Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

65 năm một mùa thu...

THỨ TƯ, NGÀY 04 THÁNG TÁM NĂM 2010
65 năm một mùa thu...
Đoan Trang
Hà Nội sắp vào thu. Trời rất xanh và nắng rất trong, không còn dấu vết gì của những ngày nóng 40 độ C vừa qua.

Người ta hay bảo mùa thu là mùa của thi sĩ, văn sĩ. Nhắm mắt lại cũng nhớ ra bao nhiêu câu thơ, câu văn, câu hát về mùa thu:

Em không nghe mùa thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
” (Lưu Trọng Lư)

Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
” (Thâm Tâm)

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
” (Nguyễn Đình Thi)

Riêng tôi đặc biệt thích đến thuộc lòng một đoạn trích từ truyện ngắn “Chiếc mỏ neo” của Nguyễn Phượng Cầu. Nhân vật chính của truyện là một nhà báo u sầu. Truyện làm tôi thích và do đó, nhớ rất lâu, tuy chẳng hiểu gì:

Trời lại vào thu năm 1993. Giữa những ngày mưa có vài ngày nắng ráo. Nắng trong và sánh lại vàng như mật. Cây lá trong vườn biếc xanh. Tôi lại đi qua những khu vườn vắng, trên bãi cỏ lấm chấm một loài hoa dại màu tím và từ đấy chập chờn màu vàng cánh bướm. Trong một khoảnh khắc, tôi lại thấy Anna với khuôn mặt ngời sáng cùng những đường nét thanh xuân đang ngồi trên cỏ. Tôi vụt chạy đến, đàn bướm tỏa ra và bay lên, một lúc sau màu vàng tụ lại trên một đám cỏ khác. Tôi có bắt được con cá vàng nào trong cuộc đời này? Tôi còn có thể bắt được con cá vàng nào trong cuộc đời này? Trong một buổi chiều tôi đi qua bến đò, cầu tre đã bị nước lũ cuốn trôi từ trước đó, một mình lên núi Vạn. Trên chỗ cao nhất, nơi ngày xưa từng đứng, tôi nhìn xuống thị trấn Sông Lại, tôi nhìn vào trời mây, cặp bồ câu xưa giờ ở nơi đâu?

Gió núi cuộn lên từ lũng xa sau một lúc rung từng tán lá xào xạc giờ đã lặng hẳn. Tôi đứng yên, hai tay chắp trước ngực, chờ nghe lời mẹ gọi: “Dậy! Dậy học bài đi con!”…
”.


* * *

Và mùa thu cũng là mùa gợi cho người ta nhớ lại “những ngày thu năm xưa”, năm 1945. Là kẻ hậu thế, không có được dù chỉ một bức ảnh rõ ràng về “mùa thu cách mạng” ấy, nhưng đã nhiều năm nay, gần như tháng 8 nào, tôi cũng lần mò tìm gặp lại những người từng sống qua năm 1945 lịch sử. Nhiều khi cũng chẳng để làm gì, vì bài viết ra đâu có được đăng tải – lý do nhạy cảm chỉ là một phần, phần còn lại là do độc giả của báo chí được mặc định là không thích những đề tài lục lọi quá khứ. Tôi cũng chẳng biết có phải như thế không.

Nhưng tôi vẫn muốn tìm gặp những nhân vật ấy, để nghe những câu chuyện của họ, để lục lại những mẩu ký ức xa vời trong đầu họ. Và xót xa thấy cứ mỗi năm, số gương mặt từng chứng kiến mùa thu lịch sử 1945 lại vơi đi dần.

Họ có thể là những ai? Là cô thiếu nữ Hà Thành ngây thơ trong sáng, trốn bố mẹ đi “làm cách mạng”, mà khi tôi hỏi: “Đi làm cách mạng là đi đâu hả bác?”, thì cô thiếu nữ năm xưa trả lời: “Hồi đó tôi đâu có biết, người ta giao cho tôi báo Cứu Quốc rồi bảo tôi đi phát, rồi gọi đấy là “làm cách mạng” thôi”.

Họ là cậu thiếu niên 14-15 tuổi, người duy nhất trong vùng được đi học trường Tây, nhưng rất căm thù thực dân Pháp. “Hồi đó ai mà chả ghét Pháp? Bọn nó khinh mình, coi mình là An Nam mít, chửi mình, đá đít mình. Ai cũng ghét Pháp, muốn đuổi nó đi”.

Họ là người trí thức thành phố, chưa biết sử dụng súng đạn, nhưng một lòng đi theo Cách mạng: “Hồi đó, chúng tôi dũng khí thì có dư mà kinh nghiệm trận mạc, tổ chức đội ngũ chả có gì. Cướp được súng của Nhật, của Pháp, súng bự quá lại không biết cách tháo ra, cả chục người phải xúm lại khiêng một khẩu”.

Họ là nhà tư sản (mà sau này sẽ được/bị phân loại rõ ràng, hoặc là tư sản mại bản, hoặc là tư sản dân tộc) đã đổ công đổ của nhà ra để phục vụ cách mạng, từ bữa cháo gà cho các nhà cách mạng (miễn phí, tất nhiên) đến khoản “tài trợ” hàng triệu đồng Đông Dương, quy ra vàng lúc đó là hơn 5000 lượng.

Họ là những người đã hoạt động nội thành, trong vùng bị tạm chiếm, đầy căng thẳng và nguy hiểm. Không điện thoại di động, Internet – thời đó cơ sở hạ tầng thông tin làm gì được như ngày nay – họ chỉ có thể thỏa thuận trước với nhau tín hiệu riêng: Khi nào mở cánh cửa sổ bên trái là có lính Pháp đi càn, khi nào đóng nghĩa là an toàn. Cũng những con người ấy, khi chiến tranh kết thúc, họ lúng túng, sượng sùng trước mặt các đồng chí công an nghiêm khắc:
- Biệt thự này, các ông các bà bóc lột ai mà có được?
Thế đấy. Tất cả những gương mặt ấy đã và đang nhòa dần vào lịch sử đau thương của dân tộc.


* * *

Tôi có thể nói gì về những câu chuyện ấy, con người ấy?

Tôi không đủ tư cách để nói gì nhiều. Tôi chỉ dám nói một điều thôi, cũng là điều rất nhiều người đã nói: Đó là, dù thế nào, lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 cũng đã có một thời kỳ rất đẹp – theo cái nghĩa là toàn dân thống nhất một lòng chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Thời kỳ ấy đầy khói lửa, máu xương, chết chóc, nhưng “đẹp” là vì sự đoàn kết, vì tình người. Nhạc sĩ Phạm Duy gọi đó là những năm “cả nước lên đường”. Trước khoảng thời gian ấy, ở Việt Nam, nhiều người ghét thực dân, nhưng thật ra cũng sợ thực dân nữa. Chưa bao giờ cả một dân tộc nhỏ bé, nghèo nàn lạc hậu, vùng lên chiến đấu như thế.

Và thời kỳ đẹp đẽ ấy, như thói thường, rất ngắn ngủi. Từ đó cho đến nhiều năm về sau, cho đến… tận bây giờ, Việt Nam không có được một giai đoạn nào “cả nước đứng lên”, “toàn dân như một” nữa. Bây giờ, lãnh đạo có kêu gào khản cổ “chống tham nhũng”, cũng chẳng ai buồn đáp lại bằng hành động, và thật lố bịch nếu nghĩ rằng các cháu học sinh, các em sinh viên sẽ cắm đầu vào học sau khi được kêu gọi “học cho giỏi để mai sau kiến thiết nước nhà”. Cũng lố bịch không kém nếu ai đó tưởng rằng các doanh nhân - những nhà tư sản dân tộc của ngày hôm nay – sẽ hăng hái “thi đua sản xuất” để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đưa nền kinh tế đất nước vươn lên.

Bây giờ, mỗi lần gặp một nhân chứng của thời xưa, nghe chuyện họ kể, tôi lại bần thần hồi lâu. Tôi tự hỏi, các nhà lãnh đạo nói riêng hay tất cả những người tự nhận là “trung thành với Đảng, với lý tưởng cộng sản” nói chung, họ có biết họ đã đánh mất một thứ quý giá lắm hay không? Thứ mà ngày xưa họ đã từng có. Thứ mà giờ đây cực kỳ khó lấy lại.

Đó là lòng dân.

Họ có biết không nhỉ? Biết quá đi chứ. Nhưng chắc đối với họ, mất thì làm sao nào, quan trọng gì?

* * *

… Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi…

Nguồn: http://trangridiculous.blogspot.com/2010/08/65-nam-mot-mua-thu.html
---
" Đọc xong bài ' 65 năm một mùa thu...' của Đoan Trang, Kichbu nhớ lại ông bà, các gì, các cậu, chú bác và bố mẹ của mình từng vào tù ra tội trong hai cuộc kháng chiến với bao niềm tin và ước vọng cho một đất nước, một dân tộc độc lập, tự do và hạnh phúc.  Sinh thời, mẹ của Kichbu có nói: "Sự hy sinh của gia đình mình vì nước vì dân cũng như hạt cát trên biển thôi con".
Và cho đến bây giờ Kichbu vẫn tin như vậy và sống như họ đã từng sống và vào tù ra tội. "

13 nhận xét:

  1. KB tin và sống như họ thôi nhé, đừng vào tù ra tội như họ, khổ lắm.

    Trả lờiXóa
  2. Shanmai à,
    Vào một ngày đẹp trời, thằng con cậu của Kichbu làm tiền rất giỏi (làm chính đáng), khuyên: "Nhà ta đi làm cách mạng mà ông blốc bờ liếc thế à..". Kichbu thì mà rằng, cả nhà ta đã đi làm cách mạng thì Kichbu cũng làm cách mạng. Nhớ ông Tố Hữu nói không, bác Tố Hữu có mấy câu:

    "...Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
    Dấn thân vô là phải chịu tù đày
    Là gươm kề tận cổ, súng kề tai
    Là thân sống chỉ coi còn một nửa
    .."
    Bác ấy chỉ được cái nói đúng!

    Trả lờiXóa
  3. Thân Kinie chỉ còn 1 nửa thôi à :)

    Trả lờiXóa
  4. Chia làm ba phần tươi đỏ zoài..:)

    Trả lờiXóa
  5. Có phần nào hơi bầm bầm cho Zun cũng được :D

    Trả lờiXóa
  6. KB có định làm cách mạng kiểu "dùng cán bút làm đòn xoay chế độ" không ?

    Hình như câu " Dấn thân vô là chịu tù đày " thiếu mất chữ PHẢI.

    Trả lờiXóa
  7. Cám ơn Đoan Trang đã ghé thăm..:)

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn KB đã dẫn link cho mình xem bài viết này của Đoan Trang... thật đẹp và cảm động . Mình nhớ lại mấy năm trước có một lần mình tặng bà cô hai của mình 1 chỉ vàng để phòng hờ cháu có đi đâu xa... cô hai lỡ ốm đau có cái mà dùng ... Bà cô rưng rưng nước mắt nói : con cho cô như thế này mà cô thì không có gì cho con hết ... Mình mới đùa mà trả lời rằng : Tại vì cô hai mải mê đi xây dựng CNXH...chứ nếu cô hai lo xây nhà cho mình thì cô phải có tới mấy căn rồi...còn con thì không lo xây CNXH nên mới có chút đỉnh mà biếu cô hai đó... Cô cười mà rằng : Tổ cha mi... mi đay cô đó hả...

    KB thấy có thuơng không...nhưng người cha, người ông ,người bà... những người của mùa thu năm ấy.

    Trả lờiXóa
  9. Vào tù ra tội thì cũng hơi buồn. Nhưng mà buồn hơn khi những người làm cách mạng chân chính mong xây dựng một xã hội tốt đẹp, trong khi bị một số kẻ đầu cơ chính trị đánh cắp thành quả.

    Kichbu cứ làm cách mạng đi, nhưng phải tính toán kĩ nha. Đừng để những kẻ trước đây đánh cắp thành quả của những kẻ đi trước để tham nhũng, tích lũy tiền của, để đến thế hệ Kichbu lại làm cách mạng để họ được hợp thức hóa tài sản tham nhũng. Còn những người làm cách mạng chân chính thì nhiều thế hệ phải đi tù.

    Trả lờiXóa
  10. TẠI SAO 'vào tù ra tội' có lẽ:

    1. Vào tù chưa có tội thì cứ đập cho 1 trận là lòi tội ra ngay, thế là lúc vào không có tội lúc ra đầy tội
    2. Vào tù xong ra tù trông rất 'tội' nghiệp
    3. Tại vì có người vào tù làm Công An gây 'tội' ác, bản thân người CA không có động lực gây tội ác họ chỉ biết 'còn Đảng còn mình' cho nên vì 'trung với Đảng Ác với dân', cuối cùng thì ai Ác

    Trả lờiXóa
  11. @Shanmai: Kichbu đã edit rồi hen..:)
    @dauchandiadang: Thế hệ ấy nếu còn sống cúng trên bảy mươi cả rồi...Tận cuối đời vẫn không được hưởng CNXH của họ. Còn chúng ta thì quá độ dài dài đến vô tận..
    @ualac: Cái còm của bạn hơi bị nhầm chỗ..:)

    Trả lờiXóa
  12. mong rang chang co ai phai vao tu nua
    du tu lon hay tu nho
    bi kham cu hay kham moi
    "danh dau khong duoc , xin tuy hieu"

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter