộc thuộc địa sau chiến tranh thế giới thứ hai mà dân tộc ta la một đội ngũ tiên phong với chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ đã dẫn tới nghị quyết cụ thể và đầy đủ hơn của Liên Hợp Quốc về vấn đề này.

Nghị quyết 1514 ngày 14/12/1960 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc trao trả nền độc lập cho các nước và các đân tộc thuộc địa đã viết: “Mọi hành động vũ trang và mọi biện pháp đàn áp, bất kể thuộc loại nào, chống lại các dân tộc phụ thuộc sẽ phải được chấm dứt để các dân tộc đó có thể thực hiện quyền của họ về độc lập hoàn toàn một cách hoà bình và tự do, và toàn vẹn lãnh thổ của họ sẽ được tôn trọng”.

Nghị quyết 26/25 năm 1970 của Liên Hơp Quốc lại viết: “Các quốc gia có nghĩa vụ không được dùng đe dọa hoặc dùng vũ lực để xâm phạm các đường biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hoặc như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia”.

“Mọi hành động thụ đắc lãnh thổ bằng đe dọa hoặc bằng sử dụng vũ lực không được thừa nhận là hợp pháp”.

Đối với mọi quốc gia dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng – bất khả xâm phạm. Để có được giang sơn gấm vóc ngày nay, dân tộc ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu và trí tuệ trong suốt nhiều ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Chính vì vậy, khi giải quyết bất kỳ vấn đề gì liên quan đến biên giới và lãnh thổ chúng ta phải biết kết hợp các hình thức và biện pháp đấu tranh thích hợp đối với từng vụ việc phát sinh trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, giữ gìn quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.


Chú thích:

(1), (2), 3)- Trung tâm Xã hội và Nhân văn Quốc gia. Viện Sử học. Gia Định thành thông chí. NXBGD – 1988

(4), (5)- Tạp chí Le Sang Kum – Phnôm Pênh năm 1967.

(6)- Theo thần thoại Hy Lạp, Pandoras là người đàn bà do Thần lửa tạo ra và bị đưa xuống để trừng phạt trần gian đã lấy trộm lửa. Thần Zeus cho chị ta một cái hộp, khi mở ra thì đủ tất cả các thói hư tật xấu bay ra làm ô nhiễm cả thế giới. Hộp Pandora do đó có nghĩa là vật hào nhoáng nguy hiểm.

(7), (8)- Grant Evans – Kelvin Rowley. The Red Brotherhood at war (bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Tấn Cưu – Chân lý thuộc về ai?), NXBQĐND, 1986.

Nguồn: anhbasam.com

5 nhận xét:

  1. Xin hỏi bà PN: Thế lãnh thổ VN bao gồm HS&TS, thác Bản Giốc, ải Nam quan là của VN hay TQ. Sao không thấy bà phản đối gì cả?

    Trả lờiXóa
  2. TG bây giờ loạn thiệt, ai cũng hám tranh giành lãnh thổ đất đai.

    Trả lờiXóa
  3. Nghị quyết 26/25 năm 1970 của Liên Hơp Quốc lại viết: “Các quốc gia có nghĩa vụ không được dùng đe dọa hoặc dùng vũ lực để xâm phạm các đường biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hoặc như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia”.

    “Mọi hành động thụ đắc lãnh thổ bằng đe dọa hoặc bằng sử dụng vũ lực không được thừa nhận là hợp pháp”.
    --------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam !

    Trả lờiXóa
  4. Thế giới là như vậy. Vấn đề lãnh thổ luôn là nguồn gốc của những bất ổn trong quan hệ giữa các quốc gia.

    Trả lờiXóa
  5. Nó còn tuỳ thuộc vào cách ứng sử nữa cơ. Có nghe tin là Mỹ và Canada cũng có tranh chấp biên giới khu vực gần hồ(Tin này đọc trên internet chưa được kiểm chứng),nhưng họ đàm phán giải quyết bằng con đường hoà bình chứ đâu như Thằng Tàu khựa toàn dùng vũ lực.

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter