|
Tranh biện về Biển Đông với học giả Trung Quốc Huỳnh Phan
Phóng viên Tuần Việt Nam trò chuyện với Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh, từ Viện Luật pháp Quốc tế, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (Bắc Kinh) để thấy góc nhìn của một số nhà nghiên cứu Trung Quốc xung quanh câu chuyện Biển Đông. Các đồng nghiệp, cả trong lẫn ngoài nước, nói rằng, tại cuộc Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ nhất, họ rất khó tiếp cận với các học giả đến từ Trung Quốc, hoặc, nếu có, thì các vị này chỉ nói rất qua loa về quan điểm phía Trung Quốc. Phóng viên Tuần Việt Nam đã may mắn có cơ hội tiếp xúc với một học giả từ nước này, Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh từ Viện Luật pháp Quốc tế, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (Bắc Kinh), người đã trải qua thời thơ ấu ở một địa phương sát với biên giới Việt Nam, nơi xảy ra sự kiện Tháng Hai năm 1979, bên lề một cuộc hội thảo quốc tế về khai thác chung nguồn năng lượng biển ở châu Á, diễn ra vào thượng tuần tháng 8 năm nay tại thành phố Hồ Chí Minh. (Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh cũng là một diễn giả tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ hai này, với tham luận nhan đề "Hợp tác quốc tế cùng phát triển nguồn lợi thủy sản".) Thông qua những trao đổi với Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh, Tuần Việt Nam hy vọng cung cấp thêm cho độc giả một góc nhìn của giới nghiên cứu Trung Quốc về những vấn đề gây tranh cãi như đường lưỡi bò, lập trường giải quyết tranh chấp ở Biển Đông…, hay thậm chí cả cách tiếp cận đối với ASEAN của cường quốc phía Bắc này.
Không tự lựa chọn hàng xóm được Xin ông cho biết, vì sao phía Trung Quốc vẫn kiên trì với cách tiếp cận song phương đối với các tranh chấp trên Biển Đông? TS Vương Hàn Lĩnh: Bởi vì cách giải quyết giữa hai bên liên quan, theo cái cách mà hai bên cho rằng công bằng nhất, là giải pháp tốt nhất. Còn sự tham gia của bên thứ ba chỉ làm phức tạp thêm tình hình. Hơn nữa, nếu bên thứ ba lại tham gia bằng cách dùng vũ lực, hay các biện pháp phi hoà bình, thì ngay cả nếu tranh chấp được giải quyết, anh sẽ gặp rắc rối trong tương lai. Tôi muốn nhấn mạnh rằng anh có thể tự lựa chọn cách giải quyết tranh chấp mà anh cho là tốt nhất, có thể phân định được lãnh hải bằng cách này hay cách khác, nhưng chắc chắn là anh không thể tự lựa chọn được hàng xóm. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam mãi mãi là hàng xóm, qua biết bao thế hệ và còn tiếp tục với rất nhiều thế hệ nữa. Tôi muốn nhắc lại nếu không chọn cách giải quyết như tôi vừa nêu, các anh sẽ phải hứng chịu các xung đột bằng vũ lực, hoặc thậm chí chiến tranh. Điều này không hề tốt cho tương lai. Rõ ràng lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến nhiều cuộc can qua, tuy rằng cũng có nhiều lúc quan hệ hai nước tốt đẹp… (Cắt ngang) Đúng vậy. Nhưng những lúc quan hệ xấu không đáng là bao so với những lúc hữu hảo. Hữu hảo vẫn là hướng chủ đạo trong quan hệ. Và chính vì vậy hai nước nên chọn cách đàm phán song phương để vừa giải quyết được tranh chấp, và vừa duy trì được quan hệ hữu hảo. Đàm phán song phương là tốt nhất, khó quá thì khai thác chung
Có một thực tế là tranh chấp trên Biển Đông không chỉ có song phương mà cả đa phương nữa, chẳng hạn như tại khu vực quần đảo Trường Sa. Vậy làm sao có thể chỉ chọn cách đàm phán song phương được? Thứ nhất, dù thế nào đi nữa, câu chuyện tranh chấp trên Biển Đông vẫn chủ yếu là giữa Trung Quốc và Việt Nam, chứ ít liên quan tới các nước khác. Thứ hai, giữa các nước ASEAN cũng có những tranh chấp song phương với nhau mà tự họ không giải quyết được. Chẳng hạn, mới năm ngoái thôi, Philippines đã phản đối mạnh mẽ đối với bản đăng ký chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia. Đã không tự giải quyết với nhau được, làm sao các nước ASEAN có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông lại có thể cùng nhau đàm phán với Trung Quốc được? Thế nhưng, ngay cả với giả định các nước ASEAN chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc, mặc dù tôi không mấy tin vào điều này, người ta vẫn nói rằng, trên thực tế, trong sự chênh lệch về tương quan lực lượng, nước nhỏ thường bị lép về hơn trong đàm phán song phương với nước lớn, thưa ông? Nhưng chúng ta có việc phân định Vịnh Bắc Bộ là hình mẫu cho một kết quả công bằng cho cuộc đàm phán giữa một nước nhỏ và một nước lớn. Và cùng với nó là một thoả thuận đánh cá chung. Thế nhưng, những ngư dân Việt Nam phàn nàn rằng tàu nhỏ của họ thường bị tàu lớn của Trung Quốc chèn ép. Đã đành phía Việt Nam cũng thừa nhận rằng thiếu sự chuẩn bị về phương tiện đánh bắt khi chỉ đăng ký những tàu nhỏ, trong khi Trung Quốc đã chủ động đổi thành tàu lớn, ngay trong quá trình đàm phán. Như vậy, thoả thuận thì công bằng, nhưng trên thực tế, tàu nhỏ của nước nhỏ vẫn bị lép vế so với tàu lớn của nước lớn. Ông nghĩ sao? Tôi chỉ biết rằng số lượng tàu cá của Việt Nam nhiều gấp bội so với số tàu cá của Trung Quốc.
Anh nói ngư dân Việt Nam phàn nàn, tôi cũng nói cho anh rằng ngư dân Trung Quốc cũng phàn nàn rằng họ thiệt thòi. Bởi theo thỏa thuận, phía Trung Quốc phải giảm bớt số tàu đánh cá, và nhiều ngư dân Trung Quốc bị mất việc, phải trông chờ vào trợ cấp của chính phủ. Nói chung, chuyện tàu nhỏ, tàu lớn, chúng ta không có số liệu bằng chứng nên mọi chuyện chưa rõ ràng. Nhân nói chuyện ngư dân, xin được hỏi ông về lệnh cấm biển của Trung Quốc. Mặc dù, để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, cần phải cấm đánh cá một khoảng thời gian nào đó để tái tạo nguồn lợi hải sản. Thế nhưng, đối với vùng chồng lấn về yêu sách chủ quyền, nên chăng Trung Quốc nên ngồi đàm phán với các nước ASEAN liên quan, rồi ra một lệnh cấm chung, như gợi ý của nhiều chuyên gia về biển, thay vì hành động đơn phương như Trung Quốc? Bởi vì chính phủ Trung Quốc cho rằng tất cả những quần đảo nằm trong đường chữ U chín đoạn (Đường Lưỡi Bò) là thuộc về Trung Quốc và Trung Quốc đã thực thi chủ quyền và quyền tài phán từ cách đây hơn hai ngàn năm. Chỉ có những chỗ liên quan đến thềm lục địa của các nước có liên quan, cũng như ngoài biển khơi, là chưa xác định rõ ràng và được coi là vùng chồng lấn. Cách tốt nhất là đàm phán song phương, còn chỗ nào khó quá thì khai thác chung. Nhưng nhiều học giả trong và ngoài khu vực cũng cho rằng, bên cạnh thành công của thoả thuận khai thác chung về thuỷ sản ở vùng phân định ranh giới tại Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, hay khai thác chung dầu khí ở Vịnh Thái Lan giữa Thái Lan và Malaysia, cũng có sự thất bại liên quan đến thoả thuận thăm dò địa chấn biển chung (JMSU) giữa ba bên là các công ty dầu khí của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Ông giải thích thế nào về chuyện này? Còn anh nghĩ thế nào? Theo thông tin báo chí mà tôi được biết, Quốc hội Philippines đã không phê chuẩn việc tiếp tục thoả thuận này sau ba năm, và nó tự nhiên hết hiệu lực. Quốc Hội Philippines dựa vào luận điểm rằng có sự mờ ám giữa thoả thuận này, khoản ODA khổng lồ mà Trung Quốc cam kết với chính phủ của Tổng thống Arroyo, và những ưu đãi thuế quan liên quan đến hãng truyền thông ZTE của Trung Quốc. Báo chí nói sai rồi. JMSU thất bại do sự can thiệp của Mỹ, khi họ gây sức ép lên chính phủ của bà Arroyo thông qua phe đối lập. Thoả thuận nào trong khu vực này mà Mỹ chẳng can thiệp. Không thể thay đổi lịch sử Quay lại chuyện chủ quyền, Trung Quốc nói có chủ quyền và quyền tài phán cả nghìn năm nay nhưng lại không đưa ra được những bằng chứng về việc thực hiện chủ quyền của chính phủ trung ương với các quần đảo này. Trong khi đó, phía Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và chứng cớ pháp lý, chẳng hạn với quần đảo Hoàng Sa, từ hàng trăm năm nay. Ông nói sao? Nên nhớ rằng cho đến năm 1885, Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc. Việt Nam đang chuẩn bị Lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (thời điểm diễn ra buổi trò chuyện là vào tháng 8/2010 – PV), với biểu tượng lớn nhất là giữ vững nền độc lập, cũng như đấu tranh giành lại nó trong những khoảng thời gian nhất định trong lịch sử. Tại sao chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên có luật pháp, công ước quốc tế đàng hoàng, mà ông lại sử dụng cách suy luận mang nặng tính hình thức trong quan hệ nước nhỏ với nước lớn ngày xưa như vậy? Nhưng chúng ta cũng không thể thay đổi lịch sử. Vẫn theo cách lập luận về tính lịch sử của mình, tại sao ông không nhắc tới Hoà ước Pháp – Thanh năm 1887, khi nhà Thanh chấp nhận để người Pháp, nhân danh chính phủ An Nam, thực thi chủ quyền ở những quần đảo này? (Im lặng). Vậy để lần sau có dịp, tôi sẽ giới thiệu với ông một số nhà nghiên cứu Việt Nam nắm vững vấn đề này cung cấp thêm tư liệu cho ông, với tư cách một học giả, để có thêm thông tin phục vụ nghiên cứu. Được không ạ? Rất cám ơn anh. H. P. Nguồn: Tuanvietnam
Tranh biện về Biển Đông với “học giả” Vương Hàn Lĩnh Đinh Kim Phúc Ngày 11/11/2010, trên trang mạng VietNamNet (mục Tuần Việt Nam) cho đăng bài “Tranh biện về Biển Đông với học giả Trung Quốc” của phóng viên Huỳnh Phan phỏng vấn một học giả Trung Quốc: Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh từ Viện Luật pháp Quốc tế, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (Bắc Kinh), mà theo phóng viên Huỳnh Phan “người đã trải qua thời thơ ấu ở một địa phương sát với biên giới Việt Nam, nơi xảy ra sự kiện Tháng Hai năm 1979”. Khi phóng viên Huỳnh Phan hỏi: “Quay lại chuyện chủ quyền, Trung Quốc nói có chủ quyền và quyền tài phán từ hơn 2000 năm nay. Phía Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và chứng cớ pháp lý, chẳng hạn với quần đảo Hoàng Sa, từ hàng trăm năm nay. Ông nói sao?”, Vương Hàn Lĩnh đã mạnh miệng trả lời: “Nên nhớ rằng cho đến năm 1885, Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc”.
Nhưng Vương Hàn Lĩnh đã im lặng trước câu hỏi “Vẫn theo cách lập luận về tính lịch sử của mình, tại sao ông không nhắc tới Hoà ước Pháp – Thanh năm 1887, khi nhà Thanh chấp nhận để người Pháp, nhân danh chính phủ An Nam, thực thi chủ quyền ở những quần đảo này?”. Và Vương sẵn sàng tranh luận với các nhà nghiên cứu Việt Nam.
Thưa tiến sĩ họ Vương,
Cần nhắc lại cho ông nhớ rằng Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và thương mại (Hiệp ước Thiên Tân) được ký kết ngày 9/6/1885 giữa Lý Hồng Chương và Patenôtre, được quốc hội Pháp thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1885 nhấn mạnh những gì đã ký ngày ngày 11 tháng 3 năm 1884 là đảm bảo Pháp sẽ rút khỏi Đài Loan để có thương quyền ưu đãi và nhà Thanh phải từ bỏ bá quyền lịch sử ở Việt Nam. Trung Quốc phải lập tức rút quân về biên giới Trung Quốc và phải tôn trọng hiện tại và tương lai các hiệp ước đã ký và sẽ ký giữa Pháp và triều đình Huế. Hay nói một cách khác, quan trọng hơn là kết quả Hiệp ước Thiên Tân 1885 và Hoà ước Pháp-Thanh năm 1887 đã xóa bỏ vĩnh viễn cái bánh vẽ “thượng quốc – thuộc quốc” giữa Việt Nam và Trung Hoa (1). Nhìn lại lịch sử Trung Hoa từ xa xưa, những bộ tộc người Hán đang chiếm cứ một vùng rộng lớn ở phía Tây Bắc Trung Quốc hiện nay đã tràn xuống lưu vực sông Hoàng Hà tiêu diệt những người thuộc bộ tộc Miêu sinh sống ở đây, sau đó các bộ tộc người Hán chia nhau chiếm giữ khu vực này. Bộ lạc nào cũng có tộc trưởng làm đầu, cai quản cả người trong họ của khu vực ấy, gọi là hậu 后 tức vua một xứ nhỏ. Những xứ nhỏ ấy đông đảo, có đến cả ngàn, cả vạn cho nên mới gọi là vạn bang 萬邦. Các ông hậu ấy lại chọn một ông hậu khác “có tài, có đức” tôn làm đế 帝. Các nước gọi là nguyên hậu 元后, về sau xưng là thiên-tử 天子. Các hậu gọi là chư hầu, ai ở nước nào trị nước nấy nhưng phải phục tòng mệnh lệnh nguyên hậu và hàng năm phải triều cống (2). Như vậy đã rõ, quan hệ “thượng quốc – thuộc quốc” theo quan niệm Trung Quốc xa xưa là nước nhỏ, muốn hòa bình để tồn tại phải có bổn phận cống nạp nước lớn. Điều này còn được thể hiện rất rõ qua tấm bản đồ đầu thế kỷ XVII được Matteo Ricci sáng tác và viên quan nhà Minh tên là Lý Chi Tảo(李之藻) đã dày công vẽ lại thành “phiên bản Lý Chi Tảo” với tên gọi là “Khôn Dư vạn Quốc toàn đồ”. (Nguồn: http://www2.library.tohoku.ac.jp/kano/ezu/kon/kon.html ) Dòng chữ Hán được ghi chú trên vùng biển Đông Nam Á ngày nay này có nghĩa là: Như chúng tôi đã lý giải trong bài viết “Những phát hiện mới chung quanh tấm bản đồ thế giới của Matteo Ricci”, dòng chữ Hán trên được ghi chú trên vùng biển Đông Nam Á ngày nay có một điểm tồn nghi cần được các nhà ngôn ngữ học phân tích. Bởi vì nếu ghi chú này do người Nhật chú thêm vào bản màu chép lại của Ricci thì có thể hiểu là: “Đại Minh nghe rằng các nước bốn bể chung quanh từ 15 độ đến 42 độ… đều giàu có và tất cả đều là nước triều cống. Bản đồ tổng quát nầy giản lược không ghi các tỉnh, đạo, núi, sông…. không thể chép hết chi tiết tỏ tường như Đại Minh Nhất thống Chí, Tỉnh chí” Nhưng dù là những dòng chữ kia do người Hán hay người Nhật viết trong tấm bản đồ như đã nói trên thì câu chữ “tất cả là nước triều cống” là một minh chứng những nơi ấy không phải là “thuộc quốc”, tiến sĩ họ Vương khó lòng mà chối cãi. Trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, trừ thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, nhưng kể từ năm 938 Trung Quốc chưa bao giờ có thể can thiệp trực tiếp hay ảnh hưởng vào nội bộ Việt Nam trong tất cả các lãnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… và kể cả mặt ngoại giao. Quan hệ “thượng quốc – thuộc quốc” giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc như phát biểu của Vương Hàn Lĩnh đã cho thấy trình độ nghiên cứu của một học giả Trung Quốc hiện đại. Vương Hàn Lĩnh đã hoàn toàn sai. Nhưng giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam sẽ không phản đối nếu Vương Hàn Lĩnh nói rằng: quan hệ Trung Quốc-Việt Nam từ xa xưa cho đến thời điểm hôm nay khi mà ông sang dự hội thảo về Biển Đông tại Thành phố Hồ Chí Minh (11/2010) là “quan hệ giữa một nhà nước với tư tưởng Đại Hán, bá quyền nước lớn và một nước nhỏ luôn hiếu hòa và nhẫn nhục”. Lịch sử Trung Quốc và lịch sử Việt đã thể hiện rõ luận điểm trên. Đ. K. P. Tác giả gửi trực tiếp cho BVN Ghi chú: (1) Xem L. Eastman, Throne and Mandarins: China’s Search for a Policy during the Sino-French Controversy. Stanford, 1984. (2) Trần Trọng Kim, Nho giáo tập 1, NXB Tân Việt in lần thứ 4, Bộ Thông tin NV, tr. 37. |
TÔI ĐỀ NGHI BỘ NGOẠI GIAO TRỤC XUẤT
Trả lờiXóahttp://phamvietdaonv.blogspot.com/2010/11/toi-e-nghi-bo-ngoai-giao-truc-xuat.html
Cái thằng học giả (giả học) người Trung Quốc nói năng cứ như đặc phái viên của Hồ Cẩm Đào ý
Trả lờiXóa