Những người nhập cư bất hợp pháp này sẽ bị trục xuất về quê hương
H.Phan
Kichbu theo petrotimes.vn
Chiến dịch truy quét người lao động nhập cư bất hợp pháp trên lãnh thổ Nga bước sang tuần thứ 3. Hàng nghìn người đã bị bắt giữ và hàng trăm người đã bị trục xuất. Tuy nhiên, đằng sau thành công này là một vấn đề nghiêm trọng của kinh tế Nga.
Việc trục xuất ồ
ạt lao động “chui” có nguy cơ khiến nhiều công ty Nga thiếu nhân công. Việc
nhanh chóng bù đắp cho sự thiếu hụt này là không thể, vì thế trong ngắn hạn
chiến dịch sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số GDP của Nga.
Ngày 14/8, kết quả
chiến dịch lục soát nhiều tỉnh trong những ngày qua của cảnh sát Nga đã trở nên
rõ ràng. Gần 2.000 người nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt. Nếu cuộc chiến chống
lao động nhập cư bất hợp pháp diễn ra nghiêm túc thì Nga sẽ phải trục xuất tới
3 triệu người nước ngoài. Tiền mua vé máy bay quốc tế cho họ về nước mỗi người
từ 900 đến 1.300USSD được trích từ ngân sách Nga.
Nhiều năm qua,
nhập cư bất hợp pháp vào Nga mang tính tự phát. Điều này chủ yếu diễn ra do
quan chức và nhân viên bảo vệ luật pháp tham nhũng. Và đến khi thăm dò dư luận,
công dân Nga mới biến vấn đề này thành một nguy cơ lớn đối với an ninh quốc gia
và an ninh cá nhân thì chính quyền bắt đầu hành động. Câu hỏi ở đây là ảnh
hưởng của người nhập cư đối với kinh tế Nga. Người đứng đầu Cơ quan Di trú Liên
bang Nga Konstantin Romodanovskiy nhìn nhận đóng góp của người nhập cư cho kinh
tế Nga là 50 tỉ USD, tương đương 8% GDP.
Chuyên gia
Vladimir Zorin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, một trong những mắt
xích yếu kém trong cuộc chiến chống lao động nhập cư bất hợp pháp là giới chủ
lao động, những người muốn trả lương ít và có những lao động không có quyền gì.
Cuộc chiến chống người nhập cư bất hợp pháp có thể để lại các hậu quả tiêu cực
đối với nền kinh tế Nga. Vài năm trước, Nga quy định cấm người nước ngoài được
bán hàng ngoài chợ. Kết quả là chủ sở hữu chỗ bán hàng phải thuê người Nga và
phải trả lương cao hơn. Chi phí này rốt cuộc được chuyển qua người tiêu dùng
bản địa.
Theo tính toán của
các chuyên gia, kết quả của việc trục xuất có thể là giá cả tăng ít nhất vài
phần trăm trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Nhà nghiên cứu Yakov Dubenetsky
của Viện Dự báo Kinh tế Nga không loại trừ những hậu quả tiêu cực đối với nền
kinh tế do chiến dịch chống người nhập cư bất hợp pháp. Cuộc chiến này đã tăng
nhiệt vào thời điểm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga chững lại và việc mất đi
vài phần trăm tăng trưởng GDP có thể rất nhạy cảm. Ông Dubenetsky không phản
đối việc cần minh bạch thị trường lao động. Tuy nhiên, cách thức thực hiện
không thể chỉ là bắt giữ và trục xuất hàng trăm hay hàng nghìn người nhập cư
bất hợp pháp, mà là trao cho họ cơ hội để bước ra khỏi bóng tối, hợp thức hóa
thân phận họ trên lãnh thổ Nga. Trong 2 năm qua đã có 1,2 triệu người nước
ngoài đã rời khỏi “khu vực đen” của nền kinh tế nhờ hệ thống môn bài. Cần đi
theo con đường này, đồng thời kết hợp với hệ thống hạn ngạch.
Tổng giám đốc Tập
đoàn ROSS Vladimir Stukan cho rằng, cuộc chiến chống người nhập cư bất hợp pháp
không thể tránh khỏi sẽ làm tăng giá một số hàng hóa và dịch vụ. Theo ông, chủ
lao động sẽ phải trả lương cao hơn (cho người lao động hợp pháp và thậm chí trả
thêm thuế). Tuy nhiên, cũng có những ưu điểm là, có thể trông đợi sự cải thiện
trên thị trường lao động do không còn chuyện phá giá, nguồn thu thuế tăng và
giảm bớt tình trạng tội phạm trong môi trường lao động nhập cư.
Phó giám đốc Trung
tâm Phân tích quốc gia Nga, Gleb Pokatovich, khi đề cập tới vấn đề lao động
nhập cư bất hợp pháp, nói hậu quả trực tiếp của nó là hiện tượng lương duy trì
ở mức thấp. Ông Pokatovich nhấn mạnh: “Chúng ta rơi vào tình thế, người lao
động đánh mất động lực được học và cải thiện khả năng của họ. Việc không có
người lao động nhập cư sẽ ảnh hưởng tới GDP. Song thực hiện điều này trước tiên
còn phụ thuộc vào các biện pháp cải thiện thị trường lao động. Trục xuất sẽ
không giúp cải thiện tình hình, nếu thay vào chỗ người lao động bị trục xuất
lại là những lao động nhập cư bất hợp pháp khác”.
------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét