Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2009

Bàn về nhân tài thời toàn cầu hóa

Bàn về nhân tài thời toàn cầu hoá
Để hội nhập thành công trong thời toàn cầu hoá, Việt Nam phải trông cậy vào nhân tài – các nguồn nguyên khí của quốc gia. Đã đến lúc phải chấn hưng và phát triển đồng loạt các nguồn nguyên khí theo các chuẩn mực quốc tế nhằm bảo vệ, cạnh tranh và phát triển quốc gia trong thời đại ngày nay.


>>
“Chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi Mới”
>> Bao giờ giải được bài toán “đặt người tài đúng chỗ”?
>> Tôi mong lãnh đạo quốc gia có tầm nhìn Lý Quang Diệu

Mỗi lần đọc Bình Ngô Đại Cáo, trong lòng mỗi người dân Việt Nam lại trỗi dậy một niềm tự hào: “Dẫu mạnh yếu có lúc khác nhau. Song hào kiệt đời nào cũng có”

Hai câu thơ trên tuyệt vời vì vừa làm lòng ta dâng lên một xúc cảm tự hào dân tộc, vừa gieo cho ta những niềm tin và hy vọng về người Việt Nam, cụ thể là về nhân tài Việt Nam.

Tuy vậy, vì giới hạn không gian lịch sử, địa lý, nhân tài Việt Nam trong Bình Ngô Đại Cáo được ngụ ý so với nhân tài láng giềng. Ngày nay, nhân tài nên được soi bằng các thước đo toàn cầu.

Sẽ là việc làm thiết thực nếu chúng ta cùng xem xét lại các “nguồn nguyên khí” quốc gia. Bài viết này thử đề cập đến ba dạng nhân tài: nhân tài tri thức, nhân tài lãnh đạo chính trị và nhân tài kinh doanh, xem như ba “nguồn nguyên khí” chính của việc phát triển nước nhà trong mối quan hệ so sánh với các nước

“Nguyên khí tri thức”: Bàn về nhân tài tri thức

Nhân tài là "nguyên khí  quốc gia. Ảnh: vnexpress.

Hai tiêu chuẩn được đưa ra làm thước đo đánh giá trí thức ngày nay là giải Nobel và các bài nghiên cứu được đăng trong các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Hai tiêu chuẩn cũng chính là tiêu chuẩn đánh giá và xếp loại các trường Đại học, các trung tâm nghiên cứu trên thế giới.

Đối chiếu với tiêu chuẩn thứ nhất, thì kinh tế Nhật Bản hùng mạnh như vậy cũng chỉ là “tiểu quốc” so với Mỹ và các nước châu Âu. Trung Quốc hiện cũng đang nỗ lực để giành được một giải Nobel, nhưng xem ra việc này còn khó hơn... đưa đội tuyển bóng đá Trung Quốc vào chung kết World Cup.

Đối với Việt Nam, khi lấy tiêu chuẩn là các công trình được đăng trong các tạp chí chuyên ngành quốc tế hoặc khu vực để so sánh thì vấn đề chúng ta thiếu hụt nhân tài cũng rõ ràng không kém.

Ví dụ, so với Thái Lan, tổng số các công trình nghiên cứu của tất cả các trường ĐH, Viện Nghiên cứu của VN được đăng ở các tạp chí quốc tế và khu vực chưa bằng số các công trình của trường Đại học Chulalongkorn của Thái Lan (Theo Phạm Duy Hiển, tạp chí Tia Sáng 10/11/2008). Trong khi trường Đại học này của Thái Lan vẫn chưa nằm trong top 200 Đại học của thế giới.

Nói như vậy không có nghĩa chúng ta không có nhân tài. Việc cần làm bây giờ là phải xem lại thực trạng của “nguyên khí” này.

"Nguyên khí" lãnh đạo

Ảnh: ibla
Bàn đến nhân tài thì không thể không bàn đến tài năng của những nhà trị quốc, vì nếu những nhà lãnh đạo quốc gia không thật sự là nguyên khí quốc gia thì có lẽ đất nước khó phát triển được.

Năng lực của họ quyết định sự phát triển của đất nước, có ảnh hưởng rất lớn đối với uy tín quốc gia cũng như đối với niềm tin, tự hào hay thất vọng của công chúng.

Không đề cập đến bằng cấp, hay việc có tốt nghiệp các đại học danh tiếng hay không, việc so sánh các kết quả công việc cũng có thể giúp đánh giá dạng nhân tài hay “nguồn nguyên khí” này.

Trong thời chiến, những tướng lĩnh của Việt Nam so với các quốc gia cùng thời không thua kém. Trần Hưng Đạo thế kỷ 13, Võ Nguyên Giáp thế kỷ 20 chẳng hạn, là những lãnh đạo đã làm rạng danh đất nước. Trong thời bình, đặc biệt là thời đại toàn cầu hóa thì chúng ta đã có những lãnh đạo ngang tầm thời đại?

So sánh các mặt tích cực lẫn tiêu cực. Từ sự đĩnh đạc, khả năng giao tiếp quốc tế, khả năng định hướng giải quyết chuyện quốc gia, khả năng thấu hiểu các vấn đề quốc tế ảnh hưởng đến công việc của mình, khả năng sử dụng nhân tài… hay ngược lại, chuyện kém năng lực, tham nhũng hối lộ. Rõ ràng trong thời đại thông tin, việc so sánh này không phải là không thể.

Tóm lại, liên quan đến việc đánh giá nhân tài là các lãnh đạo thì có thể nhìn sang khu vực, nhìn ra thế giới, ôn cố tri tân… Những nhân tài lãnh đạo thật sự sẽ chính là những lãnh đạo có thể cải tạo những cơ chế để phát huy năng lực của mình.

Quốc gia muốn phát triển mạnh mẽ thì những người đứng đầu phải là nguyên khí quốc gia, phải làm cho khu vực và thế giới nể phục, và hơn hết là phải canh cánh trong lòng một nỗi KHÁT KHAO LÀM RẠNG DANH DÂN TỘC!

Nhân tài kinh tế - doanh nhân tài năng và thương hiệu toàn cầu

Phải biết vun trồng tài nhân. Ảnh: saga.
Thử lấy một thước đo, đó là sự hiện diện của các nhãn hiệu toàn cầu (global brand), để đánh giá các doanh nhân tài năng. Trong thời bình, chính các doanh nhân tài năng với các nhãn hiệu toàn cầu đã thay các anh hùng lịch sử với các chiến công, để làm vẻ vang đất nước. Nói cách khác, các nhãn hiệu toàn cầu đã mang hình ảnh của một quốc gia ra thế giới.

Đất nước “lớn” hay “bé” có thể tùy thuộc vào số lượng của các nhãn hiệu này. Dù chúng ta là những người tự hào về truyền thống chống ngoại xâm của cha ông nhưng cũng phải nhận thấy một thực tế là chính các nhãn hiệu toàn cầu và các doanh nhân tài năng góp phần quyết định uy tín của một đất nước trong thời đại ngày nay.  

Ngày nay, người ta biết đến một quốc gia qua các sản phẩm toàn cầu của các quốc gia nhiều hơn là qua các anh hùng lịch sử của các quốc gia đó. Các công ty này làm cho người ta biết đến quốc gia của nó, gia tăng uy tín quốc gia trên trường quốc tế!

Người Nhật tự hào vì Sony, Honda, người Pháp tự hào vì Pierre Cardin, L’Oréal, Hà Lan với bia Heneiken hay Thuỵ Điển với Ericson, người Hàn quốc với Samsung, Hyundai… và vô số nhãn hiệu "made in USA". Người Trung Quốc ngày nay cũng bắt đầu tự hào vì Haier, Levono…

Việt Nam không có trong danh sách các nước sở hữu một trong 500 công ty hay 500 nhãn hiệu uy tín nhất thế giới. Mở rộng danh sách này ra đến con số 2000 công ty lớn nhất thế giới mà Forbes có xếp hạng thì có 57 quốc gia chia nhau sở hữu các công ty này. Đông Nam Á có 4 nước là Singapore với 14 công ty, Malaisia 14 công ty, Thái Lan 13 công ty, Philipine với 1 công ty, và Việt Nam không có công ty nào.

Nhà nước đã đi đúng hướng trong việc khuyến khích tạo lập doanh nghiệp, nhưng liệu đã xác định vai trò của doanh nhân như những người quyết định hình ảnh quốc gia theo xu hướng hội nhập? Thông qua các nhãn hiệu họ tạo ra trên thị trường thế giới, các doanh nhân chính là những người làm rạng danh quốc gia, là những người thổi một niềm tự hào mới cho dân tộc. 

Lòng tự hào dân tộc

Tất cả trông cậy vào nhân tài – các nguồn nguyên khí của quốc gia.
Ảnh: vietnamnet


Chính lòng tự hào dân tộc đã khiến các ông chủ tập đoàn ở Nhật Bản, Hàn Quốc cảm thấy vì sự bé nhỏ của quốc gia mình mà từ đó quyết tâm xây dựng những tập đoàn lớn mạnh, không để người ta cho mình là bé nhỏ.

Ở Việt Nam, chúng ta cũng có những nhà lãnh đạo, các doanh nhân, những trí thức, nhà nghiên cứu… đang thực sự trăn trở vì vận nước, mong muốn đưa đất nước tiến lên.

Ý thức mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc với những truyền thống hào hùng của ông cha, với nguồn cảm hứng xen lẫn hỗ thẹn từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nước Đông Á vốn cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc nhưng lại vượt hơn Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore vì biết tách khỏi Trung Quốc, hướng ra thế giới phát huy các “nguồn nguyên khí” trên tinh thần toàn cầu hóa và theo các tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam cũng có thể làm điều đó!

Tất cả trông cậy vào nhân tài – các nguồn nguyên khí của quốc gia. Đã đến lúc phải chấn hưng và phát triển đồng loạt các nguồn nguyên khí theo các chuẩn mực quốc tế nhằm bảo vệ, cạnh tranh và phát triển quốc gia trong thời đại ngày nay.

  • Lê Vinh Triển

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/7361/index.aspx

8 nhận xét:

  1. Lãnh đạo và kinh doanh thì Kukem không biết nên không dám bàn. Còn nhân tài trí thức thì hình như ở đây bỏ qua những người làm về xã hội - văn học - nghệ thuật thì phải.
    VN ta còn kém nhưng lại mắc bệnh tự sướng kiểu như "người VN thông minh, sáng tạo... hàng đầu thế giới". Chưa nói đến phương Tây và Nhật, chỉ China và India ta cũng còn phải xách cặp học dài dài...
    Dù sao thì Kukem tin rằng về trí tuệ thì thứ hạng người VN cao hơn thứ hạng về kinh tế nhiều, ít nhất cũng không thua một nước ĐNÁ nào. Vì vậy để đất nước nghèo hèn lạc hậu như hiện nay là một tội ác không thể tha thứ!

    Trả lờiXóa
  2. Người Việt Nam hay người nước nào thì cũng là con người. Nhưng không ít người Việt xem mình như công dân hạng II ?

    Trả lờiXóa
  3. Kubi nói đúng roài, Nhiều người Việt ra ngoài tự xem mình như công dân hạng 2 nhưng về nhà lại tự sướng và vênh váo với người trong nhà.
    Dù sao thì tớ vẫn tin là có những dân tộc thông minh hơn những dân tộc khác. Nói vậy không phải tự ti mà là biết được mình đang ở đâu :)

    Trả lờiXóa
  4. Bao giờ thì bỏ được cảm giác tự tị và tự đại ý nhỉ..:)

    Trả lờiXóa
  5. Thành một đề tài mới rồi :))
    Lại nhớ tụi Tàu có quyển "Người TQ xấu xí" đọc khá thú vị. Việt Nam mình chưa có quyển nào thì phải.

    Trả lờiXóa
  6. ... "Người Việt Nam xấu xí" :)

    Trả lờiXóa

Steps


Flag Counter