Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2010

Tránh tư duy "con đà điểu" trong bảo vệ chủ quyền biển Đông

Tránh tư duy "con đà điểu" trong bảo vệ chủ quyền biển Đông

Tác giả: Tuần Việt Nam

Trong tranh chấp Biển Đông, để có thể phát huy sự đoàn kết của dân tộc, theo tôi mỗi người Việt Nam cần tạo sự đồng thuận trong cách thức đấu tranh. Một mặt, chúng ta cần phân tích các sự kiện lịch sử một cách duy lý và khoan dung. Mặt khác, chúng ta cần tạo một không gian tự do về mặt học thuật và trao đổi để những người quan tâm có thể mổ xẻ, phân tích những cơ sở liên quan đến chủ quyền của Việt Nam, từ đó có thể soi sáng những lập luận chưa đúng mà phía Trung Quốc đưa ra để ngụy tạo cho cơ sở của họ - Quỹ Nghiên cứu Biển Đông

Tuần Việt Nam giới thiệu nội dung cuộc giao lưu trực tuyến ngày 9/4 với TS. Trần Vinh Dự, TS. Giáp Văn Dương, TS. Lê Vĩnh Trương và  Lê Minh Phiếu, các thành viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.

Quỹ luôn mở rộng cửa cho những ai quan tâm

Vienle: QNCBĐ nghĩ sao khi đổi tên thành Quỹ biển Đông Nam Á để kêu gọi sự hợp tác chung nội khối ASEAN với mục đích quốc tế hóa nhằm bảo vệ chủ quyền chính đáng của Việt Nam?

TS. Trần Vinh Dự: Bạn nói rất đúng. Trên thực tế, Quỹ có tên tiếng Anh là South East Asian Sea Foundation - tức là Quỹ nghiên cứu Biển Đông Nam Á nếu dịch hoàn chỉnh ra tiếng Việt.

Trọng Thiết: Việc ra đời QNCBĐ thời điểm này là cần thiết và có ý nghĩa đối với việc tạo thêm sự quan tâm của mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương và người dân đối với chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Bởi, ngoài các cơ quan, đơn vị tổ chức Nhà nước có trách nhiệm và tiếng nói ở góc độ "chính thống" thì rất cần các tổ chức "phi chính phủ" có tiếng nói mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn về các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo mà chính chúng ta đang phải "lựa" bởi nhiều lý do khác nhau.

Như việc mới đây một tổ chức địa lý Hoa Kỳ đề sai tên quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ thế giới, hay các hoạt động xâm phạm chủ quyền của nước ngoài, mặc dù Bộ Ngoại giao các cơ quan báo chí lên tiếng, song giá như chúng ta có các tổ chức "phi chính phủ" về biển đảo đứng ra bảo trợ, làm chủ tọa để "lên tiếng" vì quyền lợi của Tổ quốc chắc chắn sẽ có thêm sự tiếp sức cần thiết cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đang rất khẩn trương, gay go, quyết liệt như hiện nay.

Tôi muốn biết Quỹ có những nội dung hoạt động chính như thế nào trong năm 2010?

TS. Lê Vĩnh Trương: Hiện nay công việc của QNCBĐ bao gồm: Thực hiện một chương trình tài trợ học bổng  cho các học sinh vùng biển trong năm học 2010-2011; Kết hợp với Trung tâm nghiên cứu biển đảo của ĐH KHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh thành lập một chương trình Hỏi-Đáp dành cho cho sinh viên. Đồng thời chuẩn bị các cuộc nói chuyện về biển Đông với sinh viên tại các nhà văn hóa ở các thành phố lớn. QNCBĐ cũng sẽ  tập hợp tất cả các bài viết của các cây bút trong Qũy để xuất bản một tập sách trong nước và nếu có điều kiện sẽ dịch sang tiếng Anh và các ngôn ngữ Đông Nam Á để quảng bá cho chính nghĩa của Việt Nam.

Song song đó, QNCBĐ có những kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành công tác quốc tế, Đông Nam Á vận nhằm mục đích quảng bá về sự thật lịch sử chủ quyền và pháp lý của Việt Nam về Biển Đông.

Nhà báo Đức Liên (trái) và Tiến sĩ Trần Vinh Dự tại cuộc trực tuyến. Ảnh Đoàn Quý

Lê Thị Hiền: Nếu tôi muốn là thành viên của Quỹ thì phải đáp ứng những điều kiện gì?

Lê Minh Phiếu: Hiện chúng tôi có hai quy chế đối với người tham gia: Cộng tác viên và Thành viên. Cộng tác viên là những người được kết nạp một cách dễ dàng hơn và được trông đợi đóng góp ít hơn thành viên. Trừ đối với những người mà chúng tôi đã biết rõ, tất cả những người quan tâm đều sẽ được kết nạp trước tiên vào nhóm cộng tác viên. Sau một thời gian, nếu như người đó có nhiều đóng góp, thì sẽ được mời làm thành viên.

Do vậy, nếu bạn quan tâm, chúng tôi rất hân hạnh được mời bạn vào nhóm cộng tác viên. Nếu bạn có quan tâm và có đóng góp, chắc chắn chúng tôi sẽ mời bạn vào nhóm thành viên sau một thời gian.

Công và của đều là đóng góp tự nguyện

Dan Trung: Tôi được biết Quỹ Nghiên Cứu hoạt động dựa trên sự tự nguyện đóng góp công sức và tài chính của nhiều người, nhất là các thành viên của Quỹ. Gia đình tôi cũng có đóng góp chút ít. Cho tôi hỏi là Quỹ có được hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất từ Nhà nước chúng ta hay không? Và, hỏi thật, các bạn có sợ những kẻ tham lam nước ngoài đe dọa không?

TS. Trần Vinh Dự: Đúng như bạn nói, Quỹ kể từ khi thành lập đã hoạt động dựa trên sự đóng góp tự nguyện của nhiều người. Trong đó đáng kể nhất là các đóng góp về thời gian và công sức trong các dự án nghiên cứu, viết, xuất bản, và công bố các hồ sơ, tài liệu, và công trình nghiên cứu về biển Đông. Cho tới nay, hoạt động của Quỹ đều dựa trên sự đóng góp công sức tự nguyện nên chúng tôi vẫn chưa cần đến các nguồn tài chính đáng kể nào.

Tuy nhiên, trong tương lai, với tư cách là một Quỹ mà mục tiêu chính là hỗ trợ các nghiên cứu về biển Đông, chúng tôi sẽ có các kế hoạch huy động tài chính để phục vụ các chương trình như học bổng Sức sống biển Đông.

Với tư cách là một Quỹ, chúng tôi trân trọng các đóng góp từ tất cả các nhà tài trợ. Tuy nhiên, Quỹ nghiên cứu biển Đông không chấp thuận bị ảnh hưởng của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Quỹ NCBĐ có tôn chỉ, mục đích, và sứ mệnh riêng mà chúng tôi đã công bố rộng rãi.

Chúng tôi kiên quyết bảo vệ lập trường này của mình. Các nguồn tài chính đóng góp, nếu có, sẽ trên cơ sở nhà tài trợ tôn trọng lập trường của chúng tôi và không tìm cách gây ảnh hưởng đến đường lối của Quỹ.

Riêng về cái bạn gọi là "những kẻ tham lam nước ngoài đe doạ", chúng tôi tự thấy chúng tôi là người Việt Nam và có trách nhiệm thiêng liêng là phải bảo vệ những gì ông cha chúng ta để lại, từ đó có thể chuyển lại nguyên vẹn cho con cháu chúng ta sau này. Đó là một cam kết xuyên thế hệ. Những hệ luỵ hoặc hi sinh cá nhân, nếu phải có, cũng là việc bình thường và chúng tôi sẵn sàng đón nhận.

TS. Lê Vĩnh Trương: Xin chân thành cảm ơn bạn Dan Trung và gia đình đã tin tưởng và hỗ trợ. Chúng tôi được những người Việt Nam khắp nơi trên thế giới hỗ trợ tinh thần. Dĩ nhiên cũng có những hiểu lầm nhưng đó là chuyện tất yếu trên bước đường của Quỹ. Điều khích lệ lớn nhất của chúng tôi là tấm lòng của người VN không phân biệt tôn giáo, chính kiến, quốc tịch... đã ủng hộ chúng tôi.

Chúng tôi có 1 chương trình nho nhỏ để đàm luận với những người tham lam ấy. Và chúng tôi tin rằng mình có thể tác động để cho họ bớt tham lam.

Vân Anh: Hạn chế trong hoạt động hiện nay của Quỹ là gì?

Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương (phải) và nhà báo Đức Liên. Ảnh Đoàn Quý

TS. Giáp Văn Dương: Hạn chế lớn nhất trong hoạt động hiện nay của Quỹ là cách thức hoạt động nghiệp dư, hoàn toàn dựa trên sự tình nguyện của các thành viên và cộng tác viên. Quỹ chúng tôi rất muốn tiến tới hoạt động chuyên nghiệp, nhưng do thiếu nhân lực, tài lực, nên việc chuyên nghiệp hóa này còn gặp nhiều khó khăn.

Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của xã hội để một ngày không xa, Quỹ có thể chuyển đổi thành tổ chức hoạt động mang tính chuyên nghiệp.

Lê Minh Phiếu: Điều trở ngại lớn nhất mà chúng tôi gặp phải đó là tất cả các thành viên và cộng tác viên, kể cả ban điều hành hay cố vấn đều hoạt động theo sự thiện nguyện, bán thời gian và chủ yếu là trực tuyến, trong khi, hầu như ai cũng đều rất bận bịu với những công việc riêng. Do vậy, chúng tôi không đủ nhân lực để có thể triển khai hết những ý tưởng và kế hoạch.

Chúng tôi đang cải thiện điều này bằng việc xúc tiến mở một văn phòng tại Việt Nam và tuyển một vài người làm việc thường trực và toàn thời gian có trả lương.

TS. Lê Vĩnh Trương: Tất cả các thành viên đều là những cá nhân vừa làm những công việc mưu sinh, vừa tham gia hoạt động trên tinh thần thiện nguyện nên tính tập trung có thể chưa cao.

Theo chúng tôi nghĩ, một số giới người Việt vẫn giữ thói quen phó thác cho Nhà nước hoặc các tổ chức nghiên cứu và giải quyết những việc như Biển Đông do họ chưa nhận thấy quyền lợi và nghĩa vụ kinh tế từ biển. Điều đó dẫn đến sự hưởng ứng hạn chế của mọi người trong quá trình thúc đẩy xã hội hóa đối với QNCBĐ.

QNCBĐ cố gắng cải thiện tình hình này bằng cách thông qua truyền thông, thông qua các cuộc hội thảo và trong tương lai có thể thông qua các cuộc nói chuyện với các giới đồng bào để gỡ bỏ thói quen nói trên.

Có rất nhiều học giả nghiên cứu Biển Đông nói chung (trong và ngoài quỹ) cần một sự hỗ trợ cao hơn về tinh thần và vật chất từ phía QNCBĐ cũng như xã hội để có thể  toàn tâm, toàn ý nghiên cứu Biển Đông.

Hiện tại QNCBĐ chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam và chúng tôi đang tiến hành xin giấy phép.

Để bảo đảm tính khoa học và trung dung, chúng tôi buộc phải chọn lựa rất cao đối với các nguồn tài chính đóng góp cho QNCBĐ. Vì lẽ đó, ngân sách của Quỹ vẫn còn chưa đủ mạnh.

Ngọc Nhung: Đâu là những kinh nghiệm rút ra được sau một thời gian hợp tác và hoạt động cùng nhau trong quỹ?

TS. Giáp Văn Dương: Kinh nghiệm rút ra sau một thời gian hoạt động là sự tuân thủ tôn chỉ, mục đích và nguyên tắc làm việc của Quỹ cần phải đảm bảo ở mức cao nhất để không sa đà, chệch hướng, đảm bảo tính khoa học và duy lý trong mọi hoạt động của Quỹ.

TS. Lê Vĩnh Trương: QNCBĐ bao gồm các thành viên ở các ngành nghề khác nhau như Pháp luật, Hải dương học, Khoa học hạt nhân, Vật lý, Kinh tế học... Tuy nhiên, điểm chung của chúng tôi là yêu thích nghiên cứu trên tinh thần trung dung và ôn hòa với mục đích có được những nghiên cứu có ích cho Việt Nam.

Do vậy, những khác biệt trong vấn đề nghề nghiệp hầu như đã được san bằng thông qua những trao đổi chân thành và tự nguyện. Tất cả những bài viết của chúng tôi đều được góp ý thẳng thắn nhưng thân ái. Đó là kinh nghiệm làm việc không dễ tìm được ở những môi trường khác.

Biển Đông mở ra rất nhiều đề tài nghiên cứu

Chung Hoàng: Các nghiên cứu của quỹ, ngoài việc đăng trên các báo và trang mạng, có được gửi đến cơ quan nhà nước nào không? Nếu có, Quỹ có nhận được phản hồi gì không?

TS. Trần Vịnh Dự (trái) và TS. Lê Vĩnh Trương. Ảnh: Đoàn Quý

TS. Lê Vĩnh Trương: Ngoài việc đăng báo và các trang mạng, các nghiên cứu viên của Quỹ đã có chia sẻ và thảo luận với các cơ quan nhà nước như: Ban Biên giới Chính phủ, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao dưới nhiều hình thức khác nhau và đã nhận được những phản hồi rất tích cực.

Những công việc cụ thể của Quỹ gồm có đưa ra ý kiến  trước các sự vụ: lập hồ sơ chung với Malaysia, phản đối Trung Quốc bắt ngư dân đòi tiền chuộc, khuyến cáo chính quyền không nên nộp tiền chuộc và kiến nghị nên quốc tế hóa vấn đề Biển Đông...

Nhật Huy: Quỹ cho biết sẵn sàng hỗ trợ các dự án vừa và nhỏ, đặc biệt các dự án nghiên cứu của sinh viên, nghiên cứu sinh và các nhà nghiên cứu về Biển Đông tại các trường đại học ở Việt Nam. Vậy tình hình nghiên cứu vấn đề này ở các trường đại học đang diễn ra thế nào? Đâu là những đề tài vừa tầm với việc nghiên cứu của sinh viên?

TS. Trần Vinh Dự: Chúng tôi đang tích cực tiếp xúc với các trung tâm, các viện nghiên cứu, và các trường đại học có chương trình giảng dạy liên quan đến biển để nắm được tình hình nghiên cứu của các cơ sở này.

Chúng tôi cũng đang cố gắng thúc đẩy việc ra đời một chương trình học bổng thường niên về Biển Đông. Nếu mọi việc đúng theo kế hoạch, học bổng "Sức Sống Biển Đông" do Quỹ Nghiên cứu Biển Đông và đối tác trong nước cùng thực hiện sẽ ra đời vào khoảng tháng 9 năm nay.

Có một số mảng đề tài mà chúng tôi cho là vừa sức với sinh viên. Danh mục các chủ đề gợi ý này sẽ được cung cấp khi chúng tôi công bố chương trình học bổng của mình. Dưới đây chỉ là một số gợi ý từ phía cá nhân tôi:

Kinh tế biển:

1. Đánh giá thực trạng và dự đoán tiềm năng hải sản trên biển Đông.

2. Đánh giá thực trạng khai thác và dự báo nguồn lợi dầu khí trên biển Đông.

3. Phân tích thực trạng kinh doanh của hệ thống cảng biển của Việt Nam. Nghiên cứu việc bố trí tối ưu hệ thống cảng biển dọc theo bờ biển từ Bắc vào Nam.

4. Khai thác năng lượng thủy triều và năng lượng gió trên biển (phong điện)

5. Thực trạng khai thác và tiềm năng du lịch biển.

6. Khả năng phát triển các khu kinh tế mở dọc bờ biển.

7. Phát triển kinh tế trên các đảo của Việt Nam.

Luật biển:

1. Các luật quốc tế về biển và hàng hải nói chung.

2. Luật quốc tế về phân định biên giới trên biển (UNCLOS và tiền UNCLOS)

3. Các case studies về phân định biên giới trên biển mà Việt Nam cần quan tâm.

4. Nghiên cứu về cơ chế sử dụng trọng tài và tòa án quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp trên biển.

5. Vấn đề gác lại tranh chấp và hợp tác khai thác trên biển trên khía cạnh pháp lý và khả năng thực thi.

Lịch sử và văn hóa liên quan đến biển:

1. Khai thác biển của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

2. Các nét văn hóa độc đáo của cư dân ven biển.

3. Các bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

4. Nghiên cứu, giải mã và phê phán các bằng chứng mà Trung Quốc đưa ra để khẳng định chủ quyền của họ trên biển Đông.

5. Nghiên cứu về việc sử dụng các bằng chứng lịch sử trong việc giải quyết tranh chấp biên giới trên biển.

Địa chính trị biển:

1. Vai trò của biển Đông đối với quốc tế.

2. Vị trí và tầm quan trọng của các đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên biển Đông

3. Vị trí chiến lược (nếu có) của Việt Nam trên biển Đông và làm thế nào để sử dụng được các lợi thế này?

Địa lý biển Đông:

1. Cấu tạo địa chất của biển Đông.

2. Các dòng hải lưu trên biển Đông.

3. Hiện tượng bồi lấn trên biển Đông, ảnh hưởng của nó đến vận tải biển và sự vận hành của hệ thống cảng biển của Việt Nam.

4. Khí hậu và thời tiết ở biển đông, các ảnh hưởng của chúng đến kinh tế và quốc phòng của Việt Nam trên biển.

Ngôn ngữ học và Đông phương học:

1. Các di chỉ, di tích, di vật viết bằng chữ Hán, chữ Nôm liên quan đến quá trình khám phá đất đai, phát hoang hay tạo dựng dinh đền vùng song biển Việt Nam.

2. Nghiên cứu các tư liệu các tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Nhật, và các tiếng các quốc gia Đông Nam Á có liên quan đến bờ biển Việt Nam

Hương Lan: Quỹ đang tiến hành dịch các sách và tài liệu tiếng nước ngoài về chủ quyền trên biển Đông của VN ra tiếng Việt, vậy quỹ có liên hệ với các nhà xuất bản và công ty sách trong nước để phát hành rộng rãi các ấn phẩm này không, thái độ của các cơ quan xuất bản trong nước ra sao?

TS. Lê Vĩnh Trương: Quỹ NCBĐ đã liên lạc với NXB Tri Thức để tiến tới ấn hành một số tài liệu và đầu sách tiếng Việt và dịch sang tiếng Anh, đồng thời chúng tôi đã trao đổi kế hoạch hợp tác tuyên truyền với VietNamNet. Và chúng tôi đã nhận được thái độ hợp tác rất tích cực.

Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa: Hiện nay tôi đọc rất nhiều tài liệu được dịch bởi thành viên QNCBĐ. Xin hỏi Quỹ đã có cách tổ chức việc biên dịch đó như thế nào? Hỏi từ việc lấy nguồn tài liệu đến việc phân công công việc. Kinh nghiệm này rất quan trọng đối với các nhóm hoạt động về chủ quyền biển đảo khác, ví dụ như Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa?

TS. Lê Vĩnh Trương: Chúng tôi có một đội ngũ biên dịch viên ở nhiều nơi trên thế giới, được điều phối bởi các thành viên như chị Đinh Ngọc Thu (Mỹ), anh Dương Danh Huy (Anh), anh Lê Minh Phiếu (Pháp).

Việc nắm bắt các bài viết trên mạng và dịch sang tiếng Việt được đội ngũ biên dịch làm việc thật nhanh và trao lại cho những thành viên khác chỉnh sửa, biên tập. Sau đó, chúng tôi cùng tham gia biên tập để bài viết được đến tay bạn đọc nhanh chóng nhất.

Nhân đây chúng tôi cũng mong muốn Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm và lưu trữ tư liệu Biển Đông sao cho phong phú.

Vì sự công bằng và bình yên cho biển đảo

Nguyen Vinh Quang: Trung Quốc gần đây dự định tiến hành khảo cổ Hoàng Sa. Theo tôi đó là bước đi khôn ngoan để đánh động dư luận trong nước và nhất là cộng đồng quốc tế về quyền sở hữu của mình ở Biển Đông. Nhưng tôi thấy ở Việt Nam mình chưa tuyên truyền sâu rộng (lịch sử hình thành, lịch sử chiếm đóng của Trung Quốc, thuỷ chiến Hoàng Sa....) đến với người  dân. Vậy Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông trong thời gian tới sẽ làm gì, hành động như thế nào, hay quỹ chỉ dừng lại ở hình thức nghiên cứu như đúng tên gọi của quỹ.

Lê Minh Phiếu: Những vấn đề mà bạn nêu đúng là còn nhiều người Việt Nam chưa biết đến. Song, chúng ta cần ghi nhận là hiện cũng có nhiều nhóm, diễn đàn đang có những nỗ lực phổ biến những điều mà bạn bận tâm. Do vậy, chúng tôi sẽ cố gắng làm những điều mà chúng tôi cho rằng cần thiết nhưng chưa được thực hiện bởi người khác.

Đương nhiên, những vấn đề mà bạn nêu sẽ được chúng tôi nghiên cứu, hành động nếu như nó liên quan đến từng chủ đề hay chương trình hành động cụ thể của chúng tôi.

TS. Giáp Văn Dương. Ảnh: Cao Nhật

TS. Giáp Văn Dương: Mục đích của Quỹ Nghiên cứu biển Đông là hỗ trợ những nghiên cứu về biển Đông, bao gồm cả kinh tế biển, chủ quyền biển đảo, lịch sử, địa lý tự biển... với mục đích cao nhất là góp phần bảo vệ chủ quyền và vệ lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại đây. Những hỗ trợ này bao gồm hỗ trợ về thông tin, tài liệu, tài chính thông qua sự tài trợ của các nhà hảo tâm và sự đóng góp của bản thân các thành viên.

Quỹ cũng đưa ra những phân tích, tư vấn về tranh chấp trên tinh thần khoa học, duy lý, vì sự công bằng và bình yên cho biển đảo. Các hoạt động tuyên truyền sâu rộng không thuộc phạm vi hoạt động của Quỹ. Các cơ quan hữu quan của Nhà nước phải làm việc này. Tuy nhiên, Quỹ sẵn sàng hỗ trợ báo chí, truyền thông và các cơ quan hữu quan trong việc phổ biến thông tin về biển đảo tới người dân.

Nguyễn Văn Sửu: Tôi muốn được hiểu sâu hơn cơ chế hoạt động của QNCBĐ, có nguồn tài trợ nào không, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam có quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Quỹ thế nào? Nhà nước, Chính phủ đã sử dụng sản phẩm (là bài nghiên cứu đã đăng tải của các thành viên Quỹ như thế nào?

TS Lê Vĩnh Trương: Chúng tôi hy vọng các bài nghiên cứu sẽ đến với bạn đọc các giới. Hiện có những quan điểm của QNCBD đã được các giới ủng hộ và đồng tình, ví dụ như: Hoạt động ngoại giao nhân dân, sử dụng sức mạnh mềm, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, không nộp tiền chuộc... và chúng tôi cũng hy vọng những kiến nghị, ý kiến nói trên đã được Nhà nước lắng nghe.

Cơ chế hoạt động của QNCBĐ gồm 40 thành viên và hơn 120 cộng tác viên và chúng tôi hiện đang tự đi tìm tài trợ. Như đã đề cập ở phần trên, để bảo đảm tinh thần khoa học và trung dung, chúng tôi có những chọn lọc cẩn trọng đối với các nguồn tài trợ.

Hiện nay, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ quan tâm của các cơ quan truyền thông như: báo VietNamNet, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và sắp tới là báo Thời đại.

Cho người dân biết có thể đóng góp bảo vệ biển đảo như thế nào

Xuân Long: Có nghiên cứu, khảo sát nào cụ thể cho thấy mức độ nhận thức đúng đắn của người Việt Nam về vấn đề biển Đông?

TS. Giáp Văn Dương: Theo tôi được biết, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào (theo tiêu chuẩn học thuật) về mức độ nhận thức của người dân Việt Nam về vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, qua báo chí, tôi có thể thấy: phần lớn người dân Việt Nam đều quan tâm đến vấn đề biển Đông.

Điều này cũng dễ hiểu, vì chủ quyền biển đảo, cũng như chủ quyền lãnh thổ, là vấn đề thiêng liêng ngàn đời. Cha ông đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi và máu để khai khá, gìn giữ mảnh đất này, thì con cháu đương nhiên cũng tiếp nối truyền thống đó.

Giữ nước đã ăn vào máu của người Việt. Đó là tinh thần Việt.

Lê Minh Phiếu: Năm ngoái, Quỹ NCBD có tổ chức một cuộc thăm dò nhỏ qua mạng internet để khảo sát về mức độ nhận thức của người sử dụng internet đối với những vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Đa số người trả lời đã có những câu trả lời đúng với những vấn đề được hỏi.

Song, cũng phải thừa nhận rằng đó là những người biết sử dụng internet và một khi chấp nhận trả lời, họ là những người đã có quan tâm đến vấn đề Biển Đông ở một mức độ nhất định. Để có một bức tranh toàn diện về vấn đề bạn nêu, có lẽ chúng ta cần một cuộc khảo sát với những đối tượng rộng rãi hơn.

TS. Lê Vĩnh Trương: Chúng tôi chưa được biết liệu đã có tổ chức nào có nghiên cứu khảo sát về việc này hay chưa. Còn riêng QNCBĐ, một trong những dự án tương lai của chúng tôi là tiến hành nghiên cứu khảo sát để hiểu được mức độ quan tâm của người Việt Nam về vấn đề Biển Đông.

Huỳnh Bá Phước: Người Việt Nam làm và ăn nước mắm từ rất xa xưa, đến mức đã là chuyên viên, không như một số dân tộc gần bên, không biết đến món ăn này. Nước mắm chủ yếu làm từ cá biển, thật nhiều cá biển. Điều này có phải chứng tỏ người Việt Nam đi biển giỏi hơn? Và nếu đúng vậy, nó có ý nghĩa gì trong việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông?

TS. Giáp Văn Dương: Việc người Việt biết ăn và sành ăn nước mắm khó có thể dùng để khẳng định người Việt đi biển giỏi hơn người một số dân tộc gần bên, dù nước mắm được làm phần nhiều từ cá biển. Tuy nhiên, điều này gợi đến suy nghĩ về một nền kinh tế biển có thể đã hình thành từ lâu đời của người Việt. Điều này rất có ý nghĩa trong việc nhận thức lại về tư duy biển của người Việt: cha ông ta không hẳn đã quay lưng ra biển như nhiều người đã từng nghĩ.

Tạ Du: Người Việt ở nước ngoài có thể đóng góp được gì trong việc giành lại hoặc tiếp sức với nhân dân trong nước khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Trường và Hoàng Sa nói riêng, và bảo vệ an ninh trên biển Đông nói chung? Nếu họ có thể góp phần trong việc này, mà tôi nghĩ sẽ giúp ích nước nhà trên rất nhiều phương diện, không chỉ biển Đông, nhà nước làm thế nào để vận động sự hợp tác của họ?

TS. Giáp Văn Dương: Người Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp vào việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó có nhiều hình thức mà người dân trong nước không có được, như việc tiếp cận các kho tư liệu về biển đảo ở các thư viện nước ngoài, phổ biến thông tin về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đến cộng đồng quốc tế để kêu gọi sự ủng hộ từ bên ngoài, hỗ trợ về mặt kinh tế, kĩ thuật cho ngư dân, bộ đội, chiến sĩ, hỗ trợ các dự án nghiên cứu về biển đảo...

Để thu hút sự hỗ trợ này từ người Việt ở nước ngoài, nhà nước trước hết cần đứng ra kêu gọi, vận động họ tham gia cùng nhân dân trong nước. Nhà nước cần có danh mục những việc cần làm cho công cuộc bảo về chủ quyền biển đảo để mỗi người Việt Nam, dù là ở trong hay ngoài nước, có thể tùy điều kiện cụ thể của mỗi người mà tham gia, ví dụ: kế hoạch thu thập các bản đồ cổ khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở các thư viện nước ngoài, kế hoạch tọa đàm về chủ quyền biển đảo Việt Nam với các thư viện, trường đại học các nước, kế hoạch xây dựng tủ sách/trường học cho Trường Sa, kế hoạch hỗ trợ ngư dân bị xâm hại, kế hoạch cung cấp thiết bị kĩ thuật như máy định vị cho ngư dân khi đánh bắt xa bờ, kế hoạch phản đối những thông tin sai lệch về chủ quyền biển đảo...

TS. Trần Vinh Dự. Ảnh: Đoàn Quý

Đoàn kết và không né tránh

N.C.Hải: Theo các anh, trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền,Việt Nam mình có đơn độc không? Người Việt mình đã thật sự đồng tình và đoàn kết một lòng chưa?

Lê Minh Phiếu: Từ trước đến nay, Trung Quốc theo đuổi chính sách giải quyết cách tranh chấp trên biển Đông thông qua con đường song phương. Trung Quốc đã và đang cố gắng vô hiệu hóa mọi nỗ lực của các bên để quốc tế hóa cuộc tranh chấp. Tuy nhiên, yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông (đặc biệt là đường chín đoạn đứt khúc hình chữ U - đường lưỡi bò) đã xâm phạm đến vùng biển của tất cả những nước khác bao quanh Biển Đông. Nó còn xâm phạm đến vùng biển quốc tế, tức vùng biển chung của cả nhân loại.

Mặc khác, biển Đông là nơi có những tuyến hàng hải quan trọng của thế giới. Do vậy, những yêu sách và hành động mạnh bạo của Trung Quốc cũng làm cho các nước liên quan e ngại.

Vì thế, có nhiều nước trên thế giới điều có một điểm chung với Việt Nam trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta thấy có sự xuất hiện ngày càng nhiều những học giả, những người hoạt động ở nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng tỏ sự e ngại hay phản đối yêu sách và hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Do vậy, Việt Nam sẽ không đơn độc trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông nếu chúng ta biết điều này và có những hành động để kêu gọi sự ủng hộ và hợp tác của bạn bè quốc tế.

Còn với câu hỏi người Việt mình đã thật sự đồng tình và đoàn kết một lòng chưa, theo tôi, người Việt mình có lẽ ai cũng muốn đứng lên bảo vệ và gìn giữ từng vùng đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ Quốc. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, cách thức và phương pháp đấu tranh của người Việt mình có nhiều điểm khác nhau, thậm chí đôi khi ảnh hưởng lẫn nhau.

Kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Việt Nam đã cho thấy rằng, đoàn kết là một điều mà dân tộc ta không thể thiếu trước những đe dọa về chủ quyền hay lãnh thổ. Trong tranh chấp Biển Đông, để có thể phát huy sự đoàn kết của dân tộc, theo tôi mỗi người Việt Nam cần tạo sự đồng thuận trong cách thức đấu tranh.

Để làm được điều đó, cần có nỗ lực từ hai phía:

Một mặt, chúng ta cần phân tích các sự kiện lịch sử một cách duy lý và khoan dung. Sự trách cứ lẫn nhau không thể làm thay đổi những gì đã xảy ra trong lịch sử. Nếu như chỉ để nêu ra những sự kiện lịch sử chỉ để trách cứ lẫn nhau, đặc biệt là khi đứng trước các diễn đàn quốc tế, chúng ta vô tình đi tuyên truyền cho những luận điểm có hại cho sự nhận thức của quốc tế về cơ sở pháp lý của chủ quyền Việt Nam.

Mặt khác, chúng ta cần nên tránh "tư duy con đà điểu": tránh né một vấn đề không tự thân làm cho vấn đề đó mất đi. Do vậy, chúng ta cần tạo một không gian tự do về mặt học thuật và trao đổi để những người quan tâm có thể mổ xẻ, phân tích những cơ sở liên quan đến chủ quyền của Việt Nam, từ đó có thể soi sáng những lập luận chưa đúng mà phía Trung Quốc đưa ra để ngụy tạo cho cơ sở của họ.

Nguyễn Trung Kiên: Như chúng ta đã biết, Trung Quốc rất quyết tâm chiếm phần lớn biển Đông. Tương quan về sức mạnh quân sự của TQ so với các nước tranh chấp nghiêng về phía TQ. Trong trường hợp nỗ lực quốc tế hoá việc tranh chấp của chúng ta bị TQ chống phá quyết liệt và thành công. Khi đó chúng ta sẽ phải làm gì?

TS. Giáp Văn Dương: Trong trường hợp nỗ lực quốc tế hoá việc tranh chấp của chúng ta bị TQ chống phá quyết liệt và thành công thì chúng ta cần phải đẩy mạnh dân tộc hóa việc bảo vệ chủ quyền biển đảo: Cả nước hướng ra biển Đông, cả dân tộc cùng đồng tâm nhất chí bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Như vậy, quốc tế hóa phải đi cùng dân tộc hóa. Hai chiến lược này phải tiến hành song song, đồng thời, tạo thế trong ngoài hỗ trợ nhau.

Biển Đông đang thực sự là không gian sinh tồn của Việt Nam. Dự đoán đến năm 2020, tức là chỉ còn 10 năm nữa, kinh tế biển sẽ đóng góp hơn 50% GDP của cả nước. Nhưng đầu tư cho biển đảo hiện còn chiếm tỷ trọng quá ít so với đầu tư trên đất liền.

Việc này cần phải được điều chỉnh và cân đối lại.

Trọng Thiết: Quỹ có những sáng kiến gì trong việc tạo ra nguồn lực để xây dựng lực lượng hải quân ngày càng hùng mạnh hơn, đủ sức bảo vệ chủ quyền trong mọi tình huống.

TS. Lê Vĩnh Trương: Là những nhà nghiên cứu khoa học về biển đảo, chúng tôi không dám lạm bàn sâu về vấn đề quân sự, song nếu được phép kiến nghị, chúng tôi xin đưa ra 3 điểm sau:

Một là, về con người, chúng ta cần xây dựng một lớp người yêu biển và yêu quân chủng hải quân, thông qua các hoạt động giáo dục từ cấp tiểu học trở lên.

Hai là, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia cùng lực lượng hải quân đầu tư khai thác tài nguyên biển: phong điện, khai khoáng... để có sức mạnh tổng hợp giữa kinh tế với quốc phòng. Từ đó gia tăng tiềm lực cho ngân sách, phục vụ yêu cầu bảo vệ an ninh quốc phòng.

Ba là, đề xuất Nhà nước tiếp tục theo đuổi chiến lược ngoại giao quốc phòng đa phương, đa dạng hơn để xây dựng niềm tin và tăng cường hiểu biết với quân đội và hải quân các nước trong khu vực.

Lê Minh Phiếu: Theo tôi, Việt Nam nên tiến hành việc chuyên nghiệp hóa và tinh giản hóa quân đội. Việc chuyên nghiệp hóa sẽ giúp cho việc tránh phân tán nguồn lực cho quân đội vào những lĩnh vực khác mà dân sự có thể hoàn toàn làm được (ví dụ như kinh doanh).

Tinh giản hóa quân đội sẽ tránh việc dàn trải nguồn lực vào những địa bàn không cần thiết, giúp cho việc tập trung nguồn lực để xây dựng lực lượng hải quan vốn rất cần thiết hiện nay.

Tương quan với Trung Quốc

Thuỷ Nguyễn: VN chưa có nhiều các tổ chức phi chính phủ hoạt động cho việc bảo vệ biển đảo, các bạn thấy tương quan này so với Trung Quốc thì thế nào?

Lê Minh Phiếu: Bạn nói một thực tế rất đúng và rất đáng buồn. Và thật sự là để có thể tận dụng được những nguồn lực quý giá của đất nước, chúng ta cần có sự hình thành và hoạt động của nhiều tổ chức phi chính phủ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hoạt động cho việc bảo vệ biển đảo.

Có nhiều điều, Nhà nước làm thì có lợi, nhưng có nhiều điều, người dân làm thì có lợi. Việc thiếu vắng các tổ chức phi chính phủ làm cho nhiều vấn đề được vận hành giống như một chiếc xe chạy mà chỉ có một cái bánh.

Để có thể có sự ra đời của nhiều tổ chức phi chính phủ cho việc bảo vệ biển đảo và để có thể đạt được một mức độ tương quan nhất định so với lực lượng hoạt động của Trung Quốc, tôi nghĩ điều đầu tiên và quan trọng nhất là Nhà nước cần thiết lập một hành lang pháp lý rõ ràng và thông thoáng cho sự ra đời và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.

Thuỷ Chung: Theo tôi biết có những thời điểm chính quyền TQ nói đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và có những luận điệu tiêu cực về chính quyền VN, những lúc ấy, truyền thông TQ đều nhất loạt đứng về phía chính phủ mình và chĩa mũi dùi về phía chính phủ VN. Anh đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông TQ đối với vấn đề này trong tình hình hiện nay?

TS. Trần Vinh Dự: Tôi cho chuyện báo chí truyền thông của một nước bênh vực lợi ích quốc gia của nước mình là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, một số các bài báo của họ mà tôi có cơ hội được đọc đã đi quá xa theo hướng chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Giọng điệu của một số bài báo này vừa thiếu thân thiện, hiếu chiến, và không duy lý. Theo tôi có lẽ các bài này không phản ánh lập trường của chính phủ Trung Quốc cũng như dân tộc Trung Quốc nói chung. Những bài báo như vậy không có lợi cho Trung Quốc theo nghĩa nó tạo ra một hình ảnh rất phản cảm về đất nước này.

Lê Minh Phiếu: Hiện tại, vì nhiều lý do, chính quyền cũng như truyền thông Trung Quốc đang cố súy rất mạnh mẽ tinh thần dân tộc chủ nghĩa ở nước này. Biển Đông là một trong những để tài cho các cuộc bàn luận đầy cảm tính và mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa.

Trong bối cảnh đó, việc làm này của truyền thông Trung Quốc như rót thêm dầu vào lửa và đây thật sự là một điều rất nghiêm trọng. Sẽ là tốt đẹp hơn cho quan hệ lâu dài và tốt đẹp giữa hai nước nếu truyền thông Trung Quốc nên gia tăng hàm lượng duy lý, bớt chủ quan và duy ý chí trong các chương trình của mình.

Cần thêm nhiều thông điệp ngoại giao

Lê Thị Thanh Huyền: Vấn đề tranh chấp lãnh hải trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể được giải quyết theo chiều hướng có lợi cho ta hay không và bằng phương sách nào? Việt Nam với nhiệm kỳ Chủ tịch Asean 2010 đã xây dựng quan điểm, lập trường như thế nào về vấn đề biển Đông giữa các quốc gia trong khu vực cũng như với các đối tác bên ngoài? Chúng ta sẽ đưa ra chương trình hành động cụ thể ra sao?

Tiến sĩ Giáp Văn Dương đang trò chuyện trực tuyến
với độc giả. Ảnh. Cao Nhật

TS. Giáp Văn Dương: Đó là một lợi thế. Vấn đề còn lại là biến lợi thế đó thành sức mạnh thực tế. Muốn vậy, cần quốc tế hóa tranh chấp để thế giới biết được tính chính nghĩa của ta; liên kết với các nước ASEAN, tạo thế "quần ngưu đả hổ" để chống lại sự lấn tới của Trung Quốc, tăng cường thông tin và truyền thông về biển đảo, kể cả những thông tin không có lợi, cho toàn dân biết để tạo sự đồng thuận trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, tạo cân bằng với những áp lực truyền thông từ phía Trung Quốc và các nước đang có tranh chấp khác.

Vấn đề tranh chấp biển Đông hoàn toàn có thể giải quyết theo hướng có lợi cho Việt Nam, vì chúng ta có hồ sơ lịch sử và pháp lý mạnh nhất. Nói cách khác là chúng ta có chính nghĩa trong tranh chấp.

Riêng quan điểm lập trường, chương trình hành động cụ thể về vấn đề tranh chấp biển Đông khi Việt Nam là chủ tịch ASEAN trong năm 2010 này, xin dành phần trả lời cho các cơ quan hữu quan của Chính phủ.

Trường Giang: Chúng ta đã được ít nhiều nghe người đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Việt Nam nói về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Vậy ngược lại theo anh chúng ta cần truyền tải thông điệp ngoại giao như thế nào đến phía Trung Quốc?

TS. Lê Vĩnh Trương: Chúng tôi không dám làm thay công việc quan trọng của Bộ Ngoại giao, nhưng trong khuôn khổ câu hỏi trên, chúng tôi xin được phép có ý kiến nhỏ. Chúng ta đã cứu nạn những thuyền đánh cá Trung Quốc bị tai nạn, chúng ta đã có những khẳng định ôn tồn mà cương quyết của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, chúng ta đã có phát biểu mạnh mẽ của Chủ tịch nước trên đảo Bạch Long Vĩ. Và hiện tại Vietn amNet, Quỹ NCBĐ cùng các độc giả hiện đang có một thông điệp ngoại giao nhân dân gửi đến Trung Quốc thông qua chương trinh giao lưu trực tuyến này.

Hà Thu: Xin các anh cho biết thêm thông tin về tiến trình đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông ra Tòa Án hay Trọng Tài Quốc Tế?

Lê Minh Phiếu: Tranh chấp trên Biển Đông mà có liên quan đến Việt Nam hiện có 2 loại:

Tranh chấp các quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa giữa nhiều nước

Tranh chấp biển, trong đó bao gồm tranh chấp vùng biển thuộc các đảo/quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tranh chấp vùng biển không thuộc các đảo/quần đảo nhưng chồng lấn do đường chữ U.

Các bên có thể đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế để giải quyết các tranh chấp trên như các nước Đông Nam Á đã làm.

Liên quan đến đến việc phân định các vùng biển, các bên còn có thể đưa ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (International Tribunal on the Law of the Sea), Trọng tài, Trọng tài đặc biệt (theo quy định cụ thể của UNCLOS, đặc biệt là phần XV, Phụ lục V, VI, VII, VIII của Công ước này).

Tuy nhiên, dù đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế hay Trọng tài, điều cần thiết là các bên trong tranh chấp cần đồng ý rằng Tòa án hay Trọng tài đó sẽ có thẩm quyền giải quyết. Đây là một điều mà Trung Quốc chưa sẵn sàng chấp nhận và do vậy có lẽ khó xảy ra trong tương lai gần.

Lê Quang: Hiện trên thế giới, các trường ĐH, viện/tổ chức nghiên cứu nào trên thế giới có những nghiên cứu đáng chú ý về vấn đề biển Đông? Quỹ Nghiên cứu Biển Đông có liên hệ hợp tác gì với họ không/hoặc sử dụng các kết quả nghiên cứu đó như thế nào? Xin cho biết tình hình nghiên cứu về biển Đông tại các nước có liên quan trong khu vực (Trung Quốc, Phillipines....) Họ nghiên cứu gì, công khai những thông tin gì...?

TS. Giáp Văn Dương: Biển Đông hiện đang nổi lên như là một trong những vấn đề nóng của khu vực, vì thế thu hút được sự quan tâm của quốc tế. Hiện có nhiều trường, viện nghiên cứu trên thế giới có những nghiên cứu về vấn đề này, ví dụ: chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hai hội thảo quốc tế về biển Đông được tổ chức ở ĐH Yale và ĐH Temple ở Mỹ.

Tuy nhiên, Quỹ chúng tôi chỉ có thể nắm được những nghiên cứu được công bố dưới dạng sách, báo hoặc báo cáo khoa học của họ và sử dụng chúng làm tài liệu tham khảo cho các lập luận của mình.

Chúng tôi có một số liên hệ cá nhân với một số người nghiên cứu về vấn đề này để trao đổi một số vấn đề cũng như để xin bản quyền để xuất bản một số tác phẩm của họ tại Việt Nam.

Chúng tôi hiện giờ chưa có hợp tác gì đáng kể với họ trong nghiên cứu. Chúng tôi sẽ kiện toàn phần này trong thời gian tới.

Lê Minh Phiếu: Theo tôi được biết, Trung Quốc đang đẩy rất mạnh nghiên cứu và công bố, tuyên truyền về biển Đông, tạo ra số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế áp đảo so với ta, tạo ra "cuộc chiến không cân sức giữa các học giả". Điều này quả thật đáng tiếc.

Các nước khác cũng đẩy mạnh nghiên cứu và truyền thông về biển Đông một cách tự do theo đúng tinh thần học thuật. Vì thế, Việt Nam, thay vì tự hạn chế mình, nên cạnh tranh với họ.

Vì người Việt có ai là không ăn nước mắm

Thanh Việt: Được biết các anh đều là những trí thức trẻ đã thành đạt, tại sao các anh lại quan tâm tới tình hình Biển Đông và quyết định thành lập/tham gia Quỹ nghiên cứu BĐ?

Lê Minh Phiếu: Cảm ơn bạn đã có câu hỏi đi kèm với một lời khen. Riêng về cá nhân, tôi không nghĩ xứng đáng với lời khen đó. Song, tôi cho rằng, việc làm một điều gì đó mà mình nghĩ có ích cho đất nước nói chung hay làm một cái gì đó vì Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông nói riêng không phụ thuộc hay liên quan gì nhiều lắm đến việc có thành đạt hay không.

Bất kể một người có thành đạt hay không, chúng ta đều có thể làm một điều mà chúng ta thấy quan tâm, thấy có ích, cần thiết và trong khả năng hạn hẹp của mình.

TS. Giáp Văn Dương: Tôi tham gia Quỹ Nghiên cứu biển Đông vì muốn góp một phần nhỏ bé, nhưng thiết thực, vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cách làm việc khoa học, duy lý của Quỹ cũng rất phù hợp với người làm khoa học như tôi.

TS. Lê Vĩnh Trương: Toàn dân VN ai cũng liên quan đến Biển Đông. Có mấy người VN không ăn nước mắm? Tôi tham gia QNCBD vì mong muốn những người VN liên quan đến Biển Đông sẽ quan tâm đến Biển Đông, hiểu nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân mình gắn liền với Biển Đông.

Kichbu theo: http://community.tuanvietnam.net/2010-04-09-tranh-tu-duy-con-da-dieu-trong-bao-ve-chu-quyen-bien-dong?comments=1

4 nhận xét:

  1. Tránh tư duy con chuồn chuồn trong việc giữ biển đảo

    Trả lờiXóa
  2. Các TS vừa trẻ vừa giỏi quá ta..:)

    Trả lờiXóa
  3. calla từng vào web a Phiếu! ... và sau comment của Calla để lại số IP! hix... bùn!

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter