Kichbu theo FB Dung Dung
Ngày 05/09/2014 Tổng thống Ukraine
Petro Poroshenko buộc phải ký với lãnh tụ phe ly khai Donetsk một thỏa thuận ngừng bắn 12 điểm. Thoả thuận này, được thành hình
sau cuộc điện đàm giữa Putin và ông Poroshenko trước đó một ngày. Tình thế đến
giờ đã quá rõ, người nắm thế cờ thực sự ở Ukraine không phải Obama, không phải NATO,
càng không phải vị chính trị gia lên nắm quyền sau cuộc bạo động ở Maidan, mà
chỉ có duy nhất một, chính là Putin.
Tình thế ở Ukraine
thay đổi chóng mặt chỉ trong một năm. Nếu mục tiêu của ông Putin trước đây, chỉ
thuần tuý là muốn duy trì một chính phủ không quá ngả về phương tây ở Ukraine,
và duy trì được hạm đội biển đen ở Crimea càng lâu càng tốt, ngày nay, tham
vọng của Putin lớn hơn thế rất nhiều. Không những đã sát nhập Crimea vào Nga,
Putin đang nhắm tới việc chia cắt lãnh thổ Ukraine bằng việc ủng hộ và duy trì
lãnh thổ li khai ở phía đông đất nước này. Với việc quân li khai hiện đã đứng
vững chân tại Donetsk,
Luhank và một loạt lãnh thổ nằm sát biên giới Nga, có thể nói câu chuyện đã
được an bài.
Có thể nói, giới
hoạch định chiến lược tại NATO và Mỹ là thủ phạm trực tiếp gây nên hậu quả hôm
nay tại Ukraine.
Cố nhiên, bức tranh bi đát về nền độc lập bị xâu xé lần này còn nằm ở chính sai
lầm tích tụ trong nhiều năm của chính giới Ukraine. Kể từ khi giành được độc
lập năm 1991, Ukraine
không làm được gì nhiều để giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế vào liên bang Nga.
Không những không thể sống thiếu dòng khí đốt được cung cấp từ Nga, mà nếu
thiếu nó, quá nửa dân số Ukraine chết rét trong mùa đông, một loạt lĩnh vực
kinh tế chủ chốt của Ukraine cũng phụ thuộc chặt chẽ vào Nga. Tình trạng tham
nhũng nặng nề trong nhiều thập niên càng khiến bức tranh của đất nước này thêm phần
bi đát. Có thể nói, Ukraine
chưa sẵn sàng về mọi phương diện để thoát được khỏi liên bang Nga. Giữa lúc đó,
guồng máy của các chiến lược gia NATO và Mỹ khởi động với tham vọng sâu xa, đẩy
biên giới Nato tiến sát lãnh thổ Nga, nhằm vô hiệu hoá và xoá xổ Nga với tư
cách một siêu cường có khả năng đe dọa an ninh toàn khối. Đây là một mục tiêu
tham lam, ảo tưởng, tiếp nối chuỗi sai lầm về mặt chiến lược kéo dài hai thập niên
của giới tinh hoa kỹ trị phương tây.
Có thể nói, Mỹ và phương Tây đã hoàn toàn sai lầm trong phương cách ứng xử với nước Nga. Trên thực tế,
Putin là một nhà lãnh đạo thông minh và không phải không biết điều. Trong suốt những năm
tháng cầm quyền của mình, Putin nhiều lần nhân nhượng, tìm cách gắn kết chặt
chẽ hơn đất nước mình với phần văn minh của phương Tây. Dù muốn dù không, Nga
là một đất nước thuộc châu Âu, có dân số ngày một chết dần do suất sinh thấp,
và lãnh thổ với diện tích đứng đầu thế giới. Putin và nước Nga không có động cơ
cũng như tham vọng đe dọa các nước khác về lãnh thổ. Tuy nhiên, chính NATO và
Mỹ, bằng việc liên tục vi phạm thỏa nước năm 1997, theo đó NATO cam kết không
mở rộng biên giới về các nước đông Âu, khiến Nga cảm thấy bị chơi xỏ và ngày
một bị đe dọa. Châu Âu đáng ra có Nga là một thành viên, gắn kết và hoà bình,
thì chính bởi những tính toán sai lầm của các nhà hoạch định chiến lược, từng
bước dồn Putin đến con đường hiếu chiến và cực đoan.
Cách đây 20 năm,
giới kỹ trị phương Tây sai lầm trong đánh giá thế cuộc toàn cầu, dẫn tới việc
Mỹ dồn nỗ lực trong nhiều năm chèn ép thế giới hồi giáo, tiến hành ba cuộc
chiến tranh lớn tiêu tốn vài nghìn tỷ đô la,đẩy nước Mỹ lún sâu vào vòng xoáy
nợ lần. Trong lúc đó, mối đe dọa lớn nhất của trật tự thế giới cũ là Trung Quốc
tận dụng đủ mọi thời cơ và ung dung vươn lên thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ và
châu Âu. Nước Mỹ suy yếu và bừng tỉnh, tìm cách xoay trục sang á châu. Nhưng
một lần nữa, giới tinh hoa kỹ trị của họ phạm sai lầm, khi thổi phồng hứa hẹn
quá nhiều cho đám chính trị gia tham nhũng Ukraine, khiến đất nước này có nguy
cơ biến thành một chiến trường mới và tột độ nguy hiểm với NATO. Chiến tranh sẽ
không xảy ra, nước Nga quá mạnh về quân sự để tự vệ ở thời điểm này. Nhưng quan
hệ Nga, Mỹ, NATO và châu âu bị sứt mẻ hơn bao giờ hết. Nỗ lực hơn hai thập niên
để xây dựng quan hệ hoà nhập giữa Nga và châu Âu giờ đây đứng trước nguy cơ đổ
vỡ hoàn toàn. Nước Nga bị cô lập buộc phải tiến xa hơn về phía đông, nhượng bộ
nhiều đòi hỏi của đối thủ nguy hiểm nhất cho trật tựu thế giới cũ, chính là
Trung Quốc. Có thể nói, căng thẳng ngày hôm nay ở Ukraine không những làm ảnh hưởng
trực tiếp đến độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước này, làm tổn hại nước Nga
và hầu hết thế giới phương Tây. Putin có thể đạt một số thắng lợi về chiến
thuật trước phương tây, bao gồm sát nhập được Crimea, duy trì ảnh hưởng tại
Ukrane, nhưng thất bại về chiến lược khi làm đổ vỡ mối quan hệ với phần văn
minh của thế giới. Và cả Nga, Mỹ cũng như châu Âu đều thất bại về chiến lược
trước Trung Quốc.
Đến giờ cần nhìn
nhận lại để trả lời câu hỏi, tại sao Ukraine thất bại trong nỗ lực thoát
Nga?
Có ba lý do trực
tiếp dẫn đến bi kịch hôm nay của Ukraine.
Ngay ở thời điểm
Liên Xô tan rã năm 1991, một chiến lược gia có tầm nhìn vượt thời đại của Nga
đã phát biểu: lượng dân Nga sống rải rác ở các quốc gia thuộc liên xô cũ, sẽ là
một phần tài sản quí báu của sức mạnh Nga. Sức mạnh này sẽ được tính toán đến
trong sự trỗi dậy của nước Nga, hoặc khi mọi đối thủ đe dọa đến quyền lợi sinh
tồn của nó. Tầm nhìn này đã được thực tế chứng minh sau 20 năm. Những gì diễn
ra ở Gruzia, Apkhazia, Moldova
và giờ đây là Ukraine
đã chứng tỏ điều này. Nga dễ dàng sát nhập Crimea, dựng ra lãnh thổ li khai ở
Đông Ukraine
vì đơn giản có quá nhiều người Nga ở những lãnh thổ này. Putin dễ dàng dựng ra lực
lượng li khai với đa số người Nga. Và với biên giới nằm sát ngay các lãnh thổ
này, Putin hà hơi cho các lực lượng này với tham vọng ngày một gia tăng theo
lợi thế chiến trường, và khi cần, dễ dàng cử quân đội tham chiến âm thầm để
xoay chuyển tuyệt đối chiến cuộc.
Lý do thứ hai cho
bi kịch hôm nay của Ukraine,
chính là tinh trạng phụ thuộc quá nặng nề của nền kinh tế Ukraine vào
liên bang Nga. Trong nhiều năm, do lệ thuộc căn cứ ở Crimea, nước Nga bán khí
đốt cho Ukraine với mức giá như thời Liên Xô cũ. Chính giới Ukraine luôn
tìm cách thoát khỏi Nga, nhưng lại không làm được gì nhiều để chấm dứt sự lệ
thuộc này. Thiếu khí đốt Nga, một nửa Ukraine chết rét trong mùa đông.
Nhiều ngành kinh tế chủ chốt của Ukraine lệ thuộc chặt chẽ vào Nga.
Với tình hình đó, đám chính giới Ukraine hô hào gia nhập NATO, có
thể nói là một điều cực kỳ ngu xuẩn. Ukraine xây dựng tham vọng thoát
Nga từ trên nóc, chứ không giống Ba Lan, xây dựng được một nền kinh tế tự chủ
trước khi tái hoà nhập châu Âu. Đáng ra Ukraine cần tìm kiếm nguồn cung khí
đốt từ Na Uy hay các phần còn lại của thế giới trong một kế hoạch năm năm trước
khi hô hào ngu xuẩn về giấc mộng gia nhập NATO.
Lý do thứ ba dẫn
tới tình trạng hôm nay ở Ukraine,
nằm chính ở tình trạng tham nhũng nặng nề trong suốt hai thập niên của bộ máy
chính quyền. Giới chức Ukraine
tham nhũng không chừa bất cứ thứ gì, điều hoàn toàn giống như ở Việt Nam hiện nay.
Điều đó dẫn tới việc người dân Ukraine
khao khát sự thay đổi. Sống trong lòng châu Âu, họ khao khát các giá trị mà
người dân phương tây đang được hưởng. Do thiếu sự định hướng của những nhà tư
tưởng có tầm nhìn xa, khao khát của người dân Ukraine rơi vào vòng xoáy của những
giấc mơ thiếu thực tiễn. Cuộc cách mạng tại Maidan thể hiện niềm khao khát với
các giá trị văn minh, nhưng đám đông thiếu định hướng không chọn cho họ được
những đại diện có phẩm chất xứng đáng trong một tình huống ngặt nghèo. Với đám
chính khách nghiệp dư lên nắm quyền sau bạo động, Ukraine lien tiếp gặp sai lầm và
thúc đẩy cho tham vọng của Putin. Người Ukraine đã mất Crimea và đang đứng
trước nguy cơ của sự chia cắt kéo dài.
Nếu có điều gì
khiến tình trạng Ukraine
thêm bi đát, thì chính là năng lực quá kém cỏi của lực lượng quân đội nước này.
Bạc nhược, kém kỷ luật và tinh thần rệu rã, quân đội Ukraine hầu như không có khả năng
tham chiến về mặt quy ước. Ở Crimea, quân đội Ukraine từ chối chiến đấu, ở
Donetsk và Luhan, Chiến cục Ukraine nhanh chóng đảo chiều khi Putin cử vài
nghìn lính ngụy trang tình nguyện giao tranh trực tiếp với Ukraine. Chính sự
bạc nhược của quân đội Ukraine
khiến Putin quyết đoán hơn với các đòi hỏi ngày một tham vọng hơn về chính trị
và lãnh thổ.
Thế giới ngày nay
đang ngày một bất ổn. Đại chiến thế giới lần thứ ba không còn là một nguy cơ mà
đang là một bóng ma lẩn khuất trước mắt nhân loại. Nước Mỹ và phương tây vẫn
trên đà trượt dài về quyền lực. Hơn thế, đang phạm sai lầm về mặt chiến lược
trong việc lựa chọn đối thủ. Điều đó khiến châu Âu đang sai lầm trong cách cư
xử ở Đông Âu và với nước Nga, khiến họ tạo một kẻ thù nguy hiểm thay vì có Nga
như một phần của châu Âu. Và điều quan trọng hơn, tình trạng ấy đẩy cả Mỹ, Nga
và Tây Âu vào một sai lầm chiến lược: Nga buộc phải bắt tay và lệ thuộc sâu hơn
vào Trung Quốc, các nguồn lực của Mỹ và phương Tây bị phân tán, trong khi Trung
Quốc ngày càng có nhiều lợi thế và chộp được những cơ hội béo bở hơn cho tham
vọng xâm lược và thôn tính lãnh thổ của nó. Chính Trung Quốc, chứ không phải
Nga hay thế giới hồi giáo cực đoan, là hiểm họa lớn nhất cho một cuộc thế chiến
có thể nhấn chìm nhân loại với tham vọng ngày một hung hăng với sức mạnh gia
tăng của nó.
------