Thứ Năm, 25 tháng 6, 2009

Những hậu quả của tham nhũng - Phần I

NHỮNG HẬU QUẢ CỦA THAM NHŨNG - P.I
NHỮNG HẬU QUẢ CỦA THAM NHŨNG - P.I magnify

Những hậu Qủa Của Tham Nhũng

TS Nguyễn Ngọc Hùng

Tham nhũng tiếng anh gọi là corruption, xuất phát từ tiếng La-Tinh corrumpere, có nghĩa là hư hỏng, bại hoại, tiêu hủy. Tổ chức minh bạch quốc tế (Transparency International) định nghĩa tham nhũng là lạm dụng chức vụ hay quyền hành của cơ quan chính quyền hay cơ sở kinh tế thương mại làm ích lợi cho cá nhân.

Qua định nghĩa trên, tham nhũng bao gồm cả hối lộ, lợi lộc cá nhân do chức vụ đem đến, chọn người quen, người thân vào những chức vụ mà lẽ ra nhiều người khác có thể làm nhiệm vụ đó tốt hơn, quyết định không dựa trên nền tảng ích lợi của đơn vị (công ty, thương, xí nghiệp, thành phố, quốc gia vv...) mà người có quyền quyết định, như chọn công ty, thực hiện dự án không qua tiêu chuẩn giá cả, chất lượng hay những tiêu chuẩn đặc biệt đã được qui định (ưu tiên cho những công ty trong vùng để yểm trợ phát triển địa phương hay giảm tình trạng thất nghiệp của điạ phương vv...) mà theo tiêu chuẩn bè phái cá nhân hay đổi chác vv...

Ngày 31.07.2002 Gregor Gysi, cựu chủ tịch đảng dân chủ xã hội chủ nghĩa (hậu thân của đảng xã hội thống nhất Đức SED) đã từ chức bộ trưởng kinh tế tiểu bang Berlin (Đức) với lý do đã xử dụng vé máy bay do hãng hàng không Lufthansa tặng cho chuyến du lịch tư. Trong những chuyến công vụ với hãng hàng không Lufthansa, Gregor Gysi cũng như mọi hành khách khác được một số điểm của hãng hàng không này, khi thu thập được một số điểm nhất định hành khách sẽ được tặng 1 vé máy bay. Gysi đã dùng vé máy bay này cho chuyến du dịch tư.

Thống đốc ngân hàng liên bang Đức, Erst Weltecke tham dự dạ hội cho mừng sự dẫn nhập đồng Euro trong giao thừa 2001/2002 đã để Dresdner Bank, một ngân hàng tư nhân Đức trả tiền khách sạn cho gia đình. Tháng 8.2004 sự kiện được báo chí phanh phui, Weltecke phải trả lại tiền cho Dresdner Bank và từ chức.

Tham Nhũng làm thay đổi mọi lãnh vực trong trong xã hội như kinh tế, luật pháp quốc gia, dân chủ, luân lý, giáo dục vv... Những tổn thất do tham nhũng gây nên thật khó đo lường cho hết, những tổn thất thuộc về vật chất như:

- Cản trở đầu tư nước ngoài .

- Thất thoát vốn đầu tư trong nước .

- Giảm tốc độ làm việc, sản xuất .

- Giá sản phẩm đắt hơn thực tế, lương tăng theo nhịp độ giá hàng hóa, sức cạnh tranh với nước ngoài yếu hơn .

- Phá hủy chỗ làm, thất nghiệp cao.

- Nợ quốc gia tăng qúa mức thực tế.

- Hạn chế phát triển kinh tế.

Tham nhũng không những lũng đoạn xã hội về mặt vật chất mà còn làm băng hoại xã hội về mặt tinh thần như :

- Nhân tài không được trọng dụng dẫn đến tình trạng thất thoát ra nước ngoài (chảy máu chất xám) .

- Gia tăng tệ nạn xã hội .

- Luật pháp quốc gia bị lũng đoạn .

- Nền tảng xã hội bị hủy hoại, đạo đức bị suy đồi .

- Phản giáo dục, làm gương xấu cho những thế hệ sau .

Những tác hại về mặt tinh thần nêu trên là điều kiện căn bản cho sự phát triển một xã hội lành mạnh và cũng là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển kinh tế, một quốc gia giầu mạnh.

Cản trở đầu tư nước ngoài

Mục đích đầu tư của thương gia nước ngoài là lợi nhuận, họ đầu tư vào những nơi có lợi nhuận cao, nơi mà quyền lợi và của cải đầu tư của họ được bảo đảm. Trong một nước tham nhũng cao, luật pháp thường lỏng lẻo không bảo đảm được tài sản của người đầu tư. Trong quá khứ xác xuất thất thoát tài sản đầu tư ở những nước do tham nhũng gây nên không phải là những con số khiêm nhượng.

Kết quả của nhiều tham khảo đã khẳng định sự tương quan đồng thuận giữa tham nhũng và đầu tư nước ngoài - những nơi có mức tham nhũng cao thì đầu tư nước ngoài thấp.

Thất thoát vốn đầu tư trong nước

Để có thể che dấu hành động tham nhũng và cũng nhằm bảo đảm tài khoản tham nhũng được, những nhân vật tham nhũng thường chuyên tài khoản này ra nước ngoài. Có người lập những trương mục bí mật tại Thụy sĩ, Luxembourg v.v... Có người dùng tiền tham nhũng lập những thương, xí nghiệp ở nước ngoài với chủ nhân là những người thân tín. Nếu tài khoản này không bị chuyển ra nước ngoài sẽ được dùng chi phí cho các dự án, đầu tư ở trong nước để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Giảm tốc độ làm việc, sản xuất

Hầu có thể nhận được tiền hối lộ, những cán bộ, nhân viên hữu trách phải kéo di thời gian giải quyết sự việc để người trong cuộc phải trả tiền. Những dự án không có tham nhũng, mọi thành viên hữu trách của dự án gắng sức đạt kết quả cao về số lượng cũng như về phẩm chất, trong khi những dự án có tham nhũng ỷ lại, làm qua loa có lệ vì “đút tiền là xong!”.

Mối tương quan giữa sản xuất và tham nhũng : Những nơi có tham nhũng cao mức độ sản xuất thấp, ngược lại những nơi có tham nhũng thấp ở đó mức độ sản xuất cao.

Giá sản phẩm đắt hơn, lương tăng theo nhịp độ giá hàng hóa, sức cạnh tranh với nước ngoài yếu hơn

Tốc độ làm việc giảm ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng sản phẩm sản xuất cũng như dịch vụ, mặt khác tiền trả cho tham nhũng làm tăng thêm phí tổn sản xuất. Số luợng sản xuất giảm, chất lượng kém hơn trước, tổn phí sản xuất tăng, những sự kiện này làm tăng gía sản phẩm nhưng với chất lượng kém hơn trước đây, sức cạnh tranh với những quốc gia khác do đó yếu hơn trước. Vật giá gia tăng nhanh, lạm phát ngày càng cao hơn, lưong nhân công cũng phải tăng phù hợp với vật giá. Nếu lương không tăng kịp với vật gía, đời sống của công, nhân viên bị giảm xuống, đến một mức độ nào đó sẽ xảy ra những cuộc đấu tranh gay gắt. Một khi có những cuộc đấu tranh gay gắt xảy ra, lương trả cho công nhân viên sẽ tăng nhảy vọt vì không chỉ để chỉnh những khác biệt của hiện tại mà còn trong quá khứ. Lương tăng, sản phẩm cũng phải tăng cho phù hợp, người tham nhũng đòi hỏi nhiều tiền hối lộ hơn trước. Vòng luẩn quẩn cứ mãi xoay tròn đến một lúc nào đó giá sản xuất ở Việt Nam cao hơn những nước khác.

Phá hủy chỗ làm, thất nghiệp cao

Khi giá sản xuất tại Việt Nam cao hơn những quốc gia khác, những nhà đầu tư ngoại quốc sẽ dời sản xuất qua những quốc gia với giá sản xuất thấp hay tham nhũng thấp hơn, việc làm trong nước do đó ít đi. Đồng thời tài khoản tham nhũng bị chuyển ra nước ngoài thay vì để đầu tư trong nước tạo công ăn việc làm cho dân chúng. Những tác dụng đó hỗ tương với nhau tạo nên tỷ lệ thất nghiệp cao.

Trong thập niên 90 ba tổng công ty GEC Alsthom (của Anh và Pháp), Siemens (Đức) và Hyundai (Nam Hàn) tranh nhau hối lộ cho những viên chức có thẩm quyền quyết định ký kết hợp đồng thi công xây dựng tuyến đường tầu tốc hành tại Nam Hàn. Cuối cùng GEC Alsthom thắng thầu, 2 đối thủ thua đã chi hàng chục triệu USD (Siemens chi 70 triệu DM ), tương đương 35 triệu EUR). Để cân bằng 2 tổng công ty này phải xa thải nhân công.

Nợ quốc gia tăng quá mức thực tế

Phí tổn của những dự án xây dựng hạ tầng cơ sở thường được chi phí do tiền vay từ nước ngoài. Để có thể nhận thi công dự án, các công ty đấu thầu phải trả tiền hối lộ, những người có quyền quyết định sẽ chọn công ty nào trả tiền hối lộ cao nhất, chi phí cho tham nhũng được công ty thi công đấu thầu tính vào dự án, nên tổn phí dự án cao hơn thực tế. Những cuộc kiểm tra chất lượng từng phần của dự án do đút lót không được thi hành đúng đắn, nên những dự án bị ảnh hưởng tham nhũng thường thiếu phẩm chất. Thay vì những công ty thi công bắt buộc phải khắc phục những thiếu sót miễn phí thì lại được nhận thêm hợp đồng với tiền trả ngoại lệ cho việc khắc phục những khuyết điểm của dự án. Qua đó tổn phí dự án tăng thêm và quốc gia phải mang nợ nhiều hơn, khoảng 1/3 tổng số nợ của các nước phát triển do tham nhũng gây ra. ngoài ra tham nhũng làm giảm thu nhập hay tăng chi phí quốc gia, thí dụ như đút lót nhân viên hữu trách để trả ít thuế, để khỏi trả tiền phạt, gian lận, ăn cắp của công vv... do đó chính phủ phải mượn nợ nhiều hơn cho những chi phí quốc gia.

Hạn chế phát triển kinh tế

Khi những điều kiện cho sự phát triển kinh tế bị huỷ diệt như vốn trong nước bị thất thoát ra nước ngoài, vốn từ nước ngoài đầu tư nhỏ giọt, lương nhân công cao, giá sản phẩm cao, sức cạnh tranh với nước ngoài yếu vv... kinh tế trong nước sẽ chậm phát triển hoặc giả có thể gây khủng hoảng kinh tế như trường hợp nhiều nước ở Nam Mỹ .

Nhân tài không được trọng dụng dẫn đến tình trạng thất thoát nhân tài ra nước ngoài, cản trở phát triển khoa học kỹ thuật

Trong đại học phải có “bồi dưỡng“ thầy, cô mới được đề tài tốt nghiệp phù hợp sở thích, điểm cao. Khi tốt nghiệp ra trường, ngoài tiền bồi dưỡng phải quen biết lớn mới có chỗ làm tốt, hợp sở thích.Trong hoàn cảnh như vậy, nhân tài khó có thể phát triển, nếu có phát triển được nhưng không quen biết và không có tiền để hối lộ cũng không được trọng dụng nên họ thường làm việc không đúng ngành. Những người khá hơn, may mắn hơn kiếm việc trong các công ty nước ngoài. Sự thất thoát nhân tài không chỉ thất thoát hiểu biết qua đó cản trở phát triển khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế mà còn làm tăng thất nghiệp trong nước, vì chuyên gia cần thiết cho công việc của họ cần nhiều người phụ giúp, con số người phụ giúp tùy thuộc vào dự án lớn hay nhỏ, có nhiều dự án lớn cần thiết nhiều nghìn người.

Mặt khác các công ty lớn nước ngoài có nhiều tiền cuả, do kinh nghiệm trong lãnh vực hối lộ và quen biết đường giây hối lộ những viên chức hữu trách nên thường thắng thầu các dự án. Các công ty trong nước do không có nhiều hợp đồng nên không có điều kiện và tài chánh cho những công trình nghiên cứu rộng lớn và thu thập kinh nghiệm nghề nghiệp.

Tăng trưởng tệ nạn xã hội

Để công việc không bị cản trở những kẻ phạm pháp tìm cách mua chuộc cán bộ, nhân viên, thành viên chính quyền. Nếu những viên chức này tham nhũng thì hành vi của những kẻ phạm pháp được che chở và trở thành “hợp pháp hoá“. Người dân hàng ngày chứng kiến những hành vi phạm pháp nhưng không bị trừng phạt, dần dần họ quen thuộc với những hành vi này và cuối cùng trở thành bình thường hoá trong xã hội. Kết quả của nhiều bài tham khảo đưa đến kết luận rằng, tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính làm tăng trưởng tệ nạn xã hội.

Luật pháp quốc gia bị lũng đoạn

Khi nhận tiền hối lộ những viên chức đã phạm luật pháp, sau khi nhận tiền và để những kẻ hối lộ phạm pháp những viên chức hữu trách đã tự lập ra luật pháp mới và áp dụng chúng thay vì luật pháp quốc gia hiện hành. Nếu trong một quốc gia có 1 triệu viên chức tham nhũng, trong quốc gia đó sẽ có 1 triệu cơ quan lập pháp và hành pháp tư nhân được thực dụng, trong lúc cơ quan lập pháp và hành pháp chính thức của quốc gia chỉ là bù nhìn.

Nền tảng xã hội bị hủy hoại, đạo đức bị tàn phá

Đạo đức, luân lý trong xã hội định nghĩa sự liên hệ, cách đối xử giữa con người với nhau trong xã hội đó. Theo Khổng Giáo con người được giáo dục gìn giữ Tam Cương, Ngũ Thường. Một khi xã hội bị tham nhũng thống trị , tệ nạn xã hội tăng trưởng, những viên chức thay vì bảo vệ luật pháp lại nhận tiền hối lộ bao che những kẻ phạm pháp, người dân trước kia được viên chức tận tình giúp đỡ những khi cần thiết nay bị hạch sách đủ điều . Do đời sống ngày càng khó khăn do tham nhũng gây nên, để sống còn người dân lương thiện cũng phải bất chấp làm mọi việc, kể cả những việc phản đạo đức, phạm pháp. Mối liên hệ, cách đối xử giữa con người với nhau trong xã hội bị thay đổi, giá trị luân lý, đạo đức trước kia bị mất hiệu lực!

Phản giáo dục, làm gương xấu cho những thế hệ sau

Từ khi lọt lòng mẹ trẻ nhỏ đã chứng kiến những lợi lộc do chức vụ đem lại“ hay những “chạy trọt“ nhằm hoán chuyển việc làm bất hợp pháp trở thành hành vi chính nghĩa của cha mẹ, người thân, họ hàng, hàng xóm... Khi đi học đến trường phải tặng quà, phải đi học kèm thêm ở nhà thầy cô mới được điểm tốt... Những tục lệ“ này được hấp thụ từ ấu thơ nên đối với chúng là chuyện thường tình “có tiền mua Tiên cũng được” và “không trò đố thầy dạy ai?”, học trò đương nhiên trở thành “khách hàng” của thầy cô giáo vì “khách hàng là vua” nên học trò không nhất thiết phải cố gắng học hành nhưng vẫn được điểm cao. Khi lớn lên chúng sẽ bắt chước người lớn phạm pháp vì “cha mẹ chúng sẽ dùng tiền biến mọi việc thành chính nghiã!”.

Sáu bài học chống tham nhũng từ Singapore

Trong các bảng xếp hạng, Singapore vẫn thường nằm trong tốp các nước ít tham nhũng nhất thế giới. Trong bảng xếp hạng năm 2005 của Tổ chức Minh bạch quốc tế ( Transparency International ), Singapore đứng thứ năm nhóm nước trong sạch nhất, chỉ sau Iceland, Phần Lan, New Zealand và Đan Mạch.

Để có vị trí này, Singapore đã trải qua một quá trình chuyển hóa không ít khó khăn. Khi đảng Nhân dân hành động (PAP) của ông Lý Quang Diệu lên nắm quyền, họ nhận thức rằng phải chống tham nhũng thì mới đạt được mục tiêu phát triển.

Trong ba yếu tố tạo nên tham nhũng, ban đầu Singapore chưa thể làm gì với yếu tố lương bổng vì năm 1960, đây vẫn là nước nghèo với GDP trên đầu người chỉ là 443 USD. Vì vậy, chính phủ tập trung vào hai yếu tố tạo tham nhũng còn lại : giảm thiểu cơ hội tham nhũng và tăng cường hình phạt

Một luật chống tham nhũng mới ra đời, với 32 phần (thay vì 12 như hồi năm 1937). Có một số sửa đổi quan trọng như án phạt tăng lên năm năm tù, người nhận hối lộ phải trả lại hết tiền đã nhận. Văn phòng điều tra tham nhũng (CPIB) được tăng quyền hạn, với khả năng điều tra “mọi tài khoản ngân hàng” của những ai bị nghi có hành vi phi pháp.

Một người có thể bị khép tội tham nhũng ngay cả khi người đó chưa nhận tiền hối lộ, vì ý định phạm pháp đã đủ để khép tội người này. Công dân Singapore phạm tội nhận hối lộ ở nước ngoài cũng bị xử như phạm pháp trong nước. Cả khi bị cáo qua đời, tòa áncũng có quyền ra lệnhtrưng thu tài sản có được từ tham nhũng.

Cho mãi tới thập niên 1980, khi đã phát triển kinh tế, Singapore mới đủ khả năng làm nốt phần còn lại trong chiến lược chống tham nhũng là tăng lương cho nhân viên. Tháng 3-1985, thủ tướng Lý Quang Diệu tuyên bố các lãnh đạo chính trị cần được trả lương thật cao để bảo đảm chính quyền trong sạch. Ông nói cách hay nhất chống tham nhũng là “đi cùng thị trường”, thay vì thói đạo đức giả đã tạo nên tham nhũng.

Theo giáo sư Jon S.T. Quah, khoa chính trị học ở Đại học Quốc gia Singapore, kinh nghiệm của Singapore không dễ lặp lại ở các nước vì hoàn cảnh đặc thù và vì những chi phí chính trị và kinh tế của việc trả lương cao. Tuy nhiên, có sáu bài học có thể tham khảo.

Thứ nhất : bộ máy lãnh đạo phải thực tâm chống tham nhũng và trừng phạt bất cứ ai có hành vi tai tiếng.

Thứ hai : phải có các biện pháp chống tham nhũng đầy đủ, không có lỗ hổng và thường xuyên được xem lại để thay đổi, nếu cần thiết.

Thứ ba : cơ quan chống tham nhũng phải trong sạch. Không nhất thiết phải có quá nhiều nhân viên, và bất kỳ thanh tra nào tham nhũng cũng phải bị trừng phạt và đuổi ra khỏi ngành

Thứ tư : cơ quan chống tham nhũng phải tách khỏi bộ máy cảnh sát.

Thứ năm : để giảm cơ hội tham nhũng tại các ngành dễ sa ngã như hải quan, thuế vụ, công an giao thông, các cơ quan này phải thường xuyên kiểm tra và thay đổi qui định làm việc.

Thứ sáu : động cơ tham nhũng trong khối nhân viên nhà nước và quan chức có thể giảm bớt nếu lương và phụ cấp cho họ có tính cạnh tranh với khu vực tư nhân.

Và dĩ nhiên, mọi chiến lược đều không thành công nếu lãnh đạo chỉ nói suông và thiếu ý chí chính trị.

Kichbu Copy & Post

Tham khảo:

. Nhật bản nghĩ gì?http://www.bbc.co.uk/vietnames/vietnam/story/2008/09/080925_japan_pci_view.shtml

Tags: thamnhung | Edit Tags
Monday September 29, 2008 - 09:32pm (ICT) Edit | Delete | Permanent Link | 7 Comments

10 nhận xét:

  1. Trung Quốc: tội tham nhũng nặng là đem bắn. Chỉ xét xử 1 lần. Bắn trong vòng 7 ngày. Nhưng tham nhũng vẫn đầy nghẹt, ăn nên làm ra :)

    Singapore: chống tham nhũng hàng đầu thế giới. Cơ quan phụ trách chống tham nhũng hoàn toàn độc lập với chính phủ, không bị ai can thiệp khi điều tra, bắt giữ.

    Vietnam: các lãnh đạo chúng ta rất nhân đạo, tham nhũng thường xuyên được khoan hồng, ân xá, giảm án, có nhiều 'tình tiết' hỗ trợ giảm nhẹ tội (gần như không có ai chung thân hay tử hình dù chấm mút tới nhiều triệu USD). Tiến tới 'đinh hướng' bỏ hẳn việc tử hình, hợp thức hóa bằng luật pháp :) (Để các quan chức 'cộng sản','vô sản' còn 'nhảy dù' an toàn, về vườn hưởng già nữa chứ)

    Trả lờiXóa
  2. Thường thì khi bị/được đặt vào tình thế (buộc phải) tham nhũng, khó mà cưỡng lại cám dỗ lắm

    Trả lờiXóa
  3. Cám dỗ đi đôi với NỖI SỢ - TRÁCH NHIỆM. Cái nào lớn hơn, sẽ lấn át cái kia. Tiền thì ai chả thích?
    Ở quốc gia dân chủ, người ta kiểm soát lẫn nhau (CP, NN , dân, Phóng viên...v.v), ràng buộc trách nhiệm, đụng tới pháp luật là chết. Ít người tham nhũng.

    Ở VN, TQ, Quan chức không có NỖI SỢ (vì quen biết các cấp, COCC, quyền và luật,hiến pháp, quân đội đều nằm trong tay, dân ko 'chỏ' vào được, phóng viên, báo chí cũng được kiểm soát chặt chẽ), và TRÁCH NHIỆM thì rất mơ hồ, mông lung...do đó, tham nhũng là hiển nhiên, thành cơ chế của bộ máy NN, 'tập đoàn quyền lực' mang tên đcs :) Chẳng những không cần phải 'cưỡng lại cám dỗ' mà còn thích thú, khoái có quyền có chức trong tay, tha hồ ăn nhậu, chấm mút...hehe

    Trả lờiXóa
  4. Không sợ chết ( bỏ án tử hình ), chỉ sợ không dám (biết cách) ăn- vì sẽ bị loại ra khỏi cái đám đang ăn.

    Trả lờiXóa
  5. Đảm bảo 100% là dám. Leo lên không ăn cũng bị đá văng ra chỗ khác, để người khác còn ăn nữa chứ. Lo ăn nhanh, thu hồi vốn lại, chứ lơ mơ là lỗ vì đâu phải dễ mà có chức, phải chạy chọt chứ có phải tự nhiên mà có được... ^_^

    Trả lờiXóa
  6. Kẻ tham nhũng hô hào người không tham nhũng chống tham nhũng. Kết quả, kẻ chống tham nhũng bị bắt hoặc bị trù dập, bị đánh bật khỏi tổ chức..., để những kẻ tham nhũng tiếp tục tham nhũng ngày càng nhiều hơn he he...

    Trả lờiXóa
  7. huhu, chống tham nhũng, nghĩa là chống quan chức, chống NN, phản động => Làm lộ " bí mật quốc gia" (khui ra, nước khác nó đánh giá, mất mặt quan chức đcs), do đó, phải cho vào tù thui :)

    Trả lờiXóa
  8. Kẻ tham nhũng hô hào người không tham nhũng chống tham nhũng. Kết quả, kẻ chống tham nhũng bị bắt hoặc bị trù dập, bị đánh bật khỏi tổ chức..., để những kẻ tham nhũng tiếp tục tham nhũng ngày càng nhiều hơn, hu hu ...

    Copy and paste của Kinie

    Trả lờiXóa
  9. Nghệ thuật COPYANDPRỌECT phải học tập Tung Cua

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter