Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Khi mạng xã hội trở thành "nguồn tin" của báo chí!




Kichbu theo nhandan.com.vn

Khai thác, nhặt nhạnh thông tin từ mạng xã hội rồi xào xáo, thậm chí sử dụng nguyên xi để biến thành tin tức, bài vở đưa lên trang báo đang trở thành một xu hướng "tác nghiệp" được một số người làm báo theo đuổi. Và từ sự tùy tiện này, họ không chỉ bỏ qua vai trò xã hội nghề nghiệp, mà còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trực tiếp làm suy giảm niềm tin trong người đọc...

Những ngày qua, sau khi bài Giáo sư Ngô Bảo Châu đi dép tổ ong lên "dạy học" ở bản Lũng Luông cùng các bức ảnh với chú thích đại loại như "Một câu hỏi của GS Châu đố học sinh vùng cao, mời các em lên bảng thực hiện" được báo điện tử nọ công bố, lập tức thông tin và các bức ảnh được khai thác, xào xáo đưa lại trên một số báo, trang tin điện tử để ra đời các bài, như: GS Ngô Bảo Châu đi dép tổ ong, dạy học trò nghèo, Hình ảnh GS Ngô Bảo Châu đi dép lê dạy trẻ em miền núi gây xúc động, GS Ngô Bảo Châu "đứng lớp" ở bản vùng cao,...

Rồi tất cả trở thành câu chuyện bi hài khi GS Ngô Bảo Châu đăng một status trên facebook của ông và cho biết đại ý: ông cùng đoàn thiện nguyện đến Trường tiểu học Lũng Luông (Võ Nhai, Thái Nguyên), vì đường lên bản phải vượt qua hai con suối, 7 km dốc đá hộc và bùn, giày bị ướt nên phải mượn dép, người ta đưa cho dép nào thì ông đi dép ấy. Và ông chỉ nhân thể nói chuyện với mấy học sinh còn lại trong lớp, kiểm tra xem các em có biết đánh vần, biết viết tên mình hay có biết làm tính cộng, chứ không dạy gì cả. Ðặc biệt, ông viết rất rõ: "Chuyến đi không hề có các nhà báo đi cùng nên nhóm từ thiện không chịu trách nhiệm về các bài viết dựa trên trí tưởng tượng của một số nhà báo"!

Hóa ra, bài và ảnh đó được một số phóng viên khai thác từ facebook của một người nổi tiếng đi cùng GS Ngô Bảo Châu đến Lũng Luông, sau đó họ chế tác thành... bài báo! Ðáng tiếc là đến nay, những bài báo viết từ "trí tưởng tượng" này vẫn tiếp tục tồn tại trên các báo, trang điện tử đã đăng tải, và vẫn chưa ai công khai đưa ra một lời xin lỗi với GS Ngô Bảo Châu!

Câu chuyện nhuốm màu hài hước trên khiến người làm báo nghiêm túc và bạn đọc không thể chia sẻ, bởi khi một số nhà báo bỏ qua việc tác nghiệp trực tiếp trong hiện thực đời sống mà chỉ ngồi một chỗ để lướt web, mò mẫm vào các blog, trang facebook cá nhân để nhặt nhạnh thông tin rồi tưởng tượng và "sáng tạo" tin, bài thì tính chân thực của báo chí đã bị vi phạm nghiêm trọng. Căn cứ vào tình trạng, có thể nói dường như số nhà báo tác nghiệp bằng cách "sống tầm gửi vào internet" đang có chiều hướng tăng lên; vì trên báo chí (đặc biệt báo, trang tin điện tử) ngày càng xuất hiện nhiều hơn số tin, bài chưa được kiểm chứng, hoặc được viết ra từ trí tưởng tượng của nhà báo. Tình trạng đã trở nên nghiêm trọng đến mức, vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông phải tiến hành xử phạt một số đơn vị báo chí vì đăng tin sai sự thật rất nghiêm trọng, không trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin chính thức.

Ngày nay, internet trở thành một không gian cực kỳ rộng lớn với người sử dụng. Tuy nhiên, việc sử dụng và tham gia các hoạt động trên internet như thế nào để mang lại hiệu quả lại là chuyện cần xem xét kỹ lưỡng. Nói cách khác là khi tham gia hoạt động trên internet, người sử dụng có khả năng kiểm soát, điều khiển bản thân hay không. Như trong một bài viết, tác giả Thúy Nguyệt nhận định khá chính xác rằng: "Khả năng kết nối các máy tính với nhau một cách dễ dàng thông qua các giao thức của internet khiến cho kích thước của internet đang "nở" ra rất nhanh. Và không chỉ thế, internet dường như đang trở thành một thực tế không dễ kiểm soát. Internet trở thành một thứ "xã hội" mà bất kỳ ai cũng có thể điều khiển và cũng có thể không điều khiển được". Như với các mạng xã hội (nổi bật là Facebook, Twitter, Youtube), sự ra đời và sức hấp dẫn của chúng đã thu hút hàng tỷ người sử dụng trên khắp toàn cầu, và dường như chúng đã ảnh hưởng nhất định trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả báo chí, truyền thông. Thậm chí, có người từng lo ngại, rồi đây báo chí sẽ bị lu mờ bởi mạng xã hội (?).

Như với tin tức cập nhật chẳng hạn. Dư luận thế giới hẳn chưa quên đoạn tin ngắn: "Có một chiếc máy bay rơi trên sông. Tôi đang trên phà đi cứu họ" được phát đi từ điện thoại của G.Krum lên Twitter ngày 16-1-2009 và đó chính là tin về chiếc Airbus 320 rơi xuống sông Hút-xơn ở Mỹ. Rồi hình ảnh về thảm họa động đất 7,1 độ rích-te vào ngày 12-1-2010 tại Ta-hi-ti tràn ngập trên Twitter và các mạng xã hội khác trước khi phóng viên biết để có thể đến tận nơi. Hay thông điệp trên Twitter của A.D.Na-vi: "Chúa ơi, dì của tôi làm việc cho U.Hiu-xtơn vừa biết tin cô ấy chết trong bồn tắm. Buồn quá" khiến cô trở thành người đầu tiên trên thế giới đưa tin về sự ra đi của U.Hiu-xtơn nổi tiếng, sớm hơn 30 phút so với giới báo chí... 

 

Thế nhưng, chính mạng xã hội cũng lại là nơi đưa ra loại thông tin buộc cơ quan hành pháp ở nhiều quốc gia phải xử lý. Năm 2010, tòa án Lorrach (CHLB Ðức) đã tuyên phạt án một bị cáo vì đã lên mạng xúc phạm người khác ba lần và kích động quần chúng 13 lần, tổng cộng hình phạt là 3.600 euro. Gần đây, nhân việc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội phạt hành chính hai người tung tin dịch E-bô-la xuất hiện tại Việt Nam, một tờ báo đã cho biết: Ở In-đô-nê-xi-a, nữ sinh viên P.Xi-hôm-binh 26 tuổi có thể đối mặt với án tù sáu năm vì đăng tải trên mạng xã hội Path lời phàn nàn về dịch vụ tại một trạm xăng ở Giô-gia-các-ta với nội dung: "Giô-gia thật nghèo nàn, ngu ngốc và vô văn hóa. Bạn bè ở Gia-các-ta và Ban-đung thì đừng đến Giô-gia nhé"; rồi nữa, R.Ê-li-ốt, một thanh niên người Anh 24 tuổi đã bị kết án hai năm bốn tháng tù giam vì tội buông lời đe dọa trên Facebook sẽ giết chết 200 người chỉ với mục đích đùa cợt; và sau khi không phải lĩnh bản án tám năm tù vì một bình luận đùa cợt trên Facebook, anh G.Các-tơ ở Tếch-xát (Mỹ) nói: "Ðáng lẽ tôi phải nghĩ nhiều hơn về những gì mình đã viết. Tôi chỉ muốn nói rằng mọi người cần phải thật cẩn thận với những gì mình phát ngôn vì nó có thể bị ghi lại ở bất cứ website nào, ở bất cứ đâu. Và chúng có thể khiến cho tất cả gặp rắc rối lớn dù rằng những gì họ nói không hề ác ý chút nào"...

Về vấn đề này, ông R.Xam-brúc - Giám đốc bộ phận tin tức toàn cầu của BBC, cho rằng: "Rõ ràng, không thể phủ nhận khả năng thông tin nhanh nhạy từ các mạng xã hội nhưng có lẽ chỉ có thông tin thì đó chưa phải là báo chí" vì theo ông, báo chí, ngoài tin tức, còn cần tính kỷ luật, phân tích, giải thích và quan trọng nhất là độ tin cậy; ông đưa ra thí dụ về sự khác biệt giữa báo chí với mạng xã hội như sau: "Bạn nghe tin X.Gióp qua đời khi truy cập vào Facebook hay Twitter, song việc bạn làm ngay sau đó là truy cập vào một trang báo uy tín nào đó để kiểm chứng thông tin này".

Có một thực tế trong hoạt động báo chí ở nước ta hiện nay là, một số tờ báo và một số nhà báo đang "hành nghề" theo lối viết lại những gì thấy trên mạng xã hội, thay vì phải thâm nhập thực tế để phát hiện, kiểm chứng, phân tích qua đó phản ánh đúng đắn, trung thực, chính xác về sự kiện - hiện tượng. Ðặc biệt, nhất cử nhất động của "người nổi tiếng" từ việc họ yêu người này bỏ người khác, ăn gì mặc gì, đến mua gì sắm gì, vui buồn hay nói xấu người khác ra sao,... đều được săm soi kỹ lưỡng, đến mức có trang điện tử trở thành địa chỉ để "người nổi tiếng" phát ngôn và khoe của!

Hậu quả tiêu cực từ việc khai thác thông tin bừa bãi, thiếu kiểm soát từ mạng xã hội đang trở thành nỗi quan ngại lớn của báo chí Việt Nam. Nguyên nhân đưa tới thực trạng này trước hết là ý thức nghề nghiệp, thái độ trách nhiệm của một số cơ quan báo chí và người làm báo; việc quản lý hoạt động của báo mạng và trang tin điện tử chưa hiệu quả, có phần lỏng lẻo. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt chưa thật sự có tính răn đe, nên sai phạm vẫn tái diễn. Ai đó có thể bao biện rằng, thói quen tiếp cận thông tin của công chúng đã thay đổi, dẫn đến việc ra đời những cách đưa tin để thỏa mãn nhu cầu đọc tin kiểu mới của lớp công chúng mới.

Tuy nhiên, dẫu thế nào công chúng vẫn luôn cần tới những tác phẩm báo chí có chất lượng, chứ không phải những bài báo chỉ để thỏa mãn sự tò mò, thói hiếu kỳ kiểu giật gân, câu khách. Dù báo chí truyền thống khó có thể cạnh tranh về tốc độ đưa tin trên internet và mạng xã hội, nhưng báo chí vẫn luôn là nơi để độc giả xác minh tính chính xác của thông tin. Vì thế, sự kết hợp giữa độ nhanh nhạy của thông tin trên mạng xã hội cùng khả năng phân tích, kiểm chứng của nhà báo sẽ mang đến bài báo hoàn thiện, sâu sắc hơn và quan trọng hơn là đúng sự thật. Báo chí cần mang đến cho công chúng thông tin chính xác, khách quan, giúp họ nắm bắt, có thêm hiểu biết về các vấn đề xã hội. Vì thế, mỗi nhà báo cần tự trang bị cho mình kiến thức sâu rộng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, để từ đó góp phần mang đến cho độc giả cái nhìn đúng đắn, lành mạnh về những vấn đề mà họ quan tâm...

Xem thêm:
Trung Quốc lại đập phá tài sản, đánh đập ngư dân Việt Nam (PLTP). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không ngăn cản tàu của ngư dân (TTXVN).  – Nói với đầu gối (Phi Vũ).- Trung Quốc làm gì ở Trường Sa? (BBC). – Triển lãm Cải cách ruộng đất: Cần sòng phẳng với lịch sử (TT). – Kết luận ban đầu về vụ MH17 (BBC).

-----


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter