Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Phỏng vấn Dương Danh Dy về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

RFA
30-9-09

Phỏng vấn Dương Danh Dy về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Mặc Lâm

Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ngày hôm nay, 1 tháng 10 năm 2009 ăn mừng 60 năm với những thành tựu mà nước này đã phấn đấu đạt được qua nhiều thời kỳ. Trong sáu mươi năm đó, sự thành công hay thất bại nào của Trung Quốc cũng đều được Việt Nam chú ý học hỏi và lắm khi đi quá xa đến nỗi không nhận ra được ảnh hưởng sâu đậm của phương Bắc đối với nhiều vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc. Biên tập viên Mặc Lâm của RFA có cuộc nói chuyện với ông Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, người có khá nhiều nghiên cứu về Trung Quốc để tìm hiểu thêm những vấn đề giữa hai nước trong sáu mươi năm qua.

Mặc Lâm: Có một thời miền Bắc đã xem Trung Quốc như một kinh nghiệm thực tiễn cần noi theo và người dân tin rằng cái gì Trung Quốc đưa ra cũng đúng và tốt cả. Xin ông khái quát hoàn cảnh xã hội vào những ngày đầu tiên khi làn sóng học tập Trung Quốc dấy lên..

Dương Danh Dy: Đúng là có môt thời số đông người ở miền Bắc do những điều kiện hạn hẹp về thông tin, hạn hẹp về tiếp xúc với thế giới chỉ thấy Trung Quốc là nước ở gần, cùng chung cảnh ngộ với mình. Sau khi giành được thắng lợi họ xây dựng thành công họ có những kinh nghiệm này nọ cho nên không ít những người Việt Nam gửi gấm lòng tin vào đó và cũng cho Trung Quốc là một điển hình để mình có thể noi theo được. Nhưng sau một số những thất bại cụ thể của Trung Quốc trong phong trào “nhảy vọt lớn”, trong phong trào “trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng”, phong trào “công xã nhân dân” trong “toàn dân làm gang thép”…thì đã khiến rất nhiều người Việt Nam tỉnh ngộ. Người ta thấy rằng những chuyện học tập của ông bạn này phải cảnh giác.

Mặc Lâm: Trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa xảy ra thì giới lãnh đạo Việt Nam có những phản ứng như thế nào? Họ có rút được bài học gì qua biến cố này hay không?

Dương Danh Dy: Tôi phải nói cho nó rõ, một số người lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam thời bấy giờ ngay từ đầu đã thấy cái gọi là “Cách mạng văn hóa” thực chất là cuộc đấu tranh giành quyền lực nội bộ ban lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc chứ không phải cách mạng gì hết. Tất cả các mỹ từ họ dùng chung quanh việc ấy đều che giấu một sự thật. Chúng ta biết sau những thất bại lớn về phong trào đối nội, về những phong trào vừa nói thì chủ tịch Mao Trạch Đông hầu như bị cô lập và phải lui về thứ hai. Ông ta rút lui không ứng cử chủ tịch nước nữa mà làm chủ tịch đảng, chuyên làm công tác lý luận của đảng. Trước tình trạng mất quyền lực như vậy Mao Trạch Đông phải tìm cách phát động một cuộc đấu tranh để giành lại quyền lực. Việt Nam không có chuyện đấu tranh quyền lực tranh giành nội bộ cho nên ngay từ đầu ban lãnh đạo cao nhất của đảng không nghĩ đến chuyện học tập Trung Quốc để làm cách mạng Văn hóa. Tuy vậy cũng có một vài vị mà tôi không dấu gì bạn tức là có Ủy viên Bộ chính trị, có Ủy viên trung ương đảng, có Ủy viên dự khuyết trung ương đảng, tức là các cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng vẫn cho là cuộc cách mạng ấy là hay mà chúng ta phải học tập. Tất nhiên hoàn cảnh Việt Nam không có chuyện đấu tranh giành quyền lực gay gắt như ở Trung Quốc cho nên nếu ai có ý định đó thì bị phản đối ngay lập tức.

Mặc Lâm: Thế nhưng “Vụ án xét lại chống Đảng” thì sao? Nó xảy ra vào giai đoạn này và liệu có dính líu gì tới bài học Trung Quốc hay không thưa ông?

Dương Danh Dy: Cái đó thật ra cũng có chuyện tranh giành nội bộ nhưng ta dàn xếp khéo cho nên nó không bộc lộ ra mà chỉ giới hạn ở một số ít người thôi. Tôi có thể nói vậy vì đảng nào cũng có đấu tranh nội bộ hết nhưng có điều vấn đề chưa đi đến mức gay gắt thế thôi. Bảo Việt Nam không có là ý tôi muốn nói không có lớn và sống chết như của Trung Quốc

Mặc Lâm: Xem ra hiện nay vẫn còn một số nhân vật lãnh đạo vẫn giữ ý kiến cho là nên nhường nhịn hơn là căng thẳng với họ, ông nhận xét ra sao về những thái độ như vậy?

Dương Danh Dy: Tôi cũng xin nói thật với bạn tôi và nhiều anh em có tâm huyết trao đổi với nhau và dần dần chúng tôi mới ngộ ra thì chẳng qua là ở bên cạnh một nước lớn thì thời nào cũng thế thôi. Cũng có một số ít người chịu ảnh hưởng của Trung Quốc tức là đường lối của họ hay, chủ trương chính sách họ đúng, họ mạnh họ ghê gớm lắm thì tốt nhất là chúng ta nên thần phục…Để khắc phục tình trạng này thì chúng ta phải nêu cao ý chí dân tộc độc lập tự chủ tự cường. Ý chí không sợ gì hết trên cơ sở độc lập tự chủ chung sống với các nước láng giềng

Mặc Lâm: Trong cuộc chiến kéo dài hơn hai mươi năm…rồi cuộc chiến tranh biên giới cũng rất kiên cường ...Vậy sao trong thời bình như bây giờ lại có quá nhiều người chỉ nghe nói đến hai chữ Trung Quốc lại tỏ vẻ sợ hãi một cách khó hiểu như vậy?

Dương Danh Dy: Tôi có một suy nghĩ riêng như thế này, trong thời chống Mỹ, tôi lấy một thí dụ thôi. Lúc đó chúng tôi chỉ có một nửa ở miền Bắc, trước mặt là 50 vạn quân Mỹ và hơn một triệu quân đối phương. Chỗ dựa của chúng tôi là Liên Xô và Trung Quốc thì họ lại mâu thuẩn đánh nhau ở biên giới. Thế nhưng lúc đó triệu người như một, vì mục đích giải phóng dân tộc thống nhất đất nước nên không sợ gì cả. Bây giờ hơn 80 triệu dân, đất nước giang sơn thu về một mối…nói chung còn điều này điều nọ nhưng mà đều muốn xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh dân chủ tự do và hạnh phúc. Lại được đông đảo Việt kiều bên ngoài ủng hộ. Lại được các nước trên thế giới ủng hộ chúng ta, vào Liên hiệp quốc vào WTO... thế thì tôi nghĩ chẳng có gì phải sợ. Trung Quốc đúng là hiện nay họ rất lớn mạnh nhưng họ cũng có những giới hạn của họ. Giới hạn trong nước với những vấn đề nội bộ gay gắt chứ không phải đơn giản…rồi còn dư luận quốc tế và thế giới nữa. Trong xu hướng toàn cầu hóa thế giới hội nhập này không phải anh muốn làm gì cũng được nếu anh không giương được ngọn cờ chính nghĩa. Cho nên tôi nghĩ rằng đối với Trung Quốc chúng ta tôn trọng nhưng chúng ta cũng nói với Trung Quốc rằng hãy để cho chúng tôi yên, để chúng tôi tự làm theo con đường của chúng tôi

Mặc Lâm: Là một cán bộ ngoại giao làm việc tại Trung Quốc từ đầu những năm 62, ít nhiều gì ông cũng biết cá tính cũng như các thói quen phản ứng chính trị của nước này. Theo ông thì biện pháp nào ông cho là tốt nhất trong hoàn cảnh khá khó khăn hiện nay? Nhất là vấn đề biển đảo?

Dương Danh Dy: Theo tôi vấn đề biển đảo là nếu Trung Quốc và Việt Nam cứ khăng khăng là của mình thì sẽ không giải quyết được gì cả. Trung Quốc có dùng quân sự không? Tôi không loại trừ khả năng đó. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, thông tin hóa như hiện nay. Trong lúc thế giới phụ thuộc nhau thì việc này không dễ làm. Chúng ta không muốn chuyện đó. Chúng ta muốn giải quyết bằng cách thương lượng, hòa bình như ý muốn của nhiều người Trung Quốc vẫn thường nói

Mặc Lâm: Đối với giới lãnh đạo hiện nay ông mong muốn gì ở họ nhất thưa ông?

Dương Danh Dy: Tôi vẫn tâm nguyện là mong làm sao tầng lớp lãnh đạo Việt Nam, mong sao những cán bộ đối ngoại Việt Nam có được trí tuệ, có được bản lĩnh có được nghệ thuật chung sống với Trung Quốc thì tôi tin là chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông 
 

 

6 nhận xét:

  1. "Chúng ta muốn giải quyết bằng cách thương lượng, hòa bình như ý muốn của nhiều người Trung Quốc vẫn thường nói", nhưng phần lỗ nghiêng về ai, ông Dương Danh Dy không hề đề cập đến.

    Trả lờiXóa
  2. Phải khôn khéo mà chung sống thôi. Có muốn cũng không thể hót TQ đi đâu được.

    Trả lờiXóa
  3. Phải khôn khéo trước những hành động gây chiến ngoài biển của TQ, kéo dài thời gian, trang bị vũ khí, khí tài thành lập một Hải quân hùng mạnh và phải dựa vào các nước lớn ủng hộ mới mong thoát được ải này

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter