Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

"Việc nước mà dân không biết thì không thể dân chủ được"

"Việc nước mà dân không biết thì không thể dân chủ được"

Tác giả: Tuần Việt Nam

>> Phần 1

LTS: Nhân kỉ niệm 65 năm Quốc khánh, Tuần Việt Nam trích thuật tiếp phần 2 nội dung bàn tròn trực tuyến với nguyên Bộ trưởng Tư pháp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Lộc như một suy ngẫm, góc nhìn đáng tham khảo về những bước đi của Đất nước - Dân tộc trên con đường hiện thực hóa những tư tưởng và mục tiêu cao đẹp về một Việt Nam Dân chủ - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc mà Bác Hồ đã long trọng tuyên bố trước muôn triệu người dân cũng như bạn bè thế giới sáu mươi lăm năm về trước.

Như ông Nguyễn Đình Lộc nhiều lần nhấn mạnh, những góc nhìn của ông có thể đôi chỗ "khó nghe" hoặc cần phải tranh luận thêm, nhưng ông cũng mạnh dạn đưa ra, với tư cách một người gắn bó máu thịt với chế độ này, như một sự xới xáo vấn đề một cách nghiêm túc, trên tinh thần tôn trọng ý kiến khác biệt mà Đảng luôn kêu gọi.

Phải đổi mới căn bản cơ chế bầu cử hiện nay

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông cho rằng chúng ta phải hiểu đúng và phải thực thi dân chủ, phải làm dân chủ một cách thực chất, vậy theo ông chúng ta phải thực thi bằng cách nào, và bắt đầu từ đâu?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Khi nói đến dân chủ, trước hết là nói đến những quyền tự do dân chủ của người dân.

Hẳn nhiều người còn nhớ, ngày mồng 3/9 khi chính phủ đầu tiên họp, Bác Hồ đã nêu những nhiệm vụ cần làm ngay, trong đó có một ý rằng phải có một Hiến pháp, nhưng nhiều người lại chưa chú ý rằng Bác không nói Hiến pháp nói chung mà Bác đã nói rất kỹ rằng: "Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ". Cái chữ dân chủ là cơ bản.

Sau đó chính Bác là người tổ chức xây dựng Hiến pháp mới, Hiến pháp đầu tiên của nước ta, và xét về quyền tự do dân chủ của dân, thì Hiến pháp 46 cho đến giờ là một mẫu mực. Có thể nói bất cứ quyền gì mà trình độ tiến bộ thế giới về mặt dân chủ lúc bấy giờ người dân có thể được hưởng thì Hiến pháp 46 đều quy định, không thiếu quyền gì.

Bây giờ, chúng ta cứ nói nhiều đến Hiến pháp 46, một trong những lý do cơ sở cũng là vì đó là lần đầu tiên VN có Hiến pháp, mà Hiến pháp đó lại có nội dung về mặt dân chủ rất hoàn chỉnh, rất đầy đủ quyền tự do dân chủ của người dân.

Nhưng nói dân chủ thì không đơn thuần là những quyền như thế mà còn là mối quan hệ giữa nhà nước với người dân. Cơ chế người dân hưởng quyền dân chủ, đồng thời còn có thể tham gia vào việc quyết định công việc của đất nước. Vấn đề này rất cơ bản. Công việc của đất nước mà lọt vào tay một số người nào đó, người dân không biết gì cả thì không thể dân chủ được. Dân chủ là người dân được hưởng quyền tự do dân chủ nhưng đồng thời một trong những quyền đó là quyền tham gia vào những công việc của xã hội, tham gia quyết định công việc xã hội.

Nhưng, chúng ta có hơn 86 triệu dân, hoặc như Trung Quốc hơn 1,3 tỷ dân, nếu nói rằng người dân có quyền giải quyết, quyết định công việc đất nước, nhưng 86 triệu hay 1,3 tỷ dân như vậy thì giải quyết thế nào? Cho nên chúng ta phải có cái gọi là dân chủ đại diện, tức là người dân để thực hiện quyền quyết định công việc đất nước của mình chọn ra một số người, bầu ra một số người, giao quyền quyết định cho họ, từ đó mới có chế độ đại diện và mới có Quốc hội. Quốc hội chính là cơ quan thay mặt cho dân, được dân chọn ra và thay mặt cho dân quyết định công việc đất nước. Tức là quyền vẫn là quyền của dân chứ không phải quyền của đại biểu.

Lâu nay, người ta nói Hiến pháp hiện hành của chúng ta có vấn đề vướng, ví dụ nói "tất cả quyền lực thuộc về nhân dân". Nói như thế đúng quá! Nhưng vấn đề là có quyền lực rồi thì anh làm gì, anh thực hiện quyền lực đó như thế nào? Chúng ta vẫn nói rằng là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nhưng thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nói 2 câu ấy cũng đúng! Nhưng thực chất như thế nào?

Vấn đề rất lớn hiện nay chúng ta phải giải quyết, theo tôi hiểu, đó chính là làm thế nào cho chế độ đại diện bầu cử phải thực sự trở thành cơ chế thực sự dân chủ, mặt này chúng ta làm được còn nhiều hạn chế. Chuyện này tôi đã nói ở nhiều nơi, nhưng hôm nay, tại đây, tôi nói chính thức rằng nếu không cẩn thận thì chính chúng ta đang chơi trò chơi dân chủ. Vì sao?

Tôi đã 75 tuổi rồi, đi bầu cử rất nhiều lần, đã thấy chúng ta bầu Quốc hội như thế nào? Đến ngày bầu cử, chúng ta vào phòng bỏ phiếu; chúng ta được xem một danh sách ứng cử viên; chúng ta cũng đọc lý lịch ông này, bà kia; rồi chúng ta chọn... như thế là dân chủ quá rồi còn gì nữa. Nhưng thực ra đó cũng chưa phải là dân chủ, ở chỗ cái danh sách đó: Ai đưa ra? Đó là Mặt trận tổ quốc, là Ban bầu cử; Nhưng danh sách đó ở đâu ra?.... Nhiều khi hỏi anh em, anh em cũng giật mình, bản thân mình cũng giật mình, là khi sáng bầu xong, tối vui miệng hỏi nhau bầu cho ai thì không mấy ai còn nhớ.

Và suốt 5 năm cuả nhiệm kỳ đó, mấy ai trong chúng ta gặp lại đại biểu do mình bầu không? Trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đều có gặp gỡ và báo cáo tiếp xúc cử tri, nhưng đó cũng là cuộc gặp của những người lựa chọn. Sau lưng từng đại biểu Quốc hội, từng đại biểu Hội đồng nhân dân là hàng vạn cử tri. Nhưng có bao nhiêu người được lựa chọn ra cái danh sách đó.

Chính các nhà báo hỏi tôi: người dân có vấn đề gì thì nghĩ đến ai? có nghĩ đến đại biểu của mình không? Không- tôi đã trả lời như vậy.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuần và cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc (trái) tại bàn tròn trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Cử tri hầu như không nghĩ đến đại biểu của mình. Vì sao? Cái điều đáng lo của chúng ta, chúng ta bây giờ rất tin Mặt trận tổ quốc, giao cho tổ chức này hiệp thương mỗi kỳ bầu cử. Cách làm của chúng ta là, Hiệp thương lần thứ nhất, hiệp thương lần thứ 2, rồi chính hội nghị Hiệp thương đó chọn danh sách, rồi cho đánh máy, in đàng hoàng đẹp đẽ và gửi cho người dân. Cử tri cuối cùng chỉ có một công việc chọn trong cái danh sách 5 chọn 3, 4 chọn 3. Thế là gì? Như ăn sẵn, là dân chủ hình thức.

Tôi cho rằng cần xem xét lại quy trình Hiệp thương. Phải làm thế nào để từng người dân chọn được người ứng cử trong danh sách đó là người trực tiếp được bầu ra, được chọn ra chứ không phải qua các bước Hiệp thương gì hết.

Tôi còn nhớ có những người đi họp Hiệp thương về kể, hôm nay chúng tôi trao đổi mãi anh này anh kia. Hóa ra đã có mấy người trao đổi với nhau nên chọn người này, bỏ người kia chứ cử tri có biết gì đâu. Như thế là dân chủ sao?

Một ông bạn nói, ông Lộc ơi, cái dân chủ nhất của ta bây giờ là bầu cử. Khi tôi nói lại, ông mới giật mình, "ừ nhỉ lâu nay mình quan liêu". Thế mới biết, không chỉ bộ máy quan liêu mà người dân cũng có thể quan liêu. Có biết gì đâu, hôm ra bầu cử danh sách 5 người, ứng viên nào cũng có ảnh rất sáng sủa. Nhưng họ là ai, cử tri cũng không biết, không hề gặp nhau. Mà bầu cử là bầu ra người mà mình tín nhiệm, nhưng chỉ qua vài dòng giới thiệu liệu có tin cậy được không(?)

Obama lên làm tổng thống Mỹ là qua sự sàng lọc trực tiếp của cử tri, hết vòng này đến vòng khác chứ có phải Đảng dân chủ tự lập danh sách rồi đưa ra cử tri bầu đâu.

Trình độ đại biểu của chúng ta ngày càng cao, phát biểu cũng đầy trách nhiệm, nhưng đó chưa phải là tiếng nói cử tri, vì trước và sau khi đi họp, ông đại biểu đó cũng chỉ gặp độ mấy trăm cử tri thôi.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy hệ luỵ là gì?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Điều đáng sợ nhất là bầu xong rồi mà cử tri và đại biểu không hề gặp nhau. Nhưng chúng ta đừng trách đại biểu, tôi cũng không trách đại biểu. Để có một đại biểu Quốc hội, ngân sách phải bỏ ra khoảng 700 triệu, tốn kém như thế, nhưng chúng ta sử dụng vị đại biểu đó như thế nào? Đây là một nhược điểm chung của chúng ta, phải xem đại biểu như là một công cụ của người dân, chúng ta phải rất tốn kém để tạo ra được cái công cụ đó, nhưng sử dụng như thế nào thì hầu như chúng ta lại không đầu tư một cách đích đáng cho người đại biểu.

Đại bộ phận đại biểu chúng ta là không chuyên trách, mỗi đại biểu bầu xong lại về làm công việc chuyên môn của mình, rồi có thể thỉnh thoảng cử tri có gửi đơn nhưng không nhiều. Rồi mỗi người làm công việc chuyên môn của mình, đến kỳ họp lại cắp cặp đi họp. Đến nơi thì được phát một chồng tài liệu dày, tiêu hóa thế nào hết được chồng tài liệu đó, những vấn đề đặt ra trong đấy, cho nên điều kiện làm việc hiện nay của người đại biểu rất hạn chế, từng đại biểu không có thư ký giúp việc. Bởi vậy, khi bàn về dân chủ, có lẽ cần đổi mới căn bản chế độ bầu cử hiện nay.

Làm thế nào mà để cử tri thực sự tìm ra, bầu ra đại biểu để mình bầu chứ không phải có người nào đó làm thay dân. Làm thay dân đó chính là một hình thức tham nhũng chính trị, hưởng quyền của người dân, quyền của dân mà anh lại hưởng. Cho nên không nên trách đại biểu mà trách cái cơ chế hiệp thương hiện nay của chúng ta.

Cho nên tới đây, chúng ta phải làm thế nào dân chủ hóa thực sự bộ máy của chúng ta, từ việc bầu cử đại biểu cho đến dân chủ hóa bộ máy nhà nước, làm thế nào chống được tiêu cực, chống được tham nhũng. Một ông bạn là viện sĩ cứ băn khoăn không biết mình đi đến đâu? Nói là đi lên XHCN nhưng nó như thế nào, liệu có đi đến nơi không? Câu hỏi rất chân tình nhưng thể hiện nỗi trăn trở rất lớn của một vị GS. Trong cuộc hội thảo gần đây tôi cũng nói tôi không dám nhận mình là nhà yêu nước, vì có những điều mình không yêu, nhưng có có một điều rõ ràng là tôi gắn bó với chế độ này, do vậy tôi phải nói chứ không thể để như thế này được.

Tôi nghĩ, nếu tất cả chúng ta không thấy được điều đó thì có nghĩa là chúng ta tự lừa dối mình, quay lưng lại với cuộc sống thực tế và điều đó sớm muộn nhân dân cũng không thể chấp nhận được. Bởi vậy tôi mới nói, đáng lo nhất là khi có vấn đề, nhân dân quay mặt lại với chế độ.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trong những năm kháng chiến chống Pháp trong vùng Tề tạm chiếm; rồi trong chống Mỹ , dân bị dồn, bị kìm kẹp trong ấp chiến lược, chúng ta chưa có Hiến pháp, không có một quy định nào về việc Đảng độc quyền lãnh đạo, nhưng mà lòng dân khi đó hướng cả về Đảng, về Bác, đi theo Đảng, theo Bác. Còn giờ đây, khi chúng ta đang có tất cả, có Hiến pháp quy định Đảng độc quyền lãnh đạo, xác lập thể chế, hệ thống chính trị, vì sao lại lo sợ người dân quay lưng lại như vậy?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Vì trong chiến tranh mỗi đảng viên như thế nào? Người chiến sĩ của chúng ta như thế nào? Dân nhìn vào đó và dân tin. Dân có cơ sở để so sánh hồi chế độ cũ đã cư xử với dân như thế nào, những người đã xả thân đấu tranh cho dân ra làm sao. Vấn đề với dân là lòng tin và lòng tin chính là người ta hiểu được tấm lòng của anh đối với dân.

Đáng lo bây giờ chính là bộ máy chúng ta đã thực sự lo cho dân, vì dân chưa hay là chạy theo những lợi ích và cái điều đáng sợ là để dân quay lưng lại với mình. Người dân phải chấp nhận nhưng không đồng tình với việc làm đó. Điều đáng lo chính là ở chỗ ấy.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ta từng phê phán dân chủ phương Tây là dân chủ giả hiệu và ta phải xây dựng một nền dân chủ thực chất. Theo ông, dân chủ thực chất của ta là như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Có lẽ cũng phải nhìn nhận lại ý kiến cho rằng dân chủ phương tây là dân chủ giả hiệu. Nếu là dân chủ giả hiệu, họ phải sụp lâu rồi. Đó là cách nhìn trước đây thôi. Bây giờ ta phải xem lại và đổi tư duy đó. Trong khi ta phê phán phương Tây nhiều thì chính họ lại tự điều chỉnh rất tốt, loại bỏ những yếu tố tiêu cực.

Không phải ngẫu nhiên mà người dân lao động ở các nước đó được hưởng chế độ dân chủ. Bản thân họ đấu tranh và phe XHCN khi đó cho thấy một hình mẫu khác, để bên kia giật mình và thay đổi, tự điều chỉnh. Sự sụp đổ của Liên Xô cũng chính vì không biết tự điều chỉnh hoặc có điều chỉnh nhưng không đến nơi và không kịp thời. Liên Xô sụp đổ không phải vì bản thân chế độ XHCN là xấu mà vì họ đã đi không đúng đường, sai về cách làm.

Chúng ta đã ngấm ra điều đó. Bây giờ ta phải nói cho rõ là phải điều chỉnh lại cho đúng. Nhưng điều chỉnh của ta chưa đến nơi. Chúng ta chưa thực ngồi với nhau để tranh luận cho hết tình hết lí, lật ngược vấn đề để tìm cho ra gốc gác của nó.Cái lo của những người tâm huyết, có trách nhiệm và gắn bó với chế độ hiện nay là làm thế nào để thoát ra được tình cảnh hiện nay, để mọi người có thể thực sự dân chủ đóng góp ý kiến và tìm ra được một cơ chế đúng.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Không có gì phải bàn cãi, dân chủ là nhân tố quan trọng để giải quyết các vấn đề của xã hội ta hiện nay. Việc đảm bảo vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng cũng chính là dân chủ. Đảng cũng đã vạch ra và đang đấu tranh cho vấn đề này. Một bạn đọc ở Nha Trang nêu vấn đề, trong các đại hội đảng, khi bài Quốc tế ca vang lên "vùng lên hỡi các nô l ở thế gian" không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nô lệ ngày nay đã chuyển sang hình thái mới, thậm chí là nô lệ về tư tưởng, nhận thức, văn hóa. Vậy cần phải làm gì để giải phóng khỏi ách nô lệ này như tinh thần của Quốc tế ca?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Đó cũng là vấn đề gây nhiều băn khoăn, cần suy nghĩ đích đáng. Thực ra, bây giờ mà nói là nô lệ thì có phần nặng nề, nhưng sự phụ thuộc thì có.

Về mặt tư tưởng, chúng ta đã thực sự tự do chưa? Theo tôi, ta chưa có được điều đó, hay đúng ra là còn thiếu. Nói là hoàn toàn chưa có thì không hẳn. Như hôm nay tôi nói như thế này cũng là tự do rồi.

Tình hình có nhiều cải thiện nhưng đến nơi chưa, ngang tầm chưa thì chưa. Đây là điều phải sửa đổi cơ bản, tạo ra môi trường, không khí để người dân cảm nhận được rằng chế độ này là của mình, do mình làm chủ. Bác Hồ khi nói đến quyền của người dân bao giờ cũng nhấn mạnh hai chữ TỰ DO.

"Muốn sửa Hiến pháp, cần xác định lại chủ thuyết"

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Rõ ràng phải xây dựng thiết chế, bắt đầu bằng Hiến pháp. Nhiều người băn khoăn sao ta phải điều chỉnh hiến pháp nhiều lần như thế, trong khi nhiều nước hầu như không phải sửa. Chúng ta đang có kế hoạch sửa đổi Hiến pháp. Nên chăng đây là lúc đảng thể hiện dấu ấn của mình với tư cách một đảng cầm quyền? Với tư cách cựu lãnh đạo ngành Tư pháp từng tham gia nhiều vào công tác sửa Hiến pháp, theo ông, Đảng nên chỉ đạo sửa Hiến pháp như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Có hai loại hiến pháp, kiểu như của Mỹ, hơn 200 năm rồi, họ có sửa nhưng chỉ bổ sung, thêm vào. Ta mỗi lần sửa là sửa cơ bản. Quan điểm về Hiến pháp của ta khác. Xã hội Việt Nam từ nô lệ, phong kiến lên dân chủ, từ dân chủ nhân dân lên dân chủ xã hội chủ nghĩa, từ độc lập tự do sang chiến tranh rồi đất nước bị chia cắt, đi đến thống nhất... Sự biến động trên con đường phát triển của xã hội VN ảnh hưởng đến quy định pháp luật, các luật cơ bản.

Chẳng hạn, chúng ta xây dựng Hiến pháp 1946 nhằm xây dựng xã hội dân chủ nhân dân, rồi chiến tranh nổ ra ngay, cả Chính phủ, Quốc hội đều phải chuyển lên Việt Bắc. Chúng ta ca ngợi Hiến pháp 1946 nhưng thực tế, Hiến pháp không được công bố. Cách mạng phát triển, ban đầu chúng ta không đặt vấn đề cải cách ruộng đất nhưng đến năm 1953 chúng ta thấy tình hình buộc phải làm cách mạng dân chủ. Muốn như vậy ta phải thực hiện "người cày có ruộng", vì thế thức hiện cải cách ruộng đất. Cải cách ruộng đất xong rồi thì chúng ta thấy mình phải thực hiện tiến lên CNXH. Những biến động như thế khiến Hiến pháp 1946 không còn hiệu lực.

Năm 1946, Hồ Chí Minh là trưởng ban xây dựng Hiến pháp và đến năm 1959, Bác cũng là trưởng ban xây dựng Hiến pháp 1959, nhưng hai bản Hiến pháp này rất khác nhau, vì hoàn cảnh quá khác nhau. Hiến pháp năm 1946 ta xây dựng theo mô hình của Pháp. Hiến pháp 1959 lại theo mô hình xô viết, và chúng ta cũng theo tư tưởng của Mao Trạch Đông, nhất biên đảo, theo hẳn con đường XHCN, không lưỡng lự nữa. Hơn nữa, khi xây dựng Hiến pháp 1959, ta vận dụng một quy định của Hiến pháp Xô Viết chưa đúng, tư tưởng biến động liên tục (cơ cấu UBND và HĐND).

Chúng ta đang theo mô hình của Hiến pháp 1992, tâm lý mọi người muốn có sửa đổi cơ bản, trước hết là về bộ máy. Phải điều chỉnh lại quan điểm trước đây: Hiến pháp là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng. Đường lối của Đảng hiện nay là gì? Quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp.

Quyền lực thế nào là thống nhất? Thế nào là phân công? Là phối hợp? Hiện nay ta chưa xác định rõ những điểm đó.

Nếu Hiến pháp chỉ sửa vài điểm nhỏ thì có nên sửa không? Đương nhiên nếu bỏ HĐND cấp quận, xã, phường, thì sẽ vướng vào điều quy định trong Hiến pháp. Nhưng sửa điều đó thôi thì chỉ thuần túy là kĩ thuật, chưa mang tính cơ bản. Muốn thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước như thế nào và bản thân quyền lực đó được tổ chức như thế nào là thống nhất?

Có người nói quyền lực nhà nước thống nhất ở nhân dân liệu có đúng không? Tại sao lại thống nhất ở nhân dân. Tập trung ở nhân dân thì đúng, nhưng thống nhất ở nhân dân thì không ổn, vì nói đến thống nhất là nói đến trạng thái của sự vật, về mối quan hệ nội bộ của các bộ phận thuộc sự vật đó. Chúng ta nói Việt Nam là một đất nước thống nhất đâu phải là nó dồn về một chỗ, mà vẫn là ba miền Bắc, Trung, Nam, trước đây bị chia cắt, bây giờ thống nhất.

Những người cầm quyền hiện nay đang nói về thống nhất quyền lực theo cách rất khác nhau, ảnh hưởng đến quy định về sau của Hiến pháp.

Trong một hội thảo gần đây, tôi đã nói, để sửa Hiến pháp phải thay đổi hoặc xác định cho rõ hơn chủ thuyết của chúng ta về hiến pháp, về quyền lực nhà nước. và quyền tự do dân chủ của nhân dân. Từ chủ thuyết đó, chúng ta thể chế hóa thành thiết chế. Nếu không, chúng ta sửa rồi đi vào thực tế lại thấy Hiến pháp của ta có vấn đề. Có sửa mà sửa không cơ bản thì mỗi lần lại vấp váp. Giống như đi đường gồ ghề, cứ đi vấp lại muốn sửa. Bây giờ muốn làm sao để cho đường bằng phẳng, thông suốt, thì phải có chủ thuyết rõ ràng.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Phải chăng chủ thuyết đó chính là tư tưởng của Bác Hồ, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Chúng ta đang có vận hội rất lớn để thực hiện hóa mục tiêu đó. 65 năm qua, đôi khi chúng ta bị kẹt vào xung đột ý thức hệ , Việt Nam bây giờ có vận hội lớn để trở thành một nước thực sự độc lập , được tự chủ trong các quyết định cuả đất nước, cuả dân tộc mình, cộng đồng thế giới mong muốn nhìn thấy một nước Việt Nam giàu mạnh và có vai trò trong khu vực, nhưng không ai cho không cái gì, có vận hội lớn chúng ta cũng phải đối mặt với thách thức, đối mặt với sóng gió cuả thời đại. Dân chủ là chủ thuyết xuyên suốt của Hồ Chí Minh và là nền tảng cho sự độc lập và giàu mạnh của Việt Nam. Theo ông, để thực hiện chủ thuyết này, cơ chế nào để chúng ta lựa chọn được người lãnh đạo xứng đáng, dẫn dắt cả dân tộc băng lên thực hiện chủ thuyết của Bác Hồ?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Mong muốn của Bác Hồ rất rõ. Bác cũng công khai nêu mong muốn đó. "Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ", Bác nói vậy, chứ không phải là một hiến pháp chung chung. Trong chữ dân chủ đó hàm chứa rất nhiều điều. Điều đó được thể hiện ngay trong hiến pháp 1946.

Tất nhiên không nên ca ngợi một chiều Hiến pháp 1946. Hiến pháp 1946 đưa vào hoàn cảnh hiện nay như thế nào không đơn giản. Chủ thuyết của Bác Hồ về Hiến pháp là rất rõ ràng. Chúng ta phải theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề là vận dụng như thế nào. Từ tư tưởng đó phải nghiên cứu, vận dụng thành lí thuyết Hồ Chí Minh về Hiến pháp. Việc này khó nhưng không thể không làm.

Có lúc, ở các cấp của Đảng, ta ngại dân chủ. Ta nói dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh mà không có chữ dân chủ (phải đến sau này mới được bổ sung). Chúng ta phải làm cho rõ tại sao chúng ta ngại dân chủ. Việc bổ sung vào là do sức ép hay ta tự nguyện làm. Ta sẽ giữ như thế và thực hiện dân chủ thật sự, hay chúng ta tiếp tục ngại.

Lâu nay ta nghe nhiều đến diễn biến hòa bình. Tất nhiên ta phải cảnh giác với diễn biến hòa bình và cũng có người muốn làm việc đó. Nhưng vì chúng ta sơ hở, không quyết tâm nên ta mới bị diễn biến. Chúng ta không làm đến nơi thì mới bị diễn biến, còn nếu chúng ta thực sự dân chủ thì không ai làm gì được.

Tất nhiên, đụng đến những vấn đề này là những vấn đề rất cơ bản. Nếu không làm rõ với nhau từ đầu thì dễ bị quy chụp. Nói đến diễn biến thì không phải là kẻ thù nào từ bên ngoài vào diễn biến mà diễn biến ở chính trong nội bộ này. Từ trong nội bộ này có những lực lượng muốn diễn biến. Tại sao chúng ta lại để cho họ làm được như thế, và tại sao họ lại tranh thủ được người dân? Ta phải đánh gục họ đi, không phải bằng bạo lực mà bằng sức mạnh của sự đồng lòng, ủng hộ trong dân, từ niềm tin của dân. Phải đảm bảo cho được lòng tin của dân đối với Đảng. Đây là vấn đề Đảng lo nhất.

Đã đến lúc chúng ta phải nói thẳng với nhau, nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né những vấn đề cốt tử như vậy. Thời gian càng tiến về tương lai, chúng ta càng thấy cái vĩ đại của Bác Hồ. Người vượt qua mọi sóng gió để lãnh đạo đất nước.

Phải làm sao tận dụng cho được lợi thế này, sức mạnh này. Vấn đề là khi người ta ra sức đề cao Hồ Chí Minh, người ta có thực sự làm theo Bác không? Đó là điều cần suy nghĩ. Người ta có thực sự: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư không? Người ta có thực sự vì dân, vì nước, vì đảng không hay vì tính toán lợi ích riêng của mình rồi lồng vào đây, dưới danh nghĩa của đảng?

Đó là vấn đề cần hết sức cảnh giác, ngăn chặn. Nếu làm như thế là có tội với Bác, với chế độ, với nhân dân, với lí tưởng của Bác và mục tiêu mà Bác dành cả đời để cống hiến.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Dân chủ thì ta sẽ lựa chọn được lãnh đạo đủ đức, đủ tài, đủ tầm lãnh đạo đất nước , nắm bắt vận hội lớn, vượt qua sóng gió và thách thức của thời đại để đưa dân tộc ta tới bến bờ vinh quang. Điều kiện trong nước và thời đại đòi hỏi chúng ta có những lãnh đạo có bản lĩnh, tầm nhìn, trí tuệ, sức mạnh để tập hợp được quần chúng nhân dân, là điểm tựa lòng tin cho nhân dân Việt Nam để đạt mục tiêu của Bác Hồ xây dựng một Việt Nam phồn vinh, văn minh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà dân tộc đặt ra với Đảng. Đó cũng là lời kết lại của bàn tròn ngày hôm nay. Một lần nữa xin cám ơn ông Nguyễn Đình Lộc, cám ơn các độc giả đã cùng theo dõi.

Nguồn:http://www.baomoi.com/Home/XaHoi/tuanvietnam.net/Viec-nuoc-ma-dan-khong-biet-thi-khong-the-dan-chu-duoc/4801012.epi

3 nhận xét:

  1. Trong các bài đăng trên blog, bài nào là Kichbu được báo chí mời phỏng vấn ?

    Trả lờiXóa
  2. Bác Lộc vẫn nói vòng vo...:(

    Trả lờiXóa
  3. Bài phỏng vấn trước bác Nguyễn Đình Lộc trả lời nghe thích hơn bài này. Bài trả lời này có cảm giác bác ấy có chút chùn chân, hoặc nếu không chùn chân thì đúng là vòng vo, như Kichbu nhận xét.

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter