Nguồn TTXVN (Tham khảo đặc biệt)
Kichbu post on 14/11/2010 20:55
VNN - Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trở lại Hà Nội trong lịch trình hoạt động khá khít với cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gặp gỡ các cựu quan chức, khách mời và gần 600 sinh viên Đại học Ngoại thương và Học viện Ngoại giao sáng nay (14/11).
Nhân dịp này Kichbu xin repost Bài phát biểu cách đây gần 10 năm về trước của ông.
Cám ơn các bạn rất nhiều và chào các bạn.
Tôi không thấy có một nơi nào thích hợp hơn là Ðại học Quốc gia Việt Nam để tôi bắt đầu chuyến thăm ở thời điểm tràn đầy hy vọng của lịch sử cho cả hai nước chúng ta. Tôi đã học được một câu tiếng Việt; và tôi sẽ cố gắng đọc câu ấy. Nếu tôi đọc sai, các bạn cứ cười thỏa thích. Xin chào các bạn. (vỗ tay)
Biết bao hứa hẹn của quốc gia trẻ trung này được tích luỹ nơi đây. Tôi được biết rằng các bạn đã có những chương trình trao đổi với gần 100 các trường đại học, từ Canada đến Pháp và Hàn Quốc. Và các bạn cũng đang tiếp đón hơn 12 sinh viên từ trường đối tác - Ðại học California Hoa Kỳ - hiện đang học tại đây.
Tôi chào mừng những nỗ lực to lớn của các bạn trong việc hoà nhập với thế giới. Dĩ nhiên, tôi cũng biết rằng cũng như mọi sinh viên khắp nơi, các bạn còn bận tâm nhiều chuyện khác ngoài việc đèn sách. Ví dụ: vào tháng 9, các bạn vừa phải học và vừa theo dõi thành tích của cô Trần Hiếu Ngân tại Sydney . Và tuần này, các bạn lại vừa học vừa cổ vũ cho các anh Lê Huỳnh Ðức và Nguyễn Hồng Sơn tại cuộc tranh tài bóng đá tại Bangkok . (vỗ tay).
Tôi lấy làm hân hạnh là Tổng thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đầu tiên đến Hà Nội và thăm trường đại học này. Và tôi làm như thế với một ý thức rằng lịch sử giữa hai quốc gia chúng ta thật gắn bó, vừa là nguồn đau thương cho các thế hệ đã qua vừa là nguồn hứa hẹn cho các thế hệ sắp tới.
Cách đây 2 thế kỷ, trong những ngày đầu của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chúng tôi đã vượt biển để tìm các đối tác thương mại và một trong các nước mà chúng tôi tiếp cận đầu tiên là Việt Nam. Thật vậy, một trong các nhà lập quốc của Hoa Kỳ, Ngài Thomas Jefferson, đã tìm cách mua hạt giống gạo Việt Nam để trồng trên nông trại của mình tại Virginia cách đây đã 200 năm. Vào lúc thế chiến thứ hai xảy ra, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã là một xứ tiêu thụ đáng kể các hàng xuất khẩu từ Việt Nam . Vào năm 1945, trong ngày lập quốc của các bạn, những ngôn từ của Thomas Jefferson đã được chọn để vang vọng trong bản Tuyên ngôn Ðộc lập của các bạn: "Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hoá đã cho chúng ta những quyền chắc chắn không thể xâm phạm được; đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc."
Dĩ nhiên, tất cả những điểm gặp gỡ nhau trong lịch sử 200 năm nay đã bị lu mờ trong vài thập niên vừa qua bởi cuộc xung đột mà chúng tôi gọi là Chiến tranh Việt Nam và các bạn gọi là Kháng chiến chống Mỹ. Hẳn là các bạn đã biết rằng ở Washington D.C., tại Quảng trường Quốc gia có một bức tường đá đen đã được khắc tên của những người Hoa Kỳ đã bỏ mình tại Việt Nam. Tại tượng đài trang nghiêm này, một số cựu chiến binh Hoa Kỳ cũng nhắc đến "mặt bên kia của bức tường," sự hy sinh chồng chất của nhân dân Việt Nam hai miền trong cuộc xung đột đó - hơn 3 triệu thường dân và chiến sỹ dũng cảm.
Nỗi đau khổ chung này đã tạo cho hai quốc gia chúng ta một mối quan hệ không giống bất cứ quan hệ nào khác. Cũng do cuộc xung đột này, Hoa Kỳ hiện nay là quê hương của 1 triệu người Mỹ có tổ tiên là Việt Nam . Cũng do cuộc xung đột này, 3 triệu cựu chiến binh Hoa Kỳ đã phục vụ tại Việt Nam , cũng như nhiều nhà báo, nhân viên đại sứ quán, nhân viên cứu trợ và nhiều người khác nữa, đã mãi mãi gắn liền với quốc gia của các bạn.
Cách đây gần 20 năm, một nhóm quân nhân Hoa Kỳ đã đi bước đầu tiên để tái lập những mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam . Họ trở lại Việt Nam lần đầu tiên kể từ cuộc chiến, và khi họ đi bộ trên những đường phố Hà Nội, nhiều người Việt Nam biết họ đến thăm và đã tiến lại hỏi họ: các bạn có phải là binh sĩ Hoa Kỳ không? Chưa ngờ trước chuyện gì sẽ xảy ra đối với họ, những cựu chiến binh của chúng tôi trả lời: Ðúng vậy. Và họ cảm thấy thật nhẹ nhõm xiết bao khi những người Việt Nam nói với họ một cách giản dị là: chào mừng các bạn đến Việt Nam .
Tiếp đó, nhiều cựu chiến binh cũng đã đến đây gồm cả những cựu chiến binh và anh hùng Hoa Kỳ tên tuổi hiện đang phục vụ tại Quốc hội Hoa Kỳ: Nghị sỹ John McCain, Nghị sỹ Bob Kerrey, Nghị sỹ Chuck Robb, và Nghị sỹ John Kerry của bang Massachusett, là người có mặt tại đây với tôi, cùng một số hạ nghị sĩ của chúng tôi, trong số đó có vài cựu chiến binh của cuộc xung đột ở Việt Nam.
Khi họ đến đây, họ đã nhất quyết tôn vinh những người đã tham chiến mà không khơi lại cuộc chiến; nhớ lại lịch sử của chúng ta nhưng không kéo dài nó mãi mãi; để cho lớp trẻ như các bạn tại hai quốc gia chúng ta có một cơ hội sống vì tương lai, chứ không phải sống với quá khứ. Như Ðại sứ Pete Peterson đã nói một cách thật hùng hồn, "Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Cái mà chúng ta có thể thay đổi được đó là tương lai."
Mối quan hệ mới giữa chúng ta trở nên mạnh hơn, khi các cựu chiến binh Hoa Kỳ thành lập những tổ chức phi lợi nhuận để hoạt động giúp đỡ nhân dân Việt Nam, chẳng hạn như cung cấp những dụng cụ cho những người bị thương tích chiến tranh để giúp họ sống một cuộc sống bình thường. Sự tận tình của Việt Nam giúp trao trả hài cốt những quân nhân của chúng tôi trở về với gia đình họ là sự thúc đẩy lớn nhất để cải thiện mối quan hệ. Có rất nhiều người Hoa Kỳ tại đây đã làm việc nhiều năm trong lĩnh vực đó, gồm cả Bộ trưởng Bộ Cựu Chiến Binh của chúng tôi, Ngài Hershel Gober.
Lòng mong muốn được đoàn tụ với thân nhân thất lạc là điều dễ hiểu đối với tất cả chúng ta. Nhiều người Mỹ rất cảm động khi biết rằng chương trình truyền hình mà người Việt Nam xem nhiều nhất vào mỗi chủ nhật là chương trình nhờ khán giả giúp họ tìm kiếm những thân nhân mất tích trong chiến tranh cách đây rất lâu.
Và chúng tôi biết ơn những người dân làng Việt Nam đã giúp tìm kiếm những người mất tích của chúng tôi và vì thế đem lại sự ổn định tinh thần cho những gia đình người Mỹ khi họ biết rằng chuyện gì thật sự đã xảy ra đối với thân nhân của họ.
Chưa bao giờ có hai quốc gia nào đã làm được những việc mà chúng ta cùng nhau đang làm để tìm kiếm những người mất tích trong cuộc xung đột ở Việt Nam . Rất nhiều đội Hoa Kỳ và Việt Nam đã làm việc cùng nhau, đôi khi tại những nơi chốn khó khăn và nguy hiểm. Chính phủ Việt Nam đã cung cấp cho chúng tôi những tài liệu và thông tin của chính phủ để hỗ trợ cuộc tìm kiếm của chúng tôi. Và để đáp lại, chúng tôi đã cung cấp được cho Việt Nam gần 400.000 trang tài liệu có thể trợ giúp cuộc tìm kiếm của các bạn. Trong chuyến thăm này, tôi mang thêm 350.000 trang tài liệu mà tôi hy vọng sẽ giúp các gia đình Việt Nam tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy đến với những thân nhân thất lạc của họ.
Hôm nay, tôi đã trân trọng trao cho Chủ tịch nước của các bạn, Ngài Trần Ðức Lương những tài liệu này. Tôi cũng nói với chủ tịch rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm 1 triệu trang tài liệu nữa trước cuối năm nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp trợ giúp và kêu gọi sự giúp đỡ của các bạn, khi cả đôi bên giữ lời cam kết là làm bất cứ việc gì chúng ta có thể làm được cho đến khi nào đạt được một thống kê đầy đủ nhất về thân nhân của chúng ta.
Sự hợp tác của các bạn trong sứ mạng đó qua 8 năm nay đã được đáp lại bằng việc Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam những khoản vay quốc tế, tái lập thương mại giữa hai quốc gia chúng ta, thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và đã ký Hiệp định Thương mại trọng yếu vào năm nay.
Sau cùng, chúng tôi xem Việt Nam như một quốc gia, chứ không phải như một cuộc chiến tranh như các bạn đã yêu cầu trong bao nhiêu năm qua. Một quốc gia với tỷ lệ dân biết chữ cao nhất ở Ðông Nam á; một quốc gia mà giới trẻ vừa đoạt được ba huy chương vàng tại cuộc thi Toán học Olympiad Quốc tế Seoul; một quốc gia của những doanh gia tài năng, tận tuỵ đang xuất hiện sau những năm xung đột và bất ổn, và hướng tới một tương lai xán lạn.
Hôm nay, Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu một giai đoạn mới trong mối quan hệ đôi bên, vào lúc khi mọi người trên toàn thế giới buôn bán với nhau nhiều hơn, đi lại nhiều hơn, biết nhau nhiều hơn và nói chuyện với nhau nhiều hơn bao giờ hết. Vào lúc khi mọi người tự hào về nền độc lập quốc gia của mình, thì chúng ta đều biết rằng chúng ta đang trở nên ngày càng lệ thuộc lẫn nhau hơn. Sự di chuyển của con người, tiền tài và ý tưởng xuyên biên giới, thành thật mà nói, đã tạo ra những sự ngờ vực giữa những công dân tốt thuộc mọi quốc gia. Họ lo lắng về xu hướng toàn cầu hoá do những hậu quả bất ổn và không lường trước được.
Tuy vậy, xu hướng toàn cầu hoá không phải là một thứ mà chúng ta có thể ngăn cản hoặc loại trừ được. Sự kiện kinh tế này tương đương với lực của thiên nhiên như gió hoặc nước. Chúng ta có thể dồn gió cho căng buồm. Chúng ta có thể dùng nước để tạo ra năng lượng. Chúng ta có thể cố gắng chống lại bão và lũ lụt để bảo vệ nhân dân và tài sản. Nhưng chúng ta chẳng thể nào phủ nhận sự hiện hữu của gió và nước, hoặc tìm cách loại chúng. Xu hướng toàn cầu hoá cũng thế. Chúng ta có thể nỗ lực để tối đa hoá cái lợi của nó và giảm thiểu những rủi ro, nhưng chúng ta không thể làm ngơ trước xu hướng này và nó cũng sẽ không tự biến mất.
Trong thập niên qua, khi khối lượng thương mại trên thế giới đã tăng gấp đôi, số lượng đầu tư từ những quốc gia giàu vào những quốc gia đang phát triển đã tăng gấp sáu lần, từ 25 tỷ đô la vào năm 1990 lên đến hơn 150 tỷ đô-la vào năm 1998. Những quốc gia đã mở cửa nền kinh tế của họ trong hệ thống thương mại quốc tế đã tăng trưởng nhanh ít nhất gấp đôi so với những quốc gia có nền kinh tế khép kín. Công ăn việc làm của các bạn trong tương lai rất có thể tuỳ thuộc vào thương mại và đầu tư của nước ngoài. Nói đến đây tôi chợt nghĩ, chỉ còn 8 tuần nữa tôi sẽ mãn nhiệm, tôi nghĩ là việc làm sau này của tôi rất có thể tuỳ thuộc vào thương mại và đầu tư nước ngoài.
Trong 15 năm qua, Việt Nam đã thực hiện chính sách Ðổi Mới, gia nhập APEC và ASEAN, bình thường hoá quan hệ với Cộng đồng Châu Âu và Hoa Kỳ, và giải thể hợp tác xã nông nghiệp, để nông dân tự do trồng trọt những gì họ muốn và thu nhập trên chính thành quả lao động của họ. Những kết quả này là minh chứng hùng hồn nhất về sức mạnh của các thị trường của các bạn và các khả năng của nhân dân các bạn. Các bạn không chỉ khống chế được tình trạng suy dinh dưỡng mà còn trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới và đã đạt được sự phát triển kinh tế toàn diện mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế có chậm lại và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có giảm đi. Ðiều này cho thấy rằng bất kỳ một nỗ lực nào nhằm tránh xa khỏi những rủi ro của một nền kinh tế toàn cầu thì đồng thời cũng khiến mình không được thừa hưởng những phần thưởng cũng từ đó mà có.
Vào mùa hè năm nay, Ngài Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã nói, và tôi xin được trích dẫn nguyên văn: "Chúng tôi chưa đạt được tầm phát triển xứng với các khả năng của đất nước chúng tôi. Và chỉ có một cách duy nhất là mở cửa hơn nữa nền kinh tế." Nên trong mùa hè năm nay, điều mà tôi tin tưởng sẽ được xem là một bước trọng yếu trên con đường các bạn tiến tới sự thịnh vượng trong tương lai, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký một hiệp định thương mại song phương có tính lịch sử, xây dựng một nền tảng để Việt Nam cuối cùng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Theo Hiệp định này, Việt Nam sẽ cho phép các công dân của mình, và dần dần sẽ cho phép công dân của các nước khác, các quyền được nhập khẩu, xuất khẩu và phân phối hàng hoá; cho người dân Việt Nam các quyền mở rộng để quyết định vận mệnh kinh tế của chính họ. Việt Nam đã đồng ý sẽ đưa ra các quyết định quan trọng của mình theo nền pháp trị và hệ thống thương mại quốc tế, tăng cường nguồn thông tin tới mọi người dân, và đẩy mạnh sự thăng tiến của nền kinh tế tự do và khu vực kinh tế tư nhân.
Tất nhiên, điều này sẽ tốt cho các đối tác nước ngoài của Việt Nam cũng như Hoa Kỳ. Nhưng nó sẽ còn tốt hơn nữa cho các doanh nhân Việt Nam, là những người đang nỗ lực xây dựng việc kinh doanh của chính họ. Theo hiệp định này, theo tin Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể thu được thêm 1,5 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm và hàng năm chỉ riêng từ hàng xuất khẩu.
Cả hai quốc gia chúng ta đều ra đời từ một bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập. Bản Hiệp định Thương mại này là một dạng của Bản Tuyên Ngôn Lệ Thuộc Lẫn Nhau, một lời tuyên bố rõ ràng và không mập mờ rằng sự phồn vinh trong thế kỷ 21 tuỳ thuộc vào sự giao lưu kinh tế của một quốc gia với thế giới.
Sự mở rộng mới này là một cơ hội to lớn cho các bạn. Nhưng nó chưa đảm bảo thành công. Vậy thì phải làm những gì khác? Việt Nam là một quốc gia trẻ trung, với 60% dân số dưới tuổi 30, và mỗi năm có 1,4 triệu người tham gia lực lượng lao động. Những vị lãnh đạo của các bạn hiểu rằng chính phủ và các công ty quốc doanh không thể mỗi năm tạo ra 1,4 triệu việc làm mới. Họ biết rằng những ngành công nghiệp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hôm nay, như máy tính, viễn thông, công nghệ sinh học, là những ngành dựa trên kiến thức. Ðó là lý do tại sao những nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng nhanh hơn khi giới trẻ được học cao hơn, khi phụ nữ có những cơ hội được đi học như nam giới, khi những người trẻ như các bạn có mọi cơ hội khảo sát những ý tưởng mới rồi chuyển những ý tưởng đó thành những cơ hội kinh doanh cho chính mình.
Quả thực như vậy, tất cả các bạn có mặt tại hội trường này ngày hôm nay phải là động lực tạo nên sự phồn vinh của Việt Nam trong tương lai. Như Chủ tịch nước Trần Ðức Lương đã tuyên bố, nội lực của một quốc gia là trí tuệ và năng lực của nhân dân.
Hoa Kỳ hết sức khâm phục trí tuệ và năng lực của các bạn. Một trong những chương trình trao đổi giáo dục lớn nhất của chính phủ chúng tôi là với Việt Nam . Và chúng tôi muốn tăng thêm nữa. Thượng nghị sỹ Kerry có mặt tại đây, và tôi đã nhắc đến ông trước đó, đang dẫn đầu cho một nỗ lực tại Quốc hội Hoa Kỳ, ông cùng với Thượng nghị sỹ John McCain và những cựu chiến binh khác của cuộc xung đột tại đây, đang hoạt động nhằm thiết lập một tổ chức mới gọi là Quỹ Giáo dục Việt Nam. Một khi được thông qua, quỹ này sẽ hỗ trợ 100 học bổng hàng năm, tại đây hoặc tại Hoa Kỳ, cho những người nghiên cứu hoặc giảng dạy khoa học, toán, công nghệ và y khoa.
Bây giờ chúng tôi đã sẵn sàng tài trợ thêm cho những chương trình trao đổi để dự án này có thể được thực hiện ngay. Tôi hy vọng một số người trong các bạn sẽ có cơ hội tham gia. Và tôi cảm ơn Thượng nghị sỹ Kerry vì ý tưởng tốt đẹp này. Cảm ơn Ngài vì những gì Ngài đã thực hiện.
Tôi muốn nói, cái cũng quan trọng như kiến thức chính là cái lợi của kiến thức, mà cái lợi này thì bị hạn chế bởi những giới hạn thái quá trong việc sử dụng kiến thức. Người Mỹ chúng tôi tin tưởng ở sự tự do được tìm tòi, du lịch, suy nghĩ, phát biểu, định hướng những quyết định tác động đến cuộc sống của chúng tôi làm phong phú cuộc sống của mọi người và mọi quốc gia mà trong nhiều khía cạnh vượt ra xa ngoài phạm vi kinh tế.
Cho đến nay, thành tích của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này vẫn chưa được hoàn hảo. Rút cuộc, chúng tôi phải mất một thế kỷ mới xoá bỏ được nô lệ. Việc giành quyền bầu cử cho phụ nữ thì phải mất một thời gian dài hơn thế nữa. Và chúng tôi vẫn đang tìm tòi để thực hiện một liên bang hoàn hảo hơn theo ước mơ của những nhà lập quốc của chúng tôi và những ngôn từ trong Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập và Hiến pháp của chúng tôi. Nhưng trong suốt 224 năm qua, chúng tôi đã học được một vài bài học. Thí dụ, chúng tôi đã thấy rằng những nền kinh tế hoạt động tốt hơn khi báo chí được tự do tố cáo tham nhũng, và những toà án độc lập có thể đảm bảo cho các hợp đồng được tôn trọng, sự cạnh tranh được tiến triển mạnh mẽ và công bằng, và các quan chức nhà nước tôn trọng nền pháp trị.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền bất đồng chính kiến không đe doạ sự ổn định của một xã hội. Ngược lại, nó tạo được niềm tin của người dân vào sự công bằng của hiến pháp của chúng ta, và khiến chúng ta phải thực hiện hiến pháp mặc dù chúng ta không đồng ý một quyết định nào đó. Tất cả những điều này sẽ làm cho đất nước của chúng ta mạnh hơn trong các thời điểm tốt hoặc xấu. Theo kinh nghiệm chúng tôi, giới trẻ sẽ có nhiều niềm tin hơn vào tương lai nếu họ có tiếng nói trong việc định hướng tương lai, trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo chính phủ của họ và có một chính phủ có trách nhiệm đối với những người dân mà chính phủ phục vụ.
Bây giờ, tôi xin nhấn mạnh rằng, chúng tôi không tìm cách và cũng không thể áp đặt những ý tưởng này. Việt Nam là một đất nước lâu đời và bền vững. Các bạn đã chứng tỏ với thế giới rằng các bạn sẽ tự quyết định cho chính mình. Chỉ các bạn mới có thể quyết định với những việc chẳng hạn như có nên chăng tiếp tục chia xẻ những tài năng và ý tưởng của Việt Nam với thế giới; có nên chăng tiếp tục mở cửa Việt Nam để làm giầu đất nước mình với những kinh nghiệm của các nước khác. Chỉ có các bạn mới quyết định xem có nên chăng tiếp tục mở cửa thị trường, mở cửa xã hội của mình và củng cố nền pháp trị. Chỉ có các bạn mới quyết định liên kết như thế nào giữa tự do cá nhân và nhân quyền trên nền tảng giầu mạnh của bản sắc quốc gia Việt Nam .
Tương lai của các bạn đang nằm trong đôi bàn tay của mình, đôi bàn tay của nhân dân Việt Nam . Nhưng tương lai của các bạn cũng quan trọng đối với chúng tôi. Vì khi Việt Nam thành công, việc ấy sẽ mang lại lợi ích cho khu vực này cùng các đối tác kinh doanh và những người bạn của các bạn trên toàn thế giới.
Chúng tôi mong muốn được tăng cường sự hợp tác với các bạn trên mọi phương diện. Chúng tôi muốn tiếp tục việc rà soát mìn và những vũ khí chưa nổ. Chúng tôi muốn tăng cường những nỗ lực chung của chúng ta để bảo vệ môi trường bằng cách huỷ bỏ xăng pha chì tại Việt Nam , duy trì nguồn cung cấp nước sạch, cứu nguy những dải san hô và rừng nhiệt đới. Chúng tôi muốn tăng cường nỗ lực trong việc ngăn ngừa và cứu trợ thiên tai, gồm cả những nỗ lực trợ giúp những người bị nguy khốn vì lũ lụt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hôm qua, chúng tôi đã trao cho chính phủ các bạn những bức ảnh vệ tinh từ Hệ thống Thông tin Thiên tai Toàn cầu của chúng tôi - những bức ảnh này cho thấy những chi tiết mới nhất về mức độ lũ lụt tại vùng đồng bằng để trợ giúp Việt Nam trong việc tái thiết.
Chúng tôi muốn tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học, sự hợp tác được chú trọng trong cuộc họp của chúng ta tại Singapore vào tháng này để cùng nhau nghiên cứu những tác động về sức khoẻ và môi sinh của chất đi-ô-xin đối với người Việt Nam và người Mỹ đã có mặt tại Việt Nam; và sự hợp tác mà chúng ta đang mở rộng hơn trên cơ sở Hiệp định Khoa học và Công nghệ mà hai quốc gia chúng ta vừa ký hôm nay.
Chúng tôi muốn là đồng minh của các bạn trong việc phòng chống những căn bệnh gây tử vong chẳng hạn như AIDS, lao và sốt rét. Tôi vui mừng tuyên bố rằng chúng tôi sẽ tăng gấp đôi sự hỗ trợ của chúng tôi cho những nỗ lực của Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ của nạn dịch AIDS bằng công tác giáo dục, phòng ngừa, săn sóc và chữa trị. Chúng tôi muốn làm việc với các bạn để đưa Việt Nam thành nơi an toàn hơn bằng cách hỗ trợ các bạn để giảm thiểu những thương tích trên đường phố, ở nhà và tại nơi làm việc. Chúng tôi muốn làm việc với các bạn để tận dụng bản Hiệp định Thương mại này, bằng cách cung cấp sự trợ giúp kỹ thuật để đảm bảo sự thực thi bản Hiệp định thật trôi chảy và đầy đủ, tìm kiếm những phương thức khuyến khích hơn nữa sự đầu tư của Hoa Kỳ nhiều hơn vào quốc gia các bạn.
Tóm lại, chúng tôi mong muốn xây dựng quan hệ đối tác với Việt Nam . Chúng tôi tin rằng việc này sẽ tốt cho cả hai quốc gia. Chúng tôi tin tưởng rằng nhân dân Việt Nam có tài năng để thành công trong thời đại toàn cầu mới này cũng như họ đã thành công trong quá khứ.
Chúng tôi biết vậy, vì chúng tôi đã thấy những tiến bộ các bạn đã đạt được trong thập niên vừa qua. Chúng tôi đã thấy tài năng và sự tháo vát của những người Việt Nam đến cư ngụ tại Hoa Kỳ. Những người Mỹ gốc Việt đã trở thành những quan chức dân cử, chánh án, những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực khoa học và trong ngành công nghệ cao. Năm ngoái, một người Mỹ gốc Việt đã có một phát minh toán học làm cho việc điều khiển hội họp từ xa bằng truyền hình với chất lượng cao trở thành dễ dàng hơn. Mọi người ở Hoa Kỳ đều biết đến trường hợp Trần Như Hoàng tốt nghiệp thủ khoa trong khoá học của anh ta tại Trường Võ bị Không quân Hoa Kỳ.
Những người Hoa Kỳ gốc Việt thành đạt không chỉ vì những khả năng độc đáo và tư chất tốt của họ, mà còn vì họ đã có cơ hội để tận dụng khả năng và giá trị của họ. Khi những cơ hội của các bạn tăng lên trong cuộc sống, trong học hỏi, trong việc thể hiện óc sáng tạo, thì không có gì có thể ngăn cản được sự tiến bộ của người Việt Nam . Tôi tin chắc rằng các bạn sẽ thấy nhân dân Hoa Kỳ luôn sát cánh với các bạn. Bởi vì trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau này, thành công của các bạn cũng thật sự là thành công của chúng tôi.
Cách đây gần 200 năm, vào khởi điểm của mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam , hai quốc gia chúng ta đã cố gắng nhiều để đàm phán một Hiệp định Thương mại, tương tự như Hiệp định Thương mại mà chúng ta đã ký hôm nay. Nhưng cách đây 200 năm, những cuộc đàm phán này đều thất bại, và không một hiệp định nào được ký. Hãy nghe lời phát biểu của một sử gia nói về chuyện gì đã xảy ra cách đây 200 năm, và thử nghĩ xem trong hai thế kỷ nay, câu nói này đáng ra phải được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần rồi. Ông ta nói rằng: "Những nỗ lực này đã thất bại vì hai nền văn hoá xa lạ đã cùng lên tiếng mà không chịu lắng nghe nhau, và tầm quan trọng của bên này đối với bên kia không đủ sức thuyết phục để vượt qua những trở ngại này."
Vì thiện chí, hãy chấm dứt những ngày tháng khi chúng ta nói át lẫn nhau. Hãy công nhận vai trò quan trọng của mỗi bên. Chúng ta hãy tiếp tục giúp nhau hàn gắn những vết thương chiến tranh, không phải bằng cách quên đi sự dũng cảm cũng như những thảm kịch của các bên, mà bằng tinh thần hoà giải và sự can đảm để xây dựng một tương lai xán lạn hơn cho con em chúng ta.
Mong rằng con em chúng ta sẽ học được ở chúng ta bài học cho thấy rằng: là những con người thiện chí và thông qua những cuộc đối thoại tôn trọng lẫn nhau, người ta có thể phát hiện và tái phát hiện tính nhân văn chung cho cả hai phía và một quá khứ thật đau thương có thể được bù đắp trong một tương lai hoà bình và thịnh vượng.
Cám ơn các bạn đã chào đón tôi, gia đình tôi và những thành viên trong đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam.
Cám ơn lòng tin vào tương lai của các bạn.
Chúc các bạn sức khoẻ và thành công.
-----
-----
Tuyệt vời. Nhớ lại cách đây hơn chục năm khi mà cuộc chiến ở Nam Tư đang căng thẳng, có một người phụ nữ đã luống tuổi ở VN khi nhìn ông Clinton trên tivi đã thốt lên: Mới ngày nào ông nhậm chức Tổng thống tóc ông đã bạc đâu mà sao bây giờ đã bạc nhiều chỗ quá ? Hẳn là do ông suy nghĩ căng thẳng quá thôi.
Trả lờiXóaMay là Kichbu còn lưu bản in của TTXVN bài này..:)
Trả lờiXóaTheo mình đây là bài nói chuyện hay nhất của các nguyên thủ quốc gia tới thăm Việt Nam trong lịch sử đương đại đã qua. Có điều này : Thời kỳ đó báo trong nước có đăng nhưng không toàn văn như thế này. Truyền hình trực tiếp nhưng người thông ngôn dịch lúc đó rất kém hoặc đã bị bị đài cắt xén từng đoạn.
Trả lờiXóaBài hay quá kichbu ơi! Cám ơn nhé, Chủ Nhật vui vẻ :D
Trả lờiXóanhững người ngồi dưới lắng nghe có hiểu được cái thông điệp mà ông Bill Clinton muốn nhắn nhũ đến họ không ha? cám ơn bạn Kibu đã chia sẻ baì diễn văn này...rất tuyệt!
Trả lờiXóaCùng với thời gian họ sẽ hiểu..:)
Trả lờiXóaMột bài phát biểu quá hay đối với cá nhân tôi
Trả lờiXóaĐọc mà thấy ngưỡng mô, như bài phát biểu tại lễ nhậm chức của TT Mỹ Obama
tks kichbu
@thangnongdan: Các bạn ngồi đó nếu là sinh viên bây giờ chắc khoảng ngoài 30 tuổi rồi...
Trả lờiXóaNếu làm một cuộc thăm dò dư luận tuổi từ 25-30 về vân vân và vân vân thì biết được khối việc cần phải giải quyết ấy nhỉ..:)
Thật tuyệt vời, bao giờ xứ ta có được một vị tổng thống siêu việt như thế, mong thay.
Trả lờiXóa