Cao
điểm 772 (bên trái) - nơi được mệnh danh là "đồi xay thịt" và cao
điểm 685 (bên phải) trong trận đánh ngày 12/7 nay đã được phủ màu xanh của cây
cối. Ảnh: Hoàng Phương.
Hoàng
Phương
Kichbu
theo vnexpress.net
Tháng 7/1984, cuộc chiến chống Trung
Quốc xâm lược tại mặt trận Hà Giang diễn ra khốc liệt. Người lính Sư đoàn 356
đã viết nên khúc tráng ca nơi biên giới với những trận đánh trên 'đồi thịt
băm', 'thung lũng gọi hồn', 'lò vôi thế kỷ'… hằn sâu trong ký ức.
Cao
điểm 772, 685 (thuộc xã Thanh Thủy, Vị Xuyên) xanh mướt màu cây cối, nhưng
trong tâm trí những cựu binh Sư đoàn 356 thì nó vẫn đặc quánh màu khói pháo,
thuốc súng của trận đánh năm xưa.
Cựu
binh Nguyễn Văn Kim (48 tuổi) nhập ngũ khi mới 18 tuổi. Nay tóc ông đã rụng gần
hết vì sốt rét rừng của những ngày dầm dề trên chốt giữ đất biên cương.
"Cuối
tháng 4/1984, chúng tôi mới qua hơn một tháng tân binh. Nhiệm vụ chiến trường
cấp bách, sư đoàn được lệnh từ Lào Cai sang phối hợp với nhiều đơn vị khác
chiếm lại các điểm cao quân Trung Quốc đóng trái phép trước đó. Sau ba ngày
hành quân liên tục, đoàn quân tập kết ở Vị Xuyên, chuẩn bị bước vào trận đánh
đầu tiên", người cựu binh bồi hồi nhớ lại.
Nhiệm
vụ trinh sát được giao cho các đơn vị của sư đoàn. Ông Võ Trọng Canh (quê Nghĩa
Đàn, Nghệ An), đội trưởng đội trinh sát C20 của Trung đoàn 876 cho hay:
"Cao điểm 772 là nơi trung đoàn đánh mũi chủ công. Khống chế được cao điểm
này coi như nắm được toàn tuyến, tạo nên thế trận phòng ngự tiến công liên hoàn
vững chắc. Phía Trung Quốc muốn dùng 772 làm bàn đạp tràn xuống Vị Xuyên, uy
hiếp thị xã Hà Giang. Ta hiểu rõ điều đó nên quyết tâm giành lại. Địch ở trên
cao phòng ngự, ta ở dưới tiến công nên vô cùng bất lợi. Nhiệm vụ trinh sát trở
nên nặng nề và nguy hiểm hơn".
Ròng
rã hai tháng trời, trinh sát Canh cùng đồng đội luồn sâu thăm dò trận địa. Núi
cao, rừng thẳm, chỉ có con đường độc đạo từ Nậm Ngặt đến chân cao điểm 772, họ
vừa dò mìn, tránh thám báo Trung Quốc, chờ đêm xuống mới hoạt động. Tại đây,
Trung Quốc bố trí một trung đoàn bộ binh với sự yểm trợ của tiểu đoàn pháo và
hệ thống mìn dày đặc.
Các
loại pháo 105, cối 160 ly, BM 14, cao xạ 37 ly, pháo Quân khu tăng cường chuẩn
bị đưa vào trận địa, đối chọi với pháo 122 ly, 152 ly, D74 ở phía bên kia chiến
tuyến. Ngày 12/7 là ngày mở màn chiến dịch. Ba tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn
876 đánh điểm cao 772. Lực lượng của các sư đoàn khác chiếm các điểm cao còn
lại.
Trận
đánh trên 'đồi thịt băm'
Trước
giờ nổ súng, ta tiếp tục ém quân tiến sát phía Trung Quốc, dần chiếm lĩnh trận
địa. Đại úy Nguyễn Hữu Thanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 dẫn đội đặc công
thọc thẳng vào sở chỉ huy địch, làm nhiệm vụ "mở cửa" điểm D3 trên
cao điểm 772. Bộ phận luồn vào sau 772 đánh phá trận địa pháo, kho tàng, hậu
cần của địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 đánh điểm D1, D2 chiếm
toàn bộ cao điểm.
Ông Đặng Việt Châu đọc lại bảng thành tích của Sư đoàn 356 trong trận chiến Vị Xuyên năm 1984 cho các đồng đội cũ nghe. Ảnh: Hoàng Phương
Vượt
đỉnh Cốc Nghè trong mưa lạnh, những người lính chia nhau từng hơi thuốc, ăn gạo
sấy trộn nước mưa, lặng lẽ chờ màn đêm xuống là xuất kích. "Chiến sĩ xin
ăn hết phần cơm sấy, thịt hộp dự phòng. Thanh im lặng, rồi nói cứ để cho anh em
ăn, biết ngày mai có còn sống mà được ăn nữa không", ông Đặng Việt Châu,
chính trị viên Tiểu đoàn 3 năm xưa xót xa mỗi lần nhớ lại câu nói của đồng đội.
Tháng
7, rừng biên cương lạnh lẽo, chỉ nghe tiếng mưa lộp độp trên lá và thác nước ầm
ào phía xa. Ông Châu nín thở dõi theo bước chân đồng đội mất hút trong màn đêm.
"4h10
phút, có lệnh nổ súng, pháo binh trung đoàn bắt đầu bắn phá các mục tiêu đã
định, yểm trợ cho bộ binh tiến công. Cả thung lũng Nậm Ngặt sáng rực trong màn
đạn pháo.Quân ta từ các vị trí bật dậy hô xung phong vang dậy núi rừng. Thông
tin báo về ta chiếm được mục tiêu, tôi dẫn đầu Tiểu đoàn 3 xuất kích, yểm trợ
cho đội của Thanh chiếm gọn D3", ông Châu kể.
Sau
loạt bắn đầu tiên, một số trận địa của ta bị địch phản pháo. Suốt buổi sáng,
quân Trung Quốc từ những điểm cao chiếm được trước đó nã pháo cày nát từng mét
đất dưới chân cao điểm.Từ sáng đến trưa, sương mù vẫn dày đặc, quân ta tổ chức
hàng chục đợt tiến công lên cao điểm nhưng không thành.
11h
trưa, sương tan dần, công sự, chiến hào bị đạn pháo cày xới dần rõ nét. Địch
phản kích dữ dội hơn. Các tiểu đoàn khác bị địch dùng pháo, súng cỡ lớn đánh
bạt hết xuống chân cao điểm. Tiểu đoàn 3 tiến đến cách lô cốt địch vài chục
mét, giành giật với quân Trung Quốc từng đoạn chiến hào. Lúc này sương tan hẳn,
địch ở các điểm xung quanh trùm hỏa lực, hợp sức phản kích quyết liệt ở D3 nên
ta đành phải rút quân.
Đạn
pháo Trung Quốc bắn dồn dập, đất đá bay vèo vèo. Pháo ngừng giây lát, quân ta
lại lao lên, tìm đồng đội bị vùi lấp trong đất. Đồng chí Thìn quân lực tiểu
đoàn bị bay mất một mảng đầu vẫn hô xung phong. Đại đội trưởng Minh bị lạc 6
ngày trong rừng, người đầy thương tích, lên bàn phẫu thuật còn nhắn anh em sẽ
nhanh chóng trở lại chiến đấu, tìm anh Thanh và trả nợ trận này. Tiểu đoàn
trưởng Thanh bị thương hai chân vẫn cố tiến đến gần lô cốt, dùng súng AK bắn
hai loạt đạn và kích nổ toàn bộ lựu đạn trên người khiến quân Trung Quốc khiếp
vía. Những người lính nghẹn ngào nhắc lại tên từng đồng đội.
Trận
chiến ở các cao điểm còn lại ác liệt không kém. Cao điểm 685 liền kề 772 địa
hình núi cao, dốc đứng, đá tai mèo lởm chởm, đạn pháo của ta và địch thi nhau
cày xới suốt ngày đêm.
Ngày
14/7, Sư đoàn 356 được lệnh rút khỏi trận địa. Sau trận đánh, ta không lấy lại
được các cao điểm đã mất nhưng chặn được Trung Quốc thực hiện mưu đồ vượt qua
ngã ba Thanh Thủy để tiến xuống thị xã Hà Giang. Sau ngày 12/7, Trung đoàn 149
nhận lệnh ở lại phòng ngự, riêng Trung đoàn 876 được lui về củng cố lực lượng.
Bất chấp mưa gió, người lính Sư đoàn 356 thắp hương cho đồng đội trên Đài hương đặt ở cao điểm 468. Đứng ở nơi này có thể nhìn thấy các cao điểm 772, 685, 1509 ở phía xa. Ảnh: Hoàng Phương.
Sống
bám đá, chết hóa đá, thành bất tử
Sau
trận chiến là những ngày mưa dai dẳng. Vách núi cao dựng đứng, chiến hào nham
nhở đạn pháo, lính trinh sát, công binh phải mang theo dây võng đưa đồng đội
về. Nước mắt người sống chan hòa máu người nằm xuống. Họ chỉ đưa được những tử
sĩ dưới chân cao điểm về, còn những đồng đội ở gần chiến hào quân Trung Quốc
thì vĩnh viễn nằm lại.
"Sau
trận chiến, phía Trung Quốc bắn truyền đơn cho quân ta, nội dung cho đi lấy xác
tử sĩ, yêu cầu ta đi vào ban ngày, khi đi không quá 50 người, không đem theo
súng và mang theo cờ chữ thập. Dù thương anh em còn nằm đó, nhưng không ai đi
vì không tin quân Trung Quốc, chẳng may rơi vào ổ phục kích của chúng. Sau đó,
trinh sát các điểm cao báo về, họ rải hóa chất rồi thiêu xác anh em", ông
Kim ngậm ngùi cho biết.
"Khi
có lệnh tấn công, tất cả chúng tôi đều bật dậy xông lên. Địa hình bất lợi, hỏa
lực địch quá dày nên đoàn quân không thể chiếm lại các điểm cao như kế hoạch
đặt ra. Gần 600 người lính Sư đoàn 356 hy sinh trong trận đánh", ông
Châu tiếp lời. Nhiều năm trôi qua, người cựu binh hễ nghe tiếng sấm rền là nhớ
đến tiếng pháo trận.
"Chính
vì những đau thương đó, chúng tôi chịu được nhiều gian khổ hơn để tháng 10 năm
ấy tiếp tục giành lại cao điểm 685. Suốt 6 tháng, nơi đây bị đạn pháo hai bên
băm vằm trở thành lò vôi thế kỷ. Chúng tôi không bao giờ quên được đồng đội
Nguyễn Viết Ninh khắc vào báng súng lời thề Sống bám đá, chết hóa đá, thành
bất tử. Y tá Lê Trần Mãn xông lên giật cờ, quyết không cho quân Trung Quốc
cắm cờ trên đỉnh 685", ông Châu nói.
Ngày
12/7 hàng năm được coi là ngày giỗ trận của sư đoàn. Các cựu binh tụ họp về Vị
Xuyên thắp hương tưởng nhớ đồng đội, đọc to bài văn tế Những chiến sĩ con
dân đất Việt/ Khi Tổ quốc cần tuổi xuân đâu tiếc/ Lưng trần, cắp súng xung
phong/ Đạn xé nát vai đạn cày rách mặt/ Súng trên tay rực rửa/ Xung phong giữ
đất biên thùy.
Từ
28/4 đến 16/5/1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều vị trí
trên lãnh thổ Việt Nam, gồm các cao điểm 226, 233, 685, 772, 1030, 1250, 1509
thuộc tỉnh Hà Giang. Sư đoàn 356 được điều từ Lào Cai sang cùng các
lực lượng của Sư đoàn 312, 313, 314, 316 thực hiện Chiến dịch MB 84 nhằm chiếm
lại các điểm cao đã mất.
Thông
tin bổ sung: Mặt trận Vị Xuyên từ sau ngày 12/7/1984 không lúc nào ngơi tiếng súng.
Cuối năm 1984, đầu năm 1985, hai bên giành nhau quyết liệt cao điểm 685 và bình
độ 300-400. Tháng 10/1984, dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Hoàng Đan, tư lệnh
mặt trận Vị Xuyên, Trung đoàn 153 đánh lấn dũi trong vòng hơn 3 tháng, tái
chiếm và giữ vững được cao điểm 685. Ngày 14/1-19/1/1985, Trung đoàn 149 đánh
bình độ 300-400. Các trận đánh của Sư đoàn 356 khiến cho Quân đoàn 14 của quân
Trung Quốc liên tục thay bằng quân của các quân đoàn 11 và 67.
* P.S: Trước và sau chiến sự Vị Xuyên xảy ra, Kichbu (Hoàng Hải Nam) là chiến sĩ đồ bản của Ban Tác chiến, Phòng Tham mưu của F 390. Gián tiếp biết trận đánh này. Qua blog và FB này, Hoàng Hải Nam muốn được tìm lại các chú, các anh trong Ban Tác chiến và Phòng Tham mưu của F 390. Nếu các chú các anh hoặc ai đó từng bên cạnh với ông Nguyễn Đức Đụng, Trung tá, Trưởng Ban tác chiến của F 390, hoặc từng công tác tại Phòng Tham mưu F390 trong giai đoạn này hoặc thân nhân của họ tình cờ đọc được thông tin này, xin làm ơn nhắn giúp rằng Hoàng Hải Nam luôn nhớ đến các chú các anh và các bạn trong đơn vị.
* P.S: Trước và sau chiến sự Vị Xuyên xảy ra, Kichbu (Hoàng Hải Nam) là chiến sĩ đồ bản của Ban Tác chiến, Phòng Tham mưu của F 390. Gián tiếp biết trận đánh này. Qua blog và FB này, Hoàng Hải Nam muốn được tìm lại các chú, các anh trong Ban Tác chiến và Phòng Tham mưu của F 390. Nếu các chú các anh hoặc ai đó từng bên cạnh với ông Nguyễn Đức Đụng, Trung tá, Trưởng Ban tác chiến của F 390, hoặc từng công tác tại Phòng Tham mưu F390 trong giai đoạn này hoặc thân nhân của họ tình cờ đọc được thông tin này, xin làm ơn nhắn giúp rằng Hoàng Hải Nam luôn nhớ đến các chú các anh và các bạn trong đơn vị.
Xem thêm:
- Họ xứng đáng được tôn vinh (PLTP).- 27/7: Ngày tưởng nhớ những người con Đất Việt đã ngã xuống? (FB Mai Tú Ân/ Quê Choa). – 3.000 nghĩa trang trên cả nước thắp nến tri ân liệt sĩ (VOV). – Người lính Vị Xuyên nối duyên cho vợ và đồng đội (VNE).
- Chuyện ít biết về mặt trận Vị Xuyên: Cuộc chiến khốc liệt (VTC). - Nghĩa trang Vị Xuyên 30 năm sau cuộc chiến: “Đồng đội ơi, chúng tôi đã đến đây!” (LĐ).- Chiến tranh Việt-Trung 1979 và 1984 (Kichbu).- Chuyện những liệt sĩ Trường Sa (defencevn).
-----
cuối cùng thì chúng ta giành lại đc bao nhiêu cao điểm và bao nhiêu cao điểm đã mất vào aty tụi Trung Quốc vậy bác Kichbu ơi.
Trả lờiXóaBố susu xem ở đây thì biết:
Xóahttp://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=24452.375
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=17031.345
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=27448.105
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa