Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2010

ĐỪNG NGHE...NÓI - HÃY XEM...LÀM

 

NÓI VÀ LÀM

Phan Hồng Giang

---

" TS Phan Hồng Giang: ĐỪNG NGHE … NÓI – HÃY XEM …LÀM (blog Nguyễn Xuân Diện). Cái “ba chấm”(…) chính là chữ “cộng sản”. Hic hic! Những người cộng sản nên mang ơn ông Thiệu về câu nói bất hủ này. Vì nó giúp nhắc nhở họ: đừng để cho câu nói đó cứ mãi mãi là chân lý. Hí hí! "- Lời bình của anhbasam.com

---

Sách cổ Trung Quốc có ghi lại mẩu chuyện lý thú về Án Anh, vị tể tướng nhỏ thó mà lừng danh nước Tề.

Có người hỏi Án Anh:

- Bao năm làm tể tướng, với tiên sinh điều gì khó nhất?

- Làm được điều mình nói, - Án Anh trả lời ngay tức khắc.

Đó là câu chuyện từ mấy ngàn năm trước. Còn bây giờ là chuyện cuối thế kỷ XX.

Giữa năm 1985, khi Mikhail Gorbachev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, mới phát động chiến dịch cải tổ và tăng tốc được ít lâu, ông có làm cuộc vi hành đến Leningrad. Để tạo hình ảnh một nhà lãnh đạo trẻ, năng động, gần gũi dân chúng, (tương phản với dáng vẻ nặng nề, ốm yếu, già nua của ông L.Breznev trước đó không lâu), ông Gorbachev đi bộ ra quảng trường Cung điện Mùa Đông để trò chuyện với nhân dân. Bắt tay một người đàn ông trung niên Nga, rắn rỏi, vạm vỡ, nhà lãnh đạo Liên Xô ân cần hỏi:

- Đồng chí làm nghề gì?

- Thưa đồng chí, tôi là thợ tiện nhà máy đóng tàu.

- Đồng chí muốn chúc điều gì cho tôi và Trung ương?

- Tôi chúc đồng chí và Trung ương làm được điều mình nói! - Người thợ tiện nọ trả lời ngay tức khắc… (Cũng phải nói thêm, lúc này, sau ít tháng xuất hiện ở cương vị cao nhất đất nước, người dân Liên Xô đã thấy ông Gorbachev bắt đầu bộc lộ hứng thú ưa đăng đàn diễn thuyết).

Hai câu chuyện cách nhau hàng ngàn năm xảy ra với hai người vị thế xã hội hoàn toàn khác nhau - vị tể tướng lừng danh và người thợ tiện vô danh. Ấy vậy mà ý tưởng và cung cách trả lời lại hoàn toàn giống nhau. Xin mạn phép độc giả kể lại chỉ cốt để nhắc đến một chân lý mà ai cũng dễ thấy: sống trên đời này để lời nói đi đôi với việc làm thật khó lắm thay!

*

* *

Chúng ta đang sống trong thời đại mà các phương tiện truyền thông có mặt mọi lúc mọi nơi. Những hàng chữ, những lời nói, những hình ảnh ngày ngày đập vào mắt, lọt vào tai chúng ta, dù muốn hay không muốn. Những sự việc người thật, việc thật cũng không thoát ra ngoài sự nhận biết của chúng ta. Và thế là, dù muốn hay không muốn, chúng ta cũng buộc lòng phải thấy sự khập khiễng, độ vênh - vênh đến dễ sợ! - giữa lời nói và việc làm đang diễn ra quanh ta.

Phải nói ngay rằng những điều khập khiễng kể ra dưới đây không hàm ý "vơ đũa cả nắm". Mặc dù vậy, nếu cứ tiếp tục diễn giải theo kiểu: "Mặt tốt đẹp là cơ bản, thành tích là to lớn, tuy nhiên…", thì những sự việc liệt kê ở phần sau chữ "tuy nhiên" sẽ ít có cơ may thuyên giảm, nếu không phải là sẽ nối dài thêm ra…

Xin liệt kê làm ví dụ so sánh giữa lời nói và việc làm theo kiểu "nhớ gì nói nấy", không có ý định hệ thống hóa.

Không ngày nào chúng ta không nghe nói đến quyết tâm bài trừ nạn tham nhũng. Nhưng lạ thay, tham nhũng như một quái vật có phép màu, cứ phổng phao, đâm thêm nhành ngọn, vụ sau to hơn vụ trước, cấp sai phạm không dừng lại ở cỡ quan chức thường thường bậc trung. Và bây giờ người ta có thể không ngần ngại mà gán cho nó hai chữ "quốc nạn".

Đi ra đường phố, thấy cảnh ô tô, xe máy, xe lam, xe đạp, xích lô, xe thồ ngược xuôi, lạng lách, rẽ ngang rẽ trái không theo một luật lệ nào, rồi thì chợ cóc, chợ xanh, chợ hoa dưới lòng đường, hàng hóa bày ra choán hết vỉa hè…, chúng ta hoang mang tự hỏi Nghị định về lập lại trật tự giao thông dân quên rồi sao? Mật độ dày đặc đứng đường (có lẽ là cao nhất thế giới) của cảnh sát giao thông cũng không làm giảm bớt bao nhiêu những ách tắc. Rồi cái nạn đua xe của mấy cô mấy cậu rửng mỡ, con nhà giàu, con ông cháu cha gây nhức nhối bao năm, sau rất nhiều lời hứa hẹn "kiên quyết chấm dứt" vẫn diễn ra như trêu ngươi; các thứ thư tay, điện thoại riêng "đề nghị chiếu cố, nương nhẹ" vẫn tồn tại sau mỗi lần Công an bắt giữ người, xe…

"Chính quyền của ta là của dân, do dân, vì dân", - câu nói đẹp nức lòng người dân mau chóng bị sao nhãng khi người dân đến cửa quan gặp phải những bộ mặt lạnh tanh, những câu trả lời nhát gừng và những kiểu đùn đẩy hồ sơ hết phòng, ban nọ sang phòng ban kia, những kiểu hẹn lần lữa không có hồi kết thúc như thử thách lòng kiên nhẫn của người dân. Kết quả là đơn thư khiếu nại chất thành đống, năm này qua năm khác, và cảnh ăn chực nằm chờ để khiếu kiện vượt cấp là tất yếu….

"Lương y như từ mẫu", câu khẩu hiệu gặp ở mọi bệnh viện, trên thực tế liệu đã làm yên lòng bệnh nhân chưa? Chắc chắn là chưa. Thế nên hầu hết người bệnh khi chẳng may phải lên bàn mổ, hay gặp bệnh hiểm nghèo, đều phải cố lần những đồng tiền còm cõi cuối cùng, kín đáo bỏ vào phong bì, rồi tìm kiếm cơ hội tiếp cận vị "lương y như từ mẫu" kia để mà nài nỉ, khẩn khoản họ nhận cho "tấm lòng thành" với mặc cảm của người có lỗi. Thật đáng thương thay! Rồi những tin bệnh nhân này, sản phụ nọ mất mạng vì sự thờ ơ, tắc trách của một số vị y, bác sĩ đâu còn là chuyện lạ…

"Cải cách giáo dục", "Nâng cao chất lượng dạy và học", "Giáo dục là quốc sách"… Những lời lẽ này được lặp lại ngày này qua ngày khác, nhưng những phiền muộn do giáo dục mang lại cũng không giảm. Nào là "quá tải phải giảm tải", "học thêm, dạy thêm", nào là sách giáo khoa viết sai in sai, đề thi ra nhầm lẫn, lộ đề trước khi thi, nào là các "lò luyện thi" thương mại hóa một cách lộ liễu đến trơ tráo, nào là bằng giả chứng chỉ giả, và nguy hiểm nhất là bằng thật nhưng học giả, học quấy quá, học chiếu lệ, vừa bận rộn công tác quản lý mà vài năm vẫn kiếm được vài cái bằng thật để rồi tiếp tục leo cao trên nấc thang danh vọng…

"Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực" - chân lý thật đúng, thật cao đẹp. Nhưng người lao động ở ta lại được hưởng một sự đãi ngộ, một chế độ lương thấp ngoài sự tưởng tượng của thiên hạ, một thang bậc lương không đủ bù đắp sức lực con người đã bỏ ra (dùng chữ là "không đủ tái sản xuất sức lao động"!), không đủ nuôi bản thân, chưa nói gì đến nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già cả. Một thang bậc lương khích lệ mọi người cùng cơ quan tìm cách ăn bớt (một cách lương thiện!) ngân quỹ nhà nước để còn tồn tại, để nuôi con ăn học, để sắm xe máy và… xây nhà!

"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết…", "Giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình…". Và trên thực tế, chẳng còn là điều bí mật gì với ai là tình trạng mất đoàn kết, đấu đá nội bộ, tố cáo nặc danh phổ biến ở nhiều cơ quan nhiều địa phương. Những người hôm qua còn là đồng chí với nhau, hôm nay đã không nhìn mặt nhau, coi nhau như kẻ thù. Phải chăng lời chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc năm xưa: "Muốn có đoàn kết, trong Đảng phải có dân chủ thực sự" lúc này lúc khác, nơi này nơi khác đã bị lãng quên?

Có thể liệt kê dài dài những khập khiễng giữa lời nói và việc làm. Nào "Sống và làm việc theo pháp luật", nào là "Cán bộ là đầy tớ của dân, lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ…", nào là "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi"…

Khi lời nói không đi đôi với việc làm (hay rất khó đi đôi với việc làm) đã trở thành thứ tật bệnh không còn ở ngoài da mà ăn sâu vào xương cốt, thì chúng ta phải cùng nhau đi tìm những phương thuốc hữu hiệu hơn để trị tận gốc căn bệnh đó. Hình dung như thế nào về phương thuốc đó có thể là chủ đề của một bài báo khác. Có điều chắc chắn là không thể dùng lời nói, lời hô hào suông mà chữa khỏi được./.

*Bài do tác giả gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện Blog. Xin chân thành cảm ơn TS. Phan Hồng Giang.

Nguồn: http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/08/ung-chi-nghe-noi-hay-xem-nhau-lam.html

9 nhận xét:

  1. Không thấy lời bình của Kichbu ?

    Dạo này các Tiến sỹ nói thẳng nói thật nhiều quá. Cũng gần đến lúc rồi...cảm giác gần lắm

    Trả lờiXóa
  2. Câu trên của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hình như nhắc lại của một tướng Hàn Quốc nào đó với binh lính trên mặt trận.
    Đại ý là "Ai bảo làm như tôi nói"

    Trả lờiXóa
  3. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi còn đương chức bộ trưởng bộ giáo dục, có đặt ra tiêu chuẩn phát triển cho trẻ tiểu học. Theo đó, học sinh học hết tiểu học phải có khả năng dự đoán mưa, bão.

    Dạo này mưa bão hơi nhiều.

    Tháng 10 XD đã đặt vé ra xem 1000 năm Thăng Long. Hi vọng thời tiết ôn hòa, không có mưa bão. Để còn đi và về cho kịp lịch, không bị lỡ việc.

    Trả lờiXóa
  4. Kichbu có vẻ nghiên cứu kĩ giới chính trị.

    Trả lờiXóa
  5. Bệnh di căn vào tận xương tủy rồi!

    Trả lờiXóa
  6. MỘT XÃ HỘI KHÔNG TỰ HIỂU MÌNH,
    MỘT XÃ HỘI NÓI DỐI
    Đăng bởi bvnpost on 15/08/2010
    ------------------------------------------------------
    Lê Bảo

    Một xã hội không tự hiểu mình, mỗi cá nhân không tự hiểu mình,vàng thau, phải trái, cao quý ti tiện lẫn lộn, các giá trị lẫn lộn từ sự bắt đầu của sự không chuẩn xác ngôn từ, vì ngôn từ đã làm nên văn minh này,vì nó có thể lưu truyền lại được nhiều kinh nghiệm của đời trước cho đời sau, càng ngày cái khả năng nhận thức càng đúng như nó có, khiến cho sự lưa chọn của con ngưới càng khách quan hơn, có hiệu quả tích cưc trong quá trình chủ động thích ứng với mọi đổi thay của môi trường sống và môi trường xã hội.

    Vậy mà ngôn từ lại là cái mặt yếu nhất của trong các lãnh vực thượng tầng kiến trúc của các nước xã hội chủ nghĩa. Vì công dân nước này dùng ngôn từ để che đậy chứ không phải để giao tiếp, hay giao tiếp bằng cách che đậy, "nói vậy chứ không phải vậy".

    Nó là cái vỏ cứng để bảo vệ mọi sự bất trắc, chống lại thói quen hay xét nét lời ăn tiếng nói của công dân của mọi chính quyền chuyên chế. Cái cách tự bảo vệ ấy lại càng rõ rệt ở các cấp lãnh đạo và các viên chức nhà nước, làm việc ở các cơ quan quyền lực. Họ nói bằng thứ ngôn ngữ khô cứng đã mất hết sinh khí, một thứ ngôn ngữ chết, ngôn ngữ "gỗ", nói cả buổi mà người nghe không nhận được một chút thông tin mới nào.



    Các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, diễn văn tại các buổi lễ kỷ niệm, báo cáo của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội, tất cả đều dùng những từ rất mơ hồ, ít cá nhân, ít trách nhiệm nhất. Người cầm quyền các cấp từ cao nhất đến thấp nhất đều biết rằng càng sử dụng cách nói mơ hồ thì càng được đánh giá là chín chắn.

    Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy. Dù vẫn biết là nói dối như thế sẽ không thay đổi được gì vì không được ai tin nhưng vẫn cứ nói . Nói đủ thứ chuyện, nói về dân chủ và tự do, về bình đẳng và công bằng, về nhân dân làm chủ đất nước và người cầm quyền là nô bộc của nhân dân; rồi nói về cần kiệm liêm chính, về chí công vô tư, về lý tưởng và cả quyết tâm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

    Nói dối lem lẻm, nói dối cách lì lợm, nói không biết xấu hổ, không biết run sợ vì người nghe không có thói quen hỏi lại, không có thói quen lưu giữ các lời giải thích và lời hứa để kiểm tra. Hoặc giả hỏi lại và kiểm tra là không được phép, là tối kỵ, dễ gặp tai họa nên không hỏi gì cũng là một phép giữ mình, người nói như nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt ở đấy nhưng cũng chỉ nghe như nghe những tiếng vang lại từ cái trống không.

    Nói để giao tiếp đã trở thành nói để không giao tiếp gì hết, nói để mà nói, làm người chẳng lẽ không nói ! ! !

    Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả, người cầm quyền biết là nhân dân đang bất bình và không tin, nhân dân thì biết người cầm quyền luôn luôn nói dối mà không từ bất cứ một câu nào, trường hợp nào; nói dối thành thần, nói dối như thở, nói dối mà không biết mình đang nói dối, và cuối cùng cứ tưởng là mình đang nói thật một cách hùng hồn. Không cần chứng minh gì hết, cứ nhìn vào thực tiễn thì biết ngay họ đang nói dối. Nhưng hãy mặc họ với những lời lẽ dối trá của họ, còn mình là dân thì chả nên hỏi lại ! ! ! ? Mình cứ làm theo ý mình và mình sẽ … cũng nói dối, nói che đậy nếu được (bị) nhà cầm quyền hỏi tới.

    Một xã hội tuyệt vời, anh nói dối, người ta cũng hiểu, anh không nói, người ta cũng hiểu. Người nói hiểu người nghe. Người nghe hiểu người nói. Không cần qua ngôn từ thật. Tuyệt vời thay.

    LB

    Trả lờiXóa
  7. Với ai cũng thế, không chỉ riêng với (...)

    Trả lờiXóa
  8. Cái ông Lê Bảo này "phản ánh thực tế rất trung thực". Hay thật!
    Có một lần P tui sau khi học xong một khóa học ( mà lời thầy dạy đã in đầy ra những cuốn sách chả ai thèm đọc), đã hỏi thầy: "thầy có tin vào những điều mình giảng không ạ?". Thầy trả lời không ngần ngại: KHÔNG. Cả thầy cả trò cùng cười. Sao chúng tôi lại phải dạy và học những điều mình không tin nhỉ? Thế mà cả nước này mất thời gian của bao thế hệ làm cái điều vô tích sự ấy. Chỉ để tồn tại!!!

    Trả lờiXóa
  9. Ngôn ngữ là hệ thống ký hiệu mang tính võ đoán, tồn tại dưới dạng lời nói và chữ viết.
    Là công cụ để giao tiếp giữa con người với con người. Đổ lỗi cho ngôn từ e không đúng..:)

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter