Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Từ một góc nhìn "xưa cũ và bảo thủ" về quan hệ văn hóa Việt-Trung...

Talawas.org – 9.9.2005

Hà Yên

Từ một góc nhìn “xưa cũ và bảo thủ”

về quan hệ văn hóa Việt – Trung,

lạm bàn với Liam C. Kelley

1.

Với các khảo chứng lịch sử – văn hóa in đậm dấu ấn tinh thần dân tộc và ý thức tự chủ, lô-gích từ sự khác biệt cộng đồng tới sự khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa dường như lâu nay đã trở thành một kết luận không còn xa lạ với những ai quan tâm tới vấn đề này; đồng thời cũng từng bước “xếp vào quá khứ” các quan niệm từng thịnh hành một thời rằng văn hóa Việt Nam chỉ là một bộ phận, một phái sinh của văn hóa Trung Hoa. Tất nhiên khi chứng minh, người ta không chỉ bắt đầu từ cảm quan hiện thực, đa số các trường hợp đều sử dụng những cứ liệu lịch sử bao chứa các yếu tố cơ bản có tư cách là tư liệu tiền đề. Và cũng tất nhiên, trước khi đưa ra các kết luận về lịch sử – văn hóa Việt Nam, cần thiết phải đặt nó trở về với bối cảnh phức tạp của các biến thiên lịch sử ở một quốc gia không có truyền thống làm sử chính xác và cập nhật, thêm vào đó là tình trạng thất lạc, mất mát do giặc giã thiên tai… Lại nữa, sự tồn tại và chen lấn của truyền thuyết, của huyền thoại, của các thành phần folklore khác không chỉ mang ý nghĩa bổ sung các nội dung lịch sử – văn hóa “bác học” mà đôi khi còn làm tăng thêm tính “mờ, nhòe” của một số sự kiện, cho dù có hoặc không được ghi chép. Nên tôi vẫn quan niệm, khi nghiên cứu lịch sử – văn hóa Việt Nam, có lẽ câu hỏi: “nó vốn là cái gì” thường khi lại quan trọng hơn câu hỏi: “nó vốn như thế nào?”; nói cách khác, trong từng trường hợp cụ thể, việc mô tả không quan trọng bằng việc tìm hiểu tại sao nó lại như thế… (?). Bởi vậy với một số vấn đề lịch sử – văn hóa Việt Nam, theo tôi góc nhìn duy lý và thực chứng chưa hẳn sẽ đem lại một kết quả thuyết phục và như ý.

Viết bài này, tôi không có may mắn và cũng không có khả năng (!) tiếp cận Beyond The Bronze Pillars (Đi qua những cột đồng) của Liam C. Kelley, tôi đành thỏa mãn với việc tìm hiểu một số quan niệm của ông trong “Thay đổi cách nhìn về quan hệ văn hóa Việt – Trung” qua bản dịch của Lê Quỳnh (talawas, 1.9.2005). Dẫu vẫn biết về nguyên tắc, muốn tìm hiểu một công trình khoa học cần đọc kỹ nguyên tác, song công việc này đối với tôi hiện tại là bất khả, nên việc đưa ra các nhận xét sai lạc là rất khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu coi bản dịch có nhan đề „Thay đổi cách nhìn về quan hệ văn hóa Việt – Trung“ như một văn bản tóm lược các nội dung chủ yếu trong công trình của Liam C. Kelley thì tôi nhận thấy ở đó toát lên ý tưởng coi Việt Nam chỉ là một “tiểu Trung Hoa”, coi các luận điểm như bản sắc dân tộc, dòng văn chương chống ngoại xâm… chỉ là sự “phóng chiếu các ý niệm và cảm xúc hiện tại vào quá khứ” và Liam C. Kelley đã không thuyết phục được tôi. Những luận chứng dưới đây có thể không có gì mới, có thể chỉ là biểu hiện của một góc nhìn “xưa cũ và bảo thủ”, có thể không bao giờ vọng tới Liam C. Kelley… nhưng tôi vẫn trình bày, và về thực chất, bài viết này chuyển tải các suy nghĩ nhiều hơn là đưa ra những ý kiến tranh luận mà ai đó có thể xem là “liều lĩnh”!

2.

Từ sự không tin cậy với ý kiến của nhiều tác giả nghiên cứu lịch sử – văn hóa Việt Nam ở trong nước và ngoài nước khi họ có các kết luận đại loại như: Việt Nam không phải là một “tiểu Trung Hoa”; Việt Nam có bản sắc riêng; việc gửi hàng trăm sứ thần đến thủ đô Trung Hoa suốt nhiều thế kỷ chỉ là việc “giả vờ”; sự tồn tại của một dòng văn chương chống ngoại xâm… Liam C. Kelley muốn “thay đổi cách nhìn về quan hệ văn hóa Việt – Trung” xuất phát từ một tiền đề có thể coi là điển hình cho tinh thần thực chứng, ông viết: “Khi ta nhìn vào các nguồn tài liệu gốc chép lại câu chuyện về một sự kiện như cuộc chinh phục của Mã Viện, không có từ nào mà ta có thể dịch ra thành “người Trung Quốc” hay “người Việt Nam.” Các tài liệu nguyên thủy chỉ chứa đựng tên các cá nhân (Trưng Trắc, Tô Định, Mã Viện…), chức danh chính thức của họ (thái thú, phục ba tướng quân), và tên một triều đại (Hán). Nếu chúng ta không thể định vị bất kì sự diễn đạt bản sắc nào trong tư liệu gốc (dù là “người Trung Quốc” hay “người Việt Nam”), thì làm sao chúng ta có thể lý luận rằng người Việt Nam nuôi dưỡng một xác tín có gốc rễ sâu sắc rằng họ “không phải là, và không muốn là, người Trung Quốc?”

Nghĩa là Liam C. Kelley yêu cầu phải có một (nhiều) tài liệu xác thực, cho phép chứng minh từ xa xưa trong các ghi chép lịch sử thành văn, hai khái niệm “người Việt Nam” và “người Trung Quốc” đã được xác lập và phân định rạch ròi. Nghĩa là về thao tác, Liam C. Kelley không nghiên cứu lịch sử để rút ra kết luận về lịch sử, ông xác lập một giả thuyết làm việc rồi khảo chứng lịch sử đặng tìm hiểu giả thuyết có khả năng đứng vững hay không, nếu không đứng vững tức là các kết luận ông thiếu tin cậy ở trên không có cơ sở tồn tại. Tôi nghĩ đây là một hướng nghiên cứu mang màu sắc chủ quan (?), xét về thao tác, ông đã tiến hành ngược chiều với yêu cầu ông đặt ra ở cuối bài: “Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hoàn tất nhiệm vụ vô cùng quan trọng là xem xét các ví dụ này trong ngữ cảnh văn hóa và lịch sử của chúng. Chỉ bằng cách làm như vậy, chứ không phải phóng chiếu các ý niệm và cảm xúc hiện tại vào quá khứ, thì chúng ta mới có thể hiểu rõ hơn về mối bất hòa Trung-Việt”. Để trả lời, để chứng minh các luận điểm ông còn chưa tin cậy, trong đoạn trích “Lời giới thiệu” của Đi qua những cột đồng, Liam C. Kelley viết: “Các tài liệu ở đây (bài thơ đi sứ) nói trực tiếp về quan hệ Trung – Việt, và chúng không nói gì về xung đột hay đối nghịch. Chúng không bộc lộ bất kì cảm giác nào về sự kháng cự chống Trung Quốc, mà lại mô tả một sự khẳng định toàn diện về một trật tự thế giới mà quan hệ triều cống dựa vào và về vị trí phụ của Việt Nam trong thế giới ấy”.

Do chưa đọc Đi qua những cột đồng, nên tôi không biết Liam C. Kelley đã khảo sát những “bài thơ đi sứ” nào, của tác giả nào, nhưng tôi rất khó tin Liam C.Kelley đã nhận định chính xác, vì qua „Thay đổi cách nhìn về quan hệ văn hóa Việt – Trung“ tôi hiểu ông nghiên cứu dựa trên nguyên tắc: văn bản, văn bản và văn bản; nếu văn bản không xác định thì tính hiện thực của sự kiện sẽ bị nghi ngờ (!?).

Tôi cũng từng đọc nhiều “bài thơ đi sứ”, tôi cũng nhận ra ở chúng thiếu vắng tinh thần “xung đột hay đối nghịch”. Song tôi coi đó là tình trạng hết sức bình thường, không bao hàm ý nghĩa, không phản ánh quan niệm về “vị trí phụ” của Việt Nam trong một trật tự do phong kiến Trung Hoa xác lập. Xưa kia cha ông chúng ta “đi sứ” không tương tự như các vị đại sứ của thế giới hiện đại, cũng không có một “dư luận quốc tế” nào ngõ hầu cứu giúp lúc nguy nan. Vị trí một nước nhỏ không cho phép thơ ca của các sứ giả được bày tỏ chí khí hay tinh thần tự tôn một cách công khai, thơ văn của họ trở thành những cảm tác tiêu dao, thành nơi thi thố tài năng với các quan lại, danh sĩ Trung Hoa… Mặt khác, do các tương quan luôn bất lợi nhiều mặt đối với Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc từ sau ngày giành lại độc lập ở thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX, trong các giai đoạn hai nước đang giữ hòa hiếu thì theo tôi, chỉ có vị sứ giả nào “bất thường về tâm lý” mới bày tỏ thái độ đối đầu. Còn lúc hai nước nảy sinh bất đồng, đạo quân binh “thiên triều” đã thập thò nơi biên ải, đường về nước thì xa, sứ giả trở thành con tin, tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, thậm chí một câu nói hớ hênh cũng đủ đưa sứ giả lên đoạn đầu đài…, thì thái độ nhún nhường, thần phục thật sự là lựa chọn khôn ngoan, tỉnh táo, đưa lại hy vọng cứu đất nước khỏi họa binh đao, và bảo toàn tính mạng của chính mình. Không rõ Liam C.Kelley đã tìm hiểu kỹ lưỡng về cái gọi là “đi sứ” ở phương Đông hay chưa, và việc ông không tìm thấy trong các bài thơ đi sứ thái độ “xung đột hay đối nghịch” và “cảm giác nào về sự kháng cự chống Trung Quốc” có được đặt trong các mối liên hệ và bối cảnh phức tạp của lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Hoa từ hàng nghìn năm trước hay không? Đối với các đối tượng nghiên cứu có tính cách là sản phẩm của lịch sử – văn hóa, thao tác tách văn bản một cách tuyệt đối ra khỏi văn cảnh có thể đưa Liam C. Kelley tới một kết luận đối lập với kết luận của người khác, song tách văn bản một cách tuyệt đối ra khỏi văn cảnh cũng chính là một thao tác “siêu hình”, khu biệt sự vật hiện – tượng khỏi bối cảnh lịch sử và không gian sinh tồn của nó. Vậy, liệu kết luận rút ra có bảo đảm tính chính xác?

3.

Nếu dừng lại ở những luận điểm Liam C. Kelley trình bày trong “Thay đổi cách nhìn về quan hệ văn hóa Việt – Trung”, tôi tin ông không chú ý khảo sát các sử liệu Việt Nam – nơi theo tôi ý thức tự chủ của các triều đại phong kiến Việt Nam thường được trình bày khá nhất quán, ông tìm kiếm trong sử sách Trung Hoa, hiển nhiên ông sẽ không thể thâu lượm được bất kỳ một sử liệu nào đủ sức chứng minh tính xác thực trong giả thuyết khoa học của mình. Tôi chỉ băn khoăn: lẽ nào Liam C. Kelley không tiến thêm một bước nữa để lý giải lý do tại sao trong những ghi chép lịch sử do các sử gia phong kiến Trung Hoa thực hiện lại không đặt vấn đề phân biệt “người Trung Quốc” với “người Việt Nam”?

Tới hôm nay, chúng ta đều biết một “chân lý phổ biến” từng thống trị trong ý thức cai trị của các triều đại phong kiến Trung Hoa rằng: “phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ, suất thổ chi tân, mạc phi vương thần”. Và “mệnh Trời” với thiên tử (con trời) là đại diện, từ ngàn xưa đã tạo dựng nên một thái độ “cao ngạo” không dễ tìm thấy ở một dân tộc nào khác từ phương Đông sang phương Tây cùng thời. Đại Đường, Đại Tống, Đại Minh, Đại Thanh…, cùng các ý niệm “phên dậu”, “tứ di”, “phiên thuộc” dùng chỉ các quốc gia tồn tại quanh Trung Hoa tự thân đã nói lên điều các vua chúa Trung Hoa luôn muốn khẳng định (theo tôi, phải chăng đây là một lý do đưa tới việc các triều đại phong kiến Trung Hoa không coi trọng việc đặt tên nước và tên nước được lấy theo tên của triều đại trị vì?).

Vì thế quan hệ với các quốc gia “phên dậu”, “tứ di”, “phiên thuộc” trong lịch sử các triều đại phong kiến Trung Hoa cũng không có gì sáng sủa, nó được xác lập theo một biên độ rất rộng rãi, từ “ki mi” (lỏng lẻo) tới thiết lập một vương triều “thân Hoa”. Với Việt Nam, không chỉ từ thời Sĩ Nhiếp, ngay cả khi đoàn quân Tôn Sĩ Nghị thất trận, Càn Long cũng không thoát khỏi cái nhìn truyền thống, nên sách phong Nguyễn Quang Bình làm An Nam Quốc vương mới có đoạn cho thấy một thái độ “cao ngạo” đến mức nào: “Trẫm Vương hóa nơi xa xôi, phạt tội rồi tha cho qui phục. Ngươi được phong tước, giữ phận thờ nước lớn do đạo kính trời. Xét lòng thành kẻ hoang dã, tha chuyện cũ, ơn mưa móc tưới nhuần thuộc quốc. Vui mừng vận hội mới, rạng rỡ thay sủng ái ban ân, gắng sức lo bề huấn học[1] . Liam C. Kelley cũng nhận biết điều này khi ông tóm tắt: “Nói một cách tóm tắt, thì ít nhất kể từ nhà Thương (thế kỷ 18 – 11 trước CN), những dân tộc đầu tiên mà ta phân loại là “người Trung Quốc” đã cảm thấy rằng xã hội của họ, với hệ thống chữ viết và các lễ nghi phức tạp, ưu việt hơn hẳn các dân du cư lang thang nơi hoang mạc, đồng cỏ ở phía bắc và tây bắc và các dân tộc sống ở các vùng rừng rậm rạp ở miền nam. Trước điều mà họ xem là sự bất xứng này, người Trung Quốc cảm thấy thật lô-gích khi quan hệ với các dân tộc xung quanh cần diễn ra theo tôn ti trật tự. Dân tộc nào muốn có quan hệ với Trung Quốc, thì quan hệ đó phải bao gồm sự thừa nhận tính ưu việt của nhà cai trị Trung Quốc, Thiên tử, với việc phủ phục trước sân triều, và cống nạp phẩm vật”. [2]

Đáng tiếc là ông không đi xa hơn để tìm hiểu căn nguyên sâu xa vấn đề do ông đặt ra, trong bối cảnh đó, ông vẫn hy vọng tìm kiếm trong sử sách Trung Hoa một cái nhìn bình đẳng với các quốc gia “phiên thuộc” thì thiết nghĩ, đây thật sự là một hy vọng bất khả. Bản thân các triều đại phong kiến Trung Hoa không đặt ra vấn đề về sự bình đẳng giữa các quốc gia thì không lý gì họ phải đặt ra vấn đề phân biệt sự khác nhau giữa “người Việt Nam” với “người Trung Hoa”. Do đó yêu cầu thực chứng các ý niệm trên đây của Liam C. Kelley theo tôi là không thỏa đáng. Đòi hỏi của ông thật sự thoát ly khỏi một đặc trưng quan trọng của lịch sử – văn hóa Trung Hoa trong quá khứ.

4.

Về “hệ thống triều cống” thì, như đã nói ở trên, Liam C.Kelley nhận xét: “Kể từ khi người phương Tây tiếp xúc với hệ thống ngoại giao độc đáo này, họ đã cố gắng để hiểu cái lý lẽ đằng sau nó. Từ cái nhìn hiện đại của phương Tây về sự bình đẳng quốc gia, một hệ thống ngoại giao dựa trên bất bình đẳng là điều không thể chấp nhận theo nghĩa bề mặt của nó. Vì thế, các học giả tìm cách nhìn thấu qua cái “ngôn từ khoa trương” của hệ thống triều cống với hy vọng phát hiện ra một “thực tại” có thể hiểu được. Chắc chắn phải có một lý do lô-gích giải thích vì sao các vương quốc bên ngoài lại chấp nhận vị thế thua kém trong quan hệ này, một điều mà các nước phương Tây đã không chấp nhận ở thế kỷ 19 trong giao tiếp với Trung Quốc.” và ông không tin việc gửi hàng trăm sứ thần đến thủ đô Trung Hoa suốt nhiều thế kỷ chỉ là việc “giả vờ”. Dường như theo ông, vấn đề triều cống là biểu thị cho tình trạng “thần phục tự giác”, chứ không phải là một “sách lược tự vệ” (xin nhấn mạnh – NH) của các triều đại phong kiến Việt Nam trước các triều đại phong kiến Trung Hoa. Và một lần nữa, tinh thần thực chứng lại được bộc lộ qua các câu hỏi và ý kiến do Liam C. Kelley trình bày: “Người ta có thể hỏi, làm thế nào các học giả biết rằng người Việt không tin vào tính chính đáng của hệ thống triều cống? Có bao nhiêu bằng chứng văn bản chứng tỏ những suy nghĩ này? Ở đây, tôi cho rằng có vô cùng ít bằng chứng. Ở phần lớn các trường hợp, các nhà nghiên cứu chỉ áp đặt sự diễn giải mà họ muốn lên quá khứ, bởi vì có rất ít chi tiết trong ghi chép lịch sử chứng tỏ một cách thuyết phục rằng người Việt không tin vào hệ thống triều cống. Chỉ khi người ta tách văn bản ra khỏi văn cảnh, và bổ sung những ý nghĩa mới cho chúng, thì người ta mới có thể thấy người Việt, trong chiều dài lịch sử, đã thách thức một nhãn quan về thế giới có trung tâm là Trung Quốc”.

Với các câu hỏi trên tôi nghĩ, Liam C. Kelley nghiên cứu lịch sử – văn hóa Việt Nam nhưng không chú ý tìm hiểu, không quan tâm tới những nội dung có tính “ngầm ẩn”, “phi văn bản” của lịch sử, nhất là lịch sử quan hệ giữa Việt Nam với Trung Hoa xưa kia. Điều tôi nghĩ trên đây là có cơ sở, bởi thật “bất thường” khi các cuộc chiến tranh tương ứng giữa các triều đại: Tống – Lý, Nguyên – Trần, Minh – Lê, Thanh – Tây Sơn lại được ông kết luận khá giản đơn: “Chắc chắn có những lúc tồn tại mức độ đối kháng giữa một số dân tộc sống ở các lãnh địa mà nay ta gọi là Việt Nam và Trung Quốc”.

“Mức độ đối kháng” chứ không phải chiến tranh xâm lược, có lẽ Liam C. Kelley là người lần đầu tiên và là người cuối cùng rút ra một kết luận như vậy. Liệu có đáng ngờ? Đi tìm lô-gích bên trong của hệ thống triều cống, Liam C. Kelley lấy các bài “thơ đi sứ” làm đối tượng khảo sát, không tìm thấy trong đó “cảm giác nào về sự kháng cự chống Trung Quốc”, ông không tin vào ý thức tự chủ và lòng tự tôn dân tộc của người Việt, và tôi cho rằng ông cũng không đi xa hơn những người đi trước.

Với vị trí của một quốc gia đông dân và rộng lớn, có tiềm lực quân sự, kinh tế, văn hóa vào bậc nhất châu Á trong suốt hàng nghìn năm trước thế kỷ XX, “cái bóng” đồ sộ của nước Trung Hoa phong kiến đã “phủ” xuống nhiều quốc gia, không chỉ ở xung quanh nó mà còn ảnh hưởng tới cả Nhật Bản. Trên thực tế, một cuộc chiến tranh dù nhỏ, do phong kiến Trung Hoa tiến hành cũng đủ làm tan hoang, kiệt quệ các quốc gia lân bang. Ngay cả những khi người Mông Cổ, người Mãn Châu vào Hoa Hạ, họ chỉ “chiến thắng” trong chốc lát rồi nhanh chóng bị đồng hóa đến mức gần như “không còn là mình” nữa. Sinh sống cạnh một quốc gia vĩ đại với những tiềm năng vĩ đại, nếu khôn ngoan, người ta không lựa chọn giải pháp đối đầu. Một sự “thần phục” trên danh nghĩa, “chấp nhận giữ một vai trò phụ” vẫn có lợi hơn đối đầu. Nhưng thiết nghĩ “chấp nhận giữ một vai trò phụ” không chuyển tải ý nghĩa về sự phụ thuộc, trong nhiều thời đoạn lịch sử, khi vận mệnh hay danh dự quốc gia bị xâm phạm, người Việt cũng không ngần ngại tuyên bố dứt khoát về sự tồn tại độc lập của mình (nếu Liam C. Kelley đã đọc Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng, ông sẽ thấy một trí thức Việt Nam đã mang trong mình một ý thức rõ ràng và cụ thể về tổ quốc của mình ra sao). Phải chăng đã có một “quy ước ngầm” giữa các triều đại phong kiến Trung Hoa với các triều đại phong kiến ở các quốc gia “phên dậu” về chính sách triều cống (liệu có thể coi sự lặp đi lặp lại từ đời này sang đời khác đã biến việc triều cống thành một “vô thức lịch sử”?). Phải chăng chính sách triều cống đã mang lại ích lợi cho cả hai phía:

- Phía các triều đại phong kiến Trung Hoa, việc được triều cống đưa tới hai lợi ích: một là khẳng định uy thế nước lớn, hai là lợi ích về kinh tế (có thể là không nhiều)?

- Phía các triều đại phong kiến ở các quốc gia “phiên thuộc”, đây là sách lược ngoại giao khá nhất quán của các nước nhỏ trong quan hệ với Trung Hoa thời quá khứ. Việc triều cống có thể ảnh hưởng ít nhiều đến kinh tế, ảnh hưởng tới quốc thể, song lại giúp vào sự ổn định, tránh “dính” vào các cuộc binh đao?

Với chính sách triều cống, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Và tôi tin chưa bao giờ nó được các triều đại phong kiến Việt Nam thực hiện như một nghĩa vụ tự giác. Đọc các bộ sử lớn như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… người ta dễ nhận ra việc triều cống của các triều đình phong kiến Việt Nam có tương quan nhất định với tình trạng thịnh trị hay suy vi của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Khi một triều đại phong kiến Trung Hoa suy yếu, hoặc Trung Hoa đứng trước họa ngoại xâm… thì sự triều cống của Việt Nam cũng sinh ra chểnh mảng. Thậm chí vào thời hưng thịnh nhất của nhà Lê, lúc Việt Nam có một nhà nước đủ mạnh và khéo léo, thì việc triều cống không phải là đòi hỏi bức bách từ phía phong kiến Trung Hoa, cũng không là lý do để dậm dọa, dù cũng có lúc nhà Minh tỏ ra tức giận về thái độ “lảng tránh nghĩa vụ” này. Thiển nghĩ, ở đây không có một lô-gích nào cả, chỉ là những ứng xử sinh tồn bắt buộc giữa các cộng đồng lớn – nhỏ, mạnh – yếu mà thôi (xin nhấn mạnh – HY). Do vậy có thể đặt câu hỏi: Phải chăng ở đây, Liam C. Kelly đã trở về với cái nhìn coi “Trung Hoa làm trung tâm”, nếu không, tại sao ông quả quyết: “chắc chắn phải có một lý do lô-gích giải thích vì sao các vương quốc bên ngoài lại chấp nhận vị thế thua kém trong quan hệ này, một điều mà các nước phương Tây đã không chấp nhận ở thế kỷ 19 trong giao tiếp với Trung Quốc”? (Gần đây, đọc công trình nghiên cứu về nhà Mạc của TS Đinh Khắc Thuân có nhan đề Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia [3] , tôi cho rằng công trình nghiên cứu một triều đại ngắn ngủi mà trong bài viết Liam C. Kelley dành cho một câu: “Trong giai đoạn triều Lê, có hai sự “chia rẽ nội bộ” lớn. Chia rẽ đầu tiên bắt đầu khi một viên tướng thế lực, Mạc Đăng Dung, cướp ngôi năm 1527 và cai trị phần lớn vùng đất mà nay là miền bắc Việt Nam cho đến khi những người ủng hộ nhà Lê cướp lại kinh đô và “khôi phục” triều đại của họ vào năm 1592”, lại đưa tới một số cứ liệu lý thú có liên quan đến việc triều cống.)

5.

Dưới một tiêu đề nhỏ mang tính cách một câu hỏi: “Dòng văn chương chống ngoại xâm?”, Liam C. Kelly bày tỏ sự nghi ngờ của mình về dòng văn chương này, ông viết: “Thay vì xem những trường hợp trong quá khứ – khi một số người Việt chiến đấu chống lại quân Trung Quốc trong khi những người khác hợp tác – như những chương lịch sử phức tạp và xáo trộn, nhiều học giả lại chọn cách tưởng tượng, trong cảm tình dành cho các quan điểm dân tộc của người Việt hiện đại, một quá khứ mà trong đó một dân tộc Việt thống nhất liên tục đứng lên bảo vệ quê hương chống lại láng giềng phương bắc luôn gây hấn. Tuy nhiên, để làm như vậy, các nhà nghiên cứu buộc phải lướt qua những tư liệu gây bối rối trong lịch sử”. Và ông dẫn ra những câu thơ của Nguyễn Huy Túc – vốn là quan của triều Lê, bày tỏ niềm vui khi thấy quân Thanh vào Việt Nam, ông nhắc tới hai câu thơ Nôm của Nguyễn Thế Nghi, lại nữa là một giai thoại dưới hình thức “tiếu lâm” có liên quan tới “sứ Tàu”. Đặc biệt hơn là việc Liam C. Kelley đánh giá Bình Ngô đại cáo từ một góc nhìn dễ gây bất ngờ, thậm chí kinh ngạc với những ai đã tiếp xúc và hiểu ý nghĩa của văn bản này. Ông viết: “Một sự xem xét kỹ lưỡng hơn về khung cảnh khi văn bản này được thảo lại cho thấy nó không hẳn thể hiện niềm tự hào của người Việt trước người Trung Quốc, mà Bình Ngô đại cáo lại là sự cảnh cáo nghiêm khắc với những người Việt đã hợp tác với quân Minh chiếm đóng”.

Tôi không rõ Liam C. Kelley đọc Bình Ngô đại cáo ra sao, căn cứ vào những câu chữ nào để rút ra kết luận kể trên, nhưng quả thật nếu bằng vào nhận xét của ông về Bình Ngô đại cáo, tôi khẳng định ông không hiểu triệt để về văn bản này, ít nhất là về mặt thể loại. Nếu Liam C. Kelley nắm được thể loại “cáo” là gì, ông sẽ biết về bố cục, phần mở đầu bài “cáo” bao giờ cũng dành (nhằm) nêu lên một tư tưởng chính trị, một quan niệm đạo đức… làm cơ sở biện luận. Theo đó, tư tưởng chính trị của Bình Ngô đại cáo thể hiện ở những câu mở đầu:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Xét như nước Đại Việt ta,

Thực là một nước văn hiến.

Cõi bờ sông núi đã riêng,

Phong tục Bắc Nam cũng khác.

Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương.

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,

Song hào kiệt không bao giờ thiếu…” [4]

Có lẽ, không cần phân tích về phần mở đầu này, tự nó đã nói lên tất cả. Tôi trích lại vì muốn khẳng định Liam C. Kelley đã đưa ra một nhận xét “méo mó” về Bình Ngô đại cáo khi coi nó: “không hẳn thể hiện niềm tự hào của người Việt trước người Trung Quốc, mà Bình Ngô đại cáo lại là sự cảnh cáo nghiêm khắc với những người Việt đã hợp tác với quân Minh chiếm đóng”. Sự “cảnh báo nghiêm khắc” cũng là một thành phần của văn bản, song đó không phải là mục đích, nội dung chủ yếu của Bình Ngô đại cáo. Vả lại, nếu không có một ý thức tự chủ, một “niềm tự hào của người Việt trước người Trung Quốc” thì hà cớ gì sau khi giành lại độc lập, vua tôi nhà Lê lại phải quan tâm “cảnh báo nghiêm khắc với những người Việt đã hợp tác với quân Minh chiếm đóng”? Với các sự vật – hiện tượng thuộc về văn hóa tinh thần, khi nghiên cứu, người ta không thể bỏ qua hai vấn đề quan trọng là “tính biểu tượng” và “mã văn hóa”. Hai vấn đề ấy, một khi bị tách ra khỏi văn cảnh thì chỉ còn là những nội dung đã bị tước bỏ sinh khí, bị cắt đứt các mối liên hệ cơ bản quyết định sự ra đời và tồn tại của sự vật – hiện tượng.

Tôi không rõ Liam C. Kelley đã đọc bao nhiêu tác phẩm đủ để ông tỏ ý nghi ngờ tính xác thực của “dòng chương chống ngoại xâm” trong lịch sử Việt Nam trung đại. Chỉ riêng việc ông đọc và đưa ra nhận xét về Bình Ngô đại cáo cũng giúp tôi hiểu ông đọc không nhiều, không đọc trong tương quan với lịch sử liên tục phải đương đầu với các cuộc xâm lược của phong kiến Trung Hoa. Còn về các câu thơ của những tác giả như Nguyễn Huy Túc ư? Tôi không phủ nhận sự hiện hữu của chúng, song tôi không coi đó là “văn chương chính thống” của cha ông. Vả lại, trước các thử thách cam go trong quá khứ, việc xuất hiện một hai xu hướng “phi chính thống” cũng là chuyện lạc lõng bình thường (điều này có lẽ cần được giải thích từ tư tưởng “trung quân”, từ mặc cảm tự ti và tâm lý nhược tiểu, thậm chí từ thái độ vị kỷ và cơ hội… vốn rất dễ nảy sinh trong cảnh loạn ly?), chỉ cần biết đó không phải là một trong các xu hướng chủ đạo. Những bài thơ như thế không được lưu giữ trong ký ức cộng đồng. Nói cách khác, chúng không đủ sức đẩy tới cái mà Liam C. Kelley gọi là “những tư liệu gây bối rối trong lịch sử”… Khảo sát văn chương thời trung đại ở Việt Nam, người ta không quan tâm đến những câu thơ như của Nguyễn Huy Túc, khảo sát văn hóa, người ta càng bỏ qua, vì đó là nỗi sỉ nhục, là vết nhơ, là sự xúc phạm danh dự cộng đồng.

Cuối cùng, xin bàn về bình luận của Liam C. Kelley sau khi ông kể lại một giai thoại gắn với tên tuổi của Nguyễn Thế Nghi, và trong trường hợp này tôi nghĩ, ông chưa tường minh lắm về những giai thoại mà ở Việt Nam, vẫn được xem như là văn hóa – văn chương dân gian, ông bình luận: “Câu chuyện có vẻ tóm tắt thực chất của cách người Việt nhìn mỗi quan hệ với láng giềng phương bắc. Tuy nhiên, ở đây một lần nữa chúng ta cần xem xét ngữ cảnh ghi chép và bảo quản những câu chuyện như vậy. Câu chuyện này thuộc thể loại “giai thoại”. Giai thoại là những câu chuyện giới tinh hoa ghi lại để giải trí. Chúng có thể vui nhộn. Chúng có thể bí ẩn. Nhưng dù nội dung có thế nào, mục đích là để giải trí… chúng ta cũng cần thận trọng không nên diễn giải việc giải trí như là thực tại”.

Bảo rằng “giai thoại là những câu chuyện giới tinh hoa ghi lại để giải trí. Chúng có thể vui nhộn. Chúng có thể bí ẩn. Nhưng dù nội dung có thế nào, mục đích là để giải trí” thì xem ra Liam C. Kelley chưa nắm bắt được nguồn gốc của giai thoại và rộng hơn là nguồn gốc của văn chương dân gian, chưa nắm bắt được một mục đích quan trọng của giaí thoại là bày tỏ thái độ của dân chúng trước các vấn đề xã hội, và giải trí không phải là mục đích cuối cùng, duy nhất. Các giai thoại có liên quan tới “sứ Tàu” được lưu truyền ở Việt Nam trước hết là sản phẩm văn chương dân gian, chúng có nguồn gốc “lưỡng hợp”, vừa có thể là sản phẩm ra đời từ dân gian, vừa có thể do một (nhiều) người thuộc tầng lớp tinh hoa sáng tạo rồi “dân gian hóa”. Sự thận trọng là cần thiết, song không thể căn cứ vào sự ghi chép các giai thoại của giới tinh hoa để nói rằng giai thoại (kiểu như trong truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn…) chỉ nhằm mục đích giải trí. Sự “ngạo mạn nước lớn” của các triều đại phong kiến Trung Hoa xưa kia đôi khi còn đi theo các vị “sứ Tàu” tới các nước thuộc “tứ di”, sử sách Việt Nam còn ghi lại không ít sự phẫn nộ của quan lại và dân chúng trước thái độ ngông ngạo một số vị “sứ Tàu”. Trong khi triều đình cố gắng nhún nhường để giữ hòa khí, thì giai thoại về “sứ Tàu” chẳng lẽ không phải là sự bày tỏ thái độ căm phẫn bằng cách thức “hài hước hóa” đối tượng bị căm ghét hay sao?

Còn khá nhiều ý kiến của Liam C. Kelley trong “Thay đổi cách nhìn về quan hệ văn hóa Việt – Trung” buộc tôi phải suy nghĩ, như với câu hỏi: “cái nơi mà chúng ta giờ đây gọi là Việt Nam đúng hơn đã từng là một vùng của sự giao tiếp văn hóa, một khu vực biên nơi mà việc anh là ai không quan trọng bằng việc anh làm gì?” chẳng hạn. Để kết thúc, xin dẫn lại một ý kiến – như là một sự tri ân, đó là lời GS Trần Quốc Vượng mà tôi đã ghi trong một lần nghe ông giảng bài: “người Việt Nam đã phải học người Trung Hoa hàng nghìn năm để chiến thắng người Trung Hoa, người Việt Nam đã phải học người Pháp hàng trăm năm để chiến thắng người Pháp”, và tôi đồng tình với ý kiến của người thầy đáng kính.
NH – 05.9.2005

© 2005 talawas

—————–

[1]Xem: Hồ Bạch Thảo, “Bằng chứng về việc vua Càn Long thay đổi chính sách, qua hai đạo sắc phong vua Lê Chiêu Thống và Quang Trung”, talawas 23.6.2005

[2]Liam C.Kelley, “Thay đổi cách nhìn về quan hệ văn hóa Việt – Trung”, talawas 1.9.2005, chú thích số 26: “Một tóm tắt về hệ thống triều cống có mặt trong quyển China among Equals: The Middle Kingdom and its Neighbors, 10th – 14th Centuries, Morris Rossabi biên tập, (Berkeley: University of California Press, 1983), 1-4”.

[3]Đinh Khắc Thuân, Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2001.

[4]Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 282.

Nguồn: anhbasam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter