Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Ghiền Facebook và những chuyện cười ra nước mắt




Hơn 600 triệu người dùng Facebook ở tuổi từ 15 đến 35 liên tục post lên mạng hình ảnh và thông báo mình đang làm gì với ai ở đâu. (Hình minh họa: Pew Research Center)


Kichbu theo nguoi-viet.com


WESTMINSTER, Calif (NV) – Với hơn 830 triệu người dùng đăng nhập (log in), tạo ra hàng trăm triệu 'statuses' và 4.5 tỷ 'Likes' mỗi ngày,  ảnh hưởng của Facebook là điều không thể chối cãi.

Kể từ khi ra đời năm 2004, Facebook tiếp tục phát triển với một tốc độ kinh ngạc, kết nối hàng triệu người khắp nơi. Hiện với hơn 1.23 tỷ người mở tài khoản (account) tính đến cuối năm 2013, Facebook là trang mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Một nghiên cứu của Pew Research Center cho biết khoảng 62% người có thói quen vào Facebook mỗi ngày thường xuyên post hình và tường trình trên trang Facebook cá nhân là mình đang làm gì ở đâu, với ai. Thêm vào đó, biết bao nhiêu trang Facebook của các thương mại hiện cũng đang tích cực quảng cáo dịch vụ và sản phẩm của mình.

Thật khó mà tránh được sự xâm lăng của Facebook. Vẫn theo Pew Research Center, hiện 7.5 triệu nút “Like” của Facebook nằm trên khắp các trang mạng khác.

Như vậy Facebook gây ảnh hưởng lớn thì hẳn rồi, nhưng trang mạng khổng lồ này đang tạo một ảnh hưởng tốt hay xấu? Câu trả lời còn tùy kinh nghiệm riêng của mỗi người. 

Niềm vui và nỗi thất vọng

Em Dũng Q. Nguyễn, 19 tuổi, nhà ở Torrance, là một người ái mộ Facebook, cho biết dù đã có Facebook account từ mấy năm nay, nhưng em chỉ dùng nó để liên lạc với bạn bè cùng trường, và phải đến khi chuẩn bị vào đại học ở University of  Washington ở Seattle năm đầu tiên, em mới thấy sự lợi ích thực sự của trang mạng xã hội khổng lồ này.

Dũng kể: “Em post thử một vài status để tìm bạn cùng là sinh viên năm thứ nhất, ai ngờ nhờ đó tìm được mấy người bạn cùng từ vùng Nam Cali, mừng quá!”

Dũng cũng cho biết nhờ những comments và chat qua lại với mấy bạn mới trong mấy tháng hè, mà cảm thấy an tâm khi biết mình ít ra cũng đã từng “giao tiếp” với một số sinh viên mới ở đây, dù chỉ trong thế giới ảo.

“Cả những sinh viên năm thứ hai, thứ ba cũng sốt sắng trả lời những thắc mắc của em nữa.” Dũng khoe.

Ông Duy M. Trần, nhà ở Huntington Beach, nói ông rất “mê” chức năng nhóm (group) của Facebook, cho biết ông có một nhóm bạn cuối tuần chơi đá banh với nhau.

“Nhờ Facebook, cả nhóm liên lạc với nhau rất dễ dàng, muốn rủ nhau đi giờ nào, chỉ cần viết status, rồi nhấn một cái là cả bọn được thông báo. Tuyệt vời!”

Còn bà Thục Trần, dân cư Costa Mesa chia sẻ "niềm vui không thể tả" là nhờ Facebook mà bà tìm lại được một người bạn thân từ thuở còn học chung với nhau suốt 7 năm ở trường nữ trung học Gia Long.

"Sau 75 tụi tôi mất liên lạc, tìm hoài không được, đứa này nghĩ thầm rằng chắc đứa kia vượt biên chết rồi. Tình cờ gặp nhau trên Facebook, thật mừng hết lớn. Biết Hồng Nhung (bạn của bà) nó ở mãi bên Đan Mạch, tôi nhất định đòi ông xã cho đi thăm bạn một chuyến cho thỏa lòng." Bà tâm sự.

Nhưng không phải ai cũng có những kinh nghiệm tốt với Facebook.

Với bà Hạnh Lê (tên đã được đổi theo yêu cầu) thì thế giới Facebook những ngày này là một thế giới “buồn và thất vọng.”

“Khi chị Phương, một người bạn gái rất thân, gửi tôi một text message riêng, yêu cầu hãy “unfriend” ông xã của chị ấy, thì tôi biết là Facebook vô tình đã tạo vấn đề.” Bà Hạnh tâm sự, rồi kể: "Vợ chồng Phương và tôi cùng ở trong một nhóm bạn đọc và phê bình sách. Ông xã của Phương chăm đọc sách hơn, và hay post những phê bình sách, mà tôi thì chăm “Like” status của mọi người, hễ cứ ai post gì thì cũng "Like” tuốt."
"Ai ngờ đâu vì những cái "Like" này mà tôi gặp rắc rối!' Bà Hạnh  cho biết đến khi gặp bạn gái để hỏi tại sao ra nông nỗi, thì được nghe người bạn tả oán: 
“Tao nghi ông xã tao ổng không những nghiền... Facebook mà còn... mê mày. Ông dạo này tối tối cứ ăn cơm xong là chạy tuốt vào phòng làm việc, post status lên rồi ngồi chờ. Việc nhà không thèm để mắt đến. Tao để ý thấy đến khi nào thấy mày “Like” rồi thì ổng mới yên tâm. Rồi khi được “Like” rồi thì lại miệt mài ngồi comment thêm nữa, đúng là con nghiện. Thôi mày thương tao thì unfriend ổng giùm, để giúp cho ổng chữa bệnh.”

"Thật là cười ra nước mắt!"  Bà Hạnh nói, rồi cho biết suy nghĩ mãi, chẳng biết unfriend thì phải giải thích với chồng bạn làm sao bây giờ, bà đành quyết định tạm "đóng cửa cái tài khoản Facebook đang gặp nạn" đó.

Bệnh nghiền Facebook

Nghiền Facebook là một hiện tượng có thật. Tiến Sĩ Larry D. Rosen, giáo sư tâm lý học tại California State University, Dominguez Hills nói
 “Mặc dù trung bình một người Mỹ mỗi ngày dùng Facebook khoảng 40 phút, những người nghiền nặng vào đây (Facebook) ít nhất là một lần mỗi 15 phút, hoặc nếu thiếu Facebook, thì thấy người bần thần khó chịu. Thói quen này tạo ra nhiều hệ quả tiêu cực.”


Người nghiền Facebook, trừ khi bị người nhà kêu ca, khó có thể tự mình đóng trang mạng xã hội này lại. (Hình minh họa: Pew Research Center)

Tiến Sĩ Rosen cho rằng những người quá nghiền Facebook bị đẩy vào một thế giới ảo, và ngày càng xa rời cuộc sống thực sự của họ, khiến việc làm bị sao nhãng, và những mối quan hệ thực trở nên hời hợt, lỏng lẻo.

Với giới trẻ, những là những em ở tuổi teen, việc dành quá nhiều thời gian cho Facebook, vẫn theo Tiến Sĩ Rosen, có thể ít nhiều khiến các em phát triển khuynh hướng “nghĩ đến cái tôi” nhiều quá, nhất là những em “lúc nào cũng bận rộn sharing với thế giới mình đang làm gì, với ai, ở đâu.”

“Ngoài việc mất quá nhiều thì giờ cho Facebook, không còn thì giờ để học hay làm bài tập, trẻ con bị nghiền Facebook lâu dần có thể có những dấu hiệu rối loạn tâm lý khác, trong đó có việc thích chỉ trích xã hội và đôi khi cường điệu thái quá.” Ông Rosen nói.

Làm sao để biết mình hay người thân bị bệnh nghiền Facebook?

Ký giả Michael Poh, một blogger chuyên phân tích về các mạng xã hội, liệt kê và phân tích những dấu hiệu tiêu biểu của con bệnh, chẳng hạn:

Share lung tung: Ở vào thời điểm mà nhiều cư dân mạng quan tâm về vấn việc bảo vệ đời sống riêng tư, việc người nghiền Facebook tự nguyện chia sẻ những bí mật sâu thẳm nhất về đời sống của họ với hàng trăm có khi hàng ngàn người là hiện tượng khá ngạc nhiên. Có lẽ những người này nghiền được quần chúng ái mộ hay công nhận, ký giả Poh nhận xét.

Liên tục vào Facebook: Thói quen này thông dụng hơn với những người mà công việc đòi hỏi họ suốt ngày phải ngồi trước máy vi tính. Họ thường xuyên mở nhiều màn ảnh trên máy, và cứ mỗi vài phút lại vào Facebook để xem có ai cập nhật tin tức gì hay comments gì mới không, để nhất nút “Like”, “share” hay comment lại.

Quá quan tâm về trang của mình: Nhiều người nghiền cứ lâu lâu phải moi óc tìm xem có gì là lạ, ngộ nghĩnh, buồn cười, hay độc đáo để post lên trang Facebook, tag bạn bè vào cho họ xem, và khi đã post lên rồi, thì hồi hộp đợi chờ xem đã có được mấy người vào “Like”, hay để lại comment. Khi đã có người comment rồi thì lập tức comment lại, và họ cứ đắm đuối trong cái vòng luẩn quẩn này, không thoát ra được.

Ào ạt Add Friend: Nhiều người lúc nào cũng tìm cách Add Friend như chạy đua xem ai có nhiều Facebook friends nhất, như thể những “friends” mà họ chưa bao giờ gặp hay sẽ chẳng bao giờ gặp ở ngoài đời là những tấm huy chương treo trên tường nhà của họ.

Sao nhãng tình thân thực sự: Khi bị nghiền lâu, con bệnh vô hình chung đánh đổi những tình thân thực ngoài đời với bạn bè trong thế giới ảo, và trở thành thoải mái hơn với những tin nhắn, hình ảnh, comment và “like” của người khác thay vì giao tiếp và chuyện trò với bạn bè thật, và đây là lúc mà phẩm chất đời sống của họ bắt đầu trên đà đi xuống, theo Tiến Sĩ Rosen.

Làm sao để chữa bệnh?

Với những ai muốn chữa bệnh nghiền Facebook, ký giả Michael Poh chỉ nhắn gửi hai chữ ngắn gọn “chừng mực.”

Còn Tiến Sĩ Larry D. Rosen thì đưa ra những đề nghị kỹ hơn như tắt internet khi không cần, không cài Facebook app vào điện thoại di động, đi chơi thể thao, tham gia nhiều hoạt động ngoài trời với bạn bè, người thân, và nhất là luôn nhắc nhở chính mình câu “thuốc bổ và thuốc độc chỉ khác nhau ở cái liều”.

Xem thêm:


-----

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Steps


Flag Counter