Nhìn Lại Chính Sách Quốc Phòng Của Các Quốc Gia Đông Nam Á : Chính Sách Quốc Phòng Của Mã Lai
Nguyễn Minh - Kiều bào Nhật Bản
------
Đọc thêm
. Sóng ngầm dưới mặt Biển Đông
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/11/081117_eastseaargument.shtml
Chủ quyền VN ở vùng Nam Côn Sơn, Tư Chính, Vũng Mây
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5522/index.aspx
. TQ công bố dự án dầu khí khổng lồ
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/11/081125_cnoocsouthc...
. Việt Nam lại bày tỏ quan ngại...
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/11/081128_viet_reax_cnooc.shtml
------
"...Nét độc đáo của chính sách quốc phòng Mã Lai là đa phương hóa các nguồn cung cấp vũ khí..."
So với các quốc gia Đông Á, ngân sách quốc phòng của các quốc gia Đông Nam Á tuy có kém hơn nhưng cũng hơn hẵn phần còn lại của thế giới. Hiện nay khu vực Đông Á và Đông Nam Á đang là một trung tâm xung đột thường trực, cả về chính trị, kinh tế lẫn văn hóa và chủng tộc. Nhìn bề ngoài khu vực Biển Đông lặng như mặt nước hồ thu, nhưng trong thực tế rất sôi động, ngân sách quốc phòng của từng quốc gia Đông Á và Đông Nam Á đã không ngừng tăng lên những năm gần đây.
Mã Lai hiện nay là một trong những quốc gia giàu có nhất trong vùng Đông Nam Á : GDP dự trù cho năm 2006 là 143,6 tỷ USD, lợi tức đầu người khoảng 5.440 USD và tỷ lệ phát triển kinh tế ở mức : 6%. Với tiềm năng này, Mã Lai lôi kéo mọi chú ý về phía mình.
Sự thành công này đã nhờ một phần lớn vào một quá khứ lâu dài quan hệ với người phương Tây. Sau khi Liên Bang Mã Lai được thành lập ngày 16-9-1963, giới lãnh đạo Mã Lai tập trung mọi cố gắng vào việc giữ gìn đồng thuận dân tộc, vì Liên Bang Mã Lai là một quốc gia đa chủng, trong đó 1/3 là người gốc Mã Lai bản địa, số còn lại là những người nhập cư, đông nhất là người Hoa (1/3 dân số), và con cháu của hai nhóm chủng tộc chính này.
Vì trải dài trên một vùng đất rộng, vừa bán đảo vừa hải đảo, dân số Mã Lai không được phân bổ đồng đều. Hơn 2/3 dân số tập trung trên bán đảo Tanah Melayu, việc bảo vệ lãnh thổ rất là phức tạp. Nhưng nét độc đáo của nền quốc phòng Mã Lai là biết đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, do đó không bị lệ thuộc vào một cường quốc nào mà ngược lại chính các quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn đã và đang tìm mọi cách lấy lòng chính quyền Mã Lai để bán hàng.
Project 88 và nâng cấp lực lượng không quân
Trong chiến lược phát triển quốc phòng 5 năm lần thứ 6 (6MP), từ 1991 đến 1995, Mã Lai đã đầu tư 2,4 tỷ USD để hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là trong hai lãnh vực không quân và hải quân.
Đây là một chiến lược quốc phòng lớn nằm trong kế hoạch 15 năm, mang tên Project 88, giữa Anh và Mã Lai, theo đó Anh sẽ trang bị cho quân đội Mã Lai những trang thiết bị cơ bản tối tân nhất để sau đó tự huấn luyện và phòng vệ : 2 dàn radar phòng không, hệ thống chỉ huy tác chiến (từ 1993 dến 1995), 2 tuần dương hạm Corvet (được Anh giao trong hai năm 1996 và 1997), xây dựng trung tâm huấn luyện lực lượng triển khai nhanh (RDF-Rapid Deployment Force). Mục đích của kế hoạch này là để bảo vệ những quyền lợi của Mã Lai trên Biển Đông, đặc biệt là trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Hai tàu Corvet có trọng tải 2.270 tấn, chạy bằng diesel (do Đức sản xuất) là hai tàu chiến được trang bị tối tân nhất tại Đông Nam Á thời đó. Với tốc độ 27 knot/giờ, mỗi tàu được trang bị một khẩu đại pháo 57 mm, 2 dàn phóng hỏa tiễn đối hạm 30 mm, 8 hỏa tiễn đối hạm, 16 máy bắn hỏa tiễn lên thẳng (VLS) hạm đối không Seawoof của Anh. Ngoài ra mỗi tàu còn được trang bị hai máy phóng ngư lôi liên tục, một máy bay trực thăng Superlynx. Ngoài ra quân đội Anh còn có trách nhiệm (Offset) huấn luyện và đào tạo chuyên viên kỹ thuật cho quân đội Mã Lai trong các ngành đóng tàu, tu sửa chiến hạm, các trang thiết bị kỹ thuật và vũ khí mới.
Năm 1997, Mã Lai gặp khó khăn về tài chánh nên các Project 88 và Offset nhường chỗ cho các kế hoạch 7MP và 8MP. Mục tiêu của hai kế hoạch MP (Malaysian Project) này là cho đến năm 2005, quân đội Mã Lai sẽ biến dạng từ một lực lượng quân sự địa phương sang một đội quân chính quy đủ khả năng can thiệp trên bất cứ chiến trường nào từ trên không, trên bộ và dưới biển. Theo đó, lực lượng không quân Mã Lai sẽ thay thế các chiến đấu cơ kiểu F5 (Mỹ) sang Mig 29 (18 chiếc mua của Nga, với giá 20 triệu USD/chiếc) và phản lực cơ chiến đấu FA-18A và D (8 chiếc mua của hãng Boeing, với giá 30 triệu USD/chiếc). Loại chiến đấu cơ FA-18D có trang bị thêm bởi trạm radar lưu động trên không để phát hiện các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, từ quần đảo Trườøng Sa đến vịnh Thái Lan.
Sở dĩ Mã Lai mua chiến đấu cơ Mig 29 của Nga năm 1993 là vì có nguồn cung cấp phụ tùng với giá rẻ từ Ấn Độ. Từ đầu thập niên 1990, Ấn Độ đã trở thành một cường quốc quân sự tại Nam Á và đã nhận huấn luyện phi công trực thăng của Mã Lai. Năm 1992, Ấn Độ đã tự sản xuất hầu hết các loại phụ tùng quân sự do Nga chế tạo và trở thành nhà cung cấp phụ tùng quân sự do Nga thiết kế, trong đó có phụ tùng Mig 29 bán cho các quốc gia sử dụng vũ khí của Nga như Việt Nam, Lào...
Từ sau 1995, theo kế hoạch "Vision 2020" nhằm gia tăng thu nhập của Mã Lai trong 25 năm tới, Mã Lai dồn mọi nỗ lực đầu tư vào những kỹ thuật cao cấp như sản xuất linh kiện điện tử và tin học. Từ 1993 đến 1997 Mã Lai đầu tư 10,25 tỷ USD vào lãnh vực viễn thông : mua vệ tinh viễn thông của công ty Hughes Aerospace (Mỹ) và phóng lên không gian bằng hỏa tiễn Ariane của Pháp.
Cải tổ lại lực lượng đánh bộ
Năm 1989, chính quyền Mã Lai quyết định nâng cao trình độ tác chiến của lục quân. Được Úc hỗ trợ, năm 1990 lữ đoàn Lực lượng triển khai nhanh (RDF-Rapid Deployment Force) của Mã Lai ra đời, khả năng tác chiến tương đương với lực lượng thủy quân lục chiến của các quốc gia phương Tây. Năm 1999 lực lượng này được nâng lên thành cấp sư đoàn và đủ khả năng tác chiến linh động trên khắp lãnh thổ. Cuối năm 2004, lực lượng này đã tham gia tích cực trong việc cứu trợ nạn nhân sóng thần tsunami tại Indonesia.
Đầu thập niên 1990, lữ đoàn RDF chỉ được trang bị bằng những loại vũ khí nhẹ như súng liên thanh AT4 của Thụy Điển, súng chống chiến xa kargustan và cối 81 mm. Đội pháo binh của lực lượng này được trang bị 6 khẩu đại bác 105 mm. Khi được nâng lên cấp sư đoàn, lực lượng RDF được trang bị thêm các loại trực thăng vận tải và chiến đấu mua từ Mỹ, Tây Âu, Nga (loại KA126) và Romania (loại IAR33, hợp tác với hãng Aerospatial của Pháp với bộ phận điện tử của Israel). Ngoài ra lực lượng RDF còn được các loại vận tải cơ C130 (năm 1995, Mã Lai chỉ có 5 chiếc), các tàu đổ bộ và tàu vận tải hỗ trợ.
Ngoài bộ binh, Mã Lai cũng có kế hoạch hiện đại hóa lực lượng thiết giáp vốn rất lỗi thời so với các nước ASEAN khác. Cho đến đầu thập niên 1990, lực lượng thiết giáp của Mã Lai chỉ có 78 chiến xa Scorpion (pháo 90 mm) do Anh để lại. Năm 1995 Mã Lai mua thêm 60 chiến xa MK3 do Do Thái chế tạo và nhập thêm phụ tùng mới để tân trang lại 92 thiết giáp trinh sát Daimla Fairlet có từ 1965 do quân đội Anh để lại.
Từ 1994 đến 2004, Mã Lai cũng đã nhập thêm từ Anh, Pháp và Nam Hàn các loại xe bọc sắt cơ giới (MICV) và xe bọc sắt hỗ trợ bộ binh (IFV). Những xe này được gắn thêm hỏa tiễn chống chiến xa Voforce của Thụy Điển và Milan 2 của công ty Euro Missile (Pháp).
Về lực lượng pháo binh dã chiến, ngoài các dàn pháo 105 mm có sẵn từ trước và 9 khẩu đại pháo F4-70 mua của châu Âu, Mã Lai đã nhập thêm 31 khẩu pháo 155 mm để tăng cường khả năng tác chiến và phòng vệ biên giới. Binh chủng pháo binh Mã Lai còn được trang bị thêm bằng các loại radar đối pháo Fire Finder TPQ36 do công ty Hughes của Mỹ sản xuất.
Để tăng cường khả năng phòng thủ, Mã Lai đã mua 8 khẩu cao xạ 35 mm Ericon GDF của Thụy Sĩ. Ngoài ra bộ binh Mã Lai còn được trang bị 48 hỏa tiễn địa đối không Startburst của Anh, và sẽ được grang bị thêm bằng các loại hỏa tiễn Lorand lớn hơn, bay xa hơn do Đức và Pháp chế tạo. Trong các kế hoạch 8MP và 9MP, Mã Lai cũng dự định mua thêm các loại hỏa tiễn Crotal NG (Pháp), Rappier (Anh), Adatas (Mỹ và Canada) để trang bị cho quân đội.
Cải tổ hải quân và hợp tác quân sự đa phương
Từ 1993, sau khi có hai khu trục hạm Calvet, Mã Lai đã mua thêm 18 tàu viễn dương (OPV) để đủ sức bảo vệ vùng biển đặc quyền kinh tế 20 hải lý, đặc biệt là tại quần đảo Trường Sa, và để ngăn chặn nạn hải tặc, buôn lậu và ô nhiễm trên vùng biển Mã Lai.
Nạn hải tặc hiện nay là vấn nạn chung của các tàu thuyền qua lại eo biển Malacca. Năm 1990 có 36 vụ hải tặc, năm 1991 tăng lên 56 vụ. Từ đầu năm 2000 đến nay, các vụ hải tặc tuy có ít hơn nhưng kỹ thuật tấn công và cướp tàu tinh vi hơn nhờ những kỹ thuật truyền tin, vũ khí mới, tàu cao tốc, và rất là khó truy tìm hậu cứ.
Từ 1991 đến 1993, cũng ở eo biển Malacca đã xảy ra liên tiếp mấy tai nạn chìm tàu chở dầu làm ô nhiễm cả vùng biển, gây thiệt hại cho ngành đánh cá và du lịch. Do đó các tàu chở dầu, chở hàng và khách đề phải do các tàu OPV của Mã Lai hướng dẫn để đi qua eo biển an toàn.
Các loại tàu OPV của Mã Lai có trọng tải từ 800 đến 1200 tấn, chạy bằng diesel, tốc độ 20 knots, có thể chạy liên tiếp 6.000 hải lý và có trữ lượng lương thực dùng được 21 ngày ; trên boong tàu trực thăng có thể bay và đáp dễ dàng, kể cả khi có giông bão. Chỉ một chiếc OPV đầu tiên phải mua từ nước ngoài, những chiếc còn lại do hai công ty Narval Dakyack của Mumut và Malaysia Shipbuild & Equipment ở Lahore đóng. Mã Lai dự trù vào năm 2010 sẽ tăng cường thêm 15 chiếc nữa.
Về khả năng phòng vệ dưới biển, từ nay cho đến năm 2010, hải quân Mã Lai sẽ được trang bị 8 tàu ngầm ( theo kế hoạch 9MP ) cỡ trung, chạy bằng diesel.
Hiện đại hóa quân đội của Mã Lai là một kế hoạch tốn kém nhất trong các nước ASEAN. Quốc hội Mã Lai đã không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng trong suốt 20 năm qua : từ 2,5% (1993) lên 5% trong những năm 2000, kinh phí quốc phòng trung bình khoảng 3 tỷ USD/năm.
Nhưng nét độc đáo của chính sách quốc phòng Mã Lai là đa phương hóa các nguồn cung cấp vũ khí. Năm 1988, Mã Lai đã ký Thỏa thuận hợp tác quân sự với Anh, năm 1992 ký Hiệp ước kỹ thuật phòng vệ với Pháp, năm 1993 ký thỏa thuận hợp tác quân sự với Ý (mua 11 máy bay huấn luyện MB-339A, máy bay trực thăng A-1090, A-61N, tàu phá mìn), và gần đây với Hoa Kỳ, Thụy Điển và Chile.
Bằng chiến thuật hợp tác quân sự rộng rãi với nhiều nước, Mã Lai cũng tăng cường bảo đảm an ninh quốc gia khi tham gia tăng diễn tập quân sự với các cường quốc quân sự Mỹ, Anh, Pháp, Úc.
Nhưng trở ngại trong chính sách quốc phòng của Mã Lai là quan hệ với các quốc gia lân bang ( Singapore, Thái Lan và Indonesia ). Sự tranh giành quyền lợi kinh tế và ảnh hưởng tôn giáo-chủng tộc là những trở ngại trong việc giữ gìn hòa bình trong vùng. Tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông không làm cho Mã Lai lo ngại lắm vì lực lượng hải quân và không quân của Mã Lai hơn hẳn. Hơn nữa giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông thuộc về chính trị chứ không phải quân sự.
Nền kinh tế Malaysia và những dấu ấn qua từng giai đoạn phát triển
Ngày 31-08-2007 tới đây, Malaysia sẽ kỷ niệm 50 năm ngày giành lại độc lập chủ quyền. Đây cũng là cơ hội để mọi người nhìn lại xem đất nước Đông Nam Á này đã làm được những gì, những bước đi trong thời hiện đại của họ ra sao cũng như những thách thức trong tương lai phía trước.
Với xuất phát điểm từ một nước nông nghiệp, nhưng nền kinh tế Malaysia ngày nay đang được chèo lái bởi các ngành công nghiệp và dịch vụ, trở thành một trong số những quốc gia có kim ngạch buôn bán thương mại lớn trên thế giới. Việc biến một đất nước mà phần lớn đất đai là đồng ruộng, mọc lên san sát những tòa nhà cao tầng và nhà máy công nghiệp, có nền kinh tế phát triển lành mạnh và việc làm ổn định như hiện nay là một điều không hề đơn giản.
Tuyến đường cao tốc Bắc-Nam ( North-South Express ) và sân bay quốc tế Kuala Lumpur (KLIA – Kuala Lumpur International Airport) chỉ là hai trong số những ví dụ khẳng định đẳng cấp thế giới của cơ sở hạ tầng mà đất nước này đã xây dựng nên. Cùng với những chuyển động và lớn mạnh của nền kinh tế, Malaysia cũng đảm bảo cho người dân có thể nhìn về tương lai phía trước với những triển vọng của sự phát triển ổn định và thịnh vượng.
Điều gì đã làm sự thần kỳ này? Nhìn sự phát triển phồn vinh của nền kinh tế Malaysia như ngày nay, không ai có thể hình dung được những bước đi đầy khó khăn trong quá khứ mà đất nước này đã trải qua. Những mốc son đánh dấu sự tiến bộ và thành công của Malaysia có thể được tổng kết và tóm tắt trong một bức tranh toàn cảnh như sau:
Sau khi giành được độc lập vào năm 1957, Malaysia lúc đó là một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu. Nền kinh tế lúc bấy giờ chủ yếu dựa vào sản xuất cao su và thiếc. Hai mặt hàng này cũng trở thành nguồn thu chính từ xuất khẩu của đất nước này. Theo Ủy ban Kế hoạch Kinh tế (EPU – Economic Planning Unit), chúng chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, 28% thu nhập quốc gia và 36% tổng việc làm trong xã hội.
Việc tập trung vào sản xuất và xuất khẩu hai mặt hàng này đã tiếp diễn trong nhiều năm sau đó, cho đến khi xu hướng mở cửa nền kinh tế đã phá vỡ chu trình phát triển kinh tế này và làm lung lay thị trường xuất khẩu cao su và thiếc của Malaysia. Vào cuối những năm 1960, nền kinh tế bị nhấn chìm và năm 1970, xuất khẩu cao su và thiếc đã giảm từ 70% xuống chỉ còn chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các mỏ dầu khí được phát hiện ở ngoài bờ biển Sarawark vào năm 1962 và ở Penisular năm 1971 đã mở đầu cho thời kỳ “đẻ ra trứng vàng” của nền kinh tế Malaysia, nhờ vào sự phát triển và nguồn thu lớn từ ngành công nghiệp khí hóa lỏng và dầu khí. Cũng trong thời kỳ này, các nhà cầm quyền Malaysia đã nhận ra sự phát triển kinh tế nằm ở các ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ. Trong thập kỷ 1970, Malaysia bắt đầu bắt chước những con hổ châu Á và đã chuyển tiếp từ nền kinh tế phụ thuộc vào công nghiệp mỏ và nông nghiệp sang nền kinh tế chế tạo. Với sự đầu tư từ Nhật Bản, các ngành công nghiệp nặng Malaysia nhanh chóng phát triển trong vài năm. Xuất khẩu của Malaysia trở thành khu vực mang lại tăng trưởng chủ yếu.
Ủy ban Kế hoạch Kinh tế Malaysia – EPU, đánh giá giai đoạn giữa những năm 1971 và 1983 là giai đoạn nền kinh tế có được sự tăng trưởng rất cao. Ở giai đoạn này, Nhà nước đã chủ động đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế. Nhiều chương trình kinh tế - xã hội đã được đưa vào áp dụng để phát triển đất nước, điển hình là Chính sách kinh tế mới (NEP) với mục tiêu là xóa đói giảm nghèo và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển cân bằng và ổn định hơn.
Đặc biệt năm 1983, Chính phủ quyết định đưa ra chính sách tự do hóa nền kinh tế, nới lỏng các luật lệ và cải tiến chính sách đầu tư, khuyến khích tư nhân tham gia vào phát triển kinh tế; chủ trương quản lý chặt chẽ việc chi tiêu của khu vực kinh tế Nhà nước; đồng thời đưa ra chủ trương tư nhân hóa các hoạt động kinh doanh và các công ty quốc doanh. Nhờ đó, đến cuối thập kỷ 80, Malaysia chuyển sang nền kinh tế trong đó khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng. Chủ trương tư nhân hóa nền kinh tế và sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp là những dấu ấn quan trọng của nền kinh tế Malaysia trong những năm của thập kỷ 80.
Kết quả của chủ trương này là hầu như tất cả những biểu tượng của sự phát triển kinh tế đất nước cho đến ngày hôm nay, đều thuộc về tư nhân. Từ con đường cao tốc Bắc-Nam cực tốt dài 846 km; Tòa tháp đôi Petronas cao 452 m; tháp truyền hình cao 421 m; sân bay quốc tế KLIA hiện đại “cho 100 năm sau”; thậm chí cả Quảng trường Độc lập tại thủ đô hành chính Putrajaya, cũng của tư nhân. Mỗi năm tới ngày 31/08, Chính phủ phải thuê Quảng trường để làm lễ Quốc khánh.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, tất cả những bước đi đúng đắn và vững chắc trong chủ trương và chính sách ở những giai đoạn trước đó đã đẩy nền kinh tế Malaysia bước vào thời kỳ vàng son nhất trong thập kỷ 90, trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á.
Những năm từ 1991 đến 1997, nền kinh tế Malaysia vẫn không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ và thu nhập bình quân đầu người năm 1997 đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng thời gian ngắn ngủi là 6 năm. Cũng trong thời kỳ này, kế hoạch dài hạn 30 năm (1990-2020), được gọi là “Chương trình phát triển mới” hay “Tầm nhìn 2020” với mục tiêu đưa Malaysia trở thành một nước phát triển vào năm 2020, đã được đưa vào thực hiện.
Tuy nhiên, khi mà đất nước đang trong cuộc chạy đua tới “Tầm nhìn 2020” thì khủng hoảng kinh tế châu Á diễn ra năm 1997, và đương nhiên sự ảnh hưởng mà nó gây ra đối với các nước trong châu lục là điều không thể tránh khỏi. Nền kinh tế Malaysia rơi vào khủng hoảng khá trầm trọng. Năm 1998 tăng trưởng GDP là -6,7%, đồng ringgit mất giá tới 65%.
Trước tình hình đó, Malaysia đã quyết định thực thi “phương thuốc” tự sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước để thoát khỏi cuộc khủng hoảng và khiến nền kinh tế vận hành quay trở lại theo đúng quỹ đạo đã được đề ra; đồng thời, bằng những biện pháp khắc phục khủng hoảng đúng đắn, mà quan trọng nhất là ấn định tỷ giá và kiểm soát vốn, Malaysia đã tạo ra một tâm lý ổn định cho các nhà xuất khẩu. Thêm vào đó, việc áp dụng tỷ lệ lãi suất thấp cũng khiến cho các hoạt động kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng. Ngay từ đầu năm 1999, Malaysia gần như đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trong khi nhiều nước châu Á khác vẫn còn bị mắc kẹt chưa tìm được lối ra.
Có thể nhận thấy người dân và Chính phủ Malaysia đã trải qua một sự biến đổi to lớn trong những năm trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng. Cũng giống như vậy, Chính phủ đã vượt qua và tìm ra động lực phát triển của nền kinh tế trong nhiều năm sau khi diễn ra cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, những cú sốc mà cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1997 gây ra, theo quán tính vẫn tiếp tục tác động đến nền kinh tế trong những năm sau đó, và chúng cũng đã để lại những tổn thất nặng nề.
Ngày nay, khi nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng lành mạnh và ở trên đỉnh cao của sự đầy đủ và sung túc, Malaysia lại tiếp tục phải đối mặt với những thách thức rất lớn, khác xa những thách thức của 50 năm trước đây.
Nhận thấy áp lực đến từ việc toàn cầu hóa nền kinh tế và sự gia tăng tính cạnh tranh từ nền kinh tế các nước trong khu vực, đất nước này đang bắt tay vào thực hiện một Nhiệm vụ quốc gia (National Mission), và Kế hoạch dài hạn 5 năm lần thứ 9 (2006-2010) để chuyển đổi nền kinh tế phát triển lên những nấc thang cao hơn, nâng cao năng lực hiểu biết và đổi mới, thực hiện mục tiêu công bằng kinh tế - xã hội, cải thiện mức sống cũng như năng lực nghiên cứu và thực thi của các cơ quan Chính phủ.
Những chính sách được Chính phủ lập ra như thế sẽ đưa đất nước Malaysia tiếp tục phát triển đi lên những tầm cao mới. Tuy nhiên, một trong những vấn đề rất quan trọng mà Chính phủ Malaysia cũng phải lưu tâm đến, đó là những thách thức và cạnh tranh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác trong khu vực hiện đang nắm giữ những lĩnh vực sản xuất công nghiệp quan trọng.
Kichbu Copy & Paste
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét