Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Bồ tát hiện hình và một công dân hèn nhát

Bồ tát hiện hình và một công dân hèn nhát

Tác giả: Trực Ngôn

Một công dân hèn nhát

Thông báo của Ủy ban Kiểm tra TƯ có trích đoạn trong một bài báo tuần này như sau: "Thời gian qua có nhiều tin nhắn tố cáo gửi qua điện thoại di động đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo UB Kiểm tra các cấp. UBKTTƯ đề nghị các cá nhân chấm dứt tình trạng trên và thực hiện việc tố cáo, khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật, không xem xét các tin nhắn vì không có giá trị pháp lý trong Luật khiếu nại, tố cáo".

Sự thật trong thông báo trên là đúng. Nhưng sau sự thật đó có một sự thật đau lòng khác. Đó là sự thật gì? Xin thưa: sự thật về nỗi sợ hãi của những người muốn đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội ta.

Chính Trực Ngôn tôi đã có lần tiếp xúc với đồng chí Vũ Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Ban Kiểm tra Trung Ương cách đây khoảng 10 năm về ông thủ trưởng cơ quan cũ của tôi vì ông thủ trưởng này có nhiều đơn tố cáo trù úm cấp dưới và những chuyện nhập nhằng khác. Tôi rất kính trọng ông Hùng và tin ông ấy. Trước khi làm việc, ông Hùng nói với tôi: "Đồng chí cứ nói hết sự thật. Tôi hứa danh dự sẽ giữ kín những gì đồng chí nói".

Nhưng thương thay, cho dù được một người đứng đắn và có quyền lực khuyến khích lên tiếng về sự thật nhưng tôi cũng không dám nói gì. Tôi không những không dám nói ra sự thật mà còn bóp méo sự thật. Đó là tôi đã nói một vài điều tốt đẹp về ông thủ trưởng kia mà ông chẳng có. Tôi là kẻ nói dối.

Hơn thế, tôi là một công dân hèn nhát. Quả thật lúc đó tôi vô cùng sợ hãi ông thủ trưởng của tôi. Nếu ông ta biết được tôi nói sự thật về ông ta thì tôi sẽ bị "giết" bằng những cách ngọt ngào và hợp lý. Chuyện này thì quá phổ biến trong xã hội ta.

Thế nên, có nhiều người biết sự thật nhưng mấy ai dám công khai danh tính để nói lên sự thật đó.

Việc gửi thư nặc danh hay nhắn tin tố cáo ai đó theo luật pháp là không có giá trị. Nhưng Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương hãy hiểu cho người dân chúng tôi rằng: chúng tôi không thể lên tiếng về sự thật rồi sau đó "sống dở chết dở" ở chính nơi mình lên tiếng. Hoặc nếu may mắn, chúng tôi có thể không bị khổ sở thì sự thật mà người dân chúng tôi lên tiếng cũng lặng lẽ chìm vào im lặng. Nghĩa là xét cả hai phía đều là vô ích. Lợi cho xã hội cũng không mà hại cho cá nhân người lên tiếng là cầm chắc.

Cũng như trong trường hợp tôi nói trên, sau khi ông Hùng đi rồi thì ai sẽ bảo vệ "nhân chứng" là tôi đây. Ông thủ trưởng của tôi ngày ngày ở trên tôi còn ông Hùng từ đó đến nay tôi cũng không gặp lại. Đoạn đường từ Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương đến cơ quan tôi hay đến những tỉnh, những huyện xa xôi khác chi đường từ Thiên đình xuống Hạ giới. Bởi thế, người lên tiếng tố cáo những lãnh đạo sai phạm ở cơ quan hay địa phương mình đã nhận ra bài học "xương máu" là " tránh voi chẳng xấu mặt nào".

Chính vì điều đó làm tinh thần đấu tranh cho lẽ phải và những điều tốt đẹp vô tình và gián tiếp bị thủ tiêu. Còn nếu không chịu đựng được sự sai trái, lộng hành... của lãnh đạo cơ quan mình hay địa phương mình thì hoặc là im lặng trong u buồn hoặc viết một lá thư nặc danh hay một tin nhắn đầy tuyệt vọng.

Cho nên, để những người dân chúng tôi không phải "lén lút" trong sợ hãi nhắn tin tố cáo rồi vứt sim đi hoặc đóng cửa buồng, che đèn viết thư tố cáo mà không dám ký tên rồi nhờ người khác đi gửi thư hộ thì những người lãnh đạo phải làm cho người dân chúng tôi thực sự tin rằng: đấu tranh cho lẽ phải là nhân cách của cả xã hội mà các đảng viên, các cán bộ có quyền chức luôn luôn đi đầu bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Vì người dân chúng tôi đã quá thấm nhuần, quá thuộc lòng lời nói của các đồng chí rồi.

Xin cám ơn các đồng chí!

 

Bồ tát hiện hình ở Đà Nẵng

Cụ Hoàng Thị Hồng, Ảnh danang.gov.vn
Một cụ già 78 tuổi bán sổ số. Ta nhắc lại là bán sổ số chứ không làm to như ông Tô ở Hà Giang hay bà Cúc ở Tiền Giang hoặc ông Bình Vinashin. Cụ có tên là Hoàng Thị Hồng sống ở thành phố Đà Nẵng.

Trong suốt 5 năm nay, cụ bỏ tiền của mình ra để lo chỗ ăn, chỗ ở cho những thí sinh nghèo về Đà Nẵng dự thi. Nguyên nhân gì đã khiến cụ làm như vậy? Ta xin trả lời ngắn gọn: Vì cụ có một tấm lòng nhân ái bao la.

Có lẽ chưa một người nào sống cạnh cụ nghe được cụ giảng giải đạo đức cho người khác. Nhưng trái tim cụ lại chứa đầy tình thương yêu con người bởi chính những hành động cụ thể vì con người của cụ. Hơn nữa, nếu cụ là một người quá nhiều tiền thì chuyện này lại khác. Cụ chẳng có tài sản gì trong tay ngoài những đồng tiền mồ hôi nước mắt. Cụ đâu có đất này, đất khác, cụ đâu có nhà này, nhà nọ, cụ chẳng được ai hối lộ hay đút lót bao giờ. Nhưng nhân cách cụ đứng trên đầu bao kẻ tên tuổi.

Xã hội xúc động về cụ bao nhiêu lại đau đớn bấy nhiều về những kẻ đã cướp đi hàng nghìn tỉ của nhân dân, của Nhà nước. Xã hội kính trọng nhân cách của cụ bao nhiêu lại khinh bỉ bấy nhiêu những kẻ vô nhân cách khác, những kẻ vì lợi ích của cá nhân mình, của gia đình mình, của phe nhóm mình mà gây ra bao thiệt thòi, bất hạnh cho người lao động. Còn lúc này, từ một nơi rất xa Đà Nẵng, ta cúi đầu trước cụ - cụ Hoàng Thị Hồng. Cụ là hiện thân của đức tính đẹp đẽ của con người Việt Nam, cụ là một Ví Dụ đầy tự hào và cũng đầy cay đắng về nhân cách của một xã hội, cụ quả là một vị Bồ tát hiện hình.

Ta đã dùng những từ ngữ như vậy để nói về cụ. Nhưng những lời lẽ đó đã trở nên thật phù phiếm trước lòng nhân ái và nhân cách sống của một con người như cụ.

Nguồn:http://tuanvietnam.net/2010-07-16-pn-and-hd-bo-tat-hien-hinh-va-mot-cong-dan-hen-nhat

 

1 nhận xét:

  1. Tôi từng viết phòng chống ai tham nhũng
    Lạo xạo cho vui tai ta cũng muốn lắm thay
    Nhưng đông lắm và nằm trong quân ta cả
    Chẳng lẽ lại phe ta lại bắt nhốt phe mình ?
    Bởi như thế mà chẳng có tìm đâu ra thủ phạm
    Trộm chó lên đường còn trộm lớn vẫn ung dung
    Sáng ung dung trộm xế trưa đăng đàn chỉ thị
    Các đ/c phải chống tới cùng ...vì đất nước ...vì dân..
    Thật quyết liệt nghe thấy mà phấn khởi
    Tham nhũng dẹp tan - ngân khố trống tại ai ?

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter