Thứ Hai, 5 tháng 4, 2010

Quần đảo Hoàng Sa: Chia sẻ chủ quyền Việt - Trung?

Quần đảo Hoàng Sa: Chia sẻ chủ quyền Việt - Trung?

Dựa trên bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế, TS Vũ Quang Việt cho rằng, quần đảo Hoàng Sa nên được chia sẻ chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cụm đảo An Vĩnh (Amphitrite) có đảo Phú Lâm sẽ do Trung Quốc giữ và cụm đảo Lưỡi Liềm(Crescent) có đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam, cùng với vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh các cụm đảo.

Bài liên quan:

>> Trung Quốc "một mình một phách" ở Biển Đông

Hoàng Sa trong các văn bản hiện đại của Việt Nam phản ánh toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bao gồm cụm đảo Crescent (nhóm Lưỡi Liềm) có đảo Hoàng Sa và cụm đảo Amphitrite (nhóm An Vĩnh) có đảo Phú Lâm.

Các ghi chép lịch sử của Việt Nam khẳng định sự thật rằng nhà Nguyễn đã biết và triển khai chủ quyền của Việt Nam đối với Bãi cát vàng (quần đảo Hoàng Sa) trước khi có người Pháp đến Việt Nam và trước khi Pháp tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy nhiên, điều chưa rõ ràng là mức độ rộng tới đâu của các hoạt động thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Nghiên cứu kĩ lưỡng các cứ liệu lịch sử cho thấy Việt Nam và sau đó là Pháp, với tư cách nước áp chính sách thuộc địa lên Việt Nam chỉ kiểm soát cụm đảo Crescent (nhóm Lưỡi Liềm) của quần đảo này, ít nhất là từ 1818 cho tới 1974 khi Trung Quốc chiếm cụm đảo này bằng vũ lực từ tay quân đội chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) bao gồm 7 đảo nhỏ và một số dải san hô. 5 đảo nhỏ chính là Pattle (Hoàng Sa), Money (Quang Ảnh), Robert (Hữu Nhật), Quang Hòa (Duncan), Duy Mộng (Drummond) và Tri Tôn.

Đảo nhỏ Pattle hay tên tiếng Việt là đảo Hoàng Sa không phải là đảo lớn nhất nhưng về quân sự lại là đảo quan trọng nhất trong cụm đảo Crescent. Nó chỉ có diện tích là 0,3 km2 nhỏ hơn nhiều so với đảo Phú Lâm ở cụm An Vĩnh (Amphitrite), đảo có diện tích 2,5km2.

Đảo Hoàng Sa gần đất liền Việt Nam, đã được sử dụng như trung tâm hành chính của Pháp và hải quân miền Nam Việt Nam. Trạm khí tượng cũng được Pháp xây dựng vào năm 1938. Đảo này có Miếu Bà có thể ở cùng vị trí ở ngôi đền vua Minh Mạng đã ra lệnh xây dựng năm 1835 như đã được nhắc đến bởi các học giả Việt Nam.

Cụm đảo Lưỡi Liềm gần với tuyến đường hàng hải đi lại giữa Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ Dương. Đây là khu vực nguy hiểm, tàu có thể vỡ và chìm nếu va phải các dải đá ngầm và cát, nhất là trong mùa bão có thể kéo dài đến 6 tháng. Trước khi người Pháp đến, đảo Pattle hay Hoàng Sa là một điểm quan trọng nơi có thể thu thập các tài sản có giá trị còn lại từ các tàu bị vỡ.

Hằng năm, chúa Nguyễn và sau này là vua Nguyễn đều gửi các thủy thủ đến đế lấy những vật có giá trị còn lại từ các tàu đắm, điều đã được viết rất rõ trong Phủ biên tạp lục và Đại Nam Thực Lục.

Đảo Tri Tôn cũng nằm trong cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) được xác định là nơi người ta có thể tìm thấy nhiều Hải sâm và baba và sự mô tả này hoàn toàn phù hợp với mô tả trong Đại Nam Thực lục.

Cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) là nơi mà các hoàng đế của Việt Nam xem là lãnh thổ của mình và do đó đã cố gắng chỉ đạo chặt chẽ hoạt động và ghi chép địa lý rõ ràng hết sức có thể. Mỗi năm, các hoàng đế đều cử các biệt đội tới đây. Vua Minh Mạng đã ra lệnh vẽ bản đồ cụm đảo, trồng cây và thậm chí xây dựng của ngôi đền.

Ngoài ra, tên của các nhà lãnh đạo đội đến Hoàng Sa đã được sử dụng để đặt tên các đảo nhỏ. Phạm Hữu Nhật được vua Minh Mạng cử đến năm 1836, được đặt tên cho đảo Robert Island. Tương tự như vậy, Phạm Quang Ảnh, đội trưởng biệt đội do vua Gia Long cử ra Hoàng Sa năm 1816 được đặt tên cho đảo Money Island.

Trong khi đó, cả người dân và chính quyền Trung Quốc đều không nỗ lực thể hiện sự hiện diện của mình ở cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent)trước khi họ chiếm đóng bằng vũ lực năm 1974.

Người Hoa ở đảo Hải Nam có thể nhận thức về sự tồn tại và thừa nhận rõ ràng đó là nơi Việt Nam có chủ quyền ở cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent). Điều này thể hiện rõ qua việc chính quyền đảo Hải Nam đã trao trả những thủy thủ Việt Nam thuộc biệt đội Hoàng Sa khi họ bị cuốn vào đảo sau bão.

Luật quốc tế cho phép Việt Nam lập luận rằng khi Việt Nam có chủ quyền đối với một phần, Việt Nam có thể tuyên bố chủ quyền với toàn bộ quần đảo. Nhưng việc này chỉ hợp pháp khi phần còn lại là đất vô chủ - terra nullius, vào thời điểm đưa ra tuyên bố.

Điều này có vẻ không đúng khi đảo Phú Lâm (Woody Island) lúc đó đang do người Nhật Bản (tức là người dân Đài Loan lúc Đài Loan là thuộc địa của Nhật) chiếm giữ và sau đó là người Trung Quốc trước khi người Pháp đưa ra tuyên bố chủ quyền.

Nếu như cụm đảo Crescent được ngư dân Hải Nam hiểu là phần của Việt Nam, tránh khai thác thì các chính quyền Việt Nam dưới triều Nguyễn không quan tâm đến cụm đảo An Vĩnh (cụm Amphitrite) có đảo Phú Lâm vì nó không có tài nguyên gì giá trị, khi mà phân chim/ phốt pho chưa được công nhận là nguyên liệu giá trị.

Các ghi chép lịch sử còn lại của các chúa Nguyễn và vương triều nhà Nguyễn hoàn toàn không đề cập đến đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa. Không nghi ngờ gì khi các vua Nguyễn đều nhận thức toàn bộ quần đảo Hoàng Sa nhưng mối quan tâm của họ có lẽ chỉ ở cụm đảo Lưởi Liềm Crescent có đảo Hoàng Sa, nơi mà có các tài sản giá trị từ các tàu bị đắm.

Thái độ này của nhà Nguyễn cũng giống như các hoàng đế Trung Hoa: mở rộng ra các đảo là việc làm tốn kém, trừ khi họ có thể thu về các giá trị kinh tế.

Trong khi đó, theo Marwyn S. Samuels trong cuốn sách "Contest for South China Sea", Phú Lâm (Woody Island), một phần của cụm đảo Amphitrite (An Vĩnh) và là hòn đảo lớn nhất tại Hoàng Sa, ít nhất đã được Trung Quốc khai thác từ năm 1911 và có thể từ trước đó. Điều này đã được chứng minh bởi đơn khởi kiện của một nhóm các thương nhân đối với tỉnh Quảng Đông về việc cấp phép khai thác phân chim/ khu dự trữ phốt pho năm 1921. Một ủy ban đã được thành lập năm 1928 và thậm chí họ còn cử người đến "Hoàng Sa" để điều tra, trong khi hoạt động khai thác đã được triển khai. Thế nhưng, việc khai thác chỉ hạn chế ở đảo Phú Lâm.

Luôn muốn tránh đối đầu với Nhật Bản/ Trung Quốc - những người đến trước, Pháp chưa bao giờ thực hiện quyền sở hữu với đảo Phú Lâm. Trong các năm 1925, 1926, tàu chiến của Pháp từng đến đảo Phú Lâm rồi lại bỏ đi.

Ngay cả khi tuyên bố chính thức về quyền sở hữu các quần đảo vào năm 1930, Pháp cũng chưa từng thực hiện quyền sở hữu với cụm đảo An Vĩnh (Amphitrite) có đảo Phú Lâm này, mà chỉ ở cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) có đảo Hoàng Sa. Và việc tuyên bố này cũng nhằm đối phó với sự mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực.

Tháng 1/1938, Nhật Bản đã thiết lập sự hiện diện quân sự của mình ở đảo Phú Lâm (Woody) và đảo Lincoln (cả hai đều thuộc nhóm đảo An Vĩnh - Amphitrite của quần đảo Hoàng Sa). Khi quân đội Pháp đến đây, họ đã gặp hai tàu của Nhật Bản. Quân đội của Pháp và Nhật đã cùng tồn tại trên đảo Phú Lâm.

Tuy nhiên, chỉ có quân đội Pháp Đông Dương ở đảo Pattle (Hoàng Sa) trong cụm đảo Lưỡi Liềm (Crescent) của quần đảo Hoàng Sa. Tương tự, quân đội của Pháp và Nhật cùng tồn tại ở đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa. Từ tháng 10/1940, Nhật Bản chiếm đóng hoàn toàn đảo Phú Lâm và đảo Ba Bình cho đến khi đầu hàng trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Sau Thế chiến II, một chiếc tàu Pháp trở lại đảo Pattle - Hoàng Sa vào tháng 5/1946. Ở Việt Nam, quân đồng minh đã giao nhiệm vụ giải trừ quân bị Nhật Bản cho Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc và Anh ở miền Nam Việt Nam. Không ai quan tâm lực lượng nào sẽ lo vấn đề biển Nam Trung Hoa.

Tưởng Giới Thạch tận dụng cơ hội này để chiếm quyền kiểm soát vùng lãnh thổ bị bỏ rơi ở biển ĐNA. Tưởng Giới Thạch đã chiếm hữu đảo Phú Lâm vào tháng 1/1947, có lẽ bởi đó là nơi người Trung Quốc đã từng ở. Pháp gửi một con tàu trở lại quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/1946. Không rõ địa điểm mà tàu này đến, mặc dù khả năng ở đảo Pattle - Hoàng Sa có vẻ cao hơn.

Có thể nói, các dữ kiện được trình bày ở trên cho thấy, Việt Nam đã có tuyên bố rõ ràng và thực thi chủ quyền của mình ở cụm đảo Lưỡi Liềm trong khi Trung Quốc kiểm soát cụm đảo An Vĩnh trước và sau chiến tranh thế giới thứ 2. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974 không thể chấp nhận là căn cứ để xác định chủ quyền, theo luật pháp và thông lệ quốc tế.

Sẽ là công bằng và hợp lý cho cả Trung Quốc và Việt Nam theo luật và thông lệ quốc tế nếu Trung Quốc tiếp tục giữ lại cụm đảo An Vĩnh có đảo Phú Lâm và trả lại cho Việt Nam cụm đảo Lưỡi Liềm, có đảo Hoàng Sa.

Trước khi tây phương lấn chiếm châu Á, Trung Quốc chưa bao giờ coi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là lãnh thổ của mình. Thậm chí cuối những năm 1800, Trung Quốc vẫn không coi Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Điều này được đánh dấu bởi các sự kiện liên quan đến hai tàu La Bellona và Imeji Maru, bị chìm gần quần đảo Hoàng Sa, vào các năm 1895 và 1896.

Các ngư dân từ đảo Hải Nam, Trung Quốc đã thâu nhặt đồng từ các mánh vỡ của tầu.

Công ty bảo hiểm hai con tầu này gửi phản đối chính phủ Trung Quốc, đòi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Phía Trung Quốc cũng đáp trả rằng Trung Quốc sẽ không chịu trách nhiệm vì đó không phải là lãnh thổ của Trung Quốc. Quan trọng hơn cả sách sử chính thống của triều đại Minh và Thanh cũng đều không ghi Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc.

(Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả)

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-04-05-quan-dao-hoang-sa-chia-se-chu-quyen-viet-trung-

7 nhận xét:

  1. Một bước để tiến tới ổn định trên biển Đông ? VNN đăng không phải là không có ý !

    Trả lờiXóa
  2. Đọc để biết thêm về quần đảo Hoàng Sa thôi chứ con lợn tham ăn như Tàu đời nào chịu nhường cho ai.

    Trả lờiXóa
  3. Tại sao phải chia HS cho tàu cộng. Để mai mốt nó nói vn bị đô hộ 1000 năm rồi đòi chia vn ra làm hai thì sao? đúng là con lợn

    Trả lờiXóa
  4. Chúng ta quyết không nhân nhượng ! đất nhà tôi, tôi chưa trồng gì thì để đó chứ

    Trả lờiXóa
  5. Cái này nên để quốc tế phân xử. Ta cần chuẩn bị kỹ về chứng cứ pháp lý và lịch sử. Có những thứ ta muốn nhưng chưa chắc đã được quốc tế ủng hộ, vì ta thiếu chứng cứ.

    Trả lờiXóa
  6. Bài này không còn tìm thấy ở tuanvietnam.net nữa zùi...

    Trả lờiXóa
  7. biết ngay mà. Thái độ thỏa hiệp đó chắc chắn sẽ bị dân phản đối.

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter