Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Hòa hợp dân tộc qua góc nhìn của ông Nguyễn Cao Kỳ

Hòa hợp dân tộc qua góc nhìn của ông Nguyễn Cao Kỳ

Thu Hà

Để tìm được sự đồng thuận trong những vấn đề nhạy cảm như hòa giải, hòa hợp dân tộc thường không mấy dễ dàng. Tuy nhiên, cứ đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu thì ta sẽ biết phải làm thế nào tốt nhất. Việt Nam bây giờ đã là một rồi. Đứng trước tương lai của đất nước, chúng ta phải sớm xóa bỏ hận thù và đoàn kết lại - ông Nguyễn Cao Kỳ.

>> Ba mươi lăm năm Hòa giải để Yêu thương

Chuyến trở về Việt Nam tháng 1/2003 sau 28 năm xa cách của ông Nguyễn Cao Kỳ, nhân vật số 2 "khét tiếng" một thời của chính quyền Sài Gòn được xem là một chỉ dấu tích cực của chính sách hòa giải hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Kể từ đó, người ta thấy ông Nguyễn Cao Kỳ thường xuyên có mặt ở Việt Nam và lên tiếng ủng hộ cho hòa hợp dân tộc.

Cựu Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn bày tỏ góc nhìn riêng của mình về sự nghiệp thống nhất lòng người của dân tộc Việt.

Đã 35 năm sau sự kiện 30 tháng Tư, những người ở lại và cả những người ra đi đã nói nhiều, làm nhiều việc cho mục tiêu hòa giải dân tộc, hàn gắn lòng người. Ông đánh giá thế nào những nỗ lực chúng ta đã làm?

Ông Nguyễn Cao Kỳ: Tôi nghe dư luận và có cảm tưởng vẫn còn có khoảng cách giữa nói và làm. Cuối năm vừa rồi, Hội nghị Việt Kiều đã thu hút mấy ngàn người về dự. Trả  lời phỏng vấn báo chí, nhiều vị đều bày tỏ mong muốn sớm hòa hợp. Điều đó có nghĩa mặc dù chính quyền đã cố gắng, nhưng ở đâu đó vẫn chưa thực sự tích cực.

Việc tích cực hàn gắn như ông vừa đề cập, cần được hiểu thế nào?

Phải từ hai phía, nhưng cái chính vẫn phải từ phía những người trong nước. Chúng ta có thực sự muốn làm và tích cực làm hay không ...

Nói về đoàn kết toàn dân tộc tôi có cảm giác dân tộc mình mỗi lần bị đe dọa đến vận mệnh thì lại đoàn kết. Thời xưa, chống giặc ngoại xâm phương Bắc thời nay đánh Tây, đánh Mỹ là tự khắc cả dân tộc đoàn kết và chiến thắng. Nhưng khi thắng rồi không hiểu làm sao mà tình cảm lại không được như trước.

Chẳng phải Nhà nước đã có rất nhiều những động thái tích cực đó sao? Quyết định dân sự hóa Nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ là một minh chứng rõ rệt cho thấy thiện chí của những người trong nước. Và còn có chính sách cho bà con Việt kiều về nước mua nhà hay chương trình gặp gỡ Việt kiều hàng năm...?

Tôi cho rằng đó là những động thái tích cực. Chẳng hạn như để có được quyết định dân sự hóa nghĩa trang cũng phải mất nhiều năm trời. Ngay khi trở về quê hương tôi cũng đã đề cập chuyện ứng xử với nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ với các vị lãnh đạo của Việt Nam...

Tôi còn nêu ý tưởng tổ chức đại lễ cầu siêu chung cho những người tử trận không phân biệt bên này hay bên kia, làm thật trang trọng mỗi năm và thông báo rộng rãi cho bà con đang sống trong cũng như ngoài nước biết. Nếu trong số những người về dự, có cả một số cựu chiến binh từng ở bên kia chiến tuyến thì không gì hay bằng.

Thử hỏi có người dân Việt Nam yêu nước nào muốn chia rẽ đất nước không? Có ai muốn rằng người Việt giữ mãi hận thù với nhau không?

Trong một cuộc gặp ông Võ Văn Kiệt, tôi đề nghị làm một tượng đài chung cho tất cả những người đã chết trong chiến tranh. Nơi đặt bức tượng này có thể là Quảng Trị chẳng hạn. Một khi chưa làm được điều này với  người đã chết,  tức là vẫn chưa vượt qua được rào cản khoảng cách.

Theo tôi chỉ khi nào vượt qua được suy nghĩ hẹp hòi thì chúng ta sẽ làm được. Khi ấy vị thế của Việt Nam được nâng lên tầm cao khác. Tự khắc lòng người xích lại với nhau và sẽ không còn phải mất nhiều thời gian bàn chuyện hàn gắn hay hòa giải nữa.

Ông suy nghĩ như thế nào về việc Nhà nước quyết định dân sự hóa nghĩa trang quân đội cũ?

Tôi đã ghé thăm nghĩa trang này trước đây còn hoang vắng nhưng giờ đây đã sạch sẽ quang đãng rồi, mọi người được ra vào tự do. Ở đó vẫn còn giữ được 16 ngàn ngôi mộ tử sĩ.

Lịch sử là lịch sử, ngày 30/4 giờ là một sự kiện lịch sử. Việc ứng xử không còn hận thù với những người từng đứng phía bên kia chiến tuyến như thế nào được bên ngoài quan sát để đánh giá cách hành xử văn minh hay không. Cho dù bên này hay bên kia, chết là hết, còn hận thù chi nữa, họ cần được coi sóc chu đáo.

Ông có thừa nhận một thực tế là chúng ta có thể xóa bỏ hận thù để bắt tay làm bạn với những nước đã từng xâm chiếm chúng ta, vậy mà việc hàn gắn người Việt với người Việt với nhau xem ra lại mất nhiều thời gian hơn thế?

Theo tôi, cả hai phía vẫn có thiểu số còn quá nặng về dĩ vãng, chưa có tầm nhìn về tương lai. Một người không biết nhìn về tương lai, thì họ chỉ còn sống và ôm dĩ vãng. Mà như vậy thì tư duy của họ vẫn mãi bị ám ảnh bởi những chuyện hận thù, chủ nghĩa hay phe phái. Chúng ta phải thực tế nhìn vào điều này: muốn hòa hợp thì rất không nên nói nhiều mà phải làm.

Liệu có cách gì để chúng ta không còn phải mất thêm thời gian cho việc hòa hợp, hòa giải với đa số những người Việt ở bên ngoài đất nước?

Chuyện quốc gia cũng giống như trong một gia đình. Những việc chung thì cần đánh tiếng để mọi người xúm tay vào làm. Tôi nghĩ đối với đa số người Việt ở bên ngoài thì sẵn lòng góp sức cùng trong nước. Với đất nước có gì phải ngại ngần. Vấn đề là họ cần được thông tin đầy đủ về tình hình và những nhu cầu thực sự mà nhà nước đang cần sự góp sức của họ.

Hòa hợp dân tộc sẽ tập hợp được sức mạnh. Cứ đặt lợi ích dân tộc lên trên thì chúng ta tự khắc biết phải ứng xử thế nào cho hợp lẽ.

Nhưng khi đã kêu gọi thì cũng phải tạo điều kiện thoải mái cho người ta về. Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau.

Theo ông, 35 năm có quá dài cho việc hòa hợp dân tộc, hàn gắn lòng người?

Để tìm được sự đồng thuận trong những vấn đề nhạy cảm như vậy thường không mấy dễ dàng. Tuy nhiên cứ đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu thì ta sẽ biết phải làm thế nào tốt nhất. Việt Nam bây giờ đã là một rồi. Đứng trước tương lai của đất nước, chúng ta phải sớm xóa bỏ hận thù và đoàn kết lại. Cuộc chiến tranh khốc liệt đã khiến cả triệu người ở cả hai bên chiến tuyến hy sinh, thì đó là một chuỗi oán thù chồng chất, không phải chỉ ở một phía. Chỉ có hòa hợp dân tộc mới giải quyết được vấn đề.

Nếu ai đó còn có ngần ngại, còn có bất đồng, chúng ta hãy nói với các bạn ấy rằng mẹ hiền Việt Nam lúc nào cũng dang rộng cánh tay đón nhận tất cả những người con của mình về với Tổ quốc. Không có lý do gì, sự bất đồng gì ngăn cản sự đoàn kết, thống nhất quốc gia trong sự nghiệp phát triển, xây dựng đất nước của chúng ta.

Trong một gia đình 5-7 người đôi khi còn có những bất hoà. Trong một đất nước rộng lớn với hơn 80 triệu dân và 54 dân tộc khác nhau, nếu có những khác biệt, tôi nghĩ cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta phải làm sao để thông cảm lẫn nhau, chia sẻ lẫn nhau và từng bước đạt được tiếng nói chung, vì mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh".

Tôi mong bà con của mình, hãy vì quê hương đất nước, gác bỏ những khác biệt của mình, hãy đoàn kết lại, cùng nhau xây dựng Mẹ hiền Việt Nam, đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

Đó không chỉ là lời nói và ý kiến của tôi mà là tâm nguyện của cả dân tộc Việt Nam, là ý chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam

(Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết phát biểu trong cuộc gặp mặt bà con Kiều bào tại quận Cam, Los Angeles, Mỹ tháng 6/2007)

 
Nguồn:http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/tuanvietnam.net/Hoa-hop-dan-toc-qua-goc-nhin-cua-ong-Nguyen-Cao-Ky/4184875.epi

4 nhận xét:

  1. Phan Văn Tú vào đọc của Chùa àh? Sao hông còm..:)

    Trả lờiXóa
  2. cái này đọc trên báo rồi mà! Nhưng bài này gợi ý cho mình post lại entry cũ! Cũng "liên quan" đến hòa hợp dân tộc và ông Nguyễn Cao Kỳ!

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter