Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

MỐI QUAN HỆ TAY BA TRUNG-MỸ-XÔ TRONG XUNG ĐỘT BIÊN GIỚI TRUNG-VIỆT NĂM 1979


 
Người dịch: Trung Thuần
19.8.2010
Nguồn: Báo Hoàn cầu TQ: 1979年中越边境冲突中的美中苏三角关系
http://history.huanqiu.com/txt/2010-08/1029158.html

Trong khoảng thời gian từ 1969-1979, thông qua sự tiếp xúc và đàm phán với Mỹ, Trung Quốc đã kết thúc được sự đối kháng và nghi ngờ từ nhiều năm giữa Trung Quốc và Mỹ, thúc đẩy tiến trình lịch sử bình thường hóa quan hệ giữa hai bên, đồng thời dùng đó làm đột phá khẩu để mở con đường thông sang các nước phương Tây như Tây Âu, Nhật Bản…, từ đó mà làm tăng thêm không gian hoạt động cho ngoại giao Trung Quốc, nâng được địa vị quốc tế của Trung Quốc, điều này giúp ích cho việc cải thiện môi trường an ninh của Trung Quốc, đồng thời cũng ngăn chặn được sự mở rộng của Liên Xô ở một chừng mực nhất định, có tác dụng quan trọng trong việc tránh được cuộc chiến tranh quy mô lớn, bảo vệ hòa bình thế giới. Nhưng sáng kiến chiến lược mang ý nghĩa bước ngoặt này trong ngoại giao Trung Quốc đã không thể duy trì tiếp được mối quan hệ hữu hảo lâu dài với Việt Nam. Sau khi quan hệ Trung-Xô được dịu bớt, Trung Quốc đã thực hành chiến lược “một tuyến” là liên minh với Mỹ để chống lại Liên Xô, còn Việt Nam thì ngày càng ngả về Liên Xô, tới mức liên minh với Liên Xô để ứng phó lại với Trung Quốc và Mỹ. Xung đột biên giới Trung-Việt năm 1979 xảy ra trong bối cảnh ấy thực tế là một trận đối đầu mang ý nghĩa chiến lược giữa một bên là Trung-Mỹ với bên kia là Xô-Việt.

1. Nhân tố Việt Nam trong mối quan hệ chiến lược tay ba Trung-Mỹ-Xô

Xét từ quá trình bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ ở thập kỷ 70 của thế kỷ 20, tầng ra quyết sách của Trung Quốc về mối quan hệ với Mỹ đã chớp lấy thời cơ, đưa ra phán đoán, nắm vững chừng mực, áp dụng mọi biện pháp, giành lấy thế chủ động, xử trí ở mọi khâu về cơ bản là phù hợp; nhưng về mặt xử lí vấn đề quan hệ với Liên Xô một cách đồng thời thì lại quá nhấn mạnh đến mặt đấu tranh, nên có đôi phần cứng nhắc trong chính sách. Khi ấy, sự ước đoán của tầng ra quyết sách về mối uy hiếp quân sự từ Liên Xô đối với nền an ninh Trung Quốc là quá cao, vì thế mà đã có những phản ứng quá độ, thiếu độ linh hoạt với vấn đề ngoại giao và chuẩn bị chiến tranh của Liên Xô, ở một chừng mực nào đó còn ảnh hưởng cả đến địa vị của Trung Quốc vẫn còn chưa được ngã giá trong mối quan hệ tay ba Trung-Mỹ-Xô. Nhất là sau khi Nixon đi thăm Moskva, Mỹ đã uống “rượu Mao đài” rồi lại còn uống cả “vodka” (tuy cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Liên Xô chưa hề vì thế mà chấm dứt, nhưng đã không còn ở thế kiếm tuốt cung giương nữa), đã dần chiếm được vị trí tương đối lợi thế trong mối quan hệ tay ba Trung-Mỹ-Xô.

Trong tình hình chiến lược của cục diện quốc tế, mối quan hệ tay ba Trung-Mỹ-Xô ở thập kỷ 70 của thế kỷ 20 từng phát sinh sự thay đổi chóng mặt, trong quá trình ấy, nhân tố Việt nam đóng vai trò tương đối quan trọng. Đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, Trung Quốc từng lấy việc Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam làm một trong những điều kiện quan trọng để làm dịu mối quan hệ Trung-Mỹ: “Chính phủ Trung Quốc chủ trương lực lượng vũ trang Mỹ cần rút khỏi 3 nước Đông Dương, Triều Tiên, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á để bảo đảm hòa bình ở Viễn Đông”. Mặc dù Trung Quốc đã xem xét đầy đủ đến lợi ích của Việt Nam trong đàm phán với Mỹ, nhưng mối quan hệ Trung-Mỹ dịu đi vẫn tạo thành sự tấn công tương đối lớn vào phương diện quan hệ Trung-Việt, điều này có thể là để thực hiện được mục tiêu chủ yếu khi ấy, Trung Quốc đã buộc phải trả giá (đương nhiên việc vận dụng chính sách một cách thỏa đáng sẽ có thể giảm bớt được sự trả giá ở mức thấp nhất). Ngay từ khi Kissinger kết thúc chuyến đi thăm Trung Quốc rồi ra “Tuyên bố chung Trung-Mỹ” năm 1971, tờ “Nhân dân” của Việt Nam đã từng đăng một bài xã luận có nhan đề “Học thuyết Nixon chắc chắn bị phá sản”, ám chỉ tới cuộc hội đàm Trung-Mỹ. Chu Ân Lai nói với những người nắm giữ báo chí truyền thông Trương Xuân Kiều và Diêu Xuân Nguyên về việc này: “Bài này cho thấy sự lo lắng và tính toán của các đồng chí Việt Nam”, “tôi cho là có thể đăng toàn văn, chứ đừng trích, để chứng tỏ thái độ trọng danh dự của mình”. Chu Ân Lai chỉ rõ: “Cả tiến trình biến động có thể chứng minh được rằng Trung Quốc, với sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, trước sau vẫn ủng hộ nhân dân 3 nước Đông Dương kháng chiến tới cùng”. Nhưng sự thật sau đó cho thấy, Việt Nam đã không hiểu được nỗi khổ tâm của Trung Quốc, mà lại cứ luôn găm mãi trong lòng việc này.

Năm 1975, sau khi Việt Nam thực hiện thống nhất Bắc Nam, Việt Nam đã thay đổi phương châm “Trung-Xô đoàn kết, “giữ trung lập” như đã áp dụng trước đây, bắt đầu ngả về Liên Xô, vì thế mà làm tăng thêm trọng lượng cho Liên Xô trong mối quan hệ tay ba của các nước lớn. Cùng năm, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đi thăm Liên Xô, hai bên ra bản “Tuyên bố Việt-Xô”, xác định hai nước hai Đảng cần tiến hành hợp tác toàn diện, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế. Năm đó, số vụ Việt Nam gây hấn ở biên giới Trung-Việt đã lên tới 439 lần. Cuối năm 1975, có sự thay đổi quyết liệt trong đấu trường chính trị của Trung Quốc, tình thế chính trị quay ngoắt sang tả. Năm 1976, đầu tiên là Chu Ân Lai qua đời, tiếp đó là Đặng Tiểu Bình lại một lần nữa bị đánh đổ, vấn đề bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ thực tế đã bị gác lại. Nhưng cho dù là như vậy, hai nước Trung-Mỹ vẫn có một điểm chung về việc ứng phó với mối uy hiếp Liên Xô. Ngày 9.9.1976, Mao Trạch Đông qua đời, Liên Xô một mặt chìa cành ôliu cho Trung Quốc, do báo “Pravda” đứng ra đăng bài kêu gọi cải thiện mối quan hệ Trung-Xô, bày tỏ Liên Xô không có dã tâm đối với Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ; mặt khác lại tiến hành uy hiếp trắng trợn đối với Trung Quốc, ngày 14.10, nhà báo Liên Xô Victor Lui (Виктор Луи) trong một bối cảnh đặc biệt đã có một bài phát biểu ở Paris nói rằng, ngoại trừ Trung Quốc trong vòng 1 tháng áp dụng được chính sách hòa dịu hơn với Liên Xô, còn nếu không thì sẽ buộc lãnh đạo Liên Xô phải áp dụng một vài “quyết định không thể nghịch chuyển được” nào đó. Về chuyện này, Mỹ đã có phản ứng ngay lập tức. Ngày 15.10, Kissinger bình luận, nếu Trung Quốc phải “chịu sự uy hiếp từ một nước lớn bên ngoài”, thì Mỹ sẽ cho đó là “sự kiện nghiêm trọng”. Trong một lần đàm thoại khác, ông ta đã nêu rõ ràng hơn: “Đối với bất cứ mưu đồ làm loạn cục diện thế giới nào bằng cách phát động cuộc tiến công quy mô lớn đối với Trung Quốc, Mỹ cũng không thể không có sự ứng đối thực sự”. Điều này chứng tỏ mối quan hệ hai nước Trung-Mỹ đã được thiết lập, đồng thời đang duy trì mối quan hệ chiến lược ở một mức độ nhất định, vẫn có một ý nghĩa quan trọng về phương diện bảo vệ và ổn định hòa bình thế giới.

Tháng 7.1978, Đại hội IV Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu chiến lược mới thông qua bản “Nghị quyết về tình hình mới và nhiệm vụ mới”. Nghị quyết chỉ rõ: “Kẻ thù căn bản, lâu dài của Việt Nam tuy là đế quốc Mỹ, nhưng kẻ thù trực tiếp lại là Trung Quốc và Campuchia”; “dựa hơn nữa vào sự ủng hộ của Liên Xô, giành thắng lợi về chính trị và quân sự ở phía tây nam (chỉ Campuchia), phòng ngừa sự uy hiếp từ phương bắc, chuẩn bị tác chiến với Trung Quốc”. Sau đó, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã ra chỉ thị cho các lực lượng quân đội, các tỉnh và thành phố: “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp nhất, nguy hiểm nhất, là đối tượng tác chiến mới của Việt Nam, phải áp dụng chiến lược tấn công, tiến hành phản kích và tiến công ở vùng biên giới”, dẫn tới các vụ xung đột liên tục ở biên giới Trung-Việt.

Tháng 11.1978, Lê Duẩn lại đi thăm Liên Xô, Việt Nam ký kết bản Hiệp ước hữu nghị và hợp tác trong thời hạn 25 năm với Liên Xô. Trong đó quy định: “Khi một trong hai bên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công, hai bên ký kết phải lập tức trao đổi với nhau để loại trừ sự đe dọa ấy, đồng thời áp dụng những biện pháp hữu hiệu thỏa đáng để bảo đảm hòa bình và an ninh cho hai nước”. Từ đó, Việt Nam đã ném mình vào vòng tay của Liên Xô. Đúng như Lê Duẩn nói là sau khi chiến tranh kết thúc, đã giữ lại được một đội quân lớn với hàng triệu người để ứng phó với Trung Quốc. Như vậy, Liên Xô đã hoàn thành được nguyện ước lấp vào những khoảng chân không còn lại khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, hơn nữa lại còn buộc Trung Quốc phải đối mặt với những uy hiếp và khiêu khích từ đồng minh Xô-Việt. Hành động phản Hoa, bài Hoa của Việt Nam không ngừng leo thang, năm 1978, Việt Nam đã gây nên một loạt vụ xung đột có vũ trang ở biên giới Trung Quốc, lên tới hơn 1108 lần. Ngoài ra, Việt Nam còn tạo ra nhiều vụ đuổi người Hoa và Hoa kiều, miệt thị Trung Quốc “che chở” các nhà tư sản Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam, lợi dụng Hoa kiều làm “Đội quân thứ 5” “thực hiện chủ nghĩa bành trướng, chủ nghĩa bá chủ” ở Đông Nam Á. Đến cuối năm 1978, tổng cộng có 28 vạn người Hoa và Hoa kiều bị đuổi. Với sự ủng hộ và xúi giục của Liên Xô, Việt Nam còn công khai xuất quân xâm lược Campuchia vào 12.1978, đồng thời coi Trung Quốc là trở ngại lớn nhất đối với việc thực hiện chủ nghĩa bá chủ ở khu vực của mình. Tất cả những điều đó không thể không dẫn đến mối quan tâm đặc biệt từ phía Trung Quốc.

Về phía Mỹ, do một loạt hành vi bành trướng rõ rệt của Liên Xô, Tổng thống Carter đã quyết định áp dụng thái độ cứng rắn đối với Liên Xô, tăng cường thêm mối quan hệ với Trung Quốc. Tháng 12.1978, Trung Quốc và Mỹ tuyên bố thiết lập mối quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ mang ý nghĩa lịch sử, hai bên nhắc lại: “Không bên nào được mưu đồ làm bá chủ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và bất cứ khu vực nào trên thế giới, cả hai bên đều phản đối nỗ lực làm bá chủ của bất cứ quốc gia hoặc tập đoàn quốc gia nào”. Điều khoản chống bá quyền này mang tính nhằm trúng rất mạnh trong bối cảnh quốc tế đặc biệt khi ấy, nó hết sức khéo léo, nhưng lại đã thể hiện được rõ ràng cho toàn thế giới biết rằng hai bên Trung-Mỹ sẽ không hề mơ hồ trong việc chống lại mọi nỗ lực mưu đồ làm bá chủ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Xô hoặc tập đoàn Liên Xô. Như vậy, đồng thời với việc bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ, ở Đông Á đã hình thành nên hình thế chiến lược liên minh Trung-Mỹ đối đầu với đồng minh Xô-Việt, lãnh đạo hai nước Trung-Mỹ bắt đầu ấp ủ việc thiết lập mối quan hệ quân sự. Tháng 1.1979, khi tiến hành hội đàm không chính thức với Anh, Đức, Pháp ở Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Guadeloupe, Tổng thống Mỹ Carter đã bày tỏ Mỹ không phản đối phương Tây áp dụng thái độ linh hoạt trong vấn đề bán vũ khí cho Trung Quốc. Đây là một tín hiệu quan trọng.

  2. Đặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ, tuyên bố phải “dạy cho Việt Nam một bài học”

Đồng thời với việc thiết lập ngoại giao với Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình… xuất phát từ toàn cục chiến lược đã quyết định “dạy cho Việt Nam một bài học” một cách có hạn độ, nhằm ngăn chặn cái đà bành trướng của nước này. Do ông chủ hậu đài của ViệtNamlà Liên Xô, cho nên dạy cho Việt Nam một bài học thực tế cũng là một đòn giáng vào chiến lược mở rộng toàn cầu của Liên Xô. Ngày 31.1.1979, trong thời gian ở thăm Mỹ, Đặng Tiểu Bình khi ăn trưa cùng với các phóng viên Mỹ đã nói: “Chúng ta có thể làm một sự kiện là Liên Xô ra tay ở đâu, chúng ta sẽ ngăn chặn luôn để đánh bại sự gây rối ở bất cứ nơi nào trên thế giới của họ”. Khi phóng viên hỏi về vấn đề Việt Nam xâm lược Campuchia, Đặng Tiểu Bình nói: “Việt Nam đã đạt được bản hiệp định cùng với Liên Xô mang tính chất đồng minh quân sự, Việt Nam khuấy động cuộc xâm nhập vũ trang quy mô lớn, đồng thời đang gây hấn ở vùng biên giới Trung Quốc. Tác động do Việt Nam gây ra còn tệ hại hơn cảCuba, chúng tôi coi Việt Nam là Cuba của phương Đông. Ứng xử với loại người như vậy, nếu không dạy cho một bài học cần thiết thì e rằng bất kỳ một phương thức nào khác cũng sẽ không có hiệu quả”.

Dạy cho Việt Nam một bài học còn có mối quan hệ tương đối chặt chẽ với lợi ích của Mỹ. Bởi vì Liên Xô lợi dụng sự bành trướng mà Việt Nam đã tiến hành nên đã bộc lộ thế tranh giành khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương với Mỹ, đe dọa đến lợi ích của Mỹ. Mỹ cũng hết sức quan tâm đến điều này. Chính vì thế mà trong thời gian Đặng Tiểu Bình ở thăm Mỹ, vấn đề Việt Nam xâm lược Campuchia cũng là một trọng điểm của cuộc hội đàm Trung-Mỹ.

Trong hai cuộc hội đàm được tổ chức vào trưa và chiều 29.1, hai bên chủ yếu trao đổi về tình hình quốc tế. Đặng Tiểu Bình nêu rõ với Carter: Việt Nam xâm lược Campuchia, đó là một vấn đề nghiêm trọng, là một phần trong sự bố trí chiến lược của Liên Xô. Cách làm của Liên Xô ở khu vực này giống như một quả tạ tay, một đầu thông qua Việt Nam để thò tay vào Đông Dương, thực hiện hệ thống Yaan (Яань системы), một đầu thông qua việc khống chế Afghanistan, Iran, vịnh Persique ở namẤn Độ, Liên Xô cũng đang tìm cách khống chế cả eo biển Malacca nối liền hai bên. Như vậy, sự bành trướng của Liên Xô ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương sẽ kết thành một khối. Kiểu bố trí chiến lược này của Liên Xô nếu như không phá tan, thì sẽ tạo nên nỗi phiền phức lớn hơn.

Dã tâm thành lập Liên bang Đông Dương của Việt Nam có từ đã lâu. Suy xét từ toàn cục chiến lược, cần thiết phải dạy cho cái dã tâm điên cuồng này của Việt Nam một bài học. Chỉ cần bước đi thỏa đáng và có chừng mực, thì chúng tôi ước đoán rằng Liên Xô sẽ khó lòng có được sự phản ứng lớn. Ngay cả suy xét từ phương diện tồi tệ nhất, Trung Quốc cũng vẫn chịu đựng được”. Về vấn đề này, Carter bày tỏ, đây là vấn đề rất nghiêm trọng, ông muốn sau khi đã cùng nghiên cứu bàn bạc với cố vấn của mình đã rồi mới phát biểu.

Đặng Tiểu Bình cho rằng, “thế giới ngày nay rất không yên ổn, đang tồn tại nguy cơ chiến tranh, mà nguy cơ chủ yếu tới từ Liên Xô. Thế giới thứ ba và thế giới thứ hai cần liên kết lại để chống đế quốc. Trận tuyến thống nhất chống bá chủ này, thẳng thắn mà nói bao gồm cả Mỹ trong đó. Ứng phó với việc Liên Xô muốn làm bá chủ thế giới, Mỹ đương nhiên là một lực lượng chủ yếu, nhưng trong một thời gian tương đối dài, Mỹ đã có một số thiếu sót nào đó về phương diện cần làm hết trách nhiệm của mình. Liên Xô bành trướng ở các nơi trên thế giới, nhất là lợi dụng Cuba để thò tay vào Châu Phi, ủng hộ Việt Nam xâm lược Campuchia mà không phải chịu sự ngăn chặn và trừng phạt cần có. Kết quả là, tình hình thế giới có thể nói mỗi năm một căng thẳng thêm. Liên Xô rút cuộc là muốn phát động chiến tranh. Nếu chúng ta làm cho tốt, thì rất có thể sẽ trì hoãn được chiến tranh nổ ra, còn nếu không làm nên được một việc gì thì tình hình sẽ càng phức tạp thêm. Chúng tôi hi vọng sẽ cùng với Mỹ xuất phát từ góc độ của từng bên mà làm những gì mình cho là cần làm”.

Carter thừa nhận từ Đông Nam Á đến Ấn Độ Dương đến Châu Phi, tình hình ở rất nhiều khu vực không ổn định, lực lượng quân sự của Liên Xô tăng lên nhanh chóng, tất cả những điều này là những nhân tố bất lợi cho tình hình quốc tế. Ông ta cũng đồng ý rằng Trung-Mỹ cần tăng cường hợp tác, cùng phối hợp hành động ở những khu vực rắc rối. Nhưng ông nhấn mạnh Mỹ cùng các lực lượng Khối NATO đang được tăng cường, Liên Xô phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bị rơi vào thế cô lập hơn trên trường quốc tế. Hai bên Trung-Mỹ còn thảo luận về các vấn đề Nam Á, Trung Đông, Đông Dương, Triều Tiên và cuộc hội đàm về hạn chế vũ khí chiến lược Mỹ-Xô…

Đặng Tiểu Bình bày tỏ mong Mỹ viện trợ Pakistan một cách chắc chắn để họ khỏi cảm thấy bị cô lập mà đi vào con đường dựa Liên Xô; giúp Sadat ở Trung Đông, gây áp lực vừa phải cho Ixrael để cho Liên Xô khỏi nhè vào sơ hở mà khiến cho Algeria, Syria, Iraq gần gũi hơn với Liên Xô; tạo điều kiện cho toàn bộ quân Mỹ rút khỏi Nam Triều Tiên, khôi phục lại đàm phán Nam – Bắc Triều Tiên. Về cuộc hội đàm hạn chế vũ khí chiến lược Mỹ-Xô, Đặng Tiểu Bình nói: “Chúng tôi không phản đối Mỹ-Xô ký kết hiệp định này, nhưng chúng tôi cho rằng nó sẽ không quản được Liên Xô, không tin rằng nó có thể ràng buộc được chính sách bành trướng của Liên Xô. Điều quan trọng là phải làm việc một cách chắc chắn, có nghĩa là Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Tây Âu hãy liên kết lại với thế giới thứ ba để phá vỡ chương trình chiến lược của Liên Xô.

Lãnh đạo hai nước Trung-Mỹ qua cuộc hội đàm 2 ngày đã công bố bản “Thông cáo báo chí chung” ngày 1.2.1979. Thông cáo nêu rõ “hai bên xin nhắc lại sẽ chống lại mưu đồ làm bá chủ hoặc chi phối nước khác của bất cứ quốc gia và tập đoàn quốc gia nào, quyết tâm góp phần vào việc bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới và độc lập dân tộc”. Do bản Thông cáo này có câu chống lại mưu đồ “làm bá chủ” hoặc “chi phối” nước khác nên đã dẫn đến sự quan tâm trên nhiều phương diện. Từ “làm bá chủ” (tiếng Anh: hegemony) được đưa vào theo yêu cầu từ phía Trung Quốc. Trong các từ ngữ ngoại giao ở thời kì ấy, từ này đã trở thành từ thay thế cho việc Trung Quốc chỉ trích Liên Xô thực hiện chính sách bành trướng, Mỹ đã chấp thuận việc sử dụng từ đầy nhạy cảm này trong thông cáo, chứng tỏ giữa Mỹ và Trung Quốc có một điểm chung trong việc chống chủ nghĩa bá chủ của Liên Xô. Còn từ “chi phối” là được thêm vào câu này theo yêu cầu từ phía Mỹ, từ này đi song song với từ “làm bá chủ”, mở rộng phạm vi của câu này đánh động tới cả bất kỳ nước nào có ý đồ xâm lược bành trướng. Sau khi bản thông cáo được công bố, có người hỏi liệu việc sử dụng “làm bá chủ – chi phối” ở cùng một chỗ là chỉ vượt quá cả Liên Xô, phù hợp cả với khi Việt Nam dùng quân đội của mình xâm lược Campuchia hay không, quan chức Nhà trắng đã khéo léo trả lời: “Tôi muốn nói rằng chiếc giày này ai đi vừa thì tức là chỉ người ấy”. Khi lại có người hỏi liệu Moskva có có phản ứng bất lợi gì với chuyến thăm của Đặng Tiểu Bình hay không, quan chức Nhà trắng nói chắc như đinh đóng cột: “Không được để cho nỗi lo ngại về phản ứng của Nga chi phối chính sách đối ngoại. Nếu như tình trạng là như thế thì việc bảo hiểm kết cục của nó sẽ đầy thảm hại”.

Lúc này, Trung Quốc đã tập kết quân ở biên giới Trung-Việt chuẩn bị đánh nhau với Việt Nam, để phòng ngừa phản ứng quá khích của Liên Xô, một bộ phận sư đoàn tác chiến Trung Quốc của khu vực “Tam bắc”[i] cũng tiến vào các khu vực chờ thời, chuẩn bị phản công lại những cuộc tấn công quân sự và những hành động kiềm tỏa quân sự có thể xảy ra từ quân đội Liên Xô.
 

 3. Thái độ và phản ứng của Mỹ và Liên Xô đối với chiến tranh biên giới Trung-Việt

Sau khi Đặng Tiểu Bình kết thúc chuyến thăm Mỹ, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã công bố bản “Thông báo về tiến hành cuộc chiến đấu phản kích tự vệ với Việt Nam, bảo vệ vùng biên giới” vào 14.2.1979, nêu rõ: “Mục đích của việc chúng ta tiến hành phản kích tự vệ là để có được hòa bình và yên ổn ở vùng biên giới nước ta, giúp ích cho việc tiến hành thuận lợi 4 hiện đại hóa. Cả khu vực, thời gian và quy mô chiến đấu đều hết sức hạn chế”. Từ 17.2.1979, bộ đội biên phòng Trung Quốc bắt đầu xuất kích ở Long Châu, Tịnh Tây thuộc Quảng Tây và Hà Khẩu, Kim Bình thuộc Vân Nam, Trung Quốc, thực hiện trận đánh mang tính hủy diệt vào các cứ điểm quân sự ở biên giới Trung-Việt mà Việt Nam dùng để gây hấn với Trung Quốc. Hôm đó, Tân Hoa xã đã phát đi lời tuyên bố theo lệnh của chính phủ Trung Quốc nêu rõ: Nếu hành động xâm lược của Việt Nam không dừng lại, thì chắc chắn sẽ gây nguy hiểm đến cả hòa bình và ổn định ở phía đông Đông Nam Á, thậm chí là toàn bộ khu vực Châu Á. Tuyên bố nói: “Sau khi tiến hành sự đánh trả cần có đối với quân xâm lược Việt Nam, bộ đội biên phòng Trung Quốc sẽ giữ nghiêm biên giới của tổ quốc”.

Sau khi nổ ra cuộc chiến đấu phản kích tự vệ đối với Việt Nam, dư luận quốc tế đã có phản ứng hết sức nhanh, nhìn chung là có lợi cho Trung Quốc. Ngoài tập đoàn Liên Xô-Đông Âu giận dữ chửi rủa ra, phần lớn các nước đều thể hiện thái độ trung lập và chủ trương giải quyết bằng đàm phán, nhiều nước trong số đó bề ngoài thì tỏ ra trung lập, nhưng thực tế lại ngả về và đồng tình với phía Trung Quốc, đồng thời cũng lo Liên Xô dính líu vào sẽ khiến cho xung đột loang rộng. Tiêu điểm chú ý của cộng đồng quốc tế là mối quan hệ tế nhị tay ba Trung-Mỹ-Xô.

Mỹ thực ra đã được thông báo rằng Trung Quốc sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học” ngay trong thời gian Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, nên đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu. Trợ lý vấn đề an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Brzezinski đã bắt đầu xem xét đến đối sách của Mỹ ngay sau khi Đặng Tiểu Bình kết thúc chuyến thăm. Để tránh tình hình Mỹ dưới áp lực của dư luận quốc tế lên án Trung Quốc là kẻ xâm lược, Brzezinski đã nghĩ ra một điểm, đó là: Mỹ vừa chỉ trích hành động quân sự của Trung Quốc, lại vừa lên án Việt Nam xâm lược Campuchia, đồng thời yêu cầu hai bên Trung Quốc, Việt Nam rút quân. Do lường trước Việt Nam và Liên Xô sẽ không tiếp nhận lời đề nghị ấy, nên sự tính toán này sẽ yểm trợ cho Trung Quốc về mặt ngoại giao mà không dính dáng gì đến Mỹ. Sau khi cuộc chiến tranh Trung-Việt nổ ra, Tổng thống Mỹ Carter lập tức triệu tập cuộc họp Ủy ban an ninh quốc gia để bàn bạc, đồng thời thông qua phương án của Brzezinski, đó là: Yêu cầu Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam cần móc nối với cả việc yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia; đồng thời phát đi một thông điệp tới Liên Xô, kêu gọi họ không được áp dụng những hành động có thể dẫn đến tình hình nghiêm trọng, nhất là những hành động quân sự điều binh khiển tướng hoặc dưới mọi hình thức khác. Trong cuộc họp, Brzezinski còn cố thêm vào một câu trong thông điệp, bày tỏ Mỹ cũng sẵn sàng có thái độ kiềm chế tương tự, ông giải thích, phải để cho Liên Xô hiểu được ở đây là ngang cơ (câu này ngầm ra ý là nếu như Liên Xô ra tay, thì Mỹ cũng sẽ có phản ứng quân sự).

Ngày 18.2, tờ “The New York Times” của Mỹ đưa tin về “Các nguyên tắc chỉ dẫn chính phủ Mỹ” đã được bàn định trong cuộc họp là: “Mỹ không trực tiếp dính líu vào cuộc xung đột vũ trang ở Châu Á giữa các quốc gia cộng sản; lợi ích trước mắt của Mỹ, an ninh của Liên minh Châu Á không hề chịu sự đe dọa của cuộc xung đột này, nhưng nếu cuộc xung đột loang rộng thì sẽ là nguy hiểm; Mỹ sẽ dùng mọi biện pháp mà mình có thể áp dụng được để khuyến khích nên có thái độ kiềm chế, đồng thời ngăn chặn không để cho chiến tranh loang rộng tới mức Liên Xô cũng dính líu vào; Mỹ sẽ không thay đổi mối quan hệ với Trung Quốc do cuộc xung đột này”.

Từ đó có thể thấy, thái độ chung của Mỹ đối với cuộc chiến tranh Trung-Việt là không trực tiếp dính líu, đồng thời kêu gọi Liên Xô không dính líu, cố gắng không để xung đột loang rộng, đồng thời bảo đảm mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ không vì thế mà bị ảnh hưởng. Khi tỏ thái độ công khai, Mỹ có chỉ trích Trung Quốc về mặt hình thức, tức vừa lên án Việt Nam xâm lược Campuchia, lại vừa lên án cả Trung Quốc đánh trả Việt Nam, nhưng thực ra là trợ giúp Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc và Việt Nam “đồng rút quân” khỏi Campuchia đồng thời tích cực thúc giục Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp để thảo luận toàn bộ tình hình Đông Dương, để lấy đó làm áp lực với Việt nam và Liên Xô.

Trong thời gian này, Brezhnev thông qua đường dây nóng đã gửi cho Tổng thống Carter một bức thư với lời lẽ cứng rắn, nhưng Tổng thống Carter không hề xúc động gì trước bức thư ấy mà ra lệnh cho Vance và Brzezinski tiếp tục làm theo phương châm đã định. Carter còn bày tỏ trong thư gửi Brezhnev rằng nếu Liên Xô “sử dụng hành động quân sự đối với Trung Quốc, thì Mỹ sẽ đánh giá lại tình trạng an ninh ở vùng Viễn Đông, đồng thời sẽ có phản ứng về mặt quân sự”.

Từ 24.2 đến 4.3 năm 1979, Bộ trưởng tài chính Mỹ Blumenthal cùng phu nhân đã thực hiện chuyến đi thăm Trung Quốc trong tiếng pháo của cuộc chiến tranh Trung-Việt. Đây cũng là đoàn đại biểu chính phủ Mỹ đầu tiên đi thăm Trung Quốc kể từ sau khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, mang một ý nghĩa không bình thường. Liên Xô rất tức giận khi thấy quan chức cấp cao các nước phương Tây như Mỹ… đến thăm Trung Quốc theo dự kiến ở thời điểm như thế này, đã công kích phương Tây “vỗ về” Trung Quốc, đồng thời chỉ trích Mỹ dung túng và thông đồng với Trung Quốc “xâm lược Việt Nam”. Liên Xô lúc này cũng chẳng còn làm được gì đối với Trung Quốc, đã để lộ rõ bản chất miệng hùm gan sứa. Chính phủ Liên Xô từng ra tuyên bố vào ngày 18.2, nói rằng Trung Quốc “xâm lược” Việt Nam và thực hiện “chủ nghĩa bá chủ”, tuyên bố Liên Xô sẽ thi hành “nghĩa vụ” của mình căn cứ theo bản Hiệp ước Liên minh Xô-Việt. Nhưng giọng điệu thì hàm hồ, lại không có được bao nhiêu bước đi thực tế, ngoài việc điều một vài chiếc tàu tới tuần tra ở Biển Đông và chuyển tới bằng đường hàng không một ít vật tư ra, không hề có cử chỉ manh động nào ở biên giới Trung-Xô.

Bộ đội biên phòng Trung Quốc tuy đã phải trả giá và hi sinh nhất định vì cuộc phản kích Việt Nam, nhưng từ 27.2.1979 đã liên tục tấn công hơn 20 thị trấn thành phố và yếu điểm chiến lược của Việt Nam như Lạng Sơn, Đồng Đăng, Lộc Bình, Cao Bằng, Phúc Hòa, Thất Khê, Quảng Uyên, Hạ Lang, Thoát Lãng, Hòa An, Đông Khê, Trùng Khánh, Trà Linh, Thông Nông, Sóc Giang, Lào Cai, Cam Đường, Mạnh Khang, Bát Xắc, Sapa, Phố Lu, Phong Thổ…, giáng cho Việt Nam một đòn nặng nề, về cơ bản đã đạt được mục tiêu dự định. Ngày 5.3.1979, bộ đội biên phòng Trung Quốc bắt đầu rút ra khỏi những khu vực nói trên. Về việc này, Tân Hoa xã đã ra lời tuyên bố theo lệnh của chính phủ Trung Quốc: “Chính phủ Trung Quốc xin được nhắc lại, chúng tôi không cần một tấc đất của Việt Nam, nhưng cũng quyết không cho phép kẻ khác xâm phạm lãnh thổ của mình. Điều chúng tôi muốn chỉ là biên giới hòa bình và yên ổn. Chúng tôi mong lập trường chính nghĩa này của chính phủ Trung Quốc sẽ giành được sự tôn trọng của chính phủ Việt Namvà chính phủ các nước trên thế giới. Chúng tôi nghiêm khắc cảnh cáo nhà cầm quyền Việt Nam rằng sau khi bộ đội biên phòng Trung Quốc rút khỏi, không được tiến hành bất cứ một cuộc khiêu khích vũ trang và hoạt động xâm nhập nào ở biên giới Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc trịnh trọng tuyên bố, nếu xuất hiện những tình hình nói trên, phía Trung Quốc sẽ bảo lưu quyền tiếp tục đánh trả tự vệ”.

Đến 16.3, bộ đội biên phòng Trung Quốc đã rút toàn bộ về trong địa phận Trung Quốc. Tới đây, cuộc chiến tranh phản kích Việt Nam của Trung Quốc đã kết thúc, tầm ảnh hưởng của nó là lớn lao và sâu sắc. Khí thế xâm lược của chủ nghĩa bá chủ ở khu vực Việt Nam vâng theo ý đồ của chủ nghĩa bá chủ toàn cầu Liên Xô đã bị giáng một đòn nặng nề, đã buộc phải rút một ít quân ra khỏi Campuchia, tình hình Campuchia cũng dẫn đến sự quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã nêu ra phương án giải quyết tình hình ở Đông Dương, yêu cầu Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam. Do Trung Quốc đã nói là thực hiện, nên sau khi dạy xong cho Việt Nam một bài học đã rút quân khỏi Việt Nam, còn Việt Nam thì lại nán ở Campuchia, với sự chỉ trích của dư luận quốc tế đã bị rơi vào thế hết sức bị động.

Sự thực cho thấy, Việt Nam có dựa vào Liên Xô cũng chẳng nổi, còn mối quan hệ hiệp đồng chiến lược Trung-Mỹ được phát triển nhanh chóng kể từ sau chuyến thăm Mỹ của Đặng Tiểu Bình thì lại chịu được thử thách gay gắt trong khói lửa chiến tranh. Ngày 16.4.1979, Đặng Tiểu Bình bày tỏ: “Khi chúng tôi dạy cho Việt Nam một bài học, chúng tôi thấy hài lòng trước lập trường và thái độ thể hiện của chính phủ Mỹ, nghĩa là đề xuất Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, thái độ này khiến cho chúng tôi hài lòng. Chỉ cần Mỹ tiếp tục sử dụng lập trường này về mặt đạo nghĩa, về mặt chính trị, thì chính đó là sự ủng hộ của Mỹ đối với Campuchia”.

Ngày 19.4.1979, Đặng Tiểu Bình lại trình bày về ý nghĩa của việc dạy cho Việt Nam một bài học từ tầm cao của chiến lược toàn cầu. Ông nói: “Khi ở Mỹ, tôi nói với Tổng thống Carter rằng chúng tôi phải dạy cho Việt Nam một bài học, tuy chủ đề của chúng tôi khi ấy chỉ giới hạn trong phạm vi biên giới Trung-Việt, nhưng thực tế lại không phải là xem xét vấn đề này từ góc độ hai nước Trung-Việt, cũng không phải là từ góc độ toàn bộ chiến lược toàn cầu”. Ngày 16.1.1980, trong cuộc hội nghị cán bộ do Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc triệu tập, Đặng Tiểu Bình nói rõ hơn: “Cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ đối với Việt Nam đã giành được thắng lợi cả về mặt quân sự lẫn về mặt chính trị, không chỉ đối với tình trạng ổn định của Đông Nam Á, mà cả đối với cuộc đấu tranh chống bá chủ của thế giới cũng có một tác dụng quan trọng, sau này vẫn còn có tác dụng”.

Xét từ hiệu quả của việc dạy cho Việt Nam một bài học, phía Trung Quốc với sự phối hợp của Mỹ về cơ bản đã đạt được mục đích như dự định, trận đánh này đã đập tan được sự triển khai mở rộng của chủ nghĩa bá chủ lớn nhỏ, bảo vệ đắc lực cho sự ổn định của khu vục Châu Á-Thái Bình Dương, Liên Xô không dám phản ứng gay gắt. Hơn nữa, bằng hành động chiến lược này, mối quan hệ tay ba Trung-Mỹ-Xô tế nhị lại nghiêng về thế có lợi cho Trung Quốc và bất lợi cho Liên Xô. Cách nhìn của Tổng thống Carter về Liên Xô có được sự nhận thức sâu sắc hơn, sau đó đã đưa ra “Học thuyết Carter” là “sử dụng tất cả mọi biện pháp cần thiết kể cả lực lượng quân sự” để ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô. Lúc này, ngày càng có nhiều người trong chính giới Mỹ hiểu được rằng, một nước Trung Quốc lớn mạnh về quân sự là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ, tăng cường hợp tác với Trung Quốc về mặt quân sự là cần thiết và hữu hiệu đối với cuộc tấn công chống trả lại sự hùng hổ của Liên Xô. Tháng 1.1980, bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ lần đầu tiên đến thăm Trung Quốc. Trước khi khởi hành Brzezinski bày tỏ, Liên Xô xâm nhập vũ trang Afghanistan đã trao cho sứ mệnh của Brzezinski một “hàm nghĩa mới”, thắt chặt thêm mối quan hệ an ninh với Trung Quốc là “biện pháp chủ yếu” để Mỹ có thể ra phản ứng với những hành vi của Liên Xô. Điều này cho thấy, mục đích chuyến thăm Trung Quốc của Brzezinski là nằm ở chỗ tạo một nền móng vững chắc cho sự hợp tác tích cực hơn về mặt quân sự giữa hai nước Trung-Mỹ, để ứng phó với sự khiêu khích của Liên Xô. Như vậy, mối quan hệ an ninh mới giữa hai nước Trung-Mỹ đã bắt đầu xuất hiện.

Ngày 5.1.1980, kể từ ngày nước Trung Quốc mới được thành lập, bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ đầu tiên đến thăm Trung Quốc đã tới Bắc Kinh, đánh dấu sự thiết lập quan hệ của giới quân sự Trung-Mỹ. Sau khi đã tiến hành một loạt hội đàm có hiệu quả cao với lãnh đạo Trung Quốc, Brzezinski cho rằng các cuộc hội đàm giữa hai bên Mỹ-Trung thẳng thắn mà nói là giàu hiệu quả, những lĩnh vực mà giữa Mỹ-Trung có cùng mục tiêu chiến lược ngày càng nhiều. Trong thời gian ở thăm Trung Quốc, ông đã nhận lời cung cấp vệ tinh tài nguyên trái đất có thể dùng vào lĩnh vực quân sự cho Trung Quốc.

Sau khi Brzezinski rời Trung Quốc, ngày 24.1.1980, Bộ quốc phòng Mỹ đã ra tuyên bố, Mỹ sẵn sàng bán cho Trung Quốc một số thiết bị quân dụng phụ trợ một cách có lựa chọn, trên cơ sở xử lý từng hạng mục. Ngày 25.4.1980, Tổng thống Mỹ Carter tuyên bố xếp riêng Trung Quốc vào cụm T trong Nhóm kiểm soát xuất khẩu, bắt đầu bán cho Trung Quốc các sản phẩm và kỹ thuật dân dụng kiêm quân dụng trên cơ sở thẩm tra từng hạng mục. Tháng 4.1980, Bộ quốc phòng Mỹ phê chuẩn bán cho Trung Quốc các thiết bị quân dụng phụ trợ bao gồm radar phòng không, thiết bị viễn thông và máy bay trực thăng quân dụng…, đồng thời căn cứ theo bản hiệp định đã thỏa thuận năm 1979, đặt hai trạm giám sát ở Tân Cương Trung Quốc, do phía Mỹ cung cấp thiết bị, dân Trung Quốc thao tác, để giám sát thử nghiệm hạt nhân của Liên Xô. Mối quan hệ quân sự hai nước Trung-Mỹ đã có được bước tiến dài.

(http://history.huanqiu.com/txt/2010-08/1029158.html)



Xem thêm:

------

2 nhận xét:

  1. Bài viết mang tính xuyên tạc phần nhiều

    Trả lờiXóa
  2. Miệng lưỡi của bon bành trướng luôn luôn là như vậy.ĐỔI TRẮNG THAY ĐEN.

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter