Hoàng Sa trong ký ức của những chiến binh
Ký ức Hoàng Sa vẫn còn tươi nguyên trong trái tim của những chiến binh dưới thời chế độ cũ được cử ra canh giữ vùng đảo Hoàng Sa của Tổ quốc những năm 60-70 của thế kỷ trước.
Với họ, Hoàng Sa mãi mãi là máu thịt của đất Việt không dễ gì mất được. Đã hơn 40 năm trôi qua, những chiến binh một thời canh đảo, vẫn đau đáu một lần được trở lại Hoàng Sa. Với họ, Hoàng Sa là báu vật thiêng liêng ngàn đời cha ông để lại...
>> Bài 2: Hiểm hoạ rình rập ngư dân nơi biển Hoàng Sa
>> Bài 3: Những hùng binh ngư phủ nơi đảo Lý Sơn
Hồi ức của những chiến binh canh đảo Hoàng Sa
Trong ký ức vẫn còn tươi nguyên của những chiến binh dưới thời chế độ cũ của những năm 60-70 của thế kỷ trước ra canh đảo Hoàng Sa, giờ đây kẻ còn người mất vì tuổi tác. Trong những ngày rong ruổi qua miền Trung nắng cháy, may mắn được gặp lại những chiến binh năm xưa để nghe họ kể về ký ức của mình hơn 40 năm trước khi họ là những chiến binh được cử ra canh đảo Hoàng Sa
Người đầu tiên tôi có may mắn gặp trong buổi sáng đầu năm 2010 là chiến binh Phạm Khôi (sinh 1942), hiện đang sống trong căn nhà nơi hẻm nhỏ trên đường Hải Phòng, thuộc phường Thạch Than, TP. Đà Nẵng.
Hoàng Sa là phần đất máu thịt của Tổ quốc-Trong ảnh là ông Phạm Khôi, một chiến binh đã từng ra bảo vệ Hoàng Sa thời chế độ cũ kể về ký ức |
Cũng như những chiến binh những năm 60-70 của thế kỷ trước, ông Khôi là người linh chế độ cũ và nhận lệnh lên đường ra bảo vệ đảo Hoàng sa. Trong ký ức tươi nguyên của mình, ông Khôi vẫn nhớ như in ngày ông cùng đồng đội xuống tàu tại quân cảng Đà Nẵng để ra Hoàng Sa là vào đêm 23 tháng Chạp năm 1969.
Trên con tàu chiến ra đảo đêm 23 tháng Chạp ấy cả đoàn chiến binh gồm 30 người lính. Tất cả đều cùng quê Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Ông Khôi nhớ lại: Tàu rời quân cảng Đà Nẵng ngay trong đêm, mất hơn 2 ngày mới đến được đảo Hoàng Sa.
“Thời đó anh em tụi tui ra đảo Hoàng Sa nói tiếng là bảo vệ đảo. Nhưng giống như một chuyến du lịch dài ngày. Ngày đó đảo Hoàng Sa yên bình lắm. Không có cảnh đạn bom, chết chóc. Khi đặt chân lên đảo Hoàng Sa, nhiệm vụ chính của đoàn quân 30 người là thay thế lực lượng ra trước tiếp tục canh đảo.
Cứ 3 tháng 1 lần tàu luân phiên đưa lính ra đảo để bảo vệ. Nói tiếng là bảo vệ, nhưng ra đảo Hoàng Sa anh em lính tụi tui ban ngày đi câu, ban đêm ngủ. Đảo Hoàng sa thời đó yên bình lắm…” ông Khôi nhớ lại.
Ông Phạm Khôi giới thiệu về tấm hoạ đồ sơ lược do ông vẽ lại trong những ngày canh giữ Hoàng Sa
Hoàng Sa thời ông sống mà cho mãi đến bây giờ đã hơn 41 năm trôi qua. Mặc dù tuổi tác, nhưng ký ức ông vẫn sống dậy một phần đất thiêng của Tổ quốc. Trong giấc ngủ hàng đêm vẫn hiện về trong ông hình ảnh của vùng đất Hoàng sa ngày ông đặt chân đến. Từ giếng nước, cây vông, cây nhàu, hàng dừa xanh, miếu thờ…tất cả vẫn còn hằn trong trí nhớ. Ông lục tìm trong chồng tài liệu cũ nát được cất giữ mấy chục năm nay tấm hình bản đồ đảo Hoàng Sa mà ông tự vẽ những ngày ông sống trên đất đảo.
Đưa tay chỉ tấm bản đồ tự tay ông vẽ lại trong những ngày canh đảo Hoàng Sa, mà như lời ông bảo, không thể nào quên trong trí nhớ. Mặc dù đã ở cái tuổi gần 70, bệnh tật hành hạ cùng vết thương buốt nhức mỗi khi trái gió trở trời. Nhưng khi nhắc đến Hoàng Sa là mắt ông vụt sáng và mơ ước một lần được trở lại Hoàng Sa trước khi nhắm mắt.
Tôi vẫn còn nhớ như in lời trần tình của ông trong buổi sáng đầu xuân, khi tôi hỏi thăm nhà và nhắc chuyện Hoàng Sa. Ông bảo: “Ngày tui ra Hoàng Sa là người lính chế độ cũ. Nhưng dù ở chiến tuyến nào, tui cũng là con dân nước Việt và tui có quyền tự hào rằng mình đã có những tháng năm đẹp được sống và bảo vệ vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc mà cha ông nghìn đời để lại.”
Cùng chung tâm trạng và nỗi lòng như ông Khôi, trong trí nhớ mờ xa hơn 40 năm trước của chiến binh Nguyễn Quang Triêm, hiện trú tại 12/18 đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Đà Nẵng. Ông Triêm lên tàu ra Hoàng Sa vào đầu tháng Giêng năm 1961 đóng tại đảo Cù Mông thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nơi ông đồn trú chỉ là đảo nhỏ với 12 người lính.
Chiến binh Nguyễn Quang Triêm kể về ký ức những ngày canh đảo Hoàng Sa. |
Trong trí nhớ của mình, ông kể: “Hồi đó tụi tui ra Hoàng Sa giống như đi an dưỡng ấy mà. Trong đất liền chiến tranh, bom đạn. Nhưng ra Hoàng sa là bình yên, anh em tụi tui chỉ biết ăn, ngủ chán rồi lại kéo nhau ra biển câu cá. Lúc buồn quá thì kéo nhau chèo thuyền qua đảo Tây Sa chơi với anh em, chán chê thì về…”
Hỏi ông ký ức về Hoàng Sa? Ông Khôi, cũng như ông Triêm và nhiều chiến binh khác như ông Trương Văn Quảng, Nguyễn Văn Cúc đều sinh sống tại TP. Đà Nẵng đều bảo rằng mình đã may mắn có những tháng ngày đẹp được sống và canh giữ quần đảo Hoàng Sa - Một phần đất máu thịt của Tổ quốc.
Đã hơn 36 năm trôi qua kể từ ngày Hoàng Sa rơi vào tay ngoại bang. Nhưng ký ức về Hoàng Sa trong lòng mỗi con dân đất Việt nhận lệnh vượt trùng dương ra quần đảo Hoàng Sa canh giữ biển trời Tổ quốc đến bây giờ vẫn còn tươi nguyên. Họ tự hào ra đi trong tâm thế của người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Bây giờ nhắc lại, trên khoé mắt họ rưng rưng, tim họ nghẹn lại khi Hoàng Sa vẫn còn trong tay nước ngoài.
Khát khao cháy bỏng của những chiến binh một thời mong một ngày được trở lại Hoàng Sa trước khi nhắm mắt xuôi tay về với cát bụi. Bởi với họ và ngay cả lớp trẻ chúng tôi trong trái tim mình, Hoàng Sa vẫn là một phần máu thịt không dễ gì chia cắt được. Cho dù phần đất thiêng của Tổ quốc vẫn còn trong tay của ngoại bang…
Hoàng Sa, đất thiêng trong lòng dân tộc
Tôi vẫn còn nhớ như in trong buổi trưa đầu năm khi tìm về phòng trưng bày hiện vật Hoàng Sa - Những tư liệu và lịch sử được đặt trong một căn phòng nhỏ của Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng và cũng chính nơi đó là “tổng hành dinh” của chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ.
Nơi phòng trưng bày hiện vật - tư liệu về Hoàng Sa với hàng nghìn hiện vật và tư liệu đủ để khẳng định vùng đất thiêng Hoàng Sa mãi mãi là vùng đất chủ quyền của Việt
Đứng nhìn những hiện vật, những hình ảnh, rồi lật giở đọc từng dòng tư liệu được lưu trữ trang trọng mới thấy hết được công sức của bao lớp con dân đất Việt hàng mấy trăm năm trước đã từng thấm đẫm bao máu, mồ hôi, nước mắt để khai phá và bảo vệ vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc-Hoàng Sa.
Thẳng tiến ra Hoàng Sa bất chấp mọi hiểm nguy. Trong ảnh là thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn, người cứu 17 ngư dân Lý Sơn thoát chết hôm mùng 9-3 trên đường trở lại Hoàng Sa. |
Cũng tại căn phòng nhỏ ấy, tôi đã gặp cô gái nhỏ nhắn Mai Kim Anh, người được Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ giao phó trông coi, bảo quản và giới thiệu những tư liệu, hiện vật về Hoàng Sa cho bất kỳ con dân đất Việt nào muốn ghé đến thăm.
Dường như trong tâm trí của cô gái nhỏ nhắn sinh sau ngày đất nước thống nhất vẫn chưa hề biết gì về Hoàng Sa. Nhưng tôi đã đọc được trong ánh mắt của cô niềm tự hào lẫn đau xót khi chính tay cô trân trọng lật giở từng trang tư liệu quý và những hình ảnh về Hoàng Sa để giới thiệu.
Hoàng Sa đối với cô gái nhỏ này cũng như hàng triệu những chàng trai cô gái khác trên đất nước này là điều thiêng liêng, là máu thịt.
Không riêng gì cô gái nhỏ nhắn Mai Kim Anh cũng như các bạn trẻ khác, mà hàng triệu triệu trái tim của con dân đất Việt đều hướng về Hoàng Sa mỗi khi một dòng tin về những tai ương của bão tố, của những kẻ vô lương bắt giữ, cướp tàu đánh đập bà con ngư dân nơi vùng biển Hoàng Sa. Tất cả đều đập với nhịp đập của trái tim yêu thương, sẻ chia và lòng căm phẫn.
Tôi đã đi qua những làng chài ven biển miền Trung, đã từng gặp những chiến binh năm xưa một thời sống và bảo vệ Hoàng Sa, và bây giờ, những ngư dân chân đất, trong tay không tấc sắt, chỉ với chiếc tàu nhỏ, nhưng họ vẫn can trường ra khơi bám vùng biển Hoàng Sa để mưu sinh.
Họ như những hùng binh nối tiếp bước chân của tiền nhân ra Hoàng Sa. Cho dù trước mắt họ là tai ương rập rình.
Nhưng tất cả đều bảo với tôi rằng họ không bao giờ biết run sợ trước bất kỳ thế lực hung bạo nào…Bởi Hoàng Sa là một phần máu thịt của Tổ quốc.
- Vũ Trung
Nguồn:http://www.vietnamnet.vn/psks/201003/Hoang-Sa-trong-ky-uc-cua-nhung-chien-binh-899410/
Trong tiêu đề dùng từ "chiến binh" hay quá..:)
Trả lờiXóaNhững chiến binh này được đi "an dưỡng" ở HS. Giá mà có bài viết của những chiến binh tham gia trận chiến bảo vệ HS năm 1974 thì hay.
Trả lờiXóaỪ, "chiến binh" chứ không phải "chiến sĩ" như bình thường :D
Trả lờiXóaTuổi Trẻ từng có bài (của bác cựu TBT) rồi phải dừng nửa chừng. Hình như vẫn tìm được đâu đó trên blog.
Trả lờiXóaNhiều lắm, chỉ cần google thì ra cả rổ, hãy google và đọc!
Trả lờiXóa"shanmaishanmai wrote today at 11:04 AM
Những chiến binh này được đi "an dưỡng" ở HS. Giá mà có bài viết của những chiến binh tham gia trận chiến bảo vệ HS năm 1974 thì hay."
Trong bài này:
Trả lờiXóaTừ "chiến binh" được sử dụng 11 lần.
"Chế độ cũ": 4
"Ngoại bang": 2
"nước ngoài": 1
...