Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Trữ tình ngoại đề nhân bài báo tai tiếng

22/04/2010

Trữ tình ngoại đề nhân bài báo tai tiếng trên trang tiếng Việt của đài BBC ngày 17/4/2010

 

Hoàng Dzung

 

Bài viết này xem như là một dư âm còn ngân lại sau những luồng dư luận sôi nổi mà một ký giả trên BBC tiếng Việt đã cố ý – nếu chúng tôi không nhầm – làm dấy lên. Đó là điều dù muốn tránh cũng không thể được, giống như những gợn nước trên mặt ao còn lan mãi không ngừng sau khi một hòn đá lớn do người nào đó ném mạnh xuống ao.

Nhưng không cùng dạng với bài tiếp theo sau bài này của Nguyễn Tuấn Khải vẫn nói trực tiếp đến đối tượng đã gây nên làn sóng công phẫn (mà vì BVN đã hứa chấm dứt cuộc chơi này rồi nên phải có Lời dẫn dành riêng để bạn đọc thông cảm), những lời bàn giải của bạn Hoàng Dzung nói ở đây là một luận bàn theo hướng mở, đúng như tiêu đề là trữ tình ngoại đề, nhằm rút ra những điều cốt thiết cho nhận thức của mọi chúng ta trong tình hình phức tạp của thời đoạn hôm nay, khi cái đúng cái sai có thể khoác lẫn áo của nhau, khi cái chính thống chưa chắc đã đồng nhất với cái đúng, khiến cho mọi tranh luận không phải dễ dàng ngã ngũ. Và cũng vì thế rất cần có một sự cảnh tỉnh nào đấy để lớp trẻ, tức là thế hệ Việt Nam tương lai, nhạy bén, tỉnh táo, và biết cách tự miễn dịch với đủ thứ hàng giả độc hại.

Bauxite Việt Nam

 

Câu chuyện về một người đàn bà háo danh, hàm hồ và trơ trẽn một cách khó thương mà công luận lên tiếng mấy ngày nay, đến đây có thể chấm dứt được rồi. Tôi không muốn lại nêu tên người ấy, giống như người Hy Lạp thuở xưa đã không gọi tên mà chỉ gọi là “kẻ đốt đền”, hay “tên đốt đền” đối với một kẻ háo danh ngu ngốc nào đó đã ngỡ rằng đời sau sẽ phải nhắc đến tên mình bên cạnh tên người đã xây dựng ngôi đền trứ danh thờ thần Artemis ở Ephesus.

Chân tướng của người này đã bộc lộ quá rõ. Các nhà khoa học quốc tế, kể cả người Việt lẫn người Mỹ đã cho biết, con người này chưa từng có trong tay, hay đúng hơn là chưa kịp mua xong tấm bằng mà cô ta hằng mơ ước và mạo nhận, nói chi là đang giảng dạy ở đại học Yale của Mỹ. Thật là một cú lừa ngoạn mục của thời đại siêu lừa, ngay cả một thương hiệu danh tiếng lẫy lừng và có lòng tự trọng nghề nghiệp rất cao như đài BBC mà cũng bị lừa. Trước khi đến Mỹ cô ta đã được đào tạo ở nhà trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Câu chuyện tiếp theo tới đây là của Đại học Yale và đài BBC cùng với độc giả Việt Nam và độc giả khắp năm châu; chúng ta không cần quan tâm và tốn thêm giấy mực về nó nữa.


Đáng nói chỉ là, toàn thể những người Việt Nam yêu nước qua câu chuyện này cần đề cao cảnh giác về những hậu duệ của Trần Ích Tắc, của Lê Chiêu Thống và kể cả của Trọng Thủy vẫn còn lẩn khuất đâu đây trong xã hội lẫn trong cái giới đang nắm vận mạng quốc gia hiện nay. Chúng là một nguy cơ ở dạng tiềm năng, sẽ tự phát trỗi dậy khi đất nước đứng trước hiểm họa bị láng giềng lấn lướt, quan trọng hơn, khi xã hội công dân của cả nước bị kìm nén, không phát huy được sức mạnh tinh thần cần có để đè bẹp cái mầm phản trắc từ trong trứng nước.

Đáng nói còn là trước một câu chuyện động trời như thế mà giới truyền thông chính thống trong nước vẫn chưa thấy có một tiếng nói nào, cơ quan và người đứng đầu trong việc quản lý lĩnh vực này vẫn “câm như hến” tựa như “ăn xôi chùa ngọng miệng” vậy. Có lẽ sự im hơi của những người cầm chịch cái công việc mà sự nhạy bén tin tức đòi hỏi phải nắm được cũng như xử lý được trước hơn ai hết, là một tín hiệu báo rằng, giới truyền thông hãy bám lề phải mà đi, rằng phản đối hiện tượng này là sa vào lề trái của luật lệ báo chí? Có thể rằng vì thấy như thế thì “kỳ cục” và lạc lõng quá rồi đây người ta cũng sẽ lên tiếng, nhưng đối với lĩnh vực thông tin mà tính thời sự để trôi đi mất thì thông tin ấy còn ý nghĩa gì? Tuy nhiên muộn vẫn còn hơn không, vì sự vớt vát ít nhiều vẫn còn chứng tỏ rằng lương tri và sự dũng cảm của con người vẫn chưa mất. Hãy cứ hy vọng như vậy.

Cảm ơn BVN - một thương hiệu đã thành danh trong nước và trong giới truyền thông quốc tế - đã sớm phát hiện và góp phần đắc lực làm sáng tỏ vụ việc.

Ngẫm nghĩ xa hơn, ta bỗng thấy băn khoăn về nền giáo dục đầy dẫy bạo lực từ bậc mẫu giáo đến cấp phổ thông trung học đã sản sinh ra một thế hệ con người mang mầm mống bạo lực ngay từ trên ghế nhà trường. Nữ sinh đánh nhau trên hè phố. Nữ sinh thản nhiên đánh “hội đồng” bè bạn và còn chuyền tay nhau tung hình ảnh này lên mạng để mọi người cùng thưởng lãm. Thầy cô giáo đánh học trò. Học trò đánh thấy cô giáo v.v., tiêu cực học đường nhan nhản không sao kể xiết! Một xã hội đầy bất công và tiêu cực mà người đứng đầu nhà nước lại tuyên bố rằng trong suốt các nhiệm kỳ tại vị, người ấy chưa từng kỷ luật bất cứ một ai. Có lời tự thú nào thành thực hơn! Bầy dê con quên lời mẹ dặn đã mở cửa cho sói vào nhà trong một truyện cổ tích mà gần như trẻ em nào cũng biết, thế mà người ta lại mở cửa biên giới ở những vùng xung yếu, nhạy cảm cho kẻ đã và đang xâm lược lãnh thổ của nước ta được thuê đất trồng rừng dài hạn, trong khi Chính phủ vẫn không hay biết, chỉ đến khi báo chí và dư luận trong nước đánh động thì mới cho người đi xác minh. Có bức tranh tự họa nào mô tả chính xác hơn hiện trạng tê liệt cảnh giác và thiếu tinh thần trách nhiệm của giới lãnh đạo qua hoạt cảnh này? Chính cái nền giáo dục ấy và “giới thủ lĩnh bầy đàn” ấy đã minh họa hùng hồn cho câu phương ngôn “Rau nào sâu ấy” và đó cũng là lời giải thích cho hiện tượng bắt chước vụng về kịch bản “kẻ đốt đền” made in Việt Nam này.

Thật đáng mừng là sự phản ứng vô cùng nhanh nhạy của đông đảo giới “Blogger” và các độc giả trẻ tuổi trong và ngoài nước có dòng máu Việt Nam đang chảy trong huyết quản, trước hiện tượng trơ trẽn và vô liêm sỉ của cái “quái thai” kia. Phản ứng của giới trẻ và giới ‘Blogger’ khiến cho những ai tâm huyết với vận mệnh đất nước cảm thấy bớt trăn trở, vì lòng yêu nước chỉ bị cấm đoán và kìm hãm bởi giới cầm quyền chứ không hề ngủ quên, hay bị dập tắt trong bất cứ người Việt Nam chân chính nào, bất kể người đó đang sinh sống ở đâu trên trái đất này. Sự phản ứng tức thì mang tính phản biện của đông đảo độc giả khiến người ta liên tưởng đến những biển người cuồng nhiệt tuần hành gần như đồng loạt và reo hò suốt cả đêm thâu đầy ắp khắp các nẻo đường trên tất cả các thành phố lớn của giải đất hình chữ S thân thương, trên tay họ phất cao lá cờ Tổ quốc, trên ngực áo bên cạnh trái tim là ngôi sao vàng trên nền áo đỏ mỗi khi ăn mừng thắng lợi của bóng đá Việt Nam. Tuy rằng ít nhiều những hành động ấy có tính bộc phát thái quá, nhưng đó là sự phản ánh nỗi khát khao của giới trẻ Việt Nam cầu mong đất nước được một lần “lên ngôi” trong môn thể thao vua trên sân cỏ Đông Nam Á. Đó chính là sự biểu dương của lòng yêu nước. Đó là sự nhắc nhở, rằng nếu động đến đất nước này thì không những chỉ ở những thành phố lớn mà khắp cả nước và khắp cả năm châu, ở đâu có người Việt Nam thì cũng sẽ có những cuộc xuống đường như thế, những cuộc xuống đường mà sự phẫn nộ được tích tụ và bị dồn nén thái quá bấy lâu nay có thể nhấn chìm tất cả bè lũ cướp nước lẫn bè lũ bán nước.

Các bạn, có ai muốn đo đếm cho hết tâm huyết sục sôi của bao nhiêu con người mang trong mình dòng máu Việt Nam ở cả trong và ngoài nước trước sản phẩm có hình dáng quái thai “made in Việt Nam” mà đài BBC đã trình làng qua bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc”, thì hãy gõ dòng chữ này vào trang Google, qua đó bạn sẽ tận mắt nhìn thấy vô vàn những lời góp ý ngắn dài đủ loại làm mình nức lòng - ấy là lời chứng nghiễm nhiên về thế hệ hôm nay đang thật sự thăng hoa bởi chính lòng yêu nước. Và đó cũng là niềm tin của chúng ta đặt cược vào tiền đồ dân tộc.

HD
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

 

Nguồn: http://boxitvn.blogspot.com/2010/04/tru-tinh-ngoai-e-nhan-bai-bao-tai-tieng.html#more

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter